Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Đọc sách (2).

Hội sách Tp. HCM 2016. Ảnh Internet.

Ở bài viết "Đọc sách" trước, anh bạn trẻ Huy Trường vào "phe" (khoe) đi hội sách lần này đã làm rơi tiền (chắc phải kha khá) để khuân về khá nhiều sách, sơ bộ thôi đã thấy sách biên khảo về văn hóa, phong tục, địa lý, lịch sử... Đặc biệt là một bộ tới 30 quyển viết về khoa học thường thức của NXB Trẻ (viết dưới dạng vui, dễ đọc), và có một suy nghĩ, một tầm nhìn xa căn cơ rất hay, là để dành sau này dùng làm kiến thức "dạy con nhỏ" (hiện nay anh bạn trẻ này vẫn còn độc thân vui tính). Phải hoan hô tầm nhìn dành cho thế hệ tương lai của anh bạn trẻ.

Anh bạn trẻ cũng có mua quyển "Madam Nhu - Trần Lệ Xuân quyền lực Bà Rồng" nói về "Đệ nhất phu nhân một thời" (thời đệ nhất Cộng hòa ở miền Nam). Tựa tiếng Anh "Finding the Dragon Lady: The Mystery of Vietnam's Madam Nhu", dịch giả Mai Sơn chuyển Việt ngữ. Đây là tác phẩm đầu tay của một nữ tác giả trẻ người Mỹ Monique Brinson Demery, một ngưới đã tốt nghiệp Thạc sĩ khoa Đông Á học tại đại học Harvard, sách mới được xuất bản tại nước ngoài vào năm 2013. Ở Việt Nam, tuy chỉ mới phát hành bản in lần đầu vào tháng 2 năm 2016 nhưng đã bán hết ngay, sách tái bản lần này của NXB Hội nhà văn và Phương Nam Book. Có lẽ sách viết rất hấp dẫn đọc thấy phê nên anh bạn trẻ HT phê liền trong 3 đêm đã đọc hết (355 trang sách), và anh bạn trẻ này nói có mua dành cho tôi một quyển, hôm nào rảnh rủ cafe sẽ gởi.

Vậy là kỳ này số hên, không đi nghía sách được nhưng sẽ có sách đọc của bạn Marguerite và của anh bạn trẻ Huy Trường tặng. Cám ơn hai bạn, cái này là "Ở hiền gặp lành" đây, bạn bè quan tâm gởi cho sách thật là đúng điệu. Hì hì!

Bìa quyển "Madam Nhu-Trần Lệ Xuân quyền lực Bà Rồng". Ảnh Internet.

Nói đến quyển "Madam Nhu - Trần Lệ Xuân quyền lực Bà Rồng", tôi có tìm đọc một số thông tin trên mạng, thấy trên trang của VnExpress có viết về một số lỗi in trong sách ở lần xuất bản đầu (bài viết đề ngày thứ Tư 9-3-2016). Những sai sót như sau:

- Bản dịch ghi ông Ngô Đình Cẩn là "người anh chồng của bà Nhu" (trang 19). Thực tế thì Ngô Đình Cẩn là em chồng chứ không phải anh chồng.

- Trang 55 nói về cách giáo dục của ông Ngô Đình Khả (thân phụ của các ông Diệm, Nhu...), sách ghi: "Ở trường, ông yêu cầu họ theo học chương trình Âu Châu. Ở nhà, ông dạy họ học tiếng phổ thông kinh điển". Cụm từ "tiếng phổ thông kinh điển" là gì? Những chữ rất tối nghĩa, hoặc có thể nói vô nghĩa. Tiếng Anh của cụm từ này là "Mandarin classic", "Mandarin" có nghĩa là tiếng phổ thông tiêu chuẩn (tiếng Quan Thoại) của Trung Quốc (chữ Hán). Gia đình của ông Diệm tuy theo đạo Công giáo, nhưng là một gia đình có nề nếp Nho gia. Trong câu này ta có thể dịch "Ở nhà ông dạy họ học chữ Nho".

- Sách viết sau cuộc đảo chính năm 1963 lật đổ chính quyền của TT Ngô Đình Diệm, thì "Tướng Minh Lớn trở thành Tổng thống" (trang 296). Lúc ấy chức danh của tướng Minh là "Chủ tịch Hội đồng quân nhân cách mang" chứ không phải Tổng thống. Đến cuối tháng 4 năm 1975 tướng Minh mới trở thành Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, sau cuộc bàn giao từ TT Trần Văn Hương.

- Chú thích nơi trang 337, tướng Trần Văn Đôn được ghi là "Đại tướng". Cấp bậc cao nhất của ông Trần Văn Đôn là "Trung tướng" chứ không phải Đại tướng.

Ngoài những lỗi cơ bản đó, bản in lần đầu còn những lỗi nhỏ khác về đánh máy, dịch sai các chữ liên quan đến các chức danh hành chính, danh từ... Những lỗi này đều do bạn đọc phát hiện phản ánh (tuy không phải là to tát, nhưng bất cứ một người bình thường nào cũng có thể phát hiện ngay). Ở lần tái bản vừa rồi thấy thông báo những lỗi này đã được sửa chữa, hiệu đính. Viết đến đây tôi thử xem một quyển sách đến tay bạn đọc sẽ qua bao nhiêu khâu kỹ thuật. Cao nhất là người "Chịu trách nhiệm xuất bản", xuống thấp hơn là "Chịu trách nhiệm nội dung", rồi đến "Biên tập", "Sửa bản in", "Kỹ thuật vi tính". Chưa kể tác giả cuốn sách, tôi thấy trong những khâu trên có 3 khâu có vẻ có liên quan trực tiếp tới những sai sót kể trên, đó là "Chịu trách nhiệm nội dung", "Biên tập", "Sửa bản in". Nhưng vẫn còn những hạt sạn (không đáng có).

Ở bài viết trước "Nhân Hội sách nói về sách", tôi có nêu ngày trước ở miền Nam có những nhà xuất bản uy tín, sách của họ in ra gần như không hề có những lỗi như thế, bởi nhà xuất bản nhờ được một học giả giỏi trông coi về sửa chữa, hiệu đính bản morasse (bản trước khi in chính thức), gọi là "Thày cò" (Correcteur). Nhiều quyển sách của những nhà xuất bản có uy tín ở miền Nam trước năm 1975 tôi có, tôi chẳng hề thấy cuối sách ghi ai chịu trách nhiệm gì cả, ngay tên "Thày cò" cũng không có, thế mà sách rất ít có sai sót.

Không rõ sách bây giờ được viết, in ra sao, mà thấy có nhiều khâu kỹ thuật nhưng vẫn bỏ sót những lỗi rất cơ bản như vừa kể bên trên.

Một điều khác nữa trong việc đọc sách tôi nhận thấy là ta nên đa dạng sách đọc, nghĩa là nên đọc nhiều thể loại sách, và nên đọc kỹ chứ không nên đọc qua quýt lấy có. Điều này thì ông bạn Vũ Nho, một người bạn qua lại lâu nay có nhắc đến trong comments ở bài viết trước. Đọc nhiều thể loại cho ta cái nhìn rộng, đọc kỹ cho ta cái nhìn sâu, và đọc nhiều, đọc kỹ ta mới có thể "tiêu hóa" được những kiến thức trong sách đã đọc, biến kiến thức sách vở thành tri thức của bản thân. Những kiến thức về khoa học, văn học (cổ điển, hiện đại), về lịch sử, địa lý, về văn hóa, phong tục... luôn giúp ích cho ta trong cuộc sống, nó làm cho cuộc sống, những suy nghĩ của con người trở nên đa dạng, phong phú. Trước đây khi đọc sách (ở nhà), tôi thường có một quyển sổ tay, ghi chép lại những đoạn trong sách thấy hay, sau lười nhưng vẫn luôn có cây viết dạ quang màu để đánh dấu, nên có thêm cây thước kẻ nhựa mỏng để kẻ đoạn đánh dấu ngay ngắn, không nên kẻ nguệch ngoạc làm xấu, mất giá trị trang sách. Đánh dấu như thế khi cần tìm lại đoạn văn ấy sẽ dễ hơn.

Một khi đã đọc sách quen, dần dần ta sẽ hình thành một thói quen quan sát, lý luận, phán đoán. Sự kiện như thế nhưng người viết dựa trên những tư liệu, nguồn gốc nào? Có đáng tin cậy hay không? Tư liệu đáng tin cậy rất quan trọng trong việc đánh giá, kết luận một sự kiện. Nếu nguồn gốc, tư liệu mơ hồ sẽ dẫn đến việc đánh giá, kết luận mơ hồ... Chữ trong sách của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, hoặc của sách viết cách nay cả trăm năm chẳng hạn, nếu lấy ý nghĩa trong từ điển hiện đại ngày nay để đối chiếu rồi nói ngày xưa dùng sai, viết sai, có chắc đúng không? Vì ý nghĩa của nhiều từ ngữ đã biến đổi qua thời gian, ngày xưa cũng chữ ấy nhưng được dùng với nghĩa khác. Bởi thế những từ điển xưa, sách vở cũ vẫn luôn còn hữu dụng, đừng nghĩ đã lỗi thời, quan trọng là phải biết tùy theo trường hợp mà sử dụng...

