Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

Chị Hằng có bao nhiêu tên?


Ảnh Internet.

Bây giờ đã sang tháng tám ta, còn ít ngày nữa là đến tiết Trung thu (tết Trung thu, rằm tháng tám). Ngày xưa Trung thu là một cái tết của trẻ con, trước ngày rằm tháng tám cả nửa tháng là thị trường đã nhộn nhịp các loại đèn, bánh dẻo, bánh nướng... để đến đúng Trung thu rằm tháng tám là người lớn bày cỗ cho trẻ con rước đèn, ngắm trăng, vui chơi, nghe kể những tích xưa...

Trung thu  là một cái tết dành cho trẻ con có nguồn gốc từ Trung Hoa hay của người Việt, bắt nguồn từ nền văn minh nông nghiệp của Việt Nam đến nay cũng chưa xác định rõ. Trung thu là tết ngắm trăng, nói về trăng, sự tích về tết Trung thu thường nghe nhắc đến có chuyện Hằng Nga - Hậu Nghệ, Đường Minh Hoàng du nguyệt điện... đấy là sự tích của Trung Hoa, còn Việt Nam thì có chuyện cây đa chú Cuội, thỏ ngọc... và dĩ nhiên không thể không nhắc đến chị Hằng. Trong văn học chị Hằng được nhắc đến với rất nhiều tên gọi, tôi thử đi tìm những tên gọi ấy (sắp theo thứ tự a, b, c...).

- Ả Hằng: tên gọi khác của Hằng Nga, chị Hằng, vợ của Hậu Nghệ. Sách Hoài Nam Tử chép ngày xưa Hậu Nghệ xin được thuốc tiên của Tây Vương Mẫu. Hằng Nga lấy trộm trốn lên cung trăng. Vì thế tục truyền trên cung trăng có Hằng Nga. Đời sau văn nhân lấy điển đó để tả mặt trăng hay người con gái đẹp.

Bấy giờ e lệ chưa tường, 
Lâu lâu lại lấp lánh gương Ả Hằng.
                                     Phan Trần

- Bóng bạc, bóng Hằng, bóng Nga, bóng nguyệt, bóng thiềm, bóng thỏ, bóng tố: những tên gọi để chỉ bóng trăng, mặt trăng.

Có đêm thanh vắng bóng Hằng, 
Thầy đang dở chén, cô băng vội nằm.
                                                                                     Nguyễn Khuyến

Một mình lặng ngắm bóng Nga,
Rộn đường gần với nỗi xa bời bời.
                                                                                         Nguyễn Du

Chênh chênh bóng nguyệt xế mành,
Tựa ngồi bên triện, một mình thiu thiu.
                                                                                                      Kiều

Phất phơ tơ liễu buông rèm,
Nửa sân lưu lệ, bóng thiềm xế ngang.
                                                                                                Hoa Tiên

Khi bóng thỏ chênh vênh trước nóc,
Nghe vang lừng tiếng giục bên tai.
                                                                                           Cung Oán

Chập chờn bóng tố trêu ai,
Hoa đâu rụng, lá đâu rơi trước rèm.
                                                             Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Thiện

- Bóng quế, cung quế, đan quế: theo Dậu dương tạp trở, trong mặt trăng có cây quế đỏ (đan quế) cao năm trăm trượng. Dưới gốc luôn có người đẵn, nhưng đẵn đến đâu cây lại liền đến đó. Người đẵn là Ngô Cương, vì có lỗi nên bị trời phạt phải đi đẵn quế đời đời. Do điển này nên bóng quế, cung quế, đan quế... được dùng để chỉ mặt trăng.

Nương song ngày tiếp mùi hương lạt,
Nối chén đêm âu bóng quế tan.
                                                                           Nguyễn Bỉnh Khiêm

- Cung Quảng: dịch Quảng hàn, cũng gọi là Cung trăng, cung mây, cung thiềm, Hàn cung...  Nguyên về đời Đường vua Minh Hoàng nằm mơ thấy lên cung trăng, đến cửa cung thấy đề "Quảng hàn thanh hư chi phủ". Từ đấy thường dùng Quảng hàn để chỉ vầng trăng.

Thân sao lắm nỗi bất bằng,
Liều như cung Quảng ả Hằng nghĩ sao.
                                                                                                       Kiều

- Gương Hàn: là mặt gương trong cung Quảng hàn, cũng như gương Hằng, gương Nga, gương thiềm, dùng để chỉ mặt trăng.

Gấm Chức đong tơ khuây cửi mắc,
Gương Hằng ngắm bóng, ngại trâm cài.
                                                                                       Lê Thánh Tông

Lưu liên khi lại huỳnh song,
Gương Nga đã gác non đông nửa vừng.
                                                                                                   Hoa tiên

- Thiềm cung: cung con cóc. Theo Hậu Hán thư, Hằng Nga vợ của Hậu Nghệ lấy trộm thuốc tiên của Tây Vương Mẫu cho Hậu Nghệ, Hằng Nga ăn rồi trốn lên cung trăng biến thành con cóc. Do điển này Thiềm cung được dùng để chỉ mặt trăng hay nơi người đẹp ở.

Thiềm cung bóng đã tà tà,
Khuyên rằng mau trở lại nhà với con.
                                                                                              Trinh thử

- Thỏ: cũng như bóng thỏ, bạch thỏ, thỏ ngọc, vầng thỏ... những tiếng để chỉ mặt trăng. Theo truyền thuyết trên mặt trăng có con thỏ ngọc ngồi giã thuốc.

Trải bao thỏ lặn ác tà,
Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm.
                                                                                       Nguyễn Du

Theo Wikipedia, trong Đạo giáo, Hằng Nga được gọi thần Mặt Trăng (Nguyệt thần), còn gọi là Thái Âm tinh quân, tôn xưng là Nguyệt Cung Hoàng Hoa Tố Diệu Nguyên Tinh Thánh Hậu Thái Âm Nguyên Quân, hoặc Nguyệt Cung Thái Âm Hoàng Quân Hiếu Đạo Minh Vương.



Tham khảo:

- Từ điển Văn liệu, Long Điền Nguyễn Văn Minh, NXB Hà Nội - 1999.
- Ngữ liệu văn học, Đặng Đức Siêu, NXB Giáo Dục - 1999.
- Điển cố văn học, Đinh Gia Khánh chủ biên, NXB Khoa Học Xã Hội - 2008.







Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Đồng cam cộng khổ (同甘共苦).


Ảnh Internet.

Người bạn điện thoại cho tôi, hỏi bác cái này "đồng cam cộng khổ", chữ "cam" và "khổ" nghĩa là gì? Con tôi học lớp 12 nói cô giáo dạy văn giảng "cam" là ngọt và "khổ" là đắng, có nghĩa là chia ngọt sẻ bùi, sướng khổ có nhau. Tôi thì lại nghĩ "cam" là cam chịu, còn "khổ" là khổ sở, "đồng cam cộng khổ" là cùng cam chịu khi khổ sở, nói lên sự đồng lòng luôn có nhau khi gặp hoàn cảnh khó khăn.

Đây là một câu thành ngữ thỉnh thoảng có nghe, với nghĩa được giảng là chia ngọt sẻ bùi, sướng khổ có nhau như cô giáo dạy của con người bạn đã giảng. Những quyển từ điển chẳng hạn như Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên giải thích đồng cam cộng khổ: vui sướng cùng hưởng, cực khổ cùng chịu, trong mọi hoàn cảnh đều có bên nhau. Hoặc như quyển Từ điển từ Hán-Việt do Lại Cao Nguyên chủ biên (NXB Khoa Học Xã Hội-2007) giải nghĩa đồng cam cộng khổ (): Chia ngọt sẻ bùi, sướng khổ có nhau. Quyển Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam của Vũ Dung-Vũ Thùy Anh-Vũ Quang Hào giải nghĩa rõ hơn về từ ngữ đồng cam cộng khổ: (cam: vị ngọt, khổ: vị đắng). Vui sướng cùng hưởng, cực khổ cùng chịu, trong mọi hoàn cảnh đều có nhau.

