Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Ký ức.



Giọt Mưa Trên Lá (the Rain on the Leaves) with Dalena (copy từ Youtube).


Bìa tập nhạc Dân Ca của Phạm Duy trong đó có bản nhạc Giọt mưa trên lá in bằng hai thứ tiếng Việt - Anh (tập nhạc được phát hành trước năm 1975 tại Saigon).


Nghe lại bài hát Giọt mưa trên lá của nhạc sỹ Phạm Duy được cô ca sỹ Dalena hát bằng song ngữ Việt - Anh làm tôi nhớ đến một chuyến gặp gỡ của một nhóm Sinh viên - Học sinh năm xưa ở Saigon, vào khoảng nửa cuối thập niên 1960, nơi một cô nhi viện với những thanh niên tình nguyện người Mỹ của một tổ chức phi chính phủ. Trong buổi gặp gỡ ấy những thanh niên đồng trang lứa đã ngồi hát chung với nhau bài Giọt mưa trên lá của Phạm Duy, bài hát mới được phát hành trong một tập nhạc của ông. Thanh niên Việt Nam hát bằng tiếng Việt, còn thanh niên Mỹ hát bằng tiếng nước họ.

Lúc ấy chiến tranh đang đến hồi khốc liệt với rất nhiều lính Mỹ tham chiến. Ở một thành phố như Saigon lúc bấy giờ tuy được mang danh "Hòn ngọc Viễn Đông" nhưng đa số nhà cửa còn lụp xụp, thường chỉ nghe được những tiếng mưa rơi trên mái tôn, nhất là những cơn mưa về đêm khi không gian đã im ắng... Một thời gian ngắn sau tôi cũng bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh đó, cùng với nhiều bạn bè. Hôm buổi sáng đầu tiên tôi từ Saigon đi Pleiku đến đơn vị mới trên một chuyến bay quân sự, tôi còn nhớ, mưa tối sầm trời đất.

Rồi tôi cũng đã nghe được những giọt mưa rơi trên lá, thực sự rơi trên lá, trong những khu rừng ẩm ướt và lạnh lẽo tại vùng rừng núi cao nguyên Trung phần, nơi những ngôi làng Thượng heo hút ở Pleiku, Kontum, Phú Bổn, Buôn Mê Thuột... Hay những giọt mưa không phải rơi trên lá, mà quất xối xả vào cửa kính của chiếc trực thăng chuyển quân, vào một buổi chiều muộn, nơi một phi trường hẻo lánh ở Quảng Đức...

"Giọt mưa trên lá nước mắt mẹ già lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá/ Giọt mưa trên lá nước mắt mặn mà thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về/ Giọt mưa trên lá tiếng khóc oa oa đứa bé chào đời cho chúng ta nụ cười/ Giọt mưa trên lá tiếng nói bao la tóc trắng đậm đà êm ái ru tình già/ Giọt mưa trên lá tiếng nói thầm thì bóng dáng Phật về xoa vết vết thương trần thế/ Giọt mưa trên lá tiếng nói tinh khôi lúc Chúa vào đời xin đóng đinh vì người..."

Có những ký ức, đã theo ta đi suốt cả cuộc đời...


Saigon cuối mùa mưa 2014.




Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

Khó và dễ.

 Vụ từ điển “rác”: Nhà xuất bản Trẻ nhận sai sót

Nguyễn Vinh
Thứ Năm,  23/10/2014, 18:31 (GMT+7)
(TBKTSG Online) - Sáng nay, 23-10-2014, trong cuộc gặp gỡ một số nhà báo, vị lãnh đạo Nhà xuất bản (NXB) Trẻ xác nhận đã có sai sót trong việc năm 2001, đơn vị này cho xuất bản cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh của tác giả Vũ Chất.

Những dòng trên là copy lại trên TBKTSG Online.

Xem ra cái vụ "rác chữ nghĩa" này còn tiếp dài dài, hôm nọ đọc báo nghe vị lãnh đạo Nhà xuất Bản (NXB) Trẻ nói đã kiểm tra thấy NXB này không xuất bản quyển từ điển học sinh rác đang gây xôn xao dư luận, mà quyển này lại được lưu trữ ở Thư viện Quốc gia. Thoạt đầu bà giám đốc Thư viện Quốc gia nói từ điển rác có mặt trong thư viện là do NXB gởi tới, thư viện không tự ý đi mua, và thư viện không có trách nhiệm phải kiểm tra nội dung từ điển, vậy ra là bà giám đốc thư viện này nói không đúng sự thât về việc từ điển rác có mặt nơi thư viện? Bây giờ thì lãnh đạo NXB Trẻ xác nhận là quyển từ điển do NXB ấn hành, như vậy là thoạt đầu NXB nói sai và Thư viện Quốc gia phát biểu đúng, thiệt là rắc rối.

Từ điển Pháp-Việt, Từ điển Truyện Kiều, và Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh.

Tôi có một vài quyển từ điển tiếng Việt xuất bản trước năm 1975 và sau năm 1975, nhưng lại không có cả 2 quyển từ điển được xuất bản trước và sau năm 1975 này để xem cụ thể ra sao? Lan man trên mạng thấy thiên hạ nói đây là loại sách "viết chơi để chọc" của thời trước (nhại theo chương trình "đố vui để học" trước đây), chẳng rõ thực hư ra sao? Nhưng mà thôi, cũng chẳng cần tìm hiểu chi cho mệt đầu, chỉ biết rằng một quyển từ điển như thế đã được bàn tay "nhám" nào đó phù phép trở thành từ điển dùng cho học sinh, và có đến bốn nhà xuất bản lớn xuất bản, tồn tại suốt mười mấy năm, có lẽ đã có biết bao nhiêu học sinh "tra khảo" trước khi bị phát hiện, thật là tai hại.

