Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Chiều một mình qua phố (*).


 Diễm -  Tranh của TCS vẽ năm 1963.

Cuối tháng 3 sắp sang tháng 4, Saigon nắng. Nắng như đổ lửa, 5 giờ chiều mà mặt trời còn chói lọi trên cao. Trời đất lại đang trôi về một tháng 4 nóng...

Cuộc sống bây giờ nhanh quá, thời đại của nguyên tử và internet có khác. Đã từ lâu tôi mất đi cái thú lang thang dạo phố (ngày xưa gọi là bát phố). Cái thú dạo phố của những năm tháng tuổi trẻ, một cái thú cần những thời gian chậm, một cuộc sống chậm. Ở phương xa mỗi lần từ núi rừng về phố tôi thường làm một "anh khách lạ đi lên đi xuống..." (**), hay một buổi chiều ghé ngang phố biển trong một lần chuyển quân "trời biển ơi, không cố nuôi tình tôi..." (***), Còn hôm nào về phép Saigon, buổi chiều sau giờ học, tôi thường ghé nơi trường đại học rủ một vài người bạn thời còn học sinh, lang thang phố xá, ghé một quán cà phê nghe những bản nhạc của Phạm Duy hoặc của Trịnh Công Sơn..., là loại nhạc "thời thượng" của giới trẻ thời ấy.

Những buổi về phép như thế tôi cũng hay lang thang một mình trên phố, "Tôi thích lang thang trong chiều chủ nhật, nghe bước chân vang lên từng điệu nhạc...", một bài hát ngày xưa của ai đó tôi không còn nhớ tựa và tên người viết, loanh quanh chỉ để nhìn ngắm phố xá cho qua ngày giờ, hay ngồi cà phê Thanh Thế vỉa hè Lê Lợi ngắm "ông đi qua bà đi lại", hoặc ghé quán cà phê có tên Tây Givral hay La Pagode bên đường Tự do, ngồi nhâm nhi ly cà phê và cái bánh croissant. Tôi cũng thường lan man những ngày về phép như thế nơi những quày bán sách solde nơi vỉa hè Lê Lợi, để kiếm những quyển sách mình thích. Những quyển sách như Hoàng tử bé (Saint Exupéry), Một thời để yêu và một thời để chết (Erich Maria Remarque), Kẻ xa lạ (Albert Camus), Sói đồng hoang (Hermann Hesse)... Hay Thiền luận (Suzuki), Đức Phật và Phật pháp (Narada Maha Thera), Nho giáo (Trần Trọng Kim) tôi đã mua ở vỉa hè như thế...

Thuở ấy tôi cũng thường đọc tạp chí Văn do ông Trần Phong Giao làm thư ký tòa soạn, và ông Nguyễn Đình Vượng làm chủ bút, hay tạp chí Bách Khoa của ông Lê Ngộ Châu, và khi trở lại núi rừng cao nguyên đèo heo hút gió, hay một vùng biển xa xôi nắng cháy sau một chuyến bay quân sự, trong ba lô của tôi lại đầy những quyển sách và tạp chí mới.

Tuổi trẻ của những năm tháng chiến tranh đầy biến động vào khoảng thập niên 60, 70 của thế kỷ XX ở Saigon là như thế. Người Mỹ đổ vào miền Nam hơn nửa triệu quân, cùng với những khí tài quân sự, đô la và... đủ mọi thứ khác, trong một xã hội chông chênh, bất ổn... Cái chông chênh bất ổn ấy cũng được thể hiện rõ nét qua văn chương (thơ, văn), và âm nhạc lúc bấy giờ.

Thời tuổi trẻ tôi... bụi đời khá sớm, những năm trung học đệ nhất và đệ nhị cấp tôi đã theo các bạn trong phong trào học sinh, sinh viên đi nghe các nhóm Du ca của dược sĩ Hoàng Ngọc Tuệ, đến giảng đường hay sân trường đại học nghe hát cho đồng bào tôi nghe, nhất là những buổi có nhạc sĩ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, ôm đàn hát cùng những ca sĩ Thái Thanh và Khánh Ly... Phạm Duy hát nhạc của ông sáng tác với Tâm ca, Tục ca, Vỉa hè ca..., còn Thái Thanh hát những bài Tình ca của ông, Trường ca Con đường cái quan, và những bài Dân ca do Phạm Duy soạn lại...

Bìa của tập ca khúc da vàng.

Nhạc sĩ TCS khởi đầu sự nghiệp âm nhạc của ông bằng những bản tình khúc, và bài hát đầu tay là bản nhạc Ướt mi (1958), "Ngoài hiên mưa rơi rơi, buồn ai như chơi vơi, người ơi hoen ướt mi ai rồi...", bài hát được ông viết qua hình ảnh của một nữ ca sĩ (****) người Huế đương thời mà ông yêu thích. Cũng giống như nhạc sĩ PD, mỗi tình khúc của ông thường là viết về một cuộc tình dang dở, những Diễm xưa, Lời buồn thánh, Biển nhớ, Nhìn những mùa thu đi, Nắng thủy tinh, Còn tuổi nào cho em, Như cánh vạc bay... Thỉnh thoảng ông cũng phổ thơ hay viết những bản nhạc từ ý thơ của những nhà thơ cũng là bạn bè của ông, như bài Cuối cùng cho một tình yêu (thơ Trịnh Cung), Con mắt còn lại (ý thơ Bùi Giáng)...

Miền Nam của thập niên 60, 70 của thế kỷ XX đầy biến động, chiến tranh dần leo thang và lan rộng, nhạc của ông khoảng thời gian ấy đã in đậm dấu ấn thời cuộc, bài hát Người già em bé với những câu "Ghế đá công viên dời ra đường phố/ người già co ro buồn trong mắt đỏ/ người già co ro nhìn qua phố chợ/ khi chiến tranh về đốt lửa quê hương...", ông đã tả lại những năm tháng với những cuộc biểu tình của Phật giáo chống chế độ của TT Ngô Đình Diệm ở miền Trung, và khi ấy chiến tranh cũng đã lan đến gần những thành phố "Từng vùng đêm đen hỏa châu thắp đỏ/ đạn về đêm đêm đốt cháy tương lai...".

Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đã nổi tiếng trong giới sinh viên học sinh với những tình khúc, và những ca khúc nói lên thân phận của con người trong chiến tranh, qua những ca khúc trong những tập Tình khúc, Hát cho quê hương Việt Nam, Ca khúc da vàng hay Kinh Việt Nam của ông... Ngôn từ trong những bài hát của ông viết đi thẳng vào lòng người, nói lên cái thực trạng của chiến tranh lúc ấy, "Tôi có người yêu chết trận Pleime/ Tôi có người yêu ở chiến khu D chết trận Đồng Xoài/ Chết vội vàng dọc theo biên giới/ Tôi có người yêu chết trận Ba Gia/ Tôi có người yêu vừa chết đêm qua/ Chết thật tình cờ chết chẳng hẹn hò/ Không hận thù nằm chết như mơ..." (Tình ca người mất trí). Hay lời trong một ca khúc khác của ông "Đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe..." (Đại bác ru đêm).

Trong môt bài viết, TCS đã viết: "Tôi không thấy có ranh giới nào giữa thế giới âm thanh và thế giới màu sắc cả. Những gì không nói được bằng ngôn ngữ âm nhạc thì tôi nhờ đến ngôn ngữ màu sắc. Nếu cả hai phương diện này cũng chưa chuyên chở hết những suy nghĩ của tôi về đời và con người thì tôi lại phải tìm đến với văn chương". Và không những ông chỉ viết nhạc mà còn vẽ tranh và làm thơ.

Nếu âm nhạc của ông đầy màu sắc và thơ, thì ngược lại thơ của ông cũng mang nhiều âm hưởng của nhạc và họa, và những bức họa của ông cũng đầy chất thơ và nhạc... Ta hãy thử đọc những câu thơ của ông:

Chỗ em ngồi ngày xưa còn ấm lắm
Anh gối lên và ngủ một giấc dài
Em có hiểu đời cho em là mộng
Để anh về cứ tưởng một là hai.

Hoặc những câu thơ khác:

Ở đây nếu ở trăm năm
Xa em tôi có hằng trăm nỗi buồn
Ở đây nếu ở đây luôn
Xa em tôi sẽ hồn nhiên ngậm ngùi.

Đuờng xa mỏng mộng vô thường
Trái tim chợt tỉnh tôi nhường nhịn tôi.

