Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

Nhảm bàn cuối tuần: Nguyên do vì đâu lễ hội bị "soi"?.



28/02/2015 09:17 GMT+7
TT - Trong tín ngưỡng mà trục lợi thì không còn là tín ngưỡng. Nhưng đó là thực trạng của nhiều lễ hội năm nay.
Người dân giẫm đạp lên nhau để mua ấn đền Trần năm 2013 - Ảnh: Nguyễn Khánh 
Năm nào cũng vậy, vào mùa lễ hội dịp đầu xuân là nảy sinh biết bao hiện tượng tiêu cực, từ bạo lực đến nhét tiền lẻ vào tay tượng Phật, đánh nhau hỗn loạn để tranh cướp ấn cướp lộc... Một trong những nguyên nhân của thực trạng nhiễu loạn ấy là do lễ hội hiện nay đang nhuốm màu trục lợi.
Có năm, lãnh đạo TP Nam Định cho biết riêng lễ hội đền Trần đã thu được 14 tỉ đồng. Sau đó, số tiền ấy được sử dụng như thế nào tôi không biết, nhưng nó biến lễ hội đó thành một lễ hội trục lợi.





























Hình ảnh và trích đoạn của bài viết có nhan đề "Bi kịch tín ngưỡng của người Việt" trên báo Tuổi Trẻ ngày hôm nay (28-2-2015) của GS Ngô Đức Thịnh (Nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian VN) bên trên, đã nói lên nhiều điều về một số lễ hội ở Việt Nam bây giờ*. GS viết tiếp (đại ý), một lễ hội khác ở đền Sòng (Thanh Hóa) có năm sau khi trừ đi tất cả mọi khoản chi phí cho lễ hội, nhà đền còn nộp cho ngân sách của huyện 12 tỉ đồng. Cũng phải lưu ý rằng Thanh Hóa không phải là một tỉnh lớn giàu có như Hà Nội, hoặc TP. HCM, mà sau một mùa lễ hội, một huyện còn nộp ngân sách được như thế.

GS nói bản thân ông là một người Nam Định, và ông rất xấu hổ vì chuyện "mua - bán ấn"**, cho dù nếu được hỏi thì không một ai cầm được cái ấn đền Trần phát ngày tết lại nói là mua - bán, nhưng chắc chắn không một ai cầm được cái ấn đền Trần ấy mà không phải trả một số tiền nhất định. GS cũng cho biết thêm, ông không biết số tiền tỉ thu được ấy được dùng vào việc gì? Nhưng điều này lý giải cho việc tại sao người ta không muốn từ bỏ lễ hội phát ấn này, cho dù nó không đúng với truyền thống (phát ấn tràn lan và thu tiền). Ở người nhận được ấn  thì mong được "thăng quan tiến chức", còn ở người phát ấn thì nhận được tiền, và "không ai dễ từ bỏ một mối lợi hàng chục tỉ đồng như vậy". Ông nói việc này là "Đút lót thần linh", giống y như ở ngoài xã hội người ta có thói quen "đút lót cho cán bộ, công chức". GS cũng đề cập đến chuyện không gian lễ hội đã không còn "tính thiêng" nữa mà "tính bạo lực" đã gia tăng, điển hình là việc các thanh niên đã cầm gậy đánh nhau tại hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) đầu năm nay...

Theo như GS Ngô Đức Thịnh nguyên nhân của những hỗn loạn trên là do lịch sử để lại, "đó là có một thời kỳ dài chúng ta không thừa nhận tín ngưỡng, đã xóa sạch mọi lề lối trong đời sống tín ngưỡng xưa kia mà ông cha để lại. Sự đứt gãy trong lịch sử tín ngưỡng người Việt đã để lại hậu quả đến tận bây giờ, là người VN rất thiếu kiến thức về tín ngưỡng, nên mới gây ra sự hỗn loạn và xung đột trong lễ hội. Không chỉ người dân mà ngay cả một số quan chức văn hóa hiện nay cũng không có kiến thức về tín ngưỡng".

Theo ý kiến của GS Ngô Đức Thịnh "Để giải quyết bài toán khó này, Bộ VH-TT&DL phải có một chiến lược lâu dài, có thể 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn để tuyên truyền, giáo dục, đưa lại cho người dân những hiểu biết về tín ngưỡng. Khi người dân có kiến thức về tín ngưỡng thì học sẽ tự điều chỉnh hành vi cho phù hợp với lề lối".

Trên đây là những nhận định và kiến nghị của một vị GS đã từng giữ chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian VN, về tình trạng hỗn loạn và cách giải quyết trong lễ hội của VN hiện nay. Tôi hoàn toàn đồng ý và ủng hộ bài viết của GS.

Nhét tiền lẻ vào miệng rồng. Ảnh Internet.

