Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

Tứ trấn và Tứ chiếng.



Thỉnh thoảng ta hay nghe nói đến 2 từ "Tứ trấn" và "Tứ chiếng". Về từ "Tứ trấn" có hai cách giải thích:

1- Tứ trấn   : thường được hiểu là Thăng Long Tứ trấn  , với ý nghĩa:

   a- Bốn ngôi đền trấn giữ ở bốn hướng của kinh thành Thăng Long:

   - Đền Trấn Vũ (Chân Vũ Quán), ở hướng Bắc, thường được gọi dưới tên đền Quán Thánh, nằm ở phía Bắc kinh thành, nay là đường Quán Thánh, thuộc phường Quán Thánh, quận Ba Đình - Hà Nội. Thời Pháp là đường Phật Lớn (Route du Grand Bouddha). Đền thờ Trấn Thiên Chân Vũ Đại Đế, người đã có công giúp An Dương Vương (257-179 TrCN) diệt trừ yêu tà khi xây thành Cổ Loa. Đền có pho tượng đồng Huyền Thiên Trấn Vũ nặng gần 4 tấn, đúc đời Lê Hy Tông (1677).

   - Đền Kim Liên, xưa thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, nay thuộc phường Kim Liên, quận Đống Đa - Hà Nội. Đền thờ thành hoang Cao Sơn Đại Vương, tương truyền là một trong trăm con của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Hội đền vào ngày 16 tháng Ba âm lịch.

   - Đền Bạch Mã, ở hướng Đông, trên phố Hàng Buồm, Hà Nội, thờ thần Long Đỗ là Thành hoàng của thành Thăng Long. Cũng thờ thần Bạch Mã. Tục truyền xưa Cao Biền đắp thành Đại La, lập miếu để cầu thần phù hộ. Đến khi Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, cho tu sửa thành Đại La, nhưng việc gặp trở ngại mãi không xong. Vua sai người vào đền cầu đảo, chốc lát thấy một con ngựa trắng từ trong đền đi ra, đến đâu để lại dấu chân đến đấy. Vua sai theo dấu chân ngựa mà đắp, quả nhiên xăy được thành. Vua xuống chiếu cho dân thành Thăng Long thờ làm Thành hoàng, phong là Quảng Lợi Bạch Mã Tối linh Thượng đẳng thần. Các triều sau đều có sắc phong.

   - Đền Voi Phục, ở phía Tây kinh thành, hiện ở bên công viên Thủ Lệ, thờ Linh Lang con trai Lý Thái Tông, thần có công đánh giặc giữ nước và nhiều lần hiển linha giúp nhà Trần trong cuộc kháng chiến quân Nguyên-Mông, và nhà Lê trong cuộc trung hưng. Trước cửa đền có đắp hai con voi phục nên đền được gọi thế. Hội đền diễn ra vằo ngày mười một tháng Hai ăm lịch.

   b- Bốn Kinh trấn, còn gọi là nội trấn bao quanh kinh thành Thăng Long: có tên gọi từ đời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức 21 (1490), vào cuối thế kỷ XV. Bốn xứ nằm ở ngoại vi kinh thành Thănh Long như lớp vỏ bảo vệ cho kinh thành, gọi là Tứ trấn, các xứ khác ở xa hơn gọi là Phiên trấn. Tứ trấn gồm có:

   - Trấn Kinh Bắc, bao gồm các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Phúc Yên sau này, gồm 4 phủ (20 huyện). Trấn Kinh Bắc còn gọi là trấn Bắc hay trấn Khảm.

   - Trấn Sơn Nam, tương tương các tỉnh Hà Đông, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên sau này, gồm 11 phủ (42 huyện). Trấn lị nằm ở phía Nam kinh thành nên được gọi là trấn Nam, hay trấn Ly.

   - Trấn Hải Dương, bao gồm các tỉnh Hải Dươnh, Hải Phòng và Kiến An sau này, gồm 4 phủ (18 huyện). Trấn lị nằm ở phía Đông kinh thành nên được gọi là trấn Đông hay trấn Chấn.

   - Trấn Sơn Tây, tương đương với các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Yên, Sơn Tây sau này, gồm 6 phủ (24 huyện). Trấn lị nằm ở phía Tây kinh thành nên còn gọi là trấn Tây hay trấn Đoài.

2- Tứ chiếng: 

    Tứ chiếng nghĩa bốn phương, bốn phía, tứ xứ, các nơi, ở khắp nơi... như Việt Nam Tự điển (Hội Khai Trí Tiến Đức, Hanoi-1931), Từ điển Tiếng Việt, Văn Tân chủ biên (Hà Nội-1967), Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên-1997), Từ điển Tiếng Việt (Phan Canh-1997). Tự điển Việt Nam Phổ thông (Đào Văn Tập, Saigon-1951), Việt Nam Tân Tự điển (Thanh Nghị, Saigon-1952) còn ghi chú thêm bằng tiếng Pháp "Les quatres côtés, partout" (Bốn phương, bốn hướng, khắp nơi), Tự điển Việt Nam (Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ, Saigon-1970), Tự điển Việt Nam (Ban Tu thư Khai Trí, Saigon-1971).

Việt Nam Tự điển của Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ, ngoài giải thích từ "tứ chiếng" là "tứ xứ, bốn phương", còn giải thích từ "tứ chính" cũng với nghĩa "bốn phương hướng chính. Đông, tây, nam, bắc", và trong phần phụ lục giải thích tục ngữ, thành ngữ, có ghi câu "Trai tứ chiếng, gái giang hồ", giải nghĩa như sau: Trai phải đi lính, luôn luôn được đi thú khắp bốn Trấn ở Bắc Hà hồi xưa là Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Dương và Sơn Tây. Gái thì đảm đang việc gia đình, phải đi mua bán khắp nơi, khi thì ngồi thuyền, khi thì trẩy bộ. 1/ Đủ hạng người từ các nơi tựu lại làm ăn đông đúc; 2/ Rất xứng đôi, trai thì lão luyện, gái thì già dặn.

Trong mục Hỏi đáp Đông Tây trên Bách Khoa Tri Thức, học giả An Chi đã giải thích khi có người hỏi "Tứ chiếng" trong "Trai tứ chiếng, gái giang hồ" nghĩa là gì?

Ngoài phần giải thích căn cứ theo Việt Nam Tự điển của Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ như trên, ông An Chi đã viết như sau:

"Tứ chiếng đã được Nguyễn Bỉnh Khiêm dịch thành bốn chiến như có thể thấy ở câu sau đây trong thơ quốc âm của ông:

Dại nhơn nhơn bốn chiếng hay

                                                  (Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nxb Văn Học, Hà Nội 1993. A. Thơ    Nôm, bài 108, trang 145).

Hai tiếng bốn chiếng đã được sách trên chú giải như sau: "Tức là tứ chiếng, bốn trấn quan trọng chung quanh Đông Đô. Trấn Kinh Bắc (trấn Bắc), trấn Sơn Nam (trấn Nam), trấn Sơn Tây (trấn Đoài), trấn Hải Dương (trấn Đông). Đó là bốn chính trấn (tứ chính trấn, gọi tắt là tứ chính. Sau người ta đọc chệch tứ chính thành tứ chiếng).

Thực ra, chẳng phải đợi đến khi có "tứ chính trấn" thì cụm từ này mới được nói tắt thành tứ chính vì hai tiếng này đã tồn tại sẵn từ lâu trong tiếng Hán mà âm Hán Việt xưa là tứ chiếng, biết rằng iêng - inh, như: - (trống) chiêng - chinh; (đau) điếng - đính  (say đến không còn biết gì); kiềng (ba chân) - kình   (giá đèn, chân đèn); thiêng (liêng) - linh (thiêng),v.v... Tứ chiếng - Tứ chính  đã được Từ hải giảng giải như sau: "Tức là bốn phương hướng căn bản. Xem mục cơ bản phương vị. Còn mục cơ bản phương vị thì được giảng giải: "Tức bốn hướng Đông,Tây, Nam, Bắc vậy". Còn gọi là Tứ chính.



