Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2016

Cuối tháng, những ý nghĩ rời.


Ở bài viết trước tôi đi khám cái chân đau bị sưng (may nhờ gặp thày gặp thuốc chân hôm nay đã xẹp). Anh xe ôm trong xóm chở ngang qua đường Ng.T.M. Khai, chỗ có tiệm bán sách cũ quen ghé mua được dăm quyển, trong đó có được 2 quyển tự điển* cũ của một GS. Saigon năm xưa (GS. Lê Ngọc Trụ, người mà cụ V.H.S hay nhắc đến). Hai quyển tự điển này tôi để ý kiếm đã lâu nhưng không gặp, nay tự nhiên thấy, mừng quá. Qua những lần ghé mua nói chuyện, chị bán sách cũ trông tuổi cũng đã trộng, có lần nói chuyện chị đã bán sách ở Saigon một hai năm trước giải phóng ở lề đường Công Lý gần nhà sách Khai Trí (nay là đường N.K.K.N.). Tôi cũng nói với chị là tôi đi mua sách vỉa hè từ thời đó, sách hồi đó mới toe trong Khai Trí bán đúng giá bìa, cách ba bước chân ra lề đường đã giảm 30% giá. Tôi cũng đã mòn gót nơi mấy sạp sách này có khi đã mua sách của chị từ đó rồi cũng nên.  Thế là quen, thỉnh thoảng có sách hay chị giới thiệu bán nới cho đôi chút.

"Chiến lợi phẩm" hôm ấy tôi đi về là một bịch thuốc (một ngày uống 15 viên mà 6 ngày), một túi bự sách. Kể ra vừa tiền khám, tiền sách, tiền xe ôm cũng khá khá, nhưng không sao, miễn là ta khỏi bệnh và tìm được thứ ưng ý. Mấy tháng nay chủ yếu bó chân bó cẳng trong nhà, cũng là dịp để xài bớt cái lương hưu còm cõi...

Anh xe ôm chở tôi đi ngang cái trụ sở của Hội Chữ Thập Đỏ. Aha, thời tôi còn đi học trung học đạp xe ngày ngày ngang qua 2 lần thì nó tên là Hội Hồng Thập Tự. Sau giải phóng thì thấy đổi lại là Chữ Thập Đỏ, cũng kiểu như hỏa tiễn thành tên lửa. Hồng Thập Tự nghe nó chữ nghĩa, văn vẻ, còn Chữ Thập Đỏ nghe dân dã, bình dị, nhưng cũng đích một thứ chứ chẳng khác. Chỉ có cái bệnh viện của quý bà gần kề bên đó là có chuyện không rõ thực hư, vì chỉ nghe đồn chứ không được tận mắt "mục sở thị". Đó là bệnh viện Từ Dũ, ngày xưa thơ phú hoa mỹ những nơi này người ta gọi là Bảo sanh viện. Cái bệnh viện này sau giải phóng người ta đồn có lúc được đổi tên thành "Xưởng đẻ", không biết có bảng hiệu gọi thế không? Hay chỉ là giai thoại khôi hài, chuyện "Phong thần" nói chơi cho vui lúc "nông cổ mính đàm".

Có chuyện khác trong dân gian ngược lại, cao hứng quá đâm lộng ngôn, một cái tiệm uốn tóc cho phụ nữ trong xóm mà ngày đó gọi là "phi dê" (friser, uốn tóc quăn, tiếng Lang Sa), cũng đề bảng hiệu "Viện uốn tóc" hay "Thẩm mỹ viện". Rồi đến cái tiệm chụp ảnh đen trắng đầu phố của ông Tàu, chuyên chụp ảnh cỡ nhỏ cho con nít dán thẻ học sinh, mấy cô trong xóm đến tuổi làm duyên, hay cho các cụ gần đất xa giời muốn có tấm ảnh dối già, may lâu có bà mẹ bế đứa bé đầy năm bụ bẫm ra chụp một tấm dựng ngồi thu lu trên cái ghế đan bằng mây kiểu con sò làm kỷ niệm (tôi có một tấm như thế), cũng ghi "Viện nhiếp ảnh". 

Lan man nghĩ đến câu "Vật đổi sao dời", vật đổi là chuyện thường, đến sao cũng còn phải dời nữa là vật, ngay cái tên đường Ng.T.M. Khai (đoạn thuộc quận 3) nơi tôi mua mấy quyển sách cũ hôm nọ xưa nay đã đổi tên biết bao nhiêu lần? Sách vở còn ghi rành rành:

Xưa thời nhà Nguyễn mang tên đường Thiên Lý phía Nam, Tây nhà đèn đến đổi thành Stratégique. Sau Tây quy hoạch ghi đường số 25. Ngày 1-2-1865 cũng Tây đặt lại Chasseloup Laubat. Tây chạy mất dép sang đến đời cụ cố nhà Ngô Đình ngày 22-3-1955 đổi thành Hồng Thập Tự, vì trên đường có cái trụ sở Hồng Thập Tự. Đến thời Tân trào, ngày 14-8-1975 chính quyền mới gom chung với đường Hùng Vương ở Thị Nghè và đường Hùng Vương ở Hàng Xanh làm một, đặt thành Xô Viết Nghệ Tĩnh. Rồi nhân quốc khánh 1991, UBND. TP. cắt đoạn đường này, từ quận 3 đến cầu Thị Nghè đổi thành Ng.T.M. Khai đến nay.

Nói theo dân gian là đã qua thời Vua chúa phong kiến (thời đạo Nho của ông Khổng lên ngôi). Sang thời Tây, đến thời Cộng hòa (thời Mỹ), bắt qua thời Cách mạng (khi đó tưởng là thời Liên Xô, gia đình liên lạc được với ông chú ruột ở ngoài Bắc làm nghề dạy học, tôi nhờ gởi vào cho một quyển Tự điển Nga-Việt, không hiểu có phải do mấy ông Liên Xô khoái nốc vốt ca hay sao mà khi giở sách ra thấy chữ viết ngược ngạo lạ hoắc không cách chi học được, nay vẫn còn trong tủ thành sách xưa). Bao nhiêu thời và bao nhiêu lần thay đổi...?

Đường Nguyễn Huệ thời Tây ở giữa là con kênh. Ảnh Internet.

Đường Nguyễn Huệ thời Cộng hòa (thời Mỹ). Trên đường đậu những chiếc xe Huê Kỳ cho thuê chạy đám cưới (rước dâu) màu đò. Ảnh Internet.

Cận ảnh một xe Huê Kỳ chạy đám cưới trước năm 1975 ở Saigon. Ảnh Internet.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ ngày nay. Ảnh Internet.

Nói về đường xá thì có lẽ Saigon là nơi có nhiều đường xá nhất nước. Đủ mọi con đường to nhỏ, dài ngắn, cũ mới, thẳng tắp, ngoằn ngoèo, cong queo uốn lượn... Saigon một năm nay có con phố đi bộ nguyên là con đường Nguyễn Huệ nổi tiếng ngày xưa. Khởi thủy nó là một con kênh ăn từ sông Saigon chạy thẳng đến thành Gia Định, để tàu bè ra vào thành, gọi là kênh Lớn, tiếng Tây gọi là kênh Charner, hai bên là con đường đất như ta thấy trên hình dành cho người đi bộ, xe kéo trâu bò, thuyền bè ra vào tấp nập một thời. Tàu bè hết thời con kênh bị lấp (dân gọi là đường Kênh Lấp), kênh thành đường nhường chỗ cho xe cộ chạy máy bon bon. Bạn nào ở Saigon lâu chắc nhớ có lúc trên con đường này là chỗ đậu của những chiếc "xe Huê Kỳ", dài ngoằn đỏ chót chuyên cho thuê làm xe đám cưới. Cạnh đấy hai bên đường có những kiosque tư nhân mở quày chụp hình, bán bưu thiếp, hàng lưu niệm, và có những kiosque bán hoa tươi, kết hoa cho những xe đám cưới, mần luôn nghề kết vòng hoa đi điếu đám tang, có lẽ do đó là thời chiến tranh cho nên nghề này làm ăn phát đạt, 

Mới giải phóng xong tôi có một anh bạn lúc ấy thất nghiệp như tôi. Ông cụ thân sinh anh ta lúc trước có chút đỉnh chức tước trong chính quyền cũ nên phải đi học tập, đồ đạc trong nhà đội nón ra đi, nhà cửa tanh banh. Một hôm anh ta lang thang ra đường Nguyễn Huệ, buồn tình đứng ngắm mấy người kết vòng hoa, nảy ra ý định xin làm, trước hết là để kiếm chút cháo qua ngày, kế đến là mong học được lấy cái nghề đặng độ thân. Học vài tháng thành tài nhưng rồi cuộc sống lúc ấy càng ngày càng khó khăn, chẳng có ngày tình nhân, ngày phụ nữ, ngày thày cô... để mà tặng hoa như bây giờ, đám cưới thì xe Huê Kỳ đã dẹp, đám tang thì chết là hết, mọi thứ cứ xuê xoa xính xái cho xong, cái ăn còn không có lấy chi mà lễ nghi hoa cỏ?