Nói tóm lại, đọc sách là một thói quen tốt, đọc nhiều, chưa chắc người ta sẽ trở thành học giả, nhà thông thái, hay nhà nghiên cứu, người viết văn hay... nhưng đọc, biết suy nghĩ, tìm tòi, chắt lọc, đối chiếu, cộng thêm với kinh nghiệm sống, ta có thể rút ra được những cái hay của sách. nó sẽ cho con người những tri thức, tự tin, bớt đi những thành kiến, định kiến, từ đó sẽ hình thành nên một tính cách, và cao hơn, là một nhân cách.




Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

Đọc sách.

Những em nhỏ đọc "ké" sách trong một nhà sách. Ảnh Internet.

Hôm nay bế mạc tuần lễ Hội sách Tp. HCM 2016 (27-3-2016), một sự kiện văn hóa (có lẽ đúng nghĩa) không quá ồn ào nhưng đã được nhiều giới quan tâm, trong đó có giới trẻ. Thật tiếc là tôi đã không đi được Hội sách lần này để ngắm sách và kiếm vài quyển sách ưng ý. Tôi có người bạn quen thân, như bạn Marguérite, ghé hội sách mua được một số sách học Anh văn hay, và sách của thiền sư Nhất Hạnh, và bạn Marg. nói khá ngạc nhiên khi thấy ở hội sách có một loại sách về văn hóa, lễ hội dân gian... in đẹp, nhưng được bán theo một cách khá lạ và ngộ, là cân từng quyển sách lên rồi tính tiền... Biết tôi thích đọc loại sách này mà không đến được hội sách, bạn Marg. có nhã ý mua và sẽ gởi tặng cho tôi.

Hai anh bạn Bố susu và Huy Trường rủ nhau ghé hội sách, anh bạn trẻ Huy Trường khoe mang sách về nhà nhưng làm... rơi tiền (chắc kha khá, dân mê sách mà đã đến đây thì không thể lấy phương châm "đừng để tiền rơi" làm kim chỉ nam). Còn bạn hơi già hơn là Bố susu thì nói sẽ trở lại hôm khác, vì hôm ấy chưa mua được cuốn sách nào.

Nói về sách thì không thể không nói đến đọc sách. Đọc sách cũng giống như nghe nhạc, xem phim, hay... ăn uống, ai thích gì thì sẽ chuyên về món đó. Người thích sách văn học (sách văn học cũng có nhiều thể loại), người thích sách kiếm hiệp, người thích sách trinh thám, người thích sách khảo cứu văn hóa, sách về ngôn ngữ, giáo dục... v.v... Tôi đọc được một thông tin là trong hội sách lần này thì loại sách ngôn tình không còn được ưa chuộng (hình như các bạn trẻ thích loại sách này). Một điều khác là loại sách điện tử (Ebook) kỳ này không được giới đọc sách chú ý bằng sách in cổ điển. Dù sao đấy cũng là những thông tin đáng mừng.

Nếu bạn Marg. nói chọn cho mình sách học Anh văn và những quyển sách viết nhẹ nhàng của Nhất Hạnh, thì anh bạn trẻ Huy Trường không nói ra nhưng tôi biết cái "gu" đọc sách của anh bạn trẻ này, tuy còn đang tuổi đôi mươi, nhưng chắc chắn "lão trẻ" này sẽ dốc túi mua những sách dành cho tuổi không còn trẻ, sách của học giả Vương Hồng Sển, những sách về khảo cứu văn hóa... Có điều khá ngộ, là anh bạn trẻ HT sinh trưởng ở miền Bắc, mới vào Nam sinh sống vài năm nay, nhưng lại thích nghe nhạc Phạm Duy, đọc sách của cụ Vương như một người Saigon cố cựu... Còn anh bạn Bố susu đi hội sách nhưng chưa mua được quyển nào, có lẽ tại sách nhiều quá đâm rối , hẹn hôm khác sẽ ghé mua sau.

Hai anh bạn này tôi mới quen sau này qua blog, tuổi còn trẻ, tính tính hiền hòa, dễ mến, đã đi uống cafe cùng hai bạn, hồi này không có dịp ngồi lại cafe tán dóc. Hẹn hai bạn vào dịp khác.

Cuộc sống muôn màu, muôn vẻ, vật chất là cần thiết, nhưng sở học mênh mông và chúng ta cũng đang sống trong thời của tri thức, mà muốn có tri thức thì ngoài mười mấy năm trường lớp ra không đâu tốt bằng đọc sách, tìm học trong sách. Muốn thế đầu tiên ta nên trang bị trong nhà một tủ sách nhỏ, chừng dăm chục quyển sách, trong đó có một số từ điển thông dụng, rồi từ đó có thể phát triển thêm, mua sách, đọc sách không nên gấp gáp, vì đó là một thú vui, khi đã quen với việc đọc sách, ta sẽ dần định hình được từng loại sách, loại nào đọc để giải trí, loại nào cần cho kiến thức, tác giả nào viết nghiêm túc, nhà xuất bản nào có uy tín. Người thích đọc sách sẽ được hưởng niềm vui là thỉnh thoảng kiếm được quyển sách hay mà mình ưng ý.

Tôi có đọc báo, thấy có thông tin là người Việt mình ít đọc sách, ít lắm (tính theo tỉ lệ phần trăm dân số). Ta thường hay than tại cuộc sống bây giờ bận bịu quá, trăm ngàn thứ việc phải lo nên ta ít có thời giờ đọc sách. Thực ra nếu còn muốn đọc sách, ta vẫn có thể có được khá nhiều thời giờ trong ngày dành cho việc đọc sách. Khi ở nhà cũng như khi ra khỏi nhà tôi luôn chuẩn bị sẵn một quyển sách thích hợp, năm mười phút không phải làm gì (như khi chờ đón con cháu tan học, chờ khi đi khám bệnh, ở nhà ga chờ chuyến bay đi công tác, du lịch, hoặc chờ khi chở bà xã đi chợ...), là ta đã có thể đọc đươc dăm trang sách hay...

Cũng có người đã nói với tôi, thời buổi này mua sách làm gì cho chật nhà, muốn biết gì cứ váo Google gõ là ra hết, họ nói vậy cũng có cái phải, trên mạng gì cũng có, đấy là ưu điểm của thời đại kỹ thuật. Bản thân tôi cũng vẫn thường tra cứu trên mạng, nhưng tham khảo là chính, muốn dùng dữ liệu trên những trang mạng cần thận trọng, cân nhắc, nên đối chiếu nhiều nguồn hoặc với sách. Tôi biết cũng có những người đụng chuyện gì cũng "xợc gu gồ" rồi cứ thế mà "copy-paste" mà không ghi trích nguồn, thoạt đầu cứ tưởng gặp người kiến thức rộng, nhưng chỉ một vài lần như thế là biết ngay, bởi câu trước đá câu sau, ý sau đả ý trước...

Cuối cùng thì tôi rất thích cảnh thường hay gặp khi ghé qua những nhà sách lớn như trong tấm hình bên trên, những em nhỏ ngồi khoanh chân bệt dưới đất, say mê đọc ké sách (xưa hồi tôi còn là nhóc tì gọi là "coi cọp"), với tôi trông dễ thương hơn là cảnh bọn nhóc bây giờ (có khi còn đang tuổi mẫu giáo), đã chúi mắt chúi mũi vào cái iPad tối ngày chơi trò chơi điện tử.






Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Nhân Hội sách nói về sách.

Sách giảm giá ở Hội sách luôn là quan tâm của nhiều người. Ảnh Internet.

Đang là tuần lễ Hội sách Tp. HCM 2016 (21-3-2016 đến 27-3-2016) tại Công viên Lê Văn Tám. Mọi năm tôi không thể bỏ qua tuần lễ này, thường là phải đáo qua đáo lại vài lần, và tốn khá bộn xu cùng công sức khuân những quyển sách về nhà. Những hội sách như thế này là dịp để các nhà xuất bản, các nhà sách lớn tiếp cận cung cấp sách tới tận tay người đọc, và người đọc cũng có cơ hội tìm được cho mình những quyển sách ưng ý, nhiều khi với giá rẻ vì sách đã được giảm giá do xuất bản đã lâu (dân mê sách trong túi thường không được rủng rỉnh). Năm nay thì đành chào thua, nhiều chuyện bó chân bó cẳng, đành phải hẹn dịp khác.

