Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

Một số từ ngữ vay mượn từ tiếng Pháp trong tiếng Việt.

Xe lô (xe trắc xông) xưa ở Saigon (xe màu đen phía bên tay phải xe xích lô).
Ảnh Internet.

Trong entry trước tôi có nói chuyện phiếm về chữ "buồn", buồn, người mình xài thế mà có khá nhiều nghĩa, chứ không phải chỉ có nghĩa là buồn rầu, buồn bực... và người miền Bắc sử dụng chữ buồn nhiều khi có ý nghĩa khác với người miền Nam (người miền Bắc sử dụng chữ buồn với nhiều nghĩa hơn). Nhân trong phần comments ông bạn Bulukhin có nói đến sự khác biệt ngôn ngữ giữa hai miền, chẳng hạn người miền Nam nói vỏ, ruột để chỉ cái bánh xe gồm 2 phần chính, vỏ là lớp cao su cứng dày, có gai để chống trơn trượt bao bên ngoài, và ruột là lớp cao su mềm bơm hơi bên trong. Đây là tiếng Việt (miền Nam) để chỉ tính chất của cái bánh xe (xe gắn máy hoặc ô tô). Trong khi người miền Trung và miền Bắc dùng từ "lốp, săm" để chỉ cho vỏruột xe.

Lốpsăm là hai từ tiếng Việt vay mượn từ tiếng Pháp, lốp là từ chữ enveloppe, người miền Trung và miền Bắc rút gọn thành lốp, còn từ săm thì từ chữ chambre à air, được rút gọn thành săm. Trong những bộ phận của xe cộ thì từ ngữ Việt Nam vay mượn khá nhiều từ tiếng Pháp, người miền Nam nói xe hơi, cũng vẫn chỉ tính chất của xe ban đầu là cỗ máy chạy bằng hơi nước, thì người miền Bắc gọi là ô tô, từ chữ Pháp automobile. Với thời gian cả thế kỷ có mặt tại Việt Nam từ thời chúa Nguyễn, người Pháp đã để lại dấu ấn của họ trong văn hóa Việt, nhất là về mặt ngôn ngữ, sau từ Hán-Việt thì từ Việt hóa từ tiếng Pháp có khá nhiều trong ngôn ngữ của người Việt, 

Máy móc, kỹ thuật là những thứ mà thuở ban đầu người Pháp đã đưa vào Việt Nam, dĩ nhiên trước đó người Việt hầu như không có từ vựng để chỉ những gì đã được du nhập, nên rất nhiều thứ được phiên âm từ tiếng Pháp; mô tô, tiếng Pháp moto, là từ để gọi xe gắn máy; long đền (rông đen), tiếng Pháp là rondelle, để chỉ miếng đệm nơi con vít hay con tán, bù loong, tiếng Pháp là boulon, để chỉ một loại đinh ốc lớn để bắt chặt một vật gì; chữ vít (đinh vít) cũng thế, tiếng Pháp là visxe ca, tiếng Pháp là car, là xe chở khách; xe ben, tiếng Pháp là benne, là loại xe chở vật liệu như cát, đá phía sau thùng chở có thể nâng lên được để đổ cát đá xuống; xe buýt, tiếng Pháp là bus là xe chở khách chạy trong thành phố. Loại xe nhỏ đẩy bằng tay dùng trong công trường xây dựng ta quen gọi xe cút kít (khi đẩy xe phát ra tiếng kêu cót két), cũng được gọi là xe bù ệt (bồ ệt), tiếng Pháp là brouette; xe gòong, toa xe chở than trong hầm mỏ, từ tiếng Pháp là wagon.

Bạn nào ở Saigon trước năm 1975 chắc còn nhớ một loại xe chuyên chở công cộng cỡ nhỏ của tư nhân màu đen (loại này ngày trước chạy trong thành phố và đường Saigon-Biên Hòa), gọi là xe lô, hoặc lô ca xông, tên tiếng Pháp là location, cũng còn một tên gọi khác để chỉ xe lô, đó là xe trắc xông, cũng từ tiếng Pháp traction avant mà ra, đây là loại xe hơi nổi tiếng của hãng Citroen (Pháp), nguyên tắc của xe là truyền lực vào 2 bánh trước chứ không phải 2 bánh sau như các loại xe khác; xe hủ lô hay xe lu là loại xe nén mặt đường, tiếng Pháp là rouleau compresseur; đường ray hay đường rầy xe lửa cũng thế, từ tiếng Pháp là rail; thanh ngang ở đường rầy xe lửa gọi là tà vẹt, cũng từ tiếng Pháp là traverse. Ta hay gọi người phụ xe ở xe khách là xe, được gọi tắt từ tiếng Pháp contrôleur.

Không phải chỉ trong máy móc, kỹ thuật tiếng Việt mới sử dụng nguồn gốc từ tiếng Pháp. Ngoài xã hội từ có nguồn gốc tiếng Pháp cũng rất nhiều.  Bùng binh bây giờ là từ để chỉ vòng xoay nơi giao lộ (đường bộ), ở miền Nam trước đây bùng binh là để chỉ khúc sông rộng lớn mà tròn (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị-Hùinh Tịnh Paulus Của), từ này cũng bắt nguồn từ tiếng Pháp rond poind. Ai ở gần kênh Nhiêu Lộc Saigon chắc thường nghe chữ bờ kè, tiếng Pháp là quai; kem là thức ăn hữu hảo của trẻ em và cả nhiều người lớn, tiếng Pháp là crème; cái thìa (muỗng) để xúc ăn, từ tiếng Pháp là cuillère; cua gái trong tiếng Việt thì từ cua cũng từ tiếng Pháp là  faire la cour; bảo vệ gác cổng, chữ gác cũng từ tiếng Pháp là garde; loong toong là từ tiếng Việt để chỉ nhân viên chạy giấy ở văn phòng, từ tiếng Pháp là planton; hợp gu là có cùng một sở thích, chữ gu tiếng Pháp là gout (trên chữ u có dấu ^). Ta hay nói người ăn nói linh tinh là ăn nói bá láp, bá láp là từ tiếng Pháp palabres. Trong tiếng Việt cũng có một câu nữa "đồ ba vạ", để chỉ con người ăn nói linh tinh, hoặc tính tình lung tung lang tang, ba vạ là từ tiếng Pháp bavard.