Chắc chắn trên "thị trường chữ nghĩa" bây giờ không chỉ có một quyển sách dỏm như loại từ điển kể trên, bản thân tôi cũng đã mua phải một số sách thuộc loại "xào xáo" như thế này. Chẳng hạn sách của Lâm Ngữ Đường, Toan Ánh... kể cả sách về triết học Phật giáo bản gốc được in trước năm 1975. Những loại sách xào xáo này có thể được bê nguyên xi (cũng còn đỡ khổ), hoặc "biên tập" lại, đọc vài trang là biết ngay không phải "giọng văn" của các tác giả đó. Loại sách xào xáo này có thể được in lậu, cũng có thể xuất bản theo con đường chính thức kể trên, sách in lậu thì không nói rồi, nhưng sách được xuất bản chính thức thì lạ quá, không hề có ai kiểm tra nội dung hay sao? Và in một quyển sách hình như bây giờ rất dễ dàng, chỉ cần có tiền (in) là được?

Nói như thế bởi mấy hôm nay bận bịu dọn dẹp nhà cửa, tôi tình cờ thấy lại một quyển tạp chí "Xưa nay" cách nay đúng 10 năm (số 213, tháng 6 - 2004), có những bài viết kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố GS. Đào Duy Anh. Có một bài viết với tựa "Số phận long đong của một cuốn từ điển", nói về quyển Từ điển truyện Kiều của GS.  Đọc bài viết mới thấy một quyển từ điển có giá trị như thế mà muốn xuất bản vào thời cách nay khoảng nửa thế kỷ sao khó thế? Quyền Từ điển truyện Kiều được GS. soạn xong vào năm 1965, nhưng phải đến gần 10 năm sau, nghĩa là vào năm 1974 mới được xuất bản lần đầu tiên bởi NXB Khoa học Xã hội (vào năm 1976, sau khi đất nước thống nhất tôi có may mắn mua được quyển từ điền này ở Saigon và vẫn còn giữ được đến nay).

Trong bài viết tác giả Trần Thị Minh Châu nói quyển Từ điển truyện Kiều đã được gởi cho NXB Khoa học Xã hội nhưng họ cứ giữ mãi bản thảo không dám in, cuối cùng phải lập ra cả một Hội đồng khoa học để bàn bạc, những người trong Hội đồng xem bản thảo đều thấy từ điển có giá trị nhưng "Người ta vẫn sợ một thế lực nào đó, tuy vô hình mà không ai dám nói ra". Lúc ấy bà Trần Thị Minh Châu với chức vụ là Cục trưởng Cục Xuất bản (ngoài đời là em dâu của cụ Đào Duy Anh), là thành viên trong Hội đồng xét duyệt biểu quyết đồng ý cho in, có người cùng trong Hội đồng nói: "Chị không sợ chị là em dâu ông Đào Duy Anh à?" bà Minh Châu bình tĩnh trả lời: "Tôi biết tôi là ai. Nhưng tôi chỉ làm theo nhu cầu của đại đa số các em học sinh, của các bà mẹ Việt Nam, kể cả các bà mẹ ở nông thôn, là những người rất thuộc Kiều. Người ta ru em, hát hò ngoài đồng ruộng khi cấy khi gặt, khi nói chuyện, thậm chí khi dạy con cũng vận truyện Kiều ra để nói. Tác phẩm của Nguyễn Du thì ai cũng biết, nhưng để hiểu được tác phẩm đó thì không phải ai cũng hiểu được đầy đủ. Nay ta in cuốn Từ điển Truyện Kiều, không những sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu văn học, mà còn có tác dụng đối với đông đảo các em học sinh sinh viên. Chắc sẽ được hoan nghênh. Tôi vì lợi ích của mọi người mà biểu quyết đồng ý. Mong các đồng chí thông cảm và cũng cho tôi được quyền quyết định cuối cùng với tư cách là cục trưởng".

Và quyển Từ điển Truyện Kiều của cụ Đào Duy Anh đã được "phát hành trót lọt" (chữ của bài báo), in xong vào ngày 21 - 12 - 1974 với lần xuất bản đầu tiên là 30.200 quyển. Đến nay đã được tái bản nhiều lần. Về từ điển thì cụ Đào Duy Anh soạn tất cả 3 quyển, thứ nhất là Hán-Việt từ điển (1932), Pháp-Việt từ điển (1936), Từ điển truyện Kiều (viết xong năm 1965, xuất bản nắm 1974), quyển từ điển nào cũng có chất lượng tốt, đến nay vẫn còn được nhiều người dùng để tra cứu. Tôi cũng có được cả 3 quyển từ điển này của ông, quyển Từ điển Hán-Việt tôi mua thời còn đi học khoảng cuối thập niên 1960 ở Saigon (sách do NXB Trường Thi phát hành, in tại Saigon 1957), Từ điển Pháp-Việt mua năm 1992 (NXB Ngoại Văn-1991), và Từ điển truyện Kiều mua năm 1976 (NXB Khoa học Xã Hội-1974).

Việc xuất bản sách ở xứ mình đã rất khó mà cũng đã rất dễ như thế.









Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Ma thời @.



Cuối tuần thư giãn nói chuyện... ma chơi, hì hì! Không biết các bạn tin là có ma không? Chứ tôi thì tin chắc là có ma. Chắc chắn luôn, nếu không có thì làm sao sách vở xưa nay vẫn thường hay nhắc đến? Kinh thánh, kinh Phật đều nói đến ma, ma vương chứ không chỉ ma cỏ, cả hình vẽ ma có đuôi và răng nanh dài ngoằng cầm chĩa ba rất đáng sợ. Đủ mọi thứ ma chứ chẳng phải chơi, thuở nhỏ có đứa trẻ con nào lại không thích nghe người lớn kể chuyện ma, cho dù nghe xong sợ đến ban đêm không dám... đi tiểu. Nào là ma trơi lâp loè, ma cây gạo, ma cây si đêm đêm đánh đu phất phơ trên ngọn cây chuyên trêu ghẹo người qua lại, để dân gian phải có câu "Thần cây đa, ma cây gạo", hay con ma gò mả chuyên dụ người ta đi... ăn tiệc rồi sau đó cho xơi toàn... đất sét, sáng ra người nhà đi tìm thấy ngồi chóc ngóc ú ớ như con cóc trong bụi.