Bây giờ thì đường Nguyễn Huệ trở thành con phố đi bộ. Từ con kênh hết thời đến con phố đi bộ hiện đại, dịp tết đêm giao thừa người người đông nghẹt đứng ngóng pháo hoa, bày thêm ra đường hoa vui mắt mấy ngày tết cho thiên hạ đến chụp hình đăng Facebook... Thay đổi biết chừng nào.

Quên, hôm ngồi uống nước nghe anh xe ôm trong xóm nói chuyện, anh này còn bàn về chính trị nữa mới ghê, ấy là anh ta tám chuyện sau Đại hội quan trọng của đất nước cụ này đi, cụ kia ở. Dĩ nhiên là tôi vẫn chỉ gật gù nghe anh nói, anh cũng nói chuyện người đứng đầu chính phủ đương nhiệm đi phó hội bàn đào nơi xứ người, mời được ông Tổng Cờ Hoa hứa vài tháng nữa ghé thăm. Chuyện này qua báo chí tôi cũng biết. Nếu ông Tổng da màu này giữ lời thì hình như đây là vị Tổng Cờ Hoa thứ nhì đến Việt Nam hữu hảo, và các lãnh đạo cao cấp nhất của ta cũng đã đến xứ này.

Tây qua để lại những Mobylette, Solex, Gobel..., xe xì cút tơ Vespa, Lambretta... Sang thời xe Nhật Honda, Yamaha, Suzuki... đầy đường. Đến thời Babetta của Tiệp, xe Simson của Đông Đức, xe mô tô Milsk Liên Xô lên ngôi. Rồi xe Nhật lại tái xuất...

"Mã qui, "Qui mã", rồi lại "Mã qui"... Lịch sử chỉ là một sự lập lại? Cuộc đời gẫm lại như có người nói, đúng như chiếc đèn cù.


Ghi chú:

* Quyển Việt ngữ Chánh tả tự vị, và Tầm nguyên tự điển, cùng của GS. Lê Ngọc Trụ.




Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

"Hãy cứ bước tới".

Ảnh Internet.

Sáng nay (24-2) trong chương trình Cafe Sáng trên tivi, có một thông tin làm tôi thích thú, ấy là những hình ảnh Tổng thống Obama và Phu nhân của nước Cờ Hoa, tiếp một cụ bà "Bách niên giai lão", đã 106 tuổi tại Nhà Trắng.

Nhà Trắng là một nơi phải nói là nghiêm mật, sang trọng, quý phái... vào bậc thượng thừa trong thiên hạ, và đối với Tổng thống xứ Cờ Hoa, cho dù là kẻ căm thù tư bản tới tận xương tủy, cũng không dám phủ nhận là không danh giá, quyền lực... bá chủ thế giới... Thế mà nhìn những hình ảnh vợ chồng Tổng thống tiếp bà cụ 106 tuổi nơi Nhà Trắng, tôi cứ nghĩ đây là một khung cảnh gia đình bình thường. Căn phòng tiếp khách (dù bà cụ không phải khách VIP) nhưng dù sao cũng là phòng trong Nhà Trắng trông thật giản dị, có lẽ nhìn còn thua cảnh mấy nhà giàu bậc trung nơi phim ảnh xứ ta. Nói chi đến phủ này phủ nọ sơn son thếp vàng, ghế bàn rồng phượng (dĩ nhiên đây chỉ là cách nói ước lệ, chỉ sự vương giả nơi mình chứ Âu Mỹ không dùng rồng phượng), có chuyện là thấy các loại hoa giăng kín tới trần.

Nhìn hình ảnh Tổng thống Obama và Phu nhân tay trong tay với bà cụ, tôi có cảm tưởng đây là một cuộc họp mặt gia đình, nơi con cháu gặp lại cha mẹ, ông bà mình trong ngày nghỉ cuối tuần. Không có vẻ gì đây là một "vinh dự" cho bà cụ khi được vào Nhà Trắng gặp người đứng đầu thế giới. Khung cảnh ấm cúng, không thấy lễ nghi rườm rà, cũng chẳng thấy có diễn văn ca tụng.

Một ấn tượng khác, rất ấn tượng là nơi cụ bà 106 tuổi. Khi được vợ chồng Tổng thống Obama hỏi bí quyết nào để cụ sống đến tuổi ấy? Cụ đã trả lời "Hãy cứ bước tới". Câu trả lời thật ngắn gọn và thật tuyệt, tuyệt ở chỗ ở tuổi 106 bà cụ còn rất minh mẫn, trả lời rất trôi chảy. Tuyệt ở chỗ bà cụ đã trả lời theo suy nghĩ của mình, rất đơn giản, chắc chẳng có ai "mớm" trước cho bà câu trả lời trí tuệ hơn khi thấy bà còn minh mẫn, chẳng hạn như nhờ tôi sống đạo đức, ăn uống vệ sinh, điều độ, gia đình con cái hiếu thảo, hòa thuận, luôn chấp hành tốt mọi chủ trương của nhà nước... Cũng không thấy Tổng thống Obama nhắn nhủ, hay thuyết giáo gì cho cụ nghe (điều ta thường thấy khi các lãnh đạo xứ mình gặp gỡ các bô lão, hay một giới nào đó).

"Hãy cứ bước tới", cám ơn câu nói giản dị nhưng lại như một Thông điệp của cụ bà 106 tuổi tít tận trời Tây trời Mỹ. Và cho dù tuổi già có tật hay nhìn lại phía sau, mỗi buổi sáng tôi sẽ nhẩm lại câu nói này của cụ.



Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

Chuyện trong ngày.



Mấy bữa nay, từ trong tết đến giờ tự nhiên cái chân "xi cà que" bị sưng, có thể do "trái gió trở trời", hoặc tết phải đi lại hơi nhiều hơn ngày thường. Thế là chiều qua tôi đi khám lại, lần này không đến bệnh viện mà thử đến bác sĩ tư xem sao. Tập tễnh chống một bên nạng leo 2 tầng lầu xuống đất đón xe. Ra đầu đường chưa vẫy được taxi thì anh xe ôm trong xóm dựng xe ngồi ở đó đã cười mời chào, "Ông đi đâu con chở cho, con chạy cẩn thận lắm ông khỏi lo".

Đây là anh ở gần nhà chuyên chạy xe ôm, anh ta khoảng độ năm mươi, con cái đã lớn, người miền Bắc vào sau này, thường đậu xe một chỗ ở đầu hẻm chở mối quen trong xóm. Thỉnh thoảng tôi đi ngang qua có chào hỏi nói với anh vài câu, có lẽ tại trông tôi già quá hay sao mà anh gọi tôi bằng "ông" xưng "con" như thế, cũng có khi anh gọi bằng "cố". Từ "cố" này ngày xưa còn nhỏ tôi có nghe các bậc tiền bối miền Bắc gọi các linh mục (cố, cha cố), hoặc gọi các vị thân sinh của các linh mục như thế (cố, cụ cố). Chắc tại anh còn giữ lại cách xưng hô xưa của người miền Bắc, còn tôi vẫn gọi anh bằng "anh" xưng "tôi". Có lần anh hỏi tôi "có phải cố làm nghề giáo không?".

Tôi nói với anh chuyện của mình là đi khám cái chân, và muốn anh chở tôi đến phòng khám chờ khám xong chở về luôn cho tiện, anh đồng ý. Anh ta dắt xe xuống đường đội lên đầu mình chiếc nón cối bộ đội chứ không phải chiếc nón bảo hiểm, và nói tôi leo lên ngồi sau. Tôi nói anh ta đưa cho mình chiếc nón đeo ở xe, anh ta nói khỏi cần ông lớn tuổi rồi, giao thông không hỏi đâu. Tôi nói tôi đã bị cái chân rồi còn cái đầu phải lo giữ chứ không phải sợ giao thông, vả lại tôi nghĩ hình ảnh một ông trẻ chạy xe đội nón cối chở theo một ông già xách cây nạng để đầu trần trông nó kỳ cục và "kiêu binh" thế nào ấy. Anh ta cười nói ông cẩn thận còn hơn con.