Nói tới sách thì mấy tháng trước cái chân bị tai nạn, không thể leo 2 tầng lầu về nhà, phải đi tá túc hai tháng trời nơi khác, ở nhà bà giúp việc nói với bà xã, sao không kêu ve chai bán quách đi đám sách vở bề bộn, nhất là những quyển sách cũ, làm sao mà đọc hết, chỉ tổ bụi bám chật nhà. May mà bà xã tôi cũng biết giá trị của những quyển sách cũ tôi có nên nói chị đừng đụng tới, chị mà bán ve chai ông ấy về là có chuyện đấy. May thật! Về nghe kể lại tôi chỉ biết lắc đầu, cũng không thể trách chị giúp việc, những quyển sách, nhất là sách cũ (nhiều quyển xuất bản ở Saigon trước năm 1975 bây giờ không dễ gì kiếm ra), những quyển sách giấy đã ố vàng ấy đối với tôi là quý, nhưng với chị thì chỉ là rác chật nhà, không hơn không kém.

Mấy mươi năm đọc và mua sách tôi có một số sách kha khá của vài tác giả quen thuộc ở miền Nam, viết từ trước năm 1975, như những sách trong Tủ sách học làm người của các học giả Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần, Hoàng Xuân Việt. Sách về khảo cứu viết về đề tài Nam bộ của nhà văn Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, học giả Vương Hồng Sển... Trong số tác giả này tôi vẫn thường xuyên đọc đi đọc lại sách của các cụ, nhất là sách của cụ Vương. Ai quen đọc sách của cụ chắc biết, cụ là một người sống nhiều, đọc nhiều, viết nhiều, bậc thày về chơi cổ ngoạn và chơi sách (sưu tầm sách hay, quý, hiếm). Xưa không có mạng để tra cứu dễ dàng như bây giờ, nên nhất nhất muốn biết gì phải nhờ đến sách, và từ những sách quý hiếm đã đọc, cụ đã gạn lọc viết lại cho hậu thế đủ điều.

Cụ Vương Hồng Sển và sách Sài Gòn Năm Xưa được xuất bản qua nhiều thời kỳ. Ảnh Internet.

Cụ Vương sanh năm 1902, mất năm 1996, sống gần trọn thế kỳ XX, và mất cách nay chẵn chòi hai mươi năm. Văn của cụ viết lan man, tản mạn như người già kể chuyện đời (mà cụ hay kể chuyện đời xưa lẫn chuyện đời nay). Đọc sách của cụ Vương ta không có cảm giác đang đối diện với một quyển sách vô tri, mà như đang đối diện với một con người. Cái cách kể chuyện của một ông già Nam bộ, khề khà, chuyện này xọ sang chuyện nọ lan man không dứt. Tuy trước năm 1975 cụ đã từng dạy nhiều năm ở hai đại học nổi tiếng miền Nam bấy giờ, là đại học Saigon và đại học Huế, cụ đọc sách đông tây kim cổ, nhưng sách của cụ không viết theo kiểu bác học, ta hiếm thấy  trong sách xuống hàng gạch đầu giòng A lớn, a nhỏ, I La Mã, 1 thường, 1a, 1b... Chuyện Tàu, chuyện Tây, chuyện Ta... biết điều gì cụ cứ thong thả nói, thời gian và sự việc cứ quyện lấy nhau. Đọc sách của cụ phải đọc kiểu trà dư tửu hậu, gạn đục khơi trong không thể vội vàng...

Đặc biệt cụ không hề giấu "nghề", những "ngón nghề" chơi công phu của cụ trong lãnh vực sưu tầm cổ ngoạn, sách báo. Hơn ai hết cụ hiểu tri thức là của nhân loại chứ không phải của riêng bản thân. Cụ "dốc hết cả ruột gan" để cống hiến cho đời tất cả những kinh nghiệm "chơi đồ cổ", trong những sách "Thú chơi cổ ngoạn", "Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa", "Cảnh-Đức-trấn đào-lục", "Khảo về đồ sứ men lam Huế", "Cuốn sổ tay của người chơi cổ ngoạn"... Những hiểu biết khó ai có được về khảo cổ bởi cụ đã từng có thời gian dài làm Quản thủ Bảo tàng Quốc gia tại Saigon. Không chỉ lưu lại cho đời những kiến thức uyên bác, chuyên ngành quý báu, cụ còn để lại những kiến thức tưởng như rất nhỏ nhặt, tầm thường nhưng lại rất thú vị trong cuộc sống, để ý ta có thể học được vô khối điều hay nơi cụ.

Một từ rất quen thuộc ta vẫn thường hay gặp là "Tiệm cầm đồ". Các bạn nào ở Saigon hẳn biết loại tiệm khá đặc biệt này, đã có từ trước năm 1975. Sau giải phóng nó biến mất một thời gian dài, và nay xuất hiện trở lại. "Cầm đồ", chữ "đồ" ở đây có lẽ bất kỳ ai cũng dễ dàng hiểu là "đồ đạc", họ cầm đủ thứ thượng vàng hạ cám, xe cộ, laptop, điện thoại, cho đến vàng bạc, nữ trang... Nhưng cụ Vương cho biết "đồ" trong cầm đồ không phải là "đồ đạc" nói chung. Trong sách cụ viết:

"... danh từ "đồ" nay còn thấy lưu dụng, (tiệm cầm đồ), và "đồ" có nghĩa là "vàng đồ" tức vàng thấp, không đáng gọi "vàng y" và đời xưa không có "hóa nghiệm tư trang tinh xảo"...".

(Nửa đời còn lại, NXB Tổng hợp Tp. HCM - 2013).

Một chữ khác là "Thày cò", thày cò này không phải là cò mối lái ăn tiền trong các loại gọi là dịch vụ bây giờ, hoặc là "Thày cò, thày đội" xưa gọi là "Phú lít". Xưa ở Saigon trong nhà in, tòa báo, luôn có một ông gọi là "Thày cò", thường là một cụ đã lớn tuổi, đeo cái mục kỉnh dày cộm, cụ này phụ trách sửa chữa, hiệu đính phần morasse trước khi in ra sách hoặc báo. Nhiệm vụ của "Thày cò" là sửa những lỗi chính tả, những chữ dùng sai, viết sai nghĩa, hiệu đính những ý nghĩa điển tích... và đây là một việc làm rất quan trọng chứ không phải đơn giản, phải là người có kiến thức rộng mới đảm trách được công việc khó khăn phức tạp này*. Ngày xưa có những nhà in, nhà xuất bản uy tín cho ra những sản phẩm ấn loát hoàn chỉnh, xuyên suốt quyển sách không hề có một lỗi nhỏ, dù chỉ là lỗi chính tả, nó góp phần nâng cao giá trị cho quyển sách. Bây giờ không biết có còn không những "Thày cò" như thế?

Từ "Thày cò" này là từ tiếng Pháp "correcteur" mà ra.

(Tạp bút năm Giáp Tuất 1994, NXB Trẻ - 2014).

Một kiến thức nữa về đặt tên địa danh ở Nam bộ mà cụ Vương cho biết cũng rất thú vị. Chẳng hạn ở Lục tỉnh xưa có vùng người ta đặt tên đất dọc theo mỗi bên kênh, rạch, mé sông tùy theo tả, hữu. Tỷ như mé tả là chữ Nhiêu (tổng Nhiêu Khánh, Nhiêu Hòa), mé hữu là chữ Phong (Phong Mỹ, Phong Điền).

Một chuyện khác như tại sao gọi là "cá linh", "kỳ đà cản mũi"? Chuyện này lại liên quan đến sự tích thời chúa Nguyễn Ánh bị Tây Sơn truy đuổi. Chúa gặp lúc bị Tây Sơn đuổi nà đang ở trên thuyền trong sông tính ra cửa sông chạy ra biển, bỗng gặp nhiều con cá nhỏ lấp lánh ánh bạc bằng ngón tay nhảy váo thuyền, cho là có điềm báo nên thôi không chạy ra biển nữa. May thay thoát được phục binh Tây Sơn chờ sẵn ngoài biển, nên đặt tên cho loài cá ấy là "cá linh".

Lần khác cũng đang trên thuyền tính ra khơi, tự nhiên thấy con kỳ đà lội ngang mũi thuyền, chúa sanh nghi thôi không ra khơi nữa. Sau nghe nhờ thế thoát được quân Tây Sơn đang chờ sẵn.Từ đó có câu "kỳ đà cản mũi"...

(Nửa đời còn lại).   

Trong một bài viết: "Nói chuyện tào lao qua ba ngày tết", cụ có bàn về hai chữ rất thông dụng là "chồng, vợ", cụ viết:

"Tỷ như hai chữ "chồng, vợ" tôi đã ghe phen hỏi nhưng thảy đều lắc đầu, duy trâu già hết sợ đao, xin cứ hỏi: "chồng" có thể hiểu ở trên chồng xuống, còn tiếng vợ có thể hiểu ở dưới bợ lên, như vậy có thể chấp nhận được không, vì trong Nam nầy, "v" thường nói nghe như "b".

(Tạp bút năm Giáp Tuất 1994).