Theo quyển từ điển Thành ngữ điển cố Trung Quốc do GS. Lê Huy Tiêu biên dịch (NXB Khoa Học Xã Hội-1993), giải nghĩa Đồng cam cộng khổ có nguồn gốc từ Hoài Nam Tử (thiên Binh Lược Huấn) "Tướng lãnh phải đồng cam khổ với binh lính, cùng chịu đói chịu lạnh với họ, có thế binh sĩ mới có thể hết lòng vì mình. Đời sau đổi đồng cam khổ thành đồng cam cộng khổ".

Qua cách giải nghĩa của những quyển từ điển bên trên nhận thấy đa số giải nghĩa nguyên câu là vui sướng cùng hưởng, cực khổ cùng chịu, chia ngọt sẻ bùi, nghĩa là chữ "cam" và "khổ" có ý nghĩa trái ngược (ngọt-đắng).

Nhưng tôi cũng chú ý đến giải thích của quyển từ điển Thành ngữ điển cố Trung Quốc do GS. Lê Huy Tiêu biên dịch. Theo quyển từ điển này thì Đồng cam cộng khổ có nguồn gốc từ Hoài Nam Tử (thiên Binh Lược Huấn) "Tướng lãnh phải đồng cam khổ với binh lính, cùng chịu đói chịu lạnh với họ, có thế binh sĩ mới có thể hết lòng vì mình. Đời sau đổi đồng cam khổ thành đồng cam cộng khổ". Cách giải thích này ghi nhận đồng cam khổ hay đồng cam cộng khổ có nguồn gốc từ Hoài Nam Tử (thiên Binh Lực) với ý nghĩa  "Tướng lãnh phải đồng cam khổ với binh lính, Cùng chịu đói chịu lạnh với họ, như vậy chỉ nói cùng (cam) chịu đói chịu lạnh (khổ), chứ không nhắc đến ý nghĩa của "cam" là ngọt bùi, vui sướng.

Tôi thử tra tiếp hai chữ "cam" và "khổ" xem chữ "cam" với ý nghĩa là ngọt có khác với chữ "cam" với nghĩa là cam chịu không? và chữ "khổ" có ý nghĩa là đắng có khác với chữ "khổ" với nghĩa là khổ sở, khốn khổ không? Theo Từ điển Hán-Việt của Thiều Chửu thì chữ "cam" () có 6 nghĩa, nghĩa 1. là ngọt, nghĩa 3. là cam làm, cam chịu. Chữ "khổ" () cũng có 6 nghĩa, nghĩa 1. là đắng, nghĩa 2. là khốn khổ, tân khổ. Như vậy nếu xét về "mặt chữ" thì "cam" có nghĩa là ngọt cam chịu là một chữ, và "khổ" có nghĩa là đắng khốn khổ cũng là một chữ.

Như vậy nếu hiểu theo người bạn của tôi "Đồng cam cộng khổ", với nghĩa "cam" là cam chịu, và "khổ" là khổ sở, và với ý nghĩa là cùng cam chịu khi khổ sở, nói lên sự đồng lòng luôn có nhau khi gặp hoàn cảnh khó khăn, như bạn nói, thì cũng hoàn toàn đúng, cách hiểu này tương tự như cách giải thích trong quyển từ điển Thành ngữ điển cố Trung Quốc do GS. Lê Huy Tiêu biên dịch, không hề sai về mặt chữnghĩa.Tuy nhiên nghĩa của câu thành ngữ đồng cam cộng khổ thường được hiểu là chia ngọt sẻ bùi, sướng khổ có nhau, với "cam" là ngọt và "khổ" là đắng, như nhiều quyển từ điển đã giải thích. Hai chữ đối lập "cam" và "khổ" ngọtđắng, tượng trưng ngọt-bùi, sướng-khổ, là những cách ví von thường thấy trong thành ngữ, tục ngữ Việt Nam.

Bạn nào có cao kiến xin cho biết thêm với.




Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Tiếu lâm đương đại.





Ở entry vừa rồi tôi nói về cái hồn phách của Saigon cứ mất dần, một bạn quen bấy lâu nay là giaolang mà mọi người quen gọi là Giáo (chắc chắn bạn là nhà giáo, hay ít ra cũng từng làm nghề "godautre", tôi đoán thế) vào nói, viết chuyện tiếu lâm để cười chứ không sẽ... chết vì già. Hì hì, tôi không có mấy cái khiếu viết tiếu lâm, bạn nói tôi viết chuyện... thiếu lâm thì may ra, bởi tôi hay chở bà xã đi chùa. Nhưng thôi, để chiều theo bạn tôi sẽ ráng tìm một chuyện gì tiếu lâm, hài hài để viết.

Thì đây may quá, tôi vừa đọc được một bài trên báo TT Online (ngày 22-8-2014) với tựa: Tiến sĩ "200 triệu". Mấy ngày qua chắc các bạn cũng đã biết một vị PGS.TS, Trưởng một bộ môn và là Phó trưởng khoa của Đại học Thái Nguyên, bị một phóng viên đóng giả làm người đi chạy bằng TS (có kèm quay phim, ghi âm), tố giác ông PGS.TS đứng ra lo chạy cái bằng tiến sĩ cho người học dỏm với giá 200 triệu đồng Việt Nam. Đại học Thái Nguyên bước đầu xác minh, và ngày 22-8-2014 đã công bố kết quả. Thì ra câu chuyện mà ông PGS.TS nói vụ lo bằng TS cho người chẳng biết gì với giá 200 triệu (vào tháng 8 năm 2012), chỉ là do ông í "phát ngôn bừa bãi, thiếu chuẩn mực, vi phạm đạo đức nhà giáo" (từ ngữ nguyên văn trong báo do đại diện nhà trường công bố).

Tiếp theo là đại diện ĐH Thái nguyên cũng công bố những xác minh của tổ công tác nhà trường, tại ngay khoa của vị PGS.TS này làm phó, về vị PGS.TS trong câu chuyện trên, thì tất cả đều đánh giá ông í là người tốt. Tổ xác minh mần việc tiếp với các nghiên cứu sinh, học viên bác sĩ chuyên khoa, những người được vị PGS.TS này hướng dẫn luận án luận văn, tất cả cũng đều nhận xét tốt. Cuối cùng là xác minh với các lãnh đạo ĐH Thái Nguyên, gồm Ban Giám đốc, trưởng phó các phòng ban chức năng, trưởng phó các khoa chuyên môn, kết quả cũng không có ý kiến nào đánh giá không tốt về vị PGS.TS này.

Hì hì, vậy là đã rõ, vị PGS.TS này đích thị là người tốt, chẳng lẽ một người xấu, hoặc không tốt lại có thể dạy dỗ cho bao nhiêu con người thành thạc sĩ, tiến sĩ, bác sĩ suốt bao nhiêu năm nay? Có mà nguy to, ông í chỉ lỡ miệng phát ngôn "thiếu chuẩn mực, bừa bãi, vi phạm đạo đức nhà giáo" chút xíu thôi, chuyện nhỏ mà. Nó cũng tựa như một chuyện khác cũng mới vừa xảy ra ở tỉnh Bình Phước giữa hai ông PGĐ của 2 Sở. Chuyện xảy ra trên bàn nhậu, trong quán karaoke, hai ông Phó của 2 Sở chỉ nâng ly mời nhau hữu hảo, cái ly của ông này vô tình tìm đến đầu ông kia, khiến ông nọ phải vào bệnh viện băng bó. Chính hai ông Phó sau đó đều xác nhận như thế, nghĩa là người trong cuộc xác nhận hẳn hoi chứ không phải là ai khác. Vậy mà thiên hạ xấu miệng đồn rằng hai ông... choảng nhau đến vỡ đầu. Thật là làm giảm uy tín cán bộ.