Mấy ông xe ôm thường chạy ẩu, nhưng có lẽ có tôi ngồi đàng sau nên chạy cẩn thận thiệt không dám lạng lách. Đến nơi hơi sớm phòng khám chưa mở cửa nên tôi mời anh ghé quán nước bên cạnh uống ly nước ngồi chờ.

Ở cùng một xóm đã lâu, nhưng đây là lần đầu tôi có dịp ngồi nói chuyện với anh, chủ yếu là nghe anh nói. Thoạt đầu là anh nói chuyện thời sự, anh có vẻ rành vì khi ngồi chờ khách ở đầu hẻm tôi thấy anh hay đọc một tờ nhật báo. Anh nói về vị tân Bí thư thành ủy Đinh La Thăng, qua báo chí anh biết mới nắm chức vụ ông đã chỉ đạo cho lắp camera an ninh trên các con đường ở thành phố. Anh cho biết hay chở khách trên đường phố nên nhìn thấy rất nhiều cảnh cướp giật, ai cũng có thể là nạn nhân của bọn cướp, nam, phụ, lão, ấu, người ở nơi khác đến, người thành phố lâu năm, du khách quốc tế... Nhẹ thì bị mất của, nặng thì bị lôi kéo té ngã, chấn thương, thậm chí mất mạng...

Anh nói nếu gắn camera và cử người trực theo dõi, nếu có chuyện kịp thời thông báo cho các nơi và lực lượng chức năng thì bọn cướp giật khó lòng chạy thoát, nếu không chúng cũng bị nhận diện sẽ dễ truy bắt. Anh cũng nói khi gắn thì thông báo rộng rãi, bọn cướp giật biết trên đầu có camera theo dõi chắc chắn sẽ ít dám ra tay, cũng như khi lái xe đi trên quốc lộ tài xế sẽ không dám phóng nhanh vượt ẩu nếu có bảng cảnh báo "Đoạn đường thường xuyên bắn tốc độ". Anh cũng nói thêm về việc vị tân Bí thư chi đạo thu gom quản lý người ăn xin, việc ông chỉ đạo lãnh đạo huyện Củ Chi phải liên hệ Vinamilk giải quyết chuyện nông dân nuôi bò sữa mà không bán được sữa.

Anh xe ôm kết luận, ông này "được lắm", từ khi còn làm Bộ trưởng GTVT, làm lãnh đạo là phải biết lo cả những chuyện nhỏ như thế chứ không phải chỉ biết đến chuyện lớn. Như là tuyến xe điện ngầm gì đó cũng tốt nhưng đa số người dân như anh chắc chưa cần đến, mà chuyện an toàn trên đường phố là rất cần thiết với tất cả mọi người...

Tôi ngồi nghe anh nói chỉ biết cười gật đầu đồng ý vì quá đúng, cao hứng anh kể tiếp quê anh ở Thanh Hóa, nơi "Địa linh nhân kiệt", đất của Văn hiến, đã sản sinh ra những anh hùng như Lê Lợi, văn hóa như Nguyễn Trãi. Anh nói Nguyễn Trãi đã dịch truyện Kiều từ chữ Hán sang chữ Nôm, rồi từ chữ Nôm người ta lại dịch sang chữ Quốc ngữ do Cha Cả sáng tạo. Anh say sưa nói chữ Hán và chữ Nôm khó học cho nên khi mấy ông cố đạo Tây sang truyền đạo ở nước ta, mà điển hình là Cha Cả đã chế ra chữ Quốc ngữ để dân dễ học, dễ truyền đạo... Anh còn lan man nói về giấy dó, người xưa đã biết chế ra loại giấy này để viết chữ Hán chữ Nôm, vua chúa dùng viết sắc phong để cả trăm năm giấy vẫn không mục.

Tôi nghe mà rất phục sự hiểu biết của anh xe ôm quen tuy sang đến câu chuyện sau anh đã có một vài nhầm lẫn. Thứ nhất là chỉ có anh hùng Lê Lợi là quê quán Thanh Hóa, còn Nguyễn Trãi thì quê ở Hải Dương. Truyện Kiều của văn hào Nguyễn Du thì anh nhầm sang Nguyễn Trãi, rồi chuyện "dịch" truyện Kiều từ chữ Hán sang chữ Nôm, và sau cùng là chữ Quốc ngữ do Cha Cả sáng chế (có lẽ anh nhầm giữa tên tiếng Việt của Cha Cả để gọi Giám mục Bá Đa Lộc (Pingeau de Béhaine), người đã giúp Nguyễn Ánh chống Tây Sơn vào cuối thế kỷ XVIII, với Giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), người đã đến Đại Việt truyền giáo từ khoảng nửa đầu thế kỷ XVII.

Tôi chỉ nghe, thực sự khâm phục anh mà không hề nói gì về những điều anh nhầm lẫn. Những hiểu biết về xã hội, về văn hóa của anh như thế là quá hay rồi, còn hơn là chuyện mới đây tôi đọc trên mạng là trong một chương trình phát sóng của VTV, cô MC trong một chương trình về Văn hóa Du lịch, trả lời một câu hỏi của một anh chàng nước ngoài, ai là người đánh thắng quân Nguyên-Mông 3 lần trên sông Bạch Đằng. Cô MC trả lời chắc như đinh đóng cột: "Chắc chắn là Ngô Quyền, điều này thì người Việt Nam nào cũng biết". Điều oái oăm là người Việt Nam nào cũng biết nhà Trần đánh thắng quân Nguyên-Mông 3 lần trên sông Bạch Đằng, và vị tướng lừng danh Việt Nam Trần Hưng Đạo đã cầm quân hai trong ba trận thắng, chứ không phải Ngô Quyền. Vả lại nếu nói chuyện chiến thắng giặc Tàu trên sông Bạch Đằng, tôi nghĩ tám, chín chục phần trăm người Việt nghĩ ngay đến Trần Hưng Đạo chứ không phải Ngô Quyền.

Một nhầm lẫn như thế trong một câu chuyện ngoài đời là bình thường, nhưng có lẽ khá nghiêm trọng trong một chương trình giới thiệu về Văn hóa trên một kênh tivi chính thống quốc gia. Có thể cô MC không rõ thật, nhưng như ông bà ta nói "Nó lú có chú nó khôn". Một chương trình như thế phải có kịch bản, người viết, người kiểm, người duyệt, người giám sát rồi mới quay, lên sóng. Một ê kíp như thế là bao nhiêu người? Không ai nhận ra cái sai sơ đẳng đó hay sao? Thời buổi này chỉ cần gõ vào cái a lô di động hỏi anh Gú gồ, vài giây sau là ta có thể nắm được sự việc rồi...

Một câu chuyện nhỏ như con thỏ, chắc thế, nói ra có vẻ như "quy kết", "chụp mũ". Nhưng ta có thể thấy không phải ngẫu nhiên mà lâu nay người ta vẫn nói có vấn đề trong việc dạy sử, học sử trong giáo dục...

Khám bệnh xong, trên đường về đi ngang mấy tiệm bán sách cũ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, mấy lâu tôi không có dịp đi xem sách, tôi nhờ anh xe ôm dừng lại ghé vào mua được vài quyển sách khá hay có ý định tìm lâu nay.

Lâu rồi tôi mới lại có một buổi chiều trôi qua khá thú vị...



Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

Cafe đầu năm.

Mấy ngày hôm nay buổi sáng nhâm nhi tách cafe có một vài thông tin làm tôi chú ý. Thứ nhất là câu chuyện về thể thao, đó là chuyện đội tuyển bóng đá Futsal* Việt Nam đá bại đội tuyển Futsal Nhật Bản vào tối 17-2, trong một trận cầu rượt đuổi tỉ số đầy kịch tính (hòa 4-4 khi luôn bị dẫn trước trong những hiệp đấu, có lúc đã bị dẫn trước đến 3-1, để cuối cùng thắng 2-1 trong loạt sút luân lưu, bước chân vào bán kêt giải bóng đá Futsal Châu Á năm 2016 tại Uzbekistan). Qua đó đội tuyển Futsal Việt Nam lần đầu tiên lọt vào vòng chung kết bóng đá Futsal thế giới tại Colombia.