Ngày xưa đi về miền Tây Nam bộ ta thường phải qua phà mà người dân thường gọi là bắc, bắc Mỹ Thuận, bắc Cần Thơ, bắc Vàm Cống... bắc là từ tiếng Pháp bac; quần ống loe, loa (ống rộng) một thời (thanh niên ở miền Nam hay mặc vào khoảng thập niên 1960, nửa thập niên 1970, và thủy thủ dưới tàu quân sự mặc loại quần này), được gọi là quần bát (hay pát), tiếng Pháp là patte d'éléphant; đi dạo phố, cũng còn gọi là bát phố, tiếng Pháp là battre le pavé; tấm bạt để che nắng che mưa, tiếng Pháp là bâche; từ bết trong tiếng Việt có nghĩa là dở, kém, cũng từ tiếng Pháp là bête; cồn là chất men trong rượu, từ tiếng Pháp là alcool; lưỡi lam cạo râu, tiếng Pháp là lame, cũng còn để gọi tấm lam thông gió ta thấy trên tường nhà; áo len mặc chống lạnh thì từ len, tiếng Pháp là laine, là sợi làm từ lông cừu; quân hàm của người lính quân đội trong tiếng Việt được gọi là lon, anh ta đeo lon đại úy, lon là từ tiếng Pháp galon.

Thời kháng chiến chống Pháp, ở miền Bắc có từ dinh tê, để chỉ những người rời bỏ hàng ngũ chống Pháp ở chiến khu để về thành phố (gọi là về thành), từ dinh tê có nguồn gốc từ tiếng Pháp là rentrer...

Trên đây chỉ là một số từ ngữ thông dụng chúng ta hay gặp trong cuộc sống có nguồn gốc từ tiếng Pháp. Trong tiếng Việt còn rất nhiều từ ngữ như thế mà nếu kể ra đây thì phải viết cả... một quyển sách mới đủ.


Tham khảo:

- Từ điển Từ vay mượn trong tiếng Việt hiện đại, TS. Trần Thanh Ái, NXB Đại Học Quốc Gia TP. HCM-2009.




Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

Cuối năm nói chuyện phiếm về chữ "buồn".


Chỉ còn vài chục tiếng đồng hồ nữa là bước qua năm 2015, một năm mới, người mình sang đầu năm thì không nhắc chuyện "buồn", các cụ nói "dông" cả năm, cho nên tôi muốn kết thúc năm cũ bằng câu chuyện phiếm về chữ buồn chơi đôi chút. Chả là mấy hôm trước có dịp ngồi cà phê tán dóc với mấy người bạn cũ, có anh bạn Nam bộ đã kể một chuyện nhỏ trong gia đình, con trai của bạn có vợ là một cô gái người miền Bắc, "Bắc rặc" luôn, như lời anh bạn nói. Đôi khi cô con dâu nói chuyện anh bạn không hiểu gì mấy, chẳng hạn  hôm qua cô con dâu nói câu chuyện gì đó mà có chữ buồn, theo bạn hiểu cốt chuyện cô con dâu kể nói chung là vui mà tại sao lại có buồn trong đó? Thì ra bạn nói buồn ở đây người miền Nam nói là nhột, như khi bị thọoc léc thì ta thấy nhột, ở đây  thay cho nhột cô con dâu nói buồn.

Đúng là cùng một chữ mà khi nói mỗi miền hiểu mỗi khác. Sống quá nửa đời người ở đất Sè Gòong tôi đã quen với cách nói của người miền Nam, nhưng cũng may là tôi vẫn còn nhớ cách dùng từ của người miền Bắc, như khi xưa nghe các cụ của tôi nói trong nhà. Các cụ kể chuyện lúc mới di cư vào miền Nam, ra chợ thấy hàng quán người ta đông khách, quen miệng khen "hôm nay bán đắt quá" (hôm nay bán đông khách quá), chủ quán là người Nam bộ nghe nói "bán đắt" lại tưởng ông bà này chê họ "bán mắc". Một câu chuyện khác nữa cũng về cách hiểu từ ngữ mỗi miền mỗi khác. Có lần tôi ghé một quán cơm quen mua cơm hộp về ăn, bà chủ quán ngồi bán là người miền Bắc xưa, còn ông chồng lăng xăng phụ một tay lại là người miền Nam. Khi tôi hỏi hôm nay có món gì ngon, bà chủ quán nói "hôm nay nhà hàng có món canh cua rau đay, và món rạm rang giòn"(*). Ông chồng Nam bộ đứng phụ kế bên cười khì "quán cơm bình dân mà bà nói là nhà hàng". Khi một người miền Bắc xưa như bà chủ quán cơm nói nhà hàng , chỉ có nghĩa là nhà bán hàng (hàng ăn) chứ không có nghĩa như ta thường dùng bây giờ, là để chỉ quán ăn cao cấp (restaurant) như ông chồng nghĩ.

Cũng như về chữ buồn mà người bạn miền Nam của tôi nói bên trên. Buồn, cái nghĩa số một, thông dụng, quen thuộc là "trạng thái của con người khi gặp chuyện không vừa ý, hay gặp chuyện đau thương", ta hay gặp trong cụm từ buồn bã, buồn bực, buồn phiền, buồn rầu, buồn teo, buồn tênh, buồn thảm, buồn thiu, buồn xo... Nhưng khi người miền Bắc nói "bị cù nách thấy buồn" (hoặc thấy buồn buồn), thì người miền Nam nói "bị thọoc léc nghe nhột" (hoặc nghe nhột nhột), buồn ở đây có nghĩa là nhột, buồn buồn có nghĩa là nhột nhột. Cũng xin lưu ý một chi tiết nữa về cách dùng từ, người miền Bắc nói "cù nách", người miền Nam nói "thọoc léc", người miền Bắc nói "thấy buồn", thì người miền Nam nói "nghe nhột". Cùng một sự việc mà một đằng "thấy", một đằng "nghe", ngộ!

Khi người miền Bắc nói "nghe nó kể chuyện buồn cười", thì người miền Nam nói "nghe nó nói chuyện mắc cười", chữ buồn cười  mắc cười ở đây được hiểu là không nhịn được cười. Còn câu khác "giờ này buồn ngủ quá", thì ta hiểu ngay là người ấy muốn nói "giờ này muốn ngủ quá", buồn lại có nghĩa là muốn.

Bây giờ tôi không còn nghe ai nói câu thành ngữ "buồn như trấu cắn", "trấu" là lớp vỏ cứng của hạt thóc chứ không phải "chấu" (con châu chấu), câu này là để chỉ một tâm trạng bứt rứt, khó chịu. Khi ta bị những vỏ trấu dính (cắn) vào da sẽ có cảm giác ngứa ngáy, bứt rứt, khó chịu. Như vậy chữ buồn ở đây có nghĩa là bứt rứt, khó chịu. Nhưng còn chữ "buồn tình" thì sao nhỉ? Chẳng hạn như khi nghe nói "Hôm nay nghỉ không có việc gì làm, buồn tình ghé rủ bạn đi chơi", buồn tình ở đây chắc chắn không phải là buồn vì... tình, mà có nghĩa là rảnh rỗi, rảnh rang, có cảm giác trống trải... Hôm nay nghỉ không có việc làm, rảnh rỗi (hay cảm thấy trống trải) nên ghé rủ bạn đi chơi...