Tham khảo:

- Từ điển di tích văn hóa Việt Nam, Ngô Đức Thọ chủ biên, NXB Văn Học-2003.

- Địa chí Tôn giáo Lễ hội Việt Nam, Mai Thanh Hải, NXB Văn hóa - Thông tin-2008.

- Từ điển đường phố Hà Nội, Giang Quân, NXB Thời Đại-2010.

- Các Thành Hoàng & Tín ngưỡng Thăng Long - Hà Nội, Nguyễn Vinh Phúc - Nguyễn Duy Hinh, NXB Lao Động- 2009.

- Thư của các Giáo sĩ Thừa sai, Nguyễn Minh Hoàng dịch, NXB Văn Học-2013.





Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

Cuối tuần lại nói chuyện sách vở.

Từ điển Việt-Khmer trọn bộ 2 quyển.

Mấy hôm trước tôi có viết và đưa lên hình ảnh mấy quyển từ điển Khmer-Việt, Việt-Khmer, Việt-Chăm, là những quyển sách cũ mà tôi tìm bấy lâu nay giờ mới gặp, mua về cũng chưa có thời giờ coi lại. Có anh bạn Doan Hong Ha ở Hà Nội vào xem và nói, bạn ấy có 2 quyển y như thế mà là những tập bổ sung cho 2 quyển sách Khmer-Việt, Việt-Khmer của tôi có là đủ bộ, và hỏi xem 2 quyển tôi mua được có phải chỉ mới là một nửa bộ sách không? Tôi kiểm tra lại thì đúng như bạn Doan Hong Ha nói, 2 quyển từ điển này mới chỉ là một nửa bộ sách, bạn cũng có ý kiến rất hay là tôi nhượng lại 2 quyển này cho bạn, hoặc ngược lại bạn sẽ nhượng lại 2 quyển bạn có để thành đủ bộ.

 Từ điển Việt-GiaRai.


Tự điển Việt Nam của Đào Văn Tập. Nhà sách Vĩnh Bảo Saigon - 1951.

Tuy nhiên sáng nay có việc đi ngang một tiệm bán sách cũ quen, vào hỏi thì họ đưa ra quyển 1 từ điển Việt-Khmer mà tôi đang thiếu, hỏi có phải tôi cần quyển này không? Đúng như thế, và họ để lại cho tôi với giá rẻ hơn tôi mua 2 quyển lần trước ở một tiệm sách cũ khác. Quen biết bấy lâu nên họ cũng rất thật thà, nói để hoài chẳng có ai hỏi mua vì chỉ có một quyển. Quyển 2 Khmer-Việt mà tôi còn thiếu, họ nói, ít hôm nữa ghé lại xem có kiếm được cho tôi không? Biết tôi hay tìm những tự điển như thế này, họ đưa cho tôi thêm quyển Tự điển Việt Nam của Đào Văn Tập, nhà sách Vĩnh Bảo Saigon xuất bản năm 1951, sách được xuất bản cũng đã hơn nửa thế kỷ nay. Đây là quyển tự điển tiếng Việt tôi còn đang thiếu. Không phải quyển tự điển này hay hơn các quyển khác, mà vì nó là một cột mốc về từ ngữ của tự điển Việt Nam. Từ điển thường phản ánh ngôn ngữ ở vào thời điểm xuất bản. Chịu khó nghiên cứu từ ngữ trong từ điển qua các thời kỳ, phần nào ta hiểu được xã hội vào thời ấy. Ở miền Nam có Đại Nam Quấc âm Tự vị của Huình Tịnh Của xuất bản ở Saigon năm 1895-1896, giải thích khá nhiều từ cổ của phương ngữ miền Nam, rồi lần lượt đến những tự điển tiếng Việt khác như Tự điển Việt Nam của Đào Văn Tập (1951), Việt Nam Tân Tự điển của Thanh Nghị (1952), Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ (1970), Tự điển Việt Nam của Ban Tu Thư Khai Trí (1971)... 


Những quyển Từ điển không thể thiếu trên kệ sách.

Ở miền Bắc có Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức xuất bản ở Hà Nội năm 1931, từ điển này giải thích khá nhiều từ cổ và phương ngữ miền Bắc. Từ điển Tiếng Việt (Văn Tân chủ biên), được khởi thảo từ năm 1954, mãi đến năm 1967 mới in ấn bản đầu tiên, quyển từ điển này có những từ mà từ điển tiếng Việt in tại miền Nam cùng thời không có chẳng hạn như "mậu dịch quốc doanh", "tên lửa" (hỏa tiễn), "lính thủy đánh bộ" mà miền Nam gọi là "thủy quân lục chiến"... Sau năm 1975 thì có những quyển từ điển tiếng Việt khác như Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê hoặc do Nguyễn Như Ý chủ biên,... Chưa kể đến một quyển từ điển tiếng Việt khác là Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân, mà thời gian sau này độc giả đã phát hiện ra khá nhiều sai sót trong cách giải thích từ ngữ...

Trên đây chỉ là một số từ điển giải thích tiếng Việt phổ thông qua các thời kỳ, chưa kể đến những quyển từ điển tiếng Việt chuyên dụng khác như Từ điển Truyện Kiều, Từ điển Lục Vân Tiên, Từ điển Địa danh, Từ điển Thuật ngữ văn học, Thuật ngữ Ngôn ngữ học, Thuật ngữ Toán, Lý, Hóa, Sinh, hay Thuật ngữ Kinh tế, Y học... Tôn giáo... Tôi cũng có được khá đầy đủ. Nhờ thế thỉnh thoảng cần tra cứu, tôi có thể dễ dàng tìm hiểu, so sánh, đối chiếu giữa những quyển từ điển được in ấn khác nhau qua các thời kỳ, ở những địa phương khác...

Bàn viết của cu cậu con trai.

Nói chuyện lan man về sách vở, có một điều tôi cũng phải... thú thật là những sách vở kể trên của tôi từ trước đến nay ít được mua trong những nhà sách lớn (trước năm 1975 đến nay), trừ những quyển mới in mà hay. Phần lớn là được mua từ những tiệm bán sách cũ ở Saigon, hoặc có rất nhiều quyển rất hay tôi "lụm" ở những chiếu sách vỉa hè bán "lạc xoong", hoặc ở những gánh ve chai tình cờ gặp khi đi đường. Cái ưu điểm của mua sách ở những tiệm sách cũ là dễ tìm được những quyển sách mình cần, nhất là những quyển xuất bản đã lâu, không còn trong những nhà sách lớn, giá cả phải chăng. Chủ tiệm bán sách cũ thường là những người rất rành về sách, họ có những mối quan hệ với nhau, tôi dễ dàng tìm được những quyển sách hay, hiếm mà ta không còn tìm được nơi những nhà sách lớn. Quen biết thân với họ (vì hay ghé mua, và nhất là nói chuyện hợp "gu"), họ sẵn sàng tìm cho ta những quyển sách như thế, Tôi có những chủ tiệm quen biết như thế, lâu ngày coi như bạn bè vậy.

Đi mua sách cũ đôi khi ta phải kiên nhẫn, có những quyển sách một bộ mấy quyển có khi chỉ gặp được một, hai quyển chứ không đủ bộ, như quyển từ điển Viêt-Khmer kể trên, thường sách như thế giá rẻ hơn đủ bộ, nhất là sách hiếm. Quyển Từ điển Bách Khoa Việt Nam gồm 4 tập, tôi đã phải mua đến 3 lần, mỗi lần một quyển, hai quyển ở tiệm sách cũ, được cái giá cả chỉ còn bằng 1/3 so với giá gốc. Và khi đã quen thân, biết tôi thích loại sách nào, khi có những quyển hay, hiếm, phù hợp, họ thường để dành cho tôi, khi tôi không lấy họ mới bán cho người khác...

