Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Lễ hội.



Tết vừa rồi công chức được nghỉ gần 10 ngày, mấy ngày trước tết và cả tuần lễ ăn tết, học sinh còn được nghỉ nhiều hơn nữa, tha hồ đi du lịch đây đó, gặp gỡ, nhậu nhẹt lu bù... Chẳng bù cho khoảng mấy thập niên trước, trưa 30 mới được nghỉ và mùng 3 đã đi làm trở lại. Đi du lịch mãi cũng chán, làm sao cho hết thời giờ? Thế là phải bày ra lễ hội, đủ mọi thứ lễ hội, khôi phục lại lễ hội cũ xưa xưa, bày thêm lễ hội mới. Lễ hội, dù sao nghe cũng... văn hóa hơn nhậu nhẹt hay cờ bạc, lắc... bầu cua cá cọp.

Lễ hội theo như tên gọi gồm hai phần, một phần là Lễ (rite) có tính chất nghi thức thiêng liêng hướng về những vị thần linh được người dân tôn thờ, trong lễ thường có cúng, rước..., phần kia là Hội (fête) được dành cho mọi người đến dự lễ, vui chơi, vãn cảnh, xem thi tài, nghe hát xướng, giao lưu...  Nhà văn Toan Ánh, một người chuyên nghiên cứu về phong tục tập quán Việt Nam gọi Lễ hội là Hội hè đình đám, ông đã viết nhiều quyển sách về Hội hè đình đám ở Việt Nam, nhất là ở miền Bắc khi xưa, cho chúng ta một cái nhìn về quá khứ. Đấy là những lễ hội ngày xưa, ngày nay theo cuộc sống hiện đại, những lễ hội mới được du nhập từ phương Tây, như ngày lễ Giáng sinh (25-12). Lễ Tình nhân (14-2), ngày Phụ nữ (8-3), Haloween (tối 31-10)... Nếu lễ hội truyền thống được tính ngày theo âm lịch, thì những lễ hội mới được tính theo dương lịch.

Việt Nam là một nước từ xa xưa cuộc sống của người dân đã gắn liền với nông nghiệp, cho nên những lễ hội truyền thống ngày xưa nhất là ở miền Bắc thường được tổ chức vào mùa xuân và mùa thu. Người xưa hay nói "Xuân thu nhị kỳ", là dịp người dân rảnh rỗi sau vụ cấy lúa chiêm vào tháng chạp, và lúa mùa vào tháng bảy. Tháng giêng, tháng hai và tháng tám là lúc dân quê được nghỉ ngơi sau khi lúa đã cấy xong, hoa màu phụ cũng đã trồng, chưa đến kỳ gặt hái. Tuy nhiên mùa xuân vẫn là mùa có nhiều lễ hội nhất ở nước ta, chẳng thế mà có câu ca dao:

Tháng Giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè.

Theo thống kê thấy ghi trên báo chí ở Việt Nam hiện nay có khoảng 8.000 (tám ngàn) lễ hội lớn nhỏ mỗi năm, nếu chia cho ba trăm sáu mươi lăm ngày vị chi mỗi ngày chúng ta có chừng 22 lễ hội, một con số thật đáng kể (và đáng nể), ấy là những lễ hội ghi nhận được. Không hiểu các nước khác ở khu vực, hoặc trên thế giới tình hình lễ hội của họ ra sao? Có "địch" lại được với nước ta về mặt lễ hội vui chơi này không?

Đọc trong sách thì thấy xưa nay (nhất là ngày xưa) đa số những lễ hội ở nước ta thuộc các tỉnh miền Bắc, như ở Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hà Tây, Thái Bình, Nam Định..., miền Nam ít lễ hội hơn. Tôi thử điểm qua một số lễ hội quen thuộc được nhiều người biết đến ở miền Bắc:

- Hội chùa Hương ở Hà Tây (từ mồng 6 tháng Giêng đến 15 tháng Ba), đây là một hội có thời gian dài nhất, và không gian rộng nhất, trẩy hội chùa Hương là để vãng cảnh, đi thuyền trên dòng suối Yến, leo núi với những tên gọi như núi Đụn, núi Soi, núi Quy, núi Phượng, núi Voi, núi Mâm Xôi, núi Con Gà... hòa mình với thiên nhiên... với những cảnh chùa Tiên, chùa Giải Oan, động Hương Tích (động Hương Sơn, chùa Trong)... Có lẽ chúng ta ai cũng biết bài thơ nổi tiếng của nhà thơ mệnh yểu Nguyễn Nhược Pháp:

 Hôm nay đi chùa Hương
 Hoa cỏ mờ hơi sương
 Cùng thày me em dậy
 Em vấn đầu soi gương...





Trẩy hội chùa Hương. Ảnh Internet.

- Hội Lim (ngày 10 đến 13 tháng Giêng) ở Bắc Ninh cũng là một lễ hội nổi tiếng với tục hát Quan họ, là một tục lệ hát đối đáp giữa hai bên trai gái, còn gọi là liền anhliền chị. Chúng ta hãy nghe một câu hát giữa những liền anhliền chị:

Liền anh:
Hôm nay là buổi hội Lim,
Nhớ em nên phải đi tìm em đây.
Nhất niên, nhất lệ một ngày,
Đôi ta tỏ nỗi niềm tây tự tình.

Liền chị:
Em xin Trời Phật chứng minh, 
Lòng em vẫn ước ao tình hôm nay.
Trầu ăn ta lại càng say,
Càng say nhớ buổi hôm nay càng nhiều.


Những liền anh, liền chị hát quan họ trong nhà, hay ở bờ ruộng, cửa chùa, bên đình, dưới thuyền, hay trên đồi như ở hội Lim. Họ say sưa hát mặc cho cái giá lạnh tháng Giêng miền Bắc, cho đến chiều tối phải chia tay giã bạn:

Người về bỏ bạn sao đành,
Người về em vẫn đinh ninh tấc lòng.
Người về bỏ vắng phòng không,
Người về, em vẫn nay trông mai chờ.

Cuộc chia tay bịn rịn, đầy lưu luyến, và họ lại hẹn nhau đến kỳ hội sau.



Những liền anh, liền chị quan họ. Ảnh Internet.

- Hội đền Cổ Loa (từ mồng 6 đến 18 tháng Giêng) ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh - Hà Nội. Đền Cổ Loa thờ An Dương Vương, cùng với truyền thuyết Loa thành do thần Kim Quy giúp vua xây dựng, và câu truyện tình đẫm lệ của Trọng Thủy - Mỵ Châu cùng giếng Ngọc. Trong dân gian còn lưu truyền câu: "Chết thì bỏ con bỏ cháu, sống thì không bỏ mồng 6 tháng Giêng", để nói lên sức hấp dẫn của hội đền Cổ Loa. Hội đền Cổ Loa gồm phần lễ là rước kiệu, với sự tham dự của làng Cổ Loa và các xã lân cận, còn hội là những trò vui như đấu vật, cờ người, chọi gà, chơi đu, tổ tôm, hát chèo, hát tuồng, múa rối nước, hát cửa đình...


Hát cửa đình. Ảnh Internet.

- Lễ hội Phủ Tây Hồ - Hà Nội (xưa hội nhằm mồng 7 tháng Ba, nay từ mồng 1 đến 15 tháng Giêng) tại bán đảo Hồ Tây, quận Tây Hồ. Phủ Tây Hồ thờ Liễu Hạnh Công Chúa (Mẫu Liễu Hanh) với truyền thuyết công chúa Liễu Hạnh gặp Trạng Bùng (Phùng Khắc Khoan). Hội phủ Tây Hồ ngày xưa có tục rước mã, gồm có kiệu long đình, kiệu bát cốngkiệu võng, kiệu long đìnhbát cống do các chàng trai khiêng, còn kiệu võng do các cô gái. Lễ hội phủ Tây Hồ cũng có những buồi hầu đồng với những giá đồng trước bàn thờ thánh, và hát chầu văn...


Một buổi hầu đồng. Ảnh Internet.

- Hội chọi trâu ở Đồ Sơn - Hải Phòng (chính hội ngày mồng 10 tháng 8 vào mùa thu) với câu ca dao:

Dù ai buôn đâu, bán đâu,
Mồng mười tháng tám chọi trâu thì về.
Dù ai buôn bán trăm nghề,
Mồng mười tháng tám thì về chọi trâu.

Tuy hội chọi trâu chỉ mở trong một ngày, nhưng trước đó cả nửa năm hay hơn nữa người được chọn nuôi trâu chọi nơi các làng, xã trong vùng đã phải tuyển cho được con trâu chiến để mang về nuôi dưỡng, huấn luyện rất công phu (trâu được chọn dân làng kính cẩn gọi là Ông trâu), những việc này chỉ dành cho nam phụ nữ không được tham dự. Sau khi hội chọi trâu bế mạc, theo tục lệ tất cả các Ông trâu chọi thắng thua đều được làng mang về mổ thịt khao cả hàng Tổng.



Chọi trâu và tranh dân gian chọi trâu. Ảnh Internet.

- Hội vật Liễu Đôi - Hà Nam (thôn Liễu Đôi, xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, từ mồng 5 đến mồng 10 tháng Giêng, chính hội mồng 5 tháng Giêng). Không khí lễ hội bắt đầu từ ngày 28 tháng Chạp với sự chuẩn bị của dân làng, già trẻ lớn bé, cờ xí. sáng mồng 5 mở đầu là lễ rước Thánh vào dóng. Thánh là chàng trai họ Đoàn người anh hùng chống quân xâm lược phương Bắc được thờ ở miếu cách sới vật khoảng một cây số.

Đặc điểm của hội vật Liễu Đôi là không chỉ có các đô vật trai trẻ thi đấu, trẻ con 5, 6 tuổi cũng cởi trần đóng khố dự thi, các cụ già như trẻ lại tham gia biểu diễn những bài quyền, đao, kiếm... cùng lớp trẻ. Riêng cánh phụ nữ nhiệt tình cổ vũ cho các đô vật "gà nhà". Ngoài đấu vật trong hội Liễu Đôi còn có hát đối đáp, thi tài nấu ăn khéo léo của cánh phụ nữ, với các món ăn dân dã như lươn, gà đồng (ếch), ốc, chè bà cốt...