Đọc đoạn văn này tôi giật mình cười khì. Ấy, cái điều cụ Vương nói "chuyện tào lao" coi bộ lại có vẻ rất nghiêm túc về mặt ngôn ngữ. Tiếng Việt ngày xưa thời các cố Tây, chữ "v" dùng ngày nay thường lẫn với chữ "b": "bua quan" = "vua quan", "bòi" = "vòi", "bái" = "vái", "bạt" = "vạt", "bẹo" (béo) = "véo", "bung" = "vung", "buột" = "vuột", "biện" = "viện"...

Xem ra điều cụ Vương gọi là "nói chuyện tào lao" bên trên, nói theo kiểu bây giờ là "hoàn toàn có cơ sở", hì hì!

Bổ sung:

Ảnh Internet.


Ghi chú:

* Ngày trước thời Tây nhà in Maurice ở Saigon có được học giả Lê Thọ Xuân (quê Bến Tre, người đương thời viết nhiều sách và những bài viết khảo cứu rất có giá trị), là bạn của cụ Vương Hồng Sển làm Thày cò sửa bản in, nên sách của nhà in này in ra không có lỗi. Thế mới hay xưa kia một quyển sách in ra đã được nhà xuất bản chăm chút nội dung đến mức nào.
Thời gian gần đây, tôi thấy sách của một số nhà xuất bản, chẳng hạn như NXB Tổng hợp Tp. HCM, NXB Trẻ, NXB Nhã Nam... đã có những tiến bộ đáng kể cả về hình thức lẫn nội dung của sách, rất đáng khen.









Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

Chơi.

Trẻ con chơi quay (đánh cù, chơi cù), miền Nam gọi là chơi bông vụ.
Ảnh: Bùi Anh Nam.

Tôi đọc sách của cụ Vương Hồng Sển, một học giả cố cựu đất Nam bộ sách của cụ rất quen thuộc với bạn đọc phương Nam xưa nay. Bạn nào hay đọc sách của cụ ắt hẳn sẽ nhớ cụ hay dùng những chữ như "Thú chơi sách", "Thú chơi cổ ngoạn", "Thú ăn chơi"... Chữ "chơi" ở đây là để cụ nói lên cái đam mê của mình trong những lãnh vực này mà ít ai rành rẽ hơn cụ.

Trong một quyển sách* viết đã lâu, nhưng mới được xuất bản lần đầu gần đây, cụ viết:

Nói ra thì mang tội giành công cho mình, nhưng theo tôi riêng biết, có lẽ trước năm 1945, ba chữ "Thú chơi sách" chưa ai từng dùng. Năm 1945 ấy, tôi đang làm thơ ký nơi Tòa bố tỉnh Sốc Trăng**, một bạn thân mời tôi viết bài và đăng đàn diễn thuyết nơi hội Khuyến học của tỉnh lỵ quê nhà. Tôi hăng hái và chọn đề tài là "Thú chơi sách", bạn tôi sửa lại là "Thú coi..." hoặc "Thú đọc...", tôi kính cẩn thưa hai chữ ấy đề tục, không nên lái lại, bạn tôi cười và tha thứ cho tôi và nhờ vậy mà có hai bản nhỏ nay đã bán hết: "Thú xem truyện Tàu và "Thú chơi sách".

Ấy là cụ Vương, khi đã ngoài 90 đã viết trong sách của cụ như thế. "Chơi" là một chữ bây giờ rất phổ biến, đủ thứ đủ loại "chơi", không có gì phải e ngại, kiêng kỵ. Ta vẫn thường nghe, nói hằng ngày. Trẻ con chơi đùa, vui chơi với những trò chơi của chúng. Người lớn đi chơi, nói chơi, ăn chơi... Những cái "chơi" của trẻ con, người lớn này cốt để vui, tìm cái thư giãn. Đấy là những cái "chơi" thông thường lành mạnh. Nếu "nói chơi" chỉ là để đùa vui, không ác ý, thì "chơi khăm", "chơi trác"... là hành động cố ý gây hại (về tinh thần hoặc vật chất) cho người khác, và "chơi nổi", "chơi trội" là việc làm có ý muốn hơn người. Phong lưu thì "chơi chim", "chơi cá", muốn tan hoang cửa nhà thì "chơi bài", "chơi đề". Thanh tao hơn người ta có "chơi thơ", "chơi chữ"... Những tay giang hồ cự phách, cao thủ võ lâm thì "chơi cho biết đá biết vàng/ Biết tay cao thấp biết gan anh hùng", hoặc "chơi cho vua biết mặt, chúa biết tên". Thời nay thanh niên hư hỏng, hoặc đồ già... dịch thừa tiền thừa của ưa "chơi bời lêu lổng", mang tiếng trác táng, sa đọa...

Để chắc ăn, tôi thử tra trong từ điển tiếng Việt xem chữ "chơi" xưa nay đã được hiểu ra sao?

Đại Nam Quấc âm tự vị (Saigon 1895-1896) của Huình Tịnh Paulus Của cho biết:

- Chơi: Hứng vui, không làm công chuyện.
- Chơi bời: nghĩa như trên.
- Chơi nhởi: nghĩa như trên.

Trong quyển Từ điển tiếng Nghệ, chữ "nhởi" là phương ngữ, có nghĩa là "chơi", đi nhởi là "đi chơi", như vậy ta có thể thấy, chữ "nhởi" trong "chơi nhởi" trong tự vị miền Nam ghi trên có gốc tích từ chữ "nhởi" của xứ Nghệ.

Việt Nam tự điển (Hội Khai Trí Tiến Đức, Hanoi 1931):

- Chơi. 1. Làm, đi, hay là nói cho giải trí hay cầu vui. 2. Đi lại chơi bời với nhau. 3. Không định, không có chủ đích. 4. Nói về cách du đãng. 5. Đùa nghịch.

- Chơi bời. 1. Đi lại quen biết, đùa bỡn. 2. Du đãng.

Việt Nam tự điển, Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ hiệu đính (Saigon 1970):

- Chơi: đt, Giải trí, làm những việc để qua thì giờ, có ích cho tinh thần, không mệt trí// Đùa nghịch// Mạnh giỏi không đau (cháu nó chơi)// Giao hợp với nhau// Lấy có, không thật.

- Chơi bời: Giao du với nhau// Chơi những trò có hại// Thuộc đàng điếm, ăn chơi.

Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên - 1997.

-  Chơi: đt. 1. Hoạt động giải trí hoặc nghỉ ngơi. 2. Dùng làm thú vui, thú tiêu khiển. 3. Có quan hệ quen biết, gần gũi nhau trên cơ sở cùng chung thú vui, thú tiêu khiển. 4. (thường dùng sau đt.). Hoạt động chỉ nhằm cho vui mà thôi, không có mục đích gì khác (đùa chơi, nói chơi). 5. (kng.). (Trẻ con) tỏ ra khỏe mạnh, không đau ốm. 6. (kng.). Hành động gây hại cho người khác, nhưng xem như trò vui (chơi khăm).

- Chơi bời: đt. 1. Chơi với nhau (nói khát quát). 2. Ham chơi những trò tiêu khiển có hại (nói khái quát). 3. (kng., dùng phụ sau đt.). Làm việc gì mà không quan tâm đến mục đích cũng như đến kết quả cụ thể.

Xem một số từ điển được xuất bản xưa nay ở các miền nước ta như trên, ta thấy chỉ có quyển Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức (Lê Ngọc Trụ hiệu đính) xuất bản ở Saigon năm 1970, khi giải nghĩa chữ "chơi" đã nói rõ, nói trắng ra một nghĩa mà các quyển từ điển khác hình như "kiêng kỵ" không nói tới, đó là nghĩa "Giao hợp với nhau", một hành động tính giao của con người.

Nhưng đấy lại không phải một nghĩa mới mẻ gì của chữ "chơi". Trong truyện Kiều được nhiều người cho là Nguyễn Du đã viết sau khi đi sứ Trung Quốc (1814-1820), cách nay cả 200 năm, cụ Nguyễn Du đã sử dụng chữ "chơi" trong nhiều trường hợp, trong đó có một nghĩa mà Việt Nam tự điển đã nói như trên:

Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
(Câu 45-46).

Buổi ngày chơi mả Đạm Tiên, 
Nhắp đi thoắt thấy ứng liền chiêm bao. 
(Câu 229-230).

Trong những câu này "chơi" có nghĩa là "đi chơi, vui chơi".

Gã kia dại nết chơi bời, 
Mà con người thế là người đong đưa.
(Câu 1410-1411),

"chơi" ở đây là "chơi bời" có nghĩa là "ăn chơi trác táng".

Gió quang mây tạnh thảnh thơi,
Có người đàn việt lên chơi cửa già.
(Câu 2063-2064).

"chơi cửa già" ở đây là tìm đến chốn già lam, nơi thiền môn thanh tịnh.

Một câu khác:

Dưới trần mấy mặt làng chơi, 
Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa.
(Câu 835-836),

Thì chữ "chơi" (làng chơi, chơi hoa) ở đây có nghĩa là "chơi ở chốn lầu xanh", mà cụ Đào Duy Anh đã giải thích trong Từ điển truyện Kiều là "lấy hoa làm vui, nghĩa bóng là chơi gái".