Dưới sông thì ngoài Hà Bá là vị thần cai quản sông nước còn có ma da chuyên... kéo cẳng người. Đấy là ma miệt xuôi, còn miệt rừng núi ma cỏ còn ác chiến hơn nữa. Chắc ai trong chúng ta cũng đã từng nghe qua chuyện ma xó nơi những buôn làng của người Thượng, con ma này chuyên ở xó nhà sàn canh giữ cửa nhà cho họ, ta đi đâu ghé qua lỡ khát nước uống miếng nước mà chưa xin phép là nó đếm, uống một ngụm đếm một, uống hai đếm hai, mai mốt thành miếng da trâu... trong bụng, chủ nhà mà không về hoá giải kịp là chết với nó. Trong rừng thì có... ma lai rút ruột, thật là kinh khủng. Ngày xưa tôi ở trong rừng hay trong làng Thượng chưa được thấy mấy con ma này, nhưng những người Thượng cao nguyên thì thờ nhiều thứ thần và ma lắm...

Nhưng đấy là trong sách vở nói chuyện ngày xưa, còn bây giờ thời buổi văn minh con người ta đã chế ra bom nguyên tử, máy bay không người lái, phi thuyền lên tới mặt trăng, sao hoả... Xưa để xua đuổi tà ma người ta chế ra pháo đốt nổ đùng đùng, nghe tiếng nổ là ma quỷ sợ chạy mất dép, bây giờ thì súng đạn tràn lan có lẽ đến ma vương cũng còn phải sợ... Vậy thì thời buổi này còn có ma không? Có thể bạn không tin chứ như đã nói, tôi vẫn cứ nhất định hoàn toàn tin tưởng là có ma đấy, ít nhất là qua hai câu chuyện mới đây, báo chí lề phải viết rõ ràng chứ không phải giang hồ đồn tầm bậy. Cách nay khoảng 2 tháng, vào tháng 8 ở Bình Phước, một tỉnh hồi xưa có nhiều rừng, chiến tranh ác liệt (vùng rừng núi như đã nói ma ác chiến lắm), có hai ông cán bộ cấp cao của tỉnh, một ông làm phó ở sở Ngoại còn một ông làm phó ở sở Nội, hai sở thuộc loại quan trọng nhất nhì, cho nên rất... tình thương mến thương, chắc chắn là không có thù oán hay vấn đề gì, vậy mà không biết do... ma sui quỷ khiến làm sao mà trong một buổi tiệc ly bia của ông này lại tìm đến đầu ông kia mà choảng, khiến ông kia phải vào bệnh viện khâu vá...

Rồi mới vài ngày đây thôi (báo chí đăng tin vào giữa tháng 10 Tây này), lần này thì ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ), vùng này bây giờ phát triển rất văn minh rồi, văn minh miệt phố đàng hoàng chứ không còn văn minh miệt vườn hay miệt thứ nữa. Ngày xưa thời cha ông ta đi khẩn hoang lập ấp, tài sản chỉ có mỗi cái nóp cắp nách, còn miệng thì ngâm nga: "Ra đi gặp vịt cũng lùa/ Gặp duyên cũng kết gặp chùa cũng tu", tứ hải giai huynh đệ là thế. Ngoài muỗi mòng, đỉa, vắt, cọp beo, cá sấu... thì cũng đầy ma quỷ rất đáng sợ, con nít bổn xứ phải luôn đeo "cà tha", hay răng nanh con cọp, là thứ bùa ngải để trừ tà, tức là trừ ma quỷ. Chuyện ma thời đương đại này cũng là do mấy ông cán bộ cấp kha khá vào quán nhậu bị nhập. Đang vui vẻ anh em chén chú chén bác, chén thù chén tạc, các ông khẳng định như vậy, thế mà cũng vẫn là do ma sui quỷ khiến, cái ly bia của một ông kia bay vào mặt ông nọ, khiến ông nọ tối tăm, mặt mũi quần áo bê bết máu phải đưa đi cấp cứu trông rất thảm thương...

Đấy, trong hai vụ này thì người trong cuộc, nạn nhân và nguyên nhân đều khẳng định không hiểu sao anh em đang nhậu vui vẻ thì cớ sự lại ra thế, thật là bí hiểm, ly kỳ còn hơn là nhà ngoại cảm đi tìm mộ bia, có lẽ mấy cái báo đời sống chuyên về kim chi, rau cải sẽ tìm hiểu kỹ hơn... Riêng tôi, tôi vẫn cứ tin là do ma quỷ sui khiến, chắc chắn chăm phần chăm đấy, và con ma này chẳng phải xa lạ, đích thị nó tên là... ma men, con ma men này xem ra còn đáng sợ hơn cả ma cây thị, ma cây gạo, hay ma da, ma xó, ma lai...  Xưa kia con ma men thường hay ám mấy ông nhậu bình dân học vụ trong xóm chuyên lai rai ba xị đế với cóc ổi, nay nó đã chuyển hướng, mon men đến ám các ông nhậu bia Nhật, bia Đức với rượu Tây là dân có chức có quyền rồi các bạn ạ, Chuyện ma thời @ là thế.

Hu hu! Hù hù!





Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

Đọc (tiếp).


Bài báo về "từ điển rác" trên báo Tuổi Trẻ.

Đọc trên mạng mấy bữa nay thấy nói về một quyển từ điển tiếng Việt ghi dành cho học sinh mà giải nghĩa tầm bậy quá xá. Tìm hiểu thêm thì thấy báo Tuổi Trẻ (16-10-2014) nói đây là quyển từ điển có từ trước năm 1975 tại miền Nam, nay xuất hiện trên thị trường chữ nghĩa dưới tên của 4 nhà xuất bản, chưa rõ có phải là sách của 4 nhà xuất bản này không? Hay là sách mạo danh, in lậu...? Chẳng rõ ra sao? Tôi có một số từ điển tiếng Việt xuất bản xưa nay, nhưng không có quyển này, và cũng chưa từng nghe tên của tác giả từ điển*.