Niền vui của các cầu thủ Futsal Việt Nam sau trân thắng đội tuyển Futsal Nhật Bản. Ảnh Internet.

Thể thao Nhật Bản luôn là nền thể thao  hàng đầu Châu Á, trong đó họ luôn là "ông lớn" trong bóng đá. Bóng đá Futsal của họ đã 3 lần vô địch Châu Á vào những năm 2006, 2012, 2014 (tổ chức 2 năm một lần, và họ đang là đương kim vô địch, nhưng sau trận thua Việt Nam họ đã trở thành cựu vô địch). Phải nói rằng trước trận đấu tứ kết vừa qua, ít có người hâm mộ bóng đá Việt Nam nào nghĩ rằng đội tuyển Futsal Việt Nam có thể thắng được Nhật Bản (cũng như chắc chẳng có người Nhật Bản nào "dám" nghĩ rằng họ sẽ thua Việt Nam). Thậm chí bản thân tôi trước trận đấu đã nghĩ rằng, thua họ cách biệt 2 bàn đã là hay lắm rồi (như ta vừa thua Thái Lan 1-3 trong trận tranh ngôi đầu bảng, để sau đó phải đối đầu với Nhật Bản, thay vì nhất bảng sẽ gặp đội Úc yếu hơn, đội Thái Lan nhất bảng gặp Úc họ đã thắng Úc đến 6-1, và cũng đi tiếp vào bán kết như đội Việt Nam).

HLV người Tây Ban Nha Bruno Garcia Formoso (áo xanh bìa phải) của đội tuyển Futsal Việt Nam. Ảnh Internet.

Ta cũng nên biết qua, HLV đội tuyển bóng đá Futsal Việt Nam là ông Bruno Garcia Formoso, người Tây Ban Nha. Hai năm trước khi mới nhận lời làm HLV đội tuyển Futsal Việt Nam, ông đã tuyên bố trong vòng 2 năm ông sẽ đưa đội Futsal Việt Nam lọt vào top 4 Châu Á, đúng là ông đã làm được. Lọt vào top 4 châu lục, và vòng chung kết thế giới trong giải bóng đá Futsal cũng không phải là cái gì ghê gớm lắm, niềm vui này rồi cũng qua đi. Có thể người ta sẽ nói "hay không bằng hên", "ăn may", "tổ đãi"... Cũng có thể như thế thật, nhưng để hên hay ăn may, được tổ đãi, người trong cuộc phải lao động nghiêm túc, đổ mồ hôi sôi nước mắt, phải được huấn luyện, dẫn dắt bởi những người tài và tâm huyết. Một thành công nhỏ trong ngày hôm nay thật đáng trân trọng, tự hào, nhưng nó không phải là cái để tự mãn. Thành công này chỉ là những bước đi chập chững đầu tiên, và cho thể thao Việt Nam nói chung cái tự tin rằng hoàn toàn chúng ta có thể thoát khỏi cái ao làng, hay những con rạch nhỏ đầy lục bình, để vững tin bước ra sông cái và biển lớn...

Sáng nay (19-2) trên tivi tôi có nghe đây đó "đến hẹn lại lên", nhiều nơi khai mạc lễ hội. Trong chương trình Cafe sáng, tôi cũng được nghe một nữ TS. (Đoàn Hương) nói chuyện (chương trình hay mời bà nói chuyện). Trong câu chuyện bà có đề cập đến chuyện lễ hội. Ai cũng biết lễ hội là cần thiết trong cuộc sống, ở bất cứ một xã hội nào. Nhưng lễ hội ở Việt Nam thì quả thật xưa nay là quá nhiều, kéo dài, tốn kém tiền của xã hội, và quá mất thời giờ. Lễ hội ở Việt Nam ngày xưa là sản phẩm của nền văn minh nông nghiệp còn lạc hậu, trông cậy hoàn toàn vào sức ngưới, hay con trâu, thời tiết, thời vụ, mưa nắng... cho nên lúc nông nhàn thì người ta mở hội, vui chơi cho bõ lúc bận rộn, cơ cực, ít thì dăm bảy ngày, nhiều thì kéo dài cả tháng, chẳng cần biết đến đây là thời gian nào trong năm, bởi lễ hội ngày xưa chỉ là lễ hội của một làng, cùng lắm là của Tổng, của Huyện, không liên quan gì đến... hòa binh thế giới...

Một hình ảnh bạo lực trong lễ hội ngày nay. Ảnh Internet.

Trong một chương trình trước vị nữ TS. này nói, có lần bà được dự một lễ hội khá kỳ cục, ngày đầu năm người hai làng kéo nhau đi, gặp nhau giữa đường thì xắn quần áo xỉa xói chửi nhau, thậm chí còn xông vào nhau ẩu đả**... Vị nữ TS. nói, người Việt kiêng kỵ ăn to nói lớn, nói bậy, người lớn dạy con cháu phải biết giữ ý tứ, lễ phép vào dịp năm mới. Đại ý là ta chỉ nên giữ lại những lễ hội có tính chất văn hóa, còn những lễ hội nhuốm màu bạo lực, tranh giành, chửi bới... không còn hợp thời, phản giáo dục thì nên bỏ. Thời buổi bây giờ là thời buổi công nghiệp, văn minh, không nên tổ chức quá nhiều lễ hội rình rang, kéo dài, tốn kém, mất thời giờ...


Ghi chú:

* Futsal: còn gọi là Bóng đá trong nhà, thi đấu ở sân có kích thước nhỏ trong nhà. Tên Futsal có nguồn gốc từ tiếng Bồ Đào Nha "Futebol de salão", hoặc tiếng Tây Ban Nha "Fútbol sala", "fútbol de salón". Được tổ chức dưới hình thức thi đấu đối kháng giữa hai đội, mỗi đội gồm 5 cầu thủ ra sân, chưa kể cầu thủ dự bị. Hai bên có khung thành như bóng đá sân cỏ, nhưng khung thành nhỏ hơn.

Bóng đá Futsal thi đấu trong nhà cho nên sân cũng nhỏ hơn, trái bóng nhỏ hơn nhưng nặng hơn. Bóng đá Futsal cần đến tố chất khéo léo và kỹ thuật hơn là bóng đá 11 người ngoài sân cỏ, cho nên thích hợp với tố chất của cầu thủ Việt Nam.

** Trong quyển Hội hè đình đám Việt Nam của học giả Toan Ánh, có nhắc đến một cổ tục của hai xã tại miền Bắc, đó là xã Sài Sơn, tỉnh Sơn Tây (Hà Bắc), và xã Thụy Khuê ở ngoại ô Hà Nội. Thành Hoàng hai xã này lúc sinh thời vốn thù hằn nhau, nên hằng năm hai làng này phải gặp và đánh, chửi nhau một trận thì trong năm cả hai làng mới yên ổn làm ăn.

Hèm của hai làng là cứ đến sáng mùng 6 tháng Giêng, người của hai làng tụ họp xách gậy gộc kéo nhau. Gặp nhau ở giữa đường mới đầu là chửi nhau, một hồi thì xông vào choảng nhau, choảng thật sự, kẻ sứt trán, người bươu đầu rồi mới kéo nhau về. Ngày hôm sau người dân hai làng gặp nhau lại niềm nở chào hỏi như không có chuyện gì xảy ra.




Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

Lại bàn nhảm về nhạc.

Ca khúc Ly rượu mừng. Ảnh Internet.

Trong entry trước tôi có lạm bàn về một vài thể loại nhạc phổ biến ở miền Nam trước năm 1975, như Nhạc tiền chiến, Nhạc sến, Nhạc vàng... Bạn Marguerite vào comments nói về trường hợp một bài hát rất quen thuộc vào dịp tết đối với những ai thuộc lứa tuổi trung niên trở lên, đó là ca khúc Ly rượu mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Tôi chép lại bài hát dưới đây:

Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó

Á a a à
Nhấp chén đầy vơi chúc người người vui
Á a a à
Muôn lòng xao xuyến duyên đời

Rót thêm tràn đầy chén quan san
Chúc người binh sĩ lên đàng
Chiến đấu công thành
Sáng cuộc đời lành
Mừng người vì nước quên thân mình

Kìa nơi xa xa có bà mẹ già
Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa
Chúc bà một sớm quê hương
Bước con về hòa nỗi yêu thương

Á a a à
Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính
Á a a à
Chúc mẹ hiền dứt u tình

Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương
Xây tổ ấm trên cành yêu đương
Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ
Tiếng thi ca nét chấm phá tô thêm đời mới

Bạn hỡi vang lên
Lời ước thiêng liêng
Chúc non sông hòa bình, hòa bình

Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
Đợi anh về trong chén tình đầy vơi

Nhấc cao ly này
Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
Nước non thanh bình
Muôn người hạnh phúc chan hòa

Ước mơ hạnh phúc nơi nơi
Hương thanh bình dâng pbơi phới.

