Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

Đánh đáo.

Tranh chơi đáo ngày xưa. Ảnh Internet.

Ở bài viết trước, anh bạn trẻ Huy Trường từ "Vui ra Phết", "Hay ra Phết" lần mò ra "Vui đáo để", "Hay đáo để", "Khôn đáo để"... và nêu thắc mắc "Phải chăng nó cũng bắt nguồn từ trò chơi đánh đáo?". Câu hỏi hay đây, chứng tỏ anh bạn trẻ này khi còn nhỏ cũng rất "quậy", rất rành những trò chơi trẻ con ngày xưa.

Nhưng trước khi đi vào chi tiết tìm hiểu xem "đáo để" có phải là từ trò chơi "đánh đáo" không? Tôi cũng xin giới thiệu qua trò chơi dân gian "đánh đáo". Học giả Toan Ánh cũng đã sưu tầm trò chơi này trong những dịp hội xuân ngày xưa ở miền Bắc.

Nếu trong lễ hội đánh phết, đấu vật, thi thổi cơm... là những "trò chơi" dành cho người lớn, thì đánh đáo thật sự là trò chơi thường ngày của trẻ con. Thời tôi còn là chú nhóc tì thì đám trẻ con (con trai) trong xóm quanh đi quẩn lại có những trò chơi như trốn tìm, đánh khăng, đánh cù (chơi con quay mà đám nhóc tì miền Nam gọi là "bông vụ"), đánh đáo, chơi u, cướp cờ, tạt lon... Trong những trò chơi này có trò chơi "đánh đáo" hoặc còn gọi là "chọi đáo", là có tí chút ăn thua mấy đồng "keng" lẻ...

Nhưng xem ra trong những kễ hội ngày xưa "đánh đáo" không phải là trò chơi chính thống của Ban tổ chức buổi lễ (như đánh phết, đấu vật...), mà chỉ là những trò chơi phụ, tạo thêm niềm vui trong lễ hội mà thôi. Học giả Toan Ánh trong Hội hè đình đám Việt Nam, đã nêu mấy cách chơi đáo trong lễ hội xưa như sau:

1. Đáo đĩa:

Đây là một trò đổ bác có ăn thua, trước đây thường gặp trong những hội hè thuộc vùng Bắc Ninh, Bắc Giang.

Chơi đáo đĩa rất giản dị, người cái bày ra một chiếc nia hay một chiếc mẹt tre, ở giữa có một cái đĩa thanh trúc đường kính khoảng mười hai đến mười lăm phân tây (loại đĩa sứ có vẽ cây trúc xanh trong lòng). Chiếc đĩa này dùng làm đích cho người chơi đáo. Những người chơi đáo được gọi là người con , đứng cách xa chiếc mẹt một khoảng cách cố định. Người con sẽ cả cái (là ném những đồng tiền xu vào trong cái đĩa thanh trúc), đồng tiền xu nào mà nằm lại được trong chiếc đĩa thanh trúc người con sẽ thắng, được người cái chung cho một số tiền gấp nhiều lần trị giá đồng tiền xu mà mình đã ném. Cũng có khi được trả bằng hiện vật, như gói trà tàu, vuông lụa hay nhiễu điều... Trường hợp đồng xu ném trúng nhưng văng ra khỏi chiếc đĩa rơi ra ngoài hay rơi trong mẹt, người con đều chịu mất đồng tiền ấy, nếu đồng tiền rơi ra ngoài khi chưa vào đĩa hay mẹt người con được quyền ném lại.

Thường trong những cuộc chơi này người cái có vài tay gọi là cò mồi ném rất điệu nghệ, thắng nhiều hơn thua, khiến người chơi tưởng dễ ăn nên cố chơi, đến khi thua "cháy túi" rồi mới biết bị lừa...

2. Đáo ô:

Đáo ô cũng tương tự như đáo đĩa, có người cáingười con, nhưng thay vì chiếc đĩa để trong mẹt, thì thay đĩa và mẹt bằng một chiếc khay gỗ vuông chung quanh có gờ, bên trong khay được kẻ thành những ô nhỏ, những ô này có ô có giải thưởng nhiều ít (có thể bằng tiền, có thể bằng hiện vật), cũng có những ô không. Người con cũng đứng ở một khoảng cách cố định, cả cái những đồng tiền xu của mình vào chiếc khay gỗ. Nếu đồng tiền xu rơi vào ô có giải thưởng, theo đó sẽ được trả thưởng, những đồng tiền nào vào những ô không có giải thưởng thì bị mất vào tay người cái. Trường hợp đồng tiền văng ra ngoài khay gỗ sẽ được hoàn để người con chơi lại.

3. Đáo lỗ:

Đáo lỗ là một trò chơi dân gian của đám trẻ con thường ngày, nhưng trong những hội hè ngày xưa cũng được đưa vào lễ hội với mục đích vui chơi. Chơi đáo lỗ không có cái với con, chỉ có vài đứa trẻ, hoặc đám thanh niên tụ họp nhau lại dưới gốc cây đa mát mẻ. Mỗi người chơi góp vào vài đồng tiền xu bằng nhau, chơi từng ván. Một cái lỗ nhò được khoét dưới đất, cách một khoảng cố định là vạch để người chơi đứng ở đó. Người chơi lần lượt thay phiên nhau ném xấp đồng xu vào cái lỗ, nếu đồng xu nào nằm lại trong cái lỗ thì người ném được quyền lấy những đồng xu đó, cho đến đồng xu cuối là hết ván, lại đậu tiền chơi ván khác.

Những trò Đáo đĩa, đáo ô là trò đổ bác thường ngày bị cấm, chỉ những khi hội hè mới được cho chơi ở lễ hội với tích cách vui chơi, còn chơi Đáo lỗ thì chỉ có đám trẻ con thỉnh thoảng có được vài đồng xu thì chơi với nhau, đây cũng là trò chơi ăn thua bằng tiền, nên cũng không phổ biến bằng những trò chơi khác như đánh khăng, đánh cù, chơi u, cướp cờ ở trẻ nhỏ khi xưa...

4. Đáo cọc:

Trong khi các loại đáo khác chơi bằng tiền xu, có tính chất sát phạt, không phải là trò chơi chính ở hội hè, thì đáo cọc ngày xưa có khác biệt, là trò chơi chính của Ban tổ chức lễ hội. Tại làng Lũng Ngoại, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (Vĩnh Phú) hằng năm mở hội từ mồng ba tới mồng bảy tháng Giêng, ngoài các trò chơi như đánh vật, tổ tôm điếm... còn có trò chơi đáo cọc.

Đáo cọc còn được gọi là ú đáo, được tổ chức trước sân đình, trên khoảng đất có chiều dài độ mười thước. Ở một đầu có cắm một chiếc cọc, trên đó phất phới lá cờ đuôi nheo ngũ sắc, người tham dự đứng ở đầu kia. Vào sáng mồng ba khai hội ông Tiên chỉ cũng trịnh trọng khai mạc môn đáo cọc, và chính ông sẽ ném viên đá đầu tiên, rồi đến những vị bô lão, chức sắc trong làng, sau nữa mới đến người dân đi lễ hội. Đáo ở đây là những viên đá tròn, người chơi phải ném những viên đá sao cho càng tới gần chân cọc càng tốt. Những người chơi đáo có thể dùng viên đá của mình ném đánh bật viên đá gần chân cọc của người khác. Sau một thời gian quy định viên đá của ai gần sát chân cọc nhất người ấy sẽ thắng cuộc, người thắng cuộc tin rằng năm ấy mình sẽ rất may mắn. Trò chơi này hơi giống như chơi Bi sắt (Boule, Pétanque) ngày nay, có tính chất vui vẻ, không sát phạt ăn thua như đáo đĩa, đáo ô, hay đáo lỗ.


Từ Đáo, Đánh Đáo trong Từ điển Việt-Bồ-La (1651- bản in lại) của Alexandre de Rhodes và bản dịch của nhóm Thanh Lãng.

Theo Từ điển Việt-Bồ-La của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes, ta thấy trò chơi "đánh đáo" là "Chơi tiền thảy lỗ" (đáo lỗ), là một trò chơi dân gian đã có ít ra là cả gần 500 năm nay.

Trở lại chuyện anh bạn trẻ Huy Trường thắc mắc có phải từ "đáo để" là từ trò chới đánh đáo mà ra hay không? Ta thấy khi xưa  có đáo đĩa, đáo ô, đáo lỗ, đáo cọc, nhưng không thấy có loại đáo nào là "đáo để". Người ta hay dùng từ "đáo để" khi nói:

a- "Trò chơi này vui đáo để" (Trò chơi này rất vui), nói theo bây giờ là "Vui tới bến", "Món ăn này ngon đáo để" (Món ăn này rất ngon), "Quyển sách này hay đáo để" (Quyển sách này rất hay)... Trong trường hợp này "đáo để" có nghĩa là "rất".

b- "Cô ta đáo để quá", "Đây là một anh chàng đáo để", "Con bé đó trông thế mà đáo để lắm"... Trong trường hợp này "đáo để" lại có nghĩa không tốt, như đanh đá, dữ tợn...

Tôi thử tra trong từ điển:

Từ điển Hán-Việt (Đào Duy Anh - 1957), ghi nhận:
- Đáo để 到底:  đến cùng (à la fin).

Tôi vẫn thích từ điển của cụ Đào Duy Anh, ở chỗ từ điển tiếng Hán đôi khi cụ ghi chú thêm tiếng Pháp, ngược lại từ điển tiếng Pháp cụ ghi chú thêm tiếng Hán.

Từ điển từ Hán-Việt (Lại Cao Nguyên - 2007):
- Đáo để 到底: 1. (đến tận đáy) Rất mực, hết mực. 2. Đanh đá, riết róng.

Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ - 1970):

- Đáo để: Trạng từ, Đến đáy, đến cùng. Tính từ, ghê gớm, ráo riết.

Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên - 1997):

- Đáo để: 1. tính từ, Quá quắt trong đối xử, không chịu ở thế kém đối với bất cứ ai. 2. khẩu ngữ, Quá chừng, hết sức.

Theo tôi, từ Hán-Việt "đáo để" ban đầu ý nghĩa như từ điển Hán-Việt của Đào Duy Anh, nghĩa là đến cùng, hoặc đến tận đáy (Đáo : đến, để : đáy) , những nghĩa khác như đanh đá, riết róng, ghê gớm... có lẽ là những nghĩa phái sinh về sau.

Như vậy ta thấy "Đáo để" là từ Hán-Việt, có những ý nghĩa như trên, không phải có nguồn gốc từ trò chơi Đánh đáo khi xưa. Hy vọng anh bạn trẻ Huy Trường tạm hài lòng với bài viết.



Tham khảo:

- Những sách đã dẫn.






Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Trò chơi dân gian ngày Tết.

Một quả Phết xưa được lưu giữ thờ trong đình. Ảnh Internet.

Chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa là đến Tết. Mùa xuân, ngày Tết xưa kia là mùa của lễ hội, của những trò chơi dân gian. Một trong những trò chơi đó đã hiện diện bao đời nay trong câu nói của người dân, đó là khẩu ngữ "Vui ra Phết". Xưa hồi tôi còn nhỏ chuyện gì vui quá hay nghe người lớn nói "Vui ra phết", nghe thì biết thế nhưng không biết vì sao lại "Vui ra Phết?", "Phết" là cái gì?. Hồi đi học trung học tại Saigon trong giờ học, có lần được nghe vị giáo sư dạy Việt văn (xưa thày dạy trung học gọi là giáo sư) giải thích, đại khái đánh Phết là một trò chơi dân gian trong lễ hội tại miền Bắc ngày trước, thường được tổ chức vào dịp xuân về. Đây là một trò chơi có tính tập thể, rất vui, khẩu ngữ "Vui ra phết" từ trò chơi này mà ra.

Trong sách Hội hè đình đám của nhà văn Toan Ánh viết về trò chơi Đánh Phết như sau:

Nói đến vật, một môn du hí có từ thời hai Bà không thể không nói đến Đánh Phết, cũng là một môn du hí xuất hiện đồng thời với đánh vật. Môn du hí này, hai Bà dùng cho quân sĩ luyện tập, vừa để giải trí vừa để gây thêm tinh thần hăng hái cho ba quân.

Khi đánh đuổi quân Tô Định, hai Bà có những đoàn nữ binh can đảm và anh hùng không kém những đoàn quân phái khỏe. Trong những ngày thao luyện, các đoàn nữ binh có một môn du hí đặc biệt vừa ầm ỹ vừa phấn chấn tinh thần chiến đấu của mọi người, đó là Đánh Phết.

Ai có dịp xem các đội khúc côn cầu biểu diễn, có thể tưởng tượng đến đánh Phết một cách dễ dàng, vì môn đánh Phết cũng tương tự như môn thể thao khúc côn cầu, có điều chơi đánh Phết khỏe mạnh hơn, ồ ạt hơn. Quả Phết bằng gỗ tròn và to bằng một chiếc bong bóng trâu thổi phồng, nặng vứa sức chơi.

Để Đánh Phết, phải dùng những gốc tre đực đào cả củ, đánh bỏ hết rễ. Mỗi gốc tre dài khoảng một thước ngày nay và củ tre uốn khoăm khoăm. Người chơi Phết phải có sức mang nổi chiếc gậy gốc tre, dùng những gậy đó phang vào quả Phết bằng đầu có củ tre. Quả Phết lăn theo sức gậy, cũng có khi bị củ tre kéo móc đi.

Những người đánh Phết chia làm hai phe, nhiều ít tùy theo số người dự cuộc. Phết chơi trên khu đất rộng, gọi là sân Phết, phân chia làm hai phần, mỗi phần về phía cuối sân có vẽ vôi một vòng tròn hoặc đào một hố có thể lọt quả Phết xuống.

Đánh Phết, người bên nọ dồn Phết về phía bên kia, bao giờ quả Phết lăn vào vòng tròn hoặc cái hố của bên kia là thắng. Trong khi chơi, phải liệu tránh những đòn phang rất mạnh của phía địch vào quả Phết, lại phải khéo léo đưa hoặc kéo quả Phết về phía sân địch.

Vừa đánh Phết vừa tha hồ reo cười để cuộc vui càng hoạt động.

Xưa kia, tương truyền rằng mỗi khi nữ binh chơi Phết, hai Bà Trưng thường ngự lãm và thường treo giải cho bên nào thắng.

................

Để ghi nhớ thời kỳ oanh liệt của hai Bà Trưng, những làng có đền thờ các vị danh tướng thời ấy đều có giữ lại tục Đánh Phết, và nhiều làng không thờ những danh thần ấy cũng có cái môn thú vị này.

Ngày xưa chơi Phết toàn là đàn bà con gái, nhưng về sau này dưới thời Pháp thuộc, tại nhiều làng như các làng Bích Đại, Thượng Lạp... làng cắt trai tráng đóng giả nữ binh để chơi Phết trong ngày hội.

Chơi Phết rất vui, đúng với Vui ra Phết. Trong ngày hội, Phết chơi ở trước sân đình. Chính giữa sân Phết, có một vòng tròn là nơi để quả Phết trước cuộc vui.

Thực ra người ta không chỉ nói "Vui ra Phết", mà còn nói "Khéo ra Phết", "Hay ra Phết"... Rõ là ngoài "Vui ra Phết", thì những người chơi Phết khi xưa còn phải rất "khéo" và "hay" ở chỗ tranh giành, lừa, chuyền, cuối cùng là đánh được quả Phết lọt xuống cái hố, hay vòng tròn ở cuối sân đối phương (tựa như ở môn bóng đá đưa được trái bóng vào khung thành địch thủ).

Đây là một trò chơi dân gian khi xưa, như ta đã thấy tương truyền là cách luyện nữ binh của hai Bà Trưng, mang tính chiến đấu, nâng cao sức khỏe, rèn luyện sự khéo léo, vừa có yếu tố cá nhân lại vừa mang tính đồng đội cao. Chả bù cho những năm gần đây, người ta đã tái hiện lại trò chơi Phết, nhưng với tính chất "cướp Phết", giống như cướp cầu trong trò chơi gieo cầu... Kẻ cướp được quả Phết như hình bên dưới (màu đỏ, giống như trái... bi da), chưa phải là hết, những người khác sẽ xông vào anh ta để giành giật tới cùng...

Trò chơi cướp Phết (như cướp cầu trong gieo cầu). Ảnh Internet.

Trò chơi cướp Phết ngày nay. Ảnh Internet.

Một "phiên bản" khác tái thể hiện trò chơi đánh Phết, có sử dụng cây gậy "cù ngoéo" để đánh Phết như ngày xưa, nhưng lại không có hai đội đưa quả Phết vào hố hay vòng tròn của đối phương. Sau khi làm lễ, quả Phết được vị bô lão bỏ xuống cái hố và người ta xông vào cướp quả Phết đó. Những người cầm gậy là những người bảo vệ quả Phết, cái này còn "ác chiến" hơn nữa, cây cù ngoéo này mà lỡ bổ vào đầu ai thì chỉ còn có nước... á khẩu mang đi cấp cứu gấp (thực tế đã có kẻ tranh giành đến bất tỉnh, mang thương tích).

Nếu trò chơi Đánh Phết ngày xưa đầy tính nhân văn, mang tính luyện quân, rèn sự khéo léo, tinh thần thượng võ... thì trò chơi cướp Phết ngày nay lại nhuốm màu bạo lực, tranh giành, mang nặng tính máu me "ăn thua đủ"... như ta đã thấy trên hình.



Ghi chú;

- Theo Đánh Phết, trong Hội hè Đình đám Việt Nam, Toan Ánh, NXB TP. HCM - 1999.




Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

Cồng và Chiêng có khác nhau không?

Phụ nữ Mường đánh Chiêng. Ảnh Internet.

Trong entry "Tiếng cồng chiêng" mới đây, ông bạn dungNobita (tôi hay gọi là cụ Nô) đã vào comment: "Chiêng" đồng nghĩa và gần gũi về âm với "chinh" trong Hán tự. "Cồng" đồng nghĩa và [lại] rất gần về âm với "gong" trong tiếng Tây. Người Tây nguyên vốn xa lạ với nguồn Hán, Tây - vậy hai chữ cồng chiêng trong ngôn ngữ của họ ra sao?.

Ý của cụ Nô rất hay, có thể chỉ "gói gọn" trong việc tìm hiểu ý nghĩa, gốc tích của hai chữ "Chiêng" (Việt), "Chinh" (Hán tự), hoặc "Cồng" (Việt), "Gong" (Pháp ngữ), hoặc trong ngôn ngữ của người thiểu số Tây nguyên họ gọi Cồng và Chiêng ra sao? May tôi cũng có đầy đủ trong tay các quyển từ điển liên quan, kể cả từ điển Việt-Giarai, Nhưng nếu chỉ tra từ ngữ viết như thế nào tôi thấy cũng gần như bằng không, chẳng nói lên được điều gì, Vấn đề cụ Nô nêu lên có vẻ đơn giản, nhưng lại khá phức tạp. Muốn hiểu được đôi chút (dù sơ sài) về vấn đề này, tôi nghĩ phải theo một hướng khác, cụ thể hơn. Tôi xin theo hướng đó chép ra đây cách tiếp cận vấn đề mà cụ Nô đã thắc mắc.

Trước khi tìm hiểu ý nghĩa của từ Cồng Chiêng trong từ điển, tôi thử tìm hiểu xem ý nghĩa, cách gọi của chiếc Cồng Chiêng Tây nguyên trong cuộc sống hiện nay ra sao?

