Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

Sản phẩm mới.


Những sản phẩm mới của bà xã móc bằng len, sợi trong tháng 6, chắc hôm nào phải đi mướn một gian hàng thủ công (handmade) trong chợ phiên cuối tháng bên Quận 7 bày bán, hì hì!





















Post mấy con búp bê này lên cho nó vui cửa vui nhà một chút.





Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Tin nhanh Word Cup.


Cú "cẩu xực" của cầu thủ Uruguay Suarez (9) vào vai của cầu thủ Italia Chiellini. Ảnh Internet.


HLV trưởng Uruguay Oscar Tabarez lớn tiếng nói: “Rõ ràng FIFA đối sử thiếu công bằng, họ đã hành xử như BTC giải V-League ở Việt Nam, cả đội tuyển chúng tôi chỉ có mình Suarez biết ghi bàn, bây giờ cấm Suarez đá World Cup thì khác gì loại Uruguay khỏi cuộc chơi.

Đọc trên Thanh Niên Online (27-6-2014) đoạn tin trên cũng thấy vui vui, hihi. Tôi copy nguyên văn câu nói của HLV trưởng đội tuyển Uruguay Oscar Tabarez viết trên Thanh Niên Online nhân chuyện cầu thủ Luis Suarez của đội tuyển Uruguay sử dụng món "cẩu xực" đối với trung vệ Chiellini của đội tuyển Italia, trong trận đấu giữa đội tuyển Uruguay và đội tuyển Italia. Hậu quả là cầu thủ này đã bị FIFA cấm thi đấu 4 tháng và 9 trận quốc tế, cùng tiền phạt 100.000 Franc Thụy Sỹ (110.000 USD), tin án phạt là của BBC Tiếng Việt.


Cầu thủ Chiellini của Ý "khoe" cú "cẩu xực" của Suarez. Ảnh Internet.

Cái vui thứ nhất là trong khi giải V-League và BTC giải V-League ở Việt Nam bị khán giả chê ngay trên sân nhà, cũng còn có một ông HLV của một đội bóng Nam Mỹ lọt vào vòng chung kết Word Cup quan tâm theo dõi, ông này chắc phải theo dõi sát sao mới có thể so sánh được như thế (không biết có phải ông ấy theo dõi để học hỏi kinh nghiệm? Một BLV của VTV 3 hôm ấy bình luận đại khái rằng, nền bóng đá Uruguay có 2 thứ đối nghịch, một là tài năng của cầu thủ Nam Mỹ, hai là cách chơi xấu, đầy tiểu xảo). Thành thực mà nói đá xấu thì nhiều cầu thủ VN rất giỏi, có đội nổi tiếng là "chém đinh chặt sắt", đá chân, đá người hay hơn đá bóng. 

Cái vui thứ nhì là ông Oscar Tabarez này so sánh BTC Word Cup của FIFA đã hành xử như BTC giải V-League ở Việt Nam, dù sao đi nữa, một BTC giải bóng đá ở vùng trũng Đông Nam Á, mà được so sánh với BTC giải Word Cup danh tiếng thế giới thì thật là vinh dự.

Chuyện "cẩu xực" mang tính thời sự của cầu thủ Suarez cũng đã được cập nhật và "hình tượng hóa" ngay bằng tấm Poster trên bãi biển của thành phố Rio de Janeiro-Brasil, với hình ảnh khuôn mặt của cầu thủ này đang... nhe răng, và du khách tha hồ đứng cạnh... tạo dáng để chụp hình kỷ niệm mùa Word Cup.

Một hình ảnh rất hay khác là Tổng thống Mỹ Barack Obama theo dõi trực tiếp trận đấu của đội tuyển Mỹ và đội tuyển Đức tại vòng đấu bảng (trận quyết định để vào vòng 1/16), trên chiềc chuyên cơ Air Force One (Không Lực 1), khi ông Tổng thống này đang đi công cán, cùng lúc đó cũng có 25 triệu người Mỹ theo dõi trực tiếp trên truyền hình, một con số kỷ lục từ trước đến nay. Tại New York thủ đô của nước Mỹ, tòa Thị chính đã cho công sở nghỉ trưa thêm 1 tiếng để công chức theo dõi trận Mỹ-Đức. Bóng đá không phải là môn thể thao vua xưa nay tại Mỹ.


Du khách tạo dáng chụp hình bên tấm Poster tại bãi biển Rio de Janeiro-Brasil có ảnh cầu thủ Suarez... nhe răng. Ảnh của BBC Tiếng Việt.


Tổng thống Mỹ Barack Obama theo dõi trực tiếp trận Mỹ-Đức trên chiếc chuyên cơ Air Force One khi ông đang đi công cán. Ảnh của VTV Online.

25 triệu người Mỹ theo dõi trực tiếp trận Mỹ-Đức trên tivi. Ảnh của Bloomberg trên VN Express.

Chuyện rất nhỏ khác là chữ đối sử thiếu công bằng trong câu nói trên của ông HLV đội tuyển Uruguay, thì phóng viên viết tin đã viết chữ sử sai chính tả, đối xử (đối nhân xử thế) phải viết là xử chứ không phải sử. 

Nhân mùa Word Cup nhặt nhạnh mấy chuyện vui viết lên chơi, bõ công thức đêm thức hôm một mình coi mờ cả mắt. Cũng may đêm nay và rạng sáng ngày mai (đêm 27, rạng sáng 28-6) Word Cup tạm nghỉ để đêm mai coi tiếp vòng 1/16, đã tới những trận knock out không thể bỏ qua. Lần đi khám mắt định kỳ tới có khi sẽ bị bác sĩ rầy rà đây. Hì hì!






Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

À la mode.


Đôi giày "đơ cu lơ". Ảnh Internet

Xem Word Cup năm nay thấy cầu thủ các đội có một vài mode mới, trước đây mode của cầu thủ thường ở đầu tóc, như để tóc dài cột đuôi ngựa, cạo trọc, kiểu "thằng bờm" (Ronaldo), hay bờm ngựa, bờm sư tử, sọc rằn như cá sặc...

Găng tay của thủ môn. Ảnh Internet.

Năm nay thấy một vài cầu thủ có mode mới, như đi đôi giày "đơ cu lơ" (deux couleurs) hai chiếc dưới chân là hai màu khác nhau, hay thủ môn đeo đôi găng tay cũng hai màu (màu xanh và màu hồng). Màu xanh thường tượng trưng cho con trai, màu hồng tượng trưng cho con gái. Người mình cũng thường hay nói "nam tả nữ hữu", xem hình thì thấy cầu thủ đi giày, đeo găng tay màu xanh bên chân trái, tay trái.

Hay đây là một kiểu mode "âm dương hòa hợp" để cầu sự viên mãn và may mắn, như triết lý của người Á đông? Hì hì!

Chuyện thời trang xanh hồng của cầu thủ Word Cup năm nay, làm tôi nhớ đến một câu chuyện cười dân gian chắc ai cũng biết. Ông chủ nhà có 2 đôi giày khác màu nhau, một buổi sáng đi làm lấy lộn chiếc màu nọ chiếc màu kia, ông ta kêu đứa ở mang đi đổi. Đứa ở mang đôi giày vào nhà trong rồi lại mang ra thưa, ông đổi làm gì, đôi kia cũng y hệt như vậy...

Nhân chuyện thời trang ở Word Cup năm nay, lại lan man sang chuyện từ ngữ. Người Pháp nói Etre à la mode có nghĩa là hợp thời trang (mode: n.f., danh từ giống cái, có nghĩa là kiểu, cách, thời trang, thời thượng, để phân biệt với mode: n.m., danh từ giống đực, có nghĩa là hình thái, thể thức). Ngày xưa ở Saigon người ta viết hay nói gọn thành à la mode hoặc ngắn gọn hơn nữa là mode (phiên âm sang tiếng Việt là  à la mốt hoặc mốt). Ít năm trước đây có một vài nhóm hài, khi tấu hài thay vì nói mốt, họ lại nói thành mô de (tiếng Việt) cho nó... hài. Và có lẽ từ chữ mô de này ngoài đời phái sinh thêm từ "mô đen" (modèle: n.m. có nghĩa là mẫu, kiểu mẫu, kiểu dáng) thay thế cho từ mốt (mode). Người ta không nói một người ăn mặc à la mốt hay mốt (mode-thời trang) nữa, mà nói thành ăn mặc mô đen (modèle). Dĩ nhiên là cách nói này sai, nhưng lại được xã hội chấp nhận.




Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Chuyện nọ xọ chuyện kia.




Cuối tuần chở bà xã đi chợ, trong khi chờ tôi ngồi quán cà phê cóc vỉa hè ở đầu chợ, nghe mấy ông bàn kế bên luận về bóng đá Word Cup, những Bình luận viên vỉa hè như thế này có lẽ bình về bóng đá không thua gì giới chuyên nghiệp của truyền hình hay báo chí. Họ bàn thấu đáo về sự sa sút của những đội tuyển lừng danh như Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha..., đến hiện tượng Costa Rica, một đội bóng thường thường bậc trung khu vực Trung Mỹ, tự nhiên đá lên chân bất ngờ, thắng cả 2 trận đầu hiên ngang vào vòng 1/16 sớm...