Ở đây phố xá hiền như cỏ
Có nỗi hồn nhiên giữa mặt người
Ở đây cỏ sẽ hiền hơn phố
Bởi dưới chân em có mặt trời.

Nhạc, thơ, và họa của TCS luôn phảng phất hơi thở của thiền, bài hát Nguyệt ca của ông "Từ trăng xưa là nguyệt/ lòng tôi có đôi khi/ tựa bông hoa vừa mọc/ hân hoan giây xuống thế...", lấy từ ý thơ Bùi Giáng "Quần sẽ đỏ từ khi trăng là nguyệt/ Kinh là kỳ từ châu quận tân toan". Ông viết "Tôi có cách hành thiền riêng. Không có giờ giấc nhất định. và thậm chí cũng không nghĩ là mình đang làm công việc thiền. Đó chỉ là một cách sống. Và sống thiền trong mỗi sát na...". Thiền sư Nhất Hạnh đã nhận xét về ông "Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên". Ngồi thật yên - đó là cách tĩnh tọa trong nhà Phật... Tôi tin TCS lúc còn sống - mỗi ngày vẫn biết chọn cách tĩnh - tọa - ngồi - thật - yên để nhìn lại mình, lắng nghe hơi thở của mình... Đó còn gọi là chánh niệm, là an trú trong hiện tại...

Chân dung Trịnh Vĩnh Trinh, em gái của nhạc sĩ TCS, được ông vẽ năm 1998.

Chân dung nhà thơ Bùi Giáng - 1989.

Chân dung Nguyễn Tuân - 1989.

Chân dung nhà thơ Hoàng Cầm - 1988.

Trịnh Công Sơn mất ngày 1-4-2001 vào cuối giờ Ngọ, sau 62 năm chọn cõi đời này làm một cõi đi về, và chọn cuộc sống này làm một cõi tạm... Nhưng tên của ông đã được ghi trong quyển Từ điển Bách khoa của nước Pháp (Encyclopédie de tous les pays du monde).



Ghi chú:

(*) Tên một tình khúc của nhạc sĩ TCS.
(**) Lời một bản nhạc của nhạc sĩ PD, phổ thơ "Còn chút gì để nhớ" của Vũ Hữu Định.
(***) Lời một bản nhạc của nhạc sĩ PD, viết về Nha Trang (Nha Trang ngày về).
(****) Nữ ca sĩ Thanh Thúy.


Tham khảo:

- Thời Văn, Hợp tuyển, nhiều tác giả, NXB Văn Nghệ - 2005.
- TCS, Rơi lệ ru người, nhiều tác giả, NXB Phụ Nữ - 2005.
- Ảnh được lấy từ internet.




Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Tên gọi của những nơi thờ tự theo tín ngưỡng dân gian.



Trong hệ thống tín ngưỡng dân gian Việt Nam ta thường thấy có những tên gọi như đình, đền, miếu (miễu), điện, phủ, dinh, am, đạo quán, hội quán... Tôi thử tìm hiểu tên gọi của những nơi này.

- Đình (Hán-Nôm  ): ngôi nhà chung của thôn làng, có kiến trúc cổ truyền Việt Nam, là nơi thờ thần, Thành Hoàng và hội họp việc làng. Trong hệ thống làng xã Việt Nam, từ ngàn xưa ngôi đình đã có một vị trí quan trọng. Buổi đầu đình làng là trung tâm hành chính, văn hóa, là nơi thực hành các nghi lễ tín ngưỡng dân gian truyền thống, và sinh hoạt cộng đồng của cư dân một địa phương. Cho nên đình luôn được xây dựng tại vị trí thuận tiện trong làng, gắn liền với yếu tố phong thủy. Một hình ảnh đã đi vào tâm thức của người Việt là đình làng, cây đa, bến nước... Tại TP. HCM bây giờ còn khoảng 300 ngôi đình ở khắp các quận, huyện... Như đình Nam Chơn, Hòa Mỹ... (quận 1), đình Xuân Hòa, Ông Súng... (quận 3), đình Tân Kiểng... (quận 5), đình Bình Tiên... (quận 6), đình Phong Phú (quận 9), đình Chí Hòa... (quận 10), đình Phú Nhuận (quận Phú Nhuận), đình Bình Hòa... (quận Bình Thạnh).

Đình Chí Hòa - Quận 10, Saigon.

Đình làng Nam bộ thờ Bổn Cảnh Thành Hoàng (Thành là thành lũy, Hoàng là hào lũy), có 30 ngôi đình được sắc phong của triều đình, 26 sắc phong vào thời vua Tự Đức, 2 thời vua Minh Mạng, 1 thời vua Duy Tân và 1 vào thời vua Bảo Đại. Ở miền Nam chúng ta thường thấy đình thờ Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh với sắc phong Thượng đẳng thần. Ngoài ra đình còn thờ những thần thánh khác như Thần Nông, Ngũ Hành Nương Nương, Sơn Quân (thần Hổ), thần Xã Tắc, Thổ Công, Thổ Địa, Táo Quân... Đình Nam bộ cũng thờ những người có công với đất nước như Nguyễn Trung Trực, Trương Định...

Đình Thông Tây Hội Gò Vấp - Saigon.

Ngôi đình cổ nhất ở TP. HCM là đình Thông Tây Hội (quận Gò Vấp), được xây dựng vào khoảng năm 1679. Cúng lễ ở đình thường diễn ra vào những dịp lễ, như ngày vía của Thần, tết truyền thống, như tết Nguyên đán, tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), rằm Tháng 7, tết Trung thu...
- Đền (chữ Hán không có chữ đền, chữ Nôm  ): theo học giả Toan Ánh, đền là nơi thờ một anh quân, một vị anh hùng, hoặc hoặc một vị thần có công với đất nước. Như đền Đức Thánh Trần thờ Hưng Đạo Đại Vương, đền Hùng thờ các đời vua Hùng...

Tại TP. HCM có đền thờ Đức Thánh Trần, đền Hùng (quận 1 và nhiều quận khác)... Đền Cô Bơ (quận 2)... Đền Tranh Giang Vọng Từ thờ Quan lớn Tuần Tranh, Đền Sòng Sơn Vọng Từ thờ bà Chúa Liễu Hanh (quận 3)... Đền Vân Chàng thờ ông tổ nghề rèn (quận 10)... Đền Hai Bà Trưng thờ Hai Bà Trưng, Tam tòa Thánh Mẫu (quận Bình Thạnh)... Đền tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ trong 2 cuộc chiến chống Pháp và Mỹ (huyện Củ Chi)...

Đền thờ Đức Thánh Trần - Saigon.

- Miếu (Hán-Nôm  ): miếu thường thờ thần, quỷ thần, ở miền Bắc còn gọi là nghè, ở Nam bộ còn gọi là miễu, miếu thường có quy mô nhỏ hơn đền. Ở miền Bắc nếu đình luôn được xây dựng nơi trung tâm làng xã, thì miếu thường được xây dựng ở vị trí hẻo lánh, yên tĩnh. Miếu Sơn Thần thờ thần núi, miếu Hà Bá thờ thần sông... Tại TP. HCM Lăng Ông Bà Chiểu thờ tả quân Lê Văn Duyệt có tên là Thượng Công Miếu, Ngũ Hành miếu thờ Ngũ Hành Nương Nương có tại rất nhiều nơi, miếu thờ Cửu Thiên Huyền Nữ (Phật Mẫu ở tầng trời thứ chín trong chín tầng trời), miếu Bà Thiên Hậu với tên gọi Hội quán (Hội quán Hà Chương ở quận 5 thờ Bà Thiên Hậu, người dân thường gọi là chùa Bà, chùa Tàu...), Nhị phủ miếu thờ ông Bổn (Phước Đức Chánh Thần (quận 5)...

Tam quan lăng Ông thờ Tả quân Lê Văn Duyệt tại Saigon với tên gọi Thượng Công Miếu.

Ở miền Nam có ngôi miếu thờ Bà nổi tiếng thờ Bà Chúa Xứ - Châu Đốc... Và khắp miền Nam, hay ngay tại Saigon, trên đường phố nơi góc ngã ba, ngã tư đông đúc cũng hay thấy những tran thờ rất nhỏ để sát mặt đất cũng được gọi là miếu, thờ những cô hồn uổng tử dọc đường...

Tại TP. HCM có khoảng trên 500 ngôi đền miếu ở khắp các quận huyện.