Chữ nghĩa tiếng Việt rất phong phú, đến người mình có khi còn ú ớ. :-)))



(*) Canh cua rau đay và rạm rang giòn là hai món ăn bình dân của người miền Bắc. Con rạm là một loài cua nhỏ được tẩm nước mắm, rang giòn trên chảo mỡ ăn cơm với canh cua rau đay có thêm quả mướp hương nữa, ngon tuyệt.


Saigon, những ngày cuối năm 2014.



Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

Luân hồi.


Ảnh: Internet.


Bây giờ là cuối tháng 12, đã sắp hết một năm theo Tây lịch, một năm trôi vèo qua, và một năm mới sắp đến, đúng như người ta thường nói, thời gian trôi qua như tên bay, nhất là thời gian của tuổi già.

Tôi tham gia vào cái làng lốc, liếc này ít năm nay (chẳng nhớ bao lâu nữa, mà cũng chẳng cần nhớ mần gì, để dành cái phần "memory" này cho nhiều chuyện khác). Khởi đầu từ Yahoo 360, rồi mạng này tắc tử thì "đầu thai" qua mạng khác, trong quá trình "luân hồi" như thế kết được với dăm bảy người bạn, có những bạn già về hưu như mình nhưng đã lên chức nội, ngoại, con cháu dâu rể đùm đề, có bạn tầm tầm (mà dân gian gọi là sồn sồn) vẫn còn hăng say làm việc, có bạn trẻ trẻ, và cũng có bạn khá trẻ chưa vướng bận cuộc đời gì nhiều. Nói chung là đủ cả nam-phụ-lão-ấu, các bạn làm việc trong đủ mọi ngành nghề, ở đủ bốn phương trời, Nam-Bắc-Đông-Đoài, trời Tây, trời Ta... Bạn bè của tôi không chỉ gặp nhau trên mạng, mà thi thoảng cũng đã gặp nhau ngoài đời, ngồi uống với nhau ly cà phê, tán dóc vui vẻ.

Bạn bè đa phần định cư bên "phây", một mạng xã hội phổ thông mà gần như ai cũng tham gia. Tôi thì chỉ ngụ cư bên cái xì pốt này, bạn rủ qua đó cho vui mà ngại quá, ngại cảnh một chốn hai ba quê chạy qua chạy lại, ở đâu rồi cũng quen đó, mà cũng thật là do tuổi già, ngại chuyện đi lại. Cũng như chuyện chụp hình chụp ảnh, hồi trước còn xăng xái xách cái máy hình đi tới đi lui, nhiều khi một mình ra chốn ruộng đồng lặn lội chụp hoa cỏ, chuồn chuồn, châu chấu. Thế mới hay tuổi già là một cái gì đó trì trệ, phát chán. Ngay cả bây giờ chuyện chạy xe gắn máy ngoài đường cũng thấy ngán, chỉ ra đường khi buộc phải đi, nắng mưa, bụi bặm, và nhất là chân tay đã chậm chạp, lóng ngóng, sợ nhất là cái chạy ẩu như đi ăn cướp giựt của người mình. Xứ mình có lẽ có cái giao thông kinh khủng vào bậc nhất trên thế giới, cái này có nhiều phần chắc. Thôi thì cũng có cái để tự hào là mình hơn thiên hạ.

Sắp hết năm cũ đón năm mới, cuối năm, có lẽ cũng không nên nói nhiều về cái buồn ở xứ mình, bởi nó đầy ra đó, nhiều vô kể, trong tất cả mọi lãnh vực, cả đời lẫn đạo, chỉ nói về niềm vui (trong cái buồn), thì có lẽ niềm vui lớn nhất mới xảy ra đây, là đã giải cứu thành công 12 công nhân bị chôn vùi trong hầm thủy điện ở Lâm Đồng. Cái hầm thủy điện quá đỗi nhếch nhác và nguy hiểm, trông như khung cảnh ngục A tì, nếu muốn quay phim Mục Kiều Liên thì nên chọn cái hầm thủy điện này, chỉ cần cho vô đó mấy cái vạc dầu sôi sùng sục, và đám quỷ sứ cầm chĩa ba có sừng có mỏ...

Người ta nói, dù muốn dù không thì cũng phải ráng có niềm tin để mà sống. Và như thế thì tôi có thể bước vào năm mới với niềm tin, Thượng đế vẫn chưa bỏ loài người... :-)))

HAPPY NEW DÊ! Cung hỷ Sư Phụ. Chúc tất cả các bạn một năm Con Dê vui vẻ.




Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Joyeux Noel.

Ông già Noel trượt patin.


Người tuyết.

Lâu rồi mới ngồi làm lại mấy sản phẩm thủ công bằng giấy để đón Noel, hì hì!





Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Giáng sinh an lành.

Post lên mấy tấm hình móc bằng len sợi, để chào đón một Giáng sinh an lành đến cho tất cả mọi người.








Và xin mời mọi người những chiếc bánh cũng móc bằng len sợi.







Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Tin rất vui.


Đưa công nhân bị nạn ra ngoài. Ảnh Thanh Niên Online.

Mấy ngày hôm nay tôi thường xuyên theo dõi tin tức về việc cứu hộ 12 công nhân bị nạn trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng-Đạ Chomo tại Lâm Đồng, và vẫn cầu mong cho họ được an toàn, như lần cứu hộ sập hầm mỏ tại Chi Lê mấy năm trước. Thật vui mừng khi tôi vừa đọc được tin trên báo Thanh Niên Online, tất cả 12 công nhân đã được cứu thoát vào lúc 16g40 chiều nay (cách đây nửa tiếng bằng đường hầm do lực lượng công binh đào). Thông tin cho biết sức khỏe của các công nhân khá yếu nhưng vẫn tỉnh táo, và việc cấp cứu đang được các nhân viên y tế thực hiện.

Một mùa giáng sinh an lành đến cho mọi người.

Bổ sung thêm một bức ảnh đăng trên VNEXPRESS, bức ảnh chụp người phụ nữ duy nhất trong số 12 công nhân được cứu thoát, chị Đặng Thị Hồng Ngọc, 26 tuổi. Có lẽ đây là một bức ảnh của người phụ nữ có khuôn mặt đẹp nhất cuối năm 2014, đẹp hơn cả hoa hậu Việt Nam vừa rồi, hì hì!

Ảnh VNEXPRESS.




Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Xem phim Tàu.

Ảnh minh họa lấy từ Internet.

Chiều nay ngồi trước tivi, bà xã tôi đang xem phim Tân Tam Quốc Chí, nghe một đoạn đối thoại trên phim làm tôi chú ý. Trên màn hình là cảnh đối thoại giữa một ông vua và một viên tướng dưới trướng, phim Tàu nhưng đã được lồng tiếng Việt. Tôi coi và nghe đoạn phim dài mấy phút ấy thấy hình như người viết kịch bản lồng tiếng không rành ngữ nghĩa tiếng Việt, cụ thể là ông vua luôn miệng gọi viên tướng là "ái khanh" (vì chỉ để ý một đoạn nên tôi không biết vua nào và tướng nào).