Tôi tra trong một số trang mạng, thấy trang Unesco Vietnam có bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (ngày 28-2-2011), có ý kiến liên quan của ông đáng chú ý, có thể giải thích cho câu hỏi tôi vừa nêu:

Ông Bùi Trọng Hiền cho biết:

"Đồng bào Tây nguyên có những tộc người phân biệt rất rõ loại này gọi là Chiêng, loại kia gọi là Cồng, đồng bào gọi tên riêng là Ching hoặc Chêng, hay Goong... Nhưng cũng có những tộc người không phân biệt mà gọi theo một tên chung. Người Kinh có thói quen gọi nhạc cụ có núm là Cồng, và nhạc cụ mặt bằng là Chiêng...".

Qua ý kiến trên, ta có thể thấy, người Kinh hiện nay có thói quen phân biệt giữa Cồng và Chiêng, loại có núm ở giữa được gọi là Cồng, loại không có núm được gọi là Chiêng. Nhưng đối với dân tộc Tây nguyên thì họ gọi tùy theo tộc người, có nơi phân biệt gọi Chiêng là Ching hoặc Chêng, Cồng là Goong... Nhưng cũng có tộc người không phân biệt chỉ gọi bằng một tên chung.

Cồng (có núm phía trên) và Chiêng (không có núm phía dưới) theo cách gọi phổ biến ngày nay. Ảnh Internet.

A. Lịch sử, nguồn gốc và phân bổ của Cồng Chiêng:

Các nghiên cứu cho thấy Cồng Chiêng đã được sử dụng rất lâu đời trong các dân tộc ở Việt Nam, từ người Mường ở phía Bắc, cho đến các tộc người thiểu số Tây nguyên ở cao nguyên Trung phần, người Chăm ở duyên hải miền Trung, và người Khmer ở vùng Nam bộ. Trên hoa văn của các trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ có niên đại 700-100 năm TCN, tìm được khá nhiều ở nước ta đã thấy những hình khắc nổi của những giàn Cồng Chiêng, hình khắc người đánh cồng. Như vậy ta có thể kết luận, nếu Cồng Chiêng không ra đời trước trống đồng, thì ít ra cũng phải có niên đại cùng thời với trống đồng, nghĩa là cách nay không dưới 2700 năm.

Hình khắc người đánh Cồng Chiêng trên trống đồng. Ảnh Internet.

Đến đây ta có thể nêu một câu hỏi nhỏ: 2700 năm trước dân tộc Việt đang ở thời kỳ nào?

Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, 18 đời vua Hùng ở nước ta bắt đầu từ năm 2879 TCN cho đến năm cho đến năm 258 TCN. Mười tám đời vua kéo dài 2621 năm, như thế trung bình mỗi đời vua Hùng trị vì đến 145 năm thì thực vô lý. Một quyển sử khác là Đại Việt sử lược đã ghi chép về các vua Hùng như sau:

"Đến đời Trang Vương nhà Chu (696-683) TCN ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật quy phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương đóng đô ở Văn Lang, phong tục thuần lương chơn chất, chính sự dùng lối thắt gút.

Truyền được 18 đời đều xưng là Hùng Vương".

Như vậy ta thấy, vào đời nhà Trang Vương nhà Chu (696-683) TCN, ở nước ta bắt đầu 18 đời vua Hùng kéo dài đến năm 258 TCN, tức là 18 đời vua Hùng trị vì 438 năm, mỗi đời vua Hùng trung bình trị vì 24 năm là hợp lý. Đời nhà Chu bắt đầu từ năm 696 TCN đến nay đã được khoảng 2700 năm.

Như thế ta thấy Cồng Chiêng đã được sử dụng cùng thời với trống đồng, mà niên đại của trống đồng Đông Sơn có cách nay cũng khoảng 2700 năm, cùng thời với các đời vua Hùng. Ta có thể thấy Cồng Chiêng ít ra đã được sử dụng từ thời Hùng Vương đến nay.

Cùng với các tộc người tại Việt Nam, người ta thấy Cồng Chiêng còn được hầu hết các dân tộc tại khu vực Đông Nam Á sử dụng, như Lào, Cam Bốt, Thái Lan, Miến Điện, Phi Luật Tân... Như vậy Cồng Chiêng được sử dụng phổ biến tại khu vực Đông Nam Á, và không tìm thấy ở nơi nào khác. Tuy cách sử dụng Cồng Chiêng của từng dân tộc có khác nhau, nhưng nhìn chung về hình dáng, âm thanh, diễn tấu của Cồng Chiêng đều có những nét tương đồng. Có thể kết luận rằng Cồng Chiêng là sản phẩm của các dân tộc có nền văn minh Đông Nam Á.

Cồng Chiêng trong dân tộc Tây nguyên. Ảnh Internet.

B. Cồng Chiêng đối với các dân tộc tại Việt Nam:

Như đã biết, suốt chiều dài một ngàn năm Bắc thuộc, Việt Nam là một quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa, của Nho và Lão. Nhưng qua những nghiên cứu về lịch sử, khảo cổ, văn hóa... thì đấy chỉ là những yếu tố phụ thuộc, không phải là những yếu tố chính của người Việt. Nếu Nho giáo chủ trương Quân - Thần, trung với vua chứ không phải trung với quê hương, đất nước (Khổng Tử lúc sinh thời đã đi khắp các nước để tìm phò minh quân), thì người Việt lấy làng xã, bản làng, đất nước làm nền tảng. Đặc biệt là tín ngưỡng Đông Nam Á đã hiện diện từ ngàn xưa trong cuộc sống, trong tâm thức của người Việt, như tục thờ Thánh mẫu, sự tôn thờ các nữ thần. Trong các hội hè dân gian vẫn còn in rõ những dấu vết của nền văn hóa, văn minh Đông Nam Á, như đua thuyền, các dấu vết của thờ cây, thờ đá, thờ thần núi, thần sông, các nghi lễ mang đậm tính phồn thực... khác hẳn với nền văn minh Nho giáo.

Ở Việt Nam, ta thấy Cồng Chiêng được sử dụng phổ biến từ Bắc xuống Nam, phía Bắc chủ yếu nơi người Mường (những nghiên cứu cho biết người Mường có nguồn gốc rất gần với người Kinh, có thể nói đây là người Việt cổ), phía Nam nơi các dân tộc thiểu số như Bana, Giarai, Êđê, Xê đăng, Racglai, Mạ, Chăm, người Khmer Nam bộ... Mục đích, ý nghĩa của việc sử dụng Cồng Chiêng là trong giao tiếp cộng đồng, trong những lễ hội, tang ma, tín ngưỡng...

Từ Chiêng, trong bản dịch của tự điển Việt - Bồ - La (Alexandre de Rhodes - 1651), do nhóm Thanh Lãng dịch.

C. Ý nghĩa của Cồng Chiêng qua từ điển các loại và các thời kỳ:

1. Từ điển Việt-Bồ-La (Alexandre de Rhodes - 1651): Bản dịch tiếng Việt của nhóm Thanh Lãng.

- Chiêng, cái Chiêng: Một thứ chuông Đông phương ở giữa có vú.

Không có chữ Cồng.

2. Đại Nam Quấc âm tự vị (Huình Tịnh Của, Saigon - 1895, 1896):

- Chiêng: Đồ đúc bằng đồng giống cái nón cụ, chính giữa có cái nuốm là chỗ đánh; hiệu lịnh việc binh.

Trong Đại Nam Quấc âm tự vị cũng không có chữ Cồng để chỉ cái Chiêng.

3. Việt Nam tự điển (Hội Khai Trí Tiến Đức, Hanoi - 1931):

- Chiêng: Do chữ Chinh . Đồ nhạc khí đúc bằng đồng, hình tròn, giữa có cái núm, có nơi gọi là cái bu-lu.

- Cồng: Cái Chiêng nhỏ, dùng để rao, tuyên truyền hiệu lệnh ở trong một làng hay một xóm.

4. Tự điển Việt Nam Phổ thông (Đào Văn Tập, Saigon - 1951):

- Chiêng: Nhạc khí bằng đồng, hình giẹt mà tròn, giữa có núm để đánh ra tiếng.

- Cồng: Thứ Chiêng nhỏ để ra hiệu lệnh.

Trên đây là những quyển từ điển Tiếng Việt xưa, nói chung giữa Chiêng và Cồng không phân biệt rõ ràng.

5. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên -1997):

- Chiêng: Nhạc khí gõ không định âm, bằng đồng, hình tròn, có núm ở giữa, đánh bằng dùi mềm, âm thanh vang dội.

- Cồng: Nhạc khí gõ không định âm, bằng hợp kim đồng, hình dáng giống như cái Chiêng nhưng không có núm, dùng để phát hiệu lệnh.

6. Từ điển Mường - Việt (Nguyễn Văn Khang chủ biên - 2002):

- Chiêng: cái Chiêng.

7. Từ điển Việt - Chăm (Inưlang Pịêt - Chăm - 1996):

- Chiêng: cheng, chêng.

Không có chữ Cồng.

7. Từ điển Chàm - Việt - Pháp (Gerard Moussay - Ninh Thuận - 1971):

- Cêng: Chiêng (tiếng Việt), Gong (tiếng Pháp). Kèm theo hình vẽ cái chiêng có núm ở giữa.

Không có chữ tương đương với Cồng.

8. Từ điển Việt - Giarai (Rơmah Dêl - 1977):

- Chiêng: ěing, ěêng. Trong tiếng Giarai thì chữ ě được đọc như ch của tiếng Việt, như vậy để chỉ cái Chiêng tiếng Giarai nói Ching, Chêng.

- Cồng: mung ěing, ěêng mung. Như vậy so với từ Chiêng, thì từ Cồng trong tiếng Giarai ngoài từ ěing. ěêng (Ching, Chêng) còn thêm từ "mung", chưa tra được nghĩa của từ "mung".

Đối với người Giarai, tuy họ phân biệt giữa Chiêng và Cồng, nhưng ta thấy chủ yếu họ vẫn gọi là ěing. ěêng (Ching, Chêng), chỉ thêm từ "mung". Có thể từ "mung" là để chỉ cái núm ở giữa Ching, Chêng chăng?