- Điện (Hán-Nôm 殿 ): nơi thờ thần thánh. Điệnphủ thường để chỉ những nơi thờ của Đạo Mẫu. Ở Huế có điện Hòn Chén trên sông Hương thờ Thiên Y A NA thuộc hệ thống đạo Mẫu. TP. HCM có điện Ngọc Hoàng tại quận 1, là nơi thờ của người Hoa theo Minh sư có nguồn gốc từ Trung Hoa , là một tông phái của Phật giáo chủ trương "Tam giáo đồng nguyên" Phật - Nho - Lão.

Điện Ngọc Hoàng - Quận 1, Saigon.

- Phủ (Hán-Nôm  ): trong đạo Mẫu thường thấy các thánh mẫu, ông hoàng... được thờ ở phủ, như phủ Dầy (Giầy, Giày) ở Nam Định thờ bà Chúa Liễu Hạnh, phủ Tây Hồ ở Hà Nội cũng thờ Liễu Hạnh Công chúa...


Phủ Tây Hồ - Hà Nội.

- Am (Hán-Nôm  ): có kiến trúc và quy mô nhỏ thờ thần, Phật.

Một am thờ Thần ở Huế.

- Dinh (Hán-Nôm  ): có lẽ từ dinh để chỉ môt nơi thờ phượng theo tín ngưỡng dân gian phổ biến ở phía Nam hơn các nơi khác, như dinh Thày Thím ở La Gi - Bình Thuận, dinh Cô ở Long Hải - Bà Rịa Vũng Tàu, dinh Cậu ở Phú Quốc thờ Cậu Tài, Cậu Quý, Chúa Ngọc Nương Nương (Thiên Y A NA). Theo truyền thuyết Cậu Tài, Cậu Quý là Nhị vị Công tử con trai của bà Chúa Ngọc, là những vị thần bảo hộ ngư dân...

Dinh Thày Thím - Bình Thuận.

- Hội quán: Những ngôi miếu thờ thần thánh của người Hoa tại TP. HCM được gọi là Hội quán (ngày xưa từ Đạo quán để chỉ những nơi thờ phượng của Đạo giáo). Người Việt thường gọi những Hội quán này là chùa Tàu, chùa Bà (thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu), hoặc chùa Ông (thờ Quan Công, Ông Bổn). Chức năng xưa kia của Hội quán vừa là trụ sở của một bang (bang Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam...), vừa là nơi tín ngưỡng. Ở Saigon khu vực quận 5 có nhiều Hội quán như Hội quán Hà Chương của người Hoa gốc Phúc Kiến thờ bà Thiên Hậu, Hội quán Nghĩa An của người Triều Châu (còn gọi là người Tiều) thờ Quan Thánh Đế Quân (Quan Công)...

Lễ cúng Bà Thiên Hậu nơi một Hội quán của người Hoa ở quận 5 - Saigon.




Tham khảo:

- Đại Nam Quấc âm Tự vị, Hùinh Tịnh Paulus Của, Tome I - Saigon 1895.
- Việt Nam Tự điển, Hội Khai Trí Tiến Đức - Hanoi 1931.
- Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, TT Từ điển học - 1997.
- Làng xóm Việt Nam, Toan Ánh, NXB TP. HCM - 1999.
- Một số cơ sở Tín ngưỡng Dân gian tại TP. HCM, nhiều tác giả, Sở văn hóa & Thông tin - 2002.
- Đình miếu & Lễ hội dân gian miền Nam, Sơn Nam, NXBTrẻ - 2004.
- Hình ảnh được sử dụng từ Internet.



Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Tên gọi của những nơi thờ tự, tu hành của các tôn giáo...

Hôm tôi đi về miền Tây Nam bộ cách nay khoảng nửa tháng, trên suốt chặng đường đi về trong hai ngày dài ngót một ngàn cây số, tôi ngồi cạnh bác tài xế quen không còn trẻ lắm khoảng ngoài 40, nhưng vẫn kêu tôi bằng "chú", bởi bác tài nói tôi chỉ thua ba má bác ta một vài tuổi. Mấy năm nay đi đâu xa phải đi bằng xe hơi gia đình tôi thường hợp đồng nhờ bác tài này chở, nhất là có dịp về miền Tây, quê bác tài cũng ở miền Tây nên rành đường, người lại hiền lành, cẩn thận...

Trên suốt chuyến đi khi ghé qua những nơi tôi muốn ghé, chẳng hạn như những ngôi chùa Miên, chùa Việt, nhà thờ Thiên chúa giáo, nhà Công tử Bạc Liêu... bác tài xế đều ghé vào thăm cùng tôi. Thỉnh thoảng khi đang lái xe hoặc lúc đang thăm một ngôi chùa, hay nhà thờ bác tài hay thắc mắc hỏi tôi một vài điều, chẳng hạn  tại sao lại gọi là chùa, tự, hay tu viện, hoặc tịnh xá, già lam... Tại sao trong chùa Miên không thấy thờ nhiều tượng như chùa Việt, tại sao có khi chỉ gọi là nhà thờ nhưng cũng có khi là nhà thờ chánh tòa... Những thắc mắc của bác tài rất cụ thể. Cũng may nhờ có tìm hiểu qua sách vở, những thắc mắc này tôi có hiểu qua và  nói được cho bác tài biết. Tôi ghi lại vài điều dưới đây:

Những nơi thờ phượng của Phật giáo:

- Chùa: như chúng ta thường thấy và gọi nôm na những nơi thờ tự, tu hành của Phật giáo là chùa, chùa Giác Lâm, chùa Viên Giác, chùa Pháp Hoa, chùa Thiếu Lâm... Nếu gọi theo từ Hán - Việt là Giác Lâm tự, Viên Giác tự, Pháp Hoa tự, hay Thiếu Lâm tự... Từ điển Phật học giải thích, chùa là nơi thờ Phật phổ biến ở các nước Đông Á và Đông Nam Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam... Cũng có từ điển Phật học cho là chùa có thể do tiếng Phạn (Sankrit là Stùpa, hay tiếng Pàli là Thùpa) mà ra. Stùpa hay Thùpa có nghĩa là Tháp. Tại Ấn Độ Tháp là nơi cấtt giữ Xá  lị (Xá lợi) Phật, cũng còn là nơi chôn cất hay cất giữ tro, cốt các vị Đại sư.

Chùa Vĩnh Tràng (Vĩnh Tràng tự) Mỹ Tho - Tiền Giang.

- Tự (  ): chùa thờ Phật, cũng là nơi tăng tu hành, chữ Hán Việt gọi là tự, tên gọi có từ thời Hán, cũng có nghĩa là nhà ở của quan.

- Già Lam ( 伽藍 ): tiếng Hán Việt, phiên âm chữ Phạn (S-P) Sanghàràma, có nghĩa là nơi thờ Phật, nơi tăng ở.

- Tu viện: là những nơi chuyên tu tập của tăng, ni, thường là những ngôi chùa lớn, nơi có thể chứa được nhiều tăng ni đến tu tập.

Tu viện Tường Vân -  Bình Chánh, TP. HCM..

- Thiền viện: cũng thường là những ngôi chùa lớn, chuyên tu theo thiền định. Ở Đà Lạt có Thiền viện Trúc Lâm là một Thiền viện lớn thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Hòa thượng Thích Thanh Từ thành lập năm 1994 (xây dựng từ năm 1993). Nơi đây cũng là một thắng cảnh của Đà Lạt thu hút nhiều du khách tham quan.

- Tổ đình: là những chùa Tổ, nơi bắt đầu của một pháp phái do một vị Tổ sư khai sáng. Ở Saigon có Tổ đình Giác Lâm, là Tổ đình của phái thiền Lâm Tế...

- Tòng lâm (Tùng lâm): Tiếng Phạn (S-P) là Vihàra, là nơi thờ Phật, chùa nói chung, nơi có tăng ni ở. Như tự, già lam...

- Tịnh xá: ở Việt Nam, các chùa của hệ phái Khất sĩ đều có tên là Tịnh xá, như Tịnh xá Ngọc Phương ở Gò Vấp TP. HCM. (nơi ni sư Thích nữ Huỳnh Liên cho xây dựng vào năm 1957, được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Tịnh xá Ngọc Diệp ở quận 3.

Tịnh xá Ngọc Phương Gò Vấp - TP. HCM.

