Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

Cổ tục.


Tục chém gà (ma gà) trong lễ hội hiện đại. Ảnh Internet.

Tôi đang đọc lại mấy quyển sách của nhà văn Toan Ánh, viết về những lễ hội, tập quán, phong tục năm xưa, như Hội hè đình đám Việt Nam, Phong tục Việt Nam, Làng xóm Việt Nam...

Ngày xưa Xuân, Thu là hai mùa của lễ hội (Xuân Thu nhị kỳ), nhưng vào mùa Xuân lễ hội được người dân tổ chức nhiều hơn là vào mùa Thu, với câu ca dao:

Tháng Giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè.

Mục đích đầu tiên của lễ hội là để người dân tỏ lòng thành kinh, biết ơn đối với Đức Thành Hoàng, và Thần linh đã coi sóc che chở cho làng trong một năm qua. Lễ hội, nhất là phần hội (hội hè) cũng là dịp để người dân, nhất là lớp trẻ có dịp gặp gỡ học hỏi những lễ nghi, không quên phong tục tiền nhân. Cũng là dịp người dân được dịp vui chơi, một dịp rèn luyện sức khỏe, những kỹ năng cho giới trẻ, nam có đánh vật, kéo co, tập trận, thi chữ, thi thơ, nữ có thi nấu cơm, thổi xôi, làm những loại bánh, mứt... Và những trò giải trí khác như hát quan họ, bơi thuyền, đánh đu, bắt chạch trong chum...

Trong những cổ tục nơi lễ hội ngày xưa, nhà văn Toan Ánh có nhắc đến một vài cổ tục đặc biệt mà ông đã viết trong sách* "tàn bạo đến độ dã man". Đó là tục chém gà và chém lợn trong lễ hội. Tôi xin tóm lược ra đây những cổ tục này ở hội làng Tích Sơn.

Làng Tích Sơn thuộc huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên, nằm ven quốc lộ 2, từ Hà Nội đi Hà Giang, cách tỉnh lỵ Vĩnh Yên (Vĩnh Phú) độ vài trăm thước về phía Đông Bắc. Lệ làng hằng năm mở hội vào ngày mồng Ba tháng Giêng với tế lễ tại đình và có các cuộc vui trong làng. Những cuộc vui của làng Tích Sơn như tục chém gà, chém lợn, quật bò, kéo co, thổi cơm thi. Ngoài việc thổi cơm thi là việc nội trợ được dành cho phụ nữ trong làng, còn những tục khác ít nhiều mang tính chiến đấu, bạo lực như quật bò, kéo co, thậm chí tàn bạo, như tục chém gà, chém lợn.

Theo nhà văn Toan Ánh, sở dĩ hội làng có những tục như thế bởi Thần làng lúc sinh tiền là một tên ăn cướp, lúc chết gặp giờ linh nên được dân làng thờ phượng. Dân làng luôn dấu tên họ, quê quán của Thần, họ chỉ dùng ba tiếng Đức Thượng Đẳng. Do đó những cổ tục được diễn ra hằng năm trong hội làng đều nhiễm đầy tính chiến đấu và bạo lực.

- Tục chém gà: Trai làng Tích Sơn đến tuổi chịu việc làng, nghĩa là đủ 18 tuổi được làng cử mỗi chàng nuôi một con gà cúng thần. Ngay từ đầu năm trước gia đình chàng trai phải chọn gà tốt, đem thiến để nuôi cho đến ngày hội. Việc nuôi gà hội phải rất kỹ lưỡng, chọn giống tốt, chăm sóc cẩn thận, cho ăn thức ăn riêng không được chung đụng với các loại gia súc khác tránh ô uế. Nuôi sao cho gà nặng cân, thịt béo nhưng chắc.

Đến ngày lễ hội, mùng Ba Tết các chàng trai ôm gà của mình ra sân Đình nơi diễn ra hội làng. Làng có hai giáp là giáp Đông và giáp Đoài. Trai hai giáp cùng với gà của mình ngồi thành hai hàng trước bàn thờ. Các cụ trong Ban hội đồng buổi lễ đi một lượt ngắm nghía những con gà, rồi cụ Tiên chỉ thắp hương khấn trước bàn thờ. Khấn xong các chàng trai chỉnh tề trong bộ khăn đóng áo dài ôm con gà của mình vái lễ rồi nhảy múa, họ nhảy múa theo những điệu bộ mà nhà văn Toan Ánh viết là hết sức kỳ khôi.

Lễ xong từng chàng trai một, dùng một con dao thật sắc chém một nhát đứt đầu con gà của mình, tiết của mỗi con được hứng riêng ra từng chiếc bát. Chàng trai nhặt chiếc đầu gà và ôm con gà ra phía sau Đình làm lông cúng Thần. Cảnh chém đứt phăng đầu con gà rất ấn tượng, những con gà đẹp mã tươi tốt, đang ngơ ngác nhìn quanh hoặc rỉa lông, thì "phập" một tiếng đầu con gà lăn ngay xuống đất, còn thân thì được chủ nhân ôm lấy chúc ngay vào một cái bát hứng lấy tiết, con gà không kịp kêu lấy một tiếng, chỉ giãy giãy mấy cái, hết con này đến con khác, cảnh tượng thật ấn tượng, có con vãi cả phân ra trước bàn thờ.

Thịt các con gà này chỉ dành cho các bô lão, các quan viên của hai giáp hưởng. Các cụ thường khen thịt gà rất ngon ngọt. Con gà nào đẹp mã và thịt ngon nhất trong buổi lễ thì chàng trai chủ nhân được khen thưởng. Phần thưởng tượng trưng nhưng chàng trai nào có gà được thưởng thật vinh dự.

Con lợn được căng bốn chân giữa sân Đình chuẩn bị chém trong tục chém lợn.
 Ảnh Internet.

- Tục chém lợn: Tục chém lợn cũng ở hội làng Tích Sơn, ấn tượng không kém tục chém gà nếu không nói là có phần hơn. Khác với tục chém gà là các chàng trai đủ 18 tuổi trong làng đều phải nuôi gà để làm lễ Thần. Đối với tục chém lợn thì mỗi năm chỉ có một quan viên được làng chỉ định để nuôi một con lợn, dùng vào việc tế Thần vào đầu năm sau. Lợn do tiền của làng bỏ ra mua giao cho người nuôi, được chọn lợn giống tốt. Người nuôi suốt năm đó phải chăm sóc con lợn cẩn thận, sạch sẽ, con lợn phải phàm ăn, to béo. Cũng như nuôi gà lễ, nếu người nuôi thiếu thành kính, thiếu chăm sóc con lợn mà lăn ra chết, sẽ phải mua đền con khác. Nếu đến ngày tế Thần mà lợn không được to béo người nuôi sẽ bị làng khiển trách.

Đến ngày hội làng con lợn được tắm rửa sạch sẽ dắt tới Đình. Trước sân Đình hai bên bàn thờ đã có những chàng trai của hai giáp Đông và Đoài xếp hàng chờ sẵn. Con lợn được thả đi lại giữa hai hàng người, chung quanh sân Đình có rất đông dân làng đến xem. Trước tiên là nghi thức trình lợn lên Đức Thành Hoàng do ông Tiên chỉ đảm trách.

Sau lễ trình lợn, một thanh niên đã được chọn trước là người của hai giáp luân phiên, năm này người giáp này thì sang năm người giáp kia. Chàng trai cầm một thanh đao thật sắc, theo lệnh của ông Tiên chỉ chủ lễ, nhảy ra nắm cổ con lợn chém một nhát. Phải chém thật mạnh, làm sao chỉ một nhát là đứt phăng đầu con lợn. Con lợn có khi chỉ kịp éc một tiếng là đã lảo đảo rồi ngã vật ra sân đình trước bàn thờ trong tiếng hò reo của dân làng, người ta hứng tiết lợn vào một chiếc chậu, và làm thịt con lợn ngay tại sân đình. Thịt lợn được làm để sửa lễ cúng thần. Sau đó thịt lợn được cả làng cùng hưởng.

Trong sách nhà văn Toan Ánh cũng có viết, ngoài làng Tích Sơn ở huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên (Vĩnh Phú), còn có làng Niệm Thượng cũng có tục chém lợn, chỉ khác ở chỗ con lợn bị chém ở làng Tích Sơn được thả rông, còn con lợn bị chém ở làng Niệm Thượng được nhốt trong cũi, và một năm chém hai con lợn của hai giáp trong làng. Tục chém lợn ở làng Niệm Thượng nhắc lại lúc Lý Công bị đói đã chém con lợn ở núi Nghè.

Tục chém gà, chém lợn ngày trước theo nhà văn Toan Ánh xem thật tàn bạo khi diễn lại Thần tích xưa của làng, nhưng cũng có những lý do khác của nó. Theo nhà văn là khuyến khích chăn nuôi gia súc, chọn giống tốt, phát huy kỹ thuật chăn nuôi. Ông cũng tự hỏi trong sách là ngoài việc Thần tích và khuyến khích chăn nuôi thì mỗi cổ tục như thế lại có một ý nghĩa tượng trưng nào khác chăng?

Theo tôi, có lẽ cũng như tục đâm trâu của người Thiểu số trên cao nguyên Trung phần trước đây mà tôi đã từng được chứng kiến vào trước năm 1975, trong một ngôi làng Thượng tại Kontum, một tục lệ rất mạnh bạo, dã man. Con trâu được cột trước bãi đất trống trước ngôi nhà rông (nhà rông của người Tây nguyên cũng tựa như ngôi đình làng của người Kinh). Sau phần nghi lễ của Thày mo hay Già làng, các chàng trai tay cầm giáo mác lao vào đâm con trâu trong tiếng cồng chiêng thúc giục. Con trâu lồng lên theo bản năng nhưng không thể nào thoát vì đã bị sợi dây cột chặt, và bị đâm như thế cho đến chết, sau đó con trâu được xẻ thịt để cả làng cùng hưởng. Đấy là một tập tục của họ mang ý nghĩa luyện tập cho các chàng trai trong buôn làng tính chiến đấu, lòng can đảm khi môi trường sống của họ là nơi rừng núi, luôn phải đương đầu với thú dữ, và cũng là một cách để các chàng trai luyện tập kỹ năng săn bắt thú rừng.

Lễ đâm trâu của người Thượng ở cao nguyên. Ảnh Internet.

Tục chém gà, chém lợn khi xưa của người Việt có lẽ cũng thế, cũng là một cách để rèn luyện cho các chàng trai tính can đảm, một đức tính rất cần thiết khi xưa, nhất là trong thời buổi loạn lạc, để các chàng trai có đủ dũng khí chống lại giặc ngoại xâm, chống lại cướp bóc, bảo vệ đất nước, xóm làng...

Hiện nay cũng có nơi diễn lại tục chém lợn, sáng nay tôi đọc báo Tuổi Trẻ (30-1-2015), có nói về tục này tại làng Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh (tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch), với bài báo có tiêu đề Không khuyến khích lễ hội "man rợ". Dưới đề nghị của tổ chức Đông vật Châu Á (Animals Asia) mới đây, tổ chức này đã phát đi thông điệp kêu gọi cộng đồng cùng ký tên kiến nghị cơ quan chức năng Việt Nam sớm ban hành luật chấm dứt lễ hội chém lợn tại làng Ném Thượng kể trên. Tổ chức Động vật Châu Á cho rằng đây là hoạt động phản cảm, gây tác động tiêu cực về nhiều mặt, làm ảnh hưởng xấu tới tâm lý của người chứng kiến.

"Việc chém những con heo còn đang sống khỏe mạnh là một lối đối xử tàn ác đối với động vật, làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là đối với trẻ em, đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng."
(Trích Tuổi Trẻ Online)

Ở trang mạng của báo Thể thao & Văn hóa (29-1-2015), cũng có bài viết về vấn đề này dưới bài viết Không chém lợn coi như mất lễ hội, bài báo cho biết nhiều người dân tại nơi diễn ra lễ hội chém lợn đã bảo lưu ý kiến giữ lễ hội này, họ cho rằng đây là lệ làng không thể bỏ được.