Bây giờ tôi có được một kệ sách khá khá để tra cứu, tham khảo, dĩ nhiên tôi không thể bỏ qua những kiến thức có trên internet (nhiều khi rất hỗn tạp), cái không thể thiếu của xã hội ngày nay. Biết kết hợp, đối chiếu sách vở với những thông tin trên mạng, ta sẽ có tri thức, đỡ sai sót trong nhận thức, và hiểu được những điều rất lý thú trong cuộc sống...






Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

Một vài từ ngữ với nghĩa cổ.


Trong cuộc sống, có nhiều từ ngữ chúng ta dùng quen, nghe, đọc và hiểu, nhưng ngày xưa những từ ấy có một ý nghĩa khác hẳn, hoặc chúng ta cũng ít để ý đến từ nguyên của từ ngữ, chẳng hạn một vài từ dưới đây tôi nhặt nhạnh trong sách vở:

Từ điển Từ cổ, Vương Lộc, NXB Đà Nẵng - TT Từ điển học - 2002.

- Chán chường t. Rõ ràng, tường tận. Nghĩ rằng: "Sự đã chán chường, Vườn xuân ong đã tỏ tường nhị hoa" (Hoàng Trừu).

- Lạnh lùng t. Đạt đến mức rất cao, tuyệt vời. Con ai vóc ngọc mình vàng, Má đào mày liễu dung nhan lạnh lùng (Lục Vân Tiên).

- Nồng nàn t. Ngang ngược, riết róng, cay nghiệt. Thờ cha sớm viếng khuya hầu, Chẳng may gặp phải mẹ sau nồng nàn (Nhị thập tứ hiếu diễn âm).

Đại Nam Quấc âm Tự vị của Huình Tịnh Paulus Của giải thích:

- Chán. n. No nê, bề bộn, nhàm lờn.

- Chán chường. Tỏ tường, bày ra trước mắt.

- Thấy chán chường. Thấy tỏ rõ.

Trong Đại Nam Quấc âm Tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng giải nghĩa như sau:

- Lạnh lùng. Thường hiểu là lạ lùng. Tốt lạnh lùng. Khéo lạnh lùng.

Không ngờ chữ Chán chường, lạnh lùng, và nồng nàn nghĩa cổ lại khác ngày nay đến thế.

Việt Nam Tự điển, Hội Khai Trí Tiến Đức - Hanoi 1931.

- Éo le t. Chênh vênh, không được vững vàng. Ngồi éo le trên mũi thuyền. Nghĩa bóng: trắc trở bất bằng: Cảnh đời lắm nỗi éo le.

Từ éo le cũng thế nghĩa gốc lại là chênh vênh, không được vững vàng.

- Quyền bính   ( Quyền  là quả cân, bính  là cái chuôi). Quả cân và chuôi (cân). Nghĩa bóng: Quyền sai khiến được mọi người, định đoạt được mọi việc.

Từ Quyền bính, nghĩa ban đầu là quả cân và cái chuôi (cân), có lẽ đây là loại cân ta xách tay, trở thành quyền sai khiến được mọi người.

Từ điển Truyện Kiều, Đào Duy Anh, NXB Khoa Học Xã Hội - 1974.

- Dan: Tức là dắt. Vd. Dan tay: Dắt tay nhau. Chị em thơ thẩn dan tay ra về (câu 52). Dan tay về chốn trướng mai tự tình (câu 2284).

Chữ dan tay nghĩa là dắt này dễ bị lầm sang chữ dang tay.

Từ điển từ Hán - Việt, Lại Cao Nguyên chủ biên, NXB Khoa Học Xã Hội - 2007.

- Hùng hổ 熊虎 t. (con gấu và con cọp) Hung hăng, dữ tợn.  

Khi nói hùng hổ có lẽ ta ít khi nghĩ hùng  là con gấu, hổ 虎 là con cọp.  


Trên đây là vài từ ngữ ta hay gặp, nhưng có khi ít hiểu rõ từ nguyên hoặc nghĩa xưa.




Thứ Hai, 20 tháng 7, 2015

Ăn như hạm.



Tôi nghe hai bạn trẻ nói chuyện với nhau, "Mày ăn như hạm đội", ý muốn nói bạn kia ăn nhiều. Câu này trước đây đi làm tôi cũng nghe đồng nghiệp nói thế, và giảng nghĩa hẳn hoi, hạm hay hạm đội là cái tàu há mồm chở quân lính, mỗi lần chở quân là nó "nuốt" cả mấy trăm người vào bụng, người ta ví kẻ ăn nhiều như cái tàu há mồm (chiến hạm). Tôi đã thử lật mấy quyển từ điển tiếng Việt phổ thông bây giờ (như Từ điển tiếng Việt, Văn Tân chủ biên, NXB Khoa học Xã hội - Hà Nội 1967), thậm chí không có chữ "hạm" riêng biệt mà chỉ có chữ "hạm đội", với nghĩa "Tổ chức gồm nhiều tàu chiến hoạt động trong một khu vực nhất định". Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng - TT Từ điển học - 1997), giải nghĩa "hạm" là "tàu chiến loại lớn". Ngay cả Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức - Hanoi 1931, cũng chỉ giải thích "Hạm"  là "Tàu chiến cỡ lớn".

Thực ra khi nói "Ăn như ham", hay "Ăn như hạm đội" và giải thích "Hạm" là "tàu chiến", loại tàu há mồm mỗi lần "nuốt chửng" được rất nhiều quân lính, và ví người ăn nhiều như thế, chỉ là cách hiểu nôm na theo kiểu dân gian. "Hạm" là tên gọi khác của con hổ, con cọp. Trong dân gian, con hổ được gọi dưới khá nhiều tên, thông thường là hổ, hùm, cọp, ông ba mươi, cũng còn tên gọi khác, có lẽ là âm xưa như hầm, hạm, kễnh. Đại Nam Quấc âm Tự vị của Huình Tịnh Paulus Của - Saigon 1895-1896, ghi nhận:

- Hạm. n. Thứ cọp lớn.

Ăn như hạm, Ăn hung, ăn hàm, ăn dữ.

Từ Hạm trong Đại Nam Quấc âm Tự vị của Huình Tịnh Paulus Của.

Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ - Saigon 1970, viết:

- Hạm. Hầm, hùm, hổ hay cọp.

Trước năm 1975, ở miền Nam từ "hạm" được ám chỉ kẻ ăn hối lộ, tham nhũng. Ý này cũng đã được đưa vào Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ. Ngoài nghĩa "hạm" hầm, hùm, hổ, cọp, còn có nghĩa thứ nhì là "ăn hối lộ nhiều".

Như vậy "hạm" còn có nghĩa là con hổ, con cọp, và "Ăn như hạm" có nghĩa chính là "ăn khỏe ví ăn như con hổ, con cọp". Nói về ăn khỏe như cọp, ta còn thấy nói "Nam thực như hổ, nữ thực như miu", người ta ví người nam ăn (khỏe) như con hổ, người nữ ăn nhỏ nhẹ và ít như con mèo, mà chắc có lẽ câu này để chỉ nam nữ ngày xưa thôi, hì hì. Bây giờ có khi "tình thế" đã khác. Có thể chữ "hạm" được dùng phổ biến ở miền Nam hơn miền Bắc, vì thấy xuất hiện trong những từ điển tiếng Việt xuất bản trước đây ở miền Nam, không thấy từ "hạm" nghĩa như thế trong những từ điển xuất bản tại miền Bắc.



Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

Tếu táo cuối tuần.