Bốn năm ông ngồi cà phê bàn bên bàn luận bóng thật say mê, có ông khoe từ đầu vòng chung kết Word Cup đến giờ chưa bỏ sót trận nào, coi đủ cả 3 trận một đêm. Dĩ nhiên là cũng phải thay đổi giờ giấc sinh hoạt, ăn cơm tối xong đã phải lo đi ngủ, để đến 11 giờ thức giấc coi trận đầu tiên, rồi cà phê chè lá để thức, còn mấy ông kia dù mê nhưng chịu không thấu phải chọn trận hay mà xem, riêng có một ông than thỉnh thoảng trận nào hay lắm mới dám thức xem, bởi bị tăng xông, mới thức coi một hai đêm mà huyết áp đã lên vùn vụt, có nguy cơ... đứt bóng. Thế là ông ta bị bà xã cấm tuyệt cái chuyện thức đêm xem bóng đá, dân ghiền mà phải coi bóng đá chiếu lại vào ngày hôm sau thì chán chết. Ông ấy than tuy mê thế mà cũng không dám cãi... lệnh bà, và chuyện bị cấm vận bóng đá của ông kia, được một ông khác kết luận bằng câu thành ngữ "lệnh ông không bằng cồng bà".

Hihi, tôi chú ý ngay đến câu "lệnh ông không bằng cồng bà", đây là một câu thành ngữ khá quen thuộc, theo tôi hiểu một cách nôm na thì câu này ám chỉ "vai trò nữ tướng" của các bà nội trợ, ý kiến của "bà" trong nhà là "hết sẩy", "năm bờ oăn". Tuy nhiên tôi định về nhà sẽ thử tra lại sách vở xem câu này trong sách giải thích ra sao?

Sau khi tra thử năm quyển sách có giải thích chữ "lệnh ông không bằng cồng bà", tôi được những câu giải thích như thế này:

1/- Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam, Vũ Dung-Vũ Thùy Anh-Vũ Quang Hào (NXB Văn Hóa - Thông Tin - 1998). "Lệnh ông không bằng cồng bà": (cồng: nhạc khí gõ không định âm, bằng hợp kim đồng, giống cái chiêng nhưng không có núm, dùng để phát hiệu lệnh). Ý kiến, quyền hành của người vợ là quan trọng hơn, là quyết định hơn (trong công việc nội bộ gia đình).

2/- Từ điển Thành ngữ Tục ngữ Việt Nam, Nguyễn Lân (NXB Văn Học - 2010).  "Lệnh ông không bằng cồng bà": lời nói đùa để chế các ông chồng sợ vợ. (Có người nói xuất xứ của tục ngữ này là khi Triêu Quang Phục phát lệnh chiêu tập binh mã để đánh giặc ngoại xâm thì kết quả không bằng khi bà em là bà Triệu Thị Trinh dùng tiếng cồng để tập hợp nghĩa quân).

3/- Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn Ngữ, do nhóm biên soạn Quang Hùng - Khắc Lâm (NXB Từ Điển bách Khoa - 2007).  "Lệnh ông không bằng cồng bà": việc ai nấy lo, đừng xen vào nội bộ của người khác (lệnh là cái ống lối hay cái thanh la để đưa ra hiệu lệnh ở làng).

4/- Sách Kể chuyện Thành ngữ Tục ngữ, Viện Ngôn Ngữ Học, Hoàng Văn Hoành chủ biên (NXB Khoa Học Xã Hội - 1994).  "Lệnh ông không bằng cồng bà": nói về quyền quyết định mọi việc của người phụ nữ trong gia đình... Về mặt ngữ nghĩa, chỉ có chữ "lệnh" là điều băn khoăn duy nhất. nên hiểu "lệnh" là "mệnh lệnh" hay là "cái lệnh", một dụng cụ dùng ở các nhà thờ, đền chùa? Trong thế đối ứng với "cồng" người ta dễ chấp nhận "lệnh" là dụng cụ phát ra âm thanh. Cái đáng quan tâm nhất là tại sao lại lệnh ông không bằng cồng bà? Trong dân gian có 2 cách hiểu về vấn đề này.
Theo nhiều người, thành ngữ này gắn liền với việc chiêu mộ binh lính của anh em Triệu Thị Trinh. Trong khi Triệu Quốc Đạt phát lệnh chiêu tập bính lính kết quả không được bao lăm, thì bằng tiếng cồng vang vọng. Triệu Thị Trinh đã tập hợp quanh mình rất nhiều nghĩa sĩ.
Nhiều người khác lại khẳng định xuất xứ của thành ngữ này gắn liền với tục cưới xin ở một số dân tộc ít người. Số là khi làm lễ cưới, bên nhà trai phải phát lệnh trước để xin dâu, nếu đồng ý bên nhà gái đánh cồng đáp lại. Trong trường hợp không nghe thấy tiếng cồng tức là chưa được rước dâu. Rõ là tiếng cồng nhà gái (cồng bà) có quyền quyết định tối hậu.

5/- Tạp chí Văn Học (số 1 năm 1974 với chủ đề về Văn học dân gian), bài viết Tục ngữ với Truyền thuyết anh hùng của tác giả Trần Đức Các. Bài viết như sau: Lệnh ông cồng bà, theo lời kể của nhân dân vùng núi Nưa Thanh Hóa thì cội nguồn sâu xa của câu tục ngữ này là từ câu chuyện Bà Triệu cùng anh là Triệu Quốc Đạt khởi nghĩa chống quân Ngô. Trong lúc luyện binh cũng như trong giờ ra trận, binh lính chia làm hai cánh quân, một cánh do Bà Triệu và một cánh do Triệu Quốc Đạt chỉ huy. Để tránh sự nhầm lẫn giữa hai cánh quân, Bà Triệu dùng cồng, Triệu Quốc Đạt dùng lệnh làm hiệu lệnh chiến đấu (cồnglệnh đều là nhạc khí bằng đồng thông dụng ở vùng Thanh-Nghệ, nhân dân thường sử dụng trong việc săn bắn). Từ đó mà binh lính truyền nhau "Lệnh ông cồng bà". Ý nghĩa thô sơ ban đầu của câu tục ngữ chỉ là thế...
Thế rồi trong quá trình phát triển, câu tục ngữ đã tách khỏi ý nghĩa ban đầu để tiếp nhận một nội dung mới. Từ câu "Lệnh ông cồng bà", chuyển thành câu "Lệnh ông không bằng cồng bà" mà nhân dân đã vận dụng để thể hiện vai trò "nội tướng" của nữ giới trong gia đình...

Một câu thành ngữ khá thông dụng trong dân gian, nhưng qua năm quyển sách chúng ta đã thấy có những điều giống và khác nhau trong cách giải thích. Ba quyển sách số 1, 4, 5 nội dung giải thích giống nhau, là đề cao vai trò "nội tướng" của người phụ nữ trong gia đình. Quyển số 2 của Nguyễn Lân giải thích là lời nói đùa để "chế các ông chồng sợ vợ", ý nghĩa đã khác, đề cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình không hẳn là ông chồng phải sợ bà vợ. Tuy nhiên xét cũng không đến nỗi khác nhau quá. Đến quyển số 3 (Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn Ngữ, do nhóm biên soạn Quang Hùng - Khắc Lâm) chủ biên, đã thấy cách giải thích khác quá xa.  "Lệnh ông không bằng cồng bà", được giải thích là "việc ai nấy lo, đừng xen vào nội bộ của người khác", thì xem ra câu giải thích không mấy ăn nhập gì đến câu thành ngữ đang giải thích.

Nhưng ở quyển số 2, từ điển của Nguyễn Lân có một sai lầm khá nghiêm trọng về lịch sử khi viết "Có người nói xuất xứ của tục ngữ này là khi Triệu Quang Phục phát lệnh chiêu tập binh mã để đánh giặc ngoại xâm thì kết quả không bằng khi bà em là bà Triệu Thị Trinh dùng tiếng cồng để tập hợp nghĩa quân". Tôi nhấn mạnh những chữ Triệu Quang Phục, bà em và Triệu Thị Trinh, bởi Triệu Quang Phục tức Triệu Việt Vương sinh năm 549, mất năm 571, không thể có bà emTriệu Thị Trinh (Triệu Ẩu) sinh năm 225 mất năm 248 được (bà em lớn hơn ông anh đến mấy trăm tuổi). Theo sách sử thì bà Triệu Thị Trinh cùng anh là Triệu Quốc Đạt khởi nghĩa chống quân Đông Ngô (Việt Nam Sử Lược - Trần Trọng Kim).

Xem ra trong những câu giải thích về thành ngữ "Lệnh ông không bằng cồng bà", thì cách giải thích của quyển sách số 5 là Tạp chí Văn Học số 1 năm 1974 hay và hợp lý hơn cả. "Cồng" là nhạc cụ (cồng chiêng) thì chắc chắn sẽ đối với "lệnh" cũng là nhạc cụ như chú thích, chẳng phải băn khoăn gì nữa. Và theo đó thành ngữ này là câu phái sinh từ câu tục ngữ "Lệnh ông cồng bà" mà Tạp chí đã ghi nhận.