9. Từ điển Hán - Việt (Trần Văn Chánh - 2005):

- Chinh : Cái Chiêng (thời xưa dùng để gõ khi hành quân), âm Bắc Kinh Zhêng.

10. Từ điển Pháp - Việt (Đào Duy Anh - 1957):

- Gong: Cái Chiêng.

11. Từ điển Pháp - Việt (Thanh Nghị - 1961):

- Gong: Cái lệnh, kiểng, cồng. (hình vẽ kèm theo là cái Chiêng treo trên giá loại không có núm).

12. Từ điển Annamite - Français (Jean Bonet - 1899):

- Chiêng : gong; clochette.

Không có chữ Cồng.

Từ Chiêng  trong Từ điển Annamite - Francais (Jean Bonet - 1899).

Qua những tra cứu bên trên ta có thể thấy:

Từ Chiêng là một từ tiếng Việt rất cổ, đã được ghi nhận trong Từ điển Việt-Bồ-La của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1651), theo mô tả là "Một thứ chuông Đông phương ở giữa có vú", ta có thể hiểu ngày nay là để chỉ cái Cồng (loại Chiêng có núm ở giữa).

Xem các từ điển tiếng Việt khác, ta thấy Đại Nam Quấc âm tự vị ngoài chữ Chiêng thì không có chữ Cồng (nhưng mô tả thì Chiêng chính là Cồng), Việt Nam tự điển (Hội Khai Trí Tiến Đức) và Tự điển Việt Nam Phổ thông (Đào Văn Tập), ngoài ghi nhận Chiêng là loại nhạc khí gõ bằng đồng tròn có núm, thì Cồng chỉ là thứ "Chiêng nhỏ". Tự điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), ghi nhận Chiêng theo như các từ điển cổ (Chiêng được ghi là loại có núm ở giữa), còn Cồng thì không có núm, ngược với một cách hiểu thông thường bây giờ (Cồng là loại có núm, còn Chiêng thì không có núm).

Người Mường là dân tộc có sử dụng Cồng Chiêng (thường do phụ nữ sử dụng loại Chiêng có núm ở giữa), Tự điển Mường - Việt cũng chỉ ghi nhận từ Chiêng, không có từ Cồng. Người Chăm cũng thế, tự điển Việt - Chăm, Chăm -  Việt cũng chỉ ghi nhận từ Cheng, Chêng, hoặc Cêng.

Ta có thể thấy từ Chiêng theo như cách gọi của người Việt, là từ để chỉ một loại nhạc khí tròn bằng đồng (có núm ở giữa) từ xưa đến nay. Như ta đã thấy, cách gọi này tương ứng với cách gọi của các dân tộc khác trong vùng theo nền văn minh Đông Nam Á. Như vậy người Việt gọi là Chiêng có phải là từ chữ Chinh theo như âm Hán - Việt không? Chẳng hạn như Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức đã ghi nhận?

Theo thiển ý thì tôi nghĩ không phải. Bởi như ta đã biết, Cồng Chiêng là sản phẩm của nền văn minh Đông Nam Á, tên gọi đã thống nhất giữa một số dân tộc, trong đó có các dân tộc Việt, và theo những hình khắc trên trống đồng thì Cồng Chiêng đã được sử dụng ít nhất cách nay 2700 năm, trước thời gian nước ta bị phương Bắc đô hộ. Người Hán đô hộ nước ta vào năm 111 TCN, nghĩa là cách nay 2111 năm. Sản phẩm đã được sử dụng thì chắc chắn phải có tên gọi, và như ta cũng đã thấy, tên gọi Chiêng (người Việt xưa, người Mường), Cheng, Chêng, Cêng (Chăm), hay ěing, ěêng (Ching, Chêng tiếng Giarai), là thống nhất về âm. Mà tộc người Chăm hay tộc người Giarai, rõ ràng xưa nay không chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Hán.

Hiểu như thế ta có thể đặt câu hỏi ngược lại, vậy từ Chinh (Hán - Việt), âm Bắc Kinh là "zhêng" là từ chữ Chiêng mà ra? Khi người Hán bắt đầu xâm chiếm nước ta từ năm 111 TCN? Hoặc giữa Chiêng và Chinh (zhêng) có cùng một nguồn gốc? (Gốc tich Lạc Việt một trong Bách Việt, là người Việt cổ đại sử sách cho biết ở miền nam sông Dương tử, nay thuộc Trung Hoa). Hoàng đế Quang Trung đã từng có ý định cầu hôn để mưu tính đòi lại phần đất lưỡng Quảng của người Việt xưa?. Đây lại là một vấn đề khác chắc cũng không kém phần phức tạp.

Riêng về từ Cồng, có phải từ chữ Gong trong tiếng Pháp mà ra không? Qua những tra cứu trên thì tôi thiển nghĩ Cồng là từ Gong mà ra. Có lẽ sau khi người Pháp đến vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, họ mới biết đến cái Chiêng, nghe đánh Chiêng, và họ đã đặt tên cho nó là Gong. Từ chữ Gong tiếng Pháp người Việt gọi thành Cồng, và từ Cồng chỉ xuất hiện về sau này, ban đầu với nghĩa không phân biệt rõ ràng với Chiêng, sau này Cồng mới được phân biệt với Chiêng như ta đã biết trong cách gọi của tiếng Việt ngày nay.

Hy vọng bài viết có tính cách sơ khai này giải tỏa được phần nào những thắc mắc của cụ Nô. Cũng mong sẽ giúp ích được chút gì cho các bạn nếu có dịp đến Tây nguyên nghe Cồng Chiêng.

P/s: 

Một thông tin khác khá hay tôi mới tra được trong Từ điển Khmer - Việt (Hoàng Học-1979), người Khmer gọi Chiêng là Kôông, đánh Chiêng là Kôông thum.

Như vậy ta có thể đặt câu hỏi chữ Cồng trong tiếng Việt có phải là từ chữ Kôông tiếng Khmer mà ra? rất có thể, bởi ta đã biết trong ngôn ngữ tiếng Việt có rất nhiều từ có nguồn gốc từ tiếng Khmer, và ta cũng có thể nêu một câu hỏi khác, chữ Gong (âm đọc là Gông) trong tiếng Pháp cũng có thể từ chữ Kôông Khmer mà ra?



Tham khảo:

- Nhạc khí dân tộc JRai và Bahnar, Đào Huy Quyền, NXB Trẻ - 1998.

- Những mảng màu văn hóa Tây nguyên, Ngô Đức Thịnh, NXB Trẻ - 2007.

- Bản sắc Văn hóa Việt Nam, Phan Ngọc, NXB Văn Học - 2002.

- Những sách về lịch sử và tự điển đã dẫn trong bài.




  

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

Đường sách Nguyễn Văn Bình.

Không gian đường sách Nguyễn văn Bình. Ảnh Internet.

Mấy ngày hôm nay những thông tin trên tivi lẫn trên báo chí làm tôi chú ý và vui mừng, đó là tin đường sách Nguyễn Văn Bình ở Sài Gòn đã chính thức hoạt động, sau ba tháng chuẩn bị. Thật vui khi Sài Gòn rồi cũng có được một con đường sách như thế này.

Là một người đọc và yêu sách, ở một entry trước tôi cũng đã kỳ vọng vào đường sách Sài Gòn. Sài Gòn có khá nhiều con đường có những tiệm sách chuyên bán các loại sách cũ, mới, nhưng một con đường chuyên doanh sách, được sắp xếp, quản lý thật hợp lý, chuyên nghiệp, tiện dụng cho người đọc sách thì hồi nào tới giờ chưa có. Ở con đường sách này sẽ có những gian hàng giới thiệu sách mới của những nhà xuất bản, những gian hàng chuyên bán những sách cũ đã tuyệt bản, là nơi để những ai có sách hay, sách hiếm dư đọc có thể mang ra ký gửi, trao đổi, cũng là nơi gặp gỡ giữa tác giả và bạn đọc, những bạn đọc yêu sách với nhau... Nói chung, là một nơi chuyên về sách, được quản lý một cách khoa học, thông minh...

 Sách cũ được trưng bày. Ảnh Internet.

Sách bán giảm và đồng giá. Ảnh Internet.

Hôm nọ tôi cũng thấy trên tivi giới thiệu một vài những hoạt động khác tại đường sách mà tôi thấy rất hay và thú vị, chẳng hạn như vào ngày cuối tuần, ở đường sách sẽ có những buổi hòa tấu, độc tấu âm nhạc phục vụ mọi người, nên mở rộng hơn với những loại hình âm nhạc dân gian như hát chầu văn, hát ả đào, hát xẩm, vọng cổ, cải lương, đờn ca tài tử, dân ca các miền... Nếu được nữa giới thiệu cho công chúng biết âm nhạc của các dân tộc thiểu số Việt Nam. Một vài những dịch vụ khác liên quan tới sách như đóng lại những quyển sách cũ đã bị bung trang, hoặc đóng bìa cứng mạ vàng những quyển sách quý cho khách... Những hoạt động nho nhỏ này vậy mà nhiều khi rất thiết thực, rất cần thiết đối với  công chúng, với những người mê sách. Được như thế đây đúng là một không gian văn hóa.

Gian hàng sách cũ luôn nhận được sự quan tâm của nhiều người từ trẻ đến già.
Ảnh Internet.

Sau nữa là tên gọi "Đường sách Nguyễn Văn Bình", có thể có bạn sẽ thắc mắc Nguyễn Văn Bình là ai? Nhân vật lịch sử ở thời nào? Đây là một con đường nhỏ, ngắn, dài chưa tới 400 m, vị trí nằm ở phường Bến Thành, quận 1, ngay trung tâm Sài Gòn. Bắt đầu từ Hai Bà Trưng đến Công trường Công xã Paris (đường nằm ở bên hông khu vực nhà thờ Đức Bà Sài Gòn), chạy dọc theo hông bên trái Bưu điện Trung tâm Sài Gòn (nhìn từ mặt tiền). Đây là một con đường nhánh nhỏ, không phải trục đường chính, nhưng lại thuộc loại đường xưa nhất ở Sài Gòn, thời Pháp mang tên đường Hongkong. Từ ngày 24-02-1897 đổi thành đường Cardis. Đến ngày 19-10-1955 chính quyền Việt Nam đổi thành đường Nguyễn Hậu. Ngày 7-4-200 chính quyền thành phố đổi thành đường Nguyễn Văn Bình đến nay.