Nếu chúng ta có thời giờ theo dõi trên mạng, chắc sẽ thấy những hình ảnh, những video clip khác về tình trạng của lễ hội hiện nay và những ý kiến ngao ngán của người dân. Một cảnh khai đao đầu năm (không phải khai bút) máu me giữa sân đình sau đó người dân lấy tiền lẻ quết vào máu lợn cầu may, cảnh khác là cướp giựt đồ lễ, đánh đấm nhau như xã hội đen ở hội Gióng, cảnh khác là một video quay lại chiếc kiệu thánh đang rước giữa đường, nhiều lần nhào tông thẳng vào sau một chiếc xe du lịch đang đậu ven đường, dưới sự điểu khiển đánh trống của một bô lão mặc áo gấm, cho đến khi chiếc kính sau xe bể nát, và người phụ nữ được cho là chủ xe quỳ lạy xin tha. Cảnh nữa là đến hẹn lại lên, hàng ngàn người chen chúc giẫm đạp nhau xin ấn đền Trần, khi chiếc kiệu rước đi ngang thì cơn mưa những đồng tiền lẻ được vo tròn của những người dự lễ ném vào chiếc kiệu... Còn những hình ảnh đốt nhang, đốt giấy tiền vàng mã nghi ngút, nhét tiền lẻ vào miệng rồng, vào tay Phật... hay thần thánh thì rất nhiều... Một hình ảnh khác văn hóa hơn là các vị lãnh đạo khai bút đầu xuân ở đền Chu Văn An, nhưng tiếc thay lại đi đồ lên những chữ đã được viết sẵn...

Nói cho ngay tại sao bây giờ những lễ hội lại bị "soi" kỹ và người dân ngao ngán như vậy? Theo tôi nguyên do đầu tiên chính là ở "ông"... công nghệ thông tin, hì hì.  Đúng thế, hãy nghe những người biện minh cho lễ hội chém lợn, đấy là truyền thống, là lệ làng, người ta đã chém như thế cả trăm năm, cả ngàn năm nay rồi có ai nói gì đâu, bây giờ bày đặt có ý kiến ý cò, mà cơ khổ, không chỉ người trong nước bày tỏ, đến cái tổ chức quốc tế ở tận đâu đó, có khi chẳng biết cái làng Ném (Ném Thượng) ở đâu trên bản đồ Việt Nam, cũng bày đặt xía vào. Trước đây hội làng thì chỉ có người làng, cùng lắm là người trong tổng, trong huyện biết, đến xem xong ra về hỉ hả rồi thôi, đến cái máy chụp phim cà cộ đen trắng cũng chẳng có, đố ai có được một tấm ảnh chụp chém lợn bảy tám chục năm trước, bây giờ mỗi người một cái Xì mác phôn, là một cái đài thu phát hình ảnh, chỉ tích tắc sau hình ảnh đã tràn lan ra khắp thế giới, chuyện máu me, đánh đấm, cướp giựt, bạo động... không sót một thứ gì, thế mới thành ra chuyện...

Vậy thì để có thể giải quyết được trước mắt chuyện "soi" lễ hội, chờ giải pháp giáo dục căn cơ 10, 20 năm hay hơn nữa của GS Ngô Đức Thịnh, đề nghị tuyệt đối những ai tham dự lễ hội, kể cả phóng viên báo đài đều không được mang theo mọi loại máy ghi được hình ảnh, kể cả âm thanh, chẳng hạn như máy quay video, máy chụp ảnh, các loại điện thoại di động... tuyệt đối không được ghi hình ảnh gì hết, mọi chuyện sẽ tuyệt mật như đang ở trong lò chế bom nguyên tử vậy. Nghĩa là sẽ chẳng có được một hình ảnh, một mẩu video nào về lễ hội được đưa lên mạng, bảo đảm cái số người chỉ biết "soi" rồi phê phán qua hình ảnh trên mạng, sẽ giảm được đến chín mươi chín phẩy mấy phần trăm, và sau một mùa lễ hội các nơi sẽ hoan hỉ tổng kết, lễ hội của nhà đền chúng em diễn ra rất văn hóa, văn minh, tuyệt đối an toàn...

Thật đấy!



Ghi chú:

* Thống kê năm 2009 trên trang mạng Wikipedia cho biết trong một năm, VN có 7.966 lễ hội trên cả nước. Đa số tập tập trung ở miền Bắc, những địa phương có nhiều lễ hội là Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Phú Thọ.

** Chữ trong ngoặc kép là nguyên văn trong bài viết trên báo TT.





Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

Khai bút đầu năm.


Quyển sách được ký tên và ghi mấy chữ khai bút vào những ngày đầu năm.