Hội vật là để cổ vũ cho tinh thần thượng võ, rèn luyện sức khỏe để bảo vệ xóm làng, đất nước...



Một hình ảnh về thi vật và tranh dân gian về đấu vật. Ảnh Internet.

- Hội pháo Đồng Kỵ - Bắc Ninh (xã Đồng Quang, huyện Tiên Sơn, từ Mồng 4 đến mồng 6 tháng Giêng, ngày hội chính mồng 4). Điểm đặc biệt của hội pháo Đồng Kỵ (tên dân gian là hội pháo đình Còi) là thi pháo đại, để tưởng nhớ Thành Hoàng của làng là ông Cương công, một vị tướng có công dẹp giặc thời Hùng Vương. Ở vào thời xưa (1923) dân làng đã làm ra quả pháo kỷ lục dài 15m, đường kính 1,52m. Khi làm pháo thi phải chọn những người tuổi từ 18 đến 50, nhà không có tang, người tán thuốc pháo phải chay tịnh, quy trình làm pháo rất nghiêm ngặt vì rất nguy hiểm. Quả pháo làm ra được trang trí rất đẹp.

Sáng mồng 4 khai hội là lễ rước pháo đến nơi thi là đình làng, pháo được rước trên kiệu để đi đến đình, khi nâng kiệu lên vai một tràng pháo được đốt, và cứ đi được vài thước lại đốt một tràng khác, trong tiếng hò reo của làng xóm. Trong hội pháo Đồng Kỵ cũng có những loại pháo khác như pháo tép, pháo dây... Khi quả pháo đại dự thi được đốt dân làng phải đứng xa vì quả pháo nổ như quả bom, rung chuyển khắp làng.

Hội pháo Đồng Kỵ còn có thi đấu vật, thi bánh giầy, những trò chơi dân gian như đấu cờ người, chọi gà...



Lễ rước pháo. Ảnh Internet.

Trên đây là một vài lễ hội quen thuộc trong dân gian xưa - nay ở miền Bắc. Những lễ hội như hội pháo Đồng Kỵ có lẽ nay không còn nữa (do cấm đốt pháo). Theo thời gian những lễ hội đã có ít nhiều thay đổi, nhưng qua những thông tin truyền thông có điều đáng buồn là nhiều lễ hội đã mất đi vẻ đẹp dân gian vốn có thay vào đó là những bát nháo, với những cảnh giành giựt  (cướp cầu, cướp phết, hỗn loạn chen lấn ở Yên Tử, chùa Hương, nhét tiền lẻ vào tượng Phật..., hát Quan họ không phải giao lưu giữa các liền anh, liền chị mà để... ngả nón xin tiền). Việc cúng lễ không còn là để tưởng nhớ tiền nhân mà chủ yếu là bán ấn để cầu chức, cầu danh... (phát ấn Đền Trần)...


Nhét tiền lẻ vào tay tượng Quán Thế Âm. Ảnh Internet.


Một cảnh giẫm đạp "mua" ấn Đền Trần (Nam Định) năm 2011. Ảnh Internet.

Xem trên mạng thấy bây giờ vào dịp đầu năm (mồng 6 tháng Giêng) có hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Tiên Du - Bắc Ninh). Có nhiều ý kiến không đồng tình lễ hội này, người ta chém lợn, xả thịt ngay tại sân đình, trước mắt trẻ già trai gái, hình ảnh cho thấy rất dã man... Nhà văn Toan Ánh trong tác phẩm Hội hè đình đám của ông có nhắc tới hội Chém lợn, và một lễ hội ở Vĩnh Phú là hội thi Ông Đô được tổ chức vào dịp tháng Giêng đầu xuân. Ông Đô là những chú "ỉn" được dân làng chọn nuôi, vỗ béo, hằng ngày được cho ăn bún và đậu phụ. Đến hội thi những ông Đô được mang tới đình làng chấm giải, những Ông Đô phải có đủ những tiêu chuẩn: đẹp, nặng, lớn, chân tốt..., và một tiêu chuẩn bắt buộc phải là lợn đen tuyền, không có một cọng lông trắng nào. Thi Ông Đô có ý nghĩa để khuyến khích chăn nuôi trong người dân.


Cảnh cho lợn tiền lẻ trong đám rước bây giờ. Ảnh Internet.


Cảnh chém lợn giữa sân đình. Ảnh Internet.

Những Ông Đô sau khi chấm giải được người dân mang về mổ thịt, ngày xưa việc mổ thịt cũng là một nghi thức. Trai tráng mổ thịt phải là thanh tân, thịt mổ xong được phân ra làm nhiều tảng để trên những phên tre mang ra đình làng cúng thần Hổ và Thành Hoàng. Cúng xong mang về hàng Giáp phân chia cho mọi người.

Ngày xưa trong hội chọi trâu cũng thế, trâu thắng thua đều mang ra mổ thịt, nhưng trâu được mang về làng mổ, xong chia cho mọi người cùng hưởng, chứ không giết mổ tại chỗ và bán với giá mấy triệu đồng một ký ăn "lấy hên" như ngày nay...


Mổ thịt trâu chọi tại chỗ. Ảnh Internet.


Quầy bán thịt trâu chọi sau buổi hội. Ảnh Internet.

Ngoài những lễ hội dân gian có ý nghĩa tín ngưỡng, tưởng nhớ công ơn của tiền nhân, vãng cảnh, thi tài, vui chơi giải trí... Trong dân gian ngày xưa có những lễ hội mang ý nghĩa phồn thực, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, sinh sôi nảy nở, chẳng hạn những lễ hội sau:

- Hội bắt chạch trong chum: ở những địa phương như Tiên Du, Phú Mẫn, Mộ Đạo, Thuận Thành, Vinh Lạc (Bắc Ninh), hay làng Hổ Khẩu xưa (Hà Nội). Vào ngày hội người ta đặt những chiếc chum nơi sân đình, trong chum có một con chạch. Người chơi là một đôi nam, nữ, khi chơi hai tay của nam nữ phải quàng qua ôm eo nhau, tay kia mò vào trong chum để bắt chạch. Con chạch giống như con lươn rất trơn nhớt, khó bắt. Trong lệ chơi thì cặp trai gái bắt chạch không được quá chú trọng về ôm eo, cũng như việc mò bắt chạch, phải "ôm bắt đề huề". Người chơi và người xem rất hào hứng và không phải chỉ có những cặp trẻ tuổi tham dự, cũng có những cặp "sồn sồn". Cặp đôi nào bắt được con chạch sớm nhất sẽ thắng cuộc.


Chơi đu và bắt chạch trong chum trên tranh dân gian. Ảnh Internet.


Trò chơi bắt chạch trong chum. Ảnh Internet.

- Lễ hội nõ nường, đây là một lễ hội có nguồn gốc rất xưa được ghi nhận trên trống đồng Ngọc Lũ, xuất hiện khắp vùng Đông Nam Á và vùng Tây Nam Trung Quốc. Ở Việt Nam đến khoảng những năm 1939 - 1944 vẫn còn ở vùng Lâm Thao - Phú Thọ. Lễ hội được cử hành ở miếu Trò là một ngôi miếu cổ ở rừng Trám (nay không còn). Miếu Trò thờ linh vật là sinh thực khí nam và nữ, tượng trưng bởi một khúc gỗ đầu bịt vải đỏ gọi là "nõ" (sinh thực khí nam), và một bẹ mo cau gọi là "nường" tượng trưng cho sinh thực khí nữ. Ở nơi khác nõ nường tượng trưng bằng chày và cối...

Trong buổi tối của lễ chính vào dịp đầu năm, đúng nửa đêm có tục Tắt đèn tháo khoán. Khoảng 20 phút đèn đuốc nơi đình miếu được thổi tắt, và mọi người dự lễ hội muốn làm gì thì làm... Ngày xưa phong kiến việc luyến ái rất nghiêm ngặt, phải chăng cũng là một dịp để người dân được "tháo cũi sổ lồng". Ý nghĩa của lễ hội phồn thực cũng cầu cho âm dương giao hòa, mùa màng tươi tốt, mọi vật sinh sôi nảy nở...


Nõ nường tân thời trông rất tục. Ảnh Internet.



- Chợ tình Khau Vai, đây là một loại "chợ tình" của vùng cao Tây Bắc độc đáo nhất Việt Nam, diễn ra vào ngày 27 tháng Ba âm lịch. Khau Vai là tên xã, huyện Mèo Vạc, Hà Giang, còn gọi là chợ tình Phong Lưu hay chợ tình Mèo Vạc, nơi có những sắc dân như Tày, Nùng, H'Mong, Giáy...

Gọi là chợ nhưng không phải đến để mua bán, chợ tình Khau Vai thuộc mọi lứa tuổi, mọi gia đình. Từ mờ sáng mọi người đã ra đi từ những bản làng có khi tận trên núi cao để đến chợ. Chàng trai H'Mong mang theo khèn, bầu rượu nấu bằng men lá trong vắt, những cô gái Tày, Nùng, Giáy... trong những bộ quần áo mới nhiều màu sắc... Có một điều rất đặc biệt người đã có vợ chồng đến để gặp lại, hay mong tìm lại người yêu cũ, có khi ngày này cả ông, bà, bố, mẹ, con cái cùng đến chợ tình. Những ông bà tóc đã bạc, lưng đã còng đến để ôn lại những kỷ niệm cũ, cha mẹ tìm lại người xưa (không ai bắt bẻ ghen tuông trong ngày này), hoặc nhớ lại chuyện tình ngày nào của mình, còn tuổi trẻ thì đi tìm cho mình người vừa ý...

Chiều xuống, ngày dần tàn mọi người lại quay trở lại bản làng, trước khi chia tay họ hát với nhau những lời chia ly và hò hẹn ở chợ tình năm sau...


Trai gái trong chợ tình Khau Vai. Ảnh Internet.


Điệu múa khèn của chàng trai H'Mong trong chợ tình. Ảnh Internet.


Tham khảo:

- Hội hè đình đám Việt Nam, Toan Ánh, NXB TP. HCM - 1999.
- Lễ hội Việt Nam, nhiều tác giả, PGS. Lê Trung Vũ, PGS. TS. Lê Hồng Lý đồng chủ biên, NXB Văn hóa Thông tin - 2005.
- Lễ hội dân gian Việt Nam, Vương Tuyển (sưu tầm - tuyển chọn), NXB Văn hóa Dân tộc - 2009.
- Văn hóa phồn thực Việt Nam, Lý Khắc Cung, NXB Dân Trí - Trung tâm Văn hóa Tràng An - 2010.





Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Tháng hai.


Năm nay năm con Ngựa, ngày tháng trôi qua cứ như... ngựa chạy, hihi. Thỉnh thoảng bày đặt lên mạng "lướt web" xem sự tình thiên hạ ra sao?, Chuyện giáo dục thì hôm nọ thấy vi đê ô cờ líp thày trò tung chưởng vào nhau như tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, hay phim kung fu Hướng Coỏng ngày xưa có Lý Tiểu Long đóng, hôm nay lại thấy thày "bợp" tai trò đến thủng cả màng nhĩ (Thanh Niên Online 21-2-2014). Y tế thì thấy bệnh sởi, thủy đậu thủy điện gì đó đang quay trở lại trên mấy chục tỉnh thành. Chuyện xã hội hãy nghe nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên (Viện nghiên cứu văn học) nói (Đại Đoàn Kết 22-2-2014): "Tôi tin chắc rằng chỉ cần siết chặt tiêu chuẩn ngoại ngữ là đã có thể giúp giảm bớt ít nhất hai phần ba số "tiến sĩ" giấy hiện nay, ít ra là trong lãnh vực tôi đang làm...".

Mới đây có tin Bộ GD-ĐT dự định bỏ ngoại ngữ ra khỏi môn thi chính trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, nghe mà choáng, không thi thì chắc chắn học sinh sẽ không bao giờ học. Báo Sài Gòn Tiếp Thị Online (22-2-2014) có bài "Không ngoại ngữ làm sao hội nhập?". Tờ báo viết ở các nước trong khối ASEAN như Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia và ngay cả Cambodia họ đều chú trọng đến ngoại ngữ, thậm chí từ bậc mầm non. Có lẽ cái ý định bỏ ngoại ngữ ra khỏi kỳ thi tốt nghiệp PTTH là của các ông tiến sĩ không biết ngoại ngữ, mà nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã nói bên trên chăng?

Chuyện văn hóa thấy người ta đang có đề án "Làm gì để Hà Nội thanh lịch?", khi thấy rằng bây giờ Hà Nội càng ngày càng ít thanh lịch. Hìhì, chuyện này làm nhớ mấy năm về trước người ta cũng đã thực hiện việc học tập "Đạo đức Hồ Chí Minh" trên cả nước (bởi thấy đạo đức bây giờ quá lênh đênh), học từ cấp cao đến cấp thấp, cán bộ lãnh đạo, công nhân viên chức, đến từng tổ dân phố, nhà nhà học, người người học, phát biết bao nhiêu tài liệu, giấy má (chắc in ấn tốn bộn bạc), ở cơ quan làm cả bản thu hoạch mỗi người, về tổ dân phố thì mỗi nhà ký bản cam kết phải sống sao cho đạo đức, chẳng biết có đi tới đâu?

Chỉ biết rằng cái thanh lịch mà người ta nói đến trước đây của người Hà Nội mà nay đã mai một, có lẽ không phải hình thành một sớm một chiều từ những đề án học tập hay mệnh lệnh của vua chúa, hay ông tây bà đầm nào cả, mà từ nếp giáo dục của gia đình, của học đường, cho đến xã hội, quan phải ra quan, sư ra sư, phụ ra phụ, tử ra tử, việc nào ra việc nấy... Và phải qua bao nhiêu thế hệ mới có được, mấy chục năm qua có lẽ cái thanh lịch đã theo sông Hồng mà trôi ra sông ra biển, bây giờ xem người ta đi lễ chùa, đi đền xin ấn, đi lễ hội mà giành giật như đi... ăn cướp. Rồi thêm đủ thứ chuyện linh tinh lung tung khác càng đọc càng thêm rối, hoa cả mắt. Xã hội gì như một mớ boòng boong. Chán quá bỏ cái còm piu tơ lại quay qua mấy quyển sách.

Trong một quyển sách viết về  đất Nam bộ khi xưa (Hậu Giang - Ba Thắc)*, cụ Vương Hồng Sển có nhắc đến câu mà người dân miền Nam của thập niên 50 thế kỷ trước hay nói "hũ bể vịm tan". Hũ là cái... hũ bằng sành, vịm cũng bằng sành tựa như cái tô bự không có nắp, xưa thường dùng để nhồi hay quậy bột làm bánh. Nhưng tại sao người dân Nam bộ lại nói thế? Hũ mà có bể hay vịm có tan thì có gì là lạ? Hũ và vịm chỉ là những đồ dùng rẻ tiền của người bình dân. Thì ra cụ Vương giải thích, người dân bấy giờ nói câu này để ám chỉ một điều khác, người miền Nam khi phát âm câu "hũ bể vịm tan", nghe như "hữu bể diệm tan", ý muốn nói dân đã quá chán ngán cái chánh quyền bù nhìn của Thủ hiến miền Nam (sau là Thủ tướng) Trần Văn Hữu (những năm 49, đầu 50), và chánh quyền Ngô Đình Diệm bấy giờ.

Không biết có phải là cái vịm không? Ảnh Internet.

Hay cái vịm là cái phía trên cao bên tay trái. Ảnh Internet.

Đọc đến đây tôi sực nhớ trong một entry gần đây tôi cũng viết về một quyển sách khác của cụ Vương Hồng Sển, bạn Marguérite đã nhắc đến cái "diệm" (bạn Marg. viết chữ diệm, nhưng nói thêm không rõ viết thế có đúng hay không?) để nói về cái "vịm" bằng sành nhồi bột, và cũng may là trong quyển sách ấy cụ Vương cũng có nói đến cái "vịm", và tôi đã hiểu ngay cái "diệm" mà bạn Marg. nói đến chính là cái "vịm" bằng sành dân gian xưa hay dùng. Thực ra trong những từ ngữ để chỉ những vật dụng dùng để đựng như lu, khạp, lọ, chum, vại, tô, thố, liễn, cơi (trầu), bình, tích, âu, be, nai, nậm (be, nai, nậm đựng rượu), tĩn (đựng nước mắm nay không còn thấy), vịm... thì tới lúc ấy tôi cũng mới được biết đến cái vịm, nghe lạ...

Trong sách Hậu Giang - Ba Thắc,  cụ Vương Hồng Sển có nhắc đến một món bánh bình dân ngày xưa thời cụ còn nhỏ đi học trường làng ở Sốc Trăng gọi là bánh xầy, một loại bánh làm bằng bột gạo chiên trong mỡ heo chứ không phải dầu. Bột được cho thêm đậu xanh ngâm để cả vỏ. Dạng bánh như thế ở Saigon người miền Bắc gọi là bánh đậu, cũng có người gọi là bánh tôm (vì có mấy con tôm thường để nguyên cả râu ria chân cẳng bên trên), làm ăn chung với bánh cuốn. Như các bạn đã biết, bánh cuốn của người miền Bắc (có người phát âm là quấn), là loại bánh ăn chơi, (thường ăn sáng, hoặc ăn xế chiều lúc đã ngót dạ), bánh bằng bột gạo hấp bằng hơi nước trên cái xửng vải, loại có nhân cuốn với thịt lợn bằm chung với củ sắn (củ đậu), mộc nhĩ..., loại không nhân thường nghe gọi là bánh ướt, ngày trước xưa xưa nghe nói có bánh cuốn Thanh Trì ăn chấm với nước mắm có pha thêm cà cuống thì ngon tuyệt. Bánh ướt hình như là cách gọi thông thường của người Saigon, còn khi xưa thời tôi còn nhỏ tôi chỉ nghe các cụ ở nhà gọi bánh cuốn nhân, để chỉ loại bánh có nhân thịt lợn bằm, còn loại không nhân (bánh ướt) gọi là bánh cuốn chay. Ở Saigon có nơi ở Đakao đường Đinh Tiên Hoàng bán bánh cuốn nhiều người biết là tiệm Tây Hồ.

Đĩa bánh cuốn nhân ăn chung với bánh đậu. Ảnh Internet.

Bánh ướt. Ảnh Internet.

Thử nghe cụ Vương tả lại cái bánh xầy giá một xu của chị Năm bán ở sân trường tiểu học:

"Lúc ấy bọn tôi ngồi học mà trông cho mau tới giờ ra chơi để chạy cho kịp mua giành mua giựt cái bánh một xu, chan cho ngập nước mắm ớt, không chan kịp thì cứ thả nguyên cái bánh vào tô nước mắm cho nó càng thấm càng hay, bánh cắn nóng hổi và giòn khớu, cắn một miếng nước mắm chảy vào cổ ngọt xớt nuốt tới đâu nó khoái tới đó. Nhứt là gặp buổi trời mưa lâm râm, bà đốc chằn (Mme F. Gros) bắt nhổ cỏ vườn rau, mình sẽ lén như hôm bị phạt, nhổ đại một cây củ cải non, không cần rửa ráy, phủi sơ sịa bằng tay cho sạch cát đất, rồi cắn chung với bánh xầy thì nó ngon thấu trời, không bánh Tây bánh Mỹ nào bằng".


Bánh cóng. Ảnh Internet.

Ở miền Nam vùng Sốc Trăng, Bạc Liêu theo cụ Vương Hồng Sẻn nói xưa gọi bánh này là bánh xầy, không thấy nói là gọi theo người Miên, Việt hay người Tàu, cụ Vương viết cũng không rõ là bánh của người nào làm ra. Ở Saigon tôi đã lâu tôi cũng có lần đi ăn một loại bánh như thế nhưng lại gọi là bánh cóng. Thử tra trên mạng thì thấy trang Wikipédia và nhiều trang mạng khác nói đây là "đặc sản" của người Miên Sốc Trăng, và gọi bằng tên bánh cóng, bánh cống. Có lẽ là bánh cóng, vì tôi thấy bánh được đổ vào những cái cóng (khuôn) bằng nhôm giống như loại làm đá trong tủ lạnh gia đình trước khi chiên.

Lâu lâu có dịp quay lại chuyện ăn uống, hìhì! Cái này chắc đáp ứng được yêu cầu của bạn MTB.


* Hậu Giang Ba Thắc - Ăn cơm mới nói chuyện cũ, Vương Hồng Sển, NXB Trẻ - 2012.



Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Bảo tồn.


Cầu Long Biên xưa. Ảnh Internet.

Đọc trên Thanh Niên Online thấy có mấy bài viết về cây cầu Long Biên bắc qua sông Hồng ở Hà Nội. Tôi không ở Hà Nội, ngoại trừ khoảng một, hai năm đầu đời cha mẹ tản cư từ Nam Định về đấy để rồi được bồng bế chạy tuốt vào Saigon, và cho đến nay sáu mươi năm đã trôi qua tôi cũng chưa lần nào có dịp đặt chân đến Hà Nội, cho nên những gì biết được về Hà Nội cũng chỉ qua sách báo, tranh ảnh. Mấy bài viết trên báo Thanh Niên là chuyện người ta đang bàn xem "xử" cầu Long Biên như thế nào trong việc cải tạo, quy hoạch lại chuyện giao thông Thủ đô.

Ba phương án do Bộ GTVT về cầu Long Biên:

1/- Sẽ xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại, di dời 9 nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn. 

Điều này khá lạ, "di dời để bảo tồn". Có một câu chuyện khác có kết cục tệ hơn là toàn bộ con đường sắt, có những đoạn leo dốc có răng cưa độc đáo cũng do người Pháp làm, từ Phan Rang lên Đà Lạt sau năm 1975 cũng bị tháo gỡ bán... ve chai (sắt vụn) cùng với đầu máy (hiệu Fuka - Thụy Sỹ) chạy bằng hơi nước cho nước ngoài. Thụy Sỹ là nước có nhiều đồi núi, sản xuất ra loại đầu máy ấy, nay không còn làm nữa (thời điểm năm 1975), họ mua lại được, mừng húm, mang về khôi phục lại phục vụ cho du lịch xứ họ.

2/- Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp dàn thép tương tự cầu cũ như thiết kế ban đầu.

3/- Xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại vị trí tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn.

Ba phương án này vấp phải sự phản đối của những nhà chuyên môn như GS. TS. KTS Hoàng Đạo Kính (Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia), GS. Nguyễn Quang Ngọc (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hà Nội), GS. Ngô Đức Thịnh (Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia), KTS. Lê Thành Vinh (Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích)... Những nhà chuyên môn phân tích cho rằng cả ba phương án trên chỉ là bảo tồn nửa vời, hoặc "làm ra vẻ bảo tồn", là xóa bỏ cầu Long Biên, cái quan trọng không phải chỉ là xóa bỏ một cây cầu, một kiến trúc xưa, mà sẽ xóa đi một phần ký ức của Hà Nội.

Tôi thử tra thêm trên lão Gú gồ, trang Wikipédia thấy ghi: (tôi copy những ý chính):

"Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội, do Pháp xây dựng (1898-1902), đặt tên là cầu Doumer, theo tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Dân gian còn gọi là cầu sông Cái hay cầu Bồ Đề (vì nó được bắt qua bến Bồ Đề thuộc huyện Gia Lâm). Hiện trên đầu cầu vẫn còn tấm biển kim loại có khắc chữ 1898 -1902 - Daydé & Pillé - Paris...

Dự án xây dựng cầu được Toàn quyền Đông Dương thông qua ngày 4 tháng 6 năm 1897 và đến ngày 4 tháng 6 năm 1897 đã tiến hành đấu thầu và 6 công ty xây dựng cầu đường lớn của Pháp tham dự. Mỗi nhà thầu được phép đưa ra 2 dự án được gọi là dự án A và B, ông Fourès, Thống sứ Bắc Kì được cử làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định các dự án. Cuối cùng, Hội đồng mở thầu đã chọn dự án B của công ti Daydé & Pillé với giá 5.390.794 franc Pháp. Cây cầu được thiết kế với kiểu dáng độc đáo do hãng Eiffel thiết kế [cần dẫn nguồn  

(Theo Từ điển Địa danh Thăng Long - Hà Nội của Bùi Thiết thì cầu Long Biên do hãng Eiffel nổi tiếng, một hãng của Pháp thiết kế. Tại thủ đô Paris của nước Pháp còn Tháp Eiffel danh chấn thiên hạ do hãng này xây dựng).

Cầu dài 2290m qua sông và 896m cầu dẫn, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40m (kể cả móng) và đường dẫn xây bằng đá. Cầu dành cho đường sắt đơn chạy ở giữa. Hai bên là đường dành cho xe cơ giới và đường đi bộ. Đường cho các loại xe là 2,6m và luồng đi bộ là 0,4m. Luồng giao thông của cầu theo hướng đi xuôi ở phía trái cầu chứ không phải ở bên phải như các cầu thông thường khác..."     

Như vậy cầu Long Biên được xây dựng từ năm 1898 đến năm 1902 thì hoàn tất, thời gian này nằm hoàn toàn trong triều đại của vua Thành Thái (1889-1907). Ngày xưa Hà Nội là Thăng Long, địa danh Hà Nội có từ năm 1831 thời vua Minh Mạng. Theo sử sách thì chỉ dụ của Triều đình Huế ngày mùng 6 tháng 8 năm Đồng Khánh thứ 3 (1-10-1888) và Toàn quyền Richaud mang ra áp dụng ngày 3-10-1888, thì Hà Nội trở thành nhượng địa của Pháp, sau 10 năm thì người Pháp cho xây dựng cầu Long Biên.

Trải qua nhiều năm chiến tranh với người Pháp trong việc giành độc lập, cầu Long Biên không hề hấn gì, nhưng đến cuộc chiến tranh với người Mỹ, từ năm 1965 đến năm 1972 cầu bị ném bom mười bốn lần, bị phá hỏng nhiều nhịp cầu, và cầu đã được sửa chữa, cải tạo lại như ngày nay.

Có một điều khá nghịch lý là trong khi những nhà chuyên môn về Kiến trúc đô thị, Lịch sử, Bảo tồn di sản... đều cho cầu Long Biên cần phải được bảo tồn như một di tích lịch sử, thì bản thân cầu Long Biên tuy có một "bề dày lịch sử" như thế lại không được xếp hạng di tích, hay di sản quốc gia, cây cầu này chỉ mới được Hà Nội xếp vào loại "Các công trình kiến trúc trước năm 1954 được bảo tồn", thông qua HĐND TP. Hà Nội ngày 4-12-2013.

Một phần cầu Long Biên ngày nay.

Xem trên hình thì quả thật cầu Long Biên ngày xưa đẹp thật, toàn bộ cầu như một con rồng hùng vĩ uốn khúc băng qua dòng sông Hồng. Cầu Long Biên ngày nay còn lại 9 nhịp so với 19 nhịp ban đầu, chắc chắn đã mất đi vẻ đẹp ban đầu. Cái đẹp của cầu Long Biên cũ không phải chỉ do thiết kế của cây cầu, mà nó còn phù hợp với cảnh quan thiên nhiên gắn liền với nó. Đoạn cầu Long Biên ngày nay như hình chụp bên trên trông chẳng còn gì là vẻ đẹp xưa của cây cầu nữa. Tuy nhiên trong lịch sử hơn một trăm năm tồn tại, cầu Long Biên không chỉ là một cây cầu phục vụ cho việc đi lại, mà là một nhân chứng cho sự hình thành và phát triển của Hà Nội.

Trong chiến tranh bao nhiêu người đã ngã xuống nơi đây. Cây cầu không còn là những khối sắt vô tri nữa, cũng như những cây đa đầu làng, hay cái cổng làng cũ kỹ. Lịch sử đã thổi vào cầu Long Biên một cái hồn. Qua bao nhiêu bể dâu, tôi thiết nghĩ cầu Long Biên xứng đáng được tôn trọng và bảo tồn, ít nhất cũng như một di sản quốc gia như ý kiến của các nhà chuyên môn, cũng như những ai ở Hà Nội đã gắn bó với cây cầu, và với quá khứ của Thủ đô Hà Nội.






        

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

Chữ nghĩa và trách nhiệm.

Bây giờ là thời của Internet, thời của thông tin, tôi nhớ một câu nói đọc được ở đâu đó, đại khái: "Kẻ mạnh là kẻ nắm được nhiều thông tin", sức mạnh "cơ bắp" đã xuống hàng thứ yếu. Chẳng thế mà có nhân vật gì đó (hình như đang "tị nạn chính trị" ở Nga), nắm được nhiều thông tin mật của chính phủ Mỹ tung lên mạng, đã làm cho chính phủ Mỹ khốn đốn.

Mới đây đọc trên mạng chuyện có một đơn vị thực hiện dự án "Danh tướng Việt Nam" (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thực hiện), ra mắt bốn tác phẩm điêu khắc về các danh tướng Việt Nam xưa nay (Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Trong phần tóm tắt tiểu sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt dưới tượng trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam, đã ghi chép sai tên, và sai sót về lỗi chính tả viết thường, viết hoa:


Hình ảnh của trang báo mạng Người Đưa Tin (19-2-2014).

Tổng cộng tiểu sử tóm tắt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tất cả 16 hàng, thì báo mạng Người Đưa Tin gạch đỏ dưới những chữ sai sót của 11 hàng (11/16). Chỉ cần bỏ ra khoảng một phút (1 phút) đọc là bất kỳ ai cũng có thể nhận ra những sai sót này, cái sai sót lớn nhất ngay dòng chữ đầu tiên là sai tên của Đại tướng, Võ Nguyên thay vì Võ Nguyên Giáp, và những sai sót khác như viết hoa, viết thường tùy tiện. Nhà sử học Dương Trung Quốc nói:

"Tôi đã nghe phản ánh việc này rồi. Tôi cũng có một phần trách nhiệm. Cảm ơn các bạn đã có ý kiến để các bạn trong dự án kịp sửa sai. Tuy nhiên, cũng phải thông cảm, các bạn trong dự án tự bỏ tiền túi ra thực hiện. Chỉ có những sai sót về chính tả. Khi biết được sai, các bạn trong dự án đã nhanh chóng sửa chữa.
Đó là sơ suất thì Ban tổ chức sửa ngay chứ có gì mà phải ầm ĩ. Chỉ là sai sót kỹ thuật! Các bạn cũng đã nhận sai rồi, chẳng lẽ lại kiểm điểm hay kỷ luật họ"           

Đúng thực ra câu chuyện này cũng không lớn và chưa có gì ầm ĩ, vừa qua sách ngoại giao của quốc gia xác nhận chủ quyền mà còn in ấn sai con vua thành cháu vua, thì sai sót này là nhỏ. Tuy nhiên về "chuyện nhỏ" này tôi cũng có chút suy nghĩ, là chuyện làm việc bây giờ. Trong quyển Hồi ký của mình, học giả Nguyễn Hiến Lê có nhắc đến cái thói "vô trách nhiệm" thường thấy trong xã hội ngày nay. Cũng có thể như lời của một người sáng lập viên "Hội quán di sản", đơn vị thực hiện dự án, "Theo anh, do quá trình chuyển lý lịch đại tướng từ dạng văn bản sang đồ họa, ra phim rồi in, phông chữ bị nhảy nên xảy ra sai sót. Thời gian thực hiện trong 3 ngày khá gấp nên khâu kiểm duyệt trước khi ra mắt chưa được cẩn trọng".