Nguyễn Văn Bình (1910-1995), là Tổng Giám mục Công giáo, Giáo phận Sài Gòn, Tên Thánh là Phao Lô nên Giáo dân thường gọi là Tổng Giám mục Phao Lô Nguyễn Văn Bình, ông sinh ngày 1-9-1910 tại Tân Định, Thời trẻ ông học ở Chủng viện Sài Gòn, năm 1936 du học tại Roma (Ý). Học xong ông về làm cha sở tại Đức Hòa (Tây Ninh), một thời gian chuyển về làm giáo sư tại Chủng viện Sài Gòn và Tuyên úy trường La San Tabert. Năm 1948 làm chánh xứ họ đạo Cầu Đất. Ngày 30-11-1955 ông thụ phong Giám mục tại Cần Thơ, chuyển về làm Giám mục địa phận Sài Gòn cho đến khi qua đời. Sau năm 1975 ông có chân trong Mặt trận Tổ quốc TP. HCM. Ông mất ngày 1-7-1995 tại Tòa Giám mục Sài Gòn và được an táng tại Đại Chủng viện Sài Gòn.

Rất hay là tên gọi đường "Đường sách Nguyễn Văn Bình" hoàn toàn phù hợp, bởi ông không chỉ là một nhà trí thức, một lãnh đạo tinh thần của người Công giáo, mà còn là một trí thức của Sài Gòn. Giới thiệu với các bạn gần xa một không gian văn hóa tôi nghĩ là sẽ bao gồm hai thứ rất cần trong cuộc sống, đó là kiến thức và sự thân thiện, nơi đáng để các bạn ghé thăm khi đến Sài Gòn. Chắc chắn tôi sẽ là khách thường xuyên của con đường sách.






Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

Tiếng cồng chiêng.

Ảnh 1: Cồng chiêng và rượu ghè là hai thứ không thể thiếu trong cuộc sống của người Thiểu số Tây nguyên. Ảnh Internet.

Nhắc đến Tây nguyên là nói đến rừng núi, buôn làng, nhà rông, tượng nhà mồ... nhưng chưa nói đến cồng chiêng thì chưa phải là Tây nguyên. Cồng chiêng ở đây không chỉ là những cái cồng, cái chiêng, ta vẫn thấy những dân tộc thiểu số Tây nguyên sử dụng trong những lễ hội của họ, mà phải nói đến cái hồn của cồng chiêng, mà cách nay hơn mười năm đã được tổ chức Unesco công nhận là "Không gian văn hóa cồng chiêng", hay "Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại" (Mastepieces of the Oral and intangible Heritage of Humanity) vào ngày 15-11-2005.

"Không gian văn hóa cồng chiêng" bao gồm những yếu tố sau: bản thân cồng chiêng, những người sử dụng cồng chiêng, những lễ hội, những không gian bản làng, rừng núi... nơi cồng chiêng được sử dụng.

Một "Không gian văn hóa cồng chiêng". Ảnh Internet.

Những bạn nào bây giờ hay đi du lịch, chẳng hạn đến Đà Lạt, chắc sẽ dễ dàng nghe được những tiếng cồng chiêng nơi những chàng trai, cô gái người dân tộc thiểu số, ở những điểm du lịch như đồi Mộng Mơ, hoặc buổi tối hãng lữ hành đưa du khách đến tận bản làng của người Lạch dưới chân núi Langbiang, ở đó ta sẽ được đốt lửa trại, nghe tiếng cồng chiêng, nhảy múa và uống rượu cần với những cô gái, chàng trai Lạch theo chương trình định sẵn. Nhưng theo tôi đến những nơi này ta mới chỉ biết được đến cái "vỏ", cái "da" của cồng chiêng, vẫn chưa chạm được đến cái "hồn" cồng chiêng. Muốn "chạm" được vào tiếng cồng chiêng của họ, muốn hiểu rõ thế nào là cồng chiêng Tây nguyên, ta phải sống trong buôn làng của họ, giữa núi rừng, và cùng hòa mình vào những buổi lễ, như lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả... nơi những buôn làng ấy. May mắn trước năm 1975 được sống với họ nơi bản làng, tôi đã được tham dự vào những buổi lễ hội ấy, cảm nhận được thế nào là những tiếng cồng chiêng vang vọng, len lỏi trên những tán cây, giữa những ngôi nhà sàn chiều lam tỏa khói, giữa đêm khuya thiên nhiên thâm u, giữa những con người hồn nhiên chất phác như núi rừng...

Ảnh 2: Giàn cồng chiêng trong một buổi lễ. Ảnh Internet.

Dân tộc Thiểu số ở Tây nguyên có khá nhiều sắc dân, như Giarai, Bana, Êđê, M'Nông, Kơho, Stiêng, Xơđăng... Mỗi dân tộc có một nét riêng và một ngôn ngữ riêng, nhưng ta có thể thấy ở nơi họ có một tiếng nói chung, đó là tiếng cồng chiêng. Cồng chiêng là linh hồn của bản làng, của núi rừng. Họ có nhiều loại nhạc cụ khác nhau, như trống, sáo, những bộ gõ bằng tre... nhưng cồng chiêng là quan trọng nhất, vượt lên trên các loại nhạc cụ khác. Tiếng cồng chiêng luôn hiện diện trong đời sống của họ, khi vui cũng như lúc buồn, cồng chiêng là tiếng nói giao tiếp giữa những con người trong buôn làng, là cầu nối giữa con người với thiên nhiên, với thần linh... Từ những lễ hội đâm trâu, lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả, lễ "thổi tai" đứa trẻ, lúc hội hè nhảy múa uống rượu, lúc tang ma... Có những nơi họ gìn giữ cồng chiêng như một vật gia bảo trong nhà, những bộ cồng chiêng cổ có giá trị họ phải đổi bằng nhiều con trâu. Tuy nhiên bây giờ những bộ cồng chiêng Tây nguyên đã bị thất tán nhiều...

Ở đây tôi xin giới thiệu những nét cơ bản của cồng chiêng Tây nguyên của người Giarai và Bana, địa bàn sinh sống của họ ở vùng Pleiku và Kontum, để ta có thể nắm rõ hơn, về nét văn hóa độc đáo ấy:

Những khai quật về khảo cổ cho ta biết dân tộc Thiểu số Tây nguyên đã sử dụng cồng chiêng cả ngàn năm nay, nhưng khá lạ là xưa nay họ lại không hề sản xuất ra cồng chiêng, cồng chiêng là sản phẩm đến từ những nơi khác. Các nhà nghiên cứu cho biết, cồng chiêng không chỉ được sử dụng rộng rãi ở Tây nguyên, mà được phân bố khắp vùng Đông Nam Á, và cũng chỉ duy nhất vùng này mới có cồng chiêng. Tại các nước Đông Nam Á như Lào, Căm Bốt, Mã Lai, Thái Lan, Miến Điện, Nam Dương, Phi Luật... các dân tộc của họ đều có sử dụng cồng chiêng. Về nguồn gốc của cồng chiêng Tây nguyên, có mấy giả thiết:

- Có nguồn gốc từ Lào (Ching Lào): chiêng Lào được đưa từ Lào sang, hoặc từ Miến Điện được buôn bán, trao đổi hàng hóa thông qua Lào.

- Nguồn gốc từ Thái Lan, Căm Bốt (Chinh Kúr): cồng chiêng được đưa từ Thái Lan, Căm Bốt sang.

- Do người Kinh đúc (Ching Joăn): vấn đề vẫn còn được tranh luận, là tại sao người Kinh (Việt) đúc cồng chiêng mà không sử dụng chúng? Có lẽ ngày trước qua trao đổi, buôn bán hàng hóa, người Kinh thấy việc cung cấp cồng chiêng cho người Thiểu số Tây nguyên là một thị trường tiềm năng, nên họ đã theo mẫu cồng chiêng có sẵn làm ra mang lên buôn bán.

Trong các mẫu cồng chiêng bên trên, có Ching Lào là quý nhất, vì  đồng đúc được pha thêm bạc, tiếng vang xa. Ching Joăn do người Kinh đúc là dở nhất, tiếng không vang.

Ảnh 3: Một bộ cồng của người Thiểu số Tây nguyên. Ảnh Internet.

Cồng, chiêng là theo cách gọi của người Kinh, người Giarai và Bana có hai cách gọi để chỉ cồng chiêng: ChingChing Chêng, Ching là nói đến Chiêng, là loại bằng không có núm. Còn Ching Chêng là nói đến Cồng, là loại có núm.

Ảnh 4: Một bộ gồm chiêng và cồng (Ching và Ching Chêng). Ảnh Internet.

Trong các loại cồng chiêng Tây nguyên, thì loại cồng 3 chiếc có kích thước lớn nhất âm thanh trầm thường được dùng để thể hiện phần tiết tấu (phần đệm) trong giàn cồng chiêng của họ. Những chiếc cồng hoặc chiêng kích thước nhỏ hơn có âm thanh trong, cao, thường được dùng để thể hiện phần giai điệu. Người Giarai, Bana thường căn cứ trên kích thước, đặc tính của âm thanh đặt tên cho những chiếc cồng chiêng của họ, như chiêng bố, chiêng mẹ, chiêng chị, chiêng em... Tương ứng với những âm thanh trầm, vừa, cao...

Ảnh 5: Loại Cồng 3 chiếc có kích thước lớn nhất trong giàn cồng chiêng. Ảnh Internet.

