Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

Bánh đa kê.

Mâm bánh đa kê gồm: bánh đa, kê (đựng trong nồi đất), đậu xanh hấp chín giã nhuyễn, đường cát trắng. Ảnh Internet.

Ngồi nói chuyện miên man về món bánh tráng kẹo với mấy người lớn tuổi, lại té ra món bánh đa kê. Nếu món bánh tráng kẹo nghe có vẻ Nam bộ, bởi hai chữ "bánh tráng", thì món bánh đa kê lại nghe "Bắc kỳ", với tên gọi "bánh đa", mà lại là "bánh đa kê". Ai cũng biết kê là một trong ngũ cốc thuộc họ hòa bản nhưng hạt nhỏ hơn lúa, là thức ăn cho người và chim chóc.

Mà thật, đây là một món ăn dân dã của người miền Bắc, đã đi vào thơ ca. Trong bài thơ Quê tôi của Bàng Bá Lân có câu: "Chợ làng có lắm quà quê/ Bánh đa, bánh đúc, bánh kê, bánh dầy...", bánh kê ở đây tôi nghĩ chính là món bánh đa kê. Không biết ở những nơi khác thì sao, chứ nơi tôi ở thời nhỏ, một vùng ngoại ô Saigon thuộc quận 11 bây giờ, hàng rong gánh đi bán rất nhiều thứ, món ăn miền Bắc, miền Nam, đủ cả, nhựng không thấy ai đi bán rong món bánh đa kê. Thuở nhỏ năm thỉnh ba thoảng tôi mới được ăn do bà cụ tôi làm, hoặc có người bà con ở vùng có nhiều dân Bắc kỳ di cư như Gia Kiệm (phía trên Hố Nai - Biên Hòa, trên đuòng đi Định Quán, Đà Lạt), ghé Saigon chơi mang món quà quê này về, cùng với những chiếc bánh gai, bánh mật. Ở Saigon trước đây ta có thể gặp món bánh đa kê nơi chợ Ông Tạ (Tân Bình), là một ngôi chợ của người miền Bắc di cư, chứ tôi không thấy bán rong trong xóm như những món quà khác.

Hạt kê. Ảnh Internet.

Miếng bánh đa kê. Ảnh Internet.

Món bánh đa kê làm khá mất công. Bánh đa thì khỏi nói, mua bánh đa sống về nướng trên than hồng, loại bánh đa làm bằng bột gạo dày, 2 mặt có rắc ít hạt vừng đen và vừng trắng (mè đen, mè trắng). Đại khái hạt kê mua về sàng sẩy sạch vỏ, bụi bặm (hạt kê nhỏ lấm tấm tôi thấy dân chơi chim yến hót mua về làm thức ăn cho chim), ngâm hạt kê với nước vôi cho mềm rồi bỏ vào nồi nấu thành một loại cháo sền sệt, có người cho đường cát vào để kê có vị ngọt tựa như chè, nhưng cũng có nơi khi ăn mới rắc ít đường cát trắng lên. Đậu xanh đồ chín, giã mịn nắm thành viên, khi ăn múc cháo kê đổ lên bánh đa, rắc lên đậu xanh nhuyễn thái tơi, rắc thêm ít đường cát trắng (nếu món cháo kê chưa ngọt). Kẹp thêm một miếng bánh đa nữa lên trên, thế là... cắn...

Ăn miếng bánh đa kê ta cảm nhận được cái vị giòn, thơm của bánh đa, cái vị ngậy của kê, vị thơm bùi của đậu xanh, vị ngọt thanh của đường cát trắng. Ngày xưa khi còn nhỏ được ăn món bánh đa kê tôi không thấy cho dừa bào vào, người miền Bắc hiếm khi dùng dừa trong chế biến món ăn. Nhưng sau này thấy có thêm món dừa bào thành sợi rắc lên trên như món bánh tráng kẹo, có lẽ món ăn đã được giao duyên giữa hai trường phái ẩm thực Nam - Bắc.

Bán dạo món bánh đa kê. Ảnh Internet.

Bánh đa kê chỉ là một món quà dân dã, ăn chơi cho vui, cũng như bánh tráng kẹo, lâu lắm rồi tôi không được ăn lại...

Bánh dầy đậu. Ảnh Internet.

Nhân lan man về mấy món quà quê miền Bắc, trong câu thơ của nhà thơ Bàng Bá Lân có nhắc đến món bánh dầy. Thuở nhỏ tôi thường được ăn bánh dầy kẹp với giò (giò lụa hoặc chả quế), gồm 2 miếng bánh dầy tròn nho nhỏ, kẹp ở giữa mấy miếng giò lụa, hoặc chả quế, rắc thêm mấy hạt muối tiêu. Một món bánh dầy khác gọi là "bánh dầy đậu", cũng làm bằng bột nếp viên thành viên tròn (nhỏ hơn hay bằng cỡ viên chè trôi nước mà miền Bắc gọi là "Bánh trôi bánh chay"), bên trong bánh dầy đậu có nhân đậu xanh ngọt, bao bên ngoài bánh là một lớp đậu xanh tơi, ăn rất ngon, nhưng vì làm bằng bột nếp nên cũng... mau ngán.





Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Miếng bánh tráng kẹo.

Bánh tráng kẹo. Ảnh Internet.

Có người quen từ bên Mỹ về gặp hỏi tôi: Biết ở đâu bán bánh tráng kẹo không? A, một món quà từ thời thơ ấu mà đã lâu bản thân tôi cũng không còn thấy. Chỉ một cái từ "bánh tráng kẹo", mà cả một "trời dĩ vãng" hiện về trong tôi. Người xa quê hương có những cái ngộ, có người nói về Sài Gòn chỉ mong được nghe lại tiếng mưa rơi vào ban đêm trên mái tôn, người khác thì chỉ mong được ăn quả cóc chín vàng, người nữa chỉ muốn được đi lại trên con đường Tự Do (Đồng Khởi bây giờ), với lá me bay vướng trên tóc, hay rơi vàng ngập trên lối đi của vỉa hè, rồi ghé ngồi ở một quán cà phê quen, nghe lại bài hát một thời ngày xưa của Phạm Duy: "Con đường tình ta đi, với bàn chân nhỏ bé, con đường chiều thủ đô, con đường bụi mờ... Hỡi người tình học trò, hỡi người tình năm xưa...", mà nhớ về một thời áo trắng Sài Gòn xa xôi. Còn người quen này thì lại nhớ về miếng bánh tráng kẹo.

Thau kẹo dẻo như mạch nha để phết lên miếng bánh tráng. Ảnh nternet.


Một miếng bánh tráng kẹo. Ảnh Internet.

Thuở nhỏ vào khoảng cuối thập niên 50, sang thập niên 60 tôi ở nơi một xóm bình dân, bây giờ thuộc quận 11, hồi đó là ngoại ô của đô thành Sài Gòn. Từ sáng cho tới tận khuya không bao giờ thiếu những gánh "quà quê" dân dã bán rong, như kẹo kéo, chè đậu xanh, tàu hũ, hột vịt lộn, nem nướng, bánh tráng kẹo... Chưa kể những cái không phải món ăn, như mài dao mài kéo, với tiếng những miếng sắt xếp chạm vào nhàu loảng xoảng thay cho tiếng rao, hay ông Tàu gánh đôi quang gánh bốc khói đi nhuộm quần áo, tín hiệu của ông Tàu này là tiếng phát ra từ một cái trống con có tay cầm, có hai quả lắc cột hai bên, ông Tàu lắc cái trống hai quả lắc đập vào mặt trống tạo ra tiếng kêu "tom, tom" báo hiệu sự có mặt. Còn đi đôi với những gánh hàng rong là những tiếng rao, "ai chè đậu xanh bột báng nước dừa đường cát... ai tàu hũ... ai nem nướng... ai hột vịt lộn...". Riêng bà cụ bán bánh tráng kẹo người miền Nam có giọng rao trong vắt trầm bổng kéo dài, cũng ngọt như miếng bánh tráng kẹo cụ bán... ai bánh tráng kẹo...

Gánh bánh tráng kẹo. Ảnh Internet.