Đây chỉ là những lời biện hộ yếu ớt, ngụy biện cho cái "vô trách nhiệm" thường thấy. Thế người thực hiên thao tác không đọc lại những gì mình làm? Rồi khi đem ín ấn không có ai kiểm tra lại xem in cái gì? Trước khi treo thông tin lên trước bàn dân thiên hạ cũng không có một ai ghé mắt xem treo cái gì? Không ai có trách nhiệm kiểm tra lại việc đã làm? Viết ghi thiếu cả tên của một danh tướng hiện đại chưa đến ngày giỗ đầu? Rồi kiểu muốn viết hoa và viết thường tùy hứng trong một văn kiện trưng ra cho mọi người đọc, cứ làm như người viết chưa học hết cấp 2. Sau hết là điều mà bấy lâu những người ngoại quốc, hay người Việt ra nước ngoài lâu năm về nước thường nhận xét, là người Việt thường rất dở trong "phối hợp công việc", "phối hợp nhóm", một nhóm làm một công việc chung thường "mạnh ai nấy làm", điều này sẽ cho hiệu quả không cao, tệ hơn là "người này làm thì người kia phá" (như câu chuyện trên). Trong những môn thể thao cá nhân như bơi lội, điền kinh, cờ vua, cầu lông... giờ đây ta đã dần vươn lên, nhưng những môn tập thể như bóng đá, bóng chuyển, bóng rổ... thường thua người xa, cho dù chúng ta có những cá nhân chơi tốt. Và khi có sai sót thường lấp liếm như lời của một sáng lập viên dự án trên đổ lỗi cho... tại cái máy, và thời gian gấp gáp.

Chuyện này làm tôi nhớ đến một chuyện tôi đọc cũng mới đây trên mạng, một tác giả có sách in có dịp họp báo than thở về quyển sách của mình do một nhà xuất bản có tiếng in (NXB Văn Học), tất cả những chữ "vô" trong sách bị sửa thành chữ "vào". Thôi thì chữ "vô" nếu dùng có nghĩa là "vào" (ra, vào) sửa cũng đành, còn ở đây có những chữ "vô" trong "hư vô", "vô nghĩa", "vô chừng"..., cũng đều bị sửa thành... vào hết, thế là hỏng cả một quyển sách... Đọc nghe rất khôi hài. Vài hôm sau thấy có thông tin của NXB sẽ cho thâu hồi sách và in lại, dĩ nhiên là cũng bởi lỗi của... computer, tại cái máy hết!

Bao giờ thì người mình mới có thói quen "có trách nhiệm" trong công việc?

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

Sách mới.



Hôm nay tôi lại muốn viết về sách mới chứ không phải sách cũ, một quyển sách cũng của GS. TS. Trần Văn Khê, nhưng không chủ yếu viết về âm nhạc dân tộc, mà viết về một người bạn vong niên, cũng là một đại thụ trong làng âm nhạc Việt Nam, đó là nhạc sỹ Phạm Duy (đã mất năm 2013). Quyển sách có tựa đề Tính dân tộc trong âm nhạc Phạm Duy & Tình bạn Duy - Khuê (Cty TNHH Sách Phương Nam & NXB Thời Đại-2013).

Các bạn ở miền Nam trước năm 1975 chắc hẳn không thể quên được nhạc sỹ Phạm Duy, nhất là khi ấy các bạn đã ở vào lứa tuổi học trò trung học, hay sinh viên, vào khoảng nửa cuối thập niên 60 và khoảng nửa đầu thập niên 70 của thế kỷ trước ở Saigon. Có lẽ ít ai quên được những bản nhạc thịnh hành thời ấy của ông, Nghìn trùng xa cách, Con đường tình ta đi, Tóc mai sợi vắn sợi dài, Phượng yêu, Ngày xưa Hoàng Thị, Còn chút gì để nhớ, Đưa em tìm động hoa vàng, Trả lại em yêu, Tình khúc trên chiến trường tồi tệ, mười bài Đạo ca (sau này là mười bài Thiền ca)... và cả những bản nhạc xưa hơn, Tình ca, Bà mẹ Gio Linh, Con đường cái quan, Mùa đông chiến sỹ...

GS. TS. Trần Văn Khê (GS. TVK) sinh cùng năm 1921 (Tân Dậu) với Nhạc sỹ Phạm Duy (NS. PD), một người tại Tiền Giang (Mỹ Tho) Nam bộ, còn một người tại Hà Nội (Bắc Việt), cùng trong một gia đình có nhiều văn nghệ sỹ. Phía GS. TS. Trần Văn Khê có ông cố nội là Trần Quang Thọ khi xưa trong ban nhạc Cung đình Huế, và hai bên gia đình nội ngoại có truyền thống về âm nhạc dân tộc. Phía bên NS. Phạm Duy có cha là Phạm Duy Tốn, một nhà văn chuyên viết về hiện thực phê phán, người anh họ là Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, tác giả của "Tục ngữ phong dao", "Cổ học tinh hoa", "Truyện cổ nước Nam"..., và những người bạn năng lui tới với cụ thân sinh của NS. khi ấy là Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Vĩnh...

GS. TVK và NS PD. là hai người cùng hoạt động trong phong trào thanh niên thời kháng chiến chống Pháp. Tuy chủ yếu một người nơi vùng bưng biền miền Nam và một người nơi chiến khu Việt Bắc, nhưng hai người đã có những lúc gặp nhau. Trong sách GS. TVK đã kể lại câu truyện chính nhờ một quyển sách viết về âm nhạc mà NS. PD đã cho ông mượn, đã cứu mạng của GS. Câu chuyện cũng đã được GS. TVK thuật lại trong quyển Hồi ký Trần Văn Khê (tập 1, NXB Trẻ-2001). Trong một lần đến Saigon lúc còn hoạt động trong phong trào thanh niên yêu nước chống Pháp, NS. PD đã gặp GS. TVK và có cho GS. mượn một quyển sách tiếng Pháp viết về âm nhạc, tác giả tên Lavignac là một người Pháp, quyển sách có tựa "La Musique et les musiciens" (Âm nhạc & Nhạc sỹ). Quyển sách này NS. PD rất quý, khi trao sách cho GS. TVK NS. PD có nói "Khê nhớ giữ cho kỹ, bởi vì Duy xem quyển sách này như mẹ của mình". Chính quyển sách này đã cứu mạng GS. TVK khi ít lâu sau đó ông đi trên một chiếc ghe cùng gia đình và bị một toán lính Pháp xét bắt.

Trước hôm đó trong vùng có một trận phục kích của Việt Minh giết hết 10 lính Pháp, nên người Pháp xét bắt lại 10 Việt Minh giết trả thù, một người lính Việt gian nhận ra GS. TVK nên chỉ điểm cho lính Pháp bắt, GS. là người bị bắt thứ 8. Khi tiếp xúc biết GS. TVK là người đọc sách âm nhạc Pháp, nói chuyện tiếng Pháp lưu loát với mình thì viên trung úy sĩ quan Pháp tuy biết GS. TVK hoạt động cách mạng nhưng vẫn có cảm tình và thả cho GS. TVK đi, viên sĩ quan Pháp này còn giả vờ xuống ghe lục soát và canh chừng cho ghe của GS. TVK đi thoát khỏi đám lính Pháp. Câu chuyện do chính GS. TVK thuật lại cho thấy cái "duyên tiền định" giữa GS. với NS. PD, và cũng nói lên điều người sỹ quan Pháp đã thả GS. TVK mà không để cho đám lính dưới quyền dẫn đi hạ sát thật là người có lòng nhân hậu. Ở đâu và thời nào cũng thế, cũng vẫn còn có những Con Người Tử Tế.

GS. TVK và NS. PD còn nhiều lần tao ngộ, sau này ở Pháp khi GS. đã sang Pháp từ năm 1949 để học về âm nhạc, và NS. PD cũng thế. GS. TVK chuyên về âm nhạc dân tộc, trong khi NS. PD chuyên về tân nhạc, nhưng theo như GS. nhạc của NS. PD luôn mang âm hưởng những làn điệu dân ca Việt Nam.

Về NS. PD thì đã lâu, trong một lần tình cờ được tiếp xúc nói chuyện với NS. Nguyễn Văn Tý (cũng là bạn ngày xưa của NS. PD trong kháng chiến), tác giả bản Dư âm nổi tiếng. Ông nhận xét NS. PD là một bậc thày về viết tình ca ở Việt Nam, không ai qua được ông về chuyện này. Quả đúng như thế, NS. PD còn có biệt tài về thơ phổ nhạc. Từ những bài thơ thời tiền chiến của Xuân Diệu, Hữu Loan, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính... cho đến thơ của những nhà thơ thời trước năm 1975 ở Saigon, như của Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên, Vũ Hữu Định, Ngô Đình Vận, Thanh Tâm Tuyền, Cung Trầm Tưởng... Hình như thơ của họ "hay hơn" qua tài phổ nhạc của NS. PD.