Trước đây tôi đọc truyện Tàu, hoặc xem truyện xưa chỉ thấy vua dùng từ "ái khanh" để gọi hoàng hậu, hay thê thiếp sủng ái, chứ không hề thấy vua gọi tướng dưới quyền là ái khanh bao giờ, thử giở lại từ điển cho chắc ăn, trước hết là Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức: Ái khanh (愛卿):  Tiếng gọi vợ hay là gọi người đàn bà thân yêu. Từ điển Tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học - Hoàng Phê chủ biên): ái khanh: danh từ: Từ vua chúa dùng để gọi người đàn bà được mình yêu, khi nói với người ấy. Việt Nam Tân từ điển của Thanh Nghị: Ái khanh: dt: Tiếng dùng để gọi vợ hay người đàn bà được sủng ái về thời xưa. Có chú thích thêm tiếng Pháp là Bien aimée. Tự điển Việt Nam của Ban Tu Thư Khai Trí: Ái khanh dt: Tiếng dùng để gọi vợ hay người đàn bà được yêu quý về thời xưa.

Như vậy thì đã rõ, từ "ái khanh" trong tiếng Việt chỉ được dùng để gọi phụ nữ vào thời xưa,  hoặc vua chúa gọi hoàng hậu, thê thiếp sủng ái, chưa bao giờ được dùng để gọi đàn ông cả.

Phim ảnh là văn hóa. Thế thì thật chán cho những người làm văn hóa.



Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Vô ưu và Vô tư.

Thịt chuột được bày bán ở chợ Núc, xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Ảnh 1.

Hôm nọ tôi đã đọc được một bài viết trên blog của anh bạn trẻ Nguyễn Huy Trường, bài viết có tựa là "Bắt chuột", nói về chuyện người quê bạn ở xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất xưa thuộc tỉnh Sơn Tây (bây giờ thuộc Hà Nội), cứ đến mùa thì mọi người đổ xô ra ngoài đồng bắt chuột, dĩ nhiên chuột ở đây là chuột đồng chuyên ăn lúa. Cũng giống như khi tôi có dịp về chơi vùng Đồng Tháp, sáng sớm ra chợ thấy chuột được bày bán trong những chiếc lồng sắt, cùng với rắn, rùa, thằn lằn... và khi vào nhà hàng, quán ăn cùng với bạn bè, người quen là người dân địa phương thì không thể thiếu món chuột đặc sản đãi khách (nhưng thú thật, bạn bè chê dở thì đành chịu, dù có được động viên, khích lệ, hay... khích bác cách mấy, tôi cũng chưa hề dám gắp đũa lấy một miếng).

Ở quê của bạn Huy Trường chuột đồng thui rơm được bày bán ở chợ quê, như chúng ta thấy trong hình cũng là một món đặc sản quê hương, và đọc bài viết của anh bạn trẻ tả lại thuở thiếu thời đi bắt chuột cùng với đám trẻ trong làng, những cái tên như "thằng Quyền, thằng Dương, Mạnh tí", đứa cầm cuốc xẻng để đào hang chuột, đứa xách thùng để múc nước đổ vào hang, đứa mang theo rơm rạ để hun khói, và cũng  không quên con Vện để vồ những con chuột bị ngạt nước, ngạt khói chạy ra khỏi hang. Anh bạn trẻ này tả lại từ cách đổ nước vào hang, đến hun khói cho chuột ngạt, và đào hang bằng cuốc, xẻng, thấy thật thú vị. Tuổi trẻ của các bạn trẻ ấy ở quê nhà thật vô ưu, cái vô ưu của một thời tuổi nhỏ thần tiên mà một đời người không dễ gì tìm lại được.

Món chuột luộc lá chanh. Ảnh 2.


Sáng nay (15-12-2014) vào trang Vietnamnet thấy có bài viết cũng về chuột đồng, và những hình ảnh thui chuột, bày bán ngay bên đường cao tốc (Cầu Giẽ-Ninh Bình). Bài viết cho biết đến mùa (rằm tháng chín âm lịch), đến vụ lúa mùa, người dân địa phương tổ chức đi bắt những con chuột đồng béo múp, và mang ra thui, bán ngay bên lề đường cao tốc. Chuyện thui chuột cũng thật đơn giàn, hết sức dã chiến, chỉ việc chất rơm xuống đám cỏ ngay bên đường, đốt, thui, rồi bày trên mâm cũng ngay dưới đất đó bán cho khách qua đường.




 Thui chuột ven đường. Ảnh 3&4.

Mâm chuột thui được bày bán dưới đất ven đường. Ảnh 5.

Con chuột đồng được thui vàng ươm như ta thấy trong tấm hình bên trên, khi có khách qua đường hỏi mua thì người bán mổ bụng cắt bỏ phần nội tạng, tuyến bài tiết rồi bán cho khách. Khách mua về chỉ việc chặt chuột thành miếng hoặc chế biến thêm, là có ngay một đĩa đặc sản hấp dẫn để lai rai.

Đĩa thịt chuột thui. Ảnh 6.

Bài viết tôi đã đọc trên báo cho thấy việc thui, bày bán chuột trên lề đường cao tốc cho thấy dân mình có những người thật vô tư. Rơm được đốt lên (như ta thấy trên hình), không biết lỡ có gió thổi bay vào dưới gầm xe hơi đang chạy trên đường hậu quả sẽ ra sao? Có khi chỉ một cái ẩu nhỏ sẽ gây ra một hậu quả lớn (như đã có nhiều đám cháy chỉ vì những tia lửa điện của thợ hàn, hay của việc đốt vàng mã). Rồi khi có khách hỏi mua người bán mổ bụng chuột vứt bỏ nội tạng và tuyến bài tiết của chuột, chắc cũng vứt ngay tại chỗ lại làm ổ cho ruồi nhặng, và chuột được thui bày bán dưới đất bên lề đường, chẳng che đậy gì hết  xe cộ chạy qua sẽ có biết bao nhiêu bụi bặm bám vào, ổ dịch bệnh từ đấy mà ra chứ ở đâu, người mua mang về cứ thế chặt miếng bày ra đĩa mà chén... Úi, vô tư quá! Hì hì!


Ghi chú:

- Ảnh 1 và ảnh 2 được copy bên trang nhà anh bạn trẻ Nguyễn Huy Trường.

- Ảnh 3, 4, 5, 6 được copy trong bài viết "Chợ chuột 'bắt mổ ngay' đầu cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình" (Kiều Dinh - Vietnamnet 15-12-2014).


Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

Cuối tuần.



Chiều cuối tuần "lướt Web", tình cờ đọc được một cái tựa trên Người Lao Động (Tác giả Minh Khanh - 12-12-2014): "Nhiếp ảnh kiểu độc... ác", là một người thích chụp ảnh, biết sơ qua về nhiếp ảnh, tôi tò mò thử vào xem tại sao tác giả bài viết lại nói về nhiếp ảnh như thế. Thì ra bài báo nói về một kiểu chụp ảnh của "khá nhiều nhiếp ảnh gia" (chữ của bài báo) bây giờ về nhiếp ảnh. Họ "Dời tổ, bắt chim non, dùng keo dán chim lên cành cây... là những cách mà một số nhiếp ảnh gia đã áp dụng để có bức ảnh đẹp".

Với những ai đã từng cầm máy ảnh đi chụp thiên nhiên, đọc hẳn sẽ cảm thấy đau lòng. Tôi sẽ không nhắc lại những chi tiết của nội dung ghi trên, nhưng với những cách mà những nhà nhiếp ảnh đã làm với thiên nhiên, để có được một bức ảnh "đẹp" khiến mọi người phải trầm trồ khi xem (chẳng hạn để chụp cảnh chim non tập bay, họ dùng keo dán chân chim non lên cành cây, để chim non cố gắng cất cánh bay nhưng không bay lên được và chụp), chụp xong cũng chẳng nghĩ đến việc giải thoát cho con chin non, thì quả thực là độc ác.

Bây giờ thì tôi ít có thời giờ xách máy hình đi chụp đây đó, nhưng trước đây tôi cũng đã có dịp chụp khá nhiều, cảnh vật thiên nhiên, núi rừng, sông, suối, biển bình minh, hoàng hôn, một bãi biển sớm với những ghe chài cập bến ở Phước Tỉnh-Bà Rịa, những con chim sáo, chim sẻ, chuồn chuồn, cào cào, tắc kè... và các loại hoa trong thiên nhiên. Có khi đi chụp cùng một nhóm bạn yêu thích nhiếp ảnh ở một nơi xa, có khi đi chụp một mình hay với một người bạn cùng yêu thích nhiếp ảnh nếu gần. Một trong những nguyên tắc đầu tiên của tôi khi chụp, là mọi cái mình thu vào ông kính phải thật tự nhiên như nó vốn đã xảy ra như thế, tuyệt đối không được tác động. Ra một bãi biển sớm lúc các ghe chài chở cá về, cố gắng chọn góc chụp để khi chụp đừng cho chủ đề mất tự nhiên vì các ống kính chĩa vào họ. Chụp những người thợ thủ công đang làm công việc của họ cũng thế, phải nói họ cứ làm việc thật tự nhiên, đừng để ý gì đến người chụp. Cũng có những người dân chài hay người thợ thủ công thân thiện, vui tính, khi thấy có người chụp hình họ cố tạo dáng, sửa điệu bộ, cười thật tươi... khi ấy mình vẫn cứ chụp, nhưng đó chỉ là những tấm hình có tính cách kỷ niệm, tôi thường in ra những hình này, có dịp sẽ gởi cho họ.

Còn khi chụp những động vật hoang dã trong thiên nhiên thì lại càng phải kiên nhẫn, tôi đã phải bỏ ra không ít thời gian, công sức rình mò khi chụp những con chim sáo, chim sẻ, hay những con chuồn chuồn trên ao hồ, rình mò những con tắc kè đang đổi màu trên cành cây... cũng tuyệt đối không được tác động gì vào chúng, chỉ cố gắng ghi lại được những hình ảnh trong thiên nhiên vốn đã xảy ra như thế...

Trong cuộc sống không phải chúng ta chỉ "Học ăn, học nói, học gói, học mở", hay chỉ học chữ nghĩa, khoa học, văn chương... Mà mỗi người phải học cách đối xử với tất cả những gì chung quanh, con người, cảnh vật, môi trường, thiên nhiên hoang dã... làm sao cho được tử tế.



Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Noel.

Ông già Noel.

Em bé tuyết.

Người tuyết OLAF, nhân vật trong phim Nữ Hoàng Băng Giá.

Cô bé Noel.

Ông già Noel và Cô bé Noel.

Em bé tuyết và Người tuyết Olaf.

Gia đình Noel.

Cô bé đom đóm (tay xách đèn lồng).

Người gỗ Pinocchio mùa Giáng sinh.

Mr. Peabody, nhân vật trong phim hoạt hình cùng tên.

Ngựa Poni.


Tháng 12, mùa Giáng sinh, xin giới thiệu những sản phẩm được móc bằng sợi nhân mùa Noel của trang nhà, và một vài sản phẩm khác của tháng 12 cuối năm.




Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

Thất vọng!


Dĩ nhiên sự thất vọng ở đây là dành cho người hâm mộ bóng đá Việt Nam, trận bán kết lượt về của đội tuyển Việt Nam trên sân Mỹ Đình tối 11-12-2014, với tỉ số 4-2 nghiêng về đội tuyển Malaysia.

Niềm vui của các cầu thủ Việt Nam khi Công Vinh rút ngắn tỉ số nhưng đã là quá trễ. Ảnh báo Kiến Thức.


Đây là một trận đấu tồi tệ của đội tuyển Việt Nam suốt từ đầu giải, không phải chỉ tệ về mặt tỉ số, mà tệ về cả mặt lối chơi và tinh thần thi đấu. Chỉ mới qua hết hai phần ba hiệp đầu của trận đấu nhiều người hâm mộ Việt Nam đã tắt tivi, một người quen rất am hiểu bóng đá (cả bóng đá Việt Nam và bóng đá quốc tế) cùng ngồi xem tivi với tôi, sau hiệp một đã nói, chẳng lẽ cái bóng ma bán độ lại ám ảnh bóng đá Việt Nam? Hễ mỗi lần đội tuyển Việt Nam đá ở "kèo trên" trong những trận đấu quan trọng thì lại có chuyện. Thật sự không thể hiểu được điều gì đã xảy ra...

Tôi không rành lắm về cái mà anh bạn quen đã nói là "bóng ma bán độ", chỉ thấy sang đến hiệp hai nhất là về cuối trận đấu thì đội tuyển Việt Nam đã đá khác hẳn hiệp một, nhưng lúc ấy đã trễ, và chỉ có thể gỡ thêm được một bàn.

Ở phía bảng bên kia thì đội tuyển Thái Lan đã vượt qua đội tuyển Phi Luật Tân với ba bàn thắng lượt về trên sân nhà, để sẽ gặp Mã Lai trong hai trận chung kết. Rõ ràng là đội tuyển Việt Nam trong một sớm một chiều vẫn chưa đạt được một đẳng cấp như đội tuyển Thái Lan.