Tôi có một người bạn thân bấy lâu nay, thỉnh thoảng anh em gặp nhau khề khà bù khú bên lon bia Saigon, hay ly cà phê cóc vỉa hè, mỗi lần tán dóc mà nói về chùa chiền bạn hay dùng từ "Giám đốc chùa", để gọi những vị sư trụ trì. Tôi phải nói ngay là tính bạn đôi khi tếu táo khôi hài thế chứ không hề có ý mỉa mai, trêu chọc gì trong việc gọi tên thế này, bởi gia đình bạn là một gia đình Phật tử thuần thành, bà ngoại và mẹ bạn lúc sinh thời thường xuyên đi lễ chùa tụng kinh, niệm Phật. Bản thân bạn có nghề tay trái sửa chữa điện gia dụng, mỗi lần ngôi chùa quen gần nhà hư hỏng cái gì, lại "ới" bạn đến sửa chữa giúp. Đứng đầu một doanh nghiệp thường được gọi là "Giám đốc", đứng đầu một cơ quan nhà nước cũng gọi thế, thì đứng đầu một ngôi chùa gọi là giám đốc cũng chả sao, chẳng qua đấy chỉ là một cách nói vui của bạn trong lúc trà dư tửu hậu.

Tôi không rõ ở các miền khác lúc rảnh rỗi ngồi tán dóc thì người ta hay nói về những chuyện gì? Chứ xưa nay tôi thấy người bình dân Nam bộ, những lúc như thế hay nói chuyện tiếu lâm, tếu táo kiểu như anh bạn của tôi, trụ trì chùa thì gọi là giám đốc chùa. Người bình dân Nam bộ ít quan tâm đến chuyện "quốc gia đại sự". Rảnh rỗi là khề khà "ít ly" (y lít), nói chuyện trên trời dưới biển cho đỡ sầu đời... Và những chuyện như "giám đốc chùa" chỉ nghe nói ở mấy ông tếu táo, vui tính hay lê la cà phê cóc, lai rai ba sợi, chứ không bao giờ thấy nói ở những người nghiêm túc, hay đem bàn luận ở những nơi chuyên lo việc đại sự...

Tính tôi hay chú ý tới ba cái chữ nghĩa lằng nhằng, xưa nay người ta có nhiều cách gọi những người đứng đầu một nơi nào đó, chẳng hạn như ở cấp cao là Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch, Giám đốc, .. Cấp thấp hơn thì dùng chữ Trưởng để gọi như Trưởng ban, Trưởng thôn, Trưởng công trình, Hội trưởng, Lớp trưởng... Tôn giáo như ở chùa thì người ta gọi là Trụ trì. Cũng cùng đi học nhưng ở cấp thấp như Tiểu học, Trung học kêu là Học sinh, Đại học gọi là Sinh viên, học cao hơn nữa về chuyên ngành thì nói là Nghiên cứu sinh... Cũng cùng là con vật nhưng con này là con gà, con vịt, con lợn, con ngan... Cũng là đồ vật nhưng có cái bàn, cái ghế, cái tủ, cái lu, cái tô, cái chén... Gọi bằng tên này tên kia, là do con người, chẳng qua chỉ để phân biệt mọi thứ cho khỏi lẫn lộn... Cũng là con dao nhưng người ta không dùng con dao mổ trâu để đi cắt cổ con gà... Mọi thứ nó có cái lý lẽ của nó.

Sáng nay (17-7-2015), tôi đọc trên các báo mạng (như báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ Online) một tin khá thú vị. Đó là Dự thảo điều lệ trường tiểu học, "Dự thảo quy định lớp trưởng, lớp phó gọi là chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản do tập thể học sinh bầu hoặc giáo viên chủ nhiệm chỉ định luân phiên." (Thanh Niên Online). Aha, cái này hay à nhe, nếu được thực hiện, rồi đây sẽ có những "Chủ tịch hội đồng Tư sún", "Chủ tịch hội đồng Tí lé", "Chủ tịch hội đồng Cún ghẻ ruồi", hay "Chủ tịch hội đồng Su quậy"...

Là dân gốc Bắc, nhưng sống ở Saigon hơn nửa thế kỷ, có lẽ tôi cũng quen cái tính, cái suy nghĩ của dân Nam bộ, không thích gì mấy những chuyện quốc gia đại sự, chuyện này để mấy cụ lớn lo. Nhưng những chuyện chữ nghĩa vớ vẩn kiểu "Giám đốc chùa" như của anh bạn tôi, tưởng đâu chỉ là tếu táo của dân lai rai vỉa hè, dè đâu bây giờ lại thấy xuất hiện trong những chuyện nghiêm túc. Hí hí!




Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

"Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh".


Ai có chiếc xe gắn máy, giang hồ Saigon trước đây kêu là "xế nổ", để phân biệt với "xế điếc" là xe đạp, và "xế hộp" là xe hơi (miền Bắc gọi là ô tô). Khi mua làm thủ tục lấy bảng số xe, thường bỏ thêm ra chút đỉnh tiền để có được số đẹp. Trước đây biển số xe có 4 số (bây giờ là 5 số), ngoại trừ những số quá đặc biệt như 8888, hoặc 9999, hay 6868 (lục bát lục bát, người ta nói trại là lộc phát lộc phát) khó kiếm được, thì người ta thường chọn 4 số cộng lại thành 8 hay 9 nút. Đó là cách chơi bài cào ba lá ở miền Nam xưa, 8, 9 nút là những số dễ ăn tiền khi chơi, được cho là số hên, đem lại may mắn.

Rồi ít năm trở lại đây có người ta lại thích 4 số xe cộng lại thành 7 nút chứ không phải 8 hoặc 9 nút như xưa nữa, thậm chí còn chê con số 9. Lý giải điều này người ta đưa ra câu: "Ba chìm bảy nổi", hoặc: "Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh". Thì ra thế.

"Ba chìm bảy nổi", hoặc "Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh" là một thành ngữ thỉnh thoảng ta hay nghe nói, để chỉ những người có số phận lúc thăng, lúc trầm, không mấy hanh thông, suôn sẻ trong cuộc sống. Từ điển Thành ngữ Việt Nam của Viện Ngôn Ngữ Học do Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành (NXB Văn Hóa - Thông Tin-1994), giải thích:

- Ba chìm bảy nổi: sống long đong, lận đận, gian truân, vất vả, bao phen khổ sở. Và Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh thì như Ba chìm bảy nổi.

Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam của Vũ Dung - Vũ Thùy Anh - Vũ Quang Hào biên soạn (NXB Văn Hóa - Thông Tin-1998), giải thích:

Ba chìm bảy nổi: (Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh): Số phận, cuộc sống long đong gặp nhiều gian truân vất vả.

Trong quyển Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ (Khai Trí xuất bản-Saigon 1970), trong phần phụ lục Thành ngữ, Tục ngữ, giải thích "Ba chìm bảy nổi", và "Ba chìm bảy nổi chín linh đinh" như sau:

- Ba chìm bảy nổi: 3 phần chìm dưới mặt nước, 7 phần nổi trên mặt nước, viên bánh trôi - nước nấu đến như thế là chín, vừa ăn. Lúc giàu lúc nghèo nhiều lần như thế.

Ba chìm bảy nổi chín linh đinh: Phân đậu nếp để làm tương; theo cách làm tương ở Quảng Bình, để cơm nếp đóng mốc, ủ 3 ngày rồi rang đậu để vô, ngâm được 3 lần chìm 3 lần nổi rồi cứ 9 phần tương 1 phần muối thì tương được ngọt hơn. Chìm nổi linh đinh, không nơi nương tựa.

Giải thích trong Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ, khá thú vị, liên quan đến cách nấu món bánh trôi nước, và đặc biệt là cách làm tương ở Quảng Bình, không biết bác Bulukhin có biết cách làm tương này không?.





Thứ Ba, 14 tháng 7, 2015

"Cóc biết".



Chúng ta thường hay nghe, hay đọc ở đâu đó từ "cóc biết", "cóc hiểu", để chỉ người nói không biết, không hiểu gì hết. Chữ "cóc" thường được hiểu với hai nghĩa, nghĩa thứ nhất là "con cóc", nghĩa thứ nhì là "không", "chẳng". Từ này với nghĩa thứ nhì thường được dùng để nói chơi với người ngang hàng (bạn bè), hoặc người dưới mình. Những quyển từ điển tiếng Việt ngoài nghĩa "cóc" là "con cóc", còn có nghĩa khác:

1- Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức ghi nhận:

- Cóc, Không, chẳng. Tiếng nói sỗ sàng: làm cóc gì được ai, cóc làm được. Từ điển cũng đưa thêm một câu câu tục ngữ: Cấy thưa thừa thóc, cấy mau thì cóc được ăn.