Thời chiến tranh trước năm 1975, một lần đóng quân nơi một đồn biên giới heo hút, đêm khuya tôi nghe bản Tình khúc trên chiến trường tồi tệ (bản nhạc này bị lưỡi kéo kiểm duyệt khi ấy bỏ mất 2 chữ "tồi tệ"), ông phổ thơ bài thơ cùng tên của Ngô Đình Vận nghe bằng cái radio bán dẫn bỏ túi, qua giọng ca Sỹ Phú. Bài nhạc phổ thơ có những câu: "Gởi tới em một hạt mưa lẻ loi, một hạt mưa trong đếm tối mưa bay dài, gởi tới em một đốm lửa lạc loài, điếu thuốc trên môi lập lòe trong giông bão... Gởi tới em một giọt mưa, hạt nước mắt hiếm hoi trong đời này... Hạnh phúc nào không tả tơi, không đắng cay...". Giữa đêm tối mịt mù, chỉ có tiếng côn trùng than van và nỗi nhớ nhà, nỗi sợ hãi, nghe "chết được".

Hoặc một bài nhạc phổ thơ khác cũng của NS. PD, bài "Còn chút gì để nhớ", phổ thơ của nhà thơ Vũ Hữu Định, cũng dân lính chiến như nhà thơ Ngô Đình Vận. Năm 1972 chân ước chân ráo tôi từ Saigon chuyển lên Pleiku, xứ sở của sương mù. Chiến tranh lúc ấy đang khốc liệt, cao nguyên Trung phần vẫn còn dư âm của một Mùa hè đỏ lửa (tên một bút ký về cuộc chiến tranh mùa hè năm 1972 của Phan Nhật Nam). Lơ ngơ đi lên đi xuống trên phố núi, và phất phơ quán xá cà phê với những câu của bài hát "Em Pleiku má đỏ môi hồng, ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông... Anh khách lạ đi lên đi xuống, may mà có em đời còn dễ thương... Mai xa lắc trên đồn biên giới, còn một chút gì để nhớ để quên...".

Đôi khi trong một chuyến về phép ngắn ngày ở Saigon, buổi chiều sau giờ tan học tôi ghé qua trường Luật hay Văn Khoa, rủ một vài bạn xưa đi dạo loanh quanh phố xá, ghé vỉa hè Lê Lợi mua một vài quyển sách xong, ra ngồi ăn kem Công trường Con Rùa, nghe Thái Thanh hát "Trả lại em yêu khung trời đại học, con đường Duy Tân cây dài bóng mát, buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát, bước chân trên đường vẫn chưa phai nhạt...", hay "Anh sẽ ra đi về miền nắng ấm, nơi có quê hương mịt mù thuốc súng, anh sẽ ra đi về miền mênh mông, cơn gió cao nguyên từng đêm lạnh lùng..." (lời trong bài hát Trả lại em yêu). Một thời tuổi trẻ của tôi luôn có dấu ấn những bài hát của NS. Phạm Duy.

Đọc quyển sách đầu năm của GS. TS. Trần Văn Khê viết về Nhạc sỹ Phạm Duy, và tình bạn hơn nửa thế kỷ của hai người,  đã lại cho tôi trở về một vùng ký ức của mình như thế...


Saigon, những ngày đầu năm 2014.





Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

Sách cũ.


Có lẽ một "đề tài" tôi sẽ nhắc đến mãi đó là "sách cũ", hì hì, đúng là như thế, những quyển sách cũ. Một quyển sách thế nào là cũ và xuất bản bao nhiêu năm mới được gọi là cũ? Sách cũ hẳn là sách đã được viết và xuất bản đã lâu, có thể là năm, bảy năm, mười năm trở lên, cũng có thể là sách cũ nhưng mới được tái bản, và thường được bày bán nơi những hiệu bán sách cũ (tuy trong tiệm bán sách cũ cũng có những quyển sách mới viết).
Tôi vẫn thường hay lan man nơi vài tiệm bán sách cũ quen thuộc, và thỉnh thoảng chớp được một quyển sách ưng ý với giá rẻ (ngoại trừ những quyển sách cũ thuộc loại quý, hiếm, chủ tiệm biết giá trị bán giá rất cao, khó lòng rớ tới). Hôm trước tết ghé một tiệm quen lựa được vài quyển, để tết ở nhà lai rai đọc chơi (tuy sách mua rồi chưa đọc tới vẫn còn nhiều), 2  quyển sách của GS. TS. Trần Văn Khê, một quyển tiểu luận mỏng khoảng 160 trang có tựa là "Văn hoá với âm nhạc dân tộc", do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2000, và quyển nữa có tựa "Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam" dày hơn, khoảng gần 500 trang sách, do NXB Trẻ ấn hành năm 2004. Kể đến nay 2 quyển sách này đã được mười năm có lẻ, cũng xứng đáng được xếp vào loại sách cũ "xập ký nình" (thập kỷ niên).






Giáo sư Trần Văn Khê mà thuyết giảng (tôi đã được nghe vài lần ngoài đời hay trên tivi) hoặc viết về âm nhạc truyền thống là "đúng tủ", không thể chê vào đâu được, cho nên khi nhìn thấy trên kệ của tiệm sách cũ quen là tôi chấm liền, lật xem thử mục lục, đọc tiếp vài trang là mê ngay, hỏi bà chủ tiệm giở sổ xem giá nói, tính anh rẻ thôi, quyển sách mỏng giá mười lăm ngàn, còn quyển sách dày giá bốn chục, vị chi năm mươi lăm ngàn hai quyển. Tôi móc túi trả tiền liền sợ bà đổi ý, may quá chỉ bằng một tô phở ngày tết.
Quyển "Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam" quá hay, GS. Trần Văn Khê tuy tóm tắt nhưng rất đầy đủ, dễ hiểu tất cả các làn điệu của âm nhạc tuyền thống Việt Nam, từ Hát ru, Đồng dao, các điệu hò, lý, Quan họ, Ca Trù, Hát chèo, Hát bài chòi, Hát sắc bùa, Hát xẩm, Hát bội, Đờn ca tài tử, Cải lương... Nhạc lễ Phật giáo (tán, tụng), Nhạc lễ Cao đài, Thiên chúa giáo, Chầu văn, Hầu văn, Bóng rỗi, Nhạc cung đình, Nhạc thính phòng... Kể cả Hò lô tô... Một quyển sách rất cần cho những ai muốn tìm hiểu về nhạc dân tộc Việt Nam. Để viết ra được quyển sách này GS. Trần Văn Khê đã tham khảo đến 109 (một trăm lẻ chín) quyển sách chuyên khảo cứu về âm nhạc dân tộc xưa nay của các tác giả ở cả 2 miền Nam, Bắc, cả sách của các tác giả ngoại quốc tiếng Anh, tiếng Pháp... Chọn lọc từ 109 quyển sách viết về âm nhạc dân tộc mà GS đã tham khảo, cộng thêm sở học mênh mông của một người như GS. TS. Trần Văn Khê thì còn gì bằng... Một vị xứng danh Giáo sư Tiến sĩ.
Nhắc đến Hò lô tô chắc ai trong chúng ta cũng biết đến chơi lô tô? Tết tôi thấy trong xóm có những đám chơi lô tô như thế, đa số người chơi là quý bà, quý cô, chơi lô tô thường ăn thua nhỏ, cốt vui... Nhưng chơi lô tô bây giờ chẳng còn ai hơi đâu mà hò nữa, cũng không còn ai rành về vè để hò. Thời tôi còn nhỏ thỉnh thoảng cũng còn thấy có chỗ hò lô tô, nhưng quanh đi quẩn lại cũng có mấy câu. Người chơi bỏ tiền ra mua những tấm giấy bằng bìa cứng trên đó có những hàng số theo chiều ngang, mỗi hàng có năm ô số có những con số không theo thứ tự (mỗi tấm là một số tiền theo quy định của đám chơi, mua nhiều hay ít tấm tuỳ thích).

Ảnh internet.