Nhưng tôi vẫn tin tưởng và đánh giá cao ở nhà cầm quân người Nhật Bản, HLV Toshiya Miura (ông mới chỉ mới cầm quân được chưa đến nửa năm, một thời gian quá ngắn). Nhưng ông đã cho thấy dù đáng thất vọng trong một trận đấu quan trọng, nhưng cách huấn luyện của ông là phù hợp với tố chất của các cầu thủ Việt Nam, và con đường ông đang đưa đội tuyển Việt Nam đi là đúng hướng. Hy vọng ông sẽ đưa bóng đá Việt Nam đi xa hơn trong tương lai.



Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Trước giờ G.

Hình ảnh lấy từ trang Bóng Đá trong trận đội tuyển Việt Nam-Malaysia tối 07-12-2014 với tỉ số 2-1 nghiêng về đội tuyển Việt Nam.



Giờ G ở đây là trận bán kết lượt về vào tối ngày 11-12-2014 giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Malaysia trên sân Mỹ Đình - Hà Nội. Tuy mới chỉ là bán kết, chưa phải là hai trận lượt đi và về của trận chung kết AFF Suzuki Cup 2014, nhưng không khí đã thật nóng, mặc dù trời đã phảng phất không khí cuối năm và thời tiết ảnh hưởng bởi siêu bão Hagupit vừa thổi qua Philippines.

Nóng vì đọc báo thấy vé chợ đen ở sân Mỹ Đình đã lên đến 4 triệu đồng một cặp vé mời nhưng cũng không phải dễ kiếm, nóng vì đội tuyển Việt Nam trong những trận đấu vừa qua chơi rất hay, cho thấy một diện mạo khác, một tư duy khác, một quản lý bóng đá khác trong bóng đá đã xuất hiện (hy vọng điều này sẽ được phát huy), đáp ứng được lòng hâm mộ của khán giả. Nhưng nóng nhất không phải là những chuyện trên, hay cả chuyện đội tuyển Việt Nam có tiếp tục vượt qua được đội tuyển Malaysia trong trận bán kết lượt về hay không?

Cái nóng ở đây là trên những trang mạng, hình ảnh cổ động viên VN đã đổ máu, nhiều người (hẳn là người Việt), đã tìm ra trang Facebook của cầu thủ mang áo số 8 (Safiq Rahim) của đội tuyển Malaysia, người đã đánh nguội trung vệ Tiến Thành của đội tuyển Việt Nam trong trận bán kết lượt đi, để "thả bom tấn", báo cho biết đủ mọi thứ ngôn từ thô tục, hình ảnh mang tính hăm dọa được ném vào nhà cầu thủ này. Đọc báo Tuổi Trẻ sáng nay (9-12-2014), báo đã dành gần trọn trang đầu và gần cả hai trang giữa tờ báo để đưa tin và viết về cái "nóng" trước trận lượt về. Đọc tít Đừng lấy cái xấu đáp trả cái xấu trên trang nhất của báo, và những kêu gọi nơi trang giữa của những người yêu bóng đá Việt Nam, là đừng nên trả đũa đội bóng Malaysia sang thi đấu trận lượt về, hay trả đũa những cổ động viên của họ sang sân Mỹ Đình cổ vũ cho đội tuyển Malaysia.

Thật sự là nên như thế và cần phải như thế. Để xây dựng một nền bóng đá đẹphiệu quả, tiến tới một xã hội đàng hoàng, cần phải xây dựng một môi trường bóng đá tử tế, tử tế từ trong sân cỏ ra đến ngoài sân cỏ. Tử tế từ những người làm bóng đá cho đến những cổ động viên, và bạo lực thì không bao giờ mang lại sự tử tế.

Nếu trận đấu tới mà đội tuyển Việt Nam vẫn tiếp tục vượt qua đội Malaysia bằng một lối chơi đẹp và hiệu quả, và trên khán đài, ngoài đường phố, các cổ động viên Việt Nam coi các cổ động viên Malaysia như những người bạn thì thật là tuyện vời.

Còn khoảng nửa tháng nữa là đến Giáng sinh, những cây thông Noel đã được thắp sáng ở khắp mọi nơi, mang thông điệp hòa bình đến cho mọi người. Vâng - Bình an dưới thế cho người thiện tâm.

Những người mê bóng đá đang chờ một trận đấu hay, đẹp. Chúc an bình đến cho mọi người.







Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2014

Ghi nhanh: điểm 10 cho đội tuyển Việt Nam.


Văn Quyết sau khi nâng tỉ số lên 2-1 cho đội tuyển Việt Nam trong trận Việt Nam-Malaysia. Ảnh VietnamNet.


Chưa bao giờ đội tuyển bóng đá Việt Nam đá hay như hiện nay, ở cả ba đội tuyển: đội tuyển Trẻ-U19, đội tuyển Thanh niên-U23, và đội tuyển Quốc gia, ấy là tôi nói theo kiểu cách nay... năm mươi năm (cách gọi đội tuyển U23 và đội tuyển Quốc gia), khi tôi còn là một chú nhóc ở Saigon, dán tai vào chiếc radio nghe ông Huyền Vũ trực tiếp truyền thanh một trận cầu quốc tế.

Phải nói ngay cũng những cầu thủ ấy, nhưng những nhà lãnh đạo thể thao khác, cách suy nghĩ khác khi làm thể thao, và những huấn luyện viên khác, thì kết quả trong thể thao sẽ khác, như chúng ta đã thấy về bóng đá Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Một đội tuyển Trẻ-U19 lấy nòng cốt từ những cầu thủ được huấn luyện bài bản từ Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, và được dẫn dắt bởi một huấn luyện viên người Pháp (Guillaume Graechen). Một đội tuyển Thanh niên-U23, và đội tuyển Quốc gia hiện nay được huấn luyện bởi một huấn luyện viên người Nhật (Miura Toshiya). Cả ba đội tuyển cùng để lại trong tôi những ấn tượng khó quên.

Kết thúc trận đấu bán kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2014 giữa đội tuyển Việt Nam và Malaysia trên sân Malaysia vào tối nay (07-12-2014), tỉ số 2-1 nghiêng về phía đội tuyển Việt Nam, trong tình thế bị dẫn bàn trước từ khá sớm ở phút thứ 13 với một trái phạt đền khá oan uổng, và trước sức ép của 80.000 cổ động viên Malaysia, đội tuyển Việt Nam vẫn đứng vững, với một thế trận hơn hẳn đối phương. Phải nói ngay những cầu thủ Việt Nam đá bóng được như bây giờ, dĩ nhiên ta phải khen ngợi họ, công đầu thuộc về những cầu thủ, nhưng ngay sau đó là dấu ấn của huấn luyện viên người Nhật Bản Miura Toshiya. Chính vị huấn luyện viên này đã tạo nên những con người khác trên sân cỏ, từ kỹ thuật, chiến thuật, đến bản lĩnh, tinh thần chiến đấu không lùi bước, không khoan nhượng của những cầu thủ đã nói lên điều ấy. Một huấn luyện viên trông thư sinh như một... sinh viên đại học, vậy mà đã tạo nên những khác biệt lớn lao cho cả một nền bóng đá ì ạch suốt nhiều năm qua. Trong những trận đấu của đội tuyển U-23 cũng như đội tuyển Quốc gia vừa qua, chúng ta thấy không có những công thần đá bóng, mà chỉ có những cầu thủ khát khao chiến thắng trên sân cỏ. Nói hơi "nịnh" vị huấn luyện viên Nhật Bản và xứ sở của ông đôi chút, là ông đã mang được "ngọn gió thần phong Kamikaze" đến trên sân cỏ.