Về cách đánh cồng chiêng cũng tùy từng nơi, từng dân tộc, có nơi sử dụng dùi, có nơi dùng nắm tay. Cũng dùng dùi nhưng có dân tộc đánh tự nhiên để tiếng vang, ngân xa, cũng có dân tộc sau khi đánh dùng tay bịt lại để tiếng ngừng, ngắt quãng... Khi đánh, người ta thường gõ vào tâm điểm của cồng chiêng, ở cồng thì gõ vào cái núm... Thông thường họ đánh vào mặt phải của chiêng, nhưng cũng có nơi lại đánh vào mặt trái.

Ảnh 6: Có những nơi chiêng được đánh vào mặt trái. Ảnh Internet.

Trong những tộc người ở Tây nguyên thường có nhiều bộ cồng chiêng, mỗi bộ dùng trong những mục đích khác nhau, chẳng hạn có bộ dùng trong lễ đâm trâu, lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới, có bộ dùng trong tang ma, lễ "thổi tai" của trẻ con, hoặc khi vui chơi, uống rượu, múa hát... Và tùy theo mục đích của những buổi lễ ấy mà tiết tấu, giai điệu đánh khi trầm (bass), khi bổng (tenor), khi chậm (andante), khi nhanh (allergro)... khi vang xa, cũng có lúc nhỏ nhẹ... Tiết tấu, giai điệu và âm sắc của một giàn cồng chiêng không thua gì một giàn nhạc hiện đại.

Ở đây tôi xin giới thiệu vài bộ cồng chiêng thường thấy nơi người Giara, Bana:

- Bộ cồng T'Rum: là bộ cồng gồm 3 chiếc (như trong ảnh 5) của người Giarai. Chiếc lớn nhất có đường kính trên 80 cm, rất nặng (những chiêng lớn quá nặng một người không thể mang, vác thường được hai người khiêng bằng đòn). Bộ cồng này cho âm trầm hùng vang xa, chỉ đánh phần tiết tấu không có phần giai điệu, thường được sử dụng trong lễ hội đâm trâu.

- Bộ chiêng M'nhum, gồm 9 chiếc, 3 chiếc cồng lớn có núm đi phần đệm, 6 chiếc chiêng nhỏ hơn không có núm đi phần giai điệu, là loại phổ biến được đánh khi uống rượu, M'nhum tiếng Giarai có nghĩa là uống rượu.

- Bộ chiêng Aráp, là bộ chiêng 11 chiếc, phổ biến của tộc người Giarai, Bana và nhiều dân tộc khác, gồm 3 chiếc cồng lớn đi phần đệm âm trầm, 8 chiếc chiêng còn lại nhỏ hơn, 4 cái chơi phần đệm và 4 cái chơi giai điệu, như vậy ở bộ chiêng này có hai bè đệm, một bè đệm trầm do 3 chiếc cồng lớn có núm đảm nhiệm, một bè đệm cao hơn do 4 chiếc chiêng không có núm đảm nhiệm, còn lại 4 chiếc chiêng chơi phần giai điệu. Bộ chiêng này dùng khi múa hát.

Ảnh 7: Một nghệ nhân đang chỉnh âm thanh của chiêng. Ảnh Internet.

Một bộ cồng chiêng sau khi có được không thể sử dụng ngay, các dân tộc thường phải chỉnh âm lại theo như yêu cầu của họ, trong một làng thường chỉ có một vài người biết chỉnh âm. Họ dùng một chiếc búa nhỏ gõ vào chiêng, tạo ra những chỗ dày mỏng khác nhau, để tạo ra những âm thanh thích hợp. Người chỉnh âm thanh cồng chiêng phải là người có đôi tay khéo léo, và đôi tai nghe rất chuẩn mới có thể làm được công việc này, bởi phải chỉnh làm sao cho cả bộ chiêng đánh lên âm thanh nghe hòa hợp với nhau. Đồng bào dân tộc Thiểu số rất trân trọng những nghệ nhân bản làng ấy, họ gọi những nghệ nhân này là Po ania Chiêng, ông Trùm chiêng.

Phụ nữ dân tộc Thiểu số đánh chiêng. Ảnh Internet.

Đa phần các dân tộc Tây nguyên coi cồng chiêng là vật linh thiêng, chỉ đàn ông mới được sử dụng, nhưng cũng có nơi không phân biệt, phụ nữ cũng có thể đánh cồng chiêng như nam giới...

Trên đây chỉ là một vài nét cơ bản về cồng chiêng, hy vọng sẽ cung cấp cho các bạn một chút tìm hiểu, để khi có dịp đến Tây nguyên, nghe tiếng cồng chiêng ta sẽ thấy thích thú hơn...


Tham khảo:

- Nhạc khí dân tộc JRai và Bahnar, Đào Huy Quyền, NXB Trẻ-1998.

- Những mảng màu văn hóa Tây nguyên, Ngô Đức Thịnh, NXB Trẻ-2007.




Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

Ký ức Pleiku.

Ảnh 1. Con dốc đi lên đi xuống ngày nay. Ảnh Marguerite.

Ảnh 2. Con dốc đi lên đi xuống ngày xưa. Ảnh Internet.

Ảnh 3. Phố xá Pleiku ngày nay. Ảnh Marguerite.

Ảnh 4. Phố xá Pleiku ngày xưa. Ảnh Internet.

Bên nhà bạn Marguerite tiếp tục viết về phố núi Pleiku, nơi trước năm 1975 tôi đã có thời gian khá dài ở đó. Những hình ảnh bạn Marg. chụp phố núi Pleiku vào những ngày đầu năm 2016 dĩ nhiên là khác xa với một "ký ức Pleiku" vào những năm đầu thập niên 1970 của tôi. Pleiku bây giờ, sau hơn 40 năm, qua ống kính của bạn Marg. rất hiện đại, rất khang trang, mang dáng dấp của một đô thị miền xuôi hơn là một phố núi, các bạn nhìn những tấm ảnh bên trên chắc đã thấy rõ, phố núi Pleiku ngày xưa nghèo nàn xơ xác quá.

Thời gian tôi ở Pleiku là vào khoảng những năm đầu của thập kỷ 1970. Tôi không thường xuyên ở đó, mà có những chuyến đi xa đến những vùng khác ở Tây nguyên, như Kontum, Buôn Mê Thuột, Quảng Đức, Phú Bổn... và những vùng biển thuộc duyên hải miền Trung như Nha Trang, Phú Yên, Bình Định...

Ảnh 5. Nhà sách Lê Lợi ở Pleiku ngày nay, xưa là rạp hát Diệp Kính. Ảnh Marguerite.

.Ảnh 6. Rạp hát Diệp Kính ở Pleiku trước năm 1975. Ảnh Internet.

Pleiku vào những năm ấy chỉ là một thị xã nhỏ của chiến tranh, tuy Quân đoàn 2 đặt Bộ chỉ huy ở đó, nhưng phố núi Pleiku không sầm uất bằng thủ phủ của Tây nguyên là Buôn Mê Thuột. Trừ nhà cửa và những con đường thuộc những khu trung tâm, như khu vực rạp hát Diệp Kính, rạp hát Thanh Bình, khu Phan Bội Châu, khu chợ Nhỏ, chợ Mới, bến xe... còn tương đối. Ngoài những khu ấy nhà cửa lèo tèo, đường xá lổn nhổn. Đất Pleiku ngày xưa là đất núi lửa bazan, mùa nắng thì bụi đỏ mù trời, mái tôn của những ngôi nhà thấp phủ một lớp bụi đỏ. Mùa mưa thì mưa dầm sùi sụt cả tuần lễ, đất đỏ và bụi đỏ biến thành lớp đất sét nhão nhoẹt, trơn trượt, dính còn hơn kẹo kéo, đến như đôi giày botte de saut của lính còn chịu không thấu, huống chi là những đôi giầy, đôi guốc tiểu thư.

Nói đến Pleiku xưa mà không nói đến cafe, quán cafe, là một thiếu sót lớn. Cafe Pleiku ngon, có quán cafe Dinh Điền ngon nổi tiêng, và Pleiku xưa có rất nhiều quán cafe. Những khi tôi về phố Pleiku, rảnh rỗi thường ngồi quán nhâm nhi ly cafe với một cuốn sách... Tôi đã đọc Saint Exupery, Camus, Gide, Hemingway... ở những quán cafe đó.

Ảnh 7. Nhà rông xưa trong buôn làng người Bana Tây nguyên. Ảnh Internet.

Ảnh 8. Và nhà rông ngày nay trong khu du lịch ở Pleiku. Ảnh Marguerite.

Ảnh 9. Lễ hội đâm trâu diễn ra trước ngôi nhà rông của người Bana Tây nguyên. Ảnh Internet.

Pleiku từ ngày xưa cho đến tận bây giờ vẫn không phải là một nơi đến của khách du lịch. Ngày xưa Pleiku được biết đến có lẽ là qua những tin tức chiến sự, và qua một bài thơ của nhà thơ lính chiến Vũ Hữu Định, đã được nhạc sỹ Phạm Duy phổ nhạc:

Phố núi cao, phố núi trời gần. Phố xá không xa nên phố tình thân. Đi dăm phút đã về chốn cũ, một buổi chiều nao lòng bỗng bâng khuâng...

Em Pleiku má đỏ môi hồng, ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông. Anh khách lạ đi lên đi xuống, may mà có em đời còn dễ thương...

Để cuối cùng thì:

Mai xa lắc trên đồn biên giới, còn một chút gì để nhớ để quên...

Ngày xưa có một người bạn khi nghe bài hát ấy đã nói với tôi, cái chút gì để quên nhiều khi còn "kinh khủng" dằn vặt ta nhiều hơn chút gì để nhớ...