Không rõ tục khai bút vào dịp đầu năm có từ bao giờ. Tôi nhớ ngay từ khi còn bé, vào những ngày đầu năm sau kỳ nghỉ tết, trước khi đi học lại bố mẹ tôi thường chọn một ngày nào đó nói là ngày tốt, kêu chị em chúng tôi ngồi vào bàn học, lấy sách vở ra viết bài, hoặc có khi chỉ là nắn nót viết mấy chữ, gọi là khai bút đầu năm. Có những người khai bút vào dịp đầu năm bằng chữ Tâm, chữ Tài, chữ Đức, hay câu Cung ChúcTân Xuân... Cũng có người viết mấy câu thơ mình yêu thích, hay câu danh ngôn, lời hay ý đẹp... Riêng tôi khi đã lớn, vào dịp đầu năm tôi thường chuẩn bị sẵn một quyển sách, ký tên và viết mấy chữ vào trang đầu của quyển sách, thường chỉ là ngày, tháng của đầu năm ấy. Nhưng viết gì thì viết, khi khai bút đầu năm, mọi người đều tập trung và viết bằng chính nét chữ của mình, dù cho có viết xấu hay đẹp.

Tục khai bút đầu năm cũng giống như tục xuất hành, hay chọn ngày khai trương của người buôn bán, hoặc tục khai ấn của nhà quan khi xưa. Ngày xưa vào dịp đầu năm mới người ta chọn ngày, giờ, và cả hướng đi để xuất hành. Đối với những người buôn bán thì ngày khai trương buôn bán lại sau những ngày Tết cũng rất quan trọng, cũng phải chọn ngày, giờ tốt, hạp với tuổi của mình, sửa soạn một mâm cúng kính cáo với thần linh phù hộ cho việc khai trương trở lại trong năm mới, có những nơi họ mời cả đội lân đến múa để cầu mong năm mới được đại cát.

Riêng với các nha, phủ, huyện, tổng, xã... những nơi giữ ấn của triều đình, cuối năm vào ngày nghỉ phải làm lễ lau chùi ấn sạch sẽ cất đi, sang đầu năm phải chọn ngày lành, giờ tốt để khai ấn. Trước khi khai ấn quan lại cũng phải sửa lễ kính cáo lên vị thần giữ ấn, cầu xin cho được một năm mới hanh thông. Người xưa tin rằng bản văn đầu tiên được đóng dấu ấn là bản văn tốt lành. Ngày nay thì người ta đóng ấn và phát tràn lan đến cả ngàn, cả vạn bản, còn đâu chuyện thiêng liêng của ấn bản đầu tiên nữa. Trước đây phát ấn đền Trần, năm nay đọc báo có cả phát ấn đền Quang Trung, dĩ nhiên việc phát ấn tràn lan, về phía nơi phát ấn đã mang một mục đích khác (Báo Tuổi Trẻ ngày 26-2-2015 có bài viết trích lời của GS Ngô Đức Thịnh, với tựa "Phần lớn lễ hội mang tính vụ lợi").

Trở lại chuyện khai bút đầu năm, đọc trên Vietnam net thấy có tin sáng 23-2-2015 (bài viết có tựa "Tại sao lãnh đạo khai bút theo nét chữ đã chuẩn bị?"), TP. Hà Nội tổ chức lễ Khai bút đầu xuân tại đình thờ nhà giáo Chu Văn An, tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì - Hà Nội. Trong buổi lễ, những nhà lãnh đạo TP. Hà Nội và Bộ GD-ĐT đã cùng nhau viết chữ Đức - Trí - Học - Thành - Nhân bằng bút lông theo kiểu thư pháp chữ Việt (mỗi vị viết một chữ). Điều này rất hay, nhưng qua bài báo và hình ảnh được chụp trên báo, mới thấy các vị lãnh đạo sở tại đã viết các chữ Đức - Trí - Học - Thành - Nhân theo cách cầm bút lông... đồ lên những chữ đã được viết mờ sẵn.

Thiển nghĩ một buổi lễ có ý nghĩa về nội dung như thế là một hoạt động văn hóa rất hay, chỉ cần trong buổi lễ, các lãnh đạo địa phương, ban ngành, viết những câu khai bút đầu xuân vào một quyển sổ lưu niệm, thực tâm chúc người dân địa phương mình, hay cán bộ công chức của ngành mình quản lý, những lời chúc tốt đẹp trong năm mới, thế là đã trang trọng và đầy đủ ý nghĩa, hơn là đi đồ lên những chữ đã được viết sẵn như thế.




Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Lễ hội!!!

Tin trên báo Tuổi Trẻ ngày 25-2-2015, hình ảnh là tại Hội Gióng mùng 6 Tết.

Từ ngày xưa, nói đến mùa xuân, đến Tết là nói đến lễ hội, lễ hội là một nét văn hóa đặc sắc của loài người nói chung, và của Việt Nam nói riêng, chẳng thế mà theo như thống kê (có lẽ cũng chưa đầy đủ), một năm ở xứ mình có khoảng 8.000 lễ hội (*). Công bằng mà nói đa số lễ hội mang lại niềm vui cho người tham dự, nhưng cũng có những lễ hội, hoặc những việc xảy ra trong lễ hội cần phải được xem lại, để có hướng điều chỉnh, nhằm hướng tới việc vui chơi của người dân được văn hóa, hoàn thiện hơn...