Thảo nào mà đội tuyền bóng đá Nhật Bản trong nhiều năm qua luôn là đội bóng đứng hàng đầu Châu Á. Thảo nào mà đất nước Nhật Bản là cường quốc về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật... trên thế giới.

Dù có là những nhà vô địch hay không, nhưng nếu cứ đá được như thế, xin ngả nón chào đội tuyển bóng đá Việt Nam, và ngả nón chào ông Miura Toshiya.




Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

Học làm người (2).




Học giả Nguyễn Hiến Lê mất đến nay đã được đúng 30 năm, ông mất ngày 22-12-1984, sắp kỷ niệm 30 năm ngày mất của ông. Ông sinh năm 1912 tại Sơn Tây - Bắc Việt, mất năm 1984 thọ 72 tuổi.

Một lần đọc quyển Hồi ký* của ông, trong sách có hình chụp ông và phu nhân đứng trước nhà vào năm 1983, và một quyển bạn văn viết về ông** tôi mới hay chỗ tôi đang ở hiện nay là hàng xóm với ông khi ông còn sống, ông đã ở đây một thời gian khá dài từ trước năm 1975 cho tới khi ông mất vào tháng 12 năm 1984, đến năm 1995 thì tôi về ở trong khu nhà đối diện với khu nhà nơi ông đã từng ở. Đây cũng là nơi đặt nhà xuất bản do ông sáng lập mang tên ông tại số 12/3C Kỳ Đồng, Q3, TP HCM. Căn nhà đó nay vẫn còn giữ nguyên kiến trúc như thế, nhưng không rõ do ai đang ở.

Mấy tháng trước tôi có đọc được một bài trên báo mạng có tin học giả Hoàng Xuân Việt đã từ trần (tháng 7-2014). Vậy là cả ba người trước năm 1975 viết trong Tủ sách Học làm người (tiếng Pháp Culture humaine) nay đã không còn nữa. Học giả Nguyễn Hiến Lê mất năm 1984, Nguyễn Duy Cần mất năm 1998, và Hoàng Xuân Việt mất tháng 7 năm 2014. Trong ba học giả trên thì Hoàng Xuân Việt viết nhiều nhất, theo trang mạng Wikipedia ông viết đến 373 đầu sách trong nhiều lĩnh vực. Sách của học giả Hoàng Xuân Việt bao gồm loại sách học làm người, lịch sử, triết học, văn hóa - xã hội - tôn giáo, khoa học, từ điển, và cả thơ... Kế đến là học giả Nguyễn Hiến Lê viết khoảng trên 100 đầu sách (theo quyển Nguyễn Hiến Lê - Cuộc đời & Tác phẩm của nhà văn Châu Hải Kỳ thì ông Nguyễn Hiến Lê viết trên 120 nhan đề với trên 160 cuốn sách). Tôi có được khoảng 1/3 số sách của ông (khoảng 50 quyển, trong đó tôi còn giữ được quyển Chiến Quốc Sách mua từ trước năm 1975, cùng với quyển Sử ký Tư Mã Thiên, nhưng quyển sau đã mất). Đối với học giả Nguyễn Duy Cần có 30 đầu sách viết về đủ thể loại (theo thống kê chưa đầy đủ trên trang Wikipedia).

Nhưng có một điều khá đặc biệt, cũng theo nhà văn Châu Hải Kỳ trong sách viết về học giả Nguyễn Hiến Lê, ông cho biết ông Nguyễn Hiến Lê viết nhiều sách về Khổng, Lão, về tư tưởng triết học phương Đông nhưng ông không hề viết một quyển sách nào về đạo Phật hay về Đức Phật Thích Ca. Nhà văn Châu Hải Kỳ trích dẫn ông Lê Ngộ Châu (người trông coi tờ Bách Khoa Thời Đại từ năm 1962 cho đến năm 1975, một tạp chí đứng đắn ở miền Nam), và là một người bạn thân thiết với ông Nguyễn Hiến Lê. Ông Lê Ngộ Châu đã nhiều lần gợi ý cho ông Nguyễn Hiến Lê viết một cuốn sách về đạo Phật "nhưng ông Lê tránh né". Ông Châu có lưu ý một điều nữa là "thường thường sách nào ai tặng, ông Lê đều đọc qua và có ghi bút chì nhận xét của ông ở trang đầu hay trang cuối. Chỉ có cuốn Phật học tinh hoa của ông Nguyễn Duy Cần là không thấy có bút tích của ông, có thể là ông không đọc". Cả việc tang ma của ông, ông cũng dặn dò người nhà đừng mời nhà sư đến tụng niệm. Một học giả uyên bác, viết rất nhiều như ông mà không viết về đạo Phật thì thật lạ.

Đọc Hồi ký của học giả Nguyễn Hiến Lê, tôi thấy đa số những nhà văn, học giả nổi tiếng ở miền Nam trước năm 1975 đều là bạn bè thân thiết với ông, như thi sĩ Đông Hồ, các ông Giản Chi, Võ Phiến, Nguyễn Hữu Ngư (Nguyễn Ngu Í), Hư Chu, Quách Tấn, nữ sĩ Tương Phố, Vi Huyển Đắc (chuyên về kịch), Châu Hải Kỳ, Lê Ngọc Trụ (người đã viết bộ Việt ngữ chánh tả tự vịTự vị ngữ nguyên Việt Nam rất có giá trị mà bây giờ không sao kiếm lại được, cũng không thấy tái bản), Vương Hồng Sển (ông có viết quyển Tự vị tiếng nói miền Nam, nhưng khi in năm 1994 thì thành ra Tự vị tiếng Việt miền Nam, khiến ông kêu trời), Bình Nguyên Lộc người viết quyển Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt, Nguyễn Đức Sơn, nhà thơ lập dị, thơ ông có câu "Nếu không có quỷ ma/ Khó bề thấy được Phật", sau năm 1975 ông đã lên Bảo Lộc trồng rừng, sống cuộc sống thiên nhiên nơi trang trại của nhà Lá Bối, nhà văn Toan Ánh, người có đam mê ghi chép phong tục Việt Nam, đã xuất bản nhiều sách về đề tài này...