Món bánh tráng kẹo như các bạn đã biết, khá đơn giản, gánh hàng bánh tráng kẹo có mấy xấp bánh tráng nướng, có mấy loại giòn tan (có loại bánh làm bằng bột khoai), một thau kẹo dẻo màu vàng sậm tựa như mạch nha được chế biến từ đường mật trộn thêm ít hạt mè (vừng), và một trái dừa dày cơm để nạo thành những sợi dừa trắng muốt. Ngày xưa để có một miếng bánh tráng kẹo tôi nhớ thao tác của bà cụ bán trong xóm như sau: tùy theo số tiền mua mà bà cụ bẻ một miếng bánh tráng (thường là nửa cái như hình số 3), một tay bà nhúng những đầu ngón tay vào tô nước lạnh cho khỏi dính, rồi bốc từ trong chiếc chậu đựng kẹo dẻo màu nâu vàng sậm trong như hổ phách, kéo cho kẹo thành mỏng dính xong trát lên miếng bánh tráng với lượng vừa phải, rồi rắc lên trên mặt một ít dừa nạo. Cuối cùng là cụ bẻ đôi miếng bánh tráng gập lại, đưa cho đám trẻ mua quà.

Khi cắn, miếng bánh tráng kẹo giòn tan trong miệng, có vị bùi của bánh tráng nướng, vị ngọt thanh của kẹo dẻo điểm thêm mấy hạt mè, vị ngậy của dừa bào... Chao, quả là cao lương mĩ vị của đám trẻ nhỏ. Ở vào cái thời trẻ con đó tôi không nhớ là bao nhiêu, có lẽ chỉ 5 cắc (5 hào), hay 1 đồng là có được miếng bánh tráng kẹo thơm ngon, giòn ngậy.

Thảo nào mà người quen của tôi sau bao nhiêu năm ở tận bên trời Âu, trời Mỹ, vẫn không thể quên miếng bánh tráng kẹo...









Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

Bộ chuông cổ ở nhà thờ Đức Bà Sài Gòn.


Ảnh Internet.

Gần 2 tháng nay kể từ ngày bị cú té trời giáng, sau khi mổ chờ hồi phục, tôi tá túc đỡ bên nhà ông cụ thân sinh ở quận 3. Mấy hôm trước bên Giáo xứ có đưa lại nhà cho ông cụ tôi một phong thư dày, trong đó có một tập sách với rất nhiều hình ảnh viết về 135 năm thành lập của Nhà thờ Chánh Tòa Đức Bà Sài Gòn, mà người dân quen gọi là Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (1880-2015). Ngoài tập sách là một bức thư ngỏ kêu gọi các Giáo dân chung tay góp sức để trùng tu Nhà thờ. Sau hơn một trăm năm xây dựng, nhiều hạng mục của nhà thờ đã bị hư hỏng, xuống cấp, cần phải duy tu bảo dưỡng, phục hồi. Là một giáo dân kỳ cựu, của ít lòng nhiều, ông cụ tôi đã dành một tháng tiền trợ cấp cho người già để đóng góp vào việc trùng tu.

2 trong 6 quả chuông ở Nhà thờ. Ảnh Internet.

Tôi chú ý ngay đến tập sách được in ấn màu trên giấy tốt, rất đẹp và công phu, với những hình ảnh cụ thể, rõ ràng đến từng chi tiết của Nhà thờ. Quả thật đây là một kiệt tác về kiến trúc, bên cạnh đó còn có những kiệt tác vô giá khác, như cây đàn organ ống, là một trong 2 cây đàn organ ống cổ nhất Việt Nam. Chiếc đồng hồ cổ với bộ máy vận hành phức tạp bên trong tháp chuông. Hệ thống tranh kính màu rất đẹp trên tường, mà mỗi búc tranh đều có ý nghĩa về một sự tích tôn giáo... Nhưng ấn tượng nhất với tôi có lẽ là bộ chuông cổ của Nhà thờ.


Đàn organ cổ của Nhà thờ. Ảnh Internet.

Một phần chi tiết của bộ máy đồng hồ trên tháp chuông, mặt đồng hồ phía bên trong, để điều chỉnh giớ của đồng hồ bên ngoài trời.. Ảnh Internet.

 
Tranh kính bên trái: Chúa Giáng sinh. Bên phải: Chúa chịu phép rửa. Ảnh Internet.

Tập sách cho biết về bộ chuông của Nhà thờ như sau: (nội dung)

Tháp chuông của Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Ảnh Internet.

Bộ chuông cổ lắp đặt trong tháp chuông của Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn gồm 6 quả chuông, được thiết kế và vận hành bằng máy móc và sức người rất độc đáo. Bộ chuông được chế tác từ năm 1879 tại Pháp, bởi hãng Bollee, với những hoa văn, họa tiết tinh xảo. Bộ chuông được phối âm với các cung: Sol - La - Si - Do - Re - Mi, mỗi quả chuông là một âm điệu.

- Chuông lớn nhất là chông Sol, với đường kính 2,25m, cao 3,5m, nặng 8.745 kg. Một người lớn đứng bên trong quả chuông dang hai tay chưa hết đường kính chuông.

- Chuông La, chuông 2: đường kính 1,90 m, nặng 5.931 kg.

- Chuông Si, chuông 3: đường kính 1,70m, nặng 4.184 kg.

- Chuông Do, chuông 4: đường kính 1,69 m, nặng 3.150 kg.

- Chuông Re, chuông 5: đường kính 1,45 m, nặng 2.194 kg.

- Chuông Mi, chuông 6: đường kính 1,25 m, nặng 1.646 kg.

Sáu quả chuông nặng như như thế cho nên tường xây bắng gạch của tháp chuông dày đến 1,4 m.

Cụm 2 quả chuông nhỏ Re - Mi. Ảnh Internet.

Để lên tới gác chuông (sách viết là "gác đàn") là một cầu thang xoắn ốc bằng đá gồm 44 bậc, với những khối đá của tùng bậc được cắt và ráp, sắp xếp chồng lên nhau. Bề ngang chỗ rộng nhất của mỗi bậc thang là 40 cm. Từ "gác đàn" lên tới đỉnh tháp chuông là cầu thang bằng gỗ có tay vịn bằng sắt, cầu thang gỗ này có bậc rộng đến 40 cm, nhưng cũng có những bậc chỉ vừa đặt đủ một bàn chân, cầu thang gỗ có độ dốc rất lớn.

Chuông Sol, chuông lớn nhất nặng 8.745 kg. Ảnh Internet.

Bộ chuông 6 chiếc được thiết kế và vận hành bằng điện ngay từ lúc khánh thành nhà thờ. Khi khởi động bật công tắc điện, mô tơ truyền lực đến những quả chuông qua hệ thống dây xích. Riêng cụm 4 quả chuông lớn Sol, Do, La, Si vì quá nặng, nên trước khi bật công tắc điện, người điều khiển phải đạp bàn đạp chân khoảng 10 phút cho 4 quả chuông bắt đầu lắc rồi mới bật công tắc điện. Hệ thống bàn đạp gồm 4 cái do 2 người sử dụng đạp cùng lúc. Do vậy mỗi lần đánh chuông phải cần nhiều người, cho nên từ nhiều năm qua, vào ngày thường nhà thờ chỉ cho đổ một chuông Mi (chuông nhỏ nhất số 6) vào lúc 5 giờ, và chuông Re (chuông số 5), vào lúc 16g 15. Ngày chủ nhật và các ngày lễ trọng (lễ lớn trong năm), nhà thờ thường cho đổ 3 quả chuông Do - Re - Mi (chuông 4, 5, 6).

Đặc biệt mỗi năm vào đêm Giáng sinh, nhà thờ đổ cả 6 chuông. Tiếng chuông ngân xa đến 10 km trong không gian. Dàn treo chuông được thiết kế bằng những khúc gỗ độc lập đã được tính toán, cho nên khi cả 6 quả chuông đều đổ, sự cộng hưởng của rung lắc cũng không ảnh hường đến tháp chuông.

Cụm có 4 quả chuông lớn Sol - Do - La - Si. Ảnh Internet.