Về miền Tây, vùng Sóc Trăng, Trà Vinh... nơi có nhiều người Việt gốc Khmer, có nhiều ngôi chùa Khmer. Vào một ngôi chùa Khmer nơi chánh điện chỉ thấy thờ có một tượng Phật Thích Ca, không có nhiều tượng như đa số chùa của người Việt. Do chùa Khmer theo phái Théravada, quen gọi là Phật giáo Tiểu thừa, hay Phật giáo nguyên thủy. Phái Tiểu thừa chỉ thờ một hình tượng là Phật Thích Ca, khác với phái Đại thừa thờ Phật dưới nhiều hình tướng khác nhau như Phật Thích Ca, Phât A Di Đà, Phật Dược Sư, Quán Thế Âm, Di Lặc... Phật giáo Tiểu thừa phổ biến ở các nước khu vực Đông Nam Á như Lào, Cambodia, Thailand, Myanmar... Trong khi Phật giáo Đại thừa phổ biến ở các nước như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Hàn Quốc...

Chánh điện chùa Dơi Khmer (chùa Mahatup) ở Sóc Trăng. Chỉ thờ tượng Phật Thích Ca.

Những cơ sở thờ phượng của Thiên Chúa giáo:


Nhà thờ Tắc Sậy, huyện Giá Rai - Bạc Liêu, còn gọi là nhà thờ cha Diệp, nơi an táng Linh mục Trương Bửu Diệp.

- Nhà thờ: nói chung là những nơi thờ phượng đức Ki Tô, Đức  Mẹ, và các Thánh của Thiên Chúa giáo, cũng là nơi cử hành thánh lễ cho các giáo dân đến tham dự, cầu nguyện.

- Nhà thờ chánh tòa: là ngôi nhà thờ chính của một giáo phận, là nơi đặt ngai tòa của vị Giám mục giáo phận.

Nhà thờ chánh tòa Sóc Trăng.

- Nhà thờ giáo xứ: bình thường thì một khu vực giáo dân gọi là họ đạo có một nhà thờ giáo xứ. Cũng có những giáo xứ lớn trong giáo xứ có những giáo họ, thì ngôi nhà thờ của một giáo họ gọi là nhà thờ giáo họ.

- Thánh đường: là nơi có một sự kiện, hoặc một biến cố tôn giáo quan trọng, được Tòa thánh La Mã (Vatican) phong tặng là Thánh đường , như Vương Cung Thánh đường Saigon (nhà thờ Đức Bà Saigon) được Tòa thánh Vatican sắc phong ngày 5-12-1959. Vương cung Thánh đường Đức Mẹ La Vang ở Quảng Trị được Giáo hoàng Gioan XXIII tôn phong là Vương cung Thánh đường bởi sắc phong Magnonos ngày 22-8-1961.

Vương cung Thánh đường Saigon - Nhà thờ Đức Bà Saigon.

Vương cung Thánh đường Đức Mẹ La Vang - Quảng Trị.

- Nhà nguyện: thường chỉ trong một cộng đồng nhỏ, như trong một tu viện, bệnh viện, hay trong một khu phố (giáo họ), có quy mô nhỏ, nhà nguyện không có mặt thường xuyên của linh mục.

Trên đây là những cơ sở tôn giáo của hai tôn giáo lớn quen thuộc là Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Những thông tin trên cũng có thể giúp ích bạn nào muốn tìm hiều.


Tham khảo:

- Từ điển Phật học, Ban Biên dịch Đạo Uyển, NXB Thời Đại - 2011.
- Từ điển Phật học, Nguyên Hảo, Về nguồn xuất bản - 1999.
- Một số trang mạng.



Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Tín ngưỡng dân gian.

Tiếng Việt là Ngũ hành miếu, nhưng dòng chữ Nho ở dưới là Ngũ Hành Nương Nương 

Có bạn hỏi Ngũ hành Nương Nương là ai? Vì sáng bạn đi ngang qua một ngôi miếu thấy có lễ vía Ngũ hành Nương Nương. Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam chúng ta thường thấy người Việt có tục thờ Nữ thần (thờ Mẫu). Nếu ở miền Bắc chúng ta thấy thờ những hiện tượng tự nhiên trong cuộc sống do Mây - Mưa - Sấm - Chớp, được hệ thống hóa thành Tứ Pháp: Pháp Vân (Thần Mây), thờ ở chùa Bà Dâu. Pháp Vũ (Thần Mưa) thờ ở chùa Bà Đậu. Pháp Lôi (Thần Sấm) thờ ở chùa Bà Tướng. Pháp Điện (Thần Chớp) thờ ở chùa Bà Dán. Hoặc thờ Tam Phủ, Tứ Phủ. Tam Phủ có Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải (Mẫu Thủy). Tứ Phủ có thêm Mẫu Địa.

Ở miền Trung khu vực Thừa Thiên có tục thờ Thiên Mụ, Thiên Yana nguyên là một nữ thần của người Chăm đã được Việt hóa... Vào miền Nam chúng ta thấy việc thờ các hiện tượng tự nhiên khái quát như không gian thời gian qua hình ảnh của các nữ thần có biến đổi. Thần không gian được hình dung theo Ngũ hành, dưới dạng Ngũ Hành Nương Nương. Thờ Thần thời gian là Thập Nhị Hành Khiển, là mười hai vị nữ thần điều khiển sự sống, có trách nhiệm coi sóc việc sinh nở, đó là Mười hai Bà Mụ. Ở đây tôi xin nói qua về Ngũ Hành Nương Nương, để bạn có thể nắm bắt được phần nào.

Tượng Ngũ Hành Nương Nương ở chùa Thiền Lâm, quận 8 - Saigon.

Ngũ hành, không chỉ là năm yếu tố mà là năm loại vận động trong cuộc sống, nhất là trong cuộc sống từ xa xưa. Đất để trồng trọt, cây nuôi sống con người, nước tưới cho cây, lửa đốt tro nuôi đất, đá, sắt để làm ra công cụ lao động... Năm yếu tố ấy là Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ. Thủy sinh Mộc (nước giúp cây cối tươi tốt). Mộc sinh Hỏa (gỗ làm nhiên liệu cho lửa cháy). Hỏa sinh Thổ (lửa đốt tro làm cho đất màu mỡ. Kim sinh Thủy (kim loại nóng chảy trở về thể lỏng). Đấy là quan hệ tương sinh của Ngũ hành. Ngũ hành còn có quan hệ tương khắc, như Thủy khắc Hỏa (nước dập tắt lửa). Hỏa khắc Kim (lửa nung chảy kim loại). Kim khắc Mộc (dao chặt cây). Mộc khắc Thổ (cây hút chất màu của đất). Thổ khắc Thủy (đắp đê ngăn nước).

Trong Ngũ hành ThủyHỏa mang tính đối lập âm/dương rõ rệt nhất, tương ứng với màu đenđỏ, tượng trưng cho hai phương bắc - nam. MộcKim cũng đối lập âm/dương nhưng kém hơn tương ứng với màu xanhtrắng. Thổ tương ứng với màu vàng ở trung ương.

Các bạn nào ở miền Nam, ngay ở Saigon chứ không phải đi đâu xa, thường thấy rải rác đây đó những ngôi miếu nhỏ đề Miếu Ngũ Hành (hoặc Ngũ Hành Miếu). Đây chính là nơi thờ Ngũ Hành Nương Nương, là một nữ thần phát xuất từ quan niệm Ngũ hành. Tuy nhiên người Việt Nam có tục thờ đa thần, nên trong miếu thường thờ thêm những vị thần khác như thần Xã Tắc, Thần Nông, Thổ địa, thần Tài... Ngũ Hành Nương Nương thường được thờ nơi những miếu, đình, đền, điện... là nơi thờ phượng của tín ngưỡng dân gian, như ở đình Phong Phú (quận 9), đình Phú Nhuận (quận Phú Nhuận)... Nhưng cũng có những chùa thờ Phật có ban thờ Ngũ Hành Nương Nương, như chùa Thiền Lâm (quận 8), chùa Vạn Thọ (quận 1)... Tục thờ Ngũ Hành Nương Nương ở miền Nam có lẽ có sau tục thờ các vị nữ thần khác, như thờ Bà Chúa Xứ (Châu Đốc), Linh Sơn Thánh Mẫu (Điện Bà - Tây Ninh), Cửu Thiên Huyền Nữ, Bà Chúa Ngọc...

Vía Ngũ Hành Nương Nương thường được cử hành vào ngày 19 tháng 3 âm lịch hằng năm, cũng có nơi cử hành vào ngày 23 tháng 3. Thoạt đầu người ta thờ bằng bài vị viết bằng chữ Nho, nhưng dần dần bài vị được thay bằng tượng của năm vị nữ thần, được sơn màu hay khoác y phục với năm màu tương ứng với Thủy (màu đen), Hỏa (đỏ), Mộc (xanh), Kim (trắng), Thổ (vàng). Theo sách vở chép đời vua Duy Tân thứ 5 (1911), triều đình đã sắc phong cho Ngũ Hành Nương Nương là "Đức Thánh Nương, Trứ Phong Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần), gồm Thủy Đức Thánh Phi, Hỏa Đức Thánh Phi, Mộc Đức Thánh Phi, Kim Đức Thánh Phi, Thổ Đức Thánh Phi.