Một người thuộc nhiều câu vè có vần có điệu, giữ nhiệm vụ hô lô tô (thường là đàn ông). Anh ta cầm chiếc túi vải đựng những quân cờ bằng gỗ tròn trên khắc những con số, mở đầu bằng một câu chào:
Lô tô! Này lô tô
Quí thày quí cô
Giải trí lô tô
Đừng bận tâm suy nghĩ
Hãy nghe cho kỹ nè...
Bắt đầu cuộc chơi anh ta thọc tay vào cái túi vải đựng quân cờ lô tô, lấy ra một quân. Thay vì nói ngay con số anh ta hô giọng nhịp nhàng:
Giỏi lái (là) tại mình
(Chớ) đừng nói tôi kêu lộn
Bây giờ bà con ơi
Lẳng lặng mà nghe (này)
Tôi móc con cờ ra
Cờ ra là con mấy
Con mấy gì đây...
Mọi người lắng nghe. Anh ta vẫn thong thả ngâm:
Nước chảy bon bom
Con vượn bồng con
Lên non hái trái
(Chớ) anh cảm thương nàng
Phận gái (mà) mồ côi
Là con số một ôi
Ai có số một thì lấy một viên sỏi, hột me, hay đồng xu đặt vào con số một trên bảng lô tô của mình.
Xong anh ta lại hô tiếp:
Con gì ra đây
Cờ ra (là) con mấy
Con mấy gì đây
Là con năm.. con năm gì ra...
Mọi người cứ tưởng cờ ra tiếp con số năm, nhưng anh ta lại hô tiếp:
Na Tra lóc thịt
Trả hiếu cho cha
Nhờ thày hoá ra
Bông sen (mà) hoá cốt
Năm là năm mươi mốt
Năm mươi mốt!
Anh ta cứ thế mà hô, mà hò, cho đến khi có người có đủ 5 con số ở hàng ngang thì vui mừng hô "Kinh", hay "Tới", và người này được ôm trọn số tiền mọi người đã bỏ mua tờ số. Nếu có hai người cùng "Kinh" một lúc thì số tiền được chia đôi... Tiếp đến ván khác...
Ở chương viết về Hát bội, thì GS. Trần Văn Khê viết Hát bội còn gọi là Hát bộ, Hát tuồng. Chữ Hát tuồng mới được gọi vài chục năm trở lại đây. Riêng về chữ "Hát bộ" hay "Hát bội" thì có 2 ý kiến của những nhà nghiên cứu:
Những người gọi là Hát bộ giải thích rằng chữ "bộ" là chỉ cách đi đứng, cử chỉ, điệu bộ khi hát. Cụ Đào Tấn (từng làm Tổng đốc Nghệ-Tĩnh và Thượng thơ Bộ Công triều đình Huế), đã lập ra một nơi dạy hát đặt là "Học bộ đình". Còn những người giải thích là "Hát bội" thì lập luận trong dân gian có câu "Trong chay ngoài bội" (trong nhà có đám làm chay, phía ngoài có Hát bội. Trong thì làm lễ nghiêm chỉnh, bên ngoài là diễn xướng vui chơi), không ai nói là "Trong chay ngoài bộ" hay "Trong chay ngoài tuồng". Chữ bội được nhắc đến trong "Vũ Trung Tuỳ bút" của Phạm Đình Hổ từ thế kỷ XVIII, trong đó ông đề cập đến một thể loại hát sau đời Cảnh Hưng nhà Lê và viết: "Kỳ thanh ai tư văn chi tâm động tục vi phường trạo bội" (Tiếng hát bi ai làm cho lòng người xúc động có tên gọi là phường chèo bội).
Miền Nam có câu hát ru em: Má ơi đừng đánh con đau/ Để con hát bội làm đào má coi.
Hay: Trồng trầu để lộn dây tiêu/ Con theo hát bội mẹ liều con hư.
Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Hùinh Tịnh Paulus Của cũng ghi là Hát bội: con hát, kẻ làm nghê ca hát. Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức cũng viết là Hát bội: cuộc diễn trò, cuộc diễn tuồng. GS. Trần Văn Khê viết người miền Bắc và miền Trung thường dùng chữ Hát bộ theo suy luận, còn GS sinh trưởng tại miền Nam nên dùng chữ Hát bội theo thói quen.
Trong quyển Hồi ký Hơn nửa đời hư, học giả Vương Hồng Sển cũng có bàn về Hát bội hay Hát bộ? Ông cũng cho là Hát bội, ông viết, trong miền Nam gọi là Hát bội, cũng như thợ làm nữ trang gọi là Thợ bạc. Bởi ngán chữ "bội""bạc" (bội bạc) nên người ta mới nói trại là Hát bộ để tránh chữ "bội","Thợ kim hoàn" thay chữ "Thợ bạc" để tránh chữ "bạc", chứ hát tuồng nào lại "không ra bộ?". Cũng là một cách lý giải. Chữ  "bộ" trong hát "Hát bộ" được hiểu là "điệu bộ", nhưng đến chữ "bội" thì tôi không thấy có sách nào diễn giải nghĩa là gì?
Về nguồn gốc của Hát bội cũng có hai nguồn giải thích của những nhà nghiên cứu. Thứ nhất như Trần Trọng Kim, Dương Quảng Hàm, Hoàng Xuân Hãn... Học giả Pháp như G. Cordier, kể cả Lê Quý Đôn  trong Kiến Văn Tiểu Lục, hay Phạm Đình Hổ trong Vũ Trung Tuỳ bút, căn cứ vào Đại Việt Sử ký Toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, ghi chép là trong trận đại thắng quân Nguyên Mông năm 1285 tại Bạch Đằng, có một kép hát tên Lý Nguyên Cát trong hàng ngũ Nguyên Mông bị bắt, sau đó được nhà Trần trọng dụng cho dạy múa hát trong cung. Do đó kết luận nghệ thuật Hát bội bắt đầu hình thành từ đó.
Tuy nhiên những nhà nghiên cứu như Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm, Mịch Quang, Hoàng Châu Ký, Vũ Ngọc Liễn, Võ Sĩ Thừa... viết những bài xác định Hát bội đã có từ xa xưa, từ đời Lý hay đời Trần, cũng có nhà nghiên cứu cho là từ đời Lê...
Entry này viết chưa kịp post thì mới biết được tin Đờn ca tài tử Nam bộ đã được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại, ở Sài Gòn đã có những hoạt động chào đón tin vui này. Trước đây tôi cũng đã viết lan man đôi chút về loại hình nghệ thuật này, nay trong sách của GS. Trần Văn Khê cũng có một chương viết về Đờn ca tài tử, đọc kỹ bài viết, thấy hay. Nhân cơ hội này tôi sẽ viết thêm vài dòng.

Ảnh Internet.

Theo GS. Trần Văn Khê thì Đờn ca tài tử là một trong ba loại Nhạc thính phòng của Việt Nam, là Ca trù của miền Bắc (còn gọi là hát Nhà tơ, hát Ả Đào, Ả Đào có nghĩa là cô gái họ Đào), Ca Huế của miền Trung, và Đờn ca tài tử của miền Nam. Các loại Nhạc thính phòng dân gian này chỉ nhằm tiêu khiển, giải trí, không có mục đích mưu sinh. Đờn ca tài tử miền Nam sinh sau đẻ muộn, bắt nguồn từ những lưu dân vùng ngũ Quảng đến từ thời các Chúa Nguyễn và triều Nguyễn (trong số ấy có những Nhạc quan người rất am hiểu về Nhạc cung đình, Nhạc lễ...), Đờn ca tài tử hình thành vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Chữ "tài tử" có nghĩa là "người tài giỏi", cũng có nghĩa nữa là "không chuyên nghiệp". Xin lưu ý "không chuyên nghiệp" ở đây là không lấy chuyện ca hát làm kế sanh nhai, chừng gặp bè bạn, tri kỷ, ưng thì cùng nhau ngồi đàn, hát, vui là chính.

Nhạc khí trong Đờn ca tài tử thường có cây đờn kìm (đờn nguyệt) và đờn tranh, có thêm cây đờn cò càng hay, có thể thêm đờn độc huyền, tỳ bà, đờn sến, ống sáo, tiêu... Đặc biệt không thể thiếu song lang (có người gọi song loan), trong sách thấy viết song lang (nhắc nhiều lần), cũng thấy sách khác viết song lan, là 2 thanh tre già gõ vào nhau khi câu nhạc đến nhịp quan trọng.

Bài bản trong Đờn ca tài tử có rất nhiều, nhưng những bài tổ thì gồm 20 bài: 6 Bắc, 3 Nam, 4 Oán, 7 bài lớn (ở đây tôi không chép lại chi tiết vì quá dài), và một bài rất nổi tiếng của soạn giả Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) là bản Dạ cổ hoài lang.

Đọc lại sách cũ, chẳng hạn như Hồi ký của Nguyễn Hiến Lê (ông là người sinh trưởng, học hành ở miền Bắc, nhưng được bổ vào miền Nam làm việc đi khắp vùng Đồng Tháp Mười từ những năm 30 của thế kỷ trước, viết về miền Nam rất hay, chẳng hạn quyển bút ký "7 ngày trong Đồng Tháp Mười", quyển sách in đầu tiên của Ông từ năm 1954, tôi mới tìm được sách tái bản), Hồi ký của Vương Hồng Sển, Trần Văn Khê..., hay của tướng Đỗ Mậu vị tướng một thời trong chánh quyền Sài Gòn, những quyển sách viết đã cũ của họ đã cho tôi biết thêm được nhiều về miền Nam, nơi chốn tuy không sinh ra, nhưng tôi đã lớn lên ở đấy...


 Saigon, rằm tháng giêng 2014.





Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Một số con đường ở quận 5 và quận 10 vùng Sài Gòn - Chợ Lớn.

Chợ Bình Tây xưa (còn gọi là Chợ Lớn Mới). Ảnh Inhternet.


Những con đường thuộc quận 5:

Đặng Thái Thân: nằm trên địa bàn phường 11, bắt đầu từ đường Nguyễn Trãi đến Hồng Bàng bên hông trường Đại học Y - Dược TP, dài khoảng 0km150. Qua ngã 3 Phạm Bân, lưu thông 2 chiều.

Đường nhỏ nhưng thuộc loại xưa nhất vùng Chợ Lớn, thời Pháp mang tên Paul Bert. Ngày 23-1-1943 đổi thành Doane, sau năm 1945 đổi thành Bà Lài. Ngày 19-10-1955 Chánh quyền Sài Gòn đổi là Đặng Thái Thân đến nay.

Địa chỉ ghi nhớ, như đã nói đường nằm bên hông Đại học Y - Dược.

Tân Hưng: nằm trên địa bàn phường 12, bắt đầu từ đường Lương Như Hộc đến Đỗ Ngọc Thạnh, dài khoảng 0km310. Qua các ngã 4 Thuận Kiều và Phó Cơ Điều. Lưu thông 2 chiều.

Cũng là đường xưa vùng Chợ Lớn, từ thời Pháp đã mang tên Tân Hưng đến nay.

Không có địa chỉ văn hóa đáng nhớ trên đường.

Tống Duy Tân: thuộc địa bàn phường 13, bắt đầu từ đường Hải Thượng Lãn Ông đến Trần Hưng Đạo, đường nhỏ rất ngắn chỉ dài khoảng 0km060 như một con hẻm, lưu thông 2 chiều nhưng hiện nay là một cái chợ buôn bán phụ kiện, phụ liệu may vá suốt ngày.

Đường có từ xưa, thời Pháp gọi là hẻm Phước Kiến. Ngày 6-10-1955 Chánh quyền Sài Gòn đổi thành Tống Duy Tân đến nay.

Không có địa chỉ văn hóa ghi nhớ.

Trần Bình Trọng: thuộc địa bàn các phường 1, 2, 3, 4 quận 5, và phường 1 quận 10. Bắt đầu từ Bến Hàm Tử đến đường Lý Thái Tổ, dài khoảng 1km130, qua các ngã 4 Cao Đạt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, An Dương Vương, Trần Phú và Hùng Vương, lưu thông 2 chiều.

Đường có vào khoảng năm 1910 thời Pháp mang tên Église. Từ 4-5-1954 đổi thành Paulus Của, 22-3-1955 Chánh quyền sài Gòn đổi thành Trần Bình Trọng đến nay.

Địa chỉ đáng ghi nhớ: Nhà thờ Thiên chúa giáo dòng Kitô Đan viện Phước Sơn, Tu viện dòng Mến Thánh giá, Nhà thờ Chợ Quán, Từ Đức Tịnh Xá, Trường thực nghiệm Sư phạm TP.