Hoa văn được chạm khắc trên mỗi quả chuông rất tinh xảo và không giống nhau, duy có điều trên tất cả 6 quả chuông đều có tên của KTS thiết kế nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là J. Bourad.


Hoa văn và chữ chạm khắc trên những quả chuông. Ảnh Internet.

Có một điều rất lý thú, là bộ chuông tạo ra tiếng đàn của chiếc đồng hồ cổ (đồng hồ vẫn còn hoạt động) báo giờ trước mặt tiền nhà thờ, cũng chính là bộ chuông này. Chiếc đồng hồ được lắp đặt sau bộ chuông. Có một hệ thống cần trục gắn liền bộ cơ của đồng hồ với 4 quả chuông lớn. Hệ thống này được thiết kế tự động. Khi báo giờ hệ thống này vận hành, 4 búa sắt gõ nhẹ vào mặt ngoài của 4 quả chuông tạo ra tiếng đàn trong khoảng 30 giây.. khi báo giờ (đúng giờ), thì có búa gõ vào chuông Sol tạo ra âm thanh báo giờ vang xa trong nhiều phút. Đến năm 1978 vì nhiều lý do hệ thóng báo giờ này đã ngưng hoạt động. Có lần khởi động lại, quả lắc chuông chuyễn động trùng với lúc đồng hồ rung chuông báo giờ nên cần búa báo giờ của chuông Sol bị gãy.

Năm 2011 có một chuyên gia về đồng hồ cổ của HongKong sang nghiên cứu, cho biết có thể phục hồi lại hệ thống đồng hồ và chuông, nhưng chi phí rất cao, lên đến một triệu đô la Mỹ. Vì kinh phí quá lớn từ đó đến nay vẫn chưa phục hồi được hệ thống chuông của đồng hồ.

Trong tập sách cũng có thêm một chi tiết về ngôi Nhà thờ (Chánh tòa) của Sài Gòn. Thực ra Nhà thờ Đức Bà là ngôi nhà thờ (Chánh tòa) Sài Gòn thứ ba. Ngôi Nhà thờ Sài Gòn đầu tiên nằm trên đường Ngô Đức Kế hiện nay, nguyên là một ngôi chùa bỏ hoang, được Đức cha Dominique Lefèbvre cho xây dựng lại vào năm 1860. Khi số giáo dân tăng lên thì ngôi Nhà thờ Sài Gòn này trở nên nhỏ bé. Đến năm 1863, Thống đốc Louis Adolphe Bonard đã quyết định xây ngôi nhà thờ thứ nhì bằng gỗ bên dòng Kênh Lớn*. Đức cha Dominique Lefèbvre đã cử hành lễ đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng vào ngày 28-3-1863. Đến năm 1865 hoàn thành, được gọi là Nhà thờ Sài Gòn. Tuy nhiên vì được xây dựng bằng gỗ nên bị khí hậu ẩm, và mối mọt tàn phá.

Kênh Lớn nay là đường Nguyễn Huệ. Ảnh Internet.

Để chuẩn bị cho một ngôi nhà thờ kiên cố, bền vững, xứng tầm cho một vùng đất đang phát triển, và là ngôi Nhà thờ trung tâm cho các Giám mục Giáo phận Tây Đàng Trong. Tháng 8-1876, Thống đốc Nam kỳ lúc bấy giờ là Guy Victor Duperré đã tổ chức một cuộc thi tuyển thiết kế nhà thờ mới. Vượt qua nhiều đồ án thiết kế khác, thiết kế của KTS J. Bourad theo kiểu thức kiến trúc Roman và Gotich đã được chọn. Thoạt đầu Nhà thờ Đức Bà chưa có 2 tháp nhọn màu xám trên 2 tháp chuông, 2 tháp này được làm sau.

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn được làm lễ khởi công vào ngày 7-10-1877 và hoàn thành vào đúng dịp lễ Phục sinh 11-4-1880, đến nay (2015) đã được tròn 135 năm.


Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là một di tích không chỉ có ý nghĩa về tôn giáo, cũng như những ngôi chùa cổ Giác Lâm, Giác Viên, mà còn có ý nghĩa lịch sử về sự hình thành của thành phố Sài Gòn, mong rằng Nhà thờ sẽ được mọi người chung tay góp sức trùng tu.



* Kênh Lớn: ngày xưa còn gọi là kênh Chợ Vải, kênh Charner, chạy dài giữa 2 con đường, một bên là đường Rigault de Genouilly (phía bên thương xá TAX ngày nay). Một bên là đường Charner (phía bên khách sạn Palace ngày nay). Bắt đầu từ Bến Bạch Đáng, chạy dài đến trước cổng dinh Đốc Lý (UBND TP ngày nay). Năm 1887 Kênh Lớn được san lấp, nhập 2 con đường chạy dọc theo bờ kênh thành một, đặt tên là đại lộ Charner (Boulevard Charner). Năm 1956 được đổi tên thành đại lộ Nguyễn Huệ cho đến ngày nay.


Ghi chú:

-  Bài viết được lấy tư liệu theo tập sách "Nhà Thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn Qua Dòng Thời Gian 1880 - 2015" của Tòa Tổng Giám Mục TP. Hồ Chí Minh.








Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

Đường sách.

Ảnh Internet.

Trong tháng qua, theo những thông tin chính thức thì thành phố này sắp có một con đường sách nằm trên đường Nguyễn Văn Bình nơi quận 1, một con đường nhỏ, ngắn bên hông Bưu điện Sài Gòn và nhà thờ Đức Bà. Đối với tôi, một người đã gắn bó với sách lâu nay thì đây là một tin tốt đẹp. Một thành phố rộng lớn như Sài Gòn, với cả gần chục triệu dân, trong đó chắc chắn có rất nhiều người mê đọc sách và mua sách (nều không nói ngoa là nhất nước, thì ít nhất cũng là một trong vài nơi "tiêu thụ" sách nhiều nhất nước), mà cho đến tận bây giờ mới có thể cho "ra lò" một con đường chuyên về sách, là đã quá chậm, quá lâu. Nhưng thôi như ta vẫn hay nói, chậm vẫn còn hơn không.

Thực ra Sài Gòn không hiếm những tiệm sách lớn, những con đường chuyên mua bán sách cũ mới. Các bạn nào mê sách chắc biết rất rõ. Ít lâu nay chôn chân một chỗ, chứ trước đây chẳng mấy ngày tôi không ghé qua những con đường ấy. Ở đó là những tiệm sách tư nhân, những chiếu sách vỉa hè, nhưng tôi có thể tìm được ở đấy những quyển sách mình cần, mà những nhà sách lớn không có, với giá từ rất rẻ đến phải chăng. Có những tiệm sách cũ chỉ chừng mươi lăm mét vuông, người bán chỉ là một người đàn ông, hay phụ nữ đã đứng tuổi, hoặc một cặp vợ chồng như thế, nhưng họ có thâm niên bán sách đã mấy chục năm, có khi cả gần trọn đời người. Ta muốn kiếm một quyẻn sách xuất bản đã lâu, mà đã đi mòn gót nơi những nhà sách lớn, đều chỉ nhận được cái lắc đầu thì hãy đến những nơi này. Họ có thể có đấy, hoặc họ biết rất rõ về quyển sách bạn đang cần, có thể còn kiếm được không, hay đã tuyệt bản...

Đến mua sách, hay chỉ xem, ngắm nghía đỡ buồn, quen biết rồi ta có thể trò chuyện với họ cả tiếng đồng hồ về sách vở mà không thấy chán. Sách gì họ cũng biết, tác giả nào họ cũng rành. Điều này khác hẳn với những tiệm sách lớn, nhiều lần đến đó hỏi thăm về sách, hoặc về một tác giả, một tác phẩm nào đó với những người đứng trông coi ở quày sách (mà đa phần là người trẻ), ít khi nào tôi được giải đáp thích đáng, phần nhiều họ không biết, hình như họ có mặt ở đấy là để "canh sách" hơn là để tư vấn cho khách về sách.