Điều sau cùng tôi nhận thấy chỉ một câu đơn giản,  nhưng nếu có được nhiều nguồn để tham khảo ta có thể tìm thấy được nhiều điều thú vị.


Ghi chú về Thành ngữ & Tục ngữ:

- Thành ngữ: Cụm từ hay ngữ cố định có tính nguyên khối về ngữ nghĩa, tạo thành một chỉnh thể định danh có ý nghĩa chung khác tổng số ý nghĩa của các thành tố cấu thành nó, tức là không có nghĩa đen và hoạt động như một từ riêng biệt ở trong câu.
- Tục ngữ: Câu ngắn gọn, có cấu trúc tương đối ổn định, đúc kết kinh nghiệm sống, đạo đức, tri thức của một dân tộc. Khác với cách ngôn, tục ngữ không bao hàm ý nghĩa khuyên răn trực tiếp. Ví dụ: Thuốc đắng dã tật. Uống nước nhớ nguồn. sai một li đi một dặm.

(Từ điển Giải thích Thuật ngữ Ngôn ngữ học, Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB Giáo Dục - 2003).

- Thành ngữ (成 ): Nhóm từ cố định nói lên một ý, thường hiểu với nghĩa bóng.
- Tục ngữ (俗語): Câu nói hoàn chỉnh ngắn gọn, thường có vần điệu, đúc kết tri thức, kinh nhiệm sống và đạo đức thực tiễn của nhân dân.

(Từ điển Từ Hán Việt, Lại Cao Nguyên chủ biên, NXB Khoa Học Xã Hội - 2007).

Xét theo những định nghĩa trên thì câu "Lệnh ông cồng bà", là câu đúc kết kinh nghiệm (nhận biết, phân biệt) giữa tiếng lệnh của ông (Triệu Quốc Đạt), và tiếng cồng của bà (Triệu Thị Trinh) làm hiệu lệnh chiến đấu, không có nghĩa bóng, đây là câu Tục ngữ. Còn câu phái sinh "Lệnh ông không bằng cồng bà" là câu được hiểu theo nghĩa bóng đề cao vai trò nữ giới trong gia đình, đây là câu Thành ngữ.


Tham khảo:

- Các sách đã dẫn.




Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

Thời sự.


Ảnh Internet.

Mấy ngày qua đọc trên mạng về những chuyện thời sự nóng bỏng, có khi vừa buồn cười, vừa tức giận, vừa ngán ngẩm, chẳng hạn chuyện ông họ Dương được gởi sang Việt Nam, truyền thông của họ ví von là để kêu gọi "đứa con hoang đàng trở về nhà". Hihi, trịch thượng hết mức, trước đây cũng có người thuyết giảng hai nước như anh em (dĩ nhiên là ta chịu phận làm em), đã bị cư dân mạng ném đá, nay thì cái gã láng giềng xấu tính được cho là anh này còn tự nhân làm cha thì đúng là cái giống muốn làm... cha thiên hạ thiệt!

Bỏ qua chuyện đại sự vì đấy là chuyện lớn, không phải là việc của thảo dân, như thường lệ chỉ dám bàn chuyện chữ nghĩa. Cái câu "đứa con hoang đàng trở về" nghe quen quen. A tôi nhớ ra rồi, câu này nằm trong Kinh thánh, hì hì, như anh bạn trẻ Bố susu chắc biết. Đây là một dụ ngôn của Chúa Jésus được chép trong Kinh thánh với tựa "Đứa con phóng đãng". Câu chuyện như sau:

Người kia có hai con trai. Đứa con thứ đòi chia gia tài phần của nó, người cha bằng lòng. Ít ngày sau nó lấy hết của cải được chia lên đường đến xứ lạ, ở đó chỉ ăn chơi phung phí hết tiền bạc. Sạch túi, vừa gặp xứ ấy bị nạn đói, túng quẫn phải đi làm công cho người bổn xứ. Họ sai ra đồng chăn heo. Bụng đói muốn ăn vỏ đậu của heo nhưng không ai cho.

Nó chợt nghĩ lại, ở nhà cha ta, bao nhiêu người làm công cũng có cái ăn dư dật, mà ta ở đây sắp chết đói. Ta phải trở về thưa với cha: Con thật có lỗi với Trời, với cha, không đáng làm con của cha nữa. Xin cha nhận con làm đầy tớ.

Nó liền trở về nhà. Khi nó còn ở đàng xa, cha vừa trông thấy vội chạy ra ôm chầm lấy con mà hôn.

Nó thưa với cha như đã nghĩ, nhưng người cha ngắt lời, bảo đầy tớ: mau đem quần áo tốt đến, đeo nhẫn vào tay, mang giày vào chân. hãy bắt bò con béo làm thịt ăn mừng, vì con ta ví như đã chết mà bây giờ trở về. Và tiệc vui bắt đầu...

Lúc ấy đứa con lớn từ ngoài đồng trở về, gần đến nhà thấy nhạc rộn rã, liền gọi đày tớ hỏi. Đày tớ nói: Em cậu mới về, ông chủ vui mừng cho giết bò con ăn mừng.

Đứa con lớn tức giận không chịu vào nhà, người cha phải ra năn nỉ. Nhưng nó nói: bao nhiêu năm con làm việc cực nhọc, chưa hề dám cãi lệnh cha. Thế mà cha chẳng cho một con dê để đãi bạn hữu. Còn thằng khốn kia đã tiêu sạch tiền cha với bọn điếm đàng rồi dẫn xác về, cha còn làm bò con béo ăn mừng.

Người cha ôn tồn: Con ạ. Con luôn luôn ở cạnh ta, tất cả tài sản của ta là của con. Nhưng chúng ta nên mở tiệc ăn mừng, vì em con đã chết nay lại sống, đã lạc mất mà bây giờ trở về.

 (Luca 15: 11-32).

Đại khái câu chuyện trong Kinh thánh về Đứa con hoang đàng trở về là như thế, Nhà văn Pháp André Gide* cũng có một tác phẩm lấy ý từ tựa câu chuyện trên, với tựa Le retour de l'Enfant prodigue (Đứa con đi hoang trở về, 1907). Ông cũng còn một tác phẩm nữa dựa theo Kinh thánh, quyển La porte étroite (Khung cửa hẹp, 1909). Dụ ngôn Khung cửa hẹp của Chúa Jésus: "Phải gắng sức đi qua khung cửa hẹp mà vào Nước Trời". (Luca 13, 24).

Ngày xưa từ mấy ngàn năm nay, gã láng giềng to xác luôn tìm cách xâm chiếm hàng xóm, trong khi miệng vẫn đề cao Đạo Nho, lấy nhân nghĩa làm đầu. Nay một mặt hô hào xuất khẩu "Viện Khổng Tử", nhưng lại muốn dạy cho thiên hạ thêm bài học Kinh thánh? Hù hù, đúng là hết biết!


* André Gide (1869-1951): Nhà văn Pháp, đoạt giải Nobel văn chương năm 1947, một số tác phẩm quen thuộc đã được dịch sang tiếng Việt:

- La symphonie pastorale (Hòa âm điền dã, Bùi Giáng dịch).
- La porte étroite (Khung cửa hẹp, Vân Mồng dịch).
- Le retour de l'Enfant prodigue (Đứa con đi hoang trở về).
- Les faux monnayeurs (Bọn làm bạc giả, Bửu Ý dịch).
........



Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

Rất ngắn.


Thủy phi cơ DHC-6. Ảnh Internet.

Đọc trên báo Tuổi Trẻ Online (17-6-2014) về Phi đội DHC-6. Một Phi đội mới được thành lập gồm những chiếc thủy phi cơ DHC-6 hiện đại do Canada sản xuất, loại phi cơ này đã góp phần trong chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay chở hành khách MH-370 của hàng không Malaysia bị nạn tại vùng biển Tây Nam vừa qua. Phi đội DHC-6 có nhiệm vụ trinh sát, tuần thám, vận tải... trên biển, sẽ góp phần tích cực vào việc bảo vệ vùng biển của đất nước.

Có điều bài báo viết về tính năng của thủy phi cơ Phi đội DHC-6 đọc nghe khá buồn cười. "Thủy phi cơ có thể cất, hạ cánh trên đường băng đất, cát, cỏ, băng tuyết và cả trên mặt nước, sình lầy...". Thủy phi cơ  thì tính năng chính là cất cánh hạ cánh trên mặt nước, sình lầy... Thay vì viết "Ngoài tính năng cất cánh hạ cánh trên mặt nước, sình lầy, thủy phi cơ còn có thể cất, hạ cánh cả trên đường băng đất, cát, cỏ, băng tuyết...". Kiểu viết của bài báo giống như nói: "Ông người Anh này có thể nói được tiếng Pháp, tiếng Việt, và cả... tiếng Anh". Hì hì!






Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Đọc.


  Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân viết về nhạc sĩ Phạm Duy và Trịnh Công Sơn.