Trên đây là những ý nghĩa của chữ "chơi", và "nghề chơi nào cũng lắm công phu", muôn màu muôn vẻ... Bạn cũng như tôi, ta sẽ chọn cho mình một chữ "chơi" thích hợp.



Tham khảo:

- Từ điển truyện Kiều, Đào Duy Anh, NXB Khoa học Xã Hội, Hà Nội 1974.


Ghi chú:

* Sách có tựa Tạp bút năm Quí Dậu 1993, Vương Hồng Sển, NXB Trẻ - 1993.

** Sốc Trăng: Sốc Trăng là đất nhau rún của tôi, làm sao tôi dám quên nguồn gốc mà bỏ cho được, nhưng tôi buồn lòng, họ không giải nghĩa vì sao họ viết Sóc Trăng, không có cái nón đội đầu là không có dấu mũ? Tôi thuở nay viết Sốc Trăng có dấu mũ luôn luôn, vì dựa theo tiếng gốc là tiếng Miên (Khmer), Srock-khléang, Hán tự viết Khác-lằng, phiên âm dịch ra tiếng Việt là Sốc Trăng, hay là họ dựa theo tiếng Tây đời Pháp thuộc, viết Soc-trang, không chấm dấu, và nếu họ cứ viết Sóc-trăng (không dấu mũ) thì cho tôi hỏi: ngày sóc, tức ngày mồng một làm sao có trăng?

Trích trong Tạp bút năm Giáp Tuất 1994,Vương Hồng Sền, NXB Trẻ - 1994.





Thứ Ba, 15 tháng 3, 2016

Tháng 3.

Ảnh Internet.

Ông bà ta nói "Tháng ba bà già chết rét", hoặc "Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng ba rét nàng Bân"... Thực ra tháng ba trong tục ngữ, ca dao xưa là tháng ba "ta" tức là tháng ba âm lịch, tính theo dương lịch (Tây lịch) đã là tháng 4, còn tháng 3 giờ ta hay nhắc là tháng dương lịch, thì âm lịch mới chỉ là tháng hai, nghĩa là mới qua tết được một tháng.

Buổi sáng coi tin thời tiết trên tivi thấy miền Bắc trời vẫn còn rét, trung bình mười mấy độ, cao lắm là hai mươi mấy độ, trong khi miền Nam chỉ còn mát mẻ vào ban đêm và chút sáng sớm, còn lại là nắng nóng. Đến tháng 4, tháng 5 cao điểm mùa khô, năm nay ảnh hưởng nặng nề của El Niño, sông hồ khô cạn, vùng đồng bằng sông Cửu Long sông nước mênh mông , nhưng thiếu cả đến nước uống vì bị nhiễm mặn. Thiên tai, hạn hán, giông bão bây giờ không phải là chuyện của trời nữa, mà là chuyện của người và có nguyên nhân từ chính con người...

Tôi có một tháng 3 "nóng" trong đời không thể nào quên, "nóng" theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, là tháng 3 năm 1975, khi Tây nguyên thất thủ trong cuộc chiến tương tàn mấy mươi năm, và tôi đã là một người trong đoàn người hỗn loạn bỏ chạy khỏi vùng súng đạn ấy... Tôi mất khoảng 20 ngày bằng đủ mọi cách (đến đầu tháng 4 mới về đến Saigon, qua biết bao nhiêu điều không muốn nhớ). Thôi, điều này để cho lịch sử nhớ, bản thân mình không nên nhớ làm gì.

Từ đó đến nay biết bao nhiêu tháng 3 đã đi qua? Biết bao nhiêu những thay đổi trong cuộc sống? Vài năm sau tháng 3 ấy, lúc ấy trở về Saigon đang làm công nhân tình cờ một bữa buổi chiều đạp xe đi làm về, gặp lại một người bạn hồi còn đi học lếch thếch ngoài đường, tay dắt theo một đứa nhỏ. Trước bạn học Trưng Vương (cùng với Gia Long là một trong hai trường nữ trung học công lập nổi tiếng ở Saigon). Bạn quen khi còn đi học, sinh hoạt trong phong trào thanh niên, học sinh. Hỏi thăm bạn nói giải phóng xong chồng đi học tập, nơi ở vận động đi kinh tế mới, bế con đi rồi sống không nổi đành trồi về lại nhà cha mẹ ruột, ngày ngày dắt con ra chợ ngồi buôn bán rau cỏ lặt vặt qua ngày. Hôm ấy tôi đã vét hết túi được còn vài đồng (tiền lúc bấy giờ) đưa cho bạn, bạn không nhận, tôi phải nói tôi đi làm công nhân nhà nước, sắp đến ngày lãnh lương rồi bạn mới chịu cầm.

Cũng nhớ một lần khác, lần này thời gian đã xa xa cái tháng 3 bi thảm ấy, cuộc sống không phải đã khá như sau này nhưng đã đỡ hơn. Một buổi chiều cũng đi làm về, rảnh đạp xe ghé ngang nhà sách Xuân Thu (quen gọi tên cũ Xuân Thu nhưng đã đổi thành Nhà sách ngoại văn) trên đường Tự Do xưa (lúc ấy là Đồng Khởi), kiếm mua một quyển sách, gặp lại một bạn cũ khác. Lần này tình hình có khá hơn, bạn đang ngồi tính tiền nơi "két" của nhà sách, cũng đã đến giờ về bạn nói chờ một chút để bạn thay ca rồi rủ đi uống cà phê. Cùng bạn ra quán Givral gần đó, lúc ấy Givral, Pagode... gì cũng đã trở thành quốc doanh, hình như do ngành Du lịch quản lý, cà phê đá nước "giảo" màu nhờ nhờ như nước màu kho cá, bánh ngọt vẫn còn nhưng đã bớt bơ, ít đường, bột pha chai nhách (hôm ấy trong quán tôi nhìn thấy cả... chuột nhắt chạy), nhưng được cái giá nhà nước rẻ rề, lương công nhân vài chục có thể vào ăn cái bánh uống cà phê mà không thấp thỏm thiếu tiền trả, chứ nơi này thời trước khi còn học sinh cũng ít dám héo lánh.

Lâu quá không nhớ rõ, nhưng hình như hồi đó vào quán quốc doanh ăn uống, phải mua vé trước gọi là "tích kê", xong ra quày đưa vé rồi ra bàn ngồi chờ, cũng có nơi ta phải bưng bê tự phục vụ, nhưng không phải kiểu tự phục vụ "self service" như bây giờ. Nhiều khi gặp lời nói, cử chỉ thiếu lịch sự nơi người mậu dịch, bỏ tiền ăn mà như đi xin của bố thí, nhưng không hề gì, lúc ấy miễn là ta có được một chỗ ngồi, có được cái ăn cái uống. Cái khó đôi khi làm con người ta hèn và cam chịu như thế.

Từ ngày ấy đến nay không gặp lại hai người bạn này nữa. Bạn sau gặp ở nhà sách có nghe nói đã định cư cùng gia đình bên Huê Kỳ. Cũng mừng cho bạn.

Thời gian trôi qua, rồi mọi chuyện cũng thay đổi, những gì thuộc vật chất khá dần lên, cái thời ăn độn khoai sắn, bobo, bột mì... uống thuốc "Xuyên tâm liên", chữa cảm cúm bằng cách nhỏ thuốc tỏi vào mũi như gà, đạp xe đến... chai mông rồi cũng qua đi, xe đạp quốc doanh hiệu Chiến Thắng thay bằng xe gắn máy Nhật... nghĩa địa hiệu Honda (xe nghĩa địa nhưng giá tính bằng cây vàng, không biết sao hồi đó vẫn thu xếp sắm được). Trong nhà khá hơn có thêm tủ lạnh nhỏ nhỏ, cái tivi màu 14 "inh" hiệu Vietronic vỏ nhựa đỏ đến kỳ coi trực tiếp bóng đá World Cup đỡ buồn, và tối tối hàng xóm tụ lại xem phim Tây du ký của Tàu có yêu nữ đánh phép mê ly. May hơn con cái đã có sữa sùng, cái ăn cái uống khá hơn, ở thành phố được học hành trường lớp tương đối...