"Em Pleiku má đỏ môi hồng..." có lẽ không phải là những sơn nữ làng Thượng, những cô gái làng Thượng có nước da sạm nắng gió, và ai đã từng ở trong làng Thượng mới biết những cô gái này không "thơ" như sơn nữ trong thơ, trong nhạc. Có lẽ những ai đã ở Pleiku vào khoảng đầu thập niên 1970 như tôi chắc còn nhớ trường nữ trung học Pleime ở thị xã Pleiku (một tên gọi rất Tây nguyên, bây giờ tên Pleime không còn nữa). Những cô nữ sinh tan trường với áo dài trắng, khoác bên ngoài là chiếc áo len đủ màu. Những cô gái có nước da trắng hồng, và đôi má đôi môi đỏ như son. Đấy mới là những cô gái Pleiku má đỏ môi hồng trong thơ Vũ Hữu Định.

Những ngôi nhà rông ngày xưa trong làng Thượng như trong ảnh 7 & 9, các bạn thấy trông khác hẳn hình ảnh ngôi nhà rông (ảnh số 8) mà bạn Marguerite đã chụp nơi khu du lịch ở Pleiku ngày nay. Trông ngôi nhà rông mới mẻ nhiều màu sắc này như một món đồ chơi do những người thợ thủ công mỹ nghệ làm bán cho du khách mang về làm kỷ niệm. Trông nó đỏm dáng thành thị chứ không mộc mạc như núi rừng Tây nguyên...


Ảnh 10 và 11. Tượng gỗ nhà mồ ngày nay tạc khá tinh xảo trưng bày trong khu du lịch ở Pleiku. Ảnh Marguerite.


Ảnh 12 và 13. Tượng gỗ nhà mồ xưa được tạc khá thô, mộc mạc. Ảnh Internet.

Ảnh 13 bis. Tượng nhà mồ Tây nguyên. Ảnh Internet.

Ảnh 14. Một ngôi nhà mồ của người Thiểu số Tây nguyên. Ảnh Internet.

Tôi ở Pleiku, Kontum trước năm 1975, từng ăn ngủ trong những làng Thượng cả tháng trời, may mắn có lần được tham dự vào lễ đâm trâu, lễ bỏ mả của họ. Người Thiểu số Tây nguyên có tục khá lạ là lễ bỏ mả người thân. Khi mất người thân được chôn cất ở một nơi cách xa làng, người chết được chia của cải trong nhà như nồi niêu, ghè rượu... Ngôi mả được dựng những pho tượng gỗ đủ mọi chủ đề bao quanh, những pho tượng này do chính những người trong gia đình, trong làng đẽo bằng rìu, rựa, còn nguyên những nhát đẽo, tượng rất thô và mộc mạc. Sau một thời gian người thân mất, thường ít nhất là một năm trở lên, người Thiểu số Tây nguyên làm lễ bỏ mả. Tùy theo hoàn cảnh gia đình giàu nghèo mà người ta ngả trâu, heo, gà mời thày mo cùng người làng ra mả cúng. Trong lễ bỏ mả họ ăn uống, đánh cồng chiêng, nhảy múa vui vẻ sáng đêm. Sau lễ bỏ mả thì người Thiểu số Tây nguyên tin rằng người chết đã tái sinh vào kiếp khác, ngôi mộ đó sẽ bỏ hoang không còn được thăm viếng, chăm sóc.

Những bức tượng gỗ nhà mồ bạn Marg. đã chụp trong khu du lịch ở Pleiku ở bên trên cũng cho ta thấy, những bức tượng này được chế tác khá tinh xảo, mang tính chất của một bức tượng mỹ thuật hơn là những bức tượng nhà mồ dân gian (từ ảnh 10 cho đến ảnh 14).


Những con đường đất đỏ quanh co, có thể dẫn vào một bản làng đến mùa hoa dã quỳ nở vàng rực. Ảnh Marguerite.

Ở Pleiku ngày xưa đi ra khỏi thị xã một hai chục cây số là đến những ngôi làng Thượng. Những ngôi làng Thượng này thường nằm ở ven rừng, với những sắc dân Bana, Giarai... Đường dẫn đến những ngôi làng của họ là những con đường mòn đất đỏ (như ảnh 15, 16), hai bên đường đầy cây cỏ dại, đang đi ta có thể gặp bất chợt một con rắn bằng cổ tay dài cả mét bò băng ngang đường ngay dưới chân. Khoảng cuối năm đến mùa hoa dã quỳ hai bên con đường mòn đất đỏ như các bạn thấy là hoa dã quỳ nở vàng rực. Lúc ấy mà ta bắt gặp một nhóm chừng dăm bảy cô sơn nữ đeo gùi lên nương rẫy vào một buổi sáng sớm trời còn mờ sương thì cảnh tượng thật tuyệt. Người Thượng quen đi hàng một trên những lối mòn trong rừng, họ không bao giờ đi hàng hai hàng ba như người ở phố.

Con đường đất đỏ quanh co, những bông hoa dã quỳ vàng rực, và một màu xanh của núi rừng mà bạn Marguerite đã chụp vào đầu năm 2016, lại là tất cả những gì quen thuộc tôi còn thấy lại được sau hơn bốn mươi năm ở một phố núi...

Những cô gái Thượng đi trên một lối mòn. Ảnh Internet.

Không hiểu sao cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ những câu thơ của một tác giả cũng là một người lính Tây nguyên ngày xưa (đọc trên tạp chí Văn bấy giờ) nhưng tôi lại quên mất tên tác giả:

Ở đây lâu riết ta thành Thượng
Giống Thượng lai căng chẳng nhớ rừng
Giống Thượng bỏ gùi đeo súng ống
Xuân về nhớ gốc nhớ bâng khuâng.

Những  câu thơ bốn mươi năm rồi tôi vẫn còn nhớ, có lẽ lúc bấy giờ tôi đã nhìn thấy hình ảnh của mình trong những câu thơ ấy chăng?


Saigon, 14-01-2016.









Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

Cây Kơ nia.

Cây Kơ nia. Ảnh Internet.

Đầu năm bạn Marguerite đi chơi Tây nguyên, post bên nhà bạn bài viết về Kontum, với Nhà thờ gỗ, Cầu treo, nhà rông làng Thượng, dòng sông Dakbla... những cô bé thiểu số  địu em trước ngực hay sau lưng lấm lem... làm tôi nhớ lại một thời giang hồ ở đó trước năm 1975. Bác Bu vào comment nhắc thêm cây  Kơ nia, một loại cổ thụ đặc trưng của vùng Tây nguyên, ngày xưa có khá nhiều thế mà nay đã có trong sách đỏ.

Kơ nia là tiếng địa phương của người Thiểu số Tây nguyên, loại cây đã được đưa vào thơ, nhạc. Từ điển Bách khoa Việt Nam cho biết, tên khoa học của cây Kơ nia là Iwingia malayana, là loại cây gỗ thường xanh thuộc họ Thanh thất (Simaroubaceae), gỗ cây Kơ nia rất cứng nhưng lại dễ bị mối mục, nên không được ưa chuộng trong xây dựng, hay đóng vật dụng bàn ghế. Nhưng gỗ Kơ nia hầm cho loại than tốt, nên bị khai thác quá mức. Cây cao khoảng 15 - 30m, đường kính thân khoảng 40 - 60cm, gốc cây thường có múi, tán lá rậm hình trứng màu sẫm. Cây có hoa nhỏ màu trắng mọc thành chùm ở nách lá. Quả khi chín có màu vàng ăn được, trong quả có một hạt to. Cây mọc rải rác trong rừng, chịu hạn tốt, có sức sống mãnh liệt, trong chiến tranh sống sót được với chất khai quang.

Cây Kơ nia phân bổ từ Quảng Nam đến một số tỉnh vùng Nam bộ, trước đây mọc nhiều ở vùng Sa Thầy, Buôn Mê Thuột, nay chỉ còn rất ít. Cây Kơ nia còn thấy ở Phú Quốc, Côn đảo.

Quả của cây Kơ nia. Ảnh Internet.

Trên một số thông tin trên mạng, ngoài tên Kơ nia của người dân tộc thiểu số thì người Kinh gọi cây này là "cây cầy", quả còn được dùng ép lấy dầu thắp đèn. Người Thiểu số Tây nguyên coi đây là loại cây linh thiêng, nhất là cây lâu năm đã trở thành cổ thụ, họ tin rằng có thần linh trú ngụ ở đó (có lẽ như cây đa, cây gạo ở làng đối với người Việt). Đại Nam Quấc âm tự vị viết về "cây cầy" như sau:

- Cầy: tên cây (ngoài những nghĩa khác như tên con vật...).

- Cây cầy: thứ cây có mủ trắng trắng người ta hay dùng mà làm đèn.

- Đèn cầy: đèn làm bằng mủ cây cầy.

Những ngọn đèn cầy trong một ngôi chùa Tàu. Ảnh PNH.

Có lẽ ai trong chúng ta thuở nhỏ không từng chơi trò rước đèn trong dịp tết Trung thu, trong mỗi một cái đèn lồng hình con thỏ, con cá, con bướm, hay tàu bay, tàu thủy, tàu bò... được phất bằng giấy bóng kiếng xanh, đỏ, thắp sáng lung linh bằng một ngọn đèn, mà bọn trẻ con miền Bắc như tôi gọi là cây nến, nhưng đám trẻ miền Nam trong xóm chơi cùng gọi là cây đèn cầy.

Cây nến hay cây đèn cầy có rất nhiều cỡ to nhỏ khác nhau, trong một ngôi chùa ở Sóc Trăng tôi thấy có cặp đèn cầy nặng cả tạ, nhưng loại để thắp trong chiếc đèn lồng con nít chơi thì nhỏ như chiếc đũa, dài khoảng mười phân, ở giữa có sợi bấc khi đốt thắp sáng chiếc đèn lồng của bọn nhóc như ta thấy, cây nến hay cây đèn cầy bây giờ có nhiều màu sắc được làm bằng chất parafin có nguồn gốc từ dầu mỏ. Những cây nến ngày xưa ở châu Âu được gọi là bạch lạp, thường được sử dụng trong việc thắp sáng trong các lâu đài trên những giá cắm rất đẹp, hoặc thắp trên bàn thờ trong những ngôi nhà thờ, nếu bạch lạp được làm bằng sáp ong màu trắng ngà, thì cây đèn cầy dân gian ở xứ ta lại được làm từ mủ của cây cầy.