Thỉnh thoảng ghé những nhà sách lớn, tôi thấy trên kệ sách có rất nhiều từ điển, nhất là từ điển tiếng Việt, rất nhiều tên tác giả, nghe quen có, lạ có... Không rõ với tình hình xuất bản sách báo khó khăn như bây giờ thì những quyển từ điển lỗi đầy ra như thế làm sao bán? Quyển từ điển mà dư luận báo chí đang nói đến hiện nay được ghi là Từ điển Tiếng Việt dành học sinh, còn bản in trước năm 1975 thấy đề là Việt Nam Tự Điển. Tên Việt Nam Tự Điển (là loại tự điển phổ thông) xuất bản trước năm 1975, được "úm ba la" chuyển sang tên gọi Từ điển Tiếng Việt dùng cho học sinh có lẽ cũng có lý do, có cái mánh của nó, Người mua quyển từ điển học sinh này là ai? Chắc chắn chính là các em học sinh, hoặc cha mẹ tìm mua cho con em tra chữ nghĩa trong việc học hành. Các em học sinh đi mua thường không đủ kiến thức để kiểm tra nội dung, còn phụ huynh nhiều khi đi mua cũng thế, vào nhà sách thấy đề từ điển học sinh là mua cho con em, cũng ít kiểm tra sơ bộ xem nội dung từ điển viết như thế nào. Cho nên sách in tầm bậy thế mà bán được, vì thấy đề tên đến mấy nhà xuất bản. Tìm hiểu thêm thấy trang của báo mạng Nông Nghiệp VN (16/10/2014) nói hiện nay có tên của 4 nhà xuất bản in lại, và mới đây năm 2013 có một nhà xuất bản in quyển từ điển này tới 15.000 cuốn, một con số khổng lồ bây giờ (trong khi quyển sách Lịch sử Việt Nam của GS Lê Thành Khôi mới đây in 2.000 cuốn, hay sách Nhà văn như Thị Nở của Phạm Xuân Nguyên cũng chỉ in 3.000 cuốn).

Dĩ nhiên cái lỗi lớn nhất ở đây chính là nơi xuất bản sách (nếu sách đúng của những nhà xuất bản đó), họ xuất bản sách mà không cần biết nội dung sách viết gì? Nơi kiểm tra cấp giấy phép cho in ấn cũng thế. Còn nếu là sách in lậu, giả danh... thì sự có mặt trên thị trường là một vấn đề đáng lưu ý của các cơ quan chức năng kiểm tra phát hành sách, của ngành giáo dục, mấy hôm trước tôi thử tra trên mạng thì thấy quyển sách được rao bán vô tư trên mạng. Vừa qua đọc trên mạng thấy có tin một giải thưởng sách hay gì đó được trao cho một quyển sách vi phạm bản quyền, sách đã được... xào xáo lại, khác với bản gốc. Không khéo mai mốt sẽ lại có một quy định phạt vạ những ai mua và đọc những loại sách lậu, không chính danh..., cũng như đã từng có quy định phạt những ai ăn bẩn ở những hàng quán hè phố không đảm bảo vệ sinh.

Sách mua đã gần 40 năm nay.

Trong số từ điển tiếng Việt các loại thì trên kệ sách của tôi có một quyển từ điển tiếng Việt dành cho học sinh tôi đã mua từ năm... 1976, đã gần 40 năm nay, sách của NXB Giáo dục in năm 1972 tại Hà Nội, trong sách có những trang thuyết minh in màu, giải nghĩa từ ngữ nghiêm túc, có lẽ là một cố gắng của sách dành cho học sinh lúc bấy giờ. Đi xem sách, lựa sách, mua sách, và đọc sách xưa nay đối với tôi là một cái thú, có lẽ tựa như chuyện "shopping" nơi một số người khác. Sách thì thời nào cũng thế, nhiều vô kể, dĩ nhiên là có đủ mọi loại sách, đủ mọi loại đề tài phục vụ cho mọi giới ở mọi trình độ. Ở loại sách nào, thời nào cũng thế, luôn có sách hay và sách dở, sách có giá trị về lâu dài và sách không có giá trị, coi một lần rồi bỏ, chưa kể những loại sách luộc, sách lậu... thật giả khôn lường. Thiếu gì sách thật, ghi tên những người có tên tuổi trong xã hội kể cả từ điển, sách giáo khoa, sách kiến thức... mà kém chất lượng. Mua một quyển sách phải chú ý từ đề tài sách viết đã đành, rồi đến người viết, người dịch, tên tuổi của nhà xuất bản cuốn sách đó, phải qua... vài lần mua phải sách kém chất lượng rồi mới có kinh nghiệm lựa chọn sách.

Khi đi mua sách, chọn được tựa sách mình quan tâm rồi đến nhìn tên người viết sách, rồi đến nhà xuất bản... sau đó giở sách xem mục lục coi sách đề cập đến những vấn đề chính nào, theo đó mà đọc thử vài dòng xem nội dung sách viết ra sao... Trước năm 1975 ở Saigon đã có những tác giả, những nhà xuất bản mà chỉ cần đọc được tên của họ và tên của nhà xuất bản trên bìa sách là bạn có thể yên tâm bỏ tiền ra mua.

Một lần tôi vào tiệm sách cũ thấy hai ba cô nữ sinh trung học mặc đồng phục, khệ nệ ôm một chồng sách còn rất mới đến hỏi tiệm sách có mua không? Hoặc đổi sách khác. Chủ tiệm coi nói loại sách này tiệm không mua cũng không đổi, tiệm chỉ có thể mua với giá cân ký theo kiểu sách báo ve chai 5000đ một kí lô, mấy cô nữ sinh nói các cô và cha mẹ các cô đã mua bạc trăm ngàn mỗi quyển, rồi đành khệ nệ ôm về. Khi thử liếc qua đám sách ấy thì tôi thấy đó là những quyển sách dịch loại tình cảm giới trẻ bây giờ hay đọc, hình như có cả loại sách kinh dị. Hôm trước tôi ghé nhà cô em, đứa cháu gái đang học năm thứ hai đại học đưa cho tôi vài quyển sách thuộc loại này nói tôi mang về đọc. Tôi trả lại cô cháu nói bác già rồi đọc những sách này không nổi. Tôi không chê loại sách này, nhưng thật sự không nên chỉ mua và đọc độc một loại sách ấy, một quyển sách hay, bất kể về đề tài nào là quyển sách mà sau khi đọc xong lần đầu, ta biết là sẽ phải đọc lại nhiều lần nữa..