Đấy, những chuyện như thế này ta cứ coi như chuyện tiếu lâm, nghĩa là chuyện hài, để cười chơi lúc trà dư tửu hậu. Xưa có chuyện tiếu lâm dân gian như Trạng Quỳnh, Trạng lợn, Ba Giai Tú Xuất... thì bây giờ có chuyện tiếu lâm đương đại như chuyện của vị PGS bên trên, hay của hai ông Phó Sở. Chứ nếu không phải là chuyện tiếu lâm, chuyện hài thì nó sẽ trở thành bi kịch cho xã hội, cái này thì cũng đúng như bạn Giáo, nó sẽ khiến ta chết già trong khổ sở, hì hì!



Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

Hồn phố.


Một đường phố thuộc trung tâm Saigon xưa, cây cối như rừng. 

Có lẽ tôi sẽ đi ngược dòng lịch sử đôi chút khi nói về thành phố Sài Gòn, nơi tôi đã sống hơn nửa đời người (sau đây tôi sẽ viết là Saigon theo kiểu của người Pháp khi xưa cho tiện).

Saigon không phải là một cái tên được đặt mới đây (đọc theo âm Hán Việt là Sài Côn), mà đã có từ khi còn thuộc người Khmer. Năm 1623, khi còn là rừng rậm hoang vu chúa Nguyễn đã cho đặt một "đồn thu thuế" tại đây (áng chừng thuộc khu vực Cầu Kho, quận 1). Sách sử chép: "Năm Giáp Dần (1674) tháng 2, Nặc Ông Đài người Cao Miên, đuổi vua nước ấy là Nặc Ông Nộn. Nộn chạy sang cầu cứu nhà chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn sai Nguyễn Dương Lâm làm thống suất, Nguyễn Diên Phái làm tham mưu, đem binh đi tiến thảo. Tháng 4, quan quân phá vỡ luôn được 3 lũy là Saigon, Gò Bích và Nam Vang. Nặc Ông Đài thua chạy tử trận. Tháng 6 chúa Nguyễn phong cho Nặc Ông Thu làm Cao Miên Quốc Vương, ngự trị ở thành Vũng Long (Oudong), còn Nặc Ông Nộn làm phó vương ngự trị ở Saigon". Đến năm 1698 chúa Nguyễn đã đặt Saigon thành phủ Gia Định. Nếu lấy mốc 1698 khi Saigon đã chính thức có tên là phủ Gia Định, đã được 316 năm, so với Hà Nội hay nhiều thành phố khác ở miền Nam thì thuộc loại đàn em "sinh sau đẻ muộn".


Tượng Hoàng Tử Cảnh và Giám mục Bá Đa Lộc tại vị trí nay đặt tượng Nữ Vương Hòa Bình trước Vương Cung Thánh Đường Saigon, phía sau của ảnh bên trên là tòa nhà Bưu điện thành phố. 

Trong chừng ấy năm, Saigon đã trải qua biết bao nhiêu biến cố lịch sử, từ những cuộc chiến tranh với người Cao Miên, giữa chúa Nguyễn và anh em nhà Tây Sơn, rồi qua đến đời Pháp, tiếp đến người Mỹ với hai nền Cộng Hòa non yểu, và bây giờ là đất nước thống nhất, Saigon vẫn luôn luôn là một thành phố sôi động, vẫn luôn thay đổi từng ngày. Có thể nói Saigon xưa nay là một thành phố kinh tế, thương mại, là nơi sản xuất hàng tiểu thủ công và công nghiệp nhẹ, là đầu mối tiếp nhận nông sản của miền Tây để phân phối đi khắp nơi, nhưng đồng thời Saigon cũng là một thành phố văn hóa, với đặc thù vừa trí thức vừa bình dân. Trí thức bởi khi xưa những đại học tốt nhất miền Nam đều ở Saigon, với những sinh viên từ khắp nơi đổ về. Bình dân bởi Saigon cũng là nơi tiếp nhận những người nông dân ít được đến trường lớp, phải bỏ ruộng vườn bởi chiến tranh đến sinh sống. Buổi sáng trên phố ta có thể bắt gặp hình ảnh một viên chức (nam và nữ công chức, tư chức) áo sơ mi trắng gài măng sét hay áo dài ngồi ăn tô hủ tíu mì nơi một xe hủ tíu bình dân nơi góc phố, hay "đủ mọi thành phần trong xã hội" ngồi nhâm nhi ly đen nhỏ pha bằng vợt, hay uống ly "bạc xỉu" nơi một quán cóc đầu hẻm.

Xe hủ tíu bình dân lề đường năm xưa...

Và quán cóc Saigon. 

Cuộc sống vẫn luôn thay đổi, chắc chắn là như thế, cũng có những thay đổi tốt và những thay đổi xấu (bây giờ người ta gọi là thay đổi tích cực và thay đổi tiêu cực), điều mà ta có thể thấy rõ nhất là qua cách ứng xử của con người trong xã hội, xe cộ và ở những công trình kiến trúc. Saigon cũng thế, từ "nhân, nghĩa, lễ, trí, tín" của thời phong kiến, cho đến "noble" của thời Pháp, và "gentleman" của thời Mỹ, người Saigon đa số hiền hòa, chòm xóm đối xử rất có tình nghĩa, chuyện thỉnh thoảng sai con trẻ sang nhà hàng xóm xin trái ớt, hay mang qua "biếu bác Tư" đĩa xôi chè nhân nhà có giỗ là bình thường. Có thể chửi thề là câu cửa miệng của giới bình dân, nhưng không mấy khi chỉ vì một vụ quẹt xe nhỏ trên phố mà người ta lăn xả vào đánh đấm nhau chí tử như bây giờ. Giới giang hồ có "luật lệ" riêng của nó, giang hồ khét tiếng như Đại Cathay một thời có cả một huyền thoại kiểu "Lương Sơn Bạc", nhưng chẳng mấy khi đụng chạm đến người lương thiện.

Xe buýt "vàng" và xe tắc xi giữa trung tâm thành phố.

Xe điện chạy đường Saigon - Cholon thời Pháp, trước đầu xe phía trên cao quảng cáo cho hãng hòm... Tobia, thời Tây cho nên chẳng sợ xui xẻo.

Xe điện chạy đường Saigon - Gia Định qua những con đường đất nhà cửa hai bên đường như ở thôn quê.

Thời Pháp Saigon đã có những tuyến xe điện, đi Chợ Lớn và Gia Định, và sang đến thời Đệ nhất, Đệ nhị Cộng Hòa là xe buýt (hồi tôi còn nhỏ tôi còn nhớ hay gọi là "xe buýt xanh, xe buýt vàng" bởi màu sơn của xe), dành cho dân khá giả cũng có xe tắc xi, hình như là hiệu xe Citroen của Pháp, xe nhỏ trông giống như con rùa. Dĩ nhiên còn phải kể đến những loại xe chuyên chở bình dân khác là xe "lam", xe "xích lô máy".

Xe lam giờ tan trường, để tận dụng chỗ ngồi và tăng thu nhập, bác tài chở thêm hai cô nữ sinh bên cạnh.

Một bến xe xích lô máy. Đây là một loại xe được chế biến lại từ máy xe "bình bịch" (mô tô).

Đấy là những xe cộ thời đã bước sang hiện đại, chuyên chở hành khách thô sơ hơn với giới quý tộc thì có xe tay do người kéo, xe "hòm kiếng" do ngựa kéo, giới bình dân thì có xe ngựa kéo gọi là xe "thổ mộ", xe thổ mộ chở đủ thứ, khách cần đi lại, kẻ buôn thúng bán bưng. Vùng Hóc Môn ngày trước nổi tiếng về xe thổ mộ. Sau này có thêm xe xích lô do người đạp gọi là "xích lô đạp".

Xe tay do người kéo trên đường Catinat, nay là đường Đồng Khởi, quận 1.