Hôm qua, mùng 6 Tết, có hai lễ hội khá lớn diễn ra, được báo chí chính thống đưa tin, hình ảnh, và cả những đoạn video quay được tại hai lễ hội này. Thứ nhất là lễ hội "Chém lợn" tại Ném Thượng - Bắc Ninh, đây là một lễ hội "nổi đình nổi đám" ít lâu nay, với những ý kiến trái ngược, nhiều người, nhiều giới chức đề nghị bỏ, hoặc nên thay đổi cách giết lợn, hay ít nhất cũng nên hạn chế trẻ em, vì mang tính bạo lực, phản giáo dục. Nhưng cũng có những ý kiến biện minh, vì đây là truyền thống, là lệ làng... Cuối cùng thì "lệ làng" vẫn được diễn ra tại sân đình, với lượng người tham dự cả ngàn người, đông gấp đôi năm ngoái, phải leo lên cả nóc nhà để theo dõi. Báo Thanh Niên Online viết: "Lễ hội chém lợn Bắc Ninh: Máu tươi đẫm sân đình", và "Lễ hội chém lợn Bắc Ninh vẫn tổ chức và không hạn chế trẻ em", hình ảnh chụp cho thấy có rất nhiều trẻ em đã được người lớn dắt đến xem, người đông, nhiều ông bố còn kiệu đứa bé lên cổ để nhìn cho rõ. Sau khi chém lợn người dân vẫn lao vào lấy tiền lẻ quệt vào máu lợn lấy hên.

Chuẩn bị chém lợn. Ảnh Internet.

Tiền lẻ được quệt máu lợn cầu may. Ảnh Internet.

Một lễ hội khác khác cũng trong ngày mùng 6 Tết hôm qua, tại hội đền Gióng, huyện Sóc Sơn - Hà Nội xảy ra hỗn loạn, khi đám rước còn đang diễn ra thì có những thanh niên xông vào cướp đồ lễ trên kiệu rước, những đồ lễ này là hoa tre, trầu cau. Khi bị ngăn cản thì đám thanh niên này tấn công cả những người tham gia trong lễ hội. Theo báo Tuổi Trẻ (25-2-2015) thì chuyện đánh nhau ở hội Gióng như thế này năm nào cũng xảy ra.

Thanh niên xông vào cướp kiệu hoa tre. Ảnh Internet.

... Và cướp kiệu trầu cau. Ảnh Internet.

Một thông tin khác cũng khiến nhiều người phải suy nghĩ là trong 9 ngày nghỉ Tết có 6.200 người phải nhập viện vì đánh nhau, với 15 người tử vong. Đa số vụ việc là do ăn nhậu, bia rượu, cũng báo Tuổi Trẻ ngày đầu năm hôm nay (25-2-2015) đã phải đưa tin ngay nơi trang nhất:

Thói hung hãn lên ngôi?

1.001 lý do để..
đánh đấm!

Nơi bàn nhậu đánh đấm, nơi sân đình diễn ra cảnh ẩu đả, bạo lực, cướp giật, máu me... trong những ngày Tết, ngày lễ hội. Ta có thể nói được điều gì???!!!




Ghi chú:

- (*) Theo trang Wikipedia, thống kê năm 2009 cho biết, Việt Nam có 7.966 lễ hội trên cả nước trong một năm. Đa số tập trung ở miền Bắc, các địa phương có nhiều lễ hội là Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, và Phú Thọ.




Thứ Hai, 23 tháng 2, 2015

Tục xin xăm ngày Tết.

Hình ảnh ngày xưa các bà các cô xin xăm tại lăng Ông Bà Chiểu. Ảnh Internet.

Năm nào ngày Tết tôi cũng ghé lăng Ông cùng bà xã. Có lẽ ở Saigon với những người cố cựu lớn tuổi, nói tới lăng Ông hoặc lăng Ông Bà Chiểu không ai lại không biết. Lăng Ông là nơi có phần mộ của Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, cùng phu nhân là bà Đỗ Thị Phận, lăng có tên chính thức được ghi trên cổng ra vào bằng chữ Hán là    , đọc theo âm Hán-Việt là Thượng Công miếu, nhưng người dân Saigon xưa nay vẫn quen gọi là lăng Ông, hoặc lăng Ông Bà Chiểu, bởi lăng Ông ở vùng Bà Chiểu, và lăng Ông cũng nằm bên cạnh chợ Bà Chiểu.

Tả quân Lê Văn Duyệt quê tại Cái Bè - Tiền Giang, theo phò Nguyễn Ánh từ những ngày chống quân Tây Sơn, được phong nhiều chức tước. Ông đã từng hai lần giữ chức Tống trấn Gia Định (1813-1816 và 1820-1832), và là vị Tổng trấn cuối cùng của thành Gia Định. Ngày xưa, mỗi dịp xuân về lăng Ông là nơi rất nhiều người dân Saigon đến lễ bái, không chỉ có người Việt, mà còn có nhiều người người Hoa, bởi lúc sanh tiền Tả quân đã tạo nhiều điều kiện cho Hoa kiều nhập cư làm ăn buôn bán. Khi ông làm Tổng trấn Gia Định đất Gia Định thái bình, dân chúng yên ổn làm ăn, kinh tế phát triển. Người dân Saigon xưa coi Ông như vị thần bảo hộ.