Đọc thì phải dùng đến đôi mắt, ngoại trừ việc đọc chữ nổi (braille) của người khiếm thị. Mấy hôm trước tôi đến bệnh viện khám mắt, khám bằng thẻ bảo hiểm y tế. Bệnh viện tư mới xây dựng mới toanh, sạch sẽ và thân thiện, khác xa với những bệnh viện công luôn nhếch nhác, quá tải. Ba mươi mấy năm làm việc cho nhà nước, có thẻ bảo hiểm y tế khám bệnh tại một bệnh viện công do cơ quan đăng ký, nhưng chưa một lần đi khám bệnh bằng thẻ. Không phải sức khỏe của mình siêu đến nỗi không bao giờ bị bệnh, nhưng tôi khá ngại phải đến bệnh viện công, nếu bệnh của mình không đến nỗi nặng nề quá. Khi về hưu đi làm sổ bảo hiểm, tôi chuyển ngay bảo hiểm y tế sang bệnh viện tư, cho dù cô nhân viên làm giấy tờ nói, bác suy nghĩ kỹ đi, chuyển từ bệnh viện công sang bệnh viện tư thì dễ, còn muốn chuyển ngược lại khó lắm. Chừng như cô nhân viên này rất mặn mà với cái "công".

Ở những bệnh viện tư như thế này có mấy điều làm cho ta cảm thấy dễ chịu. Trước tiên là cái dễ chịu "vật chất", bệnh viện sạch sẽ, ngăn nắp, bệnh nhân có thang máy để lên xuống các tầng lầu, toàn bộ tòa nhà được gắn máy điều hòa. Tiếp đến là cái dễ chịu "tinh thần", bệnh nhân không bị phân biệt đối xử, mọi người đến khám bệnh đều như nhau (có ưu tiên cho những trường hợp cần ưu tiên, như người già trên 75 tuổi, hoặc trẻ nhỏ dưới 1 tuổi), tất cả bệnh nhân khám cùng một nơi (dĩ nhiên là ở các khoa khác nhau), ai đến trước khám trước, ai đến sau khám sau, cùng một bác sĩ. Từ bác sĩ, nhân viên y tế cho đến bảo vệ đều lịch sự. Không có nạn khám dịch vụ (tiền cao) thì ở nơi riêng biệt, nhiều tiện nghi, nhanh chóng, được đối xử đàng hoàng, còn khám bằng bảo hiểm thì dồn vào nơi đông đúc, chật chội, chờ đợi, luôn bắt gặp những khuôn mặt "từ mẫu" cau có, người bệnh hay người nhà thăm bệnh đến cổng bệnh viện là đã sợ từ ông bảo vệ sợ đi.

Đến tuổi này nhà nước cho về vườn là quá đúng, người ngợm đã bắt đầu xộc xệch, mắt mũi có vấn đề, đi khám mắt cho làm một loạt xét nghiệm, soi tới soi lui, cuối cùng bác sĩ nói "mắt già" chớm bị "cườm khô", phải nhỏ thuốc thường xuyên và hàng tháng khám theo dõi, chừng nào nặng thì phải mổ, cũng đơn giản không nguy hiểm, không nên đọc sách, coi tivi hay ngồi còm piu tơ nhiều, hễ thấy mỏi mắt thì phải nghỉ.

GS. Trần Văn Khê viết về âm nhạc dân tộc.

Bình thường cái khoa mắt của bệnh viện tư này khá vắng, mỗi lần đến tôi chỉ thấy một vài người, nhưng hôm tôi đến khám lại khá đông, cả chục người đang ngồi đợi. Tôi nhìn qua một lượt thấy họ còn khá trẻ, chỉ khoảng chừng 30, 40 tuổi, nam nữ đủ cả. Khám mắt nhưng trông họ không có vẻ gì bị bệnh về mắt, trên tay ai cũng có cái điện thoại di động loại xịn "tớt, tớt" (touch, loại màn hình cảm ứng không dùng bàn phím), hoặc loại "táp" (tab, như Galaxy tab 3, tab 4) màn hình lớn hơn điện thoại mà người ta hay gọi là "máy tính bảng". Duy chỉ có một cô không có điện thoại hay máy tính bảng, cô ấy ngồi một góc, trên tay là một quyển sách dày cộm, ước chừng có đến sáu bảy trăm trang sách. Tôi cũng tìm một góc yên vị vì biết còn phải chờ lâu, và cũng lấy ra một quyển sách. Sau nghe họ nói chuyện mới biết đây là những người của một cơ quan đến khám định kỳ, và cô gái ngồi đọc sách say mê đến nỗi cô y tá kêu tên mà cô ấy không nghe thấy, bạn bè phải nhắc. Khi cô ấy gập quyển sách lại, trang sách đang coi được đánh dấu bởi một miếng bìa cứng dài có in hình Đức Phật, không biết có phải cô ấy đang đọc một quyển sách viết về Phật giáo?

Đến những nơi phải chờ đợi như bệnh viện, tôi cũng hay mang theo một quyển sách, thường là một quyển sách dễ đọc, sách về nghiên cứu, lịch sử, địa chí, hay một hồi ký, bút ký. Tôi thích đọc những quyển sách viết dưới dạng bút ký nhưng thiên về khảo cứu, như sách của GS Trần Văn Khê, đọc sách của ông viết không những ta hiểu được âm nhạc dân tộc, Vọng cổ, Đờn ca tài tử, Cải lương, Quan họ, Ca trù..., mà còn hiểu thêm cả về... món ăn, hay cách đối nhân xử thế. Đọc bút ký của học giả Nguyễn Hiến Lê, như Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, Hương sắc trong vườn văn, hay Đông Kinh Nghĩa Thục... Của học giả Vương Hồng Sển như Sài Gòn năm xưa, Hơn nửa đời hư, Phong lưu cũ mới, hay Thú chơi cổ ngoạn... Ta hiểu được rất nhiều điều trong cuộc sống.

Bút ký của học giả Nguyễn Hiến Lê, Vương Hồng Sển.

Tôi cũng rất thích sách của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, ông là một nhà nghiên cứu về Huế, nhưng ông cũng đã có những quyển sách viết về nhạc sĩ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn cho ta nhiều tư liệu... Sách của nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Nguyễn Khải... Những sách phê bình văn học của những nhà phê bình như Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn... Phê bình văn học của những nhà phê bình này là phê bình học thuật, nghiêm túc, có trách nhiệm và đúng đắn, không phải như lối phê bình mà nhà phê bình Lại Nguyên Ân đã nêu trong sách là "phê bình quyền uy""phê bình xu phụ". Ông viết Phê bình quyền uy cũng đẻ ra lối lập luận tùy tiện, đẻ ra những sáo ngữ, những lối viết trang trọng đầy nghi thức, dài dòng và rất ít lượng thông tin... Còn lối phê bình xu phụ, nó nghe ngóng xem ý kiến của cấp trên ra sao để lựa lời viết tâng công hoặc lập công... Quy kết trở thành thủ đoạn chủ yếu của loại phê bình xu phụ này, và phê bình xu phụ vừa là đầy tớ, vừa là bạn đường của phê bình quyền uy. (Mấy ý kiến về phê bình văn học - Sống với văn học cùng thời, Lại Nguyên Ân, NXB Thanh Niên-2003).

Nhà văn Nguyên Ngọc đã có thời kỳ rất lâu ở Tây Nguyên, ông tiếp xúc, sống với những dân tộc thiểu số, ăn ngủ với họ, hiểu tường tận về văn hóa của họ, ông viết về cồng chiêng, về nhà rông, về những tập tục của người Bana, Jarai... như chính ông được sinh ra nơi bản làng. Không những viết về Tây Nguyên, nhà văn Nguyên Ngọc còn có những bút ký viết về vùng Tây Bắc hay không kém. Ta không thể đọc được hết tất cả các sách, nên những loại sách tôi vừa kể rất cần thiết, bởi cho ta rất nhiều thông tin, về chuyên ngành, văn học, cuộc sống, con người, về một khoảng không gian và thời gian, một nơi chốn, một  thời đại. Nó không chỉ cho ta những kiến thức, mà còn cho ta những tri thức, những kinh nghiệm sống.

Bút ký của nhà văn Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, và phê bình văn học của nhà phê bình Lại Nguyên Ân.

Bây giờ tôi ít khi đọc những sách văn chương từ ngữ được gọt giũa bóng bẩy, hoặc thơ tình ngôn từ diễm lệ nhưng ít thông tin trong trang sách. Không phải đó là những trang sách không nên đọc, mà có lẽ bởi mắt đã kèm nhèm, cũng cần phải chọn cái đọc, và bởi thời giờ của người đã về già không còn nhiều để mơ mộng nữa.


Saigon, tháng 6 - 2014.


Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014

Mùa Word Cup.



Ảnh Reteur trên trang thể thao Thanh Niên Online giữa 2 đội tuyển Brasil và Croatia (3-1).