2- Từ điển Tiếng Việt, dùng thông dụng bây giờ của Viện Ngôn ngữ học, do Hoàng Phê chủ biên, cũng ghi nhận:

- Cóc. I. Từ biểu thị ý phủ định được được nhấn mạnh về điều dứt khoát cho là không bao giờ như thế: như chẳng (nhưng nghĩa mạnh hơn). Dọa thì dọa, cóc sợ. Cóc ai ưa. Cóc cần.

II. (thường dùng trước gì, đâu). Từ biểu thị ý nhấn mạnh thêm về sắc thái phủ định dứt khoát, cho là không bao giờ có như thế. Sợ cóc gì. Có thì giờ cóc đâu.

3- Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức (Lê Ngọc Trụ hiệu đính, NXB Khai Trí Saigon-1970), ngoài hai nghĩa là "con cóc", và "không, chẳng". Từ "cóc" còn có nghĩa thứ ba là "quắn rối, dây hoặc nhợ xe quá săn, khi buông ra tự nó quắn lại và rối nùi: Dây cóc cả; xe vừa vừa kẻo nó cóc.

Qua một vài quyển từ điển tiếng Việt, ta thấy một trong những nghĩa bây giờ của từ "cóc" là dùng để chỉ sự phủ định. Tôi đã đọc được ở đâu đó mà không nhớ tên tác giả, đã viết về từ "cóc". Tác giả đã ví von từ "cóc" với nghĩa "không, chẳng" như trên với câu chuyện cổ tích Con cóc kiện trời. Đại khái tác giả viết con cóc không sợ gì ông trời, dám "lãnh đạo" loài vật lên kiện trời về việc nắng hạn, và thậm chí còn mưu lược đại náo thiên cung, khiến trời cũng còn thất kinh phải chịu thua, tôn cóc làm "cậu", bởi thế chữ "cóc" mới có nghĩa là "không", "cóc biết" có nghĩa là "không biết", "cóc sợ" có nghĩa là "không sợ"...

Nhưng thật ra chữ "cóc" là một từ cổ, ngày xưa ngoài nghĩa là "con cóc", lại có nghĩa khác hẳn. Đại Nam Quấc âm Tự vị của Huình Tịnh Của giải thích:

- Cóc. Con cóc, biết.

Chữ "cóc" ngoài nghĩa là "con cóc", còn có nghĩa là "biết".

Từ "Cóc" trong Đại Nam Quấc âm Tự vị.

Trong quyển Từ điển Từ cổ của tác giả Vương Lộc (NXB Đà Nẵng & Trung tâm Từ điển học-2002), còn giải thích rõ hơn:

- Cóc: (âm cổ của giác  ) Biết. Tuồng ni cóc được bề hơn thiệt (Quốc Âm Thi Tập, bài 20). Chẳng cóc Trang Chu hóa điệp, hồm bướm thoát bay (Lê Thánh Tông - Thập giới cô hồn quốc ngữ văn)...

- Cóc biết: Hiểu biết rõ. Người Phan vả cóc biết hẳn thực nàng họ Vũ (Tân biên Truyền kỳ Mạn lục - Chuyện người con gái Nam Xương).

- Cóc hay: Hiểu biết, giác ngộ... Bàn cờ hiệu viết kì bình. Cóc hay sự thế dữ lành, được thua (Chỉ Nam Ngọc Âm giải nghĩa).

Qua xem xét, ta thấy từ "cóc" ngày xưa ngoài ý chỉ con cóc, còn có nghĩa là "biết", thì bây giờ có nghĩa là "không", "chẳng". Và "cóc biết", "cóc hay" dân gian ngày nay dùng với ý nghĩa "không biết", "không hay", thì ngày xưa lại có nghĩa "hiểu biết rõ", "hiểu biết, giác ngộ".





Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

Để có một tủ sách.



Những loại từ điển dành cho trẻ em.

Sách, xưa nay, luôn là một lựa chọn của tôi trong cuộc sống, từ lúc còn đi học cho đến nay đã quá nửa đời người. Bất cứ lúc nào, nếu có thể được tôi cũng ráng "xoay sở" kiếm ra một vài quyển sách để đọc. Thời còn trẻ có những năm tháng xa nhà trong quân đội, luôn phải di chuyển đây đó, nhưng trong ba lô của tôi ngoài vài thứ vật dụng cá nhân cần thiết, luôn có vài quyển sách. Tôi đã đọc Sử ký Tư Mã Thiên, Chiến quốc sách, Chiến tranh và hòa bình (Leon Tolstoi), Tội ác và trừng phạt (Dostoievski), Kẻ xa lạ (Albert Camus), Đôi bạn chân tình (Andre Gide), Bắt trẻ đồng xanh (John Steinbeck), Sói đồng hoang (Hermann Hesse), Đức Phật và Phật pháp (Narada), hay Kinh thánh... ở những nơi xa ấy, tôi đọc sách có khi trong những quán cà phê, nơi sân một ngôi chùa khi về phố, hoặc nơi một hầm trú ẩn giữa rừng...

Thời buổi này mà nói bỏ tiền lập một tủ sách, đôi khi bị bạn bè, người quen cho ta là... dở hơi. Có người đến chơi thấy kệ sách của tôi nói, anh mua làm gì cho tốn tiền, để chật nhà, thời buổi này cái gì trên mạng chả có, tha hồ vào đọc không hết, lại không mất tiền, không choán chỗ để sách, như em vẫn cứ mang cái "táp" ra quán cà phê ngồi đọc, lại có cả hình ảnh, âm thanh đỡ nhàm hơn sách giấy... Bạn nói không sai, "thời nào thức nấy", bây giờ là thời buổi của Internet, của mạng toàn cầu. Internet cho ta rất nhiều tiện nghi, kể cả trong việc đọc. Mọi người cả già, trẻ, lớn bé bây giờ trên tay luôn có cái điện thoại thông minh, ta liên lạc với toàn thế giới trong nháy mắt, muốn biết gì cứ gõ "Gu gồ", và tôi chỉ biết cười trừ...

Thomas L. Friedman, một tác giả người Mỹ nổi tiếng đã viết những quyển sách ăn khách như "Thế giới phẳng", "Chiếc Lexus và cây ô liu"... đã viết trong cuốn Thế giới phẳng: "Tôi thích Wikipedia. Tôi đã sử dụng nó để viết cuốn sách này (Thế giới phẳng). Nhưng tôi sử dụng nó với nhận thức cộng đồng không phải lúc nào cũng đúng, mạng không luôn luôn tự sửa sai - và chắc chắn là tốc độ sửa sai không nhanh bằng tốc độ các lỗi lan truyền". Như ta đã biết, trên mạng xã hội tất cả những gì người ta đưa lên đều hiện diện trên ấy, không có gì bình đẳng hơn, những thông tin tốt cũng như xấu, đúng cũng như sai lệch, và những ai nhìn vấn đề một cách nghiêm túc đều hiểu rằng những thông tin xấu, sai lệch, còn nhiều hơn thông tin tốt, đúng đắn gấp bội phần.

Nhưng nói như thế không có nghĩa là ta đừng động đến Internet. Bản thân tôi cũng thường xuyên tra cứu trên đó. Với điều kiện phương tiện bây giờ ta có thể tra cứu nhanh rất nhiều điều. Có điều ta phải biết chọn lọc, đánh giá lại những thông tin, và việc ấy không gì bằng ta cần có một kiến thức thu nhận được nơi sách vở. Tôi có thể so sánh vui về sách vở và Internet, hai thứ này như món bò bía thời trẻ ta khoái ăn, sách vở như cuốn bò bía, còn Internet như món nước chấm được pha chế ngon, nó bổ sung cho nhau, không thể thiếu.


Những loại từ điển Bách khoa dành cho Thiếu niên và cả người lớn.