Các bà xưa đi lễ lăng Ông ngày Tết. Ảnh Internet.

Khi xưa ngày xuân đến lễ tại lăng Ông, có lẽ các bà các cô không thể bỏ qua tục xin xăm. Xăm, theo Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức giải nghĩa: Que thẻ xin thần thánh ứng cho để biết việc tương lai. Xăm ở lăng Ông gồm 100 thẻ tre bỏ vào một ống, trông tựa như những chiếc đũa trong ống đũa, mỗi thẻ đánh môt con số. Trước khi xin xăm người xin quỳ lạy, khấn vái Ông, sau đó cầm nghiêng nghiêng xóc chiếc ống đựng thẻ, cho tới khi rơi ra một thẻ. Thẻ này có ghi số, người xin nhìn và nhớ số rồi ra nói số, người ỏ lăng sẽ phát cho một lá xăm ứng với con số mình được. Lá xăm có 2 măt, một mặt ghi theo âm Hán Việt, một mặt ghi chữ Việt, trong lá xăm có ghi những điều tốt, xấu của mình trong năm về đủ mọi mặt. Nghe nói trong 100 lá xăm (ứng với 100 thẻ trong ống), có 1/3 là lá xăm tốt, 1/3 là lá xăm trung bình có tốt có xấu, còn 1/3 là lá thăm xấu. Người gặp được lá xăm tốt dĩ nhiên rất vui mừng, gặp lá xăm trung bình cũng tạm được, còn nếu gặp lá xăm xấu chắc chắn sẽ không mấy vui, thường người ta mang lá xăm xấu đi hóa (đi đốt). 

Ống xăm và keo (keo trên hình là 2 miếng gỗ một mặt cong, một mặt phẳng úp vào nhau, tượng trưng cho âm, dương). Ảnh Internet.


Một lá xăm tốt.

Ngày xưa gần như chỉ có các bà, các cô dẫn theo con cháu đi lễ lăng Ông và xin xăm, quý ông có đến lăng cũng không tham gia. Ngày nay tục xin xăm vẫn còn thấy tại lăng Ông, nhưng quý ông tham gia xin xăm khá nhiều, cũng thành tâm quỳ lạy và xóc xin thẻ, không kém gì quý bà.

Quý ông xin xăm ngày Tết tại lăng Ông.

Cùng với tục xin xăm còn có tục xin keo, cũng còn gọi là xin âm dương. Ở tấm hình thứ 3 từ trên xuống (hình màu đỏ), bên tay trái là ống và thẻ xăm, bên tay phải là 2 miếng gỗ xin keo (2 miếng gỗ được chập mặt phẳng tượng trưng cho âm vào nhau, mặt cong tượng trưng cho dương ra ngoài), cũng có nơi để 2 đồng tiền xu với 2 mặt khác nhau vào trong một chiếc đĩa. Xin xăm là xin lá xăm có ghi vận mệnh may, rủi của mình trong năm, còn xin keo là khi người ta muốn cầu một việc gì quan trọng, chẳng hạn việc thi cử, lấy chồng lấy vợ, làm ăn buôn bán... cũng quỳ thành tâm khấn vái, và cầm 2 miếng gỗ âm dương lên thả rơi xuống chiếu (nếu là 2 đồng xu thì cầm lên và bỏ rơi vào chiếc đĩa). Nếu 2 miếng gỗ rơi xuống có một miếng xấp một miếng ngửa (2 mặt khác nhau, một âm một dương), hoặc 2 đồng xu ra 2 mặt khác nhau thì coi như mọi việc hanh thông, việc cầu xin của mình sẽ có kết quả tốt. Trường hợp cùng ra một mặt (2 miếng gỗ cùng một mặt cong hoặc phẳng) là thánh chưa đồng ý, người xin có thể cầu khấn và gieo lại, thường trong 3 lần gieo mà không được một mặt âm một mặt dương thì thôi, vì thánh không cho kết quả.

Đây là một tục lệ xưa lâu đời, phát xuất từ Đạo giáo, cũng là một nét văn hóa dân gian, nhưng có lẽ cũng không nên quá tin tưởng vào cái tục mang nhiều nét may rủi này.






Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2015

Đêm Trừ tịch.


Đi lễ chùa đêm Trừ tịch. Ảnh Internet.