Trong lễ hội chém lợn ngày nay, sau khi con lợn bị chém có đông thanh thiếu niên (đủ cả nam, nữ) ùa vào lấy những tờ tiền lẻ quết vào tiết lợn để lấy hên. Không thấy nhà văn Toan Ánh viết về điều này trong lễ hội chém lợn ngày xưa.

Cảnh tàn bạo trong lễ hội chém lợn ngày nay. Ảnh Internet.

Hình ảnh nam thanh nữ tú, có cả thiếu niên ùa vào lấy tiền quết tiết lợn lấy hên.  
Ảnh Internet.

Giữ hay không giữ lại những lễ hội này, khi bây giờ lễ hội đã vượt ra khỏi phạm vi một ngôi làng chứ không như ngày xưa, và hình ảnh của lễ hội trong tích tắc đã được mạng xã hội truyền đi khắp thế giới. Có lẽ mỗi người chúng ta và nhất là người dân làng Ném Thượng, nơi diễn ra tục chém lợn, và các nhà bảo tồn văn hóa sẽ có những suy nghĩ và có câu trả lời...


Ghi chú:

* Hội hè đình đám Việt Nam, Toan Ánh, NXB , NXB TP. HCM - 1999.






Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

Cái tên.


Bài viết trên báo Tuổi Trẻ.

Sáng nay đọc báo Tuổi Trẻ (Thứ Tư 28-1-2014), thấy có bài viết với tựa đề "Giận Facebook vì buộc dùng tên thật", nội dung bài viết nói về việc nhiều người sử dụng trang mạng Facebook dưới những bí danh (nickname - ních nêm), than thở vì nhà mạng này buộc phải dùng tên thật, chẳng hạn như Trần A, Nguyễn B, thay cho Charlie Tèo, Marie Tũn, Cún Con, hay Mèo Mun... v.v... nếu muốn tiếp tục tồn tại trên cõi đời nhà mạng.

Hì hì! Một quy định chẳng biết hợp lý hay không hợp lý, đúng sai ra sao? Chỉ thấy là báo đăng dân xài mạng xưa nay đã quen xài "nick" than thở quá xá, người ta nói đó là quyền tự do của con người trong thế giới ảo (lạ, đã là "thế giới ảo" mà còn bắt phải dùng tên thật). Cũng như bây giờ người ta nói "Lệ rơi", "bà Tửng,  bà Tưng"... ai cũng biết, nhưng nếu phải đổi lại tên thật của họ như Nguyễn Văn Mít, hay Trần Thị Xoài... thì mọi người sẽ ngơ ngác, và rồi sau đó nghe có quen đi thì Văn Mít,  Thị Xoài... cũng không thể ấn tượng được bằng Lệ Rơi với Tửng Tưng.

Cái tên - Cha sinh mẹ đẻ ai cũng phải có, ông A, bà B, cụ C, lão D... để mà ghi vô sổ bộ, làm bằng chứng khi chào đời lẫn lúc lìa đời, để phân biệt người này với kẻ khác. Không biết xứ người ra sao? Chứ xứ ta có cái tên thôi cũng... mênh mông. Sinh ra các cụ chọn cho cái tên, nhà quê thường thường thì Ất, Giáp, Bính, Thìn, Mít, Ổi, Xoài, Mơ, Mận..., Lẫm chẫm biết bò, biết đi có thêm cái tên Cu, Cò, Hĩm, Lượm, Đĩ, Đẹt... để tà ma quỷ sứ khỏi dòm ngó. Con cụ đồ, con nhà tỉnh ăn ở hiền lành thì Phúc, Đức, Hạnh Dung... Con nhà giàu sang quan cách thì Lễ, Nghĩa, Giàu, Sang, Phú, Quý... Lớn lên trong gia đình, chòm xóm thì anh Hai, thằng Ba, chị Tư, con Năm... Trong dòng họ thì cậu Cả, bác Năm, cụ Trưởng... Và bước xuống cuộc đời thì thày Ký, cô Ký, ông Đốc (Docteur), bà Phán, ông Phủ... Tư xe kéo, Năm xích lô, chị Hai hột vịt lộn, thím Năm bún bò, bà Bảy ve chai...

Thời nay hồi còn đi làm tôi có nghe "giang hồ" gọi những vị quan chức bằng những biệt danh khá lạ, anh Ba nổ, anh Tư cô đơn... Hỏi ra mới biết khi bù khú, nhậu nhẹt có vị rất thích nổ với em út, một bước tới trời, hoặc ngược lại có vị bình thường nói nhiều nhưng rượu vào lại ít nói, cứ trầm tư như ông sư đang thiền định...

Trở lại chuyện nhà mạng Facebook bắt người sử dụng phải dùng tên thật, chẳng hạn ních nêm đang là Charlie Tèo bây giờ phải đổi thành Nguyễn Văn Tèo, hay Rosetta Nở thì sẽ phải trở lại là nguyên gốc là Huỳnh Thị Nở... Chẳng hiểu ý đồ của nhà mạng là gì? Họ bắt người sử dụng phải dùng tên thật để giảm bớt tình trạng đã cho xài mạng chùa mà còn dùng ních để giấu mặt mà ăn nói lung tung chăng? Tức là như dân gian ta thường hay nói "Nắm kẻ có tóc chứ không nắm kẻ trọc đầu?". Nhưng mà nghĩ thêm chút nữa, những cái tên người ta khai ra cho nhà mạng quản lý như Nguyễn Văn Mít, Trần Thị Xoài, Lê Văn Ổi, Bùi Thị Gái... kia có phải là tên thật như cha sinh mẹ đẻ đặt trên giấy tờ của họ không? hay cũng chỉ là một cái tên ảo lấy ra cho có? Đâu có ai biết tôi tên Xoài mà lại khai tên Ổi. Nhà mạng đâu có thể kiểm tra căn cước hay sổ gia đình của họ...

Hồi nào tới giờ tôi không tham gia vào trang của nhà mạng Facebook, bạn bè bên ấy đông cứ nói tôi qua chơi cho vui, cũng định tết này chọn ngày lành tháng tốt nhảy qua bên ấy tán dóc chơi với bạn bè, năm nay là năm con Dê, lấy đại cái ních là Dê, mình không còn trẻ nên thêm chữ Già, đại khái là Dê Già, hay... Già Dê, rồi lên Gú Gồ sợơc một cái hình con Dê cụ làm a va ta cho nó thời thượng, nhưng mà tình hình nhà mạng không cho xài ních nêm nữa làm mất cả ý tưởng, chắc là thôi vậy.

 Hù hù!







Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

Những ngôi chùa Ấn giáo, và Hội quán của người Hoa ở Saigon.

Chùa Ấn giáo Subramaniam Swami. Ảnh Internet.

Người Ấn là một trong số những người ngoại quốc có mặt khá sớm ở đất Saigon, khi những Chettiyars (âm Hán-Việt là Thiết Đế Á Nhĩ), tức cộng đồng thương buôn ở miền Nam Ấn Độ lần đầu tiên đến thành phố, ít nhất đã trên 200 năm trao đổi buôn bán hàng hóa. Trong sách Sài Gòn năm xưa học giả Vương Hồng Sển đã gọi những thương nhân người Ấn này là Chà Chetty. Có lẽ các bạn nào trước năm 1975 đã ở Saigon, hẳn còn nhớ những cửa hiệu bán vải, những tiệm ăn chuyên bán món cà ri nị cay xé lưỡi của những người Ấn, hoặc những ông Chà gác gian (gardian) mặc bộ quần áo "đại lễ" đứng gác cửa khách sạn Majestic hay Caravelle, hay những anh Chà chạy chiếc xe Mobylette xộc xệch đằng sau ba ga xe có chở 2 túi vải đựng đầy những chai sữa dê đi giao cho các cửa tiệm, và cả những anh Chà chuyên cho vay bạc nặng lãi "xanh xít đít đui".

Cộng đồng người Ấn Độ xưa kia ở Saigon khá đông, cho nên họ đã xây dựng khá sớm những ngôi đền thờ của họ. Ở Saigon hiện nay có bốn ngôi đền thờ của Ấn giáo (Hinduism), gọi nôm na là những ngôi chùa Ấn Độ. Xin giới thiệu hai ngôi đền Ấn giáo xưa nhất nằm ở ngay trung tâm thành phố nơi quận 1 bây giờ. Ngôi chùa Ấn giáo được xây dưng đầu tiên vào cuối thế kỷ thứ 19 (năm 1885, đến nay đã 130 năm, bằng với thời gian người Pháp xây dựng những ngôi nhà thờ Thiên Chúa giáo), đó là chùa Subramaniam Swami, dân gian còn còn gọi là Chùa Ông tọa lạc nơi đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa quận 1. Chùa có chánh điện lớn nhất trong bốn ngôi chùa Ấn giáo ở Saigon (theo nguyên tắc của đạo Hindu chùa được xây dựng đầu tiên có khu chánh điện lớn nhất, những ngôi chùa xây về sau có chánh điện nhỏ hơn).

Một bệ thờ trong chùa Subramaniam Swami. Ảnh Internet.

Như tên gọi chùa thờ thần Subramaniam Swami, con của Shiva. Thần Subramaniam Swami là vị thần có quyền lực rất cao trong đạo Hidu. Trong chùa cón có hình tượng nhỏ của linga và yoni, kết hợp của linga và yoni được rắn thần Nagar che chở, chùa còn thờ hình tượng Shiva(*) Brahma(**) Vishnu(***). Đặc biệt chùa còn có bệ thờ chín vì sao hộ mệnh. Bệ thờ này do một quan chức Cambodge tên Shavaliy xây tặng. Trong chùa cũng còn có cả tượng Phật, và hình ảnh của những nhân vật nổi tiếng Ấn Độ như Thánh Sai Baba, nhà thơ Rabindranath Tagore, lãnh tụ Mahatma Gandhi, nhà cách mạng Subhash Chandra Bose...


Chùa Mariyamman. Ảnh Internet.

Ngay sau khi xây dựng chùa Subramaniam Swami, những người Ấn Độ ở Saigon tiếp tục xây dựng một ngôi chùa khác cũng ở trung tâm thành phố, nơi đường Trương Định quận 1. Đó là ngôi đền Ấn giáo mang tên Mariyamman, Mariyamman có nghĩa là Bà mẹ tên là Mari, là một nữ thần hóa thân từ thần Shiva của Ấn Độ giáo. Cũng như các ngôi chùa Ấn Độ khác, trong chùa còn thờ nhiều vị thần khác, trong khi ngôi chùa Ông Subramaniam Swami ở gần đấy thường vắng vẻ, thì chùa Mariyamman lại đông khách vãng lai, nhiều người Việt, người Hoa ở Saigon cũng đến đây lễ bái. Người Việt đã gọi ngôi chùa này là Chùa hoặc Chùa Bà Đen, vì đã đồng hóa nữ thần Mariyamma với Linh Sơn Thánh Mẫu được thờ phụng tại núi Bà Đen (Tây Ninh).

Thần Mariyamman. Ảnh Internet.

Chùa cũng có nét đặc biệt là thường hay tổ chức bố thí cơm nước cho những người nghèo.

Một cộng đồng về tôn giáo khác ở Saigon, họ đã xây dựng lên những cơ sở tín ngưỡng khá độc đáo, đó là những ngôi miếu mà người Hoa (đúng ra là người Việt gốc Hoa) còn gọi là Hội quán, trong dân gian quen gọi là Chùa Tàu. So với những ngôi đền Ấn Độ giáo, thì những ngôi miếu hay Hội quán của người Hoa có lẽ quen thuộc hơn. Có một điểm tương đồng giữa tên gọi của những ngôi đền Ấn giáo và những Hội quán của người Hoa trong dân gian, là cách gọi Chùa ÔngChùa Bà, chùa thờ thần phái nam thì gọi là Chùa Ông, còn thờ thần phái nữ thì gọi là Chùa Bà. Xin giới thiệu hai ngôi Chùa ÔngChùa Bà của người Hoa trong khu vực Chợ Lớn.

Hội quán Nghĩa An (Chùa Ông). Ảnh Internet.