Xe hòm kiếng do ngựa kéo đậu trước chợ Bến Thành.

Xe thổ mộ chở người và hàng hóa chạy nơi vòng xoay trước chợ Bến Thành.

Thiếu nữ Saigon năm xưa trên chiếc xích lô đạp trước Tòa Đô Chánh.

Xe cộ cá nhân chủ yếu thời trước là xe đạp, nhất là với giới sinh viên, học sinh, giới bình dân, vào khoảng thập niên 60 của thế kỷ trước, trước khi xe gắn máy của Nhật tràn vào miền Nam, thì một thiếu nữ Saigon phóng chiếc Vélo Solex, hay một chiếc Mobylette do Pháp sản xuất là "oách hết biết". Sau này, khoảng từ 1965 - 1966 trở về sau xe gắn máy của Nhật tiện dụng và kiểu dáng hiện đại hơn dần thay thế những loại xe của Pháp và Đức

Nữ sinh tan trường với xe đạp, áo dài trắng và nón lá, một hình ảnh khá thơ mộng của Saigon năm xưa.

Những thiếu nữ nhà giàu thời đó mới có xe Vélo Solex phóng như thế này, nhưng cũng không quên chiếc nón lá che nắng, và "mốt" thời đó là thêm cặp kính đen.

Xe Mobylette của Pháp bên cạnh dòng xe Honda dame của Nhật đời đầu.

Về kiến trúc như chúng ta đã biết, trước và sang đầu thời Pháp thì gần như Saigon chỉ có nhà tranh vách lá, dinh thự của quan Toàn quyền cũng được làm bằng gỗ, loại nhà này không bền ở xứ mưa nhiều và ẩm như nước ta, bây giờ chỉ còn sót lại ngôi nhà của Giám mục Bá Đa Lộc, hiện làm ngôi nhà nguyện trong khuôn viên Tòa Tổng Giám mục Saigon. Sau này người Pháp đã xây dựng hàng loạt biệt thự dân dụng, thương xá, cơ quan công quyền và nhà thờ theo kiến trúc Châu Âu ở Saigon, đánh dấu một giai đoạn lịch sử của Saigon. Sang đến thời Mỹ cũng thế, kiến trúc của thời Pháp và thời Mỹ rất dễ phân biệt. Kiến trúc Pháp xưa hơn, nhà cao, mái ngói, với nhiều cửa sổ bằng gỗ kiểu lá sách, chủ yếu lấy ánh sáng, thông gió tự nhiên, trong khi kiến trúc Mỹ hiện đại hơn đã dùng nhiều bê tông cốt thép, mái bằng, đã sử dụng máy lạnh nên tầng thấp để tiết kiệm năng lượng, sử dụng cửa bằng kính.

Dinh Độc Lập xưa với kiến trúc Châu Âu nhưng vẫn trồng cây dừa phía trước.

Một biệt thự kiểu Pháp tại Saigon xưa.

Nhưng dù thời người Pháp hay Mỹ hiện diện, họ quy hoạch thành phố Saigon rất hay, rất hợp lý, nhất là ở khu trung tâm Saigon. Không những người ta chú trọng quy hoạch trên mặt đất, mà còn chú trọng cả không gian. Thời Pháp họ chỉ xây dựng tại khu trung tâm Saigon (lấy những trục Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi, Đồng Khởi, Đại lộ Thống Nhất... làm chính) những căn biệt thự, dinh thự, thương xá chỉ cao khoảng hai, ba, tối đa là bốn tầng lầu, như Tòa Đô Chánh Saigon, Bưu điện thành phố, Nhà hát thành phố... thì sang đến thời Mỹ vẫn được chính quyền thời đó giữ nguyên, những công trình gần đó không được xây cao quá, điều này khiến cho không gian được thoáng đãng, không bị tù túng. Đường Catinat ngày xưa, sau là Tự Do và bây giờ là Đồng Khởi, là một con đường nhỏ rất đẹp giữa trung tâm thành phố, bây giờ đi trên đường giống như đi trong... một con hẻm nhỏ, bởi đã bắt đầu mọc lên những tòa nhà không biết bao nhiêu tầng, cao chót vót.

Saigon thay đổi, mới mấy hôm trước thấy báo chí đăng người ta triệt hạ hàng cổ thụ trăm năm tuổi nơi một công viên nhỏ trước Nhà hát Saigon, để lấy chỗ làm nhà ga tàu điện ngầm, thì mấy hôm nay lại thấy tin sẽ phá bỏ thương xá Tax để xây dựng tòa tháp Tax Plaza cao đến 40 tầng. Tại sao người ta lại vẫn xây những trung tâm thương mại to lớn như vậy, khi bây giờ có khá nhiều những "Plaza" kiểu này ở Saigon mới được xây dựng đang sống "thoi thóp" vì ế ẩm?

Nhà hát thành phố Saigon và công viên nhỏ trước mặt...

Tòa nhà GMC (Les Grand Magasins Charner) thời Pháp, là một công trình cổ xưa nhất Saigon được xây dựng từ năm 1880 (đến nay đã 134 năm tuổi), tiền thân của Thương xá Tax, thời xe bò kéo còn tự do đi lại giũa trung tâm Saigon.

Những người lớn tuổi gắn bó với Saigon như tôi hơn nửa thế kỷ nghe mà bàng hoàng ngơ ngác, bởi nếp sinh hoạt, cách ứng xử, xe cộ của con người qua thời gian chắc chắn sẽ thay đổi (như đã nói theo chiều hướng tốt hơn hoặc xấu hơn). Nhưng có thể nói hồn phố của Saigon xưa nay vẫn nằm ở trong những công trình kiến trúc đó, những biệt thự, công thự, thương xá kiểu Pháp, kiểu Mỹ cứ mất dần. Đành rằng cuộc sống mỗi ngày mỗi hiện đại, nhưng tại sao người ta không thể tính toán quy hoạch xây dựng một thành phố Saigon mới nơi quận 2 Thủ Thiêm, như đã từng công bố, mà cứ dần triệt hạ đi những hồn phách cũ của Saigon?

Một thành phố cũng giống như một con người, khi không còn ký ức thì sẽ trở thành gì? Ký ức đâu chỉ ở nơi những trang sách sử? Ngày mai đây thôi, sẽ có những người dân Saigon, sẽ trở nên lạc lõng ngay chính nơi mình đã cả đời gắn bó!


* Ảnh Internet.

Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

Lịch sử và Lễ hội.


Ảnh Internet.

Đọc trên báo Thanh Niên Online (16-8-2014) cái tựa "Hà Nội tổ chức kỷ niệm sinh nhật Hai Bà Trưng" mà... giật mình. Bài báo viết, ngoài việc "Thường xuyên tổ chức kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, song năm nay Hà Nội sẽ tổ chức thêm sinh nhật lần thứ 2.000 của hai vị anh hùng dân tộc".*

Một chùm sự kiện nhân lễ kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh Hai Bà Trưng sẽ được tổ chức từ 22 - 24. 8 tại khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng (H. Mê Linh, Hà Nội) sắp tới đây kéo dài tới 3 ngày, chắc chắn sẽ rất hoành tráng với những phần lễ và hội. Phần "lễ" thì có lễ mít tinh kèm lễ dâng hương tại đền thờ Hai Bà Trưng với lãnh đạo TP đọc diễn văn kỷ niệm. Còn phần "hội" thì có Hội thảo và phát huy truyền thống Hai Bà Trưng trong xây dựng và bảo vệ đất nước, các hội thi trình diễn nghề thủ công truyền thống, các hội trại, hội chợ... Nói chung phần lễ và hội đều nghe... quen quen.