Như vậy chúng ta đã thấy, Ngũ Hành Nương Nương bao gồm năm vị  nữ thần phát xuất từ thực tại của cuộc sống, được thờ như những vị thần bảo trợ cho con người, những gì liên quan đến đất đai, cây cỏ, củi lửa, nước nôi, kim khí, cũng chính là những yếu tố trong công việc, nghề nghiệp của những nông dân, ngư dân, thợ tiểu thủ công từ ngày xưa... Thờ Ngũ Hành Nương Nương là người dân mong muốn cho cuộc sống của họ luôn được trôi chảy, sung túc, an lành...


Tham khảo:

- Cơ sở Văn hóa Việt Nam, PGS. TS. Trần Ngọc Thêm, NXB Giáo Dục - 1998.
- Lễ hội Dân gian Nam bộ, TS. Huỳnh Quốc Thắng, NXB Văn hóa - Thông tin - 2003.
- Các thông tin trên trang mạng.









Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

Đọc.





Đọc sách là mở cánh cửa để nhìn vào một thế giới thần tiên. F. Mauriac (*)

Sắp tới đây bắt đầu từ ngày 23-3 đến ngày 30-3-2014 sẽ có một tuần lễ sách tại công viên Lê Văn Tám ở quận 1 Saigon, trưng bày và bán sách của một số nhà xuất bản quen thuộc. Trong hội sách cũng có những hoạt động văn hóa như trưng bày sách cổ, giao lưu, hội thảo về sách, đọc sách... Lại sắp tốn tiền rồi đây...

Khoảng đầu tháng tôi có đọc được trên một trang báo mạng một bài nói về buổi tọa đàm ở trường THPT Quốc Học Huế. Trong buổi tọa đàm có nhà ngoại giao, nhà văn, ca sỹ, và khoảng 500 bạn trẻ yêu sách tại Huế. Chủ đề của buổi tọa đàm là chọn sách đọc, dễ hay khó? Sách bây giờ nhiều lắm, vào một nhà sách thì thấy, không như vài thập kỷ trước. Sách được in trên giấy đẹp, trình bày bắt mắt, đủ mọi tác giả, đủ mọi thể loại. Nhưng tôi vẫn thường nghe bạn bè nói bước vào nhà sách bây giờ thấy có rất nhiều đầu sách, nhiều khi đi một vòng chọn lựa rồi trở ra tay không, vì chẳng có cuốn sách nào hay để mua đọc.

Điều này có vẻ như một nghịch lý. Sách có vẻ như nhiều quá, mà cũng có vẻ như ít quá. Bạn có thể tìm được đủ đề tài trong đám sách bày bán. Thơ ca, văn chương nội ngoại xưa nay, lịch sử, triết học, khoa học đông tây kim cổ, cả loại sách xem tướng số, tử vi, chỉ tay, bói bài, đoán điềm giải mộng..., cho đến sách dạy làm vườn, nữ công gia chánh, dạy võ, nuôi chim, cá, gà chọi, và nghệ thuật yêu đương, tâm lý nam nữ... Chưa kể một rừng sách viết về tôn giáo...

Có lần một người bạn đến nhà chơi, thấy kệ sách của tôi người bạn nói, mua làm gì cho tốn kém để chật nhà. Bạn cũng thường xuyên đọc nhưng đọc trên mạng, và hay ngồi quán cà phê để đọc, trước thì trên một cái laptop, nay bằng một cái ipad nhỏ gọn như một quyển sổ tay, rất tiện lợi. Nghe bạn nói tôi chỉ cười trừ, vì đó là sở thích của bạn, có lẽ hợp thời thượng. Nói chung đọc trên sách giấy cổ điển, hay trên mạng bởi những thiết bị hiện đại, đó cũng chỉ là những phương tiện, cái quan trọng là ta đọc được những gì trong đó...

Tôi cũng thường tìm kiếm những thông tin trên mạng, và cũng thường tìm được những trang mạng rất hay, đọc được nhiều điều bổ ích. Nhưng những thông tin trên mạng cũng có một nhược điểm là nhiều khi không đáng tin cậy, hoặc có khá nhiều sai lạc, bởi tất cả những gì liên quan đến từ khóa ta muốn tìm hay dở gì đều hiện lên đó, muốn sử dụng lại phải sàng lọc, chọn lựa, đối chiếu... Cũng có những quyển sách mà trên mạng không có, nếu muốn đọc phải tìm đến sách in.

Nhưng nói thế không phải là ta có thể tìm được tất cả trong sách và cái gì sách viết cũng đúng, cũng tin ngay được. Chẳng hạn sách viết về tôn giáo, vào một nhà sách chuyên về sách Phật giáo, ta có thể thấy cả ngàn đầu sách. Nhưng không ít bạn muốn tìm hiểu về đạo Phật nói thử tìm sách đọc, đụng phải vài quyển rồi... thôi. Có sách viết cao, uyên bác quá đọc không hiểu, ngược lại có những sách do nhà xuất bản Tôn giáo xuất bản đàng hoàng, nhưng chỉ toàn thấy đề cao những phép lạ kiểu xin - cho, đọc thấy chán...

Nói chi đâu xa từ điển tiếng Việt, do những giáo sư và những nhà xuất bản có uy tín phát hành mà chữ nghĩa trong đó mỗi quyển mỗi khác, như một chữ ta thường gặp, trong Từ điển Chính tả thông dụng của GS. Nguyễn Kim Thản (NXB Khoa học Xã hội - 1995) viết là "Bánh giầy" (bánh chưng, bánh giầy), quyền Chính tả tiếng Việt của Hoàng Phê (NXB Đà Nẵng - TT Từ điển học - 1999) cũng ghi "Bánh giầy", thì quyển Từ điển Chính tả tiếng Việt của Như Ý - Thanh Kim - Việt Hùng (NXB Giáo Dục - 1995), ghi rõ những từ dễ viết sai lại viết là "bánh dày". Biết tin vào sách nào?

Học giả Nguyễn Hiến Lê (**), người đã viết và xuất bản trên 100 tựa sách từ những năm 50 của thế kỷ trước, ông viết về nhiều thể loại, nổi tiếng về loại sách dịch thuật Hán văn, Anh và Pháp văn có giá trị, và tủ sách Học làm người, có những quyển sách của ông tái bản đến 19, 20 lần. Trong quyển Tự học một nhu cầu thời đại, ông đánh giá cao quyển Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, nhưng đồng thời ông cũng viết, nếu muốn tìm hiểu về sử Việt chỉ đọc một quyển sách của Trần Trọng Kim thì không đủ, cần phải đọc thêm nhiều quyển sử khác, như Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam thực lục chính biên, hay Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh... Quyển Nho giáo của Trần Trọng Kim viết rất kỹ lưỡng, nhưng nếu muốn tìm hiểu về Nho giáo nên đọc thêm tập Khổng giáo phê bình tiểu luận của Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim viết nặng về duy tâm, còn Đào Duy Anh viết thiên về duy vật, hoặc quyển Phê bình Nho giáo của Ngô Tất Tố... Khi có nhiều nguồn tài liệu chúng ta sẽ có một cái nhìn khái quát hơn về vấn đề cần tìm hiểu, và khi đọc sách cần phải biết tìm tòi, chọn lọc, so sánh, suy nghĩ, lý luận... vì "Tin hết ở sách, thà đừng đọc sách" (Tận tín thư bất như vô thư - Mạnh Tử).

Ngày xưa trong 100 người chỉ may ra có 1 người biết đọc chữ Hán, chữ Nôm, và sách cũng không có nhiều để đọc, thì việc "Đi một ngày đàng học một sàng khôn" là điều dễ hiểu, mà khi xưa cũng không dễ có điều kiện ra khỏi lũy tre làng, cho nên đi cũng là một cách đọc từ cuộc sống. Cho đến tận bây giờ, cuộc sống vẫn luôn là một trang sách mở để chúng ta có thể đọc và học hỏi được rất nhiều điều. Du lịch, hay có khi công việc đây đó chính là con đường để mở mang kiến thức, trí tuệ, học được những sàng khôn. Nhưng hình như đa số người mình không nhận ra điều đó. Khi còn đi làm thỉnh thoảng cơ quan tổ chức du lịch, chừng như mọi người chỉ nghĩ đi để ăn chơi là chính, đến Huế, Hội An, hay ghé thăm một tháp Chàm, ra nước ngoài đến Angkor... chủ yếu là tranh thủ... diện quần áo chụp hình, gần như không có ai tìm hiểu về những nơi mình ghé thăm, về kiến trúc, lịch sử, văn hóa, cuộc sống của người dân ở nơi ấy... ngay cả với những người trẻ tuổi, họ chú tâm vào việc... nhậu bất kể lúc nào có thể, sáng đêm, đi như thế cũng có phần uổng...