- Hội quán Nghĩa An: còn được gọi là Chùa Ông, tọa lạc tại đường Nguyễn Trãi, quận 5. Đây là một Hội quán của người Triều Châu và người Hẹ sống ở Triều Châu, di dân sang sinh sống ở khu vực Chợ Lớn thành lập. Không rõ Hội quán được xây dựng vào năm nào, có lẽ muộn nhất vào khoảng đầu thế kỷ 19, vì trong sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức viết vào năm 1818 đã nhắc đến.

Tượng Quan Vân Trường. Ảnh PNH.

Miếu thờ chính là Quan Thánh Đế Quân, tức Quan Vân Trường (Quan Công) nên được dân gian gọi là Chùa Ông, nhưng trong miếu cũng còn thờ những vị thần khác của người Hoa, như Thiên Hậu Nguyên Quan (Bà Thiên Hậu), Tài Bạch Tinh Quân (Thần tài), là những vị thần không thể thiếu trong các miếu thờ của người Hoa, và nhiều vị thần khác.

Hội quán Tuệ Thành. Ảnh PNH.

- Hội quán Tuệ Thành: còn được gọi là Chùa Bà Thiên Hậu, hoặc gọi tắt là Chùa Bà, là ngôi miếu thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu của cộng đồng người Hoa Quảng Đông, có nguồn gốc ở thành phố Quảng Châu Trung Quốc. Do Tuệ Thành còn là biệt hiệu của thành phố Quảng Châu, nên khi đến định cư ở vùng Saigon họ đã chọn tên gọi nơi quê quán cũ để đặt tên cho Hội quán của mình. Cũng không có tài liệu ghi rõ năm xây dựng Hội quán Tuệ Thành, chỉ được nghe những người có tuổi truyền tụng ngôi miếu đã được xây dựng vào đầu triều đại Mãn Thanh (năm 1760), khi những thương nhân theo tàu buôn sang Việt Nam buôn bán. Do đi biển thường gặp sóng to gió lớn nên họ đã cầu xin Thánh Mẫu phù trợ, và khi đến vùng Saigon ngày nay họ đã cho xây dựng ngôi miếu thờ Thiên HậuThánh Mẫu.

Những con heo quay được cúng trong ngày vía Bà Thiên Hậu. Ảnh PNH.

Ngoài tượng Bà Thiên Hậu được thờ nơi chính điện, trong Hội quán còn thờ nhiều vị thần khác. Trên nóc của miếu được trang trí bằng những hoa văn hoa lá, những hình nhân bằng gốm do hai lò gốm Bửu Nguyên và Đồng Hòa, là hai lò gốm nổi tiếng một thời ở Chợ Lớn sản xuất.

Những người đến lễ bái hoặc du khách ăn mặc khá thoải mái khi thăm viếng. 
Ảnh PNH.

Có một điểm khá đặc biệt nơi những Hội quán của người Hoa ở Chợ Lớn là nét thoải mái đối với người địa phương đến lễ bái, hoặc với những du khách khi thăm viếng. Ngay cả trong những ngày lễ lớn như ngày vía Bà (23 tháng 3 âm lịch hằng năm), Tết Nguyên đán, hoặc ngày Thượng nguyên (rằm tháng giêng), Trung nguyên (rằm tháng bảy), hay Hạ nguyên (rằm tháng mười), chúng ta vẫn thấy những phụ nữ đến lễ bái mặc đồ bộ như khi ở nhà, du khách ngoại quốc có thể mặc sọoc hay áo hai dây, không dây thăm viếng thoải mái, và nếu bạn là người thích nhiếp ảnh, xin cứ ghé chụp tự nhiên. Tuy dân gian cũng gọi là Chùa Tàu, nhưng nơi này không có sư trú trì như nơi chùa của người Việt, Hội quán của họ thường được điều hành bởi một Ban trị sự. Chỉ có điều trong những ngày lễ lớn thiện nam tín nữ ghé miếu cũng thường đốt nhang thoải mái, khói nhang và khói vàng mã được đốt đến ngộp thở.

Có một điểm cũng đặc biệt khác nơi chùa Tàu của người Hoa là những cuộn nhang vòng được đốt treo trên cao trong những ngày lễ lớn của họ, khác với nơi chùa người Việt. Người đến lễ bái thường thỉnh những cuộn nhang vòng của chùa và nhờ họ thắp treo lên cao với những điều ước của mình, một cuộn nhang vòng lớn treo lên như thế, có thể cháy được cả tuần lễ.

Những cuộn nhang vòng thắp treo trên cao nơi chùa Tàu. Ảnh PNH.

Trước năm 1975 những miếu được gọi là Hội quán hay chùa Tàu của người Hoa ở Chợ Lớn, thường có một trường học từ cấp tiểu học đến trung học cùng trong khuôn viên, và một bệnh viện ở gần đấy để chăm lo sức khỏe cho cộng đồng của họ.



Ghi chú:

(*) (**) (***) Shiva, Brahma, Vishnu: là ba vị thần quan trọng của Ấn giáo, Shiva tiếng Phạn có nghĩa là điềm lành, đọc theo âm Hán-Việt là Thấp Bà, nhưng theo một số trường phái trong Ấn giáo Shiva được xem là đấng biến đổi hay hủy diệt (hủy diệt để tái tạo). Brahma là thần Sáng tạo trong Ấn giáo, âm Hán-Việt là Phạm Thiên, được xem là vị thần sáng tạo, sinh ra loài người. Vishnu, âm Hán-Việt là Tì Thấp Nô, là vị thần bảo hộ trong Ấn giáo.

(Theo Wikipedia)

Tham khảo:

- Từ điển Thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh, nhiều tác giả, NXB Trẻ - 2001.
- Một số cơ sở tín ngưỡng dân gian, nhiều tác giả, Ban Quản lý di tích Lịch sử Văn hóa và Danh lam thắng cảnh - Sở Văn hóa và Thông tin - 2001.
- Hỏi đáp về Thành phố Sài Gòn - HCM, tập 6 Kiến trúc và Tín ngưỡng, NXB Trẻ - 2007.
- Những dấu vết Văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam, Geetesh Sharma - Thích Minh Trí dịch, NXB Văn hóa Văn nghệ TP. HCM - 2012.










Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

Những ngôi chùa, đình, nhà thờ xưa ở Saigon.


Gặp người bạn cũ nói có người quen ở nước ngoài đã lâu về chơi, muốn được chở bằng xe gắn máy, đi xem một số nơi thờ phượng, tín ngưỡng xưa ở Saigon. Bạn cũng không rành lắm. Tôi hỏi thế người quen của bạn muốn đi xem nhà thờ hay chùa chiền? Bạn nói họ muốn đi xem đủ hết, nhà thờ, chùa, đình, miếu gì cũng được. Đất Saigon là nơi hội tụ của nhiều tôn giáo với rất nhiều cơ sở tín ngưỡng, khó lòng đi thăm hết được, tôi nói để tôi giới thiệu cho bạn một số nơi tiêu biểu của vài tôn giáo quen thuộc, và tín ngưỡng dân gian. Ngồi chơi uống cà phê nhớ lại, tôi chỉ cho bạn một số nơi bạn có thể dắt ngươi quen của bạn đi xem, bởi những nét đặc trưng của nó, về văn hóa, kiến trúc, lịch sử. Đó là những ngôi chùa, đình, đền, nhà thờ... xưa, những nơi này là chứng nhân của cả một lịch sử thăng trầm của đất Saigon. Bạn nói nếu tôi mà đi được cùng thì hay quá. Nhân tiện tôi viết vài nét sơ lược về những nơi mà chắc các bạn cũng đã từng ghé, hay nghe nói đến.

Trước hết về Phật giáo thì bạn có thể đến những ngôi chùa cổ này:

- Chùa Giác Lâm - Tổ đình Giác Lâm (phái thiền Lâm Tế): nằm trên đường Lạc Long Quân quận Tân Bình, xưa kia chùa tọa lạc trên một vùng đất gò cao có trồng nhiều cây cổ thụ, và những loại cỏ thơm dày như tấm đệm gấm, nên còn được người dân gọi là chùa Cẩm Đệm, chùa Cẩm Sơn Cang, gọi tắt là Sơn Cang (chùa Gò, Cang có nghĩa là gò). Ban đầu chỉ là một cái am nhỏ thờ Phật được xây dựng từ năm 1744, đến nay (2015) đã được 271 năm. Đến cuối thế kỷ thứ 18 sang đầu thế kỷ thứ 19 (1798-1804) chùa được trùng tu và đổi tên là Giác Lâm cho đến ngày nay. Qua nhiều năm chùa được trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữa được nét kiến trúc xưa ban đầu.

Tuy chùa được xây bằng gạch, nhưng nội thất của chùa có đến 98 cây cột bằng gỗ quý chống đỡ giàn mái ngói. Ngoài phần kiến trúc cổ kính, chùa Giác Lâm còn có 118 pho tượng cổ chủ yếu bằng gỗ mít (số tượng xê xích nhau vài cái tùy theo tài liệu), những bao lam, hoành phi, câu đối, những ban thờ xưa chạm trổ, sơn thếp.

Tổ đình Giác Lâm. Ảnh Internet.

Chùa Giác Lâm đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích văn hóa-lịch sử cấp quốc gia vào năm 1988

- Chùa Giác Viên: cũng nằm trên đường Lạc Long Quân gần chùa Giác Lâm, nhưng thuộc quận 11, cạnh khu du lịch Đầm Sen ngày nay. Năm 1798 khi trùng tu chùa Giác Lâm, Hòa thượng Viên Quang trú trì chùa Giác Lâm có cử một vị sư già trông coi việc nhang đèn, nên gọi là Hương Đăng, cất một cái am gần chùa Giác Lâm, nơi một bến nước (gỗ chở bằng đường thủy đến bến nước này), để trông coi số gỗ chở trên rừng về dành cất chùa Giác Lâm. Vị sư Hương Đăng cất am thờ Bồ tát Quán Thế Âm, gọi là Quán Âm các. Sau nhiều lần trùng tu, đến năm 1850 Hòa thượng trú trì lúc bấy giờ là Hải Tịnh đã đổi tên Quán Âm các thành Giác Viên tự (chùa Giác Viên).

Kiến trúc của chùa Giác Viên có những nét tương đồng với chùa Giác Lâm, mái lợp bằng ngói âm dương không có những đầu đao cong, chỉ có một mái (tương tự như mái đình Việt Nam), tường gạch.
Cũng như chùa Giác Lâm, ngoài phần kiến trúc cổ thì chùa Giác Viên còn có 153 bức tượng gỗ mít cổ, 60 bao lam lớn nhỏ với những chủ đề tôn giáo và dân gian như Thập bát La Hán, Ngư tiều canh mục, Tô Vũ chăn dê. Đặc biệt là bao lam "Bá điểu" khắc hình những loài chim, và nhiêu hoành phi, câu đối, cùng những ban thờ cổ. Sân sau của chùa còn có một cây bạch mai cổ thụ sum suê, lấy giống từ cây bạch mai nơi gò Cây mai (quận 5).

Chùa Giác Viên. Ảnh Internet.

Chùa Giác Viên cũng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia vào năm 1993.

Những nơi thuộc về tín ngưỡng dân gian ở Saigon có những ngôi đình. Ta quen thấy một Saigon hiện đại với những tòa nhà cao tầng khắp nơi, có lẽ ít người biết trên đất Saigon vẫn còn khoảng 300 ngôi đình nằm rải rác khắp các quận huyện. Tôi giới thiệu cho bạn hai ngôi đình nằm trong nội thành Saigon.

- Đình Thông Tây Hội: nằm ở quận Gò Vấp, đây là ngôi đình cổ nhất ở Saigon, được xây dựng vào năm 1679 với những nét đặc trưng của một ngôi đình Việt Nam, mái ngói âm dương và những hàng cột bằng gỗ quý, không có tường gạch bao quanh, là chứng tích còn nguyên vẹn của thời kỳ dân Ngũ Quảng theo chân chúa Nguyễn vào miền Nam khai khẩn. Thông Tây Hội là tên gọi của hai thôn Hanh Thông Tây (Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức chép là Hanh Thông Tây chứ không phải Hạnh Thông Tây như sau này) và thôn An Hội ghép lại. Đình thờ thần Đông Chính Vương và Dực Chính Vương là hoàng tử con vua Lý Thái Tổ.