Người ta hay gọi thời khắc lúc nửa đêm giữa năm cũ bước sang năm mới là Giao thừa (  ) Giao () là qua lại, thừa () là nối tiếp, hay cũng còn gọi là Trừ tịch ( ) nghĩa là đêm cuối năm. Trừ () là cuối năm, hết năm, tịch () là buổi tối, chiều tối, ban đêm, ta quen gọi là Đêm Trừ tịch, thực ra gọi như thế là thừa mất chữ Đêm, nhưng đó là do thói quen, như khi ta gọi là Cây đại thụ vậy, thừa mất chữ Cây (thụ  có nghĩa là cây). Ta cũng quen gọi ngày 30 Tết cuối năm là hôm Trừ tịch, gọi như thế cũng không chính xác. Trong từ Hán-Việt phân biệt giữa ngày và đêm cuối năm, Đêm cuối năm gọi là Trừ tịch ( ), còn ban ngày cuối năm gọi là Trừ nhật ( ).

Trừ tịch ( ) là một đêm đặc biệt trong năm, đánh dấu thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Trong thời khắc này mọi người đều thức để chờ đón cái giây phút thiêng liêng ấy. Xưa, vào đêm Trừ tịch người ta thường làm một mâm cúng ngoài trời, kính cáo lên trời đất để đánh dấu cái thời khắc thiêng liêng này, bây giờ nhiều gia đình vẫn còn giữ tục lệ này. Khi làm lễ cúng xong người ta thường hay xuất hành vào đêm Trừ tịch, thường là đến đền, đình, chùa... để lễ tạ thần thánh một năm đã qua, và cầu xin một năm mới tốt đẹp. Khi đi lễ như thế gặp người quen người ta chúc nhau những điều tốt đẹp, và có tục hái lộc, bẻ một cành cây tươi ở sân đền, chùa, coi như xin lộc về nhà.

Pháo hoa đêm Trừ tịch. Ảnh Internet.

Bây giờ người ta vẫn còn giữ tục lệ đến đền, đình, chùa, và nhà thờ đêm Trừ tịch, đồng thời ở những thành phố lớn còn tổ chức bắn pháo hoa cho người dân đi chơi thưởng lãm....







Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

Ý nghĩa của từ Tết Nguyên đán.

Ngày Tết Nguyên đán. Ảnh Internet.

Theo phong tục tập quán, người ta quen gọi những ngày lễ truyền thống trong năm là Tết, như Tết Nguyên đán, Tết Hàn thực, Tết Đoan ngọ, Tết Thanh minh, Tết Trung thu..., và một trong những cái Tết quan trọng đầu tiên của năm âm lịch là Tết Nguyên đán. Nguyên đán  , là chữ Hángồm hai chữ Nguyên  , và đán  , ghép lại. Nguyên  có nghĩa là đầu, bắt đầu, đán  có nghĩa là sớm, buổi sáng. Nghĩa gốc của Nguyên đán  bắt đầu buổi sáng của một năm, tức là ngày đầu năm

Còn Tết là từ tiếng Việt chứ không phải là chữ Hán. Trong chữ Hán không có từ Tết. Người ta nói chữ Tết là do chữ Tiết  mà ra.  Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của chép: Tết: lễ năm mới, tiết đầu năm. Cũng như đòn bánh tét ở miền Nam mà người dân hay gói  và cúng ông bà vào dịp Tết, chữ tét cũng là nói trại từ chữ Tết.

Chữ Tiết  trong tiếng Hán-Việt có nhiều nghĩa, chẳng hạn như có nghĩa là đốt tre, mẩu, đoạn, điểm chuyển tiếp giữa hai chu kỳ nhỏ của khí hậu trong năm...  Ở đây xin nói đến nghĩa đang nói tới, là điểm chuyển tiếp giữa hai chu kỳ nhỏ của khí hậu trong năm. Một năm có 24 Tiết  , trung bình mỗi tháng có 2 Tiết , kể lần lượt như sau: Tiểu hàn, Đại hàn, Lập xuân, Vũ thủy, Kinh trập, Xuân phân, Thanh minh, Cốc vũ, Lập hạ, Tiểu mãn, Mang chủng, Hạ chí, Tiểu thử, Đại thử, Lập thu, Xử thử, Bạch lộ, Thu phân, Hàn lộ, Sương giáng, Lập đông, Tiểu tuyết, Đại tuyết, Đông chí.

Ngày xưa và trong cả ngày nay, Tết Nguyên đán là dịp để mọi người nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm vất vả làm lụng, lo toan. Trong gia đình nhà nhà ít nhiều cũng sửa soạn nhà cửa để đón Tết, đón một Năm mới theo truyền thống cha ông để lại. Người ta mua sắm, dọn dẹp, sửa sang nhà cửa, bày biện lại bàn thờ gia tiên cho tươm tất, những người đi làm ăn xa thường trở về nhà trong dịp Tết, thăm viếng anh em, bà con, bạn bè. Bây giờ xã hội có hơi khác, đôi khi dịp Tết Nguyên đán được nghỉ dài ngày, nhiều người lại tổ chức đi chơi xa cùng gia đình, bạn bè, hoặc có khi vác ba lô đi du lịch một mình, đây cũng là một nét mới trong cuộc sống.