Trong nhà nên có một tủ sách gồm nhiều loại sách chọn lọc để đọc, và cũng để tra cứu khi cần. Nếu đọc được nguyên tác sách xuất bản bằng tiếng nước ngoài thì quá tốt, bằng không thì đọc sách tiếng Việt của tác giả trong nước viết, hoặc dịch, nhưng như tôi đã có kinh nghiệm, cần phải biết sách của tác giả, nhà xuất bản nào có uy tín để đọc. Đã học xong trung học hoặc đại học, thậm chí là cao hơn nữa, cũng mới chỉ là cái căn bản để bước vào chốn chữ nghĩa. Ở một xã hội còn quá nhiều bát nháo như thế này thì mỗi người tiêu dùng Việt Nam buộc phải trở thành "người tiêu dùng thông minh", nếu không thì từ chuyện ăn uống, mua hàng tiêu dùng sẽ vớ phải những món hàng kém chất lượng. Đối với sách, lỡ mua phải một quyển sách lậu viết ẩu, viết bậy về đọc nếu phát hiện ra ít nhất sẽ bực mình, còn nếu không biết thì thật tai hại, nhất là đối với loại sách dành cho các em học sinh.


* Tác giả ghi là Vũ Chất.






Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

Đọc.




Sáng ngày nghỉ có chút thời giờ rảnh lan man lướt qua những tin tức trên mạng, đọc được một bài phỏng vấn ngắn nhà phê bình vừa cho ra mắt quyển Nhà văn như Thị Nở, bài viết trên báo mạng Lao Động (11-10-2014), có tựa "Người viết ở mình... lười đọc quá!". Trong bài phỏng vấn ngắn có đoạn nhà phê bình văn học nói: "Tiếc rằng, theo như tôi quan sát, người viết ở mình, rất hiếm người chịu đọc. Và khi viết, thì cũng không cho thấy chất chứa nhiều trăn trở, suy tư, vẫn thiên về "làm văn" hơn là "viết văn"...".

Nhận xét của nhà phê bình văn học có lẽ phù hợp với một nhận xét về người mình đọc sách cách nay không lâu, là trung bình một người dân Việt đọc... 1 quyển sách/năm, và càng những người "quyền cao chức trọng" lại càng không đọc sách. Thỉnh thoảng tôi hay ghé những "Hội sách" khi có dịp, ở Saigon nhân một dịp kỷ niệm hay lễ lạc gì đó người ta bày ra những hội sách như thế. Tôi ghé thường để ngắm nghía những sách mới ra mà mình ưng (hay lắm mới "bấm bụng" mua, vì sách bây giờ bán theo giá bìa khá cao), còn thường thì lựa những sách xuất bản đã lâu "ế hàng" (sách xem được nhưng viết về những đề tài "khô khan" ít ai đọc), sách này thường tồn kho, nay có dịp họ mang ra bán giảm giá đổ một đống, nhiều khi "lượm" được những quyển sách bán đồng giá (5.000, 10.000, 15.000 đ... một quyển), với mình lại là sách hay.

Thỉnh thoảng tôi cũng hay ghé qua những tiệm sách tư nhân nhỏ nhỏ bán đủ loại sách cũ mới, thường là chủ tiệm đã nhẵn mặt. Họ biết cái "gu" của mình hay đọc loại sách gì, nên khi có sách họ giới thiệu ngay, mấy hôm trước được giới thiệu một quyển hồi ký của một vị quan triều Nguyễn*, sách mới ấn hành quý 2/2014 về đọc thấy hay. Ông người Quảng Nam, làm quan cuối triều Nguyễn, cho đến năm 1945 khi nền quân chủ ở Việt Nam sụp đổ thì về nghỉ. Ông làm quan trên giải đất thuộc miền Trung ở nhiều nơi, từ Nghệ An, Thanh Hoá... cho tới Bình Định, Phan Thiết... Hồi ký của ông cho ta biết được phần nào về tình hình xã hội của đất nước lúc bấy giờ, thời gian khoảng nửa đầu thế kỷ thứ XX (1900-1945).

Đọc hồi ký của ông ta thấy được xã hội lúc bấy giờ, những khoa thi để lấy người ra làm quan. Vào đầu thế kỷ XX người Pháp đã đặt nền móng cai trị của họ trên đất nước, ngoài những kỳ thi chữ Hán với Tứ thư, Ngũ kinh..., ông cũng đã học trường Hậu Bổ của người Pháp, với những môn như toán, cách trí, khoa học thường thức... Qua ngòi bút ông cho ta biết cách thức thi cử quan lại ngày trước khá lạ, có những anh khoá sinh nhà nghèo như ông nhưng học giỏi, chuyên làm bài giúp cho những anh con nhà giàu không chịu học đi thi cùng một khoá để lấy tiền. Khi đỗ đạt được triều đình bổ làm quan thì lương vua trả không đủ chi tiêu, cho nên quan lại  thường phải "xoay sở", chẳng hạn khi người dân kiện tụng lẫn nhau, người có nhiều tiền lo lót để thắng kiện đã đành, người không có tiền thua kiện bị tù tội cũng phải cầm cố ruộng vườn, nhà cửa hoặc vay mượn đút lót để đỡ bị đối xử tàn tệ, họ phải lo lót từ anh lính lệ trở đi.