Đình Thông Tây Hội. Ảnh Internet.

Đình Thông Tây Hội đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích nghệ thuật quốc gia vào năm 1998.

- Đình Phú Nhuận: ban đầu đình Phú Nhuận được xây dựng bên một bờ kinh tục gọi là kinh Gia Long, nay đã bị lấp. Sau có ông Lê Tự Tài  làm xã trưởng hiến cho xã một khu đất cao nhất vùng gọi là gò Kim Quy, đình được dời đến đó. Không rõ đình được xây dựng năm nào, có nơi chép khoảng năm 1818 (đến nay cũng xấp xỉ 200 năm). Đến năm 1853 vua Tự Đức sắc phong cho thần của đình, trong sắc phong có câu bằng chữ Hán: Sắc: Ma La Cẩn Thành hoàng chi thần, nguyên tặng Phổ hậu Chính trực Hựu thiện chi thần, hộ quốc tý dân nẫm trứ linh ứng. Dịch nghĩa: Sắc: Thần Thành hoàng Ma La Cẩn, vốn đã được tặng là thần Phổ hậu Chính trực Hựu thiện, giúp nước cứu dân từng nhiều lần hiển hiện linh ứng. Như vậy Thành hoàng ở đình Phú Nhuận có tên là Ma La Cẩn, đã được sắc phong của triều đình Huế vào năm 1853, năm Tự Đức thứ 5.

Đình Phú Nhuận ngày nay. Ảnh Internet.

Đình Phú Nhuận đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích nghệ thuật quốc gia vào năm 1997.

Trên đây là những ngôi chùa Phật giáo thờ Phật và đình thờ Thành hoàng tiêu biểu cho tín người dân gian của người Việt ở Saigon. Đối với đạo Thiên chúa giáo do người Tây phương du nhập vào Việt Nam, những ngôi nhà thờ Thiên chúa giáo do người Pháp xây dựng tại Saigon có khá nhiều, với kiến trúc đặc trưng Tây phương. Nổi tiếng có nhà thờ Đức Bà, nhà thờ Huyện Sỹ, nhà thờ Tân Định, nhà thờ Ngã Sáu, nhà thờ Thị Nghè, nhà thờ Hạnh Thông Tây... Nhà thờ Huyện Sỹ do ông bà Lê Phát Đạt, còn được gọi là Huyện Sỹ hiến đất và xuất tiền ra xây dựng, trong nhà thờ Huyện Sỹ có mộ phần của ông bà Lê Phát Đạt. Ông Huyện Sỹ là một nhân vật giàu có nhất Saigon thời đó với câu truyền tụng trong dân chúng: "nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Trạch". Ông Huyện Sỹ chính là ông ngoại của Hoàng hậu Nam Phương, vợ của vua Bảo Đại.

Còn nhà thờ Hạnh Thông Tây do ông Lê Phát An bỏ tiền xây dựng, ông Lê Phát An là con trai của ông Lê Phát Đạt, ông là chú của Hoàng hậu Nam Phương. Cũng như nhà thờ Huyện Sỹ, bên trong ngôi nhà thờ Hạnh Thông Tây cũng có mộ phần của ông bà Lê Phát An.

Nhưng những ngôi nhà thờ Thiên chúa giáo tôi muốn giới thiệu cho bạn là những ngôi nhà thờ khác, vì những nét riêng:

- Nhà thờ Chợ Quán: còn được gọi là nhà Thánh tâm Chúa Jesus, đây là một ngôi nhà thờ có nguồn gốc lâu đời nhất đất Saigon cùng với họ đạo Chợ Quán. Khởi nguyên của nhà thờ Chợ Quán ngày nay là một ngôi nhà nguyện nhỏ, do các tín hữu Ki Tô từ miền Bắc Trung Bộ vào lập nghiệp tạo nên vào khoảng năm 1674, tình đến nay đã trên 300 năm. Trải qua khoảng 200 năm gian khó ngôi nhà thờ hiện nay đã được khởi công xây dựng lại từ năm 1882, đến năm 1896 mới hoàn tất. Toàn bộ khuôn viên nhà thờ khá rộng, cạnh đó còn có một tu viện, và khu mộ của nhà bác học Trương Vĩnh Ký. Nhà thờ Chợ Quán tọa lạc tại quận 5 Saigon, được xây theo kiến trúc Tây phương.

Nhà thờ Chợ Quán. Ảnh Internet.

- Nhà thờ Cha Tam: nằm trong khu vực quận 5 nơi trung tâm của người Hoa ở Chợ Lớn, cũng còn gọi là nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê (Saint Francisco Xavier). Sở dĩ có tên là nhà thờ Cha Tam là do cha Tam Assou (đọc theo âm Hán-Việt là Đàm Á Tô), là một người Hoa đứng ra xây dựng. Đây là ngôi nhà thờ đầu tiên của người Hoa ở Saigon. Được xây dựng vào năm 1900 đầu thế kỷ 20, hoàn thành 2 năm sau vào năm 1902. Khu nhà thờ có một đặc điểm là ngoài ngôi giáo đường, còn có một trường học, nhà nuôi trẻ, một nhà nội trú, và một dãy nhà ở cho thuê.

Nhà thờ Cha Tam được xây dựng theo kiến trúc Tây phương pha trộn phong cách Á đông, mái lợp ngói âm dương, trên nóc nhà thờ có hình tượng hoa sen, đầu đao uốn cong có gắn tượng rồng. Bên trong nhà thờ hai bên phía sau bàn thờ cử hành thánh lễ trên cao có 2 câu liễn viết bằng chữ Hán, đọc từ bên phải qua "Ảo thế phù vinh bất túc mãn nhân nguyện" (Vinh hoa phù phiếm hư ảo không thể làm vừa ham muốn của con người), "Thiên hương vĩnh phúc phương năng suy thiện tâm" (Ơn đức thơm thảo lâu dài của chúa Trời giúp người suy gẫm về lòng thiện).

Ngoài những ý nghĩa về kiến trúc, tôn giáo, nhà thờ Cha Tam còn ẩn chứa một sự kiện lịch sử, Vào ngày 1-11-1963 tại miền Nam lúc bấy giờ xảy ra một cuộc đảo chính đối với chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Sáng ngày 2-11-1963 Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ của ông là Ngô Đình Nhu đã đến nhà thờ Cha Tam cầu nguyện, và sau đó nộp mình cho phe tướng lĩnh đảo chính, nhưng 2 ông đã bị giết trong một chiếc xe thiết giáp khi bị giải về Bộ Tổng Tham Mưu lúc bấy giờ. Cách nay ít năm khi tôi ghé nhà thờ, ở dãy ghế ngồi phía cuối nhà thờ còn một tấm bảng ghi rõ bằng tiếng Pháp chiếc ghế 2 ông đã ngồi cầu nguyện, và sự việc 2 ông bị phe đảo chính giết.

Trong nhà thờ Cha Tam gần ngay cửa ra vào, sau khi mất Cha Tam cũng được chôn cất ở đây.

Nhà thờ Cha Tam khi xưa. Ảnh Internet.

Hai bên bàn thờ bên trong nhà thờ phía trên cao có 2 câu liễn viết bằng chữ Hán. Ảnh Internet.

Ngoài những ngôi đình, chùa, nhà thờ của người Việt tôi cũng còn nói cho bạn về một vài ngôi chùa, đền, điện thờ của người Ấn Độ, Hồi giáo, người Hoa ở Saigon. Bạn nói khi nào chở người quen đi xem nhờ tôi đi cùng để làm "hướng dẫn viên du lịch" giúp. Hì hì, bây giờ mà chạy xe gắn máy đi mấy ngôi chùa, đình, nhà thờ như tôi đã giới thiệu ở trên thôi cũng phải hết mất ngày và cũng đủ... oải chè đậu.


Ghi chú:

- Về năm xây dựng của những ngôi chùa, đình, nhà thờ kể trên có nhiều nguồn (sách, thông tin trên những trang mạng) ghi không thống nhất.

Tham khảo:

- Một số cơ sở tín ngưỡng dân gian, nhiều tác giả, Ban Quản lý Di tích Lịch sử Văn hóa và Danh lam Thắng cảnh - Sở Văn hóa Thông tin xuất bản năm 2001.

- Hỏi đáp về Kiến trúc - Tín ngưỡng, nhiều tác giả, NXB Trẻ - 2007.

- Những Ngôi chùa nổi tiếng ở TP. HCM, Trương Ngọc Tường - Võ Văn Tường, NXB Trẻ - 2006.

- Nhà thờ Công giáo ở TP, HCM, Hồ Tường chủ biên, NXB Trẻ - 2007.











Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

Một câu hỏi.

Giáo Hoàng Francis ôm cô bé Glyzelle Palomar sau câu hỏi đầy ấn tượng. 
Ảnh của Thanh Niên Online trích từ AFP.


"Rất nhiều trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi. Rất nhiều trẻ em bị rơi vào ma túy và mại dâm. Tại sao Chúa lại để điều đó xảy ra với chúng con. Trẻ em không có tội". (Báo Thanh Niên Online Chủ nhật 18-01-2015, trích từ AFP).

Đó là câu hỏi của một cô bé 12 tuổi tên là Glyzelle Palomar ở Philippines đã gởi tới Đức Giáo Hoàng Francis* đương nhiệm, khi Ngài đến thăm đất nước Philippines trong một buổi lễ diễn ra tại Trường đại học Thiên Chúa giáo ở thủ đô Manila - Philippines, ngày 18-01-2015. Câu hỏi đã khiến Giáo Hoàng nghẹn ngào và ôm lấy em.

Đọc Thanh Niên Online trích từ AFP, cô bé Glyzelle Palomar đứng cạnh một cậu bé vô gia cư 14 tuổi khi hỏi Đức Giáo Hoàng. Bản thân cô bé Palomar đã từng là một trẻ vô gia cư trước khi được nhà thờ nuôi dưỡng, và cô bé Palomar đã bật khóc sau khi đặt câu hỏi. Vị Giáo Hoàng 78 tuổi đã ôm lấy Palomar và cậu bé vô gia cư. Sau đó thay vì phát biểu một bài bằng tiếng Anh đã chuẩn bị từ trước thì Đức Giáo Hoàng Francis đã nói một cách chân thành bằng tiếng mẹ đẻ Tây Ban Nha, trước khoảng 30.000 người có mặt.

Đức Giáo Hoàng nói: "Cô bé là người duy nhất đặt ra một câu hỏi mà không có câu trả lời. Cô bé thậm chí không thể diễn tả bằng ngôn từ mà chuyển tải bằng nước mắt. Câu hỏi gần như không có câu trả lời".

Trong một diễn biến khác, phát biểu về vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Paris nước Pháp vào ngày 7-1-2015, Đức Giáo Hoàng Francis cho rằng tự do ngôn luận cũng cần phải có giới hạn, nhất là khi nó chế diễu, xúc phạm đức tin của người khác.



Ghi chú:

* Đức Giáo Hoàng Francis: Ngài sinh ngày 17-12-1936 tại Buenos Aires - Argentina, trong một gia đình có năm anh em di dân gốc Ý. Năm 1958 Ngài gia nhập Dòng Tên ở Argentina, năm 1969 trở thành Linh mục. Từ năm 1998 Ngài trở thành Tổng Giám mục giáo phận Buenos Aires, năm 2001 được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong Hồng y. Ngày 13-3-2013 Ngài được bầu làm Giáo Hoàng. Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến từ Mỹ La Tinh, và cũng là vị Giáo Hoàng đầu tiên không phải từ Châu Âu kể từ hơn 1.200 năm qua.

Ngài là một vị Giáo Hoàng bình dị, Ngài chọn nhẫn mạ bạc thay vì nhẫn vàng, dây chuyền thánh giá bằng sắt thay vì bằng vàng, giày đen thay vì giày mềm đỏ đặc trưng của chức Giáo Hoàng.

(Theo Wikipedia).



Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2015

Một nét xưa ở Saigon (2).