Nghe nói có hai tên gọi của đường sách được đưa ra là "Đường sách Nguyễn Văn Bình", "Đường sách Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh", và tên "Đường sách Nguyễn Văn Bình" đã được chọn. Cái tên gọi đường sách là gì không quan trọng, tôi nghĩ cái quan trọng là đường sách này tổ chức thế nào, để đáp ứng được những nhu cầu của công chúng và giới yêu sách ở Sài Gòn. Một đường sách như thế dĩ nhiên là để giới thiệu và bán sách mới của những nhà xuất bản, Nhưng hy vọng là sẽ có thường xuyên những gian hàng chuyên trưng bày, giới thiệu, mua, bán, trao đổi các loại sách, báo, tạp chí cũ nay khó tìm, hay không còn tìm được trên thị trường sách, Hoặc những phiên chợ mua bán, đấu giá các loại sách báo quí hiếm đã tuyệt bản.

Đường sách cũng là nơi để giới thiệu tác phẩm, hướng dẫn độc giả các giới, các lứa tuổi trong việc chọn, đọc sách, nơi nắm bắt được thị hiếu của công chúng, biết được loại sách nào công chúng cần đọc, để liệu mà in ấn, hay tái bản. Cũng là nơi giao lưu giữa tác giả và người đọc, nơi trao đổi giữa những độc giả về sách... Một điều quan trọng nữa tuy là nơi mua bán, trao đổi về sách, nhưng phải là nơi thể hiện được cái văn hóa đọc, chứ không đơn thuần chỉ là một "chợ sách".

Người ta hay nói bây giờ ít còn người ham đọc sách, nhất là giới trẻ. Nhưng theo tôi không hẳn như thế, nhiều lần lân la nơi những tiệm sách cũ, tôi hay bắt gặp những người còn rất trẻ, đang là sinh viên hoặc mới học xong đại học, cũng say mê tìm kiếm những quyển sách mà khi nói ra tôi không ngờ là họ lại tìm đọc những loại sách đó. Có lần tôi gặp một bạn trẻ vào một tiệm sách cũ tìm quyển từ điển Hán-Việt của Trần Văn Chánh do NXB Trẻ in đã khá lâu (bạn trẻ này tìm quyển của NXB Trẻ chứ không tìm cũng từ điển này mà của NXB khác), và một quyển sách nữa về ngôn ngữ, cả hai quyển đều không còn bán nơi nhà sách nữa. Tiệm sách cũ cũng không có. Ở những Hội chợ về sách thỉnh thoảng được mở, đến đó tôi thấy đa phần là giới trẻ đến xem và mua sách rất nhiều, hơn hẳn các giới khác. Ăn thua là sách vở của chúng ta viết chất lượng ra sao? Cách đưa sách đến bạn đọc như thế nào?

Ở một vị trí "đẹp" như trên, tôi nghĩ đường sách Nguyễn Văn Bình không chỉ thu hút giới mê sách ở Sài Gòn, mà còn ở cả nước, và lượng khách du lịch quốc tế luôn đông đảo tại khu trung tâm thành phố. Hy vọng con đường sách sắp mở sẽ đáp ứng được những nhu cầu của công chúng, và giới mê sách, ít nhất về mặt tổ chức cũng được như những điều tôi nêu bên trên, chứ đường sách mà chỉ là "cánh tay nối dài" của những tiệm sách lớn, hay của nhà xuất bản thì chán lắm.






Thứ Ba, 20 tháng 10, 2015

Bao giờ cho đến ngày xưa?


Ảnh Internet, chỉ có tính chất minh họa.

Trong một bài viết hôm rằm tháng tám, nhân nhớ lại thời mình còn là tên nhóc mê rước lồng đèn cùng đám nhóc tì oắt xà lai trong xóm. Tôi viết còn nhớ trong xóm nhà tôi ở thuộc khu vực quận 5 hồi đó, có nhà Bà Phủ, trong nhà còn treo cây kiếm dài cong cong để trong vỏ của ông Phủ khi còn làm quan, và nhiều câu đối, hoành phi sơn son thếp vàng. Trong ký ức của tôi thì ngôi nhà này khác hẳn những ngôi nhà tầm tầm trong xóm, bởi lúc nào cũng kín cổng cao tường, ít khi giao tiếp với hàng xóm, mấy đứa cháu trong nhà cũng ít khi được ra ngoài đi chơi lêu lổng như tụi tôi.

Hồi đó nghe bố mẹ trong nhà tôi nói về gia đình Bà Phủ trong xóm, đại khái là chồng Bà Phủ là quan Phủ ở ngoài Bắc thời xưa trước khi di cư vào Nam, Chức quan Phủ ngày xưa là to lắm, hét ra lửa, ngày xưa làm điều gì phạm pháp mà bị gông cổ lên quan Phủ là coi như... "oong boong phi nan", "ra đi không hẹn ngày về", "đời tàn trong ngõ hẹp". Nghe ông cụ thân sinh tôi kể thời cụ còn trẻ ở quê, thì nghe nói đến ông Tổng là chức quyền đã to lắm rồi, thời đó cụ nói dân cùng đinh thiếu thuế thân có mấy hào, một đồng là ông Tổng đã có quyền sai người bắt về trói treo lên xà nhà.

Sau này lớn lên đọc sách, tôi thấy có khi vài ba huyện mới hợp thành Phủ (có lẽ huyện ngày xưa quy mô nhỏ không được như ngày nay). Còn bây giờ tra nhanh trên mạng tôi thấy viết Phủ ngày xưa tương đương với quy mô một huyện ngày nay. Chữ Phủ còn có nghĩa là nơi thờ phượng của Đạo Mẫu, như Phủ Tây Hồ ở Hà Nội thờ Công chúa Liễu Hạnh.

Sở dĩ tôi nhắc đến tên Phủ, vì sáng nay (chủ nhật 18-10-2015), lan man trên mạng đọc báo thấy có nhiều tờ báo như Tiền Phong, Phụ Nữ, VnExpress... đưa tin tại buổi hội thảo khoa học sáng 16-10-2015, tại thành phố Bắc Giang có nhiều ý kiến đề nghị đổi tên thành phố Bắc Giang thành Phủ Lạng Thương, bởi đây là cái tên được ra đời từ năm 1888, và hiện tại tên Phủ Lạng Thương vẫn còn được tạc, ghi trong hầu hết các tài liệu, văn tự quốc tế trong các lãnh vực địa lý, địa chất, khảo cổ, dân tộc học, sử học, hành chính...

Các bạn của tôi chắc biết, tôi là một người thuộc "trường phái hoài cổ" (khổ, già nó đâm thế, ai mà không hoài cổ?), nghĩa là luôn hoan hô việc... đổi cũ, cho nên tôi ủng hộ chuyện lấy lại tên cũ là Phủ Lạng Thương thay cho thành phố Bắc Giang (cũng như ủng hộ việc lấy lại tên Đô thành Sài Gòn thay cho Thành phố Hồ Chí Minh, hí hí), hoặc lấy lại tên "Thành Đại La" "Thành Thăng Long" thay cho thành phố Hà Nội, Thủ Dầu Một thay cho Bình Dương, Vũng Gù thay cho Vĩnh Long... Nhưng ngẫm nghĩ lại, tôi lại có một chút băn khoăn, rồi đây tất cả các thành phố khác trong cả nước đều nhất loạt xin đổi lấy lại các tên gọi ngày xưa thì sao? Họ cũng có thể nói y như trên là hiện có rất nhiều thư tịch, tài liệu cổ, sách báo ghi như thế... Bao nhiêu những rắc rối về giấy tờ, dấu má... Rồi rộng hơn lên, sẽ có những ý kiến đề nghị đổi tên Việt Nam trở lại những tên xưa như Văn Lang, Vạn Xuân, Đại Việt, Đại Cồ Việt, Đại Nam, hay Xích Quỷ, Đại Ngu... thì thật chẳng biết phải xử trí thế nào?

Rồi nếu thay tên thành phố Bắc Giang trở lại thành Phủ Lạng Thương, thì người đứng đầu Phủ sẽ gọi là gì? Chủ tịch Phủ? (cái này dễ bị nhầm với Phủ Chủ tịch), hay để... đồng bộ với ngày xưa sẽ gọi luôn là... quan Phủ cho tiện?