Trước năm 1975, những học giả lập nên tủ sách Học làm người tại miền Nam, như Nguyễn Hiến Lê, Hoàng Xuân Việt, Nguyễn Duy Cần... đã viết rất nhiều sách về đề tài này. Đây là những người ngoài những kiến thức thu nhận được ở trường lớp, họ còn tìm được rất nhiều tri thức trong sách vở, và muốn khai thác hữu hiệu sách vở, không gì bằng trong nhà có một tủ sách. Đọc sách là cách tốt nhất để mở mang tâm trí. Học giả Hoàng Xuân Việt viết trong quyển Nghệ thuật thuyết phục và Gây cảm tình: "Vì không chịu mở cửa đón nhận cái hay của kẻ khác, đầu óc ta ngày càng nghèo nàn. Nhiều người đỗ đạt cao mà văn hóa nông cạn là do đó".

Lập một tủ sách gia đình không khó, sách vở bây giờ nhiều quá, có người nghĩ quan trọng là tiền, nếu có tiền ta cứ ra nhà sách vác về là đã có một tủ sách. Điều này có vẻ đúng, nhưng cũng không hẳn. Sách không phải là một vật trang trí cho bản thân hay nhà cửa, mà là một người bạn đồng hành thầm lặng mang lại cho ta kiến thức, tri thức, bổ sung cái hiểu biết cho ta trên con đường đời gập ghềnh... Quan trọng là tủ sách phải phục vụ được những yêu cầu của người lập ra chúng. Nhưng cũng có nhiều người, nhất là những bạn trẻ không biết bắt đầu lập một tủ sách từ đâu, bằng những quyển sách gì? Bởi vào một nhà sách ta thấy cơ man nào sách, cơ man nào là tác giả...

Ta thường hay mua và đọc những loại sách mình thích, điều này là đương nhiên, nhưng muốn lập một tủ sách thì không chỉ có một loại sách trong nhà. Lập một tủ sách cũng tựa như ta đi may hay mua áo quần vậy, nếu ta chỉ có thể sắm được 3 bộ quần áo để thay đổi, thì phải xem cần loại vải gì, chủ yếu màu gì, nếu sắm được 5 bộ thì khác, và 10 bộ lại khác nữa. Tủ sách trong gia đình cũng thế, nếu ta chỉ định lập một tủ sách nho nhỏ để thỉnh thoảng cần tra cứu vài điều thông thường. Chỉ cần một hai quyển từ điển tiếng Việt thông dụng, chẳng cần Đại Nam Quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của, hay Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức làm gì. Một quyển từ điển Hán-Việt như của Đào Duy Anh, vài quyển sử như Đại Việt Sử ký toàn thư, Việt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim, vài quyển từ điển Anh-Việt, Pháp-Việt, vài quyển sách nữa về văn hóa, du lịch, lễ nghi, tôn giáo... thêm mấy quyển sách văn chương kinh điển kim, cổ, đông, tây... Chừng vài chục quyển là đủ. Rồi từ tủ sách cơ bản này, nếu muốn dần dần ta sẽ phát triển thêm. Khi đã quen dần với việc đọc, tra cứu bằng sách vở, tự khắc ta sẽ biết tác giả nào viết hay, nhà xuất bản nào có nhiều sách tốt, loại sách nào thích hợp, cần tìm đọc...

Mới ngày hôm qua, tôi đã được đọc trên trang mạng GiadinhNet (9-7-2015) một câu chuyện với tựa đề "Tôn Ngộ Không bị đè ở dưới núi Ngũ Hành Sơn của Đà Nẵng?", mà không biết nên cười hay nên khóc, nó vừa khôi hài, vừa ngớ ngẩn, như những câu chuyện tiếu lâm mà ta hay thấy nơi bàn nhậu của những ông nhậu vô công rỗi nghề... Trong buổi họp chất vấn lần thứ 14 của HĐND Đà Nẵng vào sáng 9-7-2015, một đại biểu góp ý về dự án "Khu công viên văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn". Ông ấy nói về câu chuyện Tề Thiên Đại Thánh bị đè dưới chân núi Ngũ Hành Sơn trong tiểu thuyết nổi tiếng của tác giả Trung Quốc Ngô Thừa Ân. Đại khái theo bài báo thì khi xem phim "Tôn Ngộ Không", vị đại biểu này thấy trước giải phóng truyện Tây du ký có vẽ hình năm ngọn Ngũ Hành Sơn giống như Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng, và hình dung có thể cách đây hơn 500 năm Tề Thiên Đại Thánh bị đè ở núi Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng, và 5 ngọn Ngũ Hành Sơn của ta có thể lâu hơn tác phẩm của Ngô Thừa Ân.

Vị đại biểu này đề nghị Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch (Đà Nẵng) nên "truyền thuyết hóa" vào dự án "Khu công viên văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn", đưa một số chi tiết như thế vào để lôi kéo sự tò mò của du khách, và có thể nhờ đó du khách Trung Quốc sẽ đến đây nhiều... Cũng có thể là vị đại biểu kia ví von như thế, nhưng theo bài báo thì có vẻ như những gì vị đại biểu kia đưa ra là rất nghiêm túc và tâm huyết, tuy sau khi nghe nói thì bài báo viết "nhiều đại biểu trong hội trường bật cười vì ý tưởng này".

Nếu ai chịu khó đọc sách một chút, thì sẽ biết ngay dĩ nhiên 5 (đúng hơn là 6) ngọn núi bây giờ mang tên Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng đã có từ thời tiền kiếp nghiệp lai, nhưng không thể có chuyện Ngũ Hành Sơn trong Tây du ký là Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng, vì câu chuyện Tây du ký Ngô Thừa Ân đã viết cách đây cả 500 năm, mà theo sách sử của ta thì tên gọi Ngũ Hành Sơn chỉ mới có từ thời vua Minh Mạng và do chính vua Minh Mạng đặt tên là Ngũ Hành Sơn khi đến chơi những ngọn núi này. Như vậy tên gọi Ngũ Hành Sơn chỉ mới có cách nay khoảng non 200 năm chứ không lâu hơn 500 năm ngọn Ngũ Hành Sơn đè Tôn Hành Giả trong Tây du ký. Tên cũ của Ngũ Hành Sơn là Non Nước Sơn (núi Non Nước). Nếu không đọc sách, ta chỉ cần bật laptop lên gõ mấy chữ Tây du ký, Ngô Thừa Ân, Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng, là sẽ hiểu ngay mọi chuyện.

Cũng không hiểu là vì "ngoại giao" hay sao, mà vị Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Đà Nẵng, hứa là sẽ tiếp thu ý tưởng và sẽ tổ chức thực hiện. Hết biết!

Trở lại chuyện lập một tủ sách, có hai anh bạn trẻ là Bố susu và Huy Trường hay qua lại, anh bạn trẻ Huy Trường còn độc thân vui tính, lâu nay cũng đã đọc và thường xuyên tìm mua sách, còn anh bạn Bố susu thì tuy trẻ nhưng đã có hai nhóc tì, chắc trong nhà cũng cần một tủ sách nho nhỏ, và đấy là kinh nghiệm mua và đọc sách mấy mươi năm của tôi.





Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

Ý nghĩa từ ngữ (2).


Ở bài viết trước, tôi có nói về từ nguyên của những từ "đểu", "đểu cáng". Bạn Cầu Tre vào thắc mắc thêm những từ khác, như "ranh ma", "xỏ lá", "ba que". Có lẽ hiểu nghĩa, ý tứ của từ thì ai cũng hiểu, nhưng có thể ít người hiểu từ nguyên của những từ này.