Ở entry trước tôi có nói về cà phê vợt (cà phê bít tất), một thức uống bình dân của người Saigon năm xưa. Cà phê như các bạn đã biết, là một thức uống rất phổ biến bây giờ, được rất nhiều người uống hằng ngày, kể cả trẻ, già, trai, gái... Có những bạn gái buổi sáng bước vào sở làm với một ly cà phê đá pha sẵn, chứ không phải là ổ bánh mì hay gói xôi. Hôm trước tôi coi người nhà trong bệnh viện, phòng bệnh có 4 giường, kế bên giường người nhà của tôi là giường của một bà cụ ngoài 70 người Bến Tre có chị con gái đi nuôi. Sáng sớm dậy chưa ăn uống thuốc men gì, chị ta đã lục đục pha cho bà cụ một ca cà phê mấy gói loại 3 trong 1 đầy ắp, còn chị ta thì phóng ra ngoài quán trước cổng bệnh viện xách về một ly nhựa cà phê đá. Chị ấy nói ở nhà dưới quê có khi không ăn sáng chứ mẹ con chị không thể thiếu cà phê.

Nhưng thời trước năm 1975 ở Saigon thì món cà phê tuy phổ biến, nhưng chỉ một số dân "ghiền cà phê" mới uống, mà thường thuộc nam giới, còn phía nữ nhất là các bạn trẻ trong giới sinh viên, học sinh, ít bạn uống cà phê. Một vài bạn của tôi thời đó khi học thi có uống cho tỉnh ngủ để học bài.

Ấy là về món uống, còn về món ăn ngon, bình dân và phổ biến, thì các bạn nào lớn lên ở Saigon trước năm 1975, khi ấy đang là sinh viên, học sinh, chắc chắn sẽ nhớ những món ăn này. Trước hết là món phá lấu của ông Tàu bán ở lề đường gần bên nước mía Viễn Đông, ngay giữa trung tâm thành phố. Người Tàu quả không hổ danh trong câu "Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật". Món ăn Tàu từ xưa đã nổi danh ở Saigon, từ món ăn bình dân nơi đường phố, cho đến những món cao lương mỹ vị trong những cao lầu sang trọng. Phá lấu là tên gọi theo tiếng Triều Châu (tiếng Tiều), món phá lấu ngon tuyệt của ông Tàu này được làm chủ yếu từ bộ lòng của con heo như gan, ruột non... theo cách chế biến gia truyền của họ, với một nguyên liệu không thể thiếu là ngũ vị hương (người miền Bắc gọi là húng lìu). Miếng gan làm thành món phá lấu ăn bùi bùi, ngậy ngậy, miếng ruột non ăn giòn giòn thơm thơm. Phá lấu có thể ăn không, được xắt từng miếng nhỏ xiên trên một cái tăm tre, khi ăn chấm với tương đen, tương đỏ (tương ớt), tương sa tế của họ, hoặc kẹp vào bánh mì như khi ta ăn bánh mì thịt, pa tê...

Món phá lấu năm xưa của ông Tàu bán kế bên nước mía Viễn Đông ở Saigon. 
Ảnh Internet.

Một món ăn bình dân nữa mà các cô gái ở Saigon năm xưa rất "hảo", là món bò bía ở công trường Con Rùa, có nhiều xe đẩy bán bò bía bán ở đó, nhưng bò bía do một ông Tàu đẩy xe bán ở đấy là ngon nhất, người ăn cũng ngồi ở lề đường mà ăn. Bò bía cũng là một món ăn của người Tàu, tiếng Phúc Kiến là poh pía, là một món ăn trông tựa như gỏi cuốn của người Việt. Món bò bía được làm từ củ đậu (củ sắn) xắt sợi, củ đậu điểm thêm ít cà rốt thái sợi đựng trong một cái thau nhôm lớn có nêm gia vị đặt trên lửa nhỏ cho chín (vừa chín tới chứ không nhũn), được cuốn trong miếng bánh tráng mỏng (miếng bánh tráng được phết lên một chút tương đen) cùng với lạp xưởng xắt miếng, trứng gà chiên mỏng thái sợi, vài con tôm khô, mấy hột đậu phông rang còn lớp vỏ lụa chiên bằng dầu, xà lách, rau thơm... Khi ăn chấm cuốn bò bía với một món nước chấm sền sệt được chế biến bằng tương, đậu phộng giã nhỏ, hành phi.

Xe bò bía của ông Tàu. Ảnh Internet.

Cuốn bò bía và chén nước chấm.

Đấy là hai món ăn bình dân, nói theo từ ngữ dân gian là ngon, bổ, rẻ mà bất cứ bạn nào (nhất là bạn gái) ở Saigon trước năm 1975 đều biết. Theo tôi còn một món nữa cũng ngon, bổ, rẻ không kém, nhưng ít bạn biết hơn, đó là món cháo mực. Thời tôi còn là học sinh ở Saigon thỉnh thoảng đi ăn cháo mực với bạn bè, ở một xe đẩy cũng của người Tàu trên đường Phạm Ngũ Lão, nơi đối diện với ga xe lửa Saigon (bây giờ là công viên 23-9), gần ngã ba Phạm Ngũ Lão - Yersin bên hông một rạp hát nhỏ là rạp Diên Hồng (rạp nằm trên đường Yersin). Không rõ cháo có phải gốc của người Tàu hay không vì không thấy gọi bằng tiếng Tiều, tiếng Hẹ? Nhưng xe đẩy bán cháo mực của người Tàu tôi vừa kể rất ngon. Gọi là cháo mực chứ thật ra cháo không chỉ được nấu từ con mực (mực khô để nướng ăn chứ không phải mực tươi), trong cháo có mực khô được thái miếng nhỏ, có thêm tôm khô và tiết heo.

Tô cháo mực. Ảnh Internet.

Khi ăn thì cho thêm giá, hành lá, một ít gừng thái sợi, rắc thêm chút tiêu, ót ngâm xay nhuyễn, và không thể thiếu là chút sa tế rất cay của người Tàu. Như ta đã thấy trong cháo mực có gừng thái sợi, tiêu, ớt xay, sa tế là những gia vị cay, nóng. Những gia vị cay này sẽ át mùi tanh của con mực, tôm khô. Cháo mực nấu ngon nhưng bán rất rẻ, giá cả không như hủ tiếu mì hoành thánh. Thuở còn học sinh tôi hay ghé ăn, cho đến khi bước xuống cuộc đời, thỉnh thoảng về phép cũng vẫn thường ghé ăn cùng bạn bè. Bây giờ món cháo mực vẫn còn được bán nơi hàng quán vỉa hè hay quán xá trong nhà, cũng vẫn là một món ăn bình dân, nơi quận 1 gần chỗ nhà chú Hỏa năm xưa có một quán khá đông người ăn, có lần ghé ăn thì thấy người ta ăn kèm cháo với cả hột vịt bắc thảo, khá ngộ. Một quán cháo mực khác ở quận 3 đối diện CLB thể thao Nguyễn Đình Chiểu tôi cũng ghé ăn với bạn bè. Mấy năm trước còn đi làm, mùa mưa thỉnh thoảng chiều đi làm về rủ bạn ghé ngang làm một tô thật nóng thật cay, ấm cả tì vị.

Những món ăn rất bình dân, một nét xưa của một thời Saigon, vậy mà có khi đã theo chúng ta, suốt cả một đời...






Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

Một nét xưa ở Saigon.

Cà phê pha bằng vợt. Ảnh Internet.

Bạn nào lớn lên tại Saigon trước năm 1975 có lẽ còn nhớ tên cà phê kho, còn có những tên gọi khác để gọi loại thức uống bình dân quen thuộc một thời này, là cà phê vợt (dụng cụ pha cà phê trông như một chiếc vợt được làm bằng vải), mà nói theo âm miền Nam là cà phê dzợt, cũng có người kêu bằng cà phê vớ (cà phê dzớ), bởi nhìn túi vải lược cà phê trông giống như chiếc vớ  đi dưới chân. Riêng những cư dân di cư từ miền Bắc vào Saigon, như ông bà cụ tôi ngày xưa lại gọi là cà phê bít tất, bít tất có nghĩa là đôi vớ theo cách gọi của người miền Nam. Thoạt đầu tôi cứ nghĩ từ bít tất là phiên âm từ tiếng Pháp, như món thịt bò bít tết (bifteck), hoặc món bánh mì sấy khô bít cốt (biscotte). Nhưng khi tra sang tiếng Pháp lại không phải, cũng không phải tiếng Anh, tra sang âm Hán-Việt bây giờ cũng không phải.

Thử gõ vào Google thì thấy học giả An Chi giải thích từ bít tất có nguồn gốc Hán-Việt xưa, từ chữ tế tất (có nghĩa là cái... tạp dề, tiếng Pháp tablier). Học giả An Chi lý giải từ tế khi xưa từng đọc là bế hoặc , rồi từ bế tất, bí tất thành bít tất.  Nhưng tại sao đang từ cái tạp dề lại trở thành đôi bít tất đi dưới chân? Học giả An Chi lý giải tiếp cũng như tiếng Hán khốcái quần, nhưng sang tiếng Việt lại là cái khố (khăn quấn để che phần hạ bộ). Quần trong tiếng Hán là cái váy, nhưng sang tiếng Việt là cái quần. Hì hì, nghe học giả An Chi giải thích thì biết thế, chứ sao thấy rắc rối quá.

Cà phê vợt ngày xưa ở Saigon bán ở hàng quán bình dân hay quán cóc vỉa hè vào những thập niên 1950, 1960... được pha chế và được gọi dưới nhiều tên như thế, nơi những quán xá sang hơn người ta vẫn pha bằng phin như bây giờ chứ không pha bằng vợt. Cũng có một giai thoại về tên gọi của cà phê phin sau tháng 4 năm 1975, lúc ấy các chú bộ đội mới vào Saigon gọi là cái nồi ngồi trên cái cốc, chắc bởi nhìn thấy cái phin cà phê được đặt trên cái ly của người Saigon, trông tựa như cái nồi nhỏ đặt trên cái cốc nên gọi như thế. Khi vào quán họ gọi một cái nồi ngồi trên cái cốc, dĩ nhiên ban đầu thì dân Saigon chẳng ai hiểu gì cả.

Nhưng cà phê được pha bằng vợt (vớ, bít tất) tại sao còn được gọi là cà phê kho? như cá kho, thịt kho? Chẳng qua là để chỉ cái cách pha và giữ cà phê luôn được nóng cho khách. Ngày xưa người bán cho cà phê đã xay vào chiếc vợt vải được nhúng vào trong vật đựng là chiếc siêu sành chứa nước sôi đặt trên bếp lửa (chiếc siêu sành ông bà ta hay dùng sắc thuốc Bắc). Người bán dùng thìa khuấy đều và cứ thế để siêu cà phê sôi sùng sục trên bếp lửa, dăm phút sau cà phê đã hòa ra nước thì củi lửa được rút bớt, siêu cà phê chỉ còn sôi lăn tăn và cứ để như thế trên bếp, như khi ta kho cá kho thịt cho thấm vậy. Nếu khách gọi cà phê đen hay cho một đen nhỏ như cách gọi khi xưa (bây giờ gọi là đen nóng), cho một bạt sỉu (một loại cà phê uống nóng pha nhiều sữa ít cà phê), hay cho một cà phê sữa thì dùng cà phê đang sôi trên bếp để pha chế. Còn nếu khách uống cà phê đá, thì cà phê được pha từ một cái siêu cà phê khác để nguội chứ không đặt sôi trên bếp. Sau này cái siêu sành được thay bằng một cái ấm cao bằng nhôm, chiếc ấm cao là để phù hợp với chiếc vợt vải đựng cà phê.

Cà phê được pha bằng vợt trong chiếc siêu sành. Ảnh Internet.

Cà phê vợt được pha trong chiếc ấm cao bằng nhôm. Ảnh Internet.