Ấy là mấy cái băn khoăn dở người của tôi thôi, bởi vì lấy lại tên gọi ngày xưa là có Hội thảo khoa học, ý kiến của các khoa bảng đàng hoàng. Biết đâu mai mốt tôi lại có thể khoe với con cháu mình, là ngày xưa hàng xóm của ông bà cũng có những Ông Phủ, Bà Phủ...

Biết đâu đấy?





Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

Tượng xưa ở Sài Gòn.


Tượng Trương Vĩnh Ký trong vườn hoa trước dinh Độc Lập, nhìn về hướng nhà thờ Đức Bà. Ảnh Internet.

Ở hai bài trước, nhân nhắc đến bức tượng Chúa Jesus ở Vũng Tàu, và tượng của nhà tư sản Quách Đàm, người đã có công xây dựng lên chợ Bình Tây ở Sài Gòn bấy giờ. Nguyên bức tượng của ông Quách Đàm được đặt trong một khuôn viên giữa chợ, sau ngày 30-4-1975 thì tượng bị tháo dỡ cất vào kho, hiện nay được trưng bày trong khuôn viên của Bảo tàng Mỹ thuật của thành phố.

Tượng Trương Vĩnh Ký đặt trong vườn hoa trước dinh Độc Lập nhìn từ phía trước mặt. Ảnh Internet.

Có một bức tượng khác cũng chịu chung một số phận như thế, đó là bức tượng của nhà trí thức Nam bộ nổi tiếng xưa nay Pétrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898). Ông là một nhà văn, nhà ngôn ngữ, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa, một học giả tiêu biểu ở miền Nam vào khoảng gần cuối thế kỷ XIX, được nhiều người, nhiều thế hệ trong và ngoài nước biết đến. Trước năm 1975 tên của ông được đặt cho một ngôi trường trung học công lập ở Sài Gòn (trường nam sinh) là Trung học Pétrus Ký, nay là trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong. Tên của ông cũng còn được đặt cho 2 con đường ở Sài Gòn năm xưa, là đường Pétrus Ký ở quận 5, 10 (ngày xưa đường này là một bến xe đò đi các tỉnh), nay là đường Lê Hồng Phong, Một đường nữa là đường Trương Vĩnh Ký thuộc tỉnh Gia Định, nay là đường Nguyễn Văn Bảo, Gò Vấp. Hiện nay có một con đường ở quận Tân Phú mang tên ông.

Bức tượng của ông được đúc bằng đồng, tương tự như tượng của ông Quách Đàm, cao bằng cỡ người thật, được đặt trên một bệ cao trong vườn hoa, dưới những tán cây cổ thụ, gần bên con đường lớn sát bên ngã tư phía sau nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Tôi có cảm tưởng tuy ông là một người nổi tiếng, tượng của ông được đặt ở một nơi nhộn nhịp xe cộ qua lại như thế, nhưng hình như ít người để ý, bởi ngay cả khi tôi thử hỏi nhiều người lớn lên ở Sài Gòn năm xưa, một số lại không biết đến bức tượng này.

Tượng Trương Vĩnh Ký hiện nay trong Bảo Tàng Mỹ thuật thành phố. Ảnh Internet.

Sau năm 1975 thì bức tượng của ông Pétrus Ký cũng được tháo dỡ, hiện nay được trưng bày trong khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, Cũng may là tượng của Pétrus Ký và Quách Đàm tuy không còn đặt nơi vị trí ngày xưa, nhưng vẫn  còn chứ không bị phá hủy.

Ở Sài Gòn còn một bức tượng xưa nữa, đặt ở một vị trí mà bây giờ ai cũng biết, trong vườn hoa nhỏ trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, bệ của bức tượng chính là bệ của tượng Đức Mẹ hiện nay. Đó là tượng của Giám mục Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh.


Tượng của Giám mục Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Ảnh Internet.

Những thất bại ở Đàng Trong của Nguyễn Ánh trước quân Tây Sơn, kể cả khi đã cầu viện quân Xiêm. Khiến chúa Nguyễn phải đồng ý giao Hoàng tử Cảnh cho Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine, 1741-1799) sang phương Tây cầu viện trợ. Kết quả của chuyến đi này là Hiệp ước Versaille đã được ký kết (1787). Tuy nhiên Hiệp ước này đã không được thực hiện, bởi sau đó nước Pháp lâm vào cảnh rối ren nội bộ. Tháng 7-1789 Bá Đa Lộc cùng Hoàng tử Cảnh về đến Gia Định, thì cuộc cách mạng Pháp của giai cấp tư sản cũng đã lật đổ triều đại của vua Louis XVI. Bức tượng Giám mục Bá Đa Lộc trên một bệ đá, một tay dắt Hoàng tử Cảnh, một tay có lẽ là cầm tờ Hiệp ước bên trên, là để đánh dấu kết quả lần đi cầu viện này.

Bức tượng được dựng khoảng năm 1900, đến năm 1945 đã bị người dân Sài Gòn kéo sập, có lẽ tượng đã bị phá hủy không còn thấy tông tích. 

Tượng Đúc Mẹ trước Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Ảnh Internet.

Cũng trên bệ đá này, ngày 9-12-1959 thì tượng Đức Mẹ Maria, với tên gọi là Đức Bà Hòa Bình (Nữ Vương Hòa Bình) đã được khánh thành, sau 2 năm thi công tại Ý, tượng được làm từ cẩm thạch trắng, như ta đã thấy ngày nay. Ngày 5-12-1959 Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn đã được Tòa thánh La Mã tôn phong lên hàng tiểu Vương cung Thánh đường, và tên gọi chính thức của nhà thờ là Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn.






Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

Tượng Chúa Cứu Thế ở Vũng Tàu.

Tượng Chúa Ki Tô trên ngọn Núi Nhỏ tại Vũng Tàu. Ảnh Internet.

Vũng Tàu xưa nay là một thành phố du lịch, nhiều người trên đất nước (nhất là những ai sống ở Saigon), đều đã có dịp ghé thăm. Ở đây có nắng, có gió, có biển, có núi, có những bãi tắm, có thắng cảnh... Thực ra thời gian trước năm 1975 do hoàn cảnh xã hội, chiến tranh... không mấy người dân miền Nam thuộc tầng lớp bình dân, có ý nghĩ một năm đi du lịch, nghỉ mát vài lần như ngày nay. Điều này chỉ dành cho tầng lớp từ trung lưu trở lên. Cũng cần nói thêm, khoảng gần cuối thập niên 1960, sang đầu 1970, Vũng Tàu là nơi đóng quân, nghỉ mát tại chỗ của quân đội đồng minh, thời đó Vũng Tàu nổi tiếng với lính Mỹ, lính Úc, và những quán bar phục vụ cho họ hơn.

Bây giờ thành phố Vũng Tàu đã khang trang hơn xưa, đến những bãi tắm, hoặc đi trên con đường Hạ Long mới mở rộng ít năm gần đây, ta đã thấy khác. Từ Bãi Sau, ngày xưa còn gọi là bãi Thùy Vân, hoặc đi trên đường Hạ Long, có lẽ ai cũng nhìn thấy tượng Chúa Jesus Chrst (người Việt quen gọi là Chúa Cứu Thế hay Chúa Ki Tô) nằm trên ngọn Núi Nhỏ. Tôi còn nhớ cách nay đã khá lâu, trong một lần đi nghỉ mát cùng cơ quan đến Vũng Tàu, anh chàng hướng dẫn viên du lịch của đoàn, đã giới thiệu bức tượng Chúa Cứu Thế trên ngọn Núi Nhỏ là tượng thánh... Jacques (Saint Jacques). Sách vở nói có một thời người ta lầm lẫn như vậy, vì ngày xưa dưới thời Pháp thuộc Vũng Tàu đã được người Pháp gọi là Cap Saint Jacques.

Cùng với Thích Ca Phật đài, thì tượng Chúa Ki Tô trên ngọn Núi Nhỏ là hai nơi thuộc thắng cảnh tôn giáo du khách đến Vũng Tàu hay ghé thăm. Cũng còn một nơi khác thuộc Vũng Tàu du khách cũng nên ghé đến, đó là xã đảo Long Sơn, nơi có một quần thể kiến trúc xưa khá độc đáo gọi là Nhà Lớn (Đạo Ông Trần). Ở đó ta có thể bắt gặp những ngôi nhà cổ với những con người xưa của thế kỷ trước, thời khẩn hoang lập ấp ở Nam bộ, cũng là nơi thờ ông Lê Văn Mưu người gốc Hà Tiên đã đến đây lập nghiệp vào đầu thế kỷ XX.