Bài hát Ly rượu mình đã bị cấm hát suốt 40 năm nay, mới được cấp phép cho hát trở lại. Bạn Marguerite nói, trong bài hát có những câu dành cho người lính, mà người lính ở miền Nam thời đó là lính VNCH cho nên có thể vì thế bài hát đã bị cấm. Tôi cũng đồng ý với ý kiến này, có lẽ đây là một trong những lý do bài hát bị cấm, tuy chúng ta đã thấy toàn bộ ca từ bản nhạc Ly rượu mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương không có câu cú nào gọi là phản động, hay đồi trụy. Người binh sĩ hay người lính là những từ danh từ chung, để chỉ những người phải cầm vũ khí bảo vệ cuộc sống, bảo vệ đất nước, ở đâu, thời nào, bên nào cũng phải có người lính, chứ không phải là loại lính đặc trưng "Thiên thần mũ đỏ, mũ xanh, hay lính rằn ri" của chế độ cũ.

Theo thiển ý của tôi thì việc cấm bài hát này (và nhiều bài hát khác nữa) có nhiều lý do. Một trong những lý do hàng đầu, là lịch sử, nhân thân nhạc sĩ trước đây (lý lịch, những hoạt động, công việc của họ trước đây thuộc loại "nhạy cảm"), chẳng hạn như trường hợp của nhạc sĩ Phạm Duy. Ông là người thời trẻ theo kháng chiến, rồi trở về thành ("dinh tê", tức là từ Chiến khu trở về Hà Nội), vào Nam, sang Mỹ... Tuy đại đa số nhạc của ông là tình khúc, lời lẽ không có vấn đề gì, nhưng một số trong hàng nghìn tình khúc của ông chỉ mới được cho hát lại đây, khi ông bỏ hẳn nước Mỹ trở về ở lại Việt Nam.

Những yếu tố khác là lời của chính bài hát, ngoài từ "binh sĩ" có thể được hiểu ở đây là người lính "Cộng hòa", thì những từ ta tưởng là vô thưởng vô phạt nhưng có khi với ai đó lại là cả một vấn đề (?!), như tự do, hòa bình, người công nhân ấm no, sáng cuộc đời lành... Có lẽ đây cũng là những từ ngữ "nhạy cảm" (ta có thể thấy những con đường ở Saigon trước năm 1975 như Tự Do, Độc Lập, Công Lý, thì sau năm 1975 đã bị đổi tên. Bây giờ chắc các bạn có nghe từ "diễn biến hòa bình"? "Người công nhân ấm no"? "sáng cuộc đời lành"? Ở nơi bị địch chiếm đóng làm gì có ấm no và cuộc đời lành?).

Ca khúc Chiều mưa biên giới. Ảnh Internet.

Nhân đây tôi cũng xin nói thêm về một vài ca khúc ở miền Nam trước năm 1975, nhưng đã bị chính quyền Sài Gòn thời đó cấm phổ biến mà tôi biết khá rõ lý do cấm, vì nội dung bài hát, hoặc chỉ vì một vài ca từ. Chắc bạn nào ở Saigon còn nhớ bài hát Chiều mưa biên giới qua tiếng hát của Trần Văn Trạch (em ruột của GS. TS Trần Văn Khê), bài hát này là của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Tuy bản thân nhạc sĩ là sĩ quan cao cấp của chế độ (cấp bậc đại tá), nhưng bản nhạc này của ông đã bị cấm, vì nội dung được cho là ủy mị, phản chiến. Ngay những câu đầu của bài hát đã khá u ám:

Chiều mưa biên giới anh đi về đâu
Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu
Kìa rừng chiều âm u rét mướt
Chờ người về vui trong giá buốt
Người về bơ vơ.

Ca khúc Áo anh sút chỉ đường tà. Ảnh Internet.

Hai bản nhạc khác của nhạc sĩ Phạm Duy mà tôi biết, đã bị cấm vì một vài lời của bài hát. Sau tác giả phải sửa lại lời mới được cho phổ biến. Thứ nhất là bài Áo anh sút chỉ đường tà, phổ nhạc từ bài thơ Màu tím hoa sim nổi tiếng của nhà thơ Hữu Loan (Nguyễn Hữu Loan). Trong bài hát có câu "Nàng có ba người anh đi bộ đội lâu rồi...". Như ta đã biết, chỉ có miền Bắc mới gọi người lính là "bộ đội", sau phải sửa lại là "quân đội". Một câu khác "Tôi là người chiến binh xa gia đình đi kháng chiến", hai từ "kháng chiến" phải sửa thành "chiến đấu".

Bìa ca khúc Kỷ vật cho em. Ảnh Internet.

Bài hát thứ nhì là Kỷ vật cho em, thơ Linh Phương, Phạm Duy phổ nhạc. Đây là một bài thơ, một bài hát có những từ ngữ khá thật và trần trụi về chiến tranh. Chẳng hạn những câu, "Anh trở về trên đôi nạng gỗ/ Anh trở về bại tướng cụt chân", hoặc "Anh trở về bằng chiếc băng ca/ Trên trực thăng sơn màu tang trắng", một hình ảnh thất bại. Câu này cuối cùng phải sửa lại thành "Anh trở về bằng khúc hoan ca/ Trên trực thăng vang trời thanh vắng", vớt vát một cách gượng gạo bằng khúc ca khải hoàn ngày trở về... Sau này ca khúc Kỷ vật cho em được phổ biến trở lại bằng những từ ngữ gốc của bài thơ và bài hát.






Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

Đầu năm nói chuyện nhạc.

Bản Nhạc tiền chiến "Thu quyến rũ" của Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Ảnh Internet.

Trước hết xin nói ngay "nhạc" ở đây là có dính líu tí chút tới âm nhạc, về âm nhạc nói chung tôi cũng không rành rẽ gì cho lắm, tuy cũng có biết chơi chút đỉnh guitar classique. Chẳng qua tết ngồi nhà không biết làm gì, đọc được một bài báo trên một trang mạng của một nhà thơ, nhà văn trước năm 1975 ở Sài Gòn*, viết về Nhạc sến. Trong đó có đoạn ông viết:

Không biết do đâu, sau năm 1975 gu thưởng thức nhạc đã chia ra 3 loại hình âm nhạc: Nhạc đỏ, Nhạc vàng, và Nhạc "sến". Nhạc đỏ là những bản nhạc cách mạng với giai điệu hùng tráng, ca từ mạnh mẽ, lạc quan mang tính chiến đấu cao từ trong chiến tranh, phổ biến ở cả miền Bắc lẫn miền Nam (thời kỳ tạm chiếm). Nhạc vàng, được hiểu là nhạc "tiền chiến", là những sáng tác âm nhạc trước năm 1945, hầu hết là những ca khúc trữ tình, giai điệu nhẹ nhàng, trầm buồn, ca từ trau chuốt, lãng mạn thể hiện tình yêu đôi lứa. Nhac "sến", phổ biến trong giai đoạn chiến tranh ở miền Nam trước năm 1975, hầu hết những ca khúc này từ ca từ đến giai điệu đều rất buồn, thể hiện tình yêu đôi lứa trong cảnh chia ly, tan vỡ hoặc nỗi buồn về thân phận, quê hương chia cắt, một số ca khúc nói về đời lính, tình yêu lính trong bối cảnh chiến tranh, nhìn tương lai u ám, nuối tiếc dĩ vãng, kỷ niệm...