Cà phê vợt được pha chế như thế luôn giữ được độ nóng tối đa khi đến tay khách, chứ không như cà phê pha bằng phin, khi cà phê đã nhỏ hết xuống từ phin thì nước bắt đầu nguội, một vài nơi người ta để chiếc ly và phin cà phê vào trong một cái bát nhỏ đổ ít nước sôi để giữ nóng cho cà phê, nhưng cách này cũng chẳng tăng thêm độ nóng cho cà phê được mấy, bởi nước sôi trong bát rất ít, mau nguội không đủ để hâm nóng cho ly cà phê. Trái lại khi uống cà phê vợt thì cà phê được đổ ra ly khi còn đang sôi trên bếp lửa nên cà phê rất nóng. Ngày xưa tuy cà phê vợt bình dân nhưng ly cà phê luôn được đặt trong một cái đĩa gốm Lái Thiêu nhỏ, có lẽ không phải vì lịch sự mà cái đĩa nhỏ có công dụng của nó, lúc mới mang ra cà phê rất nóng, ai muốn uống ngay thì đổ một ít ra cái đĩa nhỏ này cho mau nguội mà... húp. Tôi cũng còn nhớ giới bình dân ở Saigon năm xưa còn chấm giò cháo quẩy vào cà phê mà ăn, một cách ăn sáng như khi ta ăn xôi hay hủ tíu.

Bây giờ cà phê vợt, cà phê kho gần như đã biến mất, ở Saigon chỉ còn một hai quán bình dân trong hẻm, còn giữ được cách pha cà phê xưa độc đáo này, một quán của người Việt nơi quận Phú Nhuận, một quán của người Hoa trong quận 11. Cà phê vợt được pha chế như thế, luôn được đun sôi trên bếp củi hoặc bếp than, cho tới khi rót ra cho khách, cho nên cà phê vợt có một mùi vị đặc trưng, khó tả, nếu uống nóng thì cà phê sẽ còn nóng cho đến khi uống hết ly, khác hẳn cà phê được pha bằng phin.

Cà phê vợt là loại cà phê của giới bình dân xưa, được uống nơi những quán nhỏ trong xóm, hoặc nơi quán cóc vỉa hè nên giá cả rất rẻ, quán xá hay vỉa hè ngồi uống cũng có một không khí riêng. Bây giờ, khi đi uống cà phê vợt những người Saigon lớn tuổi như tôi không chỉ uống cà phê pha bằng vợt, mà còn uống cả một trời dĩ vãng. Có bạn nào muốn lê la một chuyến cà phê vợt với tôi không? Hì hì!




Thứ Ba, 13 tháng 1, 2015

Tĩnh lặng sau một ngày.


Tôi đang đọc một vài quyển sách về Phật giáo Mật tông Tây Tạng, về nghệ thuật Mật giáo, những tranh tượng, pháp khí và nhạc khí được dùng trong các nghi lễ Mật giáo... và nghệ thuật sáng tạo Mandala (Mạn Đà La, ) một nghệ thuật đặc biệt của Phật giáo Mật tông, là những hình vẽ hai chiều hoặc ba chiều được các tu sĩ Mật giáo thể hiện rất công phu, tỉ mỉ, biểu tượng cho năng lực của vũ trụ.

Một Mandala. Ảnh Internet.

Vào trang mạng Youtube để tìm nghe một vài bài tán, tụng theo Mật giáo bằng các nhạc khí Tây Tạng, tình cờ tôi được nghe giọng hát của một ni sư người Népal. Népal là một đất nước nhỏ bé không giàu có nhưng hạnh phúc. Ani Choying Drolma là một ni sư có một giọng hát thật tuyệt vời, và gương mặt cùng nụ cười của một vị chân tu. Các bạn hãy nghe một bài do ni sư Ani Choying Drolma hát.





Nguổn bài hát: Youtube.




Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

Cười chút chơi.

Lộ chân dung ông giáo nghỉ hưu chuyên lừa xin việc

Tự quảng cáo là mình có mối quan hệ thân quen với nhiều lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước và có khả năng xin việc làm, Đoàn Vân Toàn đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 400 triệu đồng.
...................
Đoàn Vân Toàn là giáo viên nghỉ hưu, nắm bắt được tâm lý của nhiều gia đình có nhu cầu xin việc làm cho con em vừa tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp, Toàn đưa ra thông tin có quan hệ quen biết với một số lãnh đạo chủ chốt trong cơ quan nhà nước, trong đó chủ yếu là ngành y tế.
Toàn cũng cho biết Bệnh viện Đa khoa tỉnh và một số đơn vị khác đang có chỉ tiêu tuyển biên chế vào làm việc.
Tin lời thị Toàn, một số gia đình đã gửi hồ sơ kèm theo tiền để nhờ bà ta xin việc giúp. Qua điều tra, Toàn khai nhận từ tháng 5-12/2014 đã nhận ba hồ sơ xin việc với số tiền gần 400 triệu đồng.
...................

Trên đây là đoạn tin copy trên trang báo mạng của VietNamNet ngày hôm qua 10/01/2014. Tựa của bài báo là "Lộ chân dung ông giáo nghỉ hưu...", nhưng đọc trong bài lại thấy ghi là thị bà ta!

Hôm nay vào xem thì thấy đã sửa lại (copy):

Lộ chân dung nhà giáo nghỉ hưu chuyên lừa xin việc

Từ cái tựa, đi vào bài viết đã biến từ ông sang , cẩu thả thế. Mấy hôm vừa qua hơi căng thẳng khi theo dõi tin tức trong nước và quốc tế, vụ ông Nguyễn Bá Thanh về Đà Nẵng và khủng bố ở Paris, hôm nay chủ nhật cuối tuần cười vui chút chơi, hì hì!


Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

Quên và Nhớ.



Hình chúc sinh nhật của Google.

Tin nhắn chúc sinh nhật của nhà đài Viettel.

Mấy hôm trước là ngày sinh của tôi trên giấy tờ, nôm na dân gian gọi là sinh nhật. Sở dĩ tôi nói "trên giấy tờ" bởi vì ngày sinh này chỉ là "áng chừng". Khi xưa các cụ di cư từ miền Bắc vào miền Nam (định cư luôn tại Saigon), lúc xin cho tôi đi học tiểu học mới hay thiếu tờ giấy khai sinh, cái thiếu giấy khai sinh này cũng rất thường vào thời buổi đó. Khi tôi sinh ra ở miền Băc lúc ấy đang thời buổi loạn lạc, nghe các cụ nói cũng có làm giấy khai sinh đàng hoàng thời đó giấy tờ ghi toàn tiếng Tây. Nhưng gặp lúc chiến tranh, gia đình chạy từ Nam Định về Hà Nội, rồi lên máy bay Tây vào Saigon các cụ nói bao nhiêu giấy tờ tiền bạc thất lạc hết. Bởi vậy khi đến tuổi đi học thì tôi chẳng có một tờ giấy lận lưng, phải đi làm giấy thế vì khai sinh.

Tôi còn nhớ khi đi làm giấy thế vì khai sinh phải ra tòa án, hồi đó gọi là tòa Hòa giải Saigon, khi đi làm giấy tôi được ông bà cụ dẫn đến tòa cùng với hai người chứng. Nghe các cụ nói thì tôi sinh vào tháng Chạp cuối năm Ta, "phiên" sang năm Tây là đầu năm nhưng các cụ cũng không nhớ rõ là ngày nào, đành là phải chọn đại một ngày đầu năm. Cái vụ chọn đại ngày này đôi khi cũng khá khôi hài, hồi tôi còn đi làm trong cơ quan có một chị, trong giấy thế vì khai sinh của chị ghi sinh ngày... 30 tháng 2... Một cái ngày thực tế không bao giờ có, bởi tháng 2 chỉ có 28 ngày, năm nào nhuần mới có ngày thứ 29. Nhân đây tôi post lên tấm hình tòa Hòa giải năm xưa ở Saigon, được in trên tấm bưu thiếp (carte postale), tòa Hòa Giải nằm trên đường Nguyễn Huệ, quận Nhất, là một tòa nhà 2 tầng xây theo kiểu Pháp, nay không còn nữa mà thay bằng một tòa cao ốc hiện đại.

Tòa Hòa giải xưa ở Saigon trên bưu thiếp. Ảnh Internet.


Tòa nhà Sunwah Tower hiện nay được xây dựng trên đất của tòa Hòa giải năm xưa. Ảnh Internet.

Trở lại chuyện sinh nhật bên trên, thật sự hôm trước tôi cũng không nhớ hôm đó là ngày sinh của mình, một tuần lễ trước tôi có nhận được một món quà dễ thương của bạn tặng sớm, rồi cũng quên khuấy đi mất là sắp đến ngày sinh. Có lẽ cũng như đại đa số những gia đình "tầm tầm" năm xưa, cha mẹ ít khi nhớ và tổ chức sinh nhật cho bản thân mình hay cho con cái (nhưng ngày giỗ, kỵ thì các cụ không bao giờ quên). Ngày trước một gia đình có năm, bảy đứa, có khi cả chín mười đứa con là lẽ thường tình, lo ăn lo mặc cho con cái cũng đủ hết hơi nói chi nhớ sinh nhật của tụi nhóc, đó cũng là thói quen của một thời... Và cho đến bây giờ lớp trẻ năm xưa như tôi già đầu rồi cũng thế, ngày sinh của người thân thì nhớ, chứ ngày sinh của mình chẳng nhớ làm gì cho mệt...

Sáng hôm đó khi mở máy tính thì thấy trên Google có hình bánh kem (nhấp chuột vào đọc được câu chúc sinh nhật của nhà mạng Google). Thoạt đầu tôi cũng không để ý, nhưng đến khi mở tin nhắn trên điện thoại thì thấy nhà đài Viettel mình thuê bao cũng nhắn tin chúc mừng sinh nhật, mới sực nhớ là ngày sinh của mình, thế là copy lại hình chúc mừng sinh nhật của Google và lưu lại tin nhắn của nhà đài Viettel. Hì hì! Máy móc nó giỏi thế!

Ấy, nói về cái sự nhớ và quên thì khôn cùng, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn khi sinh thời viết nhạc có câu "Từ trăng thôi là nguyệt/ một hôm bỗng nghe ra/ Buồn vui kia là một/ như quên trong nỗi nhớ..." (Nguyệt ca). Cũng nhạc sỹ TCS nói về cái nhớ trong một bài hát khác "không gì vui thì hãy gắng nhớ đôi lần" (Quỳnh hương). Trong một bài hát của nhạc sỹ Phạm Duy có câu "sao quên được đôi mắt/ như ngôi sao trên trời/ Làm sao mà quên được/ đời qua vút như tên/ dăm ba hạnh phúc ngắn/ sao quên được mà quên" (Làm sao mà quên được). Còn nhà thơ Vũ Hữu Định viết một bài thơ về phố núi Pleiku năm xưa, mà nhạc sỹ Phạm Duy đã phổ nhạc, bài hát được yêu thích thời đó. Bài hát nói về phố núi Pleiku, về những buổi chiều lãng đãng mùa đông "ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông", về một cô gái phố núi "má đỏ môi hồng" (con gái phố núi không hề phấn son vẫn cứ má đỏ môi hồng). Rồi từ hình ảnh cô gái "má đỏ môi hồng""ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông..." mà thi sỹ đã lấy đó làm "còn một chút gì để nhớ để quên...".

Hồi đó có lần uống cà phê trên phố núi, nói chuyện với một anh bạn làm chủ một tiệm sách ở Tuy Hòa lên Pleiku trong một chuyến công tác (Tuy Hòa lúc ấy là thị xã của tỉnh Phú Yên, tôi quen với anh chủ tiệm sách khi ở Tuy Hòa, thường đến coi và mua sách rồi quen), nghe bản nhạc này trong quán anh bạn nói: "một chút để quên" còn đáng sợ hơn "một chút để nhớ"...

Con người ta đó, ở đâu và tuổi nào cũng vậy, vẫn luôn luôn có một chút gì... để nhớ, để quên...


Saigon, tháng đầu năm 2015.





Thứ Năm, 8 tháng 1, 2015

Những vị thần của năm Dương lịch.


Ảnh Internet.

Bắt đầu một năm mới theo Dương lịch, xin giới thiệu mười hai vị thần theo thần thoại Hy Lạp, được coi là những vị thần bảo trợ cho bổn mạng 12 tháng trong năm của con người:

- Hera: nữ thần bảo hộ cho cung Bảo Bình (sinh từ 20-1 đến 19-2). Hera được coi là nữ thần của hôn nhân, bảo hộ cho cuộc sống gia đình. Theo thần thoại Hy Lạp thì nữ thần Hera là con gái của thần Cronos (Cronos là vị thần em út trong số các vị thần khổng lồ Titan). Hera là chị nhưng lấy em trai của mình là thần Zeus (Jupiter) là vị thần chúa tể thế giới. Trong thần thoại Hy Lạp, Hera được mô tả như một người vợ hay ghen và rất hung bạo, sẵn sàng nổi đóa với những hành vi phản bội của chồng. Có lẽ vì tính tình này mà nữ thần được chọn làm thần bảo hộ cho hôn nhân chăng?