Đây là những từ ngữ chúng ta có thể gặp trong cuộc sống thường nhật, chẳng hạn ta hay nghe người lớn nói về mấy đứa trẻ con nghịch ngợm, phá phách vặt trong xóm, "mấy đứa trẻ này ranh ma quá". Chúng ta cũng nghe nói, "đồ ba que", "thằng ấy đúng là thứ xỏ lá". Hoặc "nó xử sự cứ như quân ba que xỏ lá", để nói về những người không ra gì trong xã hội. Những từ này có lẽ phổ biến cách nay một vài chục năm hơn là thời nay, bây giờ tôi thấy chỉ còn người lớn tuổi sử dụng, những bạn trẻ ít khi dùng đến. Cũng còn có một số từ khác nữa chẳng hạn như từ "ma mãnh", "ranh mãnh", để chỉ sự tinh khôn, láu cá vặt. 

Trong từ "ranh ma", từ "ma" dễ hiểu, còn từ "ranh" ta thường thấy ngày trước người lớn hay nói, "con nít ranh", "trẻ ranh", "nhãi ranh"... để nói đám trẻ con quậy phá. Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức giải thích từ "ranh" như sau:

Ranh: Đứa con sinh ra không nuôi được, lại lộn vào làm con; con ranh. Nghĩa rộng: Tinh quái, yêu ác.

Như vậy ta thấy ban đầu từ "ranh" là để chỉ trẻ con, con nít, dân gian cho rằng những đứa trẻ sinh ra không nuôi được sẽ quay trở lại làm con thì gọi là "ranh", mà con nít thì chưa hiểu biết nhiều chỉ hay quậy phá, có khi quậy phá ngốc nghếch, thiếu suy nghĩ. Có lẽ từ "ranh" này ngày trước được sử dụng phổ biến ở miền Bắc hơn miền Nam. Tôi nhớ hồi còn nhỏ, thỉnh thoảng tụi nhóc quậy phá trong xóm, bị mấy bà già trầu Nam bộ rủa "đồ con lộn", chứ không rủa "đồ nhãi ranh". Đó là nghĩa ban đầu của từ "ranh", nhưng khi từ "ranh" đi đôi với một từ khác như "mãnh", hay "ma" thành "ranh mãnh", "ranh ma", lại chỉ sự tinh quái, láu cá, khôn lỏi. Như ta đã thấy nơi từ "ma mãnh", "mãnh", theo Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức giải thích:

Mãnh: (ông). Người chưa vợ chưa con mà đã chết.

Cũng có một từ khác để chỉ con gái chưa chồng chưa con đã mất như "ông mãnh", đó là từ "bà cô", chúng ta thấy cụm từ "bà cô ông mãnh" đã trở thành Thành ngữ trong tiếng Việt. Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam của Vũ Dung - Vũ Thùy Anh - Vũ Quang Hào (NXB Văn hóa Thông tin-1998) giải thích:

Bà cô ông mãnh: (bà cô: người con gái chết trẻ chưa chồng; ông mãnh: người con trai chết trẻ, chưa vợ) Ngđ: Những người chết linh thiêng, hay về hoành hành người sống, theo mê tín. Ngb: những người còn trẻ, chưa lập gia đình, tính tình nghiệt ngã và quái ác.

Đối với những từ "ba que" (ba que này không liên quan gì đến... cờ quạt), hay "xỏ lá", nguyên gốc của nó là "ba que xỏ lá", ngày xưa là một trò cờ bạc bịp, nghĩa bóng chỉ những người lừa lọc, bịp bợm, đểu cáng. Trò cờ bạc bịp "Ba que xỏ lá" cũng đã trở thành Thành ngữ. Cũng trong Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam của Vũ Dung - Vũ Thùy Anh - Vũ Quang Hào giải thích như sau:

Ba que xỏ lá (Xỏ lá ba que):...
Tk: Thời Pháp thuộc, có bọn người chuyên tổ chức "trò chơi có thưởng". Chủ trò dùng ba que nhỏ, trong đó chỉ có một chiếc que xỏ vào chiếc lá rồi chìa cho mọi người xem, nếu ai rút trúng chiếc que có chiếc lá khi chúng nắm tay lại thì được trúng thưởng, ngược lại, không rút trúng thì sẽ mất số tiền đặt cược. Bọn chủ trò bằng mọi cách lừa đảo, đánh tráo khiến cho người chơi bao giờ cũng bị thua cuộc, vì thế, người ta mới gọi bọn chủ trò là bọn ba que xỏ lá.

Ý nghĩa ban đầu của những từ ghi trên là như thế đó bạn Cầu Tre.




Thứ Tư, 8 tháng 7, 2015

Ý nghĩa từ ngữ.



Tôi lật cuốn Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức để tìm nghĩa của một chữ, thì lại "té" ra một chữ khác khá hay. Đó là từ "đểu", và "đểu cáng"

"Đểu" thì chắc ai cũng biết nghĩa là gì, người ta hay nói "đồ đểu" để chỉ kẻ lừa đảo, gian tham, xỏ xiên, ngoa ngoắt... Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ do Hoàng Phê chủ biên giải thích, đểu t. (thgt). Xỏ xiên, lừa đảo đến mức bất kể đạo đức (thường dùng làm tiếng mắng). Người ta cũng hay nói "đồ đểu cáng", để chỉ một kẻ còn tệ hơn là "đểu". Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên ghi nhận, đểu cáng t. (thgt). Rất đểu. Một từ khác cũng có ý nghĩa tương đương "đểu cáng""đểu giả". Xem thế thì "đểu cáng", "đểu giả" còn tệ hơn "đểu" một bậc.

Trong cụm từ "đểu cáng", bên trên ta đã thấy quyển từ điển tiếng Việt thông dụng bây giờ giải thích chữ "đểu", là Xỏ xiên, lừa đảo đến mức bất kể đạo đức. Nhưng còn từ "cáng"? Cũng từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên giải thích, "cáng", d. 1. Võng mắc vào đòn, trên có mui che, thời trước dùng để khiêng người đi đường xa. 2. Dụng cụ có hai đòn để khiêng người ốm hoặc người bị thương. Theo giải thích trên thì giữa chữ "đểu" và chữ "cáng" không có chút gì liên quan đến nhau. Như vậy phải chăng "đểu cáng" là từ láy? Tiếp tục tra thêm Từ điển từ láy tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ, Hoàng Văn Hành chủ biên, thì không thấy ghi từ "đểu cáng" là từ láy.

Tôi thử tra tiếp quyển Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hanoi-1931), thấy ghi những nghĩa khá thú vị về hài từ "đều""đểu cáng". "Đểu", Phu gánh thuê. Nghĩa rộng: hạng người hèn mạt, vô hạnh. Và giải thích từ "Đểu cáng", Phu gánh và phu cáng. Từ "đểu cáng" từ điển chỉ ghi nghĩa như vừa viết, không ghi nghĩa rộng. Trong quyển từ điển này cũng giải nghĩa từ "Đểu giả", Cũng như nghĩa rộng chữ đểu. Như vậy ta thấy, theo Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, thì từ "đểu" ngày xưa nghĩa ban đầu là "phu gánh thuê" (người gánh thuê), và nghĩa rộng (nghĩa bóng), mới là "hạng người hèn mạt, vô hạnh". Còn từ "đểu cáng" từ điển này chỉ ghi nhận "Phu gánh và phu cáng", không ghi nhận nghĩa như từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê chủ biên là "rất đểu".

GS. Nguyễn Thiện Giáp, trong quyển Từ Vựng Học Tiếng Việt, NXB Giáo Dục-1998 (sách Giáo trình Cơ bản của Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng Hợp Hà Nội, nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), viết về hai chữ "đểu cáng" như sau: "Ngày xưa, khi chưa có xe cộ, người ta dùng cáng để đi lại. Người phu cáng gọi là cáng, người gánh thuê gọi là đểu. Ngày nay đểu cáng lại có ý nghĩa "hèn hạ xấu xa". Truy tìm nghĩa gốc của từ này, chúng ta có thể thấy dấu tích của một thời đã qua, cái thời mà giai cấp thống trị, bóc lột khinh miệt, rẻ rúng người lao động".