Đúng là giật mình với dòng chữ "Hà Nội tổ chức kỷ niệm sinh nhật Hai Bà Trưng", bởi tôi chưa từng bao giờ đọc được ở đâu viết về năm sinh của Hai Bà Trưng chứ đừng nói đến ngày sinh của Hai Bà. Trong sách vở xưa nay, cổ tích cũng như sách sử, như Lĩnh Nam Chích Quái (Vũ Quỳnh - Kiều Phú, xuất hiện từ đời nhà Trần), Việt Điện U Linh (Lý Tế Xuyên, viết vào đầu thế kỷ thứ XIV)... Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Việt Nam Sử Lược (Trần Trọng Kim)... Quyển Các Triều đại Việt Nam (Quỳnh Cư-Đỗ Đức Hùng) cũng không thấy ghi năm sinh. Từ điển Nhân vật Lịch sử Việt Nam (Đinh Xuân Lâm-Trương Hữu Quỳnh chủ biên) cũng chỉ ghi nhận năm mất của Hai Bà (năm 43), năm sinh để ngỏ. Như vậy, những trang viết về Hai bà Trưng trong sử sách đều không hề nói đến năm sinh của Hai Bà (năm sinh chứ chưa nói đến ngày sinh). Trong nhiều sách sử còn ghi rõ câu "hiện chưa rõ Trưng Trắc sinh năm nào". Riêng về ngày mất thì trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, và Các Triều đại Việt Nam của Quỳnh Cư-Đỗ Đức Hùng có chép Hai Bà tự trầm tại Hát Giang ngày mồng 6 tháng Hai năm Quý Mão (năm 43 Công nguyên). Trên trang mạng Wikipedia cũng chỉ thấy ghi ngày mất của Hai Bà là mùng 6 tháng Hai năm Quý Mão (43).

Trong quyển Lịch Sử Cổ Đại Việt Nam, học giả Đào Duy Anh có dành một chương viết về Hai Bà Trưng. Học giả Đào Duy Anh căn cứ vào nhiều sách sử của Việt Nam và Trung Hoa để xem xét về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà, cũng không hề thấy viết về năm sinh của Hai Bà Trưng.

Như vậy thì ngày, tháng, năm sinh (sinh nhật) của Hai Bà Trưng ở đâu mà có để Hà Nội tổ chức một chùm sự kiện nhân lễ kỷ niệm? GS. Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia cho rằng Không nên có một chùm sự kiện kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh của Hai Ba Trưng như vậyChúng ta vẫn thường xuyên kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Theo tôi, như vậy là đủ. Vị GS. này cũng đặt câu hỏi về con số 2.000 năm ngày sinh của Hai Bà Trưng mà TP. Hà Nội đã đưa ra.

Vị lãnh đạo của huyện Mê Linh cho biết ngày sinh của Hai Bà Trưng được ghi trong sử sách. Khi H. Mê Linh làm hồ sơ di tích cấp quốc gia đặc biệt cho Đền thờ Hai Bà Trưng, những con số về ngày sinh, ngày mất cũng đã được ghi trong đó. Hồ sơ này sau đó được Hội đồng khoa học họp thẩm định, thống nhất rồi trình Thủ tướng Chính phủ ký. "Hai Bà Trưng là hai chị em sinh đôi, sinh ngày 11. 8. 14, mất ngày 8. 3. 43". Vị lãnh đạo H. Mê Linh cũng cho biết Hội đồng khoa học chính là Hội đồng Di sản quốc gia.

Theo GS. Ngô Đức Thịnh (Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia), đấy là một cách hiểu nhập nhèm về lịch sử. Theo sử sách thì Hai Bà Trưng có tên họ, nhưng khi đó thì người Việt không có họ. Những chuyện đó là do được Việt hóa. Lý lịch đó không phải là lịch sử mà là thần tích. GS. Ngô Đức Thịnh khẳng định, Hội đồng công nhận chỉ là công nhận giá trị của di tích cấp quốc gia, công nhận ý nghĩa cuộc khởi nghĩa đầu tiên của người Việt do phụ nữ lãnh đạo, chứ không phải Hội đồng Di sản công nhận tất cả những truyền thuyết, huyền thoại, câu chuyện mơ hồ trong đó đều là sự thật.

Qua bài bài báo trên đây, với ý kiến của những người trong cuộc, đối chiếu với sử sách, có thể nhận thấy rằng trong sử sách không hề ghi chép về ngày, tháng, năm sinh (sinh nhật) của Hai Bà Trưng. Ngày, tháng, năm sinh mà vị lãnh đạo H. Mê Linh đã đưa ra (sinh ngày 11. 8. 14, mất ngày 8. 3. 43), mà ông nói được ghi trong sử sách, và trong hồ sơ công nhận di tích cấp quốc gia ngày mất của Hai Bà là 8-3-43 khác với sách vở là mồng 6 tháng Hai năm Quý Mão (43), không rõ ngày 8-3 được ghi theo âm lịch hay dương lịch? (cũng nghe quen quá, theo dương lịch là ngày Quốc tế Phụ nữ). Nếu ngày mất của Hai Bà theo như vị lãnh đạo H. Mê Linh nói,  được ghi theo âm lịch thì khác và sau ngày mất được ghi theo âm lịch trong sách sử khoảng một tháng. Còn nếu được ghi theo dương lịch thì ghi như vậy cũng không đúng, bởi vì người Việt cho đến tận bây giờ thường vẫn ghi nhớ ngày mất để làm giỗ chạp theo âm lịch chứ không theo dương lịch.

Có lẽ theo như GS. Ngô Đức Thịnh ngày, tháng, năm sinh của Hai Bà là "thần tích" chứ không phải là "lịch sử". Mà không phải lịch sử thì làm sao có ngày này mà làm lễ hội kỷ niệm? Nếu đó chỉ là thần tích, truyền thuyết của Đền Hai Bà Trưng ở H. Mê Linh, nếu muốn "kỷ niệm", thì chỉ nên làm một cái lễ nhỏ ở Đền, tại địa phương. Qua sử sách chúng ta có thể thấy rằng, lịch sử Việt Nam không có thói quen ghi chép cặn kẽ ngày, tháng, sinh và mất của những nhân vật lịch sử. Ngay cả đến vua, chúa thời sau này, cũng chỉ thấy ghi chép năm sinh và mất, chứ ít thấy ghi chép ngày, tháng. Khi đưa một cái ngày, tháng, năm sinh "thần tích" không có thật để kỷ niệm như một sự kiện lịch sử có thật, với quy mô như một quốc lễ kéo dài đến 3 ngày, đúng là như GS. Ngô Đức Thịnh đã nói: đấy là một cách hiểu nhập nhèm về lịch sử. Cách hiểu này có cái nguy hại, lâu dần "thần tích" sẽ trở thành "lịch sử", tức là "cái giả" sẽ trở thành cái thật, dân gian ta hay ví với câu "lộng giả thành chân". Các thế hệ sau sẽ hiểu sai hết về lịch sử.

Tôi lại chợt nhớ đến nhà văn Nguyên Ngọc, trong quyển "Nghĩ dọc đường" của ông, nơi bài "Một câu hỏi mới của Hội An: Nên chăng các lễ hội du lịch?". Ông viết: Bây giờ, như ai cũng biết, đã thành mốt, thành phong trào, liên miên lễ hội khắp nước, mọi lúc, mọi dịp. Cứ chộp được bất cứ cái cớ nào, dù nhỏ nhất, là đẻ ra, bịa ra lễ hội...



Ghi chú:

* Chữ nghiêng là nguyên văn trong bài báo, bài viết.