Cuộc sống văn minh kỹ thuật tiến nhanh, quá nhanh... không thể ngờ được xã hội vật chất thay đổi nhanh đến thế. Ở vào thập niên 80 của thế kỷ trước có ai ngờ được ngày nay? Từ lúc đạp chiếc xe đạp quốc doanh cà tàng (phải cạy cục nhờ quen biết mới xin duyệt mua được giá chính thức), nay xe tay ga mới hiện đại đề nhẹ một cái máy nổ êm ru, nhiều người tầm tầm cũng đã sắm xế hộp đi cho bảnh. Công nghệ thông tin tiến vượt bực, điện thoại thông minh... thế giới như thu nhỏ. Tôi có ông chú ruột xưa vì lý tưởng, trốn nhà đi đánh Pháp hồi chưa đủ tuổi thanh niên. Năm 1954 chiến thắng trở về Hà Nội, cần mẫn làm cán bộ công đoàn mấy mươi năm liền tại một công ty chế tạo máy móc (nghe nói do xét lý lịch gốc tích của ông nội tôi nên không được lên chức, trong khi bạn bè cùng trang lứa của chú về làm việc sau đều làm lớn). Đến khoảng thập niên 80 thiếu sức khỏe về hưu sớm, chú được cơ quan cho đi tham quan một nước XHCN ở Đông Âu. Gọi đi tham quan học hỏi kinh nghiệm sản xuất, nhưng chủ yếu gom tiền sang mua hàng hóa đóng thùng mang về... Đi về chú vào Saigon chơi ghé nhà ông cụ tôi nói "Anh ơi nhà nước thưởng cho một chuyến đi buôn kiếm tiền dưỡng già ".

Bây giờ thì ta thấy, dân ta đi học, đi chơi, du hí khắp các nước trên thế giới, như các cụ nhà quê xưa đi chợ làng...

Văn minh vật chất tiến quá nhanh, nhưng văn minh tinh thần, cái nôm na gọi là văn hóa lại tỏ ra tiến quá chậm, không hề tương xứng. Đường tầng, cao tốc, xe hơi, con cái học trường quốc tế... đủ thứ hiện đại. Qua thời bỉ cực đến hồi thới lai, từ cái thiếu, cái khó nay bung ra. Nếu thời chiến người ta tìm chiến thắng bằng đủ cách, thì nay thời bình cũng thế. Con người từ cái cam chịu chuyển sang chủ động trong mọi vấn đề. Người ta tìm mọi cách để vươn lên. Làm sao để có nhiều tiền, làm sao để có nhiều quyền, nhiều chức, làm sao để có đủ thứ bằng cấp, học vị... Những điều này thực ra là ước vọng của con người ở mọi nơi, là điều tốt không có gì xấu. Nhưng cái hại là người ta đã cố đạt cho kỳ được cái vật chất này bằng mọi giá (nhiều khi bằng mọi thủ đoạn) mà không cần biết hậu quả ra sao, chẳng hạn chức quyền đấy, nhưng bản thân có thực lực để nắm giữ chức quyền, giúp ích được gì cho đời hay không?

Cũng như cái tín ngưỡng tâm linh bị xóa bỏ một thời nay khôi phục lại, nhưng tín ngưỡng xưa, cho dù đạo gì, thờ ai, Chúa, Phật, Mẫu, Thần, Thánh, Thành Hoàng... thì tín ngưỡng ấy ít ra cũng là cái thắng, dạy cho người ta bớt làm điều xấu, làm tâm hồn con người nhẹ nhàng thanh tịnh khi đến chiêm bái. Người ta đến chùa chiền, đền điện chỉ dám nhỏ nhẹ cầu xin cho đủ ăn đủ mặc, bớt đi cái đói, cái khổ, cho con cái ngoan ngoãn, học hành giỏi giang, gia đình yên ấm, thiên hạ thái bình...

Hết thời cấm đoán thì nay bung ra. Nay mấy người đến đền chùa để mong cầu cái thanh thản tâm hồn? Cầu mong quốc thái dân an? Hay người ta đến đền điện từ nửa đêm giá lạnh để giành giật một cái ấn vô tri, mong mau thăng quan tấn chức. Đè đầu cưỡi cổ nhau, ném tiền lẻ vào thánh thần, đánh đấm nhau đến vỡ đầu trong bạo lực để giành bằng được chút lộc cầu may mắn trong lễ hội thần thánh đầu năm... Cho nên cơ khổ, nhiều người có tiền tỉ, chức tước, nhà lầu xe hơi, ở thành phố lớn... thậm chí bằng cấp cao ngất, nhưng hình như trong suy nghĩ, ứng xử thì vẫn cứ loanh quanh luẩn quẩn, như cái thời còn uống nước giếng làng... Thay vì cần phải tự trọng, thì người ta lại quay sang tự ái, tự ái ngất ngưởng, tự ái đùng đùng, ta thế này mà thua ai? Thế là con người trở nên hung tợn. Chưa nói đến chuyện lớn, nhiều khi chỉ một câu nói trên không gian ảo, một cái nhìn được cho là đểu ngoài đời là người ta xông vào thóa mạ, thậm chí đâm chém nhau không thương tiếc...

Có thể có người nói, đấy chỉ là một vết đen trong toàn thể bức tranh xã hội, đâu phải ai cũng thế? Thời nào mà chẳng có những chuyện như vậy? Và, tại cái mạng xã hội bây giờ phổ biến quá, cái gì cũng đưa lên? Nhưng nói không ngoa, cuộc sống vật chất khá hơn, nhưng cuộc sống tâm linh, tinh thần nhiều khi còn chông chênh hơn cái thời còn khốn khó... Và đôi khi người ta lầm tưởng cái văn minh vật chất kiếm được khá dễ dàng (tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, chức vụ, thậm chí bằng cấp...) bây giờ đã có vẻ dư thừa, có thể thay thế được cái văn minh tinh thần (tri thức, và từ tri thức người ta mới có thể có được trí thức, văn hóa...). Hôm nọ tôi đọc được trên mạng, một nhà văn viết đại ý, văn hóa, văn minh, là những gì người ta suy nghĩ, ứng xử trong cuộc sống, chứ không phải là những tiện nghi người ta biểu hiện bên ngoài.

Cho nên chắc vì thế mà hồi này ít đi đâu, tối ngày ở nhà, sáng pha ly cà phê ngồi xem tivi chương trình buổi sáng của đài truyền hình quốc gia, thấy nhà đài luôn đưa vào chương trình nội dung giáo dục "kỹ năng sống", "kỹ năng giao tiếp", "kỹ năng ứng xử" trong xã hội. Nhà đài mời những nhà giáo dục, tâm lý, những trí thức, nhà báo, nghệ sĩ... có nhiều kinh nghiệm sống... để nói về những nội dung này, và hoàn toàn dành cho người lớn chứ không phải cho trẻ con, như cách ứng xử ở những nơi công cộng, biết xin lỗi, cám ơn, biết nở một nụ cười... trong giao thông biết chờ đèn đỏ vài giây, khi đi thang máy không giành người đến trước, xếp hàng chờ tính tiền siêu thị, thậm chí các kỹ năng giao tiếp khi sử dụng điện thoại, đừng xả rác, ngắt hoa ở chỗ đông người, những kỹ năng giao tiếp khi tham gia những trang mạng xã hội... Những điều tưởng đơn giản vậy mà không phải ai cũng biết, hoặc biết đó, nhưng không dễ gì xử sự cho phải...

Điều này lẽ ra đã phải làm từ lâu, bắt đầu từ ghế nhà trường mọi cấp, nhưng mà thôi giờ thấy trên tivi, một phương tiện thông tin đại chúng, thế cũng được. Truyền hình cũng nên làm phong phú và duy trì nội dung này. Biết đâu mưa lâu sẽ thấm đất.


Saigon, những ngày tháng 3/2016.









Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

Tình ca quê hương.

Các Huấn luyện viên trong cuộc thi Thần tượng Boléro năm 2016. Ảnh báo Pháp luật & Đời sống.

Ít bữa nay rảnh tôi coi trên tivi một cuộc thi hát hò gì đó gọi là "Thần tượng Boléro" (qua vòng tuyển chọn và một vòng đối đầu đầu tiên của đội ca sĩ Cẩm Ly), gồm những thí sinh hát để bốn vị ca sĩ Huấn luyện viên (HLV) chọn về đội của mình, huấn luyện để thi đấu tiếp. Bốn vị HLV là những ca sĩ tài danh được nhiều người hâm mộ gồm các nam ca sĩ Quang Dũng, Quang Linh, Đan Trường, và nữ ca sĩ Cẩm Ly. Các bạn nào có theo dõi chắc cũng đồng ý với tôi đây là một chương trình coi được. Tôi thử điểm qua chút xíu, dĩ nhiên là theo thiển ý, chủ quan của mình.

Trước hết là về tên gọi. Bây giờ người ta gọi cuộc thi tôi vừa nói bên trên là "Thần tượng Boléro". Như ta đã biết Boléro là tên một điệu nhạc vũ dân gian có xuất xứ từ Tây Ban Nha, sau đó phát triển sang những nước Latin như Ba Tây, Cuba... Dĩ nhiên chúng ta không thể so sánh giữa Boléro Tây Ban Nha hay Boléro Mỹ Latin với Boléro Việt Nam. Điệu Boléro của họ nhanh, sôi động hơn vì thích hợp với cái chính của họ là vũ điệu và tính cách sôi nổi của họ. Trong khi Boléro du nhập vào Việt Nam, phổ biến ở miền Nam từ thập niên 1950 trong tình hình đất nước lúc bấy giờ (việc chia cắt đất nước năm 1954 bởi Hiệp định Genève, khiến cả triệu người đã ra đi khỏi nơi chôn nhau cắt rún, và tình hình chiến sự leo thang sau đó kéo theo nhiều hệ lụy). Có lẽ chính những điều này đã hình thành, phát triển một giai điệu Boléro đặc thù tại miền Nam. Các nhạc sĩ thường kết hợp với dân ca, những tâm trạng người lính, người mẹ, người yêu, người vợ, (những hòn vọng phu tân thời), mang nhiều nỗi niềm, có tính chất tự sự để tạo nên một làn điệu Boléro mới, chậm rãi, phản ánh tình hình đất nước, tình cảm con người lúc ấy, tạo nên những bản nhạc Boléro dễ nghe, dễ hát phù  với hợp tâm trạng của nhiều người...