Vòng chung kết Word Cup 2014 đã khởi động tại Brasil, với trận cầu khai mạc giữa đội tuyển 2 quốc gia Brasil nước chủ nhà, và Crotia, với phần thắng 3-1 nghiêng về đội tuyển Selecao (biệt danh của đội tuyển quốc gia Brasil). Tuy bị thủng lưới trước nhưng đội tuyển Brasil đã kịp lội ngược dòng, chứ nếu thua (và có nguy cơ bị loại ngay từ vòng đấu loại) thì thật là tai họa cho đất nước Brasil và cho Word Cup.

Word Cup thường được đăng cai bởi những nước Châu Âu hoặc Châu Mỹ, là 2 lục địa có nền bóng đá mạnh, cho nên những trận đấu trực tiếp truyền hình thường vào lúc nửa đêm về sáng, gây khó khăn khá nhiều cho những "tín đồ Túc cầu giáo" Việt Nam, nhất là những ai ngày hôm sau vẫn phải đến sở làm.

Chắc chúng ta còn nhớ những mùa Word Cup trước, từ tận thời bao cấp còn xem trên chiếc tivi trắng đen, rồi đến chiếc tivi màu. Thời ấy không phải nhà ai cũng có tivi, cho nên nhiều khi phải sang nhà hàng xóm xem ké, hoặc ra quán cà phê (ban đêm mà cũng đông nghẹt người), mà cũng chỉ thường là những chiếc tivi 17, 21 inches đời cũ, hình ảnh nhập nhòe, chứ không được như những chiếc tivi plasma màn hình phẳng mỏng như bức tranh bốn năm chục inches, hay cả trăm inches hình ảnh rõ nét đẹp như mơ bây giờ. Cũng có những nhà trong khu xóm lao động, gia chủ chịu chơi vác cái ti vi ra đặt trên bàn trước hiên nhà, cùng thức xem và hò hét với hàng xóm. Xem bóng đá Word Cup mà một mình thì chán chết, phải có người cùng xem, cùng bình luận, cùng suýt xoa theo từng đường bóng mới... đã. Các bạn nào mê bóng đá chắc biết rõ điều này. Mỗi lần trái bóng lọt lưới hay có đường bóng hỏng ăn là đồng loạt cả khu xóm ồ lên tiếc rẻ. Dân Tây, Đức, Ý, Mỹ... có đội tuyển lọt vào vòng chung kết Word Cup "máu" đã đành, còn dân Việt chẳng bao giờ có đội tuyển được vào vậy mà sao họ cũng "máu" thế?

Những mùa Word Cup năm xưa thật sôi động. Trước đó cả tuần đã thấy xuất hiện những bản tin Word Cup, phóng viên thể thao được mùa, tha hồ mà múa bút bình luận. Dân ghiền bóng đá thì khỏi phải nói, ngồi đâu cũng bàn về trái bóng, trong quán cà phê, bàn nhậu, nơi công sở... Dân máu me cờ bạc chính hiệu thì ôi thôi, bắt đồng, chấp nửa trái, một trái, kèo trên kèo dưới... Nghe nói có cả đường dây cá độ quốc tế, chung chi bạc triệu, bạc tỉ, mang cả nhà cửa xe cộ ra mà đánh cá, kẻ thắng hỉ hả, nhưng kẻ thua thì sạt nghiệp bán vợ đợ con... Văn nghệ hơn là những công nhân, viên chức, buôn bán nhỏ, bạn bè thân quen... bắt độ chầu cà phê, ăn sáng, hay cùng lắm là chầu nhậu cuối tuần, để xem cho nó có khí thế.

Thời ấy chưa có anh tẹc nét, mạng miếc gì cả. Buổi sáng sớm đi làm nơi các sạp báo thật nhộn nhịp, họ thường đặt những tấm bảng ghi tỉ số các trận đấu hồi đêm, và luôn tay bán những tờ tin nhanh thể thao có những bài bình luận nóng hổi về những trận đấu vừa xảy ra, cùng những dự đoán về những trận đấu sắp tới cho những ai hâm mộ bóng đá, và nơi quán cà phê quý anh, quý ông nào cũng có một tờ, vừa nhâm nhi ly cà phê vừa đọc hay bình luận sôi nổi với bạn bè.

Mùa Word Cup năm xưa là mùa "trúng" của những hãng sản xuất tivi, người ta đua nhau sắm, hoặc đổi chiếc tivi "xịn" hơn xem cho đã mắt, cũng là mùa làm ăn của các hãng sản xuất mì gói, bánh ngọt... các bà nội trợ thương chồng con thức đêm thức hôm xem bóng đá, nên thường chuẩn bị sẵn những thực phẩm ăn nhanh ấy để "bồi dưỡng cho cha con nhà nó", bởi Word Cup đâu phải chỉ diễn ra một vài đêm, mà kéo dài đến cả tháng trời. Thức xem thế mà không bồi dưỡng, cha con nó mà đổ bệnh thì chỉ có khổ mình chứ khổ ai. Ấy là các bà nói với nhau thế.

Nhưng thật lạ, mùa Word Cup năm nay rất yên ắng, hình như dân máu me bóng đá biến đi đâu hết, ít người để ý tới bóng đá nữa, cho dù là Word Cup, báo chí ít nói đến, dân tình có vẻ thờ ơ, chỉ còn đôi ba quán cà phê có màn hình bự cả trăm inchs là còn thấy đông đông (chắc đa số là dân máu me thứ thiệt). Word Cup bị thất sủng, và đâu là nguyên nhân? Cũng là một kẻ từng thức đêm thức hôm xem Word Cup tôi thử tìm hiểu. Thứ nhất có lẽ là chuyện giàn khoan thời sự chiếm hết những trang báo và tâm trí người dân cả tháng nay, chuyện quốc gia đại sự chứ đâu phải chơi. Thứ nhì là chuyện suy thoái kinh tế, càng ngày tôi thấy tình hình kinh tế càng tệ, hàng quán vắng teo, chợ búa ế ẩm. Tôi có người bạn có sạp bán hoa cúng ở đầu chợ, bạn than đến hoa cúng bây giờ cũng ế, có người đến hỏi mua vài bông cúc về cắm trên bàn thờ chứ không được một bó như trước. Ngày Tình yêu, mùng 8 tháng 3, mùa Phật đản... bán chỉ bằng một phần mấy năm trước... Bây giờ lo cái ăn cho đầy bụng cũng đã mệt, hoa hoét không có cũng chẳng sao, ông bà thần thánh chắc cũng thông cảm... Rồi những chuyện vặt vãnh không tên khác trong xã hội, trong đời sống... vặt vãnh là thế nhưng lại làm cho con người mệt mỏi, buông xuôi. Tất cả bây giờ nó như thế, nhìn đâu cũng thấy chán chường, không còn hứng thú để xem bóng đá nữa, cho dù là bóng đá Word Cup.

May ra đội tuyển Việt Nam mà lọt vào vòng chung kết thì niềm vui Word Cup sẽ trở lại, hi hi! Chắc thế. Ráng chờ vậy.



Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

Từ ngữ ngoại giao.


Tựa nơi trang nhất báo Tuổi Trẻ ngày 11-6-2014.

Đọc cái "tít" viết khổ chữ lớn "TRUNG QUỐC TRÂNG TRÁO tố Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc" trên trang nhất của báo Tuổi Trẻ (Thứ Tư 11-6-2014), và một loạt bài viết liên quan mà thấy tức. Không hiểu  sao kẻ cướp vào nhà mình, chiếm biển, gây hấn, đâm tàu công vụ, đâm chìm tàu cá ngư dân của mình, còn lớn giọng lu loa. Nghe nói Việt Nam cũng đã gởi Công hàm phản đối đến Liện Hiệp Quốc, nhưng sao mình chưa khởi kiện nó ra Tòa án Quốc tế nhỉ? Cứ "mưu trí dũng cảm kiềm chế" mãi sao? Hichic!

Nhân việc này tôi thử tra tìm một số từ ngữ thường được dùng trong ngành ngoại giao để chúng ta nắm rõ hơn:

- BẠCH THƯ ( ), tiếng Việt gọi là SÁCH TRẮNG, tiếng Anh: WHITE BOOK, tiếng Pháp: LIVRE BLANC, văn kiện, sách của một nhà nước, một chính phủ trình bày chủ trương, chính sách, hay một văn kiện ngoại giao của một nước nói rõ về một vấn đề nào đó của nước sở tại, hoặc một vấn đề liên quan đến nước khác, nhằm để thế giới hiểu rõ một vấn đề liên quan giữa hai nước.

- BỊ VONG LỤC (): Tiếng Anh: MEMORANDUM. Tiếng Pháp MEMORANDUM, MEMOIRE. Là văn kiện ngoại giao được một một nhà nước, một chính phủ, công bố, để khẳng định lại lập trường về một vấn đề gì, hoặc khái quát về một vấn đề nào đó, cần thông báo cho bên kia hay các bên biết, trong quan hệ giữa hai hay nhiều quốc gia. BỊ VONG LỤC cũng còn được gọi là GIÁC THƯ.

- CÔNG HÀM (公函): Tiếng Anh: DIPLOMATIC NOTE. Tiếng Pháp NOTE DIPLOMATIQUE, văn kiện ngoại giao của một nhà nước, một chính phủ gởi cho một nhà nước, một chính phủ, hay một tổ chức quốc tế để giải quyết một công việc liên quan giữa hai quốc gia.