Tượng Chúa Cứu Thế trên ngọn Núi Nhỏ được xây dựng theo motif của bức tượng Chúa Cứu Thế ở Rio de Janeiro (Brasil)*. Tượng được xây dựng trong tư thế đứng thẳng, dang hai tay, quay mặt ra biển. Để có được bức tượng hoàn chỉnh như ngày nay không kém phần gian nan. Những tài liệu cho biết tượng thoạt đầu được xây dựng từ năm 1972 (có nơi ghi 1973), tại mũi Nghinh Phong, nhưng đến tháng 1-1973 thì bị ngưng lại theo lệnh của Thị trưởng Vũng Tàu lúc bấy giờ là đại tá Vũ Huy Tạo, lý do là bên Phật giáo khiếu nại cho rằng địa điểm này đã được chính quyền giao cho họ.

Để giữ hòa khí giữa 2 tôn giáo, đại diện của 2 tôn giáo đã họp bàn dưới sự chủ trì của chính quyền địa phương lúc bấy giờ. Và một thỏa hiệp được 3 bên ký kết ngày 16-2-1974. Theo thoải hiệp, phía bên Phật giáo được toàn quyền sử dụng mũi Nghinh Phong, còn phía bên Công giáo được sử dụng ngọn Núi Nhỏ để xây dựng với quy mô 10 mẫu Tây (10 hecta).

Ngay sau đó phía bên Công giáo đã dỡ bỏ bức tượng tại núi Nghinh Phong theo như thỏa hiệp. Ngày 18-3-1974, chính quyền sở tại đã cấp văn thư số 140/VT/HC/LA cho phép xây dựng tượng đài Chúa Cứu Thế trên Núi Nhỏ, còn được gọi là núi Tao Phùng. Lúc bấy giờ Linh mục quản xứ Vũng Tàu là Phaolô Nguyễn Minh Trí cùng nhiều nhà hảo tâm, điêu khắc gia Văn Nhân, và kỹ sư Nguyễn Quảng Đức tính toán kết cấu bức tượng bắng BTCT bắt tay vào việc xây dựng. Công trình vừa thi công xong phần tượng, còn dở dang thì xảy ra sự kiện 30-4-1975 khiến công trình xây dựng phải ngưng lại. Trong quá trình đào móng người ta đã phát hiện ra bên dưới lớp đất đá, trong lòng núi là cả một hệ thống pháo đài phòng thủ của người Pháp ngày xưa hướng ra biển, được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX. Bên trong nhũng pháo đài được đặt những khẩu đại bác bắn đạn cỡ lớn, có những khẩu đại pháo bắn đạn cỡ 300mm. Cụm pháo đài này nhằm kiểm soát tàu bè ra vào cửa biển Vũng Tàu-Saigon.

Sau năm 1975, nhiều lần tòa Giám mục Xuân Lộc có văn bản đề nghị chính quyền cho tiếp tục thi công bức tượng Chúa Cứu Thế trên Núi Nhỏ. Nhưng mãi đến năm 1992 UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới có công văn số 233/QĐ-UB, ngày 28-01-1992, cho phép linh mục Trần Văn Huyên quản xứ giáo xứ Vũng Tàu lúc ấy, được tiếp tục hoàn thiện tượng Chúa Cứu Thế trên Núi Nhỏ.

Đến thời điểm này khu vực dựng bức tượng đã trở nên hoang phế sau nhiều năm bỏ hoang, bản thân bức tượng cũng bị hư hỏng, cuộn dây đồng chống sét bị mất, Chân Núi Nhỏ bị đào khai thác đá trái phép...

Tháng 11-1992 khu vực Núi Nhỏ lại nhộn nhịp thi công hoàn thiện bức tượng. Ban xây dựng do linh mục Nguyễn Chu Trinh làm trưởng ban, nhà điêu khắc Văn Nhân đã định cư tại Hoa Kỳ, tuy đã già yếu nhưng vẫn trở về, do già yếu không leo lên được Núi Nhỏ, ông đã ngày ngày ở dưới chân núi theo dõi, chỉ đạo thi công, cùng với kỹ sư Nguyễn Quảng Đức (có nơi ghi kỹ sư Nguyễn Văn Đức), và những người thợ lành nghề, dưới sự góp công, góp của, của nhiều giáo dân trong và ngoài nước. Ngoài việc hoàn thiện bức tượng, nhiều hạng mục khác đã được hoàn thành, như 4 bức phù điêu diễn tả lại cảnh 3 nhà chiêm tinh từ phương đông đến chiêm bái Chúa hài đồng, ốp ở bệ dưới chân tượng, cảnh bữa Tiệc ly Chúa chia tay với 12 Tông đồ... (2 bức đã hoàn thành từ trước năm 1975), Trước tượng đài Chúa Ki Tô có đặt một bức tượng Đức Mẹ ôm xác Chúa, sau khi Chúa bị đóng đinh trên Thập giá...

Tượng Đức Mẹ ôm xác Chúa Jesus đặt phía trước bức tượng Chúa Ki Tô.
Ảnh Internet.

Sau hai năm tu sửa, ngày 1-12-1994 Giám mục Giáo phận Xuân Lộc là Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật, đã chính thức khánh thành khu tượng đài Chúa Cứu Thế (cũng còn gọi là Chúa Ki Tô Vua) trên đỉnh Núi Nhỏ. Về quy mô kiến trúc, tượng có tổng chiều cao là 32m, phần tượng là 25m, bệ là 7m, chiều dài của 2 cánh tay là 18,4m. Vòng tròn hào quang trên đầu tượng còn là một phần thiết bị vật lý (thu lôi) để chống sét. Bên trong tượng là một cầu thang gồm 133 bậc, đi từ bệ lên tới cổ của tượng, trong lòng tượng có thể chứa được 100 người. Đường lên tượng có 1.000 bậc thang với chiều cao là 500m.


Tượng Đức Mẹ La Vang (Quảng Trị). Ảnh Internet.

Theo bài viết "Tượng Chúa Giêsu trên Núi Nhỏ ở Vũng Tàu" trên Tạp chí Kiến Thức ngày nay số 754, ngày 20-7-2011 của tác giả Phanxipăng, nhà điêu khắc Văn Nhân cũng chính là tác giả bức tượng Đức Mẹ bế Đức Chúa Jesus Hài đồng tại Thánh địa La Vang (Quảng Trị). Trong thời chiến tranh, ngôi nhà thờ tại đây đã bị bom đạn tàn phá, nhưng bức tượng Đức Mẹ đặt ngoài sân phía trước nhà thờ vẫn nguyên vẹn.


Tượng Chúa Cứu Thế tại Rio de Janeiro (Brasil). Ảnh Internet.

* Tượng Chúa Cứu Thế ở Rio de Janeiro (Brasil), được xây dựng từ năm 1922, hoàn thành năm 1931. Tượng có tổng chiều cao là 38m, phần tượng cao 30m, đế cao 8m, sải tay của tượng là 28m, nặng 635 tấn, nằm trên đỉnh núi Corcovado cao 700m thuộc công viên quốc gia, được xây dựng chủ yếu bằng vật liệu BTCT. Đây là số liệu của trang mạng Wikipedia. Trong bài viết "10 bức tượng khổng lồ lạ thường" trên Tạp chí Kiến Thức ngày nay số 842, ngày 01-01-2014 của tác giả Nguyễn Văn Sơn, số liệu có hơi khác. Tượng có tổng chiều cao 39,62m, với phần bệ chân tượng cao 9,45m, sải tay gần 30,48m. Bên trong tượng đặc ruột chứ không rỗng có cầu thang đi lên đỉnh tượng như tượng Chúa Cứu Thế ở Vũng Tàu. Về đường nét kiến trúc, từ dáng vẻ cho đến y phục, phải nói riêng bản thân, tôi thấy bức tượng này hài hòa, đẹp, hùng vĩ hơn bức tượng của Việt Nam.