Các bạn sống ở miền Nam trước năm 1975 (cụ thể nhất là ở Saigon) chắc đã biết, thời ấy người ta phân chia những ca khúc thành Cổ nhạc và Tân nhạc. Cổ nhạc là những bản vọng cổ, cải lương, những điệu hò, lý... thường được diễn tấu và đệm cho người ca bằng nhạc cụ cổ truyền. Tân nhạc là những bản nhạc mới viết theo những giai điệu của Tây phương như Valse, Slow, Slow Rock, Boléro, Cha cha cha, Rhumba, Tango, Twuist... và thường được diễn tấu, đệm bằng những nhạc cụ Tây pbương...

Trong Tân nhạc trước đây ở miền Nam sau dòng nhạc Tiền chiến, thường được giới trình diễn và thưởng ngoạn chia làm ít nhất là hai "nhóm" chính (nếu không muốn nói là ba). Thứ nhất là nhóm chiếm đa số, là những người bình dân, thường sống trong những khu xóm nghèo, làm những nghề thuộc lao động chân tay giản đơn... Họ thích nghe và hát loại nhạc mà thời đó có người gọi là Nhạc sến, hoặc nhạc Boléro (tôi tạm dùng chữ Nhạc sến), vì nhạc thường được những nhạc sĩ viết trên giai điệu Boléro chậm, buồn (tuy cũng có những bản Nhạc sến được viết trên những giai điệu khác như Slow, Slow Rok... với những nhạc sĩ tiêu biểu như Trúc Phương, Lam Phương, Tú Nhi tức ca sĩ Chế Linh...). Tuy cơ bản là do bài hát, nhưng xét kỹ hơn ta sẽ thấy có mấy yếu tố sau đây làm nên một bản Nhạc sến:

- Do bài hát, phải nói là có những bài hát "cực sến", lời lẽ rất giản dị, bình dân, lấy những hình ảnh rất đời thường, lời ca không triết lý (hoặc triết lý bình dị, "vụn vặt", điều này chắc các bạn quen nghe nhiều nhạc trước năm 1975 dễ dàng nhận thấy), chẳng hạn những bài hát có lời như (tôi không nhớ tên bài hát), nhẫn cưới nhẫn cỏ... ước gì nhà mình chung vách... những ngày chưa nhập ngũ anh hay dắt em về vùng ngoại ô có cỏ bông may... Đại khái thế.

- Do người hát, chất giọng của người hát cũng là điều rất quan trọng trong việc hình thành Nhạc sến. Một vài giọng ca tiêu biểu như Giang Tử, Thanh Tuyền... Ai nghe nhạc trước đây cũng phải công nhận có những giọng ca rất sến (chẳng hạn "ông hoàng" Nhạc sến Chế Linh). Từ phong cách hát, lên xuống giọng, nhấn nhá, nhả chữ ở cuối câu (nhiều khi trở thành "rên thấy thương"). người nghe chỉ có thể nói là "sến toàn tập". Những giọng ca này mà ca những nhạc phẩm sến kể trên thì phải công nhận là "sến hết biết". Không những thế, những ca sĩ như thế họ hát bất cứ một bài hát nào (không đến nỗi sến) thì bài hát đó sẽ trở thành sến.

Dòng Tân nhạc thứ nhì (trái ngược) với dòng nhạc sến kể trên, nhưng không có tên gọi rõ ràng, cũng có người gọi là Nhạc thính phòng (tôi tạm gọi theo tên Nhạc thính phòng), hoặc những nhạc phẩm được viết vào thập niên 1950, nửa đầu thập niên 1960, gộp chung với dòng nhạc trữ tình Tiền chiến dưới tên gọi Nhạc tiền chiến. Không kể những ca khúc được viết sau thời gian kể trên.

Dòng Nhạc thính phòng này được giới trí thức ưa thích, có thể kể vài gương mặt sáng tác tiêu biểu thời kỳ đầu, đó là nhạc sĩ Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cung Tiến, Phạm Trọng Cầu, Lê Trọng Nguyễn... Những ca khúc của những nhạc sĩ này thường có tính triết lý, nhân sinh, thời cuộc, khá cao nên phù hợp với giới trí thức. Một số ca khúc của Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cung Tiến khó nghe, khó hát... Sau này có Nguyễn Ánh 9, Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên... với những ca sĩ tên tuổi quen thuộc nam có Anh Ngọc, Duy Trác, Sỹ Phú... nữ có Thái Thanh, Lệ Thu, Mai Hương, Quỳnh Giao, Khánh Ly... Có lẽ cũng cần phải nói, thời ấy những ca sĩ nổi danh trong dòng Nhạc sến không bao giờ hát dòng Nhạc thính phòng, và ngược lại những ca sĩ nổi danh trong dòng Nhạc thính phòng không bao giờ hát dòng Nhạc sến.

Ngoài hai dòng nhạc trên, ta có thể tạm thêm ít ra một dòng nhạc nữa có tính cách trung dung, cũng khá dễ nghe và dễ hát, không "kén" người hát và người nghe quá. Như những bài hát của những nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, Anh Bằng, Anh Việt Thu, Bảo Thu, Châu Kỳ, Trần Thiện Thanh... Nhạc phẩm của những nhạc sĩ này được nhiều ca sĩ của cả hai "nhóm" nhạc kể trên thực hiện rất thành công.

Trở lại với cuộc thi "Thần tượng Boléro" trên tivi, cũng có người gọi là Tình ca quê hương. Các thí sinh hát lại những bản nhạc được xuất bản trước đây tại miền Nam. Cũng như trước đây, dòng nhạc Boléro chỉ là tên để gọi chứ không phải một cuộc thi nhạc thuần về giai điệu Boléro, và cũng là để chỉ chung cho dòng Tân nhạc trước năm 1975, có nghĩa là gộp chung nhóm Nhạc sến và Nhạc thính phòng vào làm một. Nhìn vào thành phần HLV, ta có thể thấy, HLV Quang Dũng chuyên về Nhạc thính phòng, HLV Quang Linh với giọng ca ngọt ngào, thường hát những bài hát trữ tình nghiêng về hơi hướng dân ca, còn lại các HLV Cẩm Ly và Đan Trương chuyên về nhiều dòng nhạc trẻ, dân ca, nhạc cách mạng...

Trong cuộc thi, ta thấy những thí sinh hát hay loại Nhạc thính phòng thường được HLV Quang Dũng bấm chọn trước tiên, và họ cũng thường về đội của Quang Dũng. Những giọng ca thiên về dòng nhạc trữ tình mang nhiều âm hưởng dân ca thường chọn đội của HLV Quang Linh, còn lại chọn về đội của HLV Cẩm Ly hoặc Đan Trường. Nét đặc biệt tôi nhận thấy là những bản nhạc Boléro chính cống trong cuộc thi (xưa gọi Nhạc sến), đã được chơi theo một tiết tấu mới, nghe hay hơn xưa, và những thí sinh hát loại nhạc này được các HLV chọn thể hiện bài hát rất sinh động, ngọt ngào, trong trẻo hơn hẳn những ca sĩ cũ. Những thí sinh hát loại nhạc Boléro này mà luyến láy nhấn nhá câu chữ của bài hát theo phong cách đặc sến cũ, thường không có HLV nào bấm chọn.

Phải nói ngày xưa ngoại trừ nghe dòng Nhạc thính phòng, và một số bài hát thuộc nhóm nhạc trung dung (thường do nghe giọng hát ca sĩ hơn là bài hát), thì tôi không thích nghe dòng nhạc Boléro đặc chất giọng sến. Nhưng với cuộc thi "Thần tượng Boléro" hiện nay, hoặc có thể gọi nôm na hơn là "Tình ca quê hương" tôi lại cảm thấy thích nghe những bạn trẻ bây giờ hát dòng nhạc này.

Những gì các bạn trẻ này đã thể hiện trong cuộc thi (những người mà tuổi đời không có chút dính dáng gì đến ký ức của những bài hát cũ), đã thổi được một luồng gió mới, một luồng sinh khí mới vào những ca khúc tưởng đã vang bóng một thời.




Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

Ca khúc Phạm Đình Chương.