Poseidon (Neptune): nam thần bảo hộ cho cung Song Ngư (sinh từ 20-2 đến 20-3), là vị thần thống trị biển cả trong thần thoại La Mã, đây là vị thần uy nghi, dũng mãnh, thường ngồi trên chiếc xe do những con bạch mã kéo chạy trên mặt biển mênh mông, nếu biển cả yên lặng thì mọi vật bình yên, trái lại nếu biển động có sóng gió sẽ phá hoại tất cả.

- Athena: nữ thần bảo hộ cho cung Dương Cưu (sinh từ 21-3 đến 19-4). Athena là con gái của thần Zeus với nữ thần Metis, biểu tượng của thông thái, bảo trợ của nghệ thuật tạo hình, nông nghiệp, văn học, các nghề thủ công mỹ nghệ.

- Aphrodite (Venus): nữ thần bảo hộ cho cung Kim Ngưu (20-4 đến 20-5), là nữ thần của sắc đẹp, sự quyến rũ và ái tình. Được đồng nhất với nữ thần Venus trong thần thoại La Mã, người La Mã coi là vị thần bảo trợ cho thành Roma.

- Apollo: nam thần bảo trợ cho cung Song Nam (sinh từ 21-5 đến 21-6), là vị thần của âm nhạc, thi ca và nghệ thuật tạo hình, thần còn có tài tiên tri và chữa bệnh. Apollo cũng được coi là thần ánh sáng, bảo hộ cho khách du hành, các thành phố và công trình xây dựng.

- Hermes: nam thần bảo trợ cho cung Bắc Giải (sinh từ 22-6 đến 22-7), là vị thần bảo trợ cho những người buôn bán và lữ khách. cũng còn được coi là vị thần bảo trợ cho phường... ăn cắp, vì ngay từ lúc mới sinh thần Hermes đã có biệt tài ăn cắp, lúc mới sinh ra Hermes đã chạy đến xứ Thexalia ăn cắp đàn bò do anh trai mình là thần Zeus chăn dắt (thần này không thua gì Đạo Chích ở phương Đông).

- Zeus (Jupiter): nam thần bảo trợ cho cung Hải Sư (sinh từ 23-7 đến 22-8), được đồng nhất với thần Jupiter trong thần thoại La Mã, là vị thần tối cao, có uy lực lớn nhất trong số các vị thần núi Olympus. Thần Zeus là thần ánh sáng, điều hành công lý trong thế giới của các vị thần và loài người, cai quản số phận của muôn loài.

- Demeter: nữ thần bảo trợ cho cung Xử Nữ (sinh từ 23-8 đến 22-9), là vị thần bảo trợ nông nghiệp, theo truyền thuyết nữ thần đã dạy cho con người về canh tác, trồng trọt.

- Hephaestus: nam thần bảo trợ cho cung Thiên Xứng (sinh từ 23-9 đến 22-10), là con trai của thần Zeus và nữ thần Hera, được coi là Thần Lửa với hình ảnh là vị thần què chân. Có tài rèn kim loại ra đủ mọi đồ vật tinh xảo, là vị thần bảo trợ của nghề rèn, luyện kim...

- Ares: nam thần bảo trợ cho cung Hổ Cáp (sinh từ 23-10 đến 21-11), là vị thần chiến tranh trong thần thoại Hy Lạp, với biểu trưng đầu đội chiếc mũ và mặc áo giáp. Thần Ares có bản tính nóng nảy, hiếu chiến, tàn bạo, nhưng theo nhiều truyền thuyết thì trong chiến tranh thần thường là kẻ chiến bại. Thuộc mười hai vị thần quan trọng trên núi Olympus. Biểu tượng của thần Ares là sự hủy diệt.

- Artemis (Diana): nữ thần bảo trợ cho cung Nhân Mã (sinh từ 22-11 đến 21-12), là nữ thần săn bắn trong thần thoại Hy Lạp, được đồng nhất với nữ thần Diana trong thần thoại La Mã. Thần Artemis là một vị thần... không có giới tính, lãnh cảm với tình yêu, nhưng lại được xem là vị thần bảo trợ cho trẻ sơ sinh, phụ nữ sinh nở, hạnh phúc gia đình, nông nghiệp, thú vật.

- Hestia: nữ thần bảo trợ cho cung Nam Dương (sinh từ 22-12 đến 19-1), không bao giờ rời núi Olympus, nên được coi là nữ thần Nội Trợ, bảo hộ cho ngọn lửa Vĩnh hằng. Biểu tượng của thần là bếp lửa, ánh sáng thiên nhiên. Nữ thần Hestia cũng là nữ thần của đạo đức, sự tôn trọng, tốt bụng và thiện chí.


Tham khảo:

- Từ điển Thần thoại Hy Lạp - La Mã, PGS. TS. Nguyễn Văn Dân, NXB Từ điển Bách khoa-2007.



Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

Kiến trúc Sài Gòn xưa.

Mặt tiền tòa nhà Bưu điện trung tâm TP. HCM đang được sơn phết lại.
Ảnh báo Thanh Niên Online.


Bưu điện Saigon thời cách nay vài chục năm. Ảnh Internet.

Bưu điện trung tâm TP. HCM là một trong những kiến trúc xưa ở Saigon, tòa nhà được xây dựng theo kiến trúc Tây phương bởi kiến trúc sư người Pháp Villedieu, được khởi công xây dựng từ năm 1886, và hoàn thành vào năm 1891. Nếu tính theo năm khởi công xây dựng đến nay thì tòa nhà Bưu điện đã có 129 năm tuổi. Cũng như những kiến trúc xưa khác ở Saigon như Ủy ban Nhân dân thành phố*, hay Tòa án Nhân dân thành phố**, đây là một trong những tòa nhà được xây dựng từ thời người Pháp còn cai trị đất Nam kỳ, theo kiến trúc đặc trưng của Tây phương.

Hôm qua có việc đi ngang qua tòa nhà Bưu điện thì... hỡi ôi, tòa nhà đã khoác lên một "bộ cánh" màu vàng chói, một màu vàng chói chang khá kỳ dị (thú thật làm tôi nhớ ngay đến màu sơn của những ngôi chùa Khmer ở Sóc Trăng mà năm ngoái tôi đã có dịp ghé thăm). Tôi cũng đọc được trên báo Thanh Niên Online (5-1-2015) nói về việc trùng tu sơn phết này, nhiều du khách ngoại quốc lẫn người dân bản địa đều thấy ngỡ ngàng với màu sơn mới của tòa nhà Bưu điện. Báo cũng đưa ý kiến của người có trách nhiệm tại Bưu điện, vị này nói "đây là màu gốc của tòa nhà", đã được Công ty sơn Kova đưa máy móc vào giám định màu gốc của tòa nhà, và thợ đã cạo lớp vôi cũ của tòa nhà để tìm ra màu gốc nguyên bản. Vị này khẳng định "Màu sơn mới hơi sáng nhưng sau khi tiếp xúc ánh sáng, mưa gió màu sẽ dịu đi. Lúc đó nhìn sẽ không vàng chóe như bây giờ đâu...".

Còn ý kiến của các nhà chuyên môn như ý kiến của Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. HCM: "Hồi xưa, khuynh hướng màu sắc của người Pháp đối với các tòa nhà cổ, là màu sơn hơi vàng nhưng không quá đậm...". Ý kiến của một KTS giảng viên của trường đại học Kiến trúc TP. HCM: "Màu sơn mới đã làm bưu điện trung tâm mất đi vẻ cổ kính vốn dĩ của tòa nhà. Nó quá chói, không phù hợp với màu của các tòa nhà xung quanh, nhất là nhà thờ Đức Bà cạnh đó... Còn việc vị đại diện bưu điện nói màu sơn mới qua thời gian mưa gió sẽ dịu đi chỉ là cách biện minh thôi".

Có lẽ việc sơn phết lại những công trình kiến trúc xưa như tòa nhà Bưu điện thành phố, hoặc một vài ngôi nhà thờ có từ thời Pháp trong thời gian gần đây, tôi thấy khá chói mắt (nếu không muốn nói là lòe loẹt), rõ ràng là không thích hợp về mặt thẩm mỹ. Từ thuở còn nhỏ cách nay hơn nửa thế kỷ, tôi đã thấy những tòa nhà xưa ở Saigon được quét vôi màu vàng, hồi đó quét vôi chứ không sơn nước bằng loại "sơn đâu cũng đẹp" như bây giờ, nhưng rõ ràng là không "rợ" như màu của tòa nhà Bưu điện thành phố mới đây. Không hiểu sao cái "gu" thẩm mỹ của một số người có thẩm quyền chọn màu trong việc sơn phết lại những công trình kiến trúc xưa ở Saigon nó lại như thế?



Ghi chú:

* Ủy ban Nhân dân thành phố: được khởi công xây dựng từ năm 1898 bởi đồ án của kiến trúc sư Gardès, phần trang trí tòa nhà thoạt đầu được dự định làm theo bản thiết kế của họa sĩ Ruffier, nhưng sau được giao cho họa sĩ Bonnet. Đến năm 1909 tòa nhà được khánh thành. Thời Pháp gọi là dinh Xã Tây, dinh Đốc Lý, là trụ sở làm việc của Hội đồng thành phố. Sau tòa nhà được gọi là Tòa thị sảnh. Từ năm 1954 đến năm 1975 dưới thời chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tòa nhà được gọi là Tòa Đô chính Sài Gòn.

** Tòa án Nhân dân thành phố: được khởi công xây dựng và hoàn thành trong những năm 1881-1885, bởi đồ án thiết kế của kiến trúc sư Bourard là người đã thiết kế Nhà thờ Đức Bà Saigon, và do chính Giám đốc Sở Công thự là kiến trúc sư Foulhoux trông coi việc xây cất.

(Theo Từ điển Thành Phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh, nhiều tác giả, NXB Trẻ -2001).


Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2015

Đầu năm nói chuyện địa danh ở Nam bộ (2).


Chợ Búng ở Bình Dương. Ảnh Internet.

Bình Dương là một thành phố láng giềng với Saigon, chỉ cách vài chục cây số, như Biên Hòa. Một năm tôi có dịp ghé Bình Dương vài ba lần đi về trong ngày. Buổi trưa xong việc trở về tôi thường ghé ăn trưa tại một quán bánh bèo bì gần chợ Búng. Chắc các bạn nào ở Saigon thỉnh thoảng đi Bình Dương cũng biết ngôi chợ và quán bánh bèo này. Quán có từ xưa, trước năm 1975, so với Saigon thì giá cả ở Bình Dương khá rẻ, vào quán ăn một dĩa bánh bèo bì tú hụ thời điểm hiện nay chỉ hai mươi lăm ngàn đồng. Tuy nhiên điều tôi muốn nói ở đây không phải bánh bèo bì mà là cái tên chợ Búng.

Theo như năm ghi trên chợ thì chợ Búng được xây dựng vào đầu thế kỷ 20 (1903). Cái tên Búng nghe có vẻ ngồ ngộ, có lần ghé ăn bánh bèo bì tôi hỏi người trong quán tại sao lại có tên chợ Búng, được nghe giải thích Búng là "sợi bún" ta hay ăn. Nghe thì biết vậy, cũng có thể lắm, có thể chợ ngày xưa chuyên bán bún, và bởi người miền Nam thường phát âm "bún" thành "búng".

Cách nay ít lâu, một lần xem tivi thấy trong một chương trình giải thích từ ngữ giải thích từ Búng có khác, tivi nói "Búng" có nghĩa là đầm nước, cũng như từ "Bưng", gọi là chợ Búng vì ngày xưa được xây dựng tại nơi có đầm nước, nghe cũng có vẻ có lý. Tôi thử tra trên mạng thấy vài thông tin cũng nói như thế. Búng có thể là một từ tiếng Việt cổ được sử dụng tại Nam bộ. Tôi thử tra tiếp Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của, thấy ghi như sau:

- Búng: chỗ nước sâu làm ra một vùng. Đây là nghĩa đầu tiên của chữ Búng, còn một vài nghĩa khác không liên quan nên tôi không chép ra đây.