Ở làng xã thời ấy có những ông Lý trưởng, Chánh tổng... lo việc làng việc nước. Cũng khá lạ là họ không được hưởng lương. Đấy là những chức mua, họ phải bỏ tiền ra để mua chức, cho nên đó là những người có gia đình khá giả. Người xưa thường ham danh, ham chức quyền, ham lợi, khi có một cái chức nhỏ ở làng nước thì họ sẽ vừa có danh, có chút quyền và sẽ có lợi. Người xưa hơn nhau từ chỗ ngồi nơi đình làng khi có lễ, từ cái thủ lợn được chia, họ cũng được miễn những lao dịch như đắp đê, đắp đường...

Trong hồi ký ông có nhắc đến nhiều thứ, chẳng hạn triều đình đại diện bởi quan lại người Việt có lính lệ giúp việc, còn người Pháp có lính khố xanh, khố đỏ. Lính khố xanh là lực lượng để giữ gìn trật tự, trị an trong tỉnh, đạo, như đơn vị bán chính quy, còn lính khố đỏ là đơn vị được huấn luyện để đi đánh giặc khi cần, tựa như đơn vị chính quy. Còn nơi làng xã thì các Lý trưởng, Chánh tổng... phải huy động dân làng tự bảo vệ xóm làng của mình.

Về cách làm việc thì vị quan viết hồi ký tuy không ưa gì quan lại cai trị người Pháp, nhưng ông cũng rất chán ghét cách làm việc hành chánh của đám quan lại người Việt lúc bấy giờ, có đoạn ông viết: "Tôi nghiệm là tuy họ có chính sách thực dân xấu xa, độc ác, nhưng trên nguyên tắc hành chánh, họ có nề nết dân chủ, biết tôn trọng pháp luật. Bởi thế công việc nào họ làm cũng tương đối ngay thẳng hơn quan Nam triều, mà cá nhân họ cũng đứng đắn hơn những kẻ tự xưng học đạo thánh hiền. Cho nên, nếu độc giả thấy tôi khen những người Pháp, đừng tưởng tôi khen chính sách thực dân mà chỉ khen lề lối làm việc chuyên môn nhìn bằng con mắt của một quan lại Nam triều dưới thời bị đô hộ, chứ không phải bằng con mắt của viên chức ở chế độ dân chủ".

Khi về già sống trong chế độ độc tài (có lẽ vào thời Đệ nhất Cộng hoà), ông viết: "Nhiều người ngày nay yên chí là cứ độc tài ắt mọi việc xong xuôi cả. Độc tài mà không có nền hành chánh giỏi, tư pháp vững thì chỉ tạo nên bọn trộm cướp, các lực lượng đối kháng hùng mạnh mà thôi...".

Một quyển hồi ký hay, cho ta học hỏi được nhiều điều...



* Sách do Nhà Xuất Bản Trẻ ấn hành quý II - 2014. Quyển hồi ký có tựa "Khúc Tiêu Đồng", của viên quan có tên là Hà Ngại, ông sinh năm 1890 tại huyện Điện Bàn, Quảng Nam, mất năm 1976 tại Saigon. Ông xuất thân nhà nghèo nhưng hiếu học, đỗ Cử nhân năm 22 tuổi (khoa Nhâm Tý 1912 tại trường thi Thừa Thiên. Về Tây học ông tốt nghiệp trường Hậu Bổ do người Pháp lập. Ông đã làm quan ở nhiều tỉnh thuộc miền Trung, từ Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Trị, Thừa Thiên, cho đến Bình Định, Bình Thuận, Kontum..., cho đến năm 1945... Sau đó về dạy chữ Nho tại Huế, đến năm 1960 về Saigon và mất tại đây năm 1976.





Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Thành ngữ & Tục ngữ.




Thành ngữ, tục ngữ là những câu nói dân gian ta hay gặp thường ngày, chẳng hạn như Ôm rơm rặm bụng; Vung tay quá trán (thành ngữ), Cấy thưa thừa thóc, cấy dày cóc được ăn, Cơn đằng đông, vừa trông vừa chạy (tục ngữ). Thành ngữ và tục ngữ được dùng hằng ngay trong cuộc sống, nhưng có lẽ ít người phân biệt giữa thành ngữ và tục ngữ, ý nghĩa, giống và khác nhau thế nào, đọc sách vở viết về thành ngữ, tục ngữ xưa nay chỉ thấy nói chung chung, ít thấy phân biệt. Tôi thử tra trong từ điển, lạ thay cũng thế, nhất là những từ điển xuất bản đã lâu. Tôi thử "rảo" qua một vòng.

Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Hùinh Tịnh Paulus Của không thấy giải nghĩa chữ thành ngữ, tục ngữ.

Tự điển Việt Nam (Ban Tu Thư Khai Trí - NXB Khai Trí - Saigon 1971) ghi như sau: Thành ngữ: danh từ, lời nói dùng quen. Buồn như chấu cắn. Tối như mực, là những thành ngữ. Tục ngữ: danh từ,  thành ngữ có ý răn hoặc châm biếm chuyện đời.

Từ điển và Danh từ Triết học (TS. Trần Văn Hiến Minh, (Tủ sách Ra Khơi - Saigon 1966), định nghĩa: Thành ngữ (locution, diction): Câu nói thường lưu hành trong xã hội. Td. Ba chìm bảy nổi là một thành ngữ. Tục ngữ (proverbe): Câu nói lưu hành trong thế tục, trong dương gian. Td, Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. 

Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức xuất bản tại Hà Nội - 1931 giải nghĩa: Thành ngữ: Câu nói mà người ta đã dùng quen. Tục ngữ: Câu thành ngữ của người ta thường nói.

Từ điển Tiếng Việt Văn Tân chủ biên (NXB Khoa Học  Xã Hội - Hà Nội - 1967) giải thích. Thành ngữ:  Nhóm từ đi liền với nhau để nói lên một ý gì. Đứng mũi chịu sào là một thành ngữ. Tục ngữ: Câu nói  tóm tắt một kinh nghiệm của người đời và thường được kể ra trong cuộc giao tế của xã hội.