Ghi chú:

- Bài viết được tham khảo, tổng hợp từ nhiều nguồn.





Thứ Ba, 13 tháng 10, 2015

Những hình ảnh bên nhà bạn.



Những hình ảnh đẹp này tôi đã copy bên nhà các bạn, chỉnh sửa lại chút xíu (cúp lại tấm hình để cô đọng, sinh động hơn, tăng thêm độ tương phản, nhưng vẫn giữ nguyên nội dung ảnh), Xem hình chụp ta có thể biết được phần nào "cá tính" của người chụp. Ảnh của bạn NangTuyet có những nét lãng mạn cổ điển. Bạn Marguerite có góc nhìn hiện thực hơn nhưng cũng không kém phần mơ mộng. Còn anh bạn trẻ Bố susu có cái nhìn mạnh mẽ của cánh mày râu... Xin giới thiệu lại những hình ảnh của các bạn tại trang nhà:

- Ảnh của bạn NangTuyet:


"Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo/ Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi..."
Thơ Apollinaire, lời nhạc Phạm Duy.


"Ngày tháng trôi qua".


"Đôi chim cu đất".


"Những con chim đùa chơi trong cành lá"


- Ảnh của bạn Marguerite:


"Trò chơi ném tuyết".


"Một mình giữa mùa đông".


- Ảnh của Bố susu:


"Quyết liệt"

"Ba thế hệ cùng chiến thắng". Ông, cha, và cháu cùng cặp bò chiến thắng trong lễ hội đua bò tại Tịnh Biên - An Giang năm 2015.





Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2015

Hai ngôi chợ xưa tiêu biểu ở Sài Gòn.



Những ai đã từng ở Sài Gòn lâu năm rồi đi xa, hoặc nay vẫn còn ở lại, chắc chắn sẽ nhớ đến một vài ngôi chợ xưa ở Sài Gòn, mà tôi liệt kê sau đây:

- Chợ Bến Thành:

Đây là ngôi chợ có nguồn gốc lâu đời, và cũng nổi tiếng nhất. Cho đến tận ngày nay vẫn là một trung tâm mua bán, du lịch của thành phố, được rất nhiều du khách biết đến, có lẽ một phần cũng là nhờ chợ ở ngay trung tâm thành phố, một vị trí không thể có nơi nào "đắc địa" hơn (trung tâm quận 1 hiện nay).

Chợ Bến Thành thời kỳ mới xây dựng, trước chợ còn trống trải chưa thành đường, với người đi bộ, xe kéo, xe ngựa hòm kiếng chở khách. Ảnh Internet.

Thoạt đầu chợ Bến Thành được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, nằm ở khu vực bây giờ được gọi là Chợ Cũ, Chợ Bến Thành thời ấy rất sầm suất, vì nằm dọc theo bến sông để dễ tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa đi các nơi bằng ghe thuyền. Chợ cũng gần bên Thành Gia Định, còn được gọi là Thành Quy, nên được gọi là chợ Bến Thành. Sau cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi, Thành Quy bị vua Minh Mạng ra lệnh phá hủy, việc buôn bán của chợ Bến Thành không còn được như truóc.

Năm 1859, người Pháp đánh chiếm Thành Gia Định, cuộc chiến đã thiêu hủy chợ Bến Thành. Một năm sau, người Pháp đã cho xây lại chợ Bến Thành trên khu vực cũ, cũng bằng gạch, sườn gỗ, lợp lá. Đến tháng 7-1870 chợ bị cháy mất một gian. Người Pháp cho xây cất lại thành năm gian, cột gạch, sườn sắt, lợp ngói. Trong năm gian hàng đó có gian hàng bán cá, thịt được lát đá xanh, lợp tôn.

Chợ Bến Thành thời vua Bảo Đại (chân dung nhà vua treo trước chợ), đã có đường xá, xe thổ mộ chở người, hàng hóa, và xe xích lô đạp. Ảnh Internet.

Chợ Bến Thành buôn bán nhộn nhịp trở lại. Đến năm 1911, ngôi chợ xuống cấp, cũ kỹ có thể sụp đổ. Người Pháp phải phá bỏ những gian chợ lợp ngói nặng nề, chỉ giữ lại gian lọp tôn vì nhẹ. Diện tích bị thu hẹp, chợ Bến Thành không còn đáp ứng được nhu cầu mua bán, người Pháp chọn một địa điểm khác để xây một chợ mới, đó chính là ngôi chợ Bến Thành ngày nay.

Chợ Bến Thành thời trước năm 1975, trên đường phố đã có các loại xe. Mặt tiền chợ có những biển quảng cáo của hãng giày Bata. Ảnh Internet.

Chợ Bến Thành ngày nay được xây dựng bởi hãng thầu Brossard et Maupin. Khởi công từ năm từ năm 1912, đến cuối tháng 3-1914 thì hoàn thành. Dịp khánh thành, chính quyền thành phố lúc đó tỏ chức ăn mừng liền trong 3 ngày cuối tháng 3-1914, với pháo bông, xe hoa diễu hành, có cả trăm ngàn người hiếu kỳ từ các tỉnh đổ về tham dự.

Ngoài tên gọi là chợ Bến Thành, người dân Saigon còn có những tên gọi khác để gọi, đó là tên Chợ Mới (để phân biệt vói chợ Bến Thành cũ như đã viết bên trên, khu vực ngôi chợ cũ còn 1 gian này sau đó được gọi là Chợ Cũ, tên gọi vẫn còn tồn tại đến ngày nay). tên gọi Chợ Mới có lẽ chỉ phổ biến lúc chợ mới xây. Chợ cũng còn một tên gọi khác mà người dân Sài Gòn quen gọi, đó là chợ Sài Gòn.

Nếu kể từ năm hoàn thành (1914), đến nay (2015), chợ Bến Thành tính ra đã được 101 tuổi. Hình ảnh của chợ Bến Thành đối với người dân Sài Gòn, là hình ảnh tiêu biểu cho thành phố Sài Gòn năm xưa.


- Chợ Bình Tây:

Cũng như chợ Bến Thành tọa lạc nơi trung tâm quận 1, chợ Bình Tây cũng có nguồn gốc lâu đời, nhưng nằm trong khu vực trung tâm quân 5, 6, nơi xưa nay có nhiều người Việt gốc Hoa sinh sống. Chợ Bình Tây khi mới xây dựng, và một thời gian dài sau đó được gọi là Chợ Lón Mới, để phân biệt với Chợ Lón (cũ), nằm ở gần đó, phiá bên Bưu điện quận 5 hiện nay.

Hình ảnh Chợ Lớn (cũ) ngày xưa. Ảnh Internet.

Thoạt đầu tên gọi Chợ Lón là để chỉ một ngôi chợ của người Minh Hương lập ra để làm ăn buôn bán, đã có từ rát lâu đời. Trước năm 1698 đã có những nguòi Hoa không thần phục nhà Thanh đến đây sinh sống. Cho đến khoảng năm 1776, sau khi Cù Lao Phố (Biên Hòa) bị quân Tây Sơn tàn phá, người Hoa ở đó đã chạy về đây lánh nạn, khiến vùng này trở nên đông đúc. Họ đã lập ra ngôi Chợ Lớn kể trên. Ít năm sau khi về định cư tại khu vực Chợ Lớn, sử sách có chép những người Hoa lại bị quân Tây Sơn tràn tới giết hại lần nữa, bởi ở miền Nam họ đã giúp quân của Nguyễn Ánh.

Thời đó, ở khu vực Chợ Lớn có một nhà tư sản người Hoa là Quách Đàm, chủ nhà buôn Thông Hiệp (lấy từ câu "Thông thương sơn hải/ Hiệp quán càn khôn", đại khái có nghĩa là "Bán buôn khắp chốn/ Thâu tóm cả đất trời" của một ông thày Tàu cho chữ. Xét thấy cái chí kinh doanh của ông Quách Đàm không hề nhỏ. Từ câu đó mà nhà tư sản này còn được gọi là Thông Hiệp. Ông Quách Đàm được coi là một trong những nhà tư sản giàu có tiếng lúc bấy giờ.