Tuy nhiên trong quyển Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam bộ của nhà nghiên cứu Bùi Đức Tịnh (một nhà nghiên cứu người Nam bộ đã viết nhiều sách biên khảo về vùng đất Nam bộ), cho biết "chợ Búng trong tỉnh Sông Bé* đáng lý phải viết Bún, viết sai chính tả do phát âm không đúng của người Nam bộ, vì đã một thời nổi tiếng về sản xuất và bán bún".

Như vậy ta thấy, có hai cách giải thích nguồn gốc từ Búng trong chợ Búng:

 - Một là cách giải thích Búng là một vùng nước sâu như đầm nước, bưng. Chợ Búng là ngôi chợ được xây dựng tại một vùng nước như thế, điều giải thích này xem ra hợp lý, vì như ta thấy Nam bộ xưa là một vùng nhiều sông nước, đầm lầy, bưng biền. Có nhiều ngôi chợ được xây dựng gần nơi đầm lầy, bưng biền, lấy địa thế nơi xây dựng chợ để đặt tên, chẳng hạn chợ Đầm ở Nha Trang, chợ Bưng ở Đồng Tháp Mười, chợ Bàu Sen ở Saigon... Những cái tên này đã tồn tại từ khá lâu, sau vùng đất có ngôi chợ phát triển, những đầm lầy, bàu bị san lấp không còn nữa, nhưng tên gọi của chợ vẫn còn đến ngày nay. Ở Saigon ta thấy cũng có những địa danh như Vườn Mít (quận 1), Vườn Chuối, Vườn Xoài (quận 3), Vườn Lài (quận 10)... bây giờ chẳng thế nào kiếm ra được ở những nơi đó những loại cây đã tạo nên tên gọi.

- Cách giải thích thứ nhì, từ Búng trong chợ Búng có nghĩa là Bún (bún ăn), như cách giải thích của người bán hàng trong quán bánh bèo bì gần chợ Búng, và như nhà nghiên cứu Bùi Đức Tịnh trong quyển Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam bộ đã nói ở trên (có nói rõ "viết sai chính tả do phát âm, và đã một thời nổi tiếng về sản xuất và bán bún"), cũng không phải là không có lý. Như chúng ta đã biết, ngoài cách đặt tên chợ theo đặc tính địa hình sông, nước, thì cách đặt tên chợ theo đặc tính món hàng buôn bán cũng rất phổ biến trước đây. Chẳng hạn như chợ Đũi ở Saigon (quận 3, nay đã không còn), chuyên buôn bán đũi là một loại vải lụa dệt bằng tơ sợi lớn. Chợ Đệm ở tỉnh Chợ Lớn cũ, chuyên buôn bán đệm là môt vật dụng đan bằng sợi lác (lát) thô để trải dưới đất phơi lúa hay các thứ khác. Chợ Gạo ở tỉnh Tiền Giang chuyên buôn bán gạo... và cách phát âm cũng như viết chính tả của người miền Nam thì thường không phân biệt dấu hỏi, ngã, chữ "g" ở cuối từ. Tân Kiểng thành Tân Kiển, có người viết "hoàn toàn" thành "hoàng toàn"...

Vậy là có hai cách giải thích về nguồn gốc từ Búng trong chợ Búng ở Bình Dương như đã nói. Hai cách giải thích này theo tôi là "50/50", cách nào cũng hợp lý về mặt từ ngữ, và trên thực tế về nguyên tắc đặt tên. Một địa danh xưa có nhiều cách giải thích cũng là lẽ thường tình. Ngay địa danh Sài Gòn theo những nhà nghiên cứu cũng có đến mấy cách giải thích, có thể có cách giải thích được nhiều người ủng hộ hơn, nhưng khi chưa có một ai xác định được rõ cách đặt tên gọi trên những tư liệu đáng tin cậy, thì cũng khó có thể nói cách giải thích nào là đúng, cách giải thích nào là sai.



Ghi chú:

* Tỉnh Sông Bé: là một tỉnh ở miền Đông Nam bộ, bao gồm địa giới của 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước hiện nay. Tỉnh Sông Bé được thành lập từ năm 1976 trên cơ sở sáp nhập 3 tỉnh lúc bấy giờ là Bình Dương, Bình Long, Phước Long. Từ 1-1-1997 tỉnh Sông Bé tách làm 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Tỉnh Bình Dương vẫn giữ địa giới như cũ, còn tỉnh Bình Phước bao gồm 2 tỉnh Bình Long và Phước Long cũ. (theo Wikipedia).

Có lẽ nhà nghiên cứu Bùi Đức Tịnh đã viết sách Lược khảo nguồn gốc đĩa danh Nam bộ, (NXB văn Nghệ TP. HCM-1999) trong thời gian Bình Dương còn thuộc tỉnh Sông Bé.



Thứ Năm, 1 tháng 1, 2015

Đầu năm nói chuyện địa danh ở Nam bộ.


Sông nước miền Tây Nam bộ. Ảnh Internet.


Bà xã tôi nghe một bài hát dân ca Nam bộ do Phương Mỹ Chi, cô bé 11 tuổi vừa rồi đoạt á quân Giọng hát Việt nhí năm 2013 hát. Trong bài hát có câu:

Má ơi đừng gả con xa,
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu.
Sương khuya ướt đẫm giàn bầu,
Em về Miệt Thứ bỏ sầu cho ai.

Bà xã tôi hỏi "Miệt Thứ là ở đâu? Hồi nào tới giờ chỉ nghe nói Miệt vườn chứ không nghe Miệt Thứ". Một câu hỏi thật không dễ trả lời với một cư dân Bắc kỳ như tôi. Trước đây tôi cũng đã từng thắc mắc như thế, khi đọc sách báo thấy có nhắc đến tên Miệt Thứ. Tôi cũng đã hỏi mấy người bạn quen gốc gác Nam bộ, nhưng cũng chẳng ai biết Miệt Thứ ở đâu. Cái tên Miệt vườn chắc có nhiều người biết, Miệt vườn là tên gọi để chỉ chung vùng quê đồng bằng sông Cửu Long, nơi có hai con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu chảy qua. Nhà văn Sơn Nam có một quyển sách lấy tên là Đồng bằng sông Cửu Long hay là Văn minh miệt vườn, một quyển sách ghi chép về vùng quê hương miền Tây Nam bộ, quyển sách được in lần đầu năm 1970 ở Saigon bởi nhà An Tiêm. Miệt, hiểu nôm na là miền, vùng, nhà văn Sơn Nam cũng có dùng từ "miệt trên" để chỉ vùng đất Biên Hòa, Bà Rịa, Gia Định, Tân An, "miệt dưới" để chỉ vùng Hà Tiên, Rạch Giá, Cà Mau, Châu Đốc. Lâu quá tôi không còn nhớ rõ, nhưng hình như nhà văn Sơn Nam cũng có nhắc đến Miệt Thứ trong sách.

- Trong quyển Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam bộ*, nhà nghiên cứu Bùi Đức Tịnh cho biết:  

Thứ: danh từ dùng riêng trong vùng Rạch Giá, Cà Mau để gọi 9 con rạch đổ ra vịnh Thái Lan bắt đầu từ chỗ gần sông Cái Lớn (Rạch Giá) xuống đến Khánh Lâm (Cà Mau). Ngọn rạch gần sông Cái Lớn nhất gọi là Thứ Nhứt, rồi đến Thứ Nhì, Thứ Ba... cho đến Thứ Chín.
Cũng cần phân biệt vùng có những con rạch đến thứ chín này là khu vực Thới Bình, Huyện Sử (tên một ngôi chợ) với khu vực gọi là "Miệt Thứ" thuộc quận Năm Căn  ngày trước. Đây là vùng U Minh Hạ có 12 con kinh đưa vào rừng để lấy củi, ăn ong (lấy mật ong), được gọi theo thứ tự từ kinh 1 đến kinh 12. 

(Hết trích)

Như vậy, theo nhà nghiên cứu Bùi Đức Tịnh, Miệt Thứ là tên gọi vùng đất có 12 con kinh được đặt tên từ Thứ Nhứt đến Thứ Mười Hai ở U Minh Hạ (Năm Căn-Cà Mau)**. Cũng theo nhà nghiên cứu Bùi Đức Tịnh cho biết bên trên, vùng Rạch Giá-Cà Mau (từ sông Cái Lớn-Rạch Giá đến Khánh Lân-Cà Mau) có 9 con rạch chảy ra vịnh Thái Lan cũng được đặt tên theo thứ tự từ Thứ Nhứt đến Thứ Chín, nhưng vùng đất có 9 con rạch ở Rạch Giá-Cà Mau này không được gọi là Miệt Thứ.

- Một quyển sách khác, quyển Từ điển Từ ngữ Nam bộ*** của TS. Huỳnh Công Tín giải thích: 

Miệt thứ: danh từ, nơi có mười con rạch song song, cùng chảy ra biển, giáp rừng Cán Gáo (Kiên Giang), được người dân gọi theo "thứ", từ rạch thứ Nhứt tới rạch thứ Mười. Từ điển dẫn chứng thêm sách của nhà văn Sơn Nam: "Mười con sông nhỏ song song, Chảy về một biển mà không giao đầu... - Ông ở miệt thứ, thuộc xóm nào? Chú ruột tôi là ông hội đồng X, chắc ông biết".

(Hết trích)

So sánh hai trích dẫn bên trên ta thấy, sách Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam bộ của nhà nghiên cứu Bùi Đức Tịnh viết về vùng đất có tên Miệt Thứ chi tiết hơn, vùng đất có tên Miệt Thứ này là từ tên 12 con kinh ở U Minh Hạ (Cà Mau). Trong khi sách Từ điển Từ ngữ Nam bộ của TS. Huỳnh Công Tín cho rằng tên gọi Miệt Thứ là để chỉ vùng đất có 10 con rạch ở Kiên Giang chảy ra biển, cũng được gọi theo thứ tự từ Thứ Nhứt đến Thứ Mười. Mười con rạch theo giải thích của TS. Huỳnh Công Tín, ta thấy tương đương với Chín con rạch theo như giải thích của nhà nghiên cứu Bùi Đức Tịnh. Chỉ có sự khác biệt là theo TS. Bùi Công Tín vùng đất có 10 con rạch ở Kiên Giang này được gọi là Miệt Thứ, thì nhà nghiên cứu Bùi Đức Tịnh chỉ cho biết tên theo thứ tự của 9 con rạch, chứ không gọi vùng đất có 9 con rạch là Miệt Thứ.

Để kết thúc entry đầu năm 2015 này, Thân Chúc Bạn Bè Xa Gần Một Năm Mới AN KHANG - THỊNH VƯỢNG.



Ghi chú:

* Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam bộ, Bùi Đức Tịnh, NXB Văn Nghệ TP. HCM-1999.
   Theo Cổng Thông tin điện tử-Ban liên lạc cộng đồng họ Bùi Việt Nam, nhà nghiên cứu Bùi Đức Tịnh (1923-2008) quê ở huyện Ba Tri-Bến Tre, là nhà báo và nhà giáo. Ông đã dạy các trường tư thục ở Saigon như Kiến Thiết, Đức Trí, Huỳnh Khương Ninh, Jean-Jacques Rousseau, Marie Curie... Từ năm 1972 ông được mời thỉnh giàng về ngôn ngữ học tại Đại học Vạn Hạnh, Đại học Văn Khoa (Saigon), Đại học Huế, Đại học Sư phạm Cần Thơ. Sau khi mất ông được an táng tại quê nhà Ba Tri-Bến Tre.

** Trước năm 1975 Năm Căn là quận thuộc tỉnh An Xuyên (đổi tên từ tỉnh Cà Mau). Thời chính quyền VNCH tỉnh An Xuyên tồn tại từ năm 1956 đến 1975.

*** Từ điển Từ ngữ Nam bộ, TS. Huỳnh Công Tín, NXB Chính Trị Quốc Gia-2009.