Trong bài tác giả lý giải về Nhạc sến:

"Nhạc sến" được quy cho cái mác "nhạc não tình". Nhưng thế nào là "Nhạc sến"? Có nhiều cách giải thích, nhưng theo tôi cách giải thích thuyết phục nhất, do đây là dòng nhạc sáng tác cho đại chúng, theo giai điệu Boléro, Hambanera, Slow rock... mà hầu hết lấy điệu Boléro làm chủ đạo, ca từ dễ hiểu, dễ thuộc, từ trong sinh hoạt đời thường, mang nặng tâm trạng của số đông kể cả thành thị lẫn nông thôn, nên khi được các ca sĩ có chất giọng phù hợp phổ biến trên các phương tiện truyền thông thời bấy giờ, rất dễ đi vào lòng người, lan tỏa nhanh thành một xu hướng nhạc thị hiếu, tạo thành phong trào, gu âm nhạc đáp ứng cho số đông.

Phải nói rằng, gạn lọc từ trong dòng nhạc này cũng có nhiều ca khúc phù hợp với tâm trạng của nhiều người và chính vì thế nó được hát mọi lúc mọi nơi. Không chỉ với người lớn tuổi mà cả giới trẻ, đặc biệt là giới "bình dân". Giới "bình dân" thời đó là ai? Đó là giới có trình độ văn hóa thấp, xuất thân từ nông thôn, do chiến tranh loạn lạc rời bỏ quê nhà lên thành phố Sài Gòn làm nghề ở mướn, giúp việc cho các gia đình người Mỹ có vợ Việt, hoặc gia đình người Việt giàu có.

............................

Trên đây là đoạn mở đầu bài viết bàn về " Nhạc sến" của tác giả. 

Trước năm 1975, sống ở Sài Gòn tôi nhận thấy có mấy khái niệm chính để phân biệt về tính chất của những bài hát lúc bấy giờ:

1. Nhạc tiền chiến:

Là những bài hát được sáng tác trước năm 1945 (nếu hiểu theo đúng nghĩa của từ "tiền chiến"), như của Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Đặng Thế Phong, Nguyễn Văn Thương, Doãn Mẫn, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Quý, Lê Trạch Lựu, Hoàng Giác, Thẩm Oánh, Văn Phụng, Nguyễn Thiện Tơ, Lưu Hữu Phước, Vũ Thành, Phạm Duy... Cũng có thể thêm một số ca khúc được sáng tác sau thời gían 1945 ít lâu (khoảng chừng 5, 10 năm). Nhạc tiền chiến như thế bao gồm cả loại nhạc kêu gọi lòng yêu nước của thanh niên, giai điệu mạnh mẽ, nhưng đa số là những ca khúc nghiêng về tình cảm lứa đôi, giai điệu nhẹ nhàng.

Nhạc tiền chiến được ưa thích và phổ biến trong giới trí thức thời đó, bao gồm giới trí thức lớn tuổi và giới sinh viên, học sinh. Vào khoảng nửa đầu của thập niên 1975 trên truyền hình có nhạc sĩ Vũ Thành**, đảm trách một chương trình nhạc có tên là Nhạc thính phòng, thường giới thiệu những chương trình nhạc tiền chiến.

Bìa bản Nhạc tiền chiền "Em tôi" của nhạc sĩ Lê Trạch Lựu. Ảnh Internet.

2. Nhạc sến:

Là loại nhạc như ta đã thấy giải thích bên trên, được giới bình dân ưa thích, đa phần là những bản nhạc dựa trên nền nhạc Boléro. Ngoài ca từ dung dị dễ hiểu, đặc điểm nổi bật nhất của dòng Nhạc sến, là ở "chất giọng" của người hát, hát cho ra chất "sến" ngày xưa chắc ai ở Sài Gòn cũng phải đồng ý, không ai qua được nam ca sĩ Chế Linh. Riêng về việc ưa thích Nhạc sến là giới "bình dân" có lẽ phải nói thêm, không chỉ là những cô giúp việc nhà mà thời đó người ta gọi là những cô "sen", hoặc "Mari sến" (thời nay gọi là ô sin), có lẽ đây là một từ khôi hài vì thời đó giới nhà giàu lắm tiền của thường có tên Tây bên cạnh tên Việt, như tác giả bài báo đã viết.

Thực ra những cô sen hay "Mari sến" thời đó chỉ là một thành phần của giới "bình dân" lúc bấy giờ. Giới "bình dân" ở thời đó nói chung là những người ít học, còn ở nông thôn hay đã ra thành thị (thường do hoàn cảnh chiến tranh), và những người đã ở lâu nơi thành thị. Nét chung ở giới bình dân nữa là họ thường làm những công việc tay chân, buôn bán lặt vặt ở chợ, nghề tiểu thủ công, thợ thuyền lao động...

Như vậy ta thấy Nhạc sến thời đó là loại nhạc được ưa thích trong quảng đại quần chúng.

Bìa của một bản Nhạc sến trước năm 1975. Ảnh Internet.

3. Nhạc phản chiến:

Ngoài hai loại Nhạc tiền chiến và Nhạc sến ghi trên, trước năm 1975 còn một loại nhạc nữa ta thường nghe nói tới, thậm chí loại nhạc này bị chính quyền thời đó cấm phổ biến, đó là Nhạc phản chiến. Nhạc phản chiến là loại nhạc nói lên cái vô lý, tàn bạo của chiến tranh, hoặc phản đối chiến tranh, kêu gọi hòa bình, loại nhạc kêu gọi "Dậy mà đi" trong giới học sinh, sinh viên... Điển hình lúc bấy giờ có "Ca khúc da vàng", "Kinh Việt Nam" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hoặc những ca khúc "phản chiến" được lưu hành trong giới học sinh, sinh viên của các nhạc sĩ Tôn Thất Lập, Trương Quốc Khánh... lúc bấy giờ...

Nếu Nhạc tiền chiến và Nhạc sến có những đối tượng ưa thích được phân biệt rõ ràng, thì Nhạc phản chiến lúc ấy không phân biệt rõ như vậy. Trong giới nào, trí thức cũng như bình dân cũng đều có người yêu thích Nhạc phản chiến, kể cả một giới ta tưởng là "chiến" thời đó là quân nhân, cũng có rất nhiều người thích dòng Nhạc phản chiến (đấy cũng có thể là một lý do nhỏ để làm nên Bên thua cuộc và Bên thắng cuộc).

Bìa tập nhạc Ca khúc da vàng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh Internet.

Ngoài ba dòng nhạc chính kể trên, ta không thể không kể đến một dòng nhạc thời thượng lúc bấy, được phổ biến ở miền Nam nhất là trong thập niên của thời Đệ nhị Cộng hòa (khoảng từ 1965 đến 1975). Đó là những ca khúc được giới trí thức ưa thích, dòng nhạc này không có tên gọi rõ ràng như ba dòng nhạc trên, tiêu biểu là những ca khúc của những nhạc sĩ gạo cội như Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cung Tiến, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Ánh 9... và những nhạc sĩ trẻ hơn như Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, những ca khúc của cặp đôi Lê Uyên & Phương... Những bài hát này được gọi là Tình khúc, đó là những bản nhạc về tình yêu đôi lứa, phảng phất một triết lý nhân sinh của xã hội bấy giờ, và dĩ nhiên thời gian này chiến tranh đang nổ ra ác liệt tại miền Nam, cho nên trong nhiều bài hát là Tình khúc vẫn luôn mang âm hưởng và những mất mát do chiến cuộc mang lại...

Bìa nhạc phẩm Hoài cảm của Cung Tiến. Ảnh Internet.

Cũng xin nhắc thêm trước năm 1975 tại miền Nam, cụ thể tại Sài Gòn cũng phôi thai một dòng Nhạc trẻ mà nổi bật hơn hết có ban nhạc  Phượng Hoàng, với Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà, ca sĩ Elvis Phương của nhóm Rockin' Stars, hoặc nhóm Strawberry Four gồm Tuấn Ngọc, Đức Huy, Tiến Chinh, Tùng Giang... Và một dòng nhạc nữa gồm những bài hát được hát trong các buổi sinh hoạt Hướng đạo, sinh hoạt tập thể của thanh niên, trong đó bao gồm cả những bài hát của nhóm Nhạc Du ca do Hoàng Ngọc Tuệ, Nguyễn Đức Quang... khởi xướng.

Như chúng ta đã thấy những dòng nhạc chính kể trên sau một thời gian bị cấm đoán, thì nay đã trở lại mạnh mẽ, được nhiều người ưa thích hiện nay... Những bản Nhạc sến Boléro một thời được cho là ủy mị, văn hóa đồi trụy... nay đã phổ biến trên truyền hình...