Phạm Đình Chương và tác phẩm Mộng dưới hoa (phổ thơ Đinh Hùng). Ảnh Internet.

Nhân bài viết trước bạn Marguérite có nhắc tới bài hát Ly rượu mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương mới được cho phép hát trở lại. Hôm gần đây tôi xem được trên tivi một chương trình âm nhạc,  có tên là "Những khúc vọng xưa", giới thiệu về nhạc sĩ Phạm Đình Chương và một số tình khúc nổi tiếng một thời của ông.

Nhắc tới nhạc sĩ Phạm Đình Chương có lẽ các bạn nào ở miền Nam trước năm 1975 hay nghe nhạc hẳn sẽ nhớ đến tên của ông. Ông sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống về âm nhạc tại Há Nội, hoạt động về âm nhac rất sớm. Ông cùng với những anh em lập nên một ban nhạc nổi tiếng thời đó là Ban hợp ca Thăng Long*, với nghệ danh là Hoài Bắc, mà ông là nghệ sĩ trụ cột. Bản nhạc nổi tiếng của Ban hợp ca Thăng Long chắc các bạn không quên là Ngựa phi đường xa. Trong kháng chiến chống Pháp, các anh chị em của ông gồm, ông (Hoài Bắc), anh trai cùng cha khác mẹ của ông là Phạm Đình Viêm (Hoài Trung), chị của ông là Phạm Thị Quang Thái (ca sĩ Thái Hằng, vợ của nhạc sĩ Phạm Duy), và em gái út là Phạm Thị Băng Thanh (ca sĩ Thái Thanh), hoạt động khi còn rất trẻ trong Ban văn nghệ quân đội Liên khu IV gồm các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ.

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương (1929-1991) bắt đầu sáng tác vào năm 1947 khi ông mới 18 tuổi thoát ly gia đình tham gia kháng chiến. Thời gian đầu nhạc của ông mang âm hưởng dân ca Bắc bộ, ca tụng nét đẹp thôn quê dân dã như những bài "Được mùa", "Khúc giao duyên"... Và những sáng tác theo thể loại hùng tráng như "Bài ca tuổi trẻ", "Ra đi khi trời vừa sáng", "Hò leo núi... Sau một thời gian ông "dinh tê"** về thành (trở về Hà Nội), và cùng những anh chị em vào Nam năm 1951.

Ban hợp ca Thăng Long (hàng trên từ trái qua: nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Phạm Đình Chương (Hoài Bắc) Phạm Đình Viêm (Hoài Trung). (Hàng dưới từ trái qua: ca sĩ Thái Hằng, Khánh Ngọc, Thái Thanh). Ảnh Internet.

Sau khi vào Nam Ban hợp ca Thăng Lonh vẫn tiếp tục hát cùng nhau một thời gian dài, những ca khúc của ông trong thời kỳ này vẫn mang những âm hưởng quê hương như Ly rượu mừng, Đón xuân, Xóm đêm... Bước ngoặt trong sáng tác của ông là khi cuộc hôn nhân với vợ là ca sĩ Khánh Ngọc tan vỡ, ông bắt đầu sáng tác tình ca. Những bản tình khúc bắt đầu từ giai đoạn này mang nặng những đau thương, mất mát như Thuở ban đầu, Đêm cuối cùng...

Nói về tình ca có lẽ những ai thường xuyên nghe nhạc ở miền Nam trước năm 1975 sẽ dễ dàng đồng ý, nhạc sĩ Phạm Duy là người đứng đầu, cả về số lượng và chất lượng bài hát. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng là người phổ nhạc nhiều bài thơ hay nhất. Nhưng nếu có ai hỏi tôi thế người thứ nhì là ai? Tôi sẽ không ngần ngại khi trả lời đó là nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Ông phổ nhạc những bài thơ cùa những tác giả Tiền chiến như nhà thơ Quang Dũng (Đôi mắt người Sơn Tây), Lưu Trọng Lư (Mắt buồn), Huy Cận (Buồn đêm mưa), Đinh Hùng (Mộng dưới hoa)... Những nhà thơ sau này ở miền Nam như nhà thơ Thanh Tâm Tuyền (Nửa hồn thương đau, Dạ Tâm khúc, Đêm màu hồng), nhà thơ Du Tử Lê (Đêm nhớ trăng Sài Gòn, Khi cuộc tình đã chết, Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển), nhà thơ Nguyên Sa (Màu kỷ niệm), nhà thơ Hoàng Anh Tuấn (Mưa Sài Gòn mưa Há Nội), nhà thơ Kim Tuấn (Ta ở trời Tây)... và nhiều nhà thơ khác... Những bài thơ phổ nhạc của ông tất cả đều là những ca khúc nổi tiếng trong lòng người nghe nhạc một thời.

Bìa bài hát Xuân tha hương in tại miền Nam trước năm 1975 của Phạm Đình Chương. Ảnh Internet.

Nói về tác phẩm để đời, nếu nhạc sĩ Lê Tbương có trường ca Hòn vọng Phu, nhạc sĩ Phạm Duy có trường ca Con đường cái quan, thì nhac sĩ Phạm Đình Chương có trường ca Hội trùng dương. Trường ca Hội trùng dương của ông được sáng tác trong thập niên 1960, gồm 3 phiên khúc về ba con sông nổi tiếng của ba miền đất nước, có tựa Tiếng sông Hồng, Tiếng sông Hương, Tiếng Cửu Long.

Những ca khúc nhất là những tình khúc phổ thơ về sau này của nhạc sĩ Phạm Đình Chương thật sự không dễ nghe và cũng không dễ hát, cũng tựa như những ca khúc của Cung Tiến. Thế ai là người hát nhạc của ông hay nhất? Về nam thì có những Anh Ngọc, Duy Trác, Sỹ Phú. Nhưng theo tôi người hát nhạc của ông hay nhất, chính là người em út của ông trong Ban hợp ca Thăng Long, đó là ca sĩ Thái Thanh. Những tình khúc của nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc sĩ Phạm Đình Chương, không ai hát qua được ca sĩ Thái Thanh...

Tuy những nhạc phẩm của ông được bắt đầu viết từ sau thơi kỳ Tiền chiến, nhưng do tính chất lãng mạn trữ tình, nên được giới yêu âm nhạc của miền Nam trước năm 1975, xếp vào dòng nhạc Tiền chiến

Trước khi chấm dứt entry này, tôi cũng xin được nhắc lại ở entry trước nhắc tới bài hát Ly rượu mừng của nhạc sỉ Phạm Đình Chương đến nay mới được cho hát lại, tuy lời của bài hát không có gì "đồi trụy" hay "phản động". Bạn Marguérite nói có lẽ do trong bài hát có nhắc tới từ "binh sĩ", mà binh sĩ ở đây là người lính VNCH nên mới bị cấm. Một nhạc phẩm khác của ông phổ thơ của Hoàng Anh Tuấn, là bài Mưa Sài Gòn mưa Hà Nội, trong bài hát có câu còn "nhạy cảm" hơn "năm Cửa Ô buồn hắt hiu trong ngục tù"... Có thể những điều trên nắm trong sự cấm kỵ. Nhưng trên hết tôi nghĩ chính là "lý lịch nhân thân" của ông. Như ta đã thấy, ông cùng các anh chị em thoát ly theo kháng chiến chống Pháp, hoạt động trong văn nghệ lấy lời ca tiếng đàn làm vũ khí từ rất sớm, sau đó trở về thành vào Nam... và sau biến cố 1975 thì ông đã sang Mỹ.

Có lẽ chính những điều này mới làm cho những ca khúc của ông trở nên lận đận....




Ghi chú:

* Ban hợp ca Thăng Long, gồm 6 thành viên, nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Phạm Đình Chương (Hoài Bắc), ca sĩ Phạm Đình Viêm (Hoài Trung), ca sĩ Phạm Thị Quang Thái (Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy), ca sĩ Phạm Thị Băng Thanh (Thái Thanh), ca sĩ Khánh Ngọc (vợ nhạc sĩ Phạm Đình Chương). Trong sáu thành viên của Ban hợp ca Thăng Long có nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Khánh Ngọc là người ngoài (là rể và dâu). Bốn người còn lại lá anh chị em trong một nhà. Trong đó có ba người theo thứ tự là chị em ruột, là Thái Hằng, Phạm Đình Chương, và Thái Thanh. Phạm Đình Viêm là anh lớn nhưng thuộc dòng trước (cùng cha khác mẹ).

** Dinh tê, tiếng được dùng để chỉ những người thoát ly theo kháng chiến chống Pháp nhưng sau vì một lý do nào đó trở lại về Hà Nội. Có nguồn gốc từ tiếng Pháp "rentrer" có nghĩa là "trở về", âm đọc là "răng trê" = "dăng trê" = "dinh tê". Một từ khác cũng khá phổ biến khoảng thời gian này là "Vẹm", chỉ những người theo cách mạng, là từ viết tắt của Việt Minh (V. M.). Khi đọc nhanh 2 chữ VM thành Vem = Vẹm.