Từ điển Tiếng Việt Hoàng Phê chủ biên (Viện Ngôn Ngữ Học - 1997) một quyển từ điển tiếng Việt thông dụng hiện nay giải nghĩa. Thành ngữ: danh từ, tập hợp từ cố định đã quen dùng mà nghĩa thường không thể giải thích được một cách đơn giản bằng nghĩa của các từ tạo nên nó. Hai sương một nắng. Rán sành ra mỡ là những thành ngữ. Tục ngữ: danh từ, câu ngắn gọn, thường có vần điệu đúc kết trí thức, kinh nghiệm sống và đạo đức thực tiễn của nhân dân.

Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân (NXB TP. HCM - 2000) giải thích. Thành ngữ: danh từ (thành: làm thành; ngữ: lời, cụm từ): Cụm từ mà nhân dân đã dùng từ lâu để biểu thị một ý nghĩa, một khái niệm: Trong tiếng Việt có nhiều thành ngữ rất gợi cảm. Tục ngữ: danh từ (tục: thói quen; ngữ: lời): lời nói của dân gian từ xưa truyền lại, thường nêu lên những kinh nghiệm trong cuộc sống...

Từ điển Giải thích Thuật ngữ Ngôn ngữ học do Nguyễn Như Ý chủ biên (NXB Giáo Dục - 2003) giải thích. Thành ngữ: Cụm từ hay ngữ cố định có tính nguyên khối về chữ nghĩa, tạo thành một chỉnh thể định danh có ý nghĩa chung khác tổng số ý nghĩa của các thành tố cấu thành nó, tức là không có nghĩa đen và hoạt động như một từ riêng biệt ở trong câu. Tục ngữ: Câu ngắn gọn, có cấu trúc tương đối ổn định, đúc kết kinh nghiệm sống, đạo đức, tri thức của một dân tộc. Khác với cách ngôn, tục ngữ không bao hàm ý nghĩa khuyên răn trực tiếp. Ví dụ: Thuốc đắng dã tật. Uống nước nhớ nguồn. Sai một li đi một dặm.

Từ điển Thuật ngữ Văn học do Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi chủ biên (NXB Giáo Dục - 1992) giải nghĩa:

Thành ngữ: Đoạn câu, cụm từ có sẵn, tương đối cố định, bền vững, không nhằm diễn trọn một ý, một nhận xét như tục ngữ, mà nhằm thể hiện một quan niệm dưới một hình thức sinh động. Ví dụ: Vui như mở cờ trong bụng; Trắng như trứng gà bóc; Đen như cột nhà cháy; Đẹp như tiên; Xấu như ma lem; Vắng ngắt như chùa bà Đanh v.v...
................

Tục ngữ: Một thể loại văn học dân gian mà chức năng chủ yếu là đúc kết kinh nghiệm, tri thức dưới hình thức câu nói ngắn gọn, súc tích, giàu vần điệu, hình ảnh, dễ nhớ, dễ truyền. Ví dụ: Tre già măng mọc; Nói ngọt lọt tận xương; Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ; Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
................

Từ điển Hán-Việt của Đào Duy Anh (Trường Thi, Saigon - 1957) giải nghĩa: Thành ngữ  : Câu nói thường lưu hành trên xã hội (diction). Tục ngữ 俗 語: Câu nói lưu hành trong thế tục (proverbe).

Từ điển Từ Hán-Việt, Lại Cao Nguyên chủ biên (NXB Khoa Học Xã Hội - 2007) giải nghĩa:
Thành ngữ    : danh từ, nhóm từ cố định nói lên một ý, thường hiểu với nghĩa bóng.
Tục ngữ 俗 語: danh từ, câu nói hoàn chỉnh ngắn gọn, thường có vần điệu, đúc kết tri thức, kinh nghiệm sống và đạo đức thực tiễn của nhân dân.

Nhặt nhạnh chữ nghĩa để thấy những định nghĩa, giải thích về thành ngữ, tục ngữ trong các quyển từ điển qua nhiều thời kỳ nêu trên, ta có thể nhận thấy từ ngữ thành ngữ, tục ngữ được giải thích khá đơn giản, không phân biệt rõ ràng, hoặc giải nghĩa khá khó hiểu. Duy có quyển Từ điển Từ Hán-Việt của tác giả Lại Cao Nguyên ấn hành gần đây, tôi thấy giải nghĩa ngắn gọn và dễ hiểu, dễ nhớ nhất.

Ta có thể hiểu, Thành ngữ là một câu ngắn gọn, thường được hiểu với nghĩa bóng, như Vung tay quá trán (ám chỉ người không biết căn cơ trong chi tiêu), Có công mài sắt có ngày nên kim (bền chí cũng có ngày thành công), Mèo mù vớ cá rán (người khù khờ nhiều khi hay gặp được may mắn), Bánh ít đi, bánh qui lại (có đi có lại trong quan hệ xã hội), còn Tục ngữ là một câu thường có vần điệu, đúc kết kinh nghiệm sống, đạo đức của con người, như Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm; chớp đông nhay nháy, gà gáy thời mưa (kinh nghiệm dân gian về thời tiết), Giàu sang bạn hữu đầy nhà, đến khi nghèo khó chẳng ma nào nhìn (kinh nghiệm về thói đối xử của người đời). Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau (lời khuyên trong đối xử). Hoặc Khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau (lời răn về cách đối xử giữa anh em trong một nhà)...

Dưới đây là một số từ ngữ quen thuộc khác mà chúng ta thường hay gặp:

- Cách ngôn: Câu nói ngắn gọn, súc tích, có ý nghĩa giáo dục đạo đức, được nhiều người xem là chuẩn mực, khuôn thước để làm theo. Như: gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.

- Châm ngôn: câu nói có tinh cách răn đời, hướng dẫn về đạo đức, cách xử thế. Như: điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác.

- Chân ngôn: thường được hiểu với nghĩa thông thường là lời chứa đựng sự thực không thể chối cãi được. Trong tôn giáo (chẳng hạn Phật giáo) thì Chân ngôn dịch sát nghĩa là "lời nói chân thật" của chân như, cũng được biết đến dưới hình thức một câu chú (câu chú Om Mani Padme Hum, Sanskritओं मणिपद्मे हूं là một chân ngôn của Phật giáo Tây Tạng), hay như một đà-la-ni (một câu kinh ngắn mang sức mạnh siêu nhiên), vốn xuất phát từ đạo Bà La Môn.