Lan man theo dấu tích của những tên gọi nhiều khi cũng thấy thú vị.



Tham khào:

- Từ điển Bách khoa Việt Nam, nhiều tác giả, NXB Từ điển Bách Khoa-2007.

- Đại Nam Quấc âm tự vị, Huình Tịnh Paulus Của, Saigon 1895-1896.




Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2016

Rau om.

Rau om. Ảnh Internet.

Nói đến rau mùi mà không nhắc đến rau om là một thiếu sót lớn, bởi đây là hai loại rau gia vị ta vẫn sử dụng hằng ngày trong bữa ăn, ở bất cứ nơi đâu, từ bữa cơm gia đình, cho đến hàng quán, nhà hàng... Đâu đâu cũng phải dùng đến hai loại rau gia vị này. Hôm trước tôi đã post bài "Rau om" trước bài "Rau mùi", nhưng lại lỡ xóa mất, nay viết lại.

Người Trung Quốc xưa nói đại khái, dân ta sống trên thuốc, mà vẫn chết vì thiếu thuốc. Ngày xưa thuốc được bào chế chủ yếu từ các loại khoáng chất, động vật, nhưng nhiều nhất là từ cây cỏ, Không phải chỉ các loại cây cỏ quý hiếm mọc tuốt trong rừng thẳm hay trên núi cao, mà là những cây cỏ rất bình thường ở chung quanh ta, là những loại cây cỏ dại, hoặc được dùng làm thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày, cho đến những loại cây cỏ có độc tính rất cao như lá ngón, cà độc dược... cũng là những vị thuốc, dĩ nhiên dùng thế nào thì phải rất thận trọng.

Như ta đã biết, rau om là một loại gia vị có khá nhiều tên gọi, tùy theo vùng miền, trong sách viết về các loại cây cỏ dùng làm thuốc của GS. TS Đỗ Tất Lợi ghi nhận ở mục từ "Rau om", như sau: (những nội dung chính).

Còn gọi là ngổ, ngổ om, mò om, ma am (Cămpuchia), phắp hom pôm (Lào). Tên khoa học Limnophila aromatica (Lamk.) Merr. Thuộc họ hoa mõm chó Scrophularialceae.

Về tên gọi, trang Wikipedia gọi rau om, rau ôm, ngò om, ngò ôm, mò om, mò ôm (tôi thấy cách gọi này phổ biến nơi người miền Nam). Các tỉnh miền Trung gọi là ngổ hương, ngổ thơm, ngổ om, ngổ điếc, trong khi miền Bắc gọi là rau ngổ. Hôm trước cụ Nô có vào bài rau om mà tôi đã lỡ xóa nói, rau om còn có tên chữ là "thạch long vĩ", đuôi rồng đá, nghe rất thi vị.

Nói đến ý nghĩa từ ngữ là tôi chú ý ngay. Thoạt đầu tôi nghe người miền Nam gọi rau ommò om, mò ôm, nghĩ đây là một kiểu ghép thêm chữ vào để nói cho vui, nói riết quen chết tên luôn (cũng như chuyện mấy ông nhậu nói chơi với nhau trên bàn nhậu, riết thành chuyện tiếu lâm). Nhưng sau khi đọc sách của GS. TS Đỗ Tất Lợi viết, người Cămpuchia gọi rau om là ma am, và nguồn gốc rau này ở vùng Đông Nam Á, thì suy nghĩ của tôi đã khác. Người dân Nam bộ gọi là rau om, rau ôm, hay mò om, mò ôm, có lẽ là gọi theo tiếng của người Cămpuchia ma am. Như ta đã biết, ở miền Nam có rất nhiều tên địa danh, sông nước, vật dụng, cầm thú, cây cỏ... được phiên âm hoặc gọi chệch từ tiếng Khmer.

Ở miền Nam có địa danh Cần Giuộc, theo học giả Trương Vĩnh Ký, địa danh này là từ tiếng Khmer Srôk kantuôt, có nghĩa là cây tầm ruột (chùm ruột). Cái sọt tre dùng để đựng, vận chuyển trái cây ta hay thấy ở miền Nam (có hai cái quai xách 2 bên), gọi là "cần xé", là từ tiếng Khmer "ko-nh chhê", người miền Nam gọi là cái "bội". Cái "nóp" ngày xưa vùng Nam bộ dùng chống muỗi khi ngủ tiếng Khmer gọi là "nôp". Cái "mộc" còn gọi là "khiên" tiếng Khmer gọi là "khel"... Có những từ thông dụng trong cuộc sống tôi thấy giữa tiếng Việt và tiếng Miên rất giống nhau, chẳng hạn tiếng Việt nói "cắt", tiếng Khmer cũng là "cắt", "Cắt tóc" = "cắt sók". Tiếng Việt nói "kẹp tóc" (phụ nữ), tiếng Khmer nói ""kiêp sók"... Trong ngôn ngữ thì tiếng Việt và tiếng Khmer được xếp vào nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer.

Rau om là loại cỏ mọc bò, thân đòn, dài khoảng 20-30cm, mùi rất thơm, lá nhẵn mọc đối, có khi mọc thành cụm 3 lá. Hoa mọc đơn độc hoặc họp thành cụm. Quả đen nhẵn, hạt nhẵn màu đen nhạt. Rau om mọc hoang và được trồng làm gia vị phổ biến ở khắp nước ta, có nguồn gốc Đông Nam Á, khác với rau mùi (ngò), có nguồn gốc vùng Trung Á. Rau om được sử dụng nhiều ở các tỉnh phía Nam, là gia vị không thể thiếu trong món canh chua cá lóc, canh cá, hoặc canh khoai môn, khoai mỡ. Ở Saigon cũng thấy rau om là gia vị trong món phở, và nhiều món ăn khác.

Theo GS. TS Đỗ Tất Lợi, tại các tỉnh phía Nam người ta phân rau om làm hai loại, rau om tím và rau om xanh, rau om tím được dùng làm thuốc nhiều hơn, nhưng khó tìm, nên rau om xanh ta thường ăn vẫn được sử dụng làm thuốc. Theo kinh nghiệm dân gian rau om được dùng để trị bệnh sỏi túi mật, sỏi thận, bàng quang, phù thủng, bệnh về thận, ăn khó tiêu. Ngày dùng 10-16g dưới dạng thuốc sắc hay viên hoàn. Rau om giã nát đắp lên vết thương có tác dụng chống lở loét.


Tham khảo:

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, GS, TS Đỗ Tất Lợi, NXB Thời Đại-2011.

- Từ điển Khmer- Việt, Hoàng Học, NXB Khoa học Xã hội - Hà Nội 1979.







Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

Rau mùi.

Rau mùi. Ảnh Wikipedia.

Trong entry trước tôi có nói tới rau om, một loại rau gia vị có nguồn gốc và phổ biến ở vùng Đông Nam Á, entry này tôi muốn nói tới một loại gia vị khác cũng là rau, cũng rất phổ biến trong các bữa ăn hằng ngày của chúng ta. Đôi khi tên gọi của hai loại rau cùng là gia vị không thể thiếu này khiến chúng ta lẫn lộn, đó là rau mùi.

Trong sách của GS. TS Đỗ Tất Lợi rau mùi, là loại cây làm gia vị có mùi thơm đặc trưng mà ta thường sử dụng trong bữa ăn hằng ngày. Rau mùi còn có những tên gọi khác như hồ tuy, hương tuy, nguyên tuy, ngò, ngổ, ngổ thơm, coriandre (Pháp), coriander (Anh), koriander (Đức). Ngoài những tên trên, trang Wikipedia cũng gọi rau mùi là ngò rí, ngò ta, ngò tui...

Tên khoa học là Coriandrum sativum L., thuộc họ Hoa tán Apiaceae (Umbelliferae).

Quả mùi hay quả ngò (Fructus Coriandi) ta thường gọi nhầm là hạt mùi, hạt ngò. Cây mùi, cây ngò người Trung Quốc gọi là hồ tuy () vì cây có nguồn gốc từ vùng Trung Á. Người Trung Hoa xưa coi thiên hạ bằng... nửa con mắt, họ gọi những dân tộc láng giềng vùng phía bắc, phía tây của họ bằng nhung, địch, hồ, phía nam là man, di, cho nên giống rau thơm du nhập từ vùng Trung Á này họ gọi là hồ tuy (). Có những giống cây khác mà người Trung Hoa gọi là hồ tiêu (hạt tiêu) (), hồ đào ()... cũng là những giống ngoại nhập có nguồn gốc phía bắc, phía tây của họ. Đến như Tổ Phật giáo Bồ Đề Đạt Ma đến từ Ấn Độ mà người Trung Hoa xưa cũng gọi là "Lão già Hồ".

Ở nước ta rau ngò, rau mùi chủ yếu chỉ được làm gia vị trong bữa ăn, trong khi tại nhiều nước vùng Địa Trung Hải, Trung Á, Ấn Độ, Trung Quốc người ta trồng đại quy mô để lấy quả làm thuốc, và chưng cất tinh dầu sử dụng trong công nghiệp (làm nước hoa, hương liệu cho vào trà), rượu mùi chính là rượu được pba chế từ tinh dầu rau mùi.

Để làm dược liệu, người ta sử dụng cả quả, lá, thân và rễ của cây rau mùi. Theo tài liệu y học cổ, rau mùi có vị cay, tính ôn, có tác dụng phát tán độc trong người, thúc đậu sởi mọc, trừ tà khí, long đờm, tiêu cơm trợ giúp cho dạ dày, thông khí ở bụng dưới, lợi đại tiểu tiện... Theo GS. Đỗ Tất Lợi, mỗi ngày dùng 4-10g quả mùi, hoặc 10-20g lá hoặc cây tươi dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu điều trị trong giúp tiêu hóa, chữa ho, lợi sữa.