Một lần gần đây tôi ghé một tiệm bán sách cũ, thấy có mấy cô học sinh tuổi khoảng chừng cuối cấp 2 mang một chồng sách đến bán, hoặc đổi lấy sách khác. Đấy là những quyển sách truyện tác giả trong nước có, sách dịch có, là loại sách viết cho tuổi "teen" đọc. Sách còn rất mới, in đẹp, tôi thường thấy bày bán khá nhiều nơi tiệm sách bây giờ. Nhưng chị bán hàng lắc đầu, nói tiệm không mua cũng không đổi, chị ấy nói, loại sách này bây giờ mua đọc một lần rồi bỏ, nếu bán tiệm chỉ thâu lại theo giá giấy cân ký bốn năm ngàn một ký. Mấy cô bé học sinh nói bố mẹ mua cho đến mấy trăm ngàn, rồi khệ nệ ôm về. Khi mấy cô học sinh đi khỏi chị bán hàng nói với tôi, loại sách này ít có giá trị, bán ở tiệm sách cũ chẳng có ai mua...

Đọc, và biết đọc những gì, hình như cũng không phải là dễ...



Ghi chú:

(*) Francois Mauriac (1885-1970), nhà văn Pháp, đoạt giải văn chương Nobel năm 1952.
(**) Nguyễn Hiến Lê (1912-1984), bút hiệu Lộc Đình, là nhà văn, nhà giáo, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, ông viết, dịch rất nhiều sách về đủ mọi thể loại với 120 tác phẩm, nhiều thế hệ ở miền Nam đã đọc sách của ông, sách của ông đã được tái bản rất nhiều lần, mang lại rất nhiều tri thức cho người đọc.



Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

Về miền Tây - Những cung đường.


Tuần trước tôi rời Saigon đi Bạc Liêu vào lúc 5g sáng khi trời còn tối, con đường ngắn nhất đến Bạc Liêu là đi qua đường cao tốc Saigon-Mỹ Tho rồi chuyển sang quốc lộ 1 thẳng một đường qua Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng rồi đến Bạc Liêu, lòng vòng thêm một vài nơi, đoạn đường dài gần 400 cây số, xêm xêm Saigon-Đà Lạt.


Đoạn cao tốc Saigon-Mỹ Tho mờ trong sương sớm.

Sáng sớm trên đường cao tốc mờ sương mù, những ngôi nhà ẩn hiện trên ruộng vườn, và khi bình minh thì mặt trời tháng 3 chói lọi vươn lên khỏi những hàng cây.


Bình minh nhìn từ đường cao tốc.

Đa phần đoạn đường mấy trăm cây số đi từ Saigon xuống Bạc Liêu bây giờ nằm trên quốc lộ 1A, trước năm 1975 gọi là quốc lộ 4. Xem lại sách vở thì ngày xưa gọi là con đường Thiên lý, hay con đường Cái quan. Con đường Thiên lý theo như tên gọi, là con đường chạy suốt theo chiều dọc của đất nước dài cả ngàn dặm, được đắp từ thế kỷ XIV đời nhà Trần, nối Thăng Long và Thanh Hoa (Thanh Hóa). Đến đời nhà Hồ đầu thế kỷ XV, đường Thiên lý đã đến Thuận Hóa. Dưới đời các chúa Nguyễn và các vị vua nhà Nguyễn, sau những cuộc chinh phục Chiêm Thành, những cuộc chiến tranh với anh em nhà Tây Sơn Nguyễn Huệ, con đường Thiên Lý được kéo dài tới Bình Định, Phú Yên, Biên Hòa, Saigon, Vĩnh Long, rồi đến tận Cà Mau. Đoạn cuối cùng đã đến Hà Tiên vào năm 1757.

Dưới thời Gia Long nhà vua cho sửa sang và mở rông nhiều đoạn, xây thêm cầu cống, đặt nhiều trạm nghỉ, cứ khoảng 15 cây số có một trạm để làm nơi nghỉ (gọi là một cung đường), đổi ngựa, cho quan lại đi lo công việc nước, hoặc các phu trạm chuyển công văn, khiêng cáng cho quan, vì thế con đường Thiên lý còn được gọi là con đường Cái quan (*).


Cầu Cần Thơ bắc qua một nhánh của sông Hậu, ngày trước muốn qua phải đi bằng phà.

Về miền Tây là vùng chằng chịt sông rạch, ngày xưa qua khỏi Mỹ Tho là gặp những chuyến phà, bắc ngang qua sông Tiền và sông Hậu. Đi Bến Tre (trước năm 75 là tỉnh Kiến Hòa) phải qua phà rạch Miễu ngang qua Cồn Phụng nơi ông Đạo Dừa đóng đô một thời. Hoặc muốn đến Vĩnh Long phải qua phà Mỹ Thuận, đến Cần Thơ phải qua tiếp phà Cần Thơ... Ai có quê nhà ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có lẽ sẽ không bao giờ quên cảnh lên xuống, buôn bán tấp nập ở hai bên bờ lên xuống của một bến phà, có nhiều khi kẹt phà hàng giờ đông hồ, hành khách tha hồ có thời giờ ngắm dòng sông đục ngầu phù sa... Những chuyến phà về miền Tây giờ đây chỉ còn là ký ức.


Hình ảnh của một chuyến phà. Ảnh Internet

Ngoài những chuyến phà bắc qua những con sông lớn, ở miền Tây ngày xưa còn vô số những cây cầu sắt lót ván khá ọp ẹp, chỉ có thể chạy một chiều. Hai bên đầu cầu ngày trước có bót lính canh gác, vừa để giữ an ninh cho cây cầu vừa hướng dẫn giao thông. Khi có làn xe bên này cầu di chuyển thì làn xe ngược lại bị chặn ở đầu cầu bên kia, giống như kiểu đèn xanh đèn đỏ ở thành phố. Và khi xưa thời chiến tranh về miền Tây thường mất rất nhiều thời gian vì kẹt phà, cầu. Nhất là khi gặp những "convoi" (đoàn xe) nhà binh chuyển quân, có khi mất cả nửa ngày chờ đợi để qua một chuyến phà, hay cả giờ để qua một cây cầu sắt...


Những cây cầu sắt như thế này thỉnh thoảng vẫn còn thấy ở miền Tây Nam bộ.

Hôm bữa đi Bạc Liêu buổi trưa ghé vào chùa Dơi, phía trước chùa là những hàng quán, tôi ghé mua mấy cái giỏ nhỏ đan bằng tre, năm, mười ngàn đồng một cái, thấy bên cạnh có chiếc xe đẩy bán bánh "tai yến" nhưng đề là "tay yến", hihi, cũng một kiểu viết đúng chánh tả Nam bộ.

Giỏ đan bằng tre.

Bánh tay yến.

Cũng ở Sóc Trăng khi buổi trưa ngày hôm sau trở về ghé lại, nghe nói món bún nước lèo Sóc Trăng nổi tiếng, tôi đã hỏi thăm người dân bán hàng bên đường xem có nơi nào ăn bún nước lèo ngon không?. Sau khi được tận tình chỉ dẫn xe chạy đến một quán rất bình dân bên bờ sông Maspéro còn gọi là sông Cầu Quay, dòng sông hằng năm diễn ra cuộc đua ghe ngo hào hứng của người Khmer Sóc Trăng. Quán "Cây nhãn" nằm bên cạnh một cái đình nhỏ có vẻ cổ tên gọi là đình "Ông Bắc", quán Cây nhãn, nhưng đây chỉ là cách gọi của người dân địa phương vì không thấy có bảng hiệu, bàn ghế nhựa thấp đặt dưới tán của một cây nhãn thấp cong queo có một vẻ già cỗi. 