Tham khảo:

- Lĩnh Nam Chích Quái, Vũ Quỳnh&Kiều Phú - Đinh Gia Khánh chủ biên, NXB Văn Học in lần thứ hai - 1990.
- Việt Điện U Linh, Lý tế Xuyên - Người dịch Trịnh Đình Rư, hiệu đính Đinh Gia Khánh, NXB Hồng Bàng - 2012.
- Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sỹ Liên, NXB Văn Hóa Thông Tin - 2004.
- Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim, NXB Thanh Hóa - 2006.
- Lịch sử cổ đại Việt Nam, Đào Duy Anh, NXB Văn Hóa Thông Tin - 2010.
- Các Triều đại Việt Nam, Quỳnh Cư-Đỗ Đức Hùng, NXB Thanh Niên - 1999.
- Thế thứ các Triều vua Việt Nam, Nguyễn Khắc Thuần, NXB Giáo Dục - 2004.
- Từ điển Nhân vật Lịch sử Việt Nam, Đinh Xuân Lâm-Trương Hữu Quýnh cgủ biên, NXB Giáo Dục - 2000.
- Nghĩ dọc đường, Nguyên Ngọc, NXB Văn Nghệ - 2006.





Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

Dành cho trẻ con và... người già.


Gia đình nhà chim Chích chòe.


 
Mẹ con nhà vịt.


Một vài hình ảnh những con vật nho nhỏ quanh ta tôi làm bằng những sợi giấy cuốn, và "nhào nặn" theo ý muốn, chiều rộng của những sợi giấy này là từ 1 đến 3 mm ( 1 đến 3 ly), và kích cỡ của chúng có thể dán trên một tấm carte visite (như ảnh Mẹ con nhà vịt, tấm carte visite khi chụp tôi đặt trong lòng bàn tay), Gia đình nhà chim chích chòe được gắn trên những giây leo khô kích cỡ cũng thế.

Một môn tạo hình vui vui, dành cho trẻ con và... người già, hì hì!

Có bạn nào thích làm mấy thứ này không nhỉ?




Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Chuyện nhỏ.


Ảnh Internet.

Tôi đọc trong một quyển sách viết theo loại bút ký* của nhà văn Nguyên Ngọc một câu chuyện ngắn khá hay, bài viết có tựa "Biết mình muốn gì". Tôi tóm tắt bài viết dưới đây (tôi tóm tắt nội dung, giữ nguyên ý, chữ viết nghiêng là ghi nguyên văn):

Nhà văn kể trong một chuyến đi nước ngoài (một nước Châu Âu, tác giả không nói rõ nước nào), ông có gặp một chuyện ngồ ngộ, một cặp vợ chồng trẻ người Việt có một cậu con trai mới lên năm sinh và lớn lên ở đấy, ông ngoại cháu mới sang thăm sống trong nhà mấy tháng. Ông cụ là một cán bộ nhà nước đã về hưu, thuộc loại người cực tốt trong xã hội ta, suốt đời thanh bạch, giản dị, tận tụy với việc nước cũng như việc nhà. Con gái, con rể và cháu cũng hết sức quý bố quý ông. Nhưng rồi khi mới qua chưa được một tháng thì xảy ra một chuyện chẳng đâu vào đâu, thật nhỏ nhặt, thậm chí hơi buồn cười, nhưng rồi ngày bỗng trở nên phiền phức một cách chẳng ai ngờ. Ông cụ là một người quen sống không bao giờ có ý kiến, sao cũng được. Hỏi ông muốn đi chơi đâu, mua quà gì cho bà ông nói đi đâu cũng được, mua gì cũng được. Hỏi ông muốn xem tivi hay tắt đèn đi ngủ ông nói tùy các con. Hỏi ông ăn gì ông nói ăn gì cũng xong, bữa ăn hỏi ông muốn uống bia hay rượu ông cũng nói tùy các con. Thậm chí trong bữa ăn hỏi ông muốn ăn thêm nữa không ông trả lời ăn cũng được mà thôi cũng chẳng sao... Cô con gái biết tính bố, bởi suốt đời ông vẫn thế, không bao giờ có ý kiến riêng về điều gì ở bất cứ nơi đâu, ở nhà cũng như khi ra ngoài xã hội. Còn cậu con rể có hơi lúng túng bởi chẳng biết ông muốn gì để mà chiều, nhiều khi thấy khó xử, nhưng là người lớn nên nghĩ cụ sang chơi ở với mình chẳng bao lâu, không nên để ý làm gì.

Nhưng đứa cháu trai mới năm tuổi của ông lại không nghĩ thế. Năm tuổi nhưng nó lại hiểu hết cả. Nó thuộc một lớp người khác, một thế hệ sống trong một xã hội khác, được giáo dục khác. Cho đến một hôm thằng bé đột ngột chỉ vào mặt ông, nói như quát: Chính ông cũng không tự biết ông muốn cái gì, như vậy là ông làm phiền người ta lắm, ông có hiểu không? Ông phải có ý kiến của ông chứ. sao ông lại không bao giờ có ý kiến gì cả, vậy ai có ý kiến thay cho ông?!

Bố mẹ đứa bé không kịp bịt miệng con, còn ông cụ thì sững người. Bố mẹ đứa bé biết nó nói như vậy là hỗn, nhưng lại đúng. Nó thuộc một thế hệ khác, một xã hội khác, một nền giáo dục khác, tuy nó chưa đi học, chưa đến trường, nhưng nền giáo dục đó thấm trong toàn xã hội và môi trường xã hội ấy như không khí để thở, đã quy định cách ứng xử tự nhiên hằng ngày của nó. Một xã hội tạo nên từng con người độc lập. Từng con người tự do..., ông đã quen với việc không có ý kiến riêng là rất đạo đức. Suốt đời ông không tự quyết định việc gì cả, mọi sự lớn nhỏ đều là do "người khác", do cộng đồng, do tập thể quyết định thay cho ông...

Tác giả viết tiếp, sau cái bi kịch bé tẹo ấy thì ông ngơ ngác. Ông đã quá tốt theo cách của một thời để có thể hiểu được còn có một cách tốt khác hẳn, hoàn toàn ngược lại.

Nhà văn Nguyên Ngọc kết luận bài viết:

Riêng tôi, tôi nghĩ lẩn thẩn: hay là những vấn đề của nền giáo dục chúng ta, mà bao nhiêu người đang rất lo lắng, có thể bắt đầu từ chính cái chỗ bé tẹo này đây chăng?  Từ chỗ chúng ta định tạo ra những con người như thế nào, những con người suốt đời sẵn sàng giao phó cho ai đó suy nghĩ và quyết định mọi việc thay mình, hay những con người tự biết mình muốn gì và tự quyết định về mọi việc lớn nhỏ của mình. Chúng ta định dạy cho trẻ em từng em tự mình biết rõ mình muốn gì và dám tự quyết định lấy, hay dạy cho chúng chỉ biết vâng lời?

Hình như chuyện nhỏ trông chừng chẳng đâu vào đâu của cái gia đình nhỏ nọ có thể lại chẳng nhỏ chút nào.

Đấy là câu chuyện của nhà văn Nguyên Ngọc. Tôi chưa bao giờ được đến các nước Âu Mỹ, cũng không rành gì về nền văn hóa, giáo dục của họ. Có điều bà xã tôi đã mấy lần đến nước Mỹ bởi gia đình, anh chị em đã ở hết bên ấy từ mấy chục năm nay, bà xã tôi đã có lần sống ở bên ấy hằng nửa năm, có kể, mấy đứa cháu sinh ở Mỹ, tuy trong gia đình Việt Nam biết nói tiếng Việt, nhưng cũng suy nghĩ và hành xử như trẻ con Mỹ. Chẳng hạn có lần dự sinh nhật một đứa cháu con cậu em, khi các dì, các bác cho quà đứa bé đều cám ơn, thank you  rất lễ phép, nhưng lúc đứa bé mở quà nó nói ngay cái này con thích, cái kia con không thích, cái gì không thích nó quẳng vào một xó, thậm chí là bỏ vào thùng rác ngay trước mặt người cho quà. Một hành động nếu xảy ra ở Việt Nam sẽ được xem là hỗn, là "mất dạy".