- CÔNG ƯỚC (): Tiếng Anh: MODUS VIVENDI. Tiếng Pháp: CONVENTION, điều khoản do hai hay nhiều nước ký kết để quy định những việc có liên quan đến nhau.

- HIỆP ĐỊNH (協定): Tiếng Anh: AGREEMENT. Tiếng Pháp: ACCORD, là văn kiện ký kết giữa hai hay nhiều quốc gia, cam kết phải tuân thủ sau khi thương nghị, đàm phán về một vấn đề gì.
- HÒA ƯỚC (和約): Tiếng Anh: PEACE TREATY. Tiếng Pháp: TRAITÉ DE PAIX, là văn kiện được hai hay nhiều quốc gia ký kết, chấm dứt xung đột.

- NGHỊ ĐỊNH THƯ (): Tiếng Anh: PROTOCOL. Tiếng Pháp: PROTOCOLE, là văn kiện kèm theo của một hiệp định để cụ thể hóa phương thức và biện pháp thi hành hiệp định ấy.

- TỐI HẬU THƯ (最後): Tiếng Anh: ULTIMATUM. Tiếng Pháp: ULTIMATUM, thư yêu sách lần cuối, nếu không được đáp ứng sẽ dùng biện pháp quyết liệt.

Trong một entry trước, khi giải thích về từ BỊ VONG LỤC, anh bạn Toro có comment "Quá trình Việt hóa các từ ngữ sao cho dễ hiểu là rất cần thiết, không hiểu sao từ Bị vong lục rất cổ lỗ này không được thay thế bằng một thuật ngữ khác cho dễ nghe hơn. Có lẽ như chị TTM bàn, thay bằng bản ghi nhớ hoặc dùng lại từ giác thư cũng ngắn gọn hơn"

Thật ra thì trong tiếng Việt có những thuật ngữ (là từ hoặc cụm từ để diễn đạt chính xác một khái niệm thuộc về một lãnh vực chuyên môn, Từ điển Giải thích Thuật ngữ Ngôn ngữ học, Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB Giáo Dục-2003), như chúng ta đã thấy những từ ngữ trên là thuật ngữ được dùng trong ngoại giao, cũng như những thuật ngữ được dùng trong những ngành khác, chẳng hạn như "định lý", "định đề"... trong toán học, "định luật"... trong vật lý, "định canh"... trong nông nghiệp, "lạm phát"... trong ngân hàng, hoặc những từ "bị can", "bị cáo"... trong ngành tư pháp. Những thuật ngữ trong ngoại giao chúng ta hay đọc như "hòa ước Versaille", "hiệp định Genève", "hiệp định Paris", "công ước quốc tế về biển", "nước... công bố bạch thư về chi tiêu quốc phòng"...

Từ "Giác thư" cũng là thuật ngữ dùng trong ngoại giao có thể thay thế cho "Bị vong lục". Nhưng từ "bản ghi nhớ" được dùng phổ biến trong lãnh vực kinh tế (như Thủ tướng của một nước dến thăm một nước khác, ký bản ghi nhớ về việc xuất nhập khẩu giữa hai nước), không thể dùng thay thế cho thuật ngữ Bị vong lục dùng trong ngoại giao được, cho dù ý nghĩa của nó có thể tương đồng.

Như chúng ta cũng đã thấy, nếu không nắm vững được thuật ngữ chúng ta rất dễ dùng sai, chẳng hạn tôi hay thấy dùng từ "lạm phát" trong những câu không thuộc ngành ngân hàng, như lạm phát cử nhân..., khi muốn nói đào tạo cử nhân bây giờ nhiều quá, nhiều người ra trường không tìm được việc làm. Muốn dùng thuật ngữ của ngành này để nói về một ngành khác, người ta phải mở và đóng ngoặc kép nơi từ muốn sử dụng. Trong những ngành quan trọng có tính chất đại diện quốc gia và đối ngoại như ngoại giao, không thể dùng thuật ngữ của ngành khác thay thế.

Riêng trong câu trên của báo Tuổi Trẻ: "TRUNG QUỐC TRÂNG TRÁO tố Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc", nghe có vẻ "văn nói" hơn "văn viết". Có thể đặt lại tựa như thế này được chăng "Gởi công hàm phản đối Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc vừa ăn cướp vừa la làng"?


Ghi chú bổ sung:

Trên một trang mạng, tôi mới đọc được một bài của TS kinh tế Phạm Chí Dũng với tựa đề "Lạm phát in tiền và độ trễ suy thoái". Từ "Lạm phát in tiền..." viết không đúng, tuy thuật ngữ "Lạm phát" được dùng trong lãnh vực ngân hàng, tiền tệ, nhưng "Lạm phát" đã có nghĩa là "Phát hành số lượng tiền giấy vượt quá mức lưu thông hàng hóa, làm cho đồng tiền mất giá" (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên). Như vậy câu trên chỉ ghi "Lạm phát và độ trễ suy thoái" là đủ.






Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

Ngọc lan.




Cuối tuần tôi nhận được điện thoại từ một bạn quen đã lâu, bạn hỏi nhà tôi còn cây ngọc lan không? Mấy năm trước tôi có chụp và post hình những bông hoa ngọc lan lên mạng, hình như bên trang Multiply, đấy là những bông ngọc lan tôi trồng trong chậu. Nhưng thật uổng, cây ngọc lan trồng rất sai ra hoa, nhưng sau một thời gian đã chết mất.

Chắc chúng ta ai cũng biết hoa ngọc lan, loài hoa có tên như của một thiếu nữ, hoa nhỏ cỡ như ngón tay út cô gái, màu trắng ngà gồm nhiều lớp cánh, có mùi thơm dịu nhẹ, thoang thoảng. Những cánh hoa trông mỏng manh và hoa có tên đẹp thế, nhưng nếu cây được trồng dưới đất trong vườn, thân sẽ lớn như một cổ thụ. Hoa ngọc lan cũng như hoa nhài, dạ lý hương, nguyệt quế..., không có màu sắc tực rỡ, nhưng bù lại những hoa này lại có hương thơm. Hoa nhài, dạ lý hương, nguyệt quế có mùi thơm nồng nàn, nhưng tôi lại thích hương thơm nhẹ nhàng của hoa ngọc lan.

Hoa ngọc lan đã đi vào âm nhạc, ngày xưa nhạc sỹ Dương Thiệu Tước có bài hát về hoa ngọc lan, bài hát được viết vào khoảng nửa đầu của thập niên 1950, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước quê ở Hà Đông, nhưng sinh sống tại miền Nam, trước năm 1975 ông làm giáo sư dạy nhạc tại trường Quốc gia âm nhạc Saigon. Nhạc của ông nhẹ nhàng thuộc dòng nhạc tiền chiến. Ông có một số bài hát khá nổi tiếng ở miền Nam trước đây, như bài Chiều (phổ thơ Hồ Dzếnh), Đêm tàn Bến Ngự, Mơ tiên, Kiếp hoa, Thuyền mơ..., và bài hát Ngọc lan có lẽ là một bài hát quen thuộc nhất với các bạn nào trước năm 1975 đã sống ở miền Nam.

"Ngọc lan
giòng suối tơ vương
mắt thu hồ dịu ánh vàng

Ngọc lan
nhành liễu nghiêng nghiêng
tà mấy cánh phong
nắng thơm ngoài song

Nét thắm tô bóng chiều
giấc xuân yêu kiều
nền gấm cô liêu

Gió rung mờ suối biếc
ý thơ phiêu diêu"

........

Về sau này cũng có nhạc sỹ nhắc đến hoa ngọc lan trong một bài hát khác, mùi hương của hoa ngọc lan về khuya và những tiếng dương cầm đâu đó vang lên trong một không gian lặng lẽ, nhưng bài hát lại có tựa đề Hoa tím ngày xưa (thơ Cao Vũ Huy Miên, nhạc Hữu Xuân):

.......

Con đường em về thơm hương
Ngọc lan khuya rụng trong vườn
Tiếng dương cầm đâu lặng lẽ
Đưa ta về phía cuối đường

......

Tôi cũng còn nhớ thời còn đi học trung học ở Saigon vào khoảng nửa sau của thập niên 60, trong môn học Việt văn có học về nhóm Tự lực văn đoàn, có học bài văn xuôi nhưng tôi không nhớ được của ai (Thạch Lam hay Khái Hưng?), đoạn văn tả cảnh hẹn hò của đôi trai gái nhà quê là anh chàng Hời và cô Ngây. Đây là một đôi trai gái quê yêu nhau vào những năm tháng xa xưa. Nói theo ngôn ngữ thời đó là họ "phải lòng" nhau. Tôi không nhớ hết được bài văn, nhưng không quên được đoạn văn tả cảnh hẹn hò của đôi trao gái. Ban ngày tất bật với việc đồng áng, việc nhà cửa..., chỉ vào buổi khuya khi mọi người đã đi ngủ, nhân vật nữ là cô Ngây ngồi se tơ ở nhà ngoài, bên khung cửi cạnh  cửa sổ, còn nhân vật nam là anh chàng Hời hàng xóm ngắt một bông hoa ngọc lan ném qua cửa sổ, lát sau mùi hương ngọc lan tỏa khắp không gian, cô Ngây nhìn trước nhìn sau rồi nhẹ nhàng mở liếp cửa ra bờ ao, nơi chàng Hời đã đợi... Thật là một cách "thông tin" hẹn hò lãng mạn và độc đáo...