Tô bún nước lèo giá cả bình dân (chưa đến 30 ngàn đồng, so với Saigon là quá rẻ) rất ngon, gồm đủ thứ, thịt quay, một miếng cá lóc phi lê không có đến một cọng xương dăm, mấy con tôm..., đặc biệt trong tô bún nước lèo chỉ có hẹ và một ít rau chuối xắt sợi, không có hành lá như ăn phở... Quả thật tô bún nước lèo Sóc Trăng có vị thơm của mắm, ăn ngọt ngào, khác hẳn mùi vị của tô bún nước lèo Saigon. Buổi trưa ghé trời nắng nóng, ngồi dưới tán cây nhãn hứng gió mát từ bờ sông thổi vào, xì xụp húp tô bún nghe chiếc máy hát trong quán "mần" một bản cải lương "mùi mẫn" thật đúng điệu miền Tây Nam bộ... Có điều hơi tiếc, xuống xe không mang theo máy chụp hình nên tôi không chụp được cây nhãn ở quán.

Tô bún nước lèo Sóc Trăng. ảnh Internet.

Về miền Tây, cái còn đọng lại trong tôi là người dân miền Tây Nam bộ vẫn còn giữ được rất nhiều vẻ chất phác. Nhưng một kinh nghiệm là khi đi xa dù là du lịch hay không chủ đích du lịch, nếu có thể được đừng hỏi han mua bán gì ở những nơi thờ phượng đông đúc khách hành hương (như khi đến Bà chúa Xứ Châu Đốc), hay những hàng rong, hàng quán có người níu kéo, chào mời du khách, ở những nơi đó ít gặp được người đàng hoàng. Trái lại, ở những nơi bình thường khác, khi về miền Tây, tôi luôn bắt gặp những nụ cười, những chỉ dẫn rất tận tình của người dân, từ đám trẻ em mặt mũi đen nhẻm nhếch nhác ven đường, cho đến những người dân buôn gánh bán bưng, bác xe ôm... Họ rất tử tế.

Nhà thờ Sóc Trăng.

Khi dừng lại hỏi đường, tôi luôn gặp được những chỉ dẫn tận tâm, hình như họ rất vui khi được tiếp xúc, giúp đỡ người khác. Có bác tài xe ôm dọc đường sau khi chỉ đường còn cẩn thận dặn, đoạn đường ấy xe chỉ được chạy 40 cây số giờ thôi, chạy quá công lộ nó phạt giữ giấy xe phải quay lại lấy mệt lắm... Ngày xưa người dân Nam kỳ lục tỉnh đã nổi tiếng hiền hòa, hiếu khách, "tứ hải giai huynh đệ". May thay điều này vẫn chưa phai nhòa trong lòng những người dân Nam bộ...


(*) Theo Từ điển Ngôn ngữ Văn hóa Du lịch Huế xưa, Trần Ngọc Bảo, NXB Thuận Hóa - 2005.



Saigon, những ngày nắng cuối tháng 3 - 2014.






Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Về miền Tây - Ghé xem nhà Công tử Bạc Liêu.

Khu Nhà lớn của gia đình Công tử Bạc Liêu nằm bên bờ sông Bạc Liêu. Ảnh Internet.

Đến Bạc Liêu cũng còn sớm, tranh thủ ghé xem nhà Công tử Bạc Liêu tại TP. Bạc Liêu. Đây là một khu dinh thự nằm bên bờ sông Bạc Liêu, còn được người dân Bạc Liêu gọi là "Nhà lớn", do ông Trần Trinh Trạch thân phụ của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy xây dựng từ năm 1919. Khu nhà được xây cất với bản thiết kế của các kỹ sư Pháp và toàn bộ vật liệu nhập cảng từ Pháp, từ viên gạch lát đến từng cái bù lon con tán. Nội thất trong nhà từ đồ gỗ, đồng, sành, sứ thứ gì cũng thuộc loại thượng hạng.

Ảnh của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy và vợ là bà Ngô Thị Đen.

Tượng thờ của ông bà Hội đồng Trần Trinh Trạch và ảnh của vợ chồng Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy.

Về từ ngữ Công tử Bạc Liêu có hai nguồn lý giải. Thứ nhất được hiểu là từ ngữ để chỉ chung cho giới đại điền chủ giàu có từ  thời Pháp giỏi ăn chơi có nhiều ở miền Bạc Liêu Nam bộ khi xưa, đám này là con cái những bá hộ, đại điền chủ, sau được gộp chỉ chung những nhà giàu ở các tỉnh khác như Cần Thơ, Mỹ Tho... Cách hiểu thứ nhì được nhiều người biết là để chỉ riêng cho cậu Ba Huy, tức ông Trần Trinh Huy cũng còn gọi là Hắc Công Tử do ông có nước da ngăm đen, đối lại là Bạch Công Tử George Phước do có nước da trắng hơn ở Tiền Giang - Mỹ Tho là con một phú hộ giàu có, cũng thuộc loại ăn chơi nức tiếng. Cái tên Công tử Bạc Liêu được người đời gán cho cậu Ba Huy cũng bởi tài ăn chơi và cái ngông không ai sánh bằng của ông, như việc ông là người Việt đầu tiên sở hữu và tự lái máy bay riêng (trước đó vua Bảo Đại cũng đã có máy bay cá nhân, nhưng ông Bảo Đại là vua và tiền mua máy bay là của ngân khố quốc gia), hoặc giai thoại ông đốt tờ giấy bạc một trăm đồng trong chuyện chơi ngông cùng Bạch Công Tử.


Xe hơi và xe kéo của gia đình Công tử Bạc Liêu.

Ông là người con thứ hai của ông Hội đồng Trạch (Trần Trinh Trạch) và người vợ là con gái của Bá hộ Phan Văn Bì là cô Tư Phan Thị Mùi, cô tuổi Mùi nhưng khi khai sanh thày Chánh lục bộ ghi sổ bộ theo "đúng kiểu chánh tả Nam bộ" là Phan Thị Muồi, Ở miền Nam vào những năm đầu thế kỷ XX dân gian có truyền tụng câu: "Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Trạch" (*), đây là bốn phú hộ lừng danh Nam kỳ lục tỉnh với ruộng đất cơ ngơi thẳng cánh cò bay. Còn Bá hộ Bì là cha vợ của Hội đồng Trạch mà người miền Bắc gọi là ông nhạc, là một người giàu có nhất Bạc Liêu thời Bá hộ Bì sanh tiền, được phong là vua lúa gạo.



Bàn ghế bằng gỗ quý khảm xà cừ.

Thực ra tên do cha mẹ đăt của Công tử Bạc Liêu là Trần Trinh Qui chứ không phải Trần Trinh Huy, bởi ông Hội đồng Trạch đã đặt tên cho các người con theo "thủy tộc". Bắt đầu từ tên ông là Trạch, người con đầu của ông là Đinh, rồi Qui, Thu, Đông... Qui là một trong tứ linh Long, Ly, Qui, Phụng nhưng tại sao Công tử Bạc Liêu lại chê cái tên do cha mẹ chọn này? Chẳng qua sau khi đi Tây du học về cậu Ba nhận thấy chữ Qui khi đi đôi với chữ... đầu là "Qui đầu" nghe không được lịch sự. Người Nam bộ khi nói chữ Qui và Huy phát âm giống nhau (cùng phát âm là Guy), cho nên cậu Ba đổi luôn Qui thành Huy cho tiện.



Giường, ghế, bàn bằng gỗ quý.

Những chuyện thực hư hay giai thoại ăn chơi của Công tử Bạc Liêu thì nhiều vô kể, như chuyện ông sắm máy bay riêng lấy cớ là để đi kinh lý ruộng đất của gia đình (từ thời ông Hội đồng Trạch gia đình Công tử Bạc Liêu đã có trên 100.000 ngàn mẫu ruộng lúa và gần cả trăm ngàn mẫu ruộng muối ở khắp vùng Bạc Liêu, Cà Mau), chuyện ông đốt tiền thi đua cùng Bạch Công Tử. Công tử Bạc Liêu cũng còn là một tay máu me cờ bạc có tiếng, có những khi ông đánh một cây bài đến 30.000 ngàn đồng thời bấy giờ trong khi lương của Thống đốc Nam kỳ chưa tới 3.000 đồng. Công tử Bạc Liêu còn là người có sáng kiến đứng ra tổ chức hội chợ đấu xảo và thi "Hoa hậu miệt vườn" thời ấy. Kết quả là cả hoa hậu lẫn á hậu đều trở thành thê thiếp của ông.