Tuyển tập Nhạc trẻ trước năm 1975 tại Sài Gòn. Ảnh Internet.

Nhân đây tôi cũng xin nói về Nhạc đỏ, Nhạc vàng, và Nhạc Sến như tác giả bài viết đã đề cập. Nhạc đỏ và Nhạc sến tác giả nói đã rõ, riêng về Nhạc vàng có lẽ cũng xin nói thêm chút đỉnh. Theo trang Wikipedia, trước năm 1975 chia thành 2 dòng Nhạc vàng, một là dòng Nhạc vàng của miền Bắc (từ vĩ tuyến 17 trở ra), đại khái từ Nhạc vàng này bắt nguồn từ khái niệm "nhạc màu vàng" (Hán ngữ gọi là hoàng sắc âm nhạc), là loại nhạc tình phổ biến ở Thượng Hải vào thập niên 1930, và từ ngữ này du nhập vào miền Bắc vào thập niên 1950.

Còn từ Nhạc vàng gọi ở miền Nam (từ vĩ tuyến 17 trở vào) từ thập niên 1960, nhạc sĩ Phó Quốc Lân đã lập ban "Nhạc vàng" thuộc đài Truyền hình Việt Nam lúc bấy giờ. Sau từ Nhạc vàng được dùng để chỉ chung những ca khúc tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương, lính chiến, thân phận con người trong chiến tranh... nói chung ta có thể hiểu Nhạc vàng là để chỉ chung cho loại nhạc tình cảm, ủy mị, trong đó có Nhạc tiền chiến, Nhạc sến (phổ biến trong giới bình dân), những ca khúc phổ biến trong giới trí thức... ở vào thời điểm trước năm 1975 tại miền Nam.



Ghi chú:

* Bài có tựa Nhạc sến là nhạc gì? đăng trên trang Một Thế Giới ngày 08-02-2016 của tác giả Từ Kế Tường.

** Vũ Thành: theo trang Wikipedia, nhạc sĩ Vũ Thành sinh năm 1926 tại Hà Nội. Trước năm 1954 ông là công chức và là nhạc trưởng ban nhạc "Việt nhạc" của đài phát thanh Hà Nội. Sau năm 1954 vào miền Nam ông phối âm lại nhiều ca khúc thời bấy giờ, và có làm chương trình Nhạc thính phòng được nhiều người yêu thích trên đài truyền hình, cùng một chương trình ca nhạc khác được yêu thich không kém, là chương trình nhạc Tiếng tơ đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng.






Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016

Ý nghĩa của "củ mật" trong "Tháng củ mật"?



Sáng 27 tết, tôi coi một chương trình sớm trên tivi, thấy cô xướng ngôn viên và khách mời (một vị tiến sĩ) nói chuyện về "Tháng củ mật". Theo như cách hiểu thông thường trong xã hội, thì khẩu ngữ "Tháng củ mật" là tháng cuối cùng trong năm (Âm lịch), đó là tháng Chạp (tháng mười hai ta). Tháng cuối cùng của năm ta là một tháng khá đặc biệt với người Việt, xưa trong xã hội nông nghiệp là thời gian đã thu hoạch, trồng trọt xong, trong nhà đã có của ăn của để, lo sắm sửa chuẩn bị ăn tết. Thời gian này cũng là lúc trộm cắp hoành hành, nhòm ngó, đục tường khoét vách.

Tại sao gọi là "củ mật", thì vị tiến sĩ giải thích, củ mật là một loại củ đắng (mật = đắng), ý nói  đại khái ngày xưa nếu tháng này mà người dân không cảnh giác trộm đạo, nếu bị trộm viếng nhà sẽ nhận được một kết quả "đắng" như ăn phải "củ mật". Nghe giải thích tôi chợt nhớ đến bà cụ của tôi, ngày xưa khi còn nhỏ tôi cũng hay được nghe cụ nói "Đắng như củ mật". Có lẽ có một loại củ có vị đắng mà dân gian xưa ví von như thế?

Từ trước đến nay thỉnh thoảng tôi cũng có nghe, hoặc đọc được trong sách nói về "Tháng củ mật" với ý nghĩa là tháng cuối năm, coi chừng trộm cắp viếng nhà, chứ không quan tâm lắm về ý nghĩa của từ ngữ. nay nghe giải thích thế tôi thử đi tìm ý nghĩa từ nguyên xem sao.

1. Trước hết là cách giải thích "củ mật" là một loại "củ đắng". Tôi thử tra tìm trong sách vở, những quyển từ điển thành ngữ, tục ngữ, chỉ thấy có "Đắng như bồ hòn", hoặc "Đắng như mật cá mè", không thấy nói "Đắng như củ mật", kể cả từ điển Bách khoa Nông nghiệp, chỉ có "củ một", tên gọi khác là "củ bình vôi" một loại củ để bào chế thuốc theo dân gian. Trong từ Hán-Việt thấy có từ khổ qua  có nghĩa là mướp đắng (khổ=đắng, qua=quả mướp). Tuy nhiên nếu sách vở chưa  có (hoặc không) nói đến, cũng chưa thể khẳng định là không có "củ mật".

2. Tra trên mạng, thấy giải thích "củ mật" là từ Hán-Việt, rút gọn từ "củ sát nghiêm mật". Từ điển Hán-Việt trích dẫn cho biết:

糾察 củ sát
○  Coi xét lỗi lầm của người khác, kiểm soát. ◇Liêu trai chí dị Lưu hỉ chi, ư thị củ sát tốt ngũ hữu lược thủ phụ nữ tài vật giả, kiêu dĩ thị chúng  (Thái vi ông ) Lưu cho là phải, thế là kiểm soát đội ngũ, kẻ nào cướp bóc của cải, bắt ép phụ nữ đều bị đem chặt đầu bêu lên cây để răn dân chúng.

嚴密 nghiêm mật
○  Chặt chẽ, không sơ hở, chu đáo.
○  Nghiêm ngặt, gắt gao. ◇Hồng Lâu Mộng Mỗi tư tương hội, chỉ thị phụ thân câu thúc nghiêm mật, vô do đắc hội  (Đệ thập tứ hồi) (Bảo Ngọc) vẫn mong gặp mặt, chỉ vì cha câu thúc nghiêm ngặt quá, nên chưa được gặp.

Qua xem xét, ta thấy có hai cách giải thích từ "củ mật" như nêu trên, 1. là cách giải thích "củ mật" là một loại củ có vị đắng, như của vị tiến sĩ trên tivi, 2. "củ mật", là từ rút gọn của từ Hán-Việt "củ sát nghiêm mật", có nghĩa là "kiểm soát, chặt chẽ, không sơ hở".

Và ngày nay thì "Tháng củ mật" không phải là chỉ đề phòng, coi chừng kẻ gian trộm cắp, mà còn phải đề phòng chuyện cháy nổ (trong vòng một tuần lễ trở lại đây đã có vài vụ cháy nhà nghiêm trọng ngay giữa trung tâm Saigon), đề phòng chuyện liên hoan, ăn nhậu lu bù, say xỉn dẫn đến ngộ độc thực phẩm (thực phẩm "bẩn" giờ quá nhiều, thịt thối vào tận nhà hàng chứ không còn ở hàng quán vỉa hè, rau muống thì phun nhớt, rượu giả tràn lan...), chuyện "rượu vào lời ra", ẩu đả, tai nạn xe cộ, cao hứng bài bạc cháy túi...





Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016

Những ngày sắp tết.

Tranh dân gian những trò vui trong lễ hội xưa. Ảnh Internet.

Vừa qua trên những trang thông tin đại chúng (báo mạng), tôi đọc được thông tin Bộ Văn hóa Thể Thao & Du lịch, Sở Văn hóa Thể Thao Hà Nội, có công văn yêu cầu các nơi không tổ chức những lễ hội mang tính bạo lực như chọi trâu, đập đầu trâu, chém lợn... Việc làm này nhận được rất nhiều sự đồng tình của xã hội, nhưng cũng không ít người phản đối, kể cả sự phản đối của những người trí thức chuyên nghiên cứu về văn hóa, lịch sử.

