Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016

Yêu - Dấu.


Người ta hay nói "yêu", nghĩa là gì ta đã quá rõ, cũng có khi nói "yêu dấu", với nghĩa như "yêu", có người nói vui "yêu là phải dấu" thôi, chứ yêu đâu có bô lô ba la cho bàn dân thiên hạ biết được.

Bạn nói chuyện, tục ngữ "Con vua vua dấu, con chúa chúa yêu", đọc thì ta có thể suy đoán và hiểu "dấu" và "yêu" là hai từ có ý nghĩa tương đương, hiểu nôm na là "thương mến", ngày xưa tục ngữ dùng hai từ độc lập, nhưng bây giờ ta có thể thấy từ "yêu" vẫn còn được viết hay nói một mình, chứ từ "dấu" thi không ai dùng một mình như trong tục ngữ nữa, chẳng hạn người ta nói "Anh yêu em", chứ chẳng nói "Anh dấu em", nói thế vợ hay người yêu sẽ bắt bẻ ngay "Này này, anh dấu cái gì? Khai ra mau".

Về nhà lật sách thì thấy đúng là như vậy, "dấu" là một từ cổ để chỉ sự thương yêu, đã được giám mục Alexandre de Rhodes ghi nhận trong tự điển Việt-Bồ-La của ông từ năm 1651 (Bản dịch của nhóm Thanh Lãng, NXB Khoa Học Xã Hội-1991):

- DẤU: Mơn trớn, âu yếm, dấu. Yêu dấu con: thương yêu và mơn trớn con. Thuốc dấu: bùa để làm cho yêu.

Thỉnh thoảng có dịp lật lại sách vở để hiểu rõ hơn về một từ ta vẫn quen dùng.

2 nhận xét :

  1. Thật là thú vị khi bác Hiệp tra từ điển Việt - Bồ - La là từ điển hiếm để hiểu rõ nghĩa của DẤU. Dấu có nghĩa là thương yêu, mơn trớn. Dấu cũng có nghĩa tương đương với YÊU. Trong từ điển của Viện Ngôn ngữ do Hoàng Phê chủ biên ( 1992) cũng dẫn chứng : Con vua vua dấu, con chúa chúa yêu. ( trang 258). Như vậy DẤU tương đương hay đồng nghĩa với YÊU. Điều lí thú là hiện nay chúng ta vẫn nói "Bùa yêu thuốc dấu" nhưng không mấy ai tra nghĩa "thuốc dấu" là thuốc gì. Hóa ra từ điển bác chụp đã cho ta biết nghĩa của THUỐC DẤU. Thuốc Dấu - Bùa để làm cho yêu. Nghĩa là "bùa yêu, thuốc dấu" là cách nói kép để chỉ thứ làm cho người ta yêu. Tuy vậy dân gian vẫn hát rằng ( trong quan họ Bắc Ninh), vẫn nói rằng " đi lấy đạo bùa yêu"," bỏ bùa yêu" chứ không nói " lấy thuốc dấu" hay "bỏ thuốc dấu". Có lẽ theo thời gian, nghĩa yêu của từ Dấu đã mờ dần đi, chỉ còn lại chứng tích trong thành ngữ và tục ngữ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Từ điển là một công cụ đắc lực cho ta biết nhiều điều về quá khứ, chẳng hạn như trong trường hợp từ "dấu" vừa rồi, cách nay mấy trăm năm vẫn còn lưu lại trong "bùa yêu thuốc dấu". Đây có lẽ không phải là thành ngữ hay tục ngữ, mà chỉ là một "cách nói kép" như bác Vũ Nho đã nhận định. Và theo thời gian thì từ "dấu" đã gần như mất đi cái nghĩa độc lập của nó mà chỉ còn đứng sau từ yêu để trở thành một từ ghép.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))