Thế người lớn nghĩ sao về hành động đó? Thì ra ở bên Mỹ đó là chuyện bình thường, chị em đã quen sống bên ấy nói, cho quà là chuyện của mình, còn thích hay không là chuyện của nó, một khi mình đã cho thì món quà là của nó, thích thì nó giữ, không thích thì nó muốn làm gì thì làm, vứt đi cũng được, đấy là chuyện của nó chứ không phải của mình. Trẻ con bên Mỹ được dạy sống "thật" như vậy từ bé, chuyện gì cũng rất rõ ràng,  hơi đâu mà để ý suy nghĩ chi cho mệt...



Ghi chú:

* Quyển Nghĩ dọc đường, Nguyên Ngọc, NXB Văn Nghệ - 2006.




Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Chuyện Ngoại giao.


Thượng Nghị sỹ John McCain bên tấm bia nơi hồ Trúc Bạch, nơi ông đã nhảy dù xuống vào năm 1967, lúc còn là phi công (Thiếu tá Hải quân), khi chiếc A 4E Skyhawk do ông lái bị bắn hạ trên bầu trời Hà Nội). Ảnh Internet

Ngoại giao (外交) được định nghĩa trong từ điển* như sau: 1. Giao thiệp với nước ngoài và giải quyết các vấn đề quốc tế. 2. Giao thiệp với bên ngoài, người ngoài.

Xem ra như thế thì ngoại giao là một hành động có từ thời... khai thiên lập địa, từ lúc có loài người. Dĩ nhiên ngoại giao thời hồng hoang có khác ngoại giao thời hiện đại, càng văn minh tiến bộ, thì việc ngoại giao của con người càng mang ý nghĩa quan trọng, ngoại giao không chỉ là thăm viếng xã giao mà còn là những bàn bạc, thỏa thuận quyết định cả tương lai của một đất nước, một dân tộc. Ngày xưa Khổng Tử, Tô Tần, Trương Nghi... từng là những thuyết khách nổi tiếng, họ đã du thuyết khắp các nước thời bấy giờ để bàn về những chuyện đại sự. Đó là những nhà ngoại giao. Thời nay thì có TS. Henry Kissinger, bà Hillary Clinton... từng là những Bộ trưởng Ngoại giao nổi tiếng của Hoa Kỳ... Ta đã thấy trong những ngày qua việc ngoại giao trên thế giới được thực hiện rất tích cực, để giảm nhiệt ở những điểm nóng, để tháo gỡ ngòi nổ chiến tranh, để tăng cường hiểu biết và hợp tác, để giảm nhẹ thiên tai, nhân tai...

Một trong những hành động ngoại giao mà nhiều người Việt quan tâm, là việc đến thăm và làm việc của một phái đoàn Việt Nam tại Hoa Kỳ (từ ngày 21 đến 28-7-2014), và phái đoàn Quốc hội (Thượng viện) Hoa Kỳ (từ ngày 7 đến 10-8-2014) tại Việt Nam mới đây, như chúng ta đã biết qua những phương tiện thông tin đại chúng. Chuyện thăm viếng, làm việc (ngoại giao) giữa hai quốc gia là một việc bình thường, ngoài nội dung làm việc chính đã được thông tin nhiều trên truyền thông, còn có một hai chuyện nho nhỏ bên lề cũng có nhiều người nhắc tới, chẳng hạn như chuyện tấm hình "món quà ngoại giao" mà phái đoàn Việt Nam tặng cho ông John McCain** khi đến Hoa Kỳ vừa qua. Tấm ảnh chụp một tấm bia và bức tượng đài bên bờ hồ Trúc Bạch tại Hà Nội, nơi ông Thượng Nghị sỹ Hoa Kỳ John McCain, khi còn là Thiếu tá phi công phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ đã bị bắn rơi, bị thương và nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch vào năm 1967.


Tấm bia và tượng đài bên bờ hồ Trúc Bạch ghi sai tên, sai binh chủng của ông John McCain, và hình ảnh một người đang quỳ gối giơ hai tay đầu hàng. Ảnh Internet.

Vào khoảng năm mươi năm trước ông John McCain là một Thiếu tá phi công trong lực lượng Hải quân Hoa Kỳ, thời điểm ấy ông lái máy bay ném bom oanh tạc miền Bắc, và vào ngày 26-10-1967 máy bay của ông bị bắn hạ trên bầu trời Hà Nội, may mắn là ông kịp nhảy dù và rơi xuống hồ Trúc Bạch, bị thương nặng và bị bắt. Những hình ảnh phi công Mỹ bị bắn rơi và bị bắt trước đây không phải là hiếm, nổi tiếng có những bức ảnh O du kích nhỏ*** với câu thơ "O du kích nhỏ giương cao súng/ Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu", chụp cảnh người lính Mỹ cao lớn bị cô gái du kích Việt Nam bắt khi máy bay bị bắn hạ. Khi hòa bình lập lại người lính Mỹ này đã có dịp quay trở lại Việt Nam, tìm lại được O du kích nhỏ và chụp chung với O một tấm hình, một tấm hình rất có ý nghĩa giữa 2 người đã từng có lúc đối nghịch. Hoặc một hình ảnh khác là Từ Thần sấm xuống xe trâu**** chụp cảnh viên phi công Mỹ bị bắt và được giải đi trên một chiếc xe do trâu kéo...

Chiến tranh và Hòa bình. Ảnh Internet.

"Từ Thần sấm xuống xe trâu". Ảnh Internet.

Những bức ảnh chiến tranh của một thời giờ đây chỉ còn là lịch sử, đối với người trong cuộc là những kỷ niệm, có lẽ là kỷ niệm vui với "Bên thắng cuộc", và là kỷ niệm buồn với "Bên thua cuộc". Quay trở lại "món quà ngoại giao" là tấm ảnh chụp tấm bia và bức tượng bên bờ hồ Trúc Bạch, mà người đứng đầu đoàn Việt Nam đã trao cho ông John McCain vừa qua, nhiều trang mạng đã bình luận, lẽ ra không nên khơi lại những hình ảnh đối đầu của chiến tranh một khi hòa bình đã lập lại, nhất là những hình ảnh đau buồn đối với bên bị coi là thua trận, một món quà không được tế nhị, trong ngoại giao dù với bất cứ lý do gì, không ai lại đi tặng một món quà như thế.

Có một điều khác nữa, trong tấm bia có ghi tên ông John McCain bên cạnh là tượng người quỳ gối giơ tay đầu hàng lại ghi sai tên ông ấy. Tên đầy đủ của ông ấy là John Sidney MacCain, tấm bia ghi "nửa nạc nửa mỡ" JOHN SNEY MA CA, cách viết tên chẳng ra phiên âm theo kiểu hay thấy trong sách vở (như Phơ Răng Xơ - France, hay Pát Xì Tơ - Pasteur), mà viết theo tiếng Anh, tiếng Mỹ cũng không phải. Một tấm bia giữa thủ đô, ghi nhận một sự kiện lịch sử được viết rất cẩu thả, không rõ tấm bia có từ bao giờ mà không thấy ai để mắt sửa lại cho đúng. Điều nữa là ông John McCain khi ấy tuy là Thiếu tá lái máy bay nhưng ông thuộc binh chủng Hải quân chứ không phải không quân Hoa Kỳ, những thông tin như thế này bây giờ đầy trên mạng. Và cuối cùng là câu "Bắt sống tên John Sney Ma Ca", tên này tên kia hay thằng này thằng nọ, là cách nói miệt thị đối phương của thời chiến tranh ở miền Bắc trước đây. Trong xã hội văn minh, cho dù có lúc đối đầu người ta cũng không gọi nhau bằng thằng này tên nọ. Thời nào cách gọi ấy cũng không thích hợp.