Các bạn nào sống ở Saigon vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước chắc cũng vẫn còn nhớ, tuy ngày ấy được mang danh "Hòn ngọc Viễn đông" nhưng Saigon không rộng lớn và ồn ào như TP.HCM bây giờ. Chợ Lớn có khu phố của người Hoa nhiều màu sắc, trung tâm Saigon là khu vực chợ Bến Thành, đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Tự Do, mỗi khu vực có một "bản sắc" riêng, nơi là chợ truyền thống, nơi là thương xá tráng lệ. Khu vực chợ Cầu Muối vẫn nhộn nhịp cảnh trên bến dưới thuyền, với những ghe bầu xuôi ngược từ miền Tây lên. Gia Định (bây giờ thuộc Gò Vấp, Bình Thạnh, Hóc Môn...), vẫn còn những nhà vườn, những làng hoa, vườn trầu, những cỗ xe thổ mộ chạy lóc cóc, với tiếng roi da quất vun vút của bác xà ích miệng ngậm điếu thuốc rê Gò vấp cuốn bằng tay quen thuộc...

Ở Saigon ngày trước năm 1975, khu vực quận 3 quanh trường nữ trung học Gia Long (bây giờ là trường Minh Khai) là những con đường nhỏ, như đường Tú Xương, Ngô Thời Nhiệm, Đoàn Thị Điểm (Trương Định), Bà Huyện Thanh Quan... Những con đường toàn biệt thự, đa số được xây dựng từ thời Pháp rất đẹp, có những biệt thự có cả hồ bơi trong sân. Đây là khu nhà của giới thượng lưu Saigon năm xưa, đa phần là nhà của những tướng tá, chính khách, công chức cao cấp, nên trước nhà có cả lính gác. Trong sân những ngôi biệt thự trồng khá nhiều cây cảnh. Thời ấy vào buổi tối đám học sinh trung học, sinh viên như tụi tôi thích chạy chiếc xe PC, hay Honda dame, hoặc đạp xe một mình, hay cùng bạn bè trên những con đường này. Những con đường nhỏ, vắng người, luôn thoảng một mùi hương của hoa ngọc lan, hay dạ lý hương... Cũng có khi cùng với mùi hương ngọc lan ta nghe vọng đến những tiếng đàn dương cầm (piano), thời ấy chỉ những cô Chiêu con nhà quyền thế mới được học piano, và trong nhà có được cây đàn dương cầm.

Thuở ấy, thỉnh thoảng về phép từ một vùng xa xôi, về Saigon tôi cũng thường lang thang  vào một buổi chiều tối như thế, trên những con đường vắng thoảng hương ngọc lan, với một người bạn thời còn đi học, rồi ghé một quán cà phê, uống một ly cà phê, ăn một ly kem, nghe nhạc Phạm Duy hay nhạc Trịnh Công Sơn. Saigon về đêm ngày ấy không thức khuya như bây giờ, bởi đang sống trong chiến tranh, ban đêm có giới nghiêm, phố xá đi ngủ sớm...

Trở lại chuyện bạn điện hỏi hoa ngọc lan, vì bạn có một người bạn khác từ ngoại quốc về, muốn nhìn lại hoa và ngửi lại mùi hương ngọc lan. Trả lời bạn là xui quá cây ngọc lan của tôi đã không còn. Cơ khổ thế, nếu ai đó cần một loài hoa khác, dù đắt tiền cũng có thể dễ dàng kiếm mua, còn hoa ngọc lan lại dân dã quá, xưa nay chẳng ai bán. Khi bạn cúp máy thì tôi sực nhớ mấy năm còn đi làm, nơi phòng tôi làm việc có một cậu bên quận 7, nhà có vườn rộng trồng nhiều loại cây, cũng có lần nghe cậu ta nói nhà có trồng một cây hoa ngọc lan cổ thụ ra hoa quanh năm. Tôi bấm điện thoại hỏi cậu ta thì nghe cười hì hì, gì chứ hoa ngọc lan thì... vô tư, thứ hai đi làm cháu sẽ mang đến cho chú.



Quả thật, trưa hôm nay thứ hai cậu bạn trẻ đồng sự một thời ghé nhà tôi mang cho một bịch hoa ngọc lan, có bông còn búp, có bông đã nở bung cánh. Tôi để trong chiếc rổ tre và cái tô sứ trên bàn, mùi hương ngọc lan tỏa ngát cả gian nhà.

Tôi điện thoại lại cho bạn là đã tìm được những bông hoa ngọc lan, bạn mừng húm cám ơn rối rít. Tôi sẽ lựa những bông ngọc lan đẹp nhất gởi đến cho bạn. Tôi biết, bạn của bạn không chỉ nhớ một mùi hương ngọc lan, mà còn có cả một trời dĩ vãng...


Ghi chú bổ sung:


Hoa ngọc lan trên cây.


Hoa hoàng lan.





Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Lại chữ nghĩa.


Ảnh Internet.

Thấy bác Bu giải thích chữ "lục" trong từ "Bị vong lục" bên nhà bác Hồng Ngọc. Ngày trước năm 1975 khi còn ở trong quân đội, ngành tôi phục vụ hay phải tiếp xúc với những văn bản, văn kiện, tài liệu và tôi cũng hay đọc được từ "Bị vong lục" (  ). Thời đó khi các bên đang họp bàn tại thủ đô nước Pháp (Paris) về cuộc chiến Việt Nam, trên báo chí ta cũng hay thấy các bên trao cho nhau những "Bị vong lục".

Nghĩa của từng chữ trong "Bị vong lục": (tôi chỉ lấy nghĩa liên quan đến từ "Bị vong lục").

- Bị (): phòng ngừa.

- Vong (): quên.

- Lục (): văn bản.

"Bị vong lục" còn được gọi là "Giác thư" ( ), với nghĩa: văn kiện nói rõ cho biết (về một vấn đề gì):

- Giác (): nói rõ cho biết.

- Thư (): giấy tờ, văn kiện.

Theo Từ điển từ Hán Việt (Lại Cao Nguyên chủ biên, NXB Khoa Học Xã Hội-2007). "Bị vong lục" (  ) có nghĩa là: Văn bản ngoại giao trình bày có hệ thống về một vấn đề (do chính phủ hoặc bộ ngoại giao công bố).



  

Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Một thời... sách.


Sách Phật giáo.

Đọc bên nhà ông bạn Hồng Ngọc nói về sách, hì hì, tôi ít quan tâm tới thời trang, nhà cửa, xe cộ..., nhưng lại hay chú ý tới sách vở, bởi đây là "món" quen đã nửa thế kỷ nay. Ông bạn HN giới thiệu quyển sách "Người nam châm - Bí mật của luật hấp dẫn" của Jack Calsfield & D. D. Watkins, và một vài quyển sách khác. Nhà bác HN đã có thâm niên dạy học và đọc sách, nên chắc chắn những quyển sách bác HN giới thiệu rất đáng đọc, hôm nào rảnh ghé nhà sách tôi sẽ kiếm mấy quyển này.

Trong nhà tôi cũng có được một tủ sách, sau nhiều năm góp nhặt, kiểu kiến tha lâu đầy tổ. Qua những bể dâu, những lần dọn nhà (người ta nói 3 lần dọn nhà bằng một lần... cháy nhà), may mắn tôi vẫn còn giữ (thật ra ban đầu phải gọi là "giấu", một việc làm có vẻ như phạm pháp, tuy chỉ là "giấu" sách học, sách khảo cứu). Chắc bạn nào ở Saigon vào thời điểm sau tháng 4-1975 còn nhớ, tất cả sách báo in ấn trước đó người ta gộp chung gọi là "văn hóa phẩm đồi trụy", và có những thanh niên, học sinh đeo băng đỏ đẩy xe ba gác đi từng nhà "hốt" hết. Tôi cũng đã bị hốt cả xe ba bánh sách như thế, lúc ấy vì quá tiếc nên tôi đã... đánh liều giữ lại một số sách đã mua từ thời còn đi học, chỉ dám giữ từ điển (từ điển tiếng Việt, Hán Việt, Pháp Việt - Việt Pháp, Anh Việt, Việt Anh, sách học chữ Nho, ít cuốn sách viết về Phật giáo).