Một sự kiện liên quan đến xã hội, của xã hội, được sự quan tâm của nhiều người là điều đáng mừng, tuy có những ý kiến trái chiều. Người đồng ý bãi bỏ nêu ý kiến đấy là những tập tục mang tính bạo lực, không còn hợp thời, đi ngược lại truyền thống yêu hòa bình nhân ái của dân tộc Việt, truyền bá các hành vi kích động tội ác... Tuy nhiên những người phản đối thì cho rằng cấm đoán là không hiểu gì về văn hóa truyền thống của dân tộc, đi ngược lại nhu cầu tín ngưỡng của người dân, đấy là những nét đặc trưng của văn hóa và tín ngưỡng cổ truyền, nói đấy là những hành vi "dã man", "tàn bạo" là thiếu thận trọng...

Lể hội ngày xưa đa số ở miền Bắc, "xuân thu nhị kỳ" là hai mùa người dân mở lễ hội. Mùa thu vào tháng bảy, tháng tám (tính theo Âm lịch) sau vụ cấy lúa mùa, và tháng giêng, hai sau vụ cấy lúa chiêm. Đó là lúc người dân quê được nghỉ ngơi, vụ lúa chính đã cấy xong, và những hoa màu phụ cũng đã được trồng. Nhưng lễ hội vào mùa xuân nhiều hơn mùa thu, khi đó các làng xã thi nhau mở hội. Có làng mở hội sớm từ trong năm, nhưng cũng có làng ra giêng, hay vào tháng hai, tháng ba mới mở hội.

Nhân đây tôi thử tìm hiểu tại sao những lễ hội lại tồn tại trong suốt cả chiều dài của lịch sử dân tộc hàng ngàn năm.

Trước hết là hai từ "lễ hội", rất lạ là tôi thử tra trong từ điển, không thấy hai từ này, những từ điển tiếng Việt xưa nay tôi có chỉ thấy "lễ độ, lễ lạt, lễ nghi...". Trong sách của mình, học giả, nhà văn Toan Ánh đã gọi những lễ hội ngày xưa là "Hội hè đình đám", và những mục đích chính để người xưa tổ chức những lễ hội là:

- Những cuộc tế lễ. 
- Những trò giải trí.
- Những tiệc tùng.

Nếu nói theo toán học thì có lẽ đây là những điều kiện "ắt có và đủ" để làm nên một lễ hội ngày xưa. Điều kiện đầu tiên mà ta thấy là "Những cuộc tế lễ".

A. Những cuộc tế lễ:


Tế lễ ở đây là những nghi thức để người dân tôn vinh, tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với Thành Hoàng, vị thần linh coi sóc che chở cho dân làng trong một năm đã qua. Việc tế lễ được tổ chức tại đình làng. Thành Hoàng ở đây có thể là một Nhiên thần, như thần núi, thần sông... Hoặc một Thiên thần, như Chử Đồng Tử, Công chúa Liễu Hạnh... Cũng có thể là một Nhân thần, những anh hùng lịch sử có công với đất nước, như Hưng Đạo Đại Vương, Hai Bà Trưng... Cũng có thể là người có công giúp đỡ, dạy cho dân làng một nghề nghiệp, như nghề mộc, nghề gốm, nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt vải... Cũng có thể là người đã có công khai hoang lập ấp, lập ra một vùng, miền...

Những vị thần này được gọi là "Phúc thần", phúc thần được chia làm Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần, Hạ đẳng thần, và thường có sắc phong của triều đình. Ngoài phúc thần, có những nơi người dân còn thờ những vị thần khác được cho là chết vào giờ linh, nhiều khi không rõ tên tuổi, tông tích, như thần ăn xin, thần gắp phân, thần ăn trộm, ăn cướp, thần trẻ con, thần chết nghẹn, thần tà dâm... Những vị thần này được gọi là tà thần, yêu thần, và không bao giờ được sắc phong.

Trong tế lễ người dân thường diễn lại những công trạng, công việc ngày xưa của Thần gọi là hèm, như tục Đánh Phết tương truyền là trò chơi để luyện nữ binh của Hai Bà Trưng, Cờ lau tập trận, là trò chơi thời niên thiếu của vua Đinh Tiên Hoàng... Cũng có hèm diễn lại công việc gắp phân, trộm cắp, tà dâm... hoặc có những hèm diễn tả lại tín ngưỡng dân gian cổ xưa mang tính hiến tế, như chém gà, chém lợn, đập đầu trâu... Cũng có hèm diễn tả lại những nghi thức tính giao, phồn thực, như rước nõ nường, tục tắt đèn... trò chơi bắt chạch trong chum, cũng là một hình thức tín ngưỡng cổ của người dân khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam...

B. Những trò giải trí:

Điều thứ nhì để làm nên một lễ hội xưa là "Những trò giải trí". Đó là những trò vui, trò chơi không thể thiếu trong những lễ hội. Ngoài những trò gọi là hèm kể trên nằm trong nghi lễ tế tự, còn rất nhiều những trò vui khác. Những trò vui này có thể mang tính chất thuần túy giải trí cho mọi lứa tuổi, đối với người lớn tuổi có tổ tôm, đánh cờ, đánh cờ ngươi, thi thơ... Nam nữ thanh niên có ca hát đối đáp như hát quan họ, hát trống quân, hát ví... các môn vật, bơi thuyền, bịt mắt bắt dê, đánh đáo, đá cầu, đu tiên, đốt pháo, thi thả diều...

Cũng có những trò chơi khuyến khích nghề nghiệp, đề cao sự khéo léo trong việc nội trợ, chăn nuôi, như thi dệt vải, thi thổi cơm, nấu cỗ, làm các loại bánh, thi nuôi gà,  thi thả chim, nuôi lợn, tục đánh cá...

C. Những tiệc tùng:


Tiệc tùng ăn uống là cái không thể thiếu trong lễ hội xưa (hình như điều này vẫn còn rất phổ biến trong xã hội ngày nay). Người xưa nói "vô tửu bất thành lễ", khi lễ lạt mà chưa có rượu thịt, thì chưa phải lễ. Người xưa khi tế lễ thường có tam sinh, nghĩa là dùng ba sinh vật khác nhau, có thể là trâu, bò, lợn, dê, gà, vịt, cá, tôm...

Dâng lễ xong cộng đồng dân làng cùng hưởng rượu thịt, thường cùng hưởng tại đình làng, hoặc chia phần cho cả làng. Chi phí cho phần tiệc tùng này có thể là từ quỹ chung của làng, hay do dân làng đóng góp. Họ rất sẵn lòng, bởi người xưa nói "Miếng giữa làng hơn sàng xó bếp", hơn thế nữa, miếng giữa làng trong lễ hội lại càng quý bởi là lộc thánh.

Như chúng ta đã thấy bên trên, những yếu tố để người dân ngày xưa tổ chức, gắn bó với lễ hội là tín ngưỡng (tục thờ Thành Hoàng). Vui chơi, để lấy lại thăng bằng, quên đi những nhọc nhằn trong cuộc sống nông nghiệp quanh năm chân lấm tay bùn khi xưa, cũng là dịp để mọi người gặp gỡ, gắn kết cộng đồng. Tiệc tùng, có miếng thịt, con cá, với người dân quê xưa cũng là dịp bổ sung dinh dưỡng, khi hằng ngày họ chỉ quanh quẩn với rau cỏ dưa cà, hũ mắm...

Nhận xét:

Cuộc sống trôi đi, những thay đổi là điều tất nhiên, tục thờ Thành Hoàng giờ chỉ còn là ký ức. Những cuộc vui chơi cũng khác xưa, ngày xưa người dân gắn bó với xóm làng, lũy tre, ngôi đình, cây đa bến nước, những trò vui dân gian. Bây giờ cuộc sống đã rộng mở, đã quá khác, người ta có quá nhiều niềm vui, nhiều mối quan hệ, nhiều khi người cách xa nửa vòng trái đất chưa hề gặp mặt, ta còn thấy thân thiện hơn người hàng xóm cạnh nhà... Tiệc tùng ăn uống bây giờ không còn là một nhu cầu cấp thiết, nói đến ăn uống nhiều người còn cảm thấy sợ...

Như ta đã thấy, bây giờ những điều kiện để lễ hội diễn ra không còn, cho nên đa số những lễ hội đã dần trở thành ký ức. Tái hiện lại một số lễ hội mang tính nhân văn, giáo dục lòng yêu nước, hoặc giải trí vui vẻ... trong dịp xuân về là điều cần thiết, nhưng những lễ hội mang nét bạo lực, tàn bạo không còn hợp thời thì có lẽ cũng không còn lý do gì để tồn tại...