- Danh ngôn: Lời hay ý đẹp được truyền tụng trong cuộc sống. Khi ta làm hết sức mình, ta không thể biết điều kỳ diệu nào sẽ xảy đến trong cuộc sống của ta, hoặc trong cuộc sống của người khác. Helen Keller. Bao giờ cũng nên có nhiều trí tuệ hơn lòng tự ái. Épicure.

- Ngạn ngữ: là những câu nói được truyền tụng của người xưa nói chung, bao gồm cả thành ngữ, tục ngữ, châm ngôn, danh ngôn...

Một vài thường thức về chữ nghĩa may ra có thể giúp ích cho chúng ta chút gì.




Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

Tội Tổ tông.





Ngồi uống cà phê với người bạn cũ, bạn hỏi về tội Tổ tông. Chả là bạn có đứa cháu nội được bố mẹ cho đi chịu phép Rửa tội, trong khi gốc gác của gia đình bạn theo Phật giáo nên bạn không mấy rành. Mấy năm trước tôi có được bạn mời dự đám cưới con trai vào buổi tối tại nhà hàng. Trước khi vào tiệc có vị cha xứ họ đạo lên chúc phúc. Đám cưới con bạn có làm lễ ở nhà thờ, gia đình bên cô dâu theo đạo Thiên Chúa, bạn nói con trai bạn trước khi cưới có đi học đạo một thời gian.

Chuyện tội Tổ tông này thì tôi có biết, cũng không rành lắm nhưng có thể nói cho bạn hiểu sơ qua. Theo đức tin của người Thiên Chúa giáo thì khi mới sinh ra ai ai cũng đã mắc phải một cái tội gọi là "tội Tổ tông truyền", đó là một tội "trọng" ta không tự làm ra mà truyền từ đời "cố hỷ". Bạn cũng biết trong Kinh Thánh của Thiên Chúa giáo có nói đến điều này. Theo sách Sáng Thế thì sau khi Thượng Đế tạo nên hai con người đầu tiên trên trái đất là Adam và Eve, thì Thượng Đế lập nên một khu vườn tại Eden về phương đông gọi là vườn Địa Đàng đưa hai người đến ở. Trong vườn có đủ loại cây trái ngon ngọt làm thực phẩm. Ở giữa khu vườn có trồng hai cây gọi là Cây Sự Sống và Cây Lương Tâm (Cây Trường sinh và Cây cho biết điều thiện điều ác). Khi đưa hai người đến vườn Địa Đàng, Thượng đế đã nói với Adam và Eve: Các ngươi được ăn mọi cây trái trong vườn, trừ trái nơi Cây Lương Tâm, vì trái của nó mở mắt cho các ngươi biết điều thiện điều ác. Một khi ăn, chắc chắn các ngươi sẽ chết.

Nhưng mà than ôi, con người nhiễu sự. Sách Sáng Thế chép tiếp, một hôm con rắn xảo quyệt lấy lời đường mật dụ dỗ Eve: Ngươi cứ ăn trái cấm đó đi, không chết đâu, trái lại mắt của các ngươi sẽ mở ra, và các ngươi sẽ giống như Thượng Đế, biết phân biệt điều thiện điều ác. Thế là Eve ăn trái cấm, Eve còn lấy đưa cho Adam cùng ăn. Ăn xong quả thật mắt hai người cùng mở ra, thấy mình trần truồng liền xấu hổ lấy lá che thân.

Đấy là lần đầu tiên Con người cãi lại Thượng Đế, và hậu quả đã đến. Sau này Eve phải chịu sự đau đớn của sinh nở, Adam phải làm lụng vất vả mới kiếm được miếng ăn cho cái gia đình đầu tiên của nhân loại, còn con rắn xảo quyết muôn đời cắn gót chân của con người và bị con người dẫm đạp. Người theo đạo Thiên Chúa tin rằng tội Tổ tông của con người bắt đầu từ đó, truyền từ đời Adam và Eve cho con cháu về sau. Phép Rửa tội là để xoá bỏ cái tội Tổ tông đó, là một trong những Bí tích của người Thiên Chúa giáo do vị linh mục thực hiện, thường cho trẻ nhỏ mới chào đời trong gia đình người Thiên Chúa giáo. Tôi nói với bạn câu chuyện tội Tổ tông đại khái là như thế.

Tôn giáo là niềm tin của tâm linh, cho nên tôi cũng nói thêm với bạn là bạn đừng thắc mắc câu chuyện trên có lý hay vô lý. Riêng tôi thì tôi rất khoái chi tiết Adam và Eve đã nghe theo lời con rắn ăn trái cấm, nhờ thế mà  hai người mới "sáng mắt" phân biệt được điều thiện điều ác. Trong Từ điển Kinh thánh của J. Dheilly (sách dịch từ nguyên bản tiếng Pháp) giải thích Cây Lương Tâm mà sách gọi là Cây Cho Biết Điều Thiện Điều Ác như sau: Là một trong hai loại cây được nói đến trong trình thuật biểu tượng về Địa Đàng (St. 2, 9). Con người bị nghiêm cấm không được ăn trái của nó. Nói chung người ta hiểu chi tiết này muốn diễn tả: Thiên Chúa dành quyền phân định thiện ác cho con người. Nếu con người bất tuân tức là đòi quyền tự quyết luân lý và không chịu tuân phục Thiên Chúa. Hậu quả là "mắt họ mở ra". Đó là một sự nhận biết điều thiện và điều ác với tất cả hậu quả của nó.

Nhờ thế mà ngày nay con người chúng ta mới có mặt đông đúc trên cõi đời này, hoà bình - chiến tranh - vui buồn - sướng khổ. Nếu Adam và Eve suốt đời ngoan ngoãn không đụng đến trái cấm, thì cho đến tận bây giờ trong vườn Địa Đàng cũng vẫn chỉ có Adam và Eve lơ ngơ trong đó...

Nếu thế thì... chán thật.