Ngoài xã hội Tết cũng là dịp mọi người vui chơi, những lễ hội thường được tổ chức vào dịp Tết. Mọi người thường hay đến những đình, đền, chùa chiền... vào dịp đầu năm để đi lễ, tạ ơn một năm yên lành đã qua, và cầu xin thánh thần cho một năm mới hanh thông, tốt đẹp...



Thứ Năm, 19 tháng 2, 2015

Chúc mừng năm mới.

Một góc Tết của bà xã

Mọi năm thế nào trong nhà cũng phải có một cây mai chưng Tết, việc chưng cây mai thật nhiều khi khá nhiêu khê, khoảng thời gian đưa Ông Táo về trời là phải đến nhà vườn bên quận 12 chọn cây, chọn được cây mai rồi chở về nhà vác lên hai tầng lầu cũng là cả một vấn đề. Nhiều khi mang về nhà là cây bắt đầu rụng nụ, mỗi lần hốt được cả vốc tay nụ, có năm nhà vườn bày mua nguyên một bình nước suối để chỉ tưới cho mai mấy ngày Tết. 

Năm nay bà xã tôi chơi "cây nhà lá vườn". Trong hình là hai cây mai và đào bonsai móc bằng len sợi do gia chủ tự làm, trên bàn là một chú dê cụ, cùng bộ ấm trà, bánh cũng móc bằng len sợi.

Mai.

Đào.

Dê cụ Ất Mùi và ấm trà, bánh kem và... hambuger.

Góc của cu cậu con trai (búp bê đan móc là của bà xã).

Góc của... cụ già.

Giao thừa đã điểm. Chúc mừng năm mới Ất Mùi, kính chúc tất cả các bạn gần xa một năm mới bình yên VẠN SỰ NHƯ Ý.






Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

Thông lệ.


Bàn thờ và mâm cơm cúng ngày 30 Tết.

Theo thông lệ (lệ thường) của người Việt, ngày 30 Tết cuối năm làm mâm cơm cúng tất niên và đón ông bà về ăn tết cùng con cháu, đón Ông Táo trở về nhà. Gia đình tôi cũng thế, tôi tuy gốc gác là đạo Thiên Chúa, nhưng đã từ lâu mầy mò tìm hiểu những tục lệ xưa của ông bà, gặp bà xã tôi lại được thừa hưởng nguyên "bộ" bàn thờ khi gia đình bên bà xã đi định cư tại Mỹ đã 1/4 thế kỷ, nên hằng năm vào ngày tất niên luôn làm một mâm cơm cúng theo lệ. Xin giới thiệu, coi như một nét xưa.

Bàn thờ gia tiên.

Bàn thờ Quán Thế Âm.

Bàn thờ Mẹ sanh Mẹ độ.


Bàn thờ Thần tài.

Bàn thờ Ông Táo.

Không thể thiếu trầu cau cho các cụ.


Và bát canh khổ qua, với ý nghĩa năm hết tết đến, cái khổ sẽ qua đi.

Phần lễ sửa soạn cúng Giao thừa.

Ngày Tất niên, hết một năm, xin tiễn năm cũ và đón năm mới với lời chúc

 AN KHANG THỊNH VƯỢNG đến với mọi người.






Thứ Ba, 17 tháng 2, 2015

Tục đốt hương và giấy tiền, vàng mã.


Người mình có tục đốt hương (người miền Nam gọi là đốt nhang) và đốt giấy tiền, vàng mã (gọi chung là đốt vàng mã bao gồm tiền giấy, áo, mũ, cả nhà cửa, xe cộ... làm bằng giấy) trong những dịp cúng giỗ, lễ tết, nhất là dịp tết khi đến viếng những đền, chùa. Mỗi lần tết theo bà xã đến đền, chùa, tôi khá sợ chuyện đốt hương, và đốt vàng mã, cả một vùng khói lửa mù mịt, người người thi nhau đốt hương và vàng mã. Đốt hương và vàng mã là một tập tục và nghi thức trong tín ngưỡng, nhưng có lẽ ít người biết nguồn gốc.

Đây là một tập tục bắt nguồn của người Tàu từ xa xưa. Trong Vân Đài Loại Ngữ của nhà bác học Lê Quý Đôn soạn ở thế kỷ 18 có chép về nguồn gốc của tập tục này:


Đốt hương. Ảnh Internet.

1- Tục đốt hương:

 Sách Vân Lộc Man sao chép: Sách Lễ Ký có nói: đốt củi ở Thái Đàn (1) để tế Trời.

 Sách Chu Lễ có nói: Tế Trời thì thui con vật hy sinh.

Kinh Thi có câu: Thủ tiêu tế chi (lấy cỏ tiêu mà cúng với mỡ).