Công việc làm ăn phát đạt, nhà tư sản Quách Đàm bỏ tiền ra mua đất xây dựng một ngôi chợ mới, trên một khu đất nông ngiệp cách không xa ngôi Chợ Lớn (cũ). Tiền mua đất, xây chợ Quách Đàm hoàn toàn tự bỏ và hiến tặng không cho nhà nước lúc bấy giờ. Ông ấy nhiều tiền của quá nên làm việc nghĩa chăng? Có lẽ không phải, bên cạnh đó ông Quách Đàm cũng xây những dãy phố lầu chung quanh chợ. Sau đó ông vận động các quan chức cao cấp Nam kỳ dời ngôi Chợ Lớn về đây. Khi chợ đã được dời về, mục đích của ông là bán, hoặc cho thuê những căn phố lầu quanh chợ. Khi ông mua là đất nông nghiệp rẻ mạt, tiền xây không bao nhiêu, nhưng khi bán những căn phố chợ tấp nập thì một vốn đến mười lời. Tầm nhìn của ông chủ Thông Hiệp thật đáng nể. Dĩ nhiên là ông lời to, thu về được những khoản tiền lớn

Hình ảnh chợ Bình Tây ngày xưa, phía trước có xe ngựa (xe thổ mộ), xe kéo. Ảnh Internet.

Thoạt đầu chợ có tên là chợ Quách Đàm theo tên gọi của ông chủ hãng Thông Hiệp. Trong dân gian cũng gọi là Chợ Lớn Mới, để phân biệt với Chợ Lớn (cũ), cũng tựa như người ta gọi chợ Bến Thành khi mới xây dựng là Chợ Mới, và chợ Bến Thành cũ là Chợ Cũ. Chợ được xây dựng vào những năm 20 của thập kỷ XX, bằng xi măng cốt thép theo kiến trúc Á đông, hài hòa, trên một diện tích hơn 17.000 mét vuông. Trong chợ có một hoa viên đặt bức tượng toàn thân của ông Quách Đàm. Tượng được đúc bằng đồng trông nho nhã, kẻ sĩ, chứ không giống như những tay tư bản đầu nậu bung phệ lắm tiền nhiều của ta thường thấy ngày xưa trong Chợ Lớn. Sau ngày 30-4-1975 tượng được dời đi. Hiện nay được dựng trong khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật thành phố ở quận 1. Theo tôi, nên "trả" bức tượng Quách Đàm lại về chỗ cũ, cho người đã bỏ công, bỏ của ra xây ngôi chợ Bình Tây là hay nhất. Ông Quách Đàm mất vào năm 1927, đám ma của ông khi ấy rất lớn, người ta nói bất cứ ai ghé lại viếng, hoặc đưa đám, dù chỉ đi một đoạn, cũng có người bưng tới ly nước dừa hay la ve (bia), cùng chiếc quạt giấy và tờ giấy bạc năm đồng có hình con công thời đó, một món iiền lớn.

Tượng của ông Quách Đàm khi còn ở hoa viên chợ Bình Tây. Ảnh Internet.

Tượng hiện nay trong khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật TP. Ảnh Internet.

Theo thời gian, tên gọi chợ Quách Đàm, Chợ Lớn Mói xưa đã dần mai một, nay được gọi là chợ Bình Tây, là một ngôi chợ lớn của Sài Gòn, Một dạng chợ đầu mối chuyên bán sỉ, lẻ các mặt hàng gia dụng, và cũng như chợ Bến Thành, luôn thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước ghé xem, mua sắm.

Chợ Bình Tây trước năm 1975. Ảnh Internet.

Trong một bài trước tôi có viết về Chợ Lớn Mới, bạn NangTuyet có vào xem và ngỏ ý muôn được biết thêm về ngôi chợ này. Nay tôi viết lại về những gì cơ bản liên quan đến ngôi chợ, và người có công lập ra chợ là ông Quách Đàm. Hy vọng bạn NangTuyet, và các bạn khác vào đọc sẽ rõ hơn về ngôi chợ khá nổi tiếng ở Sài Gòn này. Nhân tiện tôi cũng viết lại về chợ Bến Thành, một ngôi chợ xưa khác của Sài Gòn mà ai cũng biết.


  
Ghi chú:

- Bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn.






Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

Tiểu thuyết ba xu.

Sérénata. Ảnh của NangTuyet.

Bây giờ tôi ít khi nghe ai nói đến mấy từ "Tiểu thuyết ba xu", nhưng các bạn nào ở Saigon trước đây, chắc đã từng nghe nói đến những từ này. Đó là loại tiểu thuyết không có giá trị về văn học, được viết một cách dễ dãi,, về những câu chuyện éo le, giựt gân trong xã hội đề câu khách, thường lấy đề tài "4 T" làm chính (tình, tiền, tù, tội). Tiểu thuyết ba xu ngày xưa được coi như loại tiểu thuyết "rẻ tiền" dành cho giới bình dân. Có lẽ với nội dung và tên gọi đó, nên nhiều người nghĩ nó chỉ đáng giá có 3 xu), với 3 xu ngày xưa cách nay bảy, tám chục năm, vào cái thời sơ khai của sách báo, chắc chỉ mua được một cái bánh rán cho trẻ con. Vào khoảng thập niên 1960 cho đến năm 1975 ở Saigon người ta hay xếp Tiểu thuyết ba xu, cùng một "liên danh" với báo lá cải, và nhạc sến.

Nhưng thực sự tại sao lại có tên gọi là "Tiểu thuyết ba xu"? Có phải đó là loại tiểu thuyết không có giá trị, chỉ đáng giá có 3 xu không? Mới đây tôi đã đọc được một bai viết trên tạp chí Kiến Thức ngáy nay (số đã cũ), tiếc là tôi không nhớ tên tác giả. Đại khái nói tiểu thuyết ba xu ngày xưa là những tập sách mỏng, viết dưới dạng tiểu thuyết, về những đề tài xã hội dễ đọc, có tính chất câu khách. Những tiểu thuyết như thế được in trên giấy xấu, minh họa bằng những hình vẽ không mấy sắc sảo, với giá bán mỗi tập là ba (3) xu.

Ngày xưa ở vào cái thời sơ khai của xuất bản, xã hội còn dùng tiền xu, tiền hào, có lẽ chưa có những tiệm chuyên bán sách báo, nhà sách, vả lại sách báo cũng chưa có nhiều, cho nên sách in ra được bày bán ở tiệm tạp hóa. Chẳng hạn như học giả Nguyễn Hiến Lê đã viết (hình như trong tập bút ký Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười), ông đã mua được quyển Nho Giáo của Trần Trọng Kim nơi một tiệm tạp hóa chuyên bán nhang đèn, đồ thờ cúng ở một thị trấn miền Tây Nam bộ. Tôi cũng còn nhớ hồi còn nhỏ được dẫn đi chợ, hay đi đâu đó (như đến bến xe) thấy người ta bày bán hay xách đi bán dạo những tập sách mỏng, in ấn lem nhem, kiểu như Sấm Trạng Trình, hoặc những "tiểu thuyết ba xu" như thế. Bây giờ là những quyển "Tử vi trọn đời", "Văn khấn cúng bái", hay những quyển sách phá án với nhiều tình tiết, đọc giết thời giờ chờ đợi...

Vì giá cả rẻ chỉ có 3 xu một tập, in ấn nhanh, cốt truyện thích hợp với giới bình dân, cho nên độc giả của tiểu thuyết 3 xu ngày trước là giới bình dân. Từ tên gọi đó, với giới độc giả như thế, sau này tên gọi "Tiểu thuyết ba xu" là để ám chỉ những loại tiểu thuyết không có giá trị văn học, thích hợp với giới bình dân dễ dãi, đọc một lần rồi bỏ. Như vậy là từ cái giá bán ngày xưa là 3 xu mỗi tập truyện mà hình thành tên gọi là "Tiểu thuyết ba xu".



Chú thích ảnh:

Ảnh bên trên được lấy từ trang của bạn NangTuyet, được cắt cúp lại và đặt tên, dĩ nhiên ảnh chỉ có tích chất trang trí cho bài viết.