Có lẽ cái nhìn của GS. Nguyễn Thiện Giáp đã được đặt trên "quan điểm giai cấp". Tôi có thể đặt câu hỏi, với một cái nhìn khác: "Tại sao trong rất nhiều ngành nghề lao động, người ta (theo quan điểm của GS. Nguyễn Thiện Giáp là giai cấp thống trị) không ví những loại công việc của các lao động khác, chẳng hạn như thợ hồ (thợ nề), thậm chí thợ dọn dẹp vệ sinh... để chỉ sự hèn hạ xấu xa? Mà lại ví "đểu cáng" (phu gánh và phu cáng)?

Như ta đã biết, công việc của môi trường nào thường tạo ra những loại người có tính cách liên quan đến công việc của môi trường nấy. Ngày xưa chưa có xe xích lô, tắc xi, xe đò, xe khách... để chuyên chở, thì có phu gánh và phu cáng (đểucáng), là những phương tiện vận chuyển khi ấy. Cho đến ngày nay đã có những phương tiện vận chuyển hiện đại, thì chừng như những hành xử của một số người trong môi trường vận chuyển này đã để lại nhiều tai tiếng cho ngành nghề của mình (có lẽ do phải cạnh tranh, do phải tiếp xúc với nhiều loại người trong xã hội...). Chúng ta hay nghe nói "đồ xích lô xe kéo", "đồ lơ xe", "ối trời dân tài xế xe đò mà", hoặc "ăn nói như dân bến xe"..., để chỉ những người, những hành vi, hoặc những lời nói xấu.

Xưa nay như đã nói, có những "con sâu làm rầu nồi canh" kiểu ấy trong giới vận chuyển, nên từ "đểu" và "đểu cáng", từ nghĩa ban đầu là "phu gánh", và "Phu gánh và phu cáng", mới chuyển thành nghĩa "Xỏ xiên, lừa đảo đến mức bất kể đạo đức", và "rất đểu" như trong cách hiểu của dân gian, và như giải thích của từ điển do Hoàng Phê chủ biên chăng?






Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2015

Viết ngắn ngày 5-7.


Tôi đang gõ những dòng này vào sáng ngày 5-7-2015, anh em từ bên Mỹ gọi điện về hỏi thăm, nói bên Mỹ đang là ngày 4-7, ngày quốc khánh Mỹ, mới sực nhớ. Mấy ngày nay đọc báo cũng thấy nói vị đứng đầu đất nước Việt Nam, lần đầu tiên sẽ có chuyến thăm nước Mỹ vào ngày mai (6-7-2015). Những bạn nào già đã về hưu như tôi, không làm chuyện gì khác ngoài chuyện trong nhà loay hoay với những công việc không tên (chẳng hạn như phụ đi siêu thị để xách đồ, phụ phạch nhà cửa, bếp núc...), và rảnh thì loay hoay với chiếc còm piu tơ cánh cửa sổ nhìn ra thế giới, cùng mấy quyển sách, có nhiều khi quên cả ngày tháng.

Nước Mỹ là một nước "đại tư bản", điều này thì cả thế giới đều biết. Họ có một sức mạnh quân sự thật đáng nể. Năm 1972, "Mùa hè đỏ lửa" tôi ở Kontum, một thị trấn cao nguyên miền Trung, khi ấy thị xã đang bị bao vây, chiến tranh đã ở sát nách. Để giải vây người Mỹ đã dùng B52 "trải thảm". Thật kinh khủng, ở dưới hầm trú ẩn cách vài ba cây số, nghe tiếng bom nổ tôi có cảm tưởng như đang đứng giữa đám múa lân. Nền kinh tế của họ cũng thế, và cả khoa học, y tế, giáo dục... nói chung, không cần phải vỗ ngực xưng tên, tự quảng cáo, ai cũng biết họ đứng đầu thế giới về mọi mặt.

Duy vật biện chứng nói tư bản là bóc lột, mà "hắn ta" còn là "đại ca" nữa thì chắc chắn "gia" này bóc lột con người đến tận cùng xương tủy, nhiều người vẫn tin là như thế. Nhưng rất thú vị là người ta lại hay nói đến "American Dream" (Giấc mơ Mỹ). Có nhiều người mơ đến Mỹ, để du lịch, để làm giàu, để có một cuộc sống đầy đủ hơn, có người mơ đến Mỹ để học hành (rất nhiều sinh viên du học ở Mỹ đến từ các nước Xã hội Chủ nghĩa), người ta đến Mỹ làm việc, để chữa bệnh, để được hưởng không khí tự do hơn tại xứ mình... Nước Mỹ đứng đầu thế giới về văn minh, vật chất, đồng đô la của họ là bá chủ trong các loại tiền tệ. Họ đặt chân lên mặt trăng, nơi này khô cằn  chỉ toàn đất đá, họ phóng phi thuyền đáp xuống sao Hỏa, cũng chẳng khác gì hơn. Từ khi có giải thưởng Nobel, nước Mỹ là một đất nước sở hữu nhiều giải Nobel về đủ mọi lãnh vực nhất trên thế giới.

Nhưng trên mặt sau của tờ giấy bạc 1 đô la Mỹ, chúng ta thấy in dòng chữ "IN GOD WE TRUST" (Chúng Ta Tín Thác Nơi Chúa). Họ không tín thác mọi chuyện cho đồng đô la, cho sức mạnh vật chất, cho một chủ nghĩa, mà tín thác nơi Thượng đế.

Có lẽ nước Mỹ là một nước thực tế và mơ mộng nhất trên thế giới.



Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

Đồng sàng dị mộng.


Bạn ghé chơi nhà ngồi tán chuyện gẫu, bạn nói: "Đi uống cà phê với bạn bè, tán dóc chuyện lề này lề kia, nói chuyện dân nghĩ một đàng, quan nghĩ một nẻo, đúng là đồng sàng dị mộng...", bạn thêm, "đồng sàng dị mộng thì ai cũng hiểu là gì, nhưng câu này gốc gác ở đâu thì không ai biết, bạn đã thử tra trên mạng cũng không thấy nói".

Tôi lật vài quyển từ điển thành ngữ, tục ngữ mình có, cũng chỉ thấy giải thích ý chứ không thấy tra nguyên gốc tích, cũng may có quyển Từ điển Thành ngữ Điển cố Trung Quốc do GS. Lê Huy Tiêu biên dịch (NXB Khoa Học Xã Hội - Hà Nội 1993), có nói đến. Đồng sàng dị mộng 同床異夢  : "Tục truyền đăng lục" do Thích Duy Bạch đời Bắc Tống biên soạn viết: "Sơn Tăng tuy cùng anh ta ngủ chung một giường, nhưng mỗi người nằm mộng khác nhau". Đời sau khái quát thành "Đồng sàng dị mộng", hình dung hai người cùng sống cùng làm một việc với nhau, nhưng chí hướng khác nhau.

Kể ra cách giải thích trong quyển từ điển này cũng chỉ mới được một nửa cái tôi cần tra cứu, chỉ nói được câu Đồng sàng dị mộng gốc tích trong "Tục truyền đăng lục" của Thích Duy Bạch đời Bắc Tống thôi, chứ cũng không giải thích rõ được điển cố. Nhưng thôi như vậy người bạn cũng tạm hài lòng.

Lan man ba điều bốn chuyện với bạn, cũng về chủ đề Đồng sàng dị mộng bên trên, giữa quan và dân. Hì hì, bạn nói chưa bao giờ thấy "hai bên" đối nghịch nhau như vậy, hầu như cái gì dân cho là đúng thì quan nghĩ ngược lại, và cái gì dân cho là sai, là tầm phào, thì quan lại... tâm đắc. Ngày trước  thời thằng Mỹ chạy đầy đường, người ta "cố" nói "quân với dân như cá với nước", thì dân sửa lại "như cá với... thớt", còn bây giờ thì... thôi rồi Lượm ơi!

Tôi nói với bạn, bác uống cà phê tôi pha đi, cà phê ngon đấy, mà thôi kệ... cá, thớt, với Lượm, tôi với bác già rồi, cứ ngày ngày hai cữ cà phê đi, cho nó khỏe cái đầu...