Sách Minh Chí chép: Minh Thái Tổ xuống mệnh lệnh khiến mỗi tháng vào ngày mùng một và ngày rằm, từ quan Tế tửu trở xuống phải làm lễ Thích thái (2) ở bộ Lễ, từ chức Huyện trưởng trở xuống phải đến chỗ học sở làm lễ hành hương (3).

Theo Tống Liêm, một nhà nho đời Minh có nói: Đời xưa cầu thần, khi đã dâng bày lễ vật thì đốt cỏ tiêu hợp với mỡ dê. 

Nay người ta xông hương thay cho việc ấy để giản tiện.

Khi Hồn Da (rợ Hung Nô) đầu hàng, Hán Vũ Đế lấy được tượng bằng vàng của Hồn Da đem đặt ở cung Cam Tuyền, lúc cúng tế không dùng trâu bò làm vật hy sinh mà chỉ đốt hương để lễ bái mà thôi.

Việc đốt hương lễ bái bắt đầu từ đấy.


Đốt vàng mã. Ảnh Internet.

2- Tục đốt vàng mã:

Sách Mộng Hoa Lục chép: tiết Trung nguyên (rằm tháng bảy) người ta bày đồ mã, áo bằng giấy màu, lấy tre làm cái giương ba chân hình trạng giống như cái bầu dầu trong cây đèn, gọi đó là Vu Lan Bồn, người ta treo áo giấy và đồ mã ở trên mà đốt.

Sách Thông Giám đời nhà Đường chép: Vua Túc Tông nhà Đường cho Vương Dư làm chức Từ Tế Sứ (quan coi giữ việc cúng tế). Lúc cúng tế, Vương Dư có khi đốt giấy tiền giống như những người đồng bóng.

Sách Vương Dư Truyện chép: Từ đời Hán trở về sau khi chôn cất người chết, người ta đều chôn tiền theo.

Đời sau, tục quê lấy giấy làm tiền mà cúng quỷ thần.

Chu Tử nói: Người đời xưa dùng ngọc và lụa để cúng tế. Người đời sau lấy tiền mà thay vào. Đến đời vua Huyền Tông nhà Đường, việc thờ phụng quỷ thần thật phiền phức, không có nhiều tiền, Vương Dư làm giấy tiền mà thay vào.

Tiền giấy để cúng tế có từ đời vua Túc Tông (756-762) nhà Đường, do Thái Ất Sứ Vương Dư làm ra.

Còn mũ áo giấy có từ đời Ngũ Đại (4).

Trên đây là nguồn gốc tục lệ đốt giấy tiền, vàng mã được chép trong sách Vân Đài Loại Ngữ của nhà bác học Lê Quý Đôn.

Ngày tết có dịp ghé đền, chùa, có lẽ ai trong chúng ta cũng chứng kiến cảnh những bó nhang được người đi lễ cắm vào lư hương, chưa kịp quay đi đã có người nhổ bỏ, nhiều đền, chùa phải xây một cái lò khá to để làm nơi đốt vàng mã, và người dân thì đốt thoải mái. Đã có nhiều nơi kêu gọi người đi lễ hạn chế việc đốt này, bởi vừa tốn kém, vừa ô nhiễm môi trường (người đi lễ ghé dăm ba phút nhiều khi đã không chịu nổi, huống chi những vị tu hành ở đó làm sao chịu thấu suốt một mùa tết), đôi khi còn gây tai họa cháy nhà, cháy chợ do bất cẩn.

Hình ảnh đốt vàng mã ngoài đường rất nguy hiểm. Ảnh Internet.


Chú thích:

(1) Thái Đàn: Đàn đắp bằng đất để tế Trời của người xưa, bên trên chất củi rồi đặt ngọc và con vật hiến tế lên trên mà đốt, để hơi khói bốc lên trời.

(2) Thích Thái: làm lễ dâng rau tảo cúng tế Tiên sư.

(3) Hành hương: lệ nhà Phật, đốt hương ở lò và đi quanh trong đạo tràng.

(4) Ngũ Đại: một thời kỳ trong lịch sử Trung Hoa, bắt đầu từ khi nhà Đường suy tàn cho đến khi đời Tống thống nhất Trung Hoa (907-960), gồm 5 triều đại: Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu.


Tham khảo:

- Vân Đài Loại Ngữ, tập 2, quyển IV, Lê Quý Đôn, NXB Văn hóa Thông tin - 1995.



Thứ Hai, 16 tháng 2, 2015

Chụp hình mẫu ở Hội hoa xuân.

Sáng nay hăm tám Tết, có dịp đi chụp hình cho người mẫu áo dài trong Hội hoa xuân Tao Đàn - Saigon, mẫu này kêu tôi bằng ông (ông trẻ chứ không phải ông... già), kể ra mẫu có năng khiếu chụp hình thiên bẩm, tự biên tự diễn chứ không cần đạo diễn. Post lên vài tấm cho có không khí Tết.








Phút dừng chân nghỉ khỏe của mẫu.

Nhân tiện cũng post ké thêm vài tấm hình hoa ở Hội hoa xuân.