Cũng có câu chuyện khác là trong một lần lái máy bay thăm điền ở Rạch Giá, hứng chí ông đã bay ra biển Hà Tiên chơi, đến khi máy bay hết xăng phải đáp khẩn cấp ông mới hay đang ở đất Xiêm. Người Xiêm bắt ông về tội xâm phạm không phận phạt vạ 200 ngàn giạ lúa, báo hại ông Hội đồng Trạch phải cho chở một đoàn thuyền lúa sang nộp phạt để lấy nguòi và máy bay về. Lần khác ở quê nhà ông thuê cả chục chiếc xe kéo tay, ông ngồi một chiếc, các xe khác xe để cái mũ, xe để cây ba toong, xe để cái cặp táp... Những lần ông đi Cần Thơ, Vũng Tàu, Đà Lạt, Saigon... nghỉ mát là những cuộc ăn chơi bất tận với những bàn tiệc đầy rượu sâm banh cùng bạn bè, và dĩ nhiên không thể thiếu... em út mà thời ấy gọi là ca ve.

 Đĩa sứ cổ.

Độc bình cổ bằng sơn mài.

Ông có đến bốn bà vợ và vô số nhân tình. Người vợ đầu không chính thức là một cô đầm khi ông du học ở Pháp có với ông một người con, người vợ thứ hai (trên giấy tờ là vợ chính thức) ông lấy sau khi về nước ở Bạc Liêu là bà Ngô Thị Đen, có một người con là cô Hai Lưỡng (Trần Thị Lưỡng). Cô này được gởi đi học ở trường Couvent des Oiseaux trên xứ sở sương mù Đà Lạt, cô lấy ông Nguyễn Duy Quang làm thơ ký cho Hoàng đế Bảo Đại, sau ly dị rồi qua Pháp sống. Từ năm 1945 ảnh hưởng thời cuộc, cậu Ba Huy lên sống hẳn ở Saigon lấy bà Nguyễn Thị Hai sanh 3 người con là Thảo, Nhơn, Đức. Bà vợ thứ tư cuối của ông khi ông ở Saigon trên đường Nguyễn Du lấy vào năm 1960 là con một người... sửa xe đạp, cô này con nhà nghèo hằng ngày phải đi gánh nước nhưng rất đẹp, sắc đẹp của cô khiến Công tử Bạc Liêu đã sáu mươi vẫn còn mê mẩn, cô thua ông đến mấy chục tuổi. Việc lấy cô gái này ông đã đề nghị với ông già sửa xe đạp... đổi một căn nhà phố lầu. Và cho đến khi ông mất vào đầu năm 1974 thì ông đã kịp có thêm với bà vợ cuối này đến... bốn người con, ba trai một gái là Hoàng, Toàn, Trinh, Nữ. Kể ra cuộc đời tình ái của ông thật đáng nể, xứng danh Công tử Bạc Liêu.

 Những giỏ mây đan để đựng vật dụng trong nhà của người Hoa.

Đèn manchon treo trong nhà.

Trong tất cả những người con của Công tử Bạc Liêu bây giờ chỉ còn nghe nhắc đến ông Trần Trinh Đức, là con của bà Nguyễn Thị Hai với ông. Tuy là con của một Công tử giàu có nứt đố đổ vách, nhưng cuộc đời của ông Trần Trinh Đức không mấy suôn sẻ. Trước năm 1975 ông Đức cũng thừa hưởng máu ăn chơi của cha, nhà hàng vũ trường thâu đêm. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 tài sản cha ông để lại bị tịch thu, anh em, con cháu ly tán bỏ đi tứ xứ. Gom góp được ít vốn liếng ông Trần Trinh Đức cùng vợ con ở Saigon buôn bán nhỏ sinh sống, chẳng may cô con gái duy nhất bị lừa cả tình lẫn tiền khiến ông Đức phải bán cả nhà cửa đồ đạc cũng không trả hết nợ, cô con gái lâm bịnh tâm thần, bị chủ nợ đe dọa gia đình ông phải lánh lên Nam Vang một thời gian. Ông phải làm đủ thứ nghề kiếm sống, buôn bán lặt vặt, chạy xe ôm.

Ông Trần Trinh Đức, con trai Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy trong khu nhà xưa của gia đình.

Sách viết về Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy.

Sau những năm tháng lênh đênh, năm 2009 gia đình ông Đức được sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm, đã trở về Bạc Liêu, ngày ngày ông đến ngôi nhà cũ của cha ông, nay là khu du lịch ngồi ôn lại quá khứ, gặp gỡ trò truyện cùng những du khách, với những ai muốn tìm hiểu về đại gia đình Công tử Bạc Liêu lừng lẫy một thời. Ông phô tô quyển sách viết về cha ông là Công tử Bạc Liêu tặng lại du khách khi có người nhã ý biếu ông tiền cà phê... Hôm tôi ghé xem nhà Công tử Bạc Liêu, xin chụp ông một tấm hình và cũng nhận được một quyển sách có chữ ký của ông... Năm nay ông Đức đã gần 70, tuy nhiều năm phong trần nhưng trông còn rất phong độ, quả không hổ danh hậu duệ của một Công tử lừng danh một thời.

Nói về đại gia đình của Công tử Bạc Liêu thật đúng với câu "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời". Nếu tính từ đời ông Hội đồng Trạch là đời thứ nhất, được hưởng trọn phú quý, đến đời Công tử Bạc Liêu tức cậu Ba Huy là đời thứ nhì, đến lúc ông mất vào năm 1974 tuy gia cảnh đã sa sút, nhưng gia đình Công tử Bạc Liêu vẫn còn của ăn của để. Duy đến đời thứ ba (đời của ông Trần Trinh Đức), thì cơ ngơi đã hoàn toàn sụp đổ. Từ khoảng những năm 1940 ảnh hưởng thời cuộc, chiến tranh, việc thâu huê lợi và đất đai của gia đình Công tử Bạc Liêu đã giảm đáng kể. Vào thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu có chương trình "Người cày có ruộng", chính quyền ra Sắc lệnh mua lại ruộng đất của điền chủ chia cho nông dân, gia đình ông được bồi thường một số tiền rất lớn (không thấy tài liệu nào nêu con số). Anh em, con cháu họp lại gởi số tiền ấy vào nhà băng lấy lời chia nhau sinh sống. Chẳng được mấy năm tiếp đến sự kiện 30 tháng tư năm 1975, tiền gởi nhà băng mất, gia sản bị tịch thu, thiệt là "của chùa lại trả cho Bụt".


(*) Bốn nhân vật giàu có Nam kỳ lục tỉnh năm xưa:

- Nhất Sĩ là ông huyện Sĩ (1841-1900), tên khai sinh là Lê Nhứt Sĩ, sau đi du học ở Mã Lai về đổi thành Lê Phát Đạt, là ông ngoại của Nam Phương Hoàng hậu, một người mộ đạo, đã bỏ tiền của xây ngôi nhà thờ Huyện Sĩ và nhà thờ Chí Hòa ở Saigon, con trai của ông là kỹ sư Lê Phát Thanh cũng đã xây ngôi nhà thờ Hanh Thông Tây ở Gò Vấp.

- Nhì Phương là ông Đỗ Hữu Phương (1841-1914), sanh tại Saigon, đắc lực theo Pháp được phong hàm Tổng đốc nên còn gọi là Tổng đốc Phương (Tổng đốc Phương được đặt tên cho một con đường ở Chợ Lớn, bây giờ là Châu Văn Liêm).

- Tam Xường là Bá hộ Xường, tên thật là Lý Tường Quan (1842-1896), là người Minh Hương chống nhà Thanh đến Việt Nam lánh nạn. Cơ ngơi bề thế của ông trên đường Hải Thượng Lãn Ông hiện nay được xếp hạng kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

- Tứ Trạch là phú hộ Trần Trinh Trạch (1872-1942). Ông gốc người Minh Hương Bạc Liêu, xuất thân con nhà nghèo phải đi làm mướn, nhờ lanh lợi được chủ cho "đi học thế" thay người con trai. Nhờ có chữ nghĩa nên sau làm việc cho Tòa bố tỉnh Bạc Liêu (Tòa hành chánh tỉnh), được Bá hộ Bì là người giàu nhất tỉnh Bạc Liêu thời đó gả con gái. Xuất thân từ nghèo khó ông chí thú làm ăn và phất lên từ đó. Năm 1927 ông làm Chánh hội trưởng ngân hàng Việt Nam (chủ tịch Hội đồng quản trị ngày nay), trụ sở đặt tại Saigon.


Tham khảo:

- Công tử Bạc Liêu, Nguyên Hùng, NXB CAND - 2005.
- Trang mạng Wikipédia.