Còn lại là sách văn học, sách dịch, các loại tạp chí... kể cả bộ Chiến tranh và hòa bình của Leon Tolstoi, Anh em nhà Karamazov của Fyodor Dostoyevsky cũng phải... hân hoan giao nộp hết. Tôi nhớ có một ông đeo băng đỏ chỉ huy chiến dịch đi tịch thu sách trong xóm, trước đó ông ta làm nghề khuân vác chở mướn ở chợ, chiếc xe ba gác chính là của ông ấy. Bộ Thiền luận 3 quyển của Daisetz Teitaro Suzuki (Trúc Thiên và Tuệ Sỹ dịch), khi tôi muốn giữ lại vì là sách Phật giáo thì ông ta nói chắc nịch, Thiền không phải là kinh Phật và quăng bộ sách lên xe ba gác. Những sách tôi còn giữ được từ ngày mua đến nay cũng đã non nửa thế kỷ rồi.

Từ điển chữ Nôm, Hán - Việt. 

Sách lịch sử.

Bây giờ tôi có một tủ sách không nhiều lắm nhưng là sách tương đối chọn lọc. Ngày trước tôi thường chọn sách theo loại, tác giả, dịch giả, nhà xuất bản... Ở Saigon trước đây có những nhà xuất bản uy tín, như nhà Lá Bối, Cảo Thơm... Sách của những nhà xuất bản này phát hành thường "uy tín, chất lượng" từ nội dung đến hình thức in ấn. Bây giờ thì tản mạn hơn, ít có nhà xuất bản nào vượt trội, nhà xuất bản Trẻ là một trong vài nhà xuất bản còn chịu khó đầu tư in ấn những quyển sách hay, nhiều thể loại..

Tủ sách của tôi tạm đủ để đọc giải trí cũng như tra cứu khi cần thiết. Đôi khi ngồi nhớ lại, ở mỗi một tuổi, một không gian, một thời gian, một nghề nghiệp..., người ta tìm đọc những loại sách khác nhau. Thời hai mươi tuổi (trong thập niên từ 1965 đến 1975) tôi đọc nhiều về văn học, điều này cũng dễ hiểu bởi ở vào thời điểm ấy chắc các bạn còn nhớ, ở Saigon các nhà xuất bản in ấn nhiều sách văn học dịch từ các tác giả ngoại quốc, Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Trung Hoa, Tây Ban Nha, Nga... Nói chung đủ các tác giả, Âu, Á, Mỹ, Mỹ La tinh, Phi... Rồi mày mò học chữ Nho, đọc sách viết về Phật giáo...

Sau năm 1975 trở lại Saigon sống với gia đình, cuộc sống lúc bấy giờ khá chật vật (xã hội lúc ấy nó thế), nhưng... hồn nhiên, ai cũng... cong đuôi đạp xe đạp, đường xá ít bụi bặm không có kẹt xe, may nhờ có chút chuyên môn nên đi làm sớm cho nhà nước, lương mấy chục đồng, cũng đủ cho bản thân, lúc ấy chỉ có đạp xe, có được mấy đồng trong túi thì uống nước mía lề đường, xem phim ảnh thì xếp hàng rồng rắn mua vé, đa phần phim Liên Xô, vào trong rạp họ... đóng nghiến cửa lại không cho ra về giữa chừng. Sách vở thì sách "chính danh" có nhà sách quốc doanh cung cấp, giá bao cấp mấy hào, một hai đồng một quyển dày cộm, nhưng giấy in đen thui. Bây giờ tôi còn cả một tủ sách hàng trăm cuốn như thế, ít dám đụng tới, vì mắt mũi đã kèm nhèm, đọc nhiều khi không thấy chữ bởi nơi đó là một... cọng rác. Còn sách không "chính danh" (các loại sách cũ in trước năm 1975), thì ra vỉa hè tìm mua, thời ấy ăn cho no là chính, gạo còn không đủ mà xơi thì nói gì đến sách với vở. Sách vở cũ người ta đổ ra hè phố bán "lạc xon" rẻ rề, như bán bó rau, thấy tình hình sách vở êm êm thế là ra vỉa hè kiếm lại được một mớ...

Loại sách Học làm người của các học giả Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần, Hoàng Xuân Việt.


Loại sách kỹ năng Hướng đạo.

Qua thời gian tôi tìm được những sách về lịch sử, địa chí, sách về kiến thức bách khoa, về cuộc sống, sách về ngôn ngữ, triết học, phong tục tập quán, ca dao, tục ngữ, nghệ thuật..., và sách về tôn giáo mà đa phần là về Phật giáo... Rồi thêm các loại tự điển, đặc biệt là các loại từ điển, những từ điển xưa, nay, cho ta một cái nhìn toàn diện hơn về cuộc sống. Một cuốn từ điển được in ấn cách nay năm bảy chục năm hay thậm chí hàng trăm năm, coi thế mà lại có cái giá trị của nó, nó phản ảnh khá trung thực một quá khứ, một thời kỳ... Chẳng hạn quyển Từ điển Việt Bồ La thời Alexandre de Rhodes cho ta biết chữ quốc ngữ thời sơ khai của các cố đạo, Đại Nam quấc âm tự vị của Hùinh Tịnh Paulus Của in năm 1895-1896 cho ta một cái nhìn khái quát về chữ nghĩa của người dân Nam bô vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Quyển Việt Nam tự điển của nhà Khai Trí Tiến Đức in tại Hà Nội năm 1931, cũng tương tự như thế, cho ta biết khái quát về chữ nghĩa, văn hóa tại miền Bắc vào khoảng nửa đầu thế kỷ XX. Theo tôi đây là 2 quyển từ điển tiếng Việt rất cần thiết cho một tủ sách.

Sách về du lịch.

Từ điển về triết học, ngôn ngữ.

Chúng ta không thể tìm ra được từ "mậu dịch quốc doanh" trong 2 quyển từ điển kể trên, hoặc trong những quyển từ điển tiếng Việt in tại miền Nam trước năm 1975, nhưng trong quyển từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên, bản in năm 1967 tại Hà Nôi) thì có từ này, nó cho ta biết xã hội và thời điểm xuất hiện của từ ngữ... Cũng như trong từ điển tiếng Việt xuất bản tại miền Nam trước năm 1975 không làm sao tìm ra được từ "Tên lửa" có nghĩa là "hỏa tiễn" (như hỏa tiễn Apollo trong chương trình không gian của Mỹ). Tương tự như thế là từ "Lính thủy đánh bộ", từ điển miền Nam trước năm 1975 chỉ có từ "Thủy quân lục chiến", thì trong từ điển tiếng Việt in tại miền Bắc cùng thời gian có thêm từ "Lính thủy đánh bộ", với nghĩa tương đương. Tại sao từ điển ở miền Bắc lại có những từ phái sinh như thế lại là một chuyện khác...

Cũng có những từ như "Hành pháp", từ điển tiếng Việt in trước năm 1975 ở miền Nam giải nghĩa là "Thi hành hiến pháp", thì từ điển xuất bản tại miền Bắc giải thích "Hành pháp" là "Hành chính"... Dĩ nhiên "Hành pháp" thì không phải là "Hành chính", giải nghĩa như thế là không đúng. "Hành chính" là thi hành chính sách, pháp luật của chính phủ (thi hành luật cụ thể), trong khi "Hành pháp" là "Thi hành hiến pháp" (luật khung). Mỗi một cái hiểu, mỗi một cái nhìn, qua sách vở chúng ta thấy ở các nơi có khác nhau... Đấy là một bức tranh xã hội sinh động nói lên một điều gì đó, mà ta có thể tìm thấy được qua sách vở...


Các loại sách khác.

Nếu để ý thêm một chút về cách giải thích từ ngữ của một quyển từ điển, ta có thể nhìn ra trình độ, tri thức, nhận thức, cách lý luận... của một người, hay của một nhóm người biên soạn từ điển, nó cũng phản ánh xã hội, và ta sẽ thấy xã hội bị ảnh hưởng như thế nào bởi những quyển sách đó. Có thể nhìn thấy rõ nhất qua sách giáo khoa...

Tôi cũng thích đọc hồi ký hay sách viết dưới dạng hồi ký của những người nổi tiếng, chẳng hạn hồi ký của các học giả Nguyễn Hiến Lê, Vương Hồng Sển, của các nhạc sĩ Trần Văn Khê, Phạm Duy..., hồi ký của các tướng lãnh miền Nam trước năm 1975... Của nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Khải ở miền Bắc... Đọc hồi ký của họ ta không chỉ biết được cuộc đời của họ, suy nghĩ của họ về cuộc sống, mà còn hiểu được phần nào xã hội họ sống đương thời. Người ta thường viết hồi ký khi đã về già, người già và con trẻ thường nói thật, khi đã gần đất xa trời không còn cần phải bon chen thì người ta chẳng còn lý do gì để sợ mà không nói thật. Điều mà bây giờ chúng ta thường thấy...

Tôi cũng đã về già, về vườn sau mấy chục năm làm việc. Xưa nay tôi không uống được rượu (kể cả bia), cho nên hồi còn đi làm không có thói quen khề khà dzô dzô cùng bạn bè sau mỗi buổi chiều. Thỉnh thoảng chỉ cà phê với bạn bè. Bây giờ tủ sách của tôi cũng tàm tạm để ngày ngày, sau những công việc linh tinh không tên không tuổi, có được chút thời giờ rảnh lại ngồi nhâm nhi ly cà phê đọc dăm ba trang sách, cho qua ngày tháng... Hì hì!