Sau khi đất nước thống nhất vào tháng 4 năm 1975, học giả Nguyễn Hiến Lê viết trong Hồi ký tháng 6 năm ấy GS. Nguyễn Kim Thản khi ấy là Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Hà Nội có ghé thăm ông. Cuối năm 1975 thì nhà văn Nguyễn Đổng Chi cũng đến tìm, cùng thời gian ấy có GS. Đào Duy Anh tìm đến nhà ông và có lẽ đối với các nhà văn, học giả miền Bắc lúc bấy giờ, ông tri kỷ nhất với học giả Đào Duy Anh. Lần đầu gặp chính ông nhưng ông Đào Duy Anh không giới thiệu, thấy người lạ ông nói ông Nguyễn Hiến Lê không có nhà, lần thứ nhì GS. Đào Duy Anh đến xưng danh và ông Nguyễn Hiến Lê đã tiếp ngay. GS. Đào Duy Anh tặng ông Nguyễn Hiến Lê quyển Từ điển truyện Kiều, quyển từ điển này mới được xuất bản năm 1974, ông Nguyễn Hiến Lê tặng lại cho GS. ít quyển sách của ông viết. Về quyển Từ điển truyện Kiều học giả Nguyễn Hiến Lê nhận thấy sách được soạn rất công phu, và ông cho biết thêm sách của GS. Đào Duy Anh lúc ấy phải nhờ  đến thủ tướng Phạm Văn Đồng can thiệp mới được in, và chỉ trong thời gian ngắn mấy tháng đã bán hết. Một lần khác vào năm 1978 GS. Đào Duy Anh có vào Saigon lần nữa gặp ông, học giả Nguyễn Hiến Lê viết trong hồi ký: "Ông (GS. Đào Duy Anh) ngại rằng hai ba chục năm nữa, kinh tế vẫn chưa tiến được, và xã hội chủ nghĩa vài trăm năm nữa cũng chưa xây dựng xong, mình sẽ bị phương Tây bỏ lùi lại sau rất xa nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ". Câu này cho thấy GS. Đào Duy Anh không những giỏi về lịch sử, văn chương, mà còn là một người nhìn xa trông rộng về thời cuộc.

Trong Hồi ký, học giả Nguyễn Hiến Lê viết GS. Hoàng Phê có ghé thăm ông, khi ấy GS. Hoàng Phê là người chủ biên tập A-C bộ Từ điển tiếng Việt phổ thông của Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam (Hà Nội-1975). Học giả Nguyễn Hiến Lê đã trao đổi những lỗi vô lý trong tập đầu của quyển từ điển này, như ông viết trong Hồi ký, "Có những lỗi rất nặng như từ cọng, biến thể ngữ âm của cộng, mà Ban biên tập gọi là "tiếng địa phương" thì sai lầm quá. Cọng chỉ là một cách phát âm sai của người Nam, cũng như cây cau, họ phát âm là cây cao, như con tôi họ phát âm là coong tui v.v... không thể gọi là tiếng địa phương được.

Học giả Nguyễn Hiến Lê là một người rất độc lập trong cuộc sống cũng như trong sáng tác văn học. Khi sinh thời để không bị phụ thuộc vào người khác trong việc xuất bản sách, ông đã lập một nhà xuất bản mang tên ông, và ông chỉ chuyên xuất bản sách của mình. Năm 1973 ông đã được chính quyền miền Nam lúc bấy giờ tặng giải thưởng văn học***, giải thưởng trị giá một triệu đồng thời ấy là rất lớn (vàng khi ấy có bốn mươi ngàn đồng một lượng), nhưng ông đã từ chối. Ông từ chối giải thưởng không phải vì lý do chính trị, mà chỉ vì muốn giữ cái độc lập của mình.

Sau năm 1975, ông viết trong Hồi ký chính quyền lúc bấy giờ coi ông như nhân sĩ, đề nghị trợ cấp cho ông mỗi tháng 60 đồng, tương đương với mức lương cán bộ khá khá, và giới thiệu cho ông được điều trị bệnh ở bệnh viện Thống Nhất, ông đã từ chối. Học giả Đào Duy Anh biết chuyện có hỏi, ông trả lời: "Tôi có công gì với cách mạng đâu mà vô đó nằm? Hưởng một ân huệ mình không đáng hưởng, tôi cho không phải phúc. Vô đó người ta gọi tôi là đồng chí tôi sẽ mắc cỡ chịu sao nổi? Tôi chỉ mong được sống yên ổn, không ai nhắc tới tôi, không ai nhớ tên tôi nữa".

Không phải chỉ những gì đã viết trong sách, nhân cách của học giả Nguyễn Hiến Lê xứng đáng là một quyển sách học làm người để lại cho hậu thế. Khi ông mất học giả Vương Hồng Sển có đến viếng và viết: "Trong buổi đến nhà điếu tang, thấy ghi mấy chữ "miễn lạy", đó theo tôi tưởng, có lẽ là lòng trong sạch của người quá vãng muốn vậy, chớ theo tôi hiểu, lễ lạy là một cách tỏ lòng với nhau, người Nhựt vẫn giữ lạy và hai lạy của tôi là một cách tỏ lòng, và xin nhắc từ ngày song thân quá cố, tôi chưa lạy ai khác".

Như đã biết, ông mất ngày 22- 12-1984 tại Saigon, sau khi hỏa thiêu, di cốt của ông được đặt tại Long Xuyên, nơi khuôn viên nhà, quê quán người vợ thứ hai của ông (bà Nguyễn Thị Liệp). Năm 1999 bà Liệp mất, được an táng nơi chùa Phước Ân, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Tro cốt của ông cũng được di dời về đặt bên cạnh bà.




Ghi chú:

* Hồi ký của học giả Nguyễn Hiến Lê được tái bản nhiều lần, nhà xuất bản Văn Học xuất bản lần đầu vào năm 1992, tái bản các năm 1993, 1994, 1997, 2006, 2008, 2009, 2011. Nhà xuất bản Văn Nghệ TP HCM xuất bản vào năm 2001.

** Quyển "Nguyễn Hiến Lê - Cuộc đời & Tác phẩm", sách của nhà văn Châu Hải Kỳ, NXB Văn Học - 2007".

*** Giải thưởng văn học lúc bấy giờ mang tên Giải Tuyên dương sự nghiệp Văn học, Nghệ thuật (năm 1973) do Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc trách Văn Hóa tổ chức. Sau khi học giả Nguyễn Hiến Lê từ chối, giải thưởng về mảng học thuật được trao cho học giả Nguyễn Duy Cần.

Tham khảo:

- Sách nơi ghi chú.
- Trang mạng Wikipedia.