Đôi khi tôi tự hỏi, thay vì tặng tấm hình như thế, nếu phái đoàn Việt Nam đến thăm Bức Tường Chiến Tranh tại thủ đô Washington DC Hoa Kỳ, nơi có ghi tên hơn 58 ngàn binh sỹ Mỹ đã tử trận tại Việt Nam và đặt tại nơi ấy một vòng hoa, thì có lẽ sẽ "ghi được điểm 10" dưới mắt người Mỹ, và có thể hiệu quả của chuyến ngoại giao ấy sẽ cao hơn nhiều. Chúng ta đã thấy tầm quan trọng trong chuyến công du ngoại giao tiếp theo của phái đoàn Thượng viện Hoa Kỳ đến Việt Nam từ ngày 7 đến 10-8-2014, khi gặp gỡ với phái đoàn Thượng viện Mỹ, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. (Tuổi Trẻ Thứ Bảy 9-8-2014).

Bức Tường Chiến Tranh tại thủ đô Washington DC Hoa Kỳ bằng đá hoa cương đen, nơi khắc tên hơn 58 ngàn lính Mỹ tử trận tại Việt Nam. Ảnh Internet.

Không rõ có tấm ảnh nào chụp ông John McCain quỳ gối giơ tay khi bị bắt như bức tượng bên bờ hồ Trúc Bạch hay không? (như mấy tấm ảnh chụp những lính Mỹ bị bắt khác bên trên, tôi thử tìm trên mạng không thấy). Nhưng có một tấm ảnh khá hay chụp lúc ông ấy nhảy dù xuống hồ và có nhiều người bơi ra giải cứu và bắt ông ấy.

Ảnh Thiếu tá Hải quân John McCain bị bắn rơi và nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch năm 1967. Ảnh Internet.

Còn về chuyến viếng thăm ngoại giao của phái đoàn Thượng viện Mỹ do ông John McCain dẫn đầu tại Việt Nam vừa qua, không rõ ông ấy có tặng lại Việt Nam món quà ngoại giao gì không? Nhưng báo chí có nhắc đến chuyện ông ấy ghé thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám tại Hà Nội, nếm thử quả nhãn trồng tại đấy và mua những món quà lưu niệm. Chuyến ghé thăm Việt Nam trước đây, vào ngày 7-4-2009 ông John McCain đã ghé thăm di tích nhà tù Hỏa Lò Hà Nội nơi ông bị giam giữ khi xưa, và ghé thăm cả bức tượng đài và tấm bia ghi sai tên ông bên bờ hồ Trúc Bạch.



Ghi chú:

* Từ điển Từ Hán - Việt, Lại Cao Nguyên chủ biên, NXB Khoa Học Xã Hội - 2007.

** John Sidney McCain III (sinh ngày 29-8-1936) là Thượng Nghị sỹ thâm niên của Hoa Kỳ, người tiểu bang Arizona, là người được Đảng Cộng Hòa đề cử ra tranh chức Tổng thống Hoa Kỳ vào năm 2008. Ông là một trong hai nhân vật năng nổ trong việc vận động chính phủ Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam (người thứ hai là ông John Kerry). Ngày 26-10-1967 trong một phi vụ tại miền Bắc Việt Nam, chiếc phi cơ A 4E Skyhawk cất cánh từ hàng không mẫu hạm Oriskany do ông lái đã bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội, ông bị thương nặng nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch và bị bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò Hà Nội (nhà tù có từ thời Pháp thuộc được người Pháp gọi là Maison Centrale, tiếng Việt gọi là Ngục Thất Hà Nội, nơi đã từng giam giữ nhiều nhà cách mạng của Việt Nam. Đến thời chiến tranh với Mỹ nơi đây là nơi giam giữ những phi công Mỹ bị bắn hạ. Tù binh Mỹ thời ấy gọi đùa là Hanoi Hilton). Ông bị giam đến ngày 14-3-1973. Được thả sau khi Hiệp định Paris được ký kết.

*** Tấm ảnh đen trắng O du kích nhỏ là của nghệ sỹ nhiếp ảnh Phan Thoan, chụp cảnh một người lính không quân Mỹ bị bắt sau khi rơi máy bay. Trang mạng Wikipedia cho biết "Theo tài liệu của quân đội Hoa Kỳ, người bị bắt là William Andrew Robinson, là một nhân viên phi hành trên một máy bay trực thăng HH-43 Huskie đang giải cứu phi công của một chiếc  F-105 Thunderchief (Thần sấm). Chiếc trực thăng giải cứu cũng đã bị bắn hạ, Robinson đã bị bắt cùng toán phi hành của chiếc trực thăng vào ngày 20-9-1965. Robinson là  tù binh Mỹ bị giam giữ lâu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, ông bị giam giữ tổng cộng 2.703 ngày, mãi đến ngày 12-2-1973 mới được thả". O du kích nhỏ là nữ dân quân Nguyễn Thị Kim Lai.

**** Bức ảnh "Từ Thần sấm xuống xe trâu" của tác giả Văn Bảo, chụp viên Đại úy phi công F-105 Hoa Kỳ tên là Selleck bị bắn hạ tại Bắc Giang vào ngày 7-8-1966, Selleck được giải đi trên một chiếc xe thô sơ do trâu kéo.





Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

Tiết Trung Nguyên (中元節) - Rằm Tháng Bảy.


Tranh cảnh thọ hình dưới âm phủ. Ảnh Internet.

Hôm nay là ngày 14 tháng Bảy âm lịch, ngày mai là rằm tháng Bảy, còn gọi là Tiết Trung Nguyên (中元節) hay Tết Trung Nguyên (Thượng Nguyên là rằm Tháng giêng, Trung Nguyên là rằm Tháng bảy, Hạ nguyên là rằm tháng mười), một ngày lễ lớn của Phật giáo trong năm. Sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn có viết:

Sách Mộng Hoa Lục chép: Tết Trung Nguyên (rằm tháng bảy) người ta bày đồ mã áo bằng giấy màu, lấy tre làm cái giương ba chân hình trạng giống như cái bầu dầu trong cây đèn, gọi đó là Vu Lan Bồn (*), người ta treo áo giấy và đồ mã ở trên mà đốt.

Ông Lục Du (**) nói: Thói tục đến ngày rằm tháng bảy làm đồ chay cúng tế tổ tiên, chuốt tre làm bồn chậu đựng tiền giấy rồi lấy cọng tre mồi lửa mà đốt.

Sách Thích Thị Yếu Lãm chép: Tiếng Phạn nói Vu Lan cũng như tiếng Trung Hoa nói cứu đảo huyền là cứu gỡ cha mẹ đang bị thọ hình treo ngược ở địa ngục.

Nếu bên Phật giáo có tháng Bảy (âm lịch) là tháng dành cho những người đã khuất, chùa chiền thường tổ chức những buổi lễ cầu siêu, và những hoạt động tuyên xưng và tưởng nhớ đến công ơn các bậc cha mẹ. Trong dân gian người ta cũng làm những mâm cúng cho những người thân đã khuất, và những cô hồn không nơi nương tựa, thì bên Thiên Chúa giáo cũng có một tháng như thế, đó là tháng Mười một (dương lịch), gọi là Tháng các linh hồn, hay Tháng các đẳng linh hồn, nơi nhà thờ cũng có những buổi lễ cầu cho các linh hồn đã khuất. Những hoạt động mang tính chất hiếu đễ, tưởng nhớ của con người.


Ghi chú:

(*) Vu Lan Bồn, tiếng Phạn (S) là Ullambana có nghĩa là treo ngược, ngụ ý rất khốn khổ. Ngày rằm tháng bảy người ta bố thí để báo đền công ơn của cha mẹ đã khuất, tin là có thể cứu cha mẹ bị thọ hình treo ngược nơi địa ngục.

(**) Lục Du (1125-1210), người tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, thi đỗ tiến sĩ, là nhà thơ, làm quan dưới thời Nam Tống.



Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

Trò chơi trẻ con.


Hai chú chuột nhắt.

Anh em nhà thỏ.

Con nhện.

Chim hút mật.

Chim chích chòe đậu cành tre.


Trở lại với trò chơi cuốn giấy trẻ con. Lần này thì tôi làm những con vật nhỏ nhỏ (so với đồng 10 xu Euro đường kính 15 mm). Thử post lên vài con xem sao :-)))