Trần Văn Kiểu: bến Trần Văn Kiểu thuộc địa bàn các phường 10, 13 quận 5 và 1, 3, 7 quận 6. bắt đầu từ cầu Chà Và nối với Bến Hàm Tử đến Bến Lò Gốm, nằm bên bờ Bắc rạch Bến Nghé, dài khoảng 2km220. Qua các ngã 3 Mạc Cửu, Nuyễn Thi, Nguyễn An Khương, Phùng Hưng, Vạn Tượng (tên Hán Việt Vientiane, thủ đô của Lào), Cầu Quới Đước, Kim Biên (tên Hán Việt Phnom Penh, thủ đô của Cambodia), Gò Công, Ngô Nhân Tịnh, Chu Văn An, Vĩnh Hưng, Bình Tây, Cao Văn Lầu, Mai Xuân thưởng, Phạm Phú Thứ, Bình Tiên, Bà Lài. Lưu thông 2 chiều.

Bến đã có từ thời Pháp mang tên Quai de Mỹ Tho. Từ 28-11-1952 Chánh quyền Bảo Đại đổi thành Bến Lê Quang Liêm, 4-4-1985 UBND TP đổi thành Bến Trần văn Kiểu đến nay.

Phía bên quận 5 không có địa chỉ văn hóa đáng nhớ.

Trần Xuân Hòa: thuộc địa bàn phường 7. Bắt đầu từ đường Trần Hưng Đạo đến đường Nguyễn Trãi, dài khoảng 0km100, lưu thông một chiều từ huiớng Trần Hưng Đạo đến Nguyễn Trãi.

Đường mở từ năm 1948 trên đất tư nhân được trưng dụng vào Khối công sản đô thành, ngày 30-1-1950 đặt tên là Châu Văn Tiếp. Ngày 4-4-1985 UBND TP đổi là Trần Xuân Hòa đến nay.

Không có địa chỉ văn hóa đáng ghi nhớ.

Triệu Quang Phục: thuộc các phường 10, 11, 12, bắt đầu từ bến Trần Văn Kiểu đến đường Bà Triệu, dài khoảng 0km600. Qua các ngã 3 Trần Tương Công, Phan Huy Chú, các ngã 4 Hải Thượng Lãn Ông, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Trần Quý, Hồng Bàng, Hùng Vương, Phạm Hữu Chí, lưu thông một chiều theo hướng Bà Triệu đến Bến Trần Văn Kiểu.

Đường thuộc loại xưa của Chợ Lớn, thời Pháp mang tên Canton chạy đến đường Hòa Hảo. Vào thập niên 1950 xây bệnh viện Chợ Rẫy, cắt đường Canton thành 2 đường. Ngày 19-10-1955 Chánh quyền Sài Gòn đổi đoạn đầu thành đường Triệu Quang Phục đến nay.

Các địa chỉ đáng ghi nhớ: trước đây có Rạp hát Vàm Cỏ, chùa Tam Sơn của người Hoa.

Vạn Kiếp: đường Vạn Kiếp có ở quận 5 và quận Bình Thạnh. Ở quận 5 thuộc địa bàn phường 10 và 13. Bắt đầu từ cầu Chà Và đến đường Hải Thượng Lãn Ông, dài khoảng 0km110. Qua các ngã 3 Lê Quang Định, Đỗ Văn Sửu, lưu thông 2 chiều.

Thời Pháp thuộc gọi là đường Rodiers. Ngày 22-3-1955 Chánh quyền Sài Gòn đổi thành Vạn Kiếp đến nay.

Không có địa chỉ văn hóa ghi nhớ.

Những con đường thuộc quận 10:

Hồ Bá Kiện: đường mới mở những năm gần đây, bắt đầu từ Tô Hiến Thành đến đường Trường Sơn, giáp Công viên Lê Thị Riêng (trước là Nghĩa trang Chí Hòa, còn gọi là Nghĩa địa Đô Thành).

Trước đây là hẻm của đường Tô Hiến Thành.

Hồ Thị Kỷ: đường nhỏ mới mở gần đây bắt đầu từ đường Hùng Vương, trong khu dân cư.

Có chợ hoa Hồ Thị Kỷ chuyên bán sỉ các loại hoa cho thương lái.

Nhật Tảo: thuộc các phường 6, 7, 8, 9 quận 10, và phường 7 quận 11. Bắt đầu từ đường Nguyễn Duy Dương đến Lý Nam Đế, dài khoảng 0km850. Qua các ngã 4 Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Tiểu La, Ngô Quyền, ngã 3 Nguyễn lâm, ngã 4 Nguyễn Kim, Lý Thường Kiệt, lưu thông 2 chiều.

Thời Pháp thuộc chưa có, chỉ có một đoạn của đường Bà Hạt. Sau năm 1954 dân hồi cư tới đông đúc mới được quy hoạch, lúc đầu mang tên đường Da Bà Bầu. năm 1959 Chánh quyền Sài Gòn đổi thành Nhật Tảo đến nay.

Không có địa chỉ văn hóa ghi nhớ. Trước đây khu vực này có ngôi chợ mang tên chợ Da Bà Bầu. Tên Nhật Tảo hiện nay là khu vực buôn bán hàng điện máy đủ loại.

Trần Minh Quyền: nằm trên địa bàn các phường 10, 11, bắt đầu từ đường Điện Biên Phủ đế 3 Tháng 2, dài khoảng 0km160.

Thời Pháp chỉ là con hẻm. Năm 1966 Tòa Đô chánh Sài Gòn đặt tên là Kiều Công Hai. Ngày 10-1-1972 đổi thành Trần Văn Văn. Ngày 4-4-1985 UBND TP đổi thành Trần Minh Quyền đến nay.

Địa chỉ văn hóa: Chùa Long Hoa.

Trường Sơn: có ở quận 10 và Tân Bình.Đường Trường Sơn quận 10 bắt đầu từ đường CMT8 đến Hồng Hà, dài khoảng 0km660. Qua các ngã 4 Hương Giang, Cửu Long, lưu thông 2 chiều.

Được đặt tên Trường Sơn từ năm 1969 (phần nằm trong Cư xá Bắc Hải, Cư xá Sĩ quan Chí Hòa cũ). Năm 1989 sau khi giải tỏa Nghĩa trang Chí Hòa thành Công viên Lê Thị Riêng, làm thêm đoạn từ CMT8 chạy bên hông Công viên đến đường Hương Giang và gọi chung là Trường Sơn.

Không có địa chỉ văn hóa ghi nhớ, nhưng khu vực có rất nhiều quán cà phê.

Vĩnh Viễn: thuộc địa bàn các phường 2, 4, 5, 8, bắt đầu từ đường Lê Hồng Phong đến Ngô Quyền, dài khoảng 0km770. Qua các ngã 4 Trần Nhân Tôn, Sư Vạn Hạnh, Nguyễn Duy Dương, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Tiểu La, lưu thông 2 chiều.

Thời Pháp chưa có, năm 1950 mới mở đăt tên là đường Vĩnh Viễn tới nay.

Địa chỉ ghi nhớ: Rạp hát Vườn Lài, Mỹ Đô, Niệm Phật đường Huệ Quang.

Trên đây là một số con đường của vùng Sài Gòn - Chợ Lớn xưa nay, viết theo sách "Đường phố nội thành TP. HCM, Nguyễn Đình Tư, Chi Cục Bản Đồ & Khảo Sát Xây Dựng - NXB TP HCM - 1994", để giúp cho bạn trẻ Cao Hang có tài liệu tham khảo trong công việc. Cũng là một cách nhìn lại những ký ức của bản thân, và của thành phố tôi đã gắn bó hơn nửa thế kỷ nay...





Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

Những con đường quận 5 - Sài Gòn.

Nhị phủ miếu trên đường Hải Thượng Lãn Ông quận 5.


Tôi viết tiếp một số thông tin về đường phố ở quận 5* - Sài Gòn, cũng theo thứ tự a, b, c:

An Dương Vương: đường An Dương Vương có tên ở quận 5, 6, và quận 8. Ở bài này tôi chỉ nêu lên đường An Dương Vương quận 5. Nằm trên địa bàn các phường 2, 3, 4, 7, 8, bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Cừ (giáp với quận 1), đến giáp đường Hùng Vương và Hồng Bàng, qua các ngã 4 Trần Bình Trọng, Lê Hồnmg Phong, Huỳnh Mẫn Đạt, ngã 6 Sư Vạn Hạnh - Bùi Hữu Nghĩa - Trần Phú, ngã 4 Nguyễn Duy Dương, Nguyễn Tri Phương, và ngã 3 Phước Hưng, đường dài khoảng 1km120, lưu thông 2 chiều.

Đường An Dương Vương quận 5 nguyên là 2 đường nhập lại. Đoạn từ Nguyễn Văn Cừ đến đường Trần Phú thời Pháp còn trên dự án. Từ 1954 chính quyền Sài Gòn mới cho làm đặt tên là đường Thành Thái, đoạn cuối là phần đầu của con đường dài nhất thời Pháp thuộc gọi là đường Charles Thomson. Năm 1955 đổi tên là đường Hồng Bàng. Ngày 14-8-1975 Chính phủ Cách mạng lâm thời nhập đường Thành Thái với đoạn đầu đường Hồng Bàng làm một đặt tên là đường An Dương Vương.

Những địa chỉ đáng ghi nhớ: Đại học Sư phạm, Khoa Y Đại học Y Dược, Nhà Thiếu nhi quận 5, CLB Bơi lặn quận 5, Trường Cao đẳng Sư phạm số 6...

Bùi Hữu Nghĩa: cũng có tên ở quận Bình Thạnh, ở quận 5 nằm trên địa bàn các phường 5, 7, bắt đầu từ đường Đào Tấn đến đường Nguyễn Trãi, dài khoảng 0km840. Qua các ngã 4 Bạch Vân, Chiêu Anh Các, Nghĩa Thục, Trần Hưng Đạo, Phan Văn Trị, lưu thông 2 chiều. Thời Pháp đường này  chỉ từ Bạch Vân trở đi mang số 7. Năm 1954 chính quyền Sài Gòn cho làm tiếp đoạn từ Bạch Vân đến Đào Tấn, ngày 4-5-1954 đặt tên là Bùi Hữu Nghĩa đến nay.

Những địa chỉ đáng ghi nhớ: Hội đồng Giám định y khoa TP, chợ Hòa Bình, Miếu Ngũ hành.

Châu Văn Liêm: đường Châu Văn Liêm nằm trên địa bàn các phường 11, 12, 13, 14, bắt đầu từ đường Hải Thượng Lãn Ông đến Hồng Bàng, dài khoảng 0km210. Qua các ngã 4 Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi và Lão Tử. Đường là một đại lộ có 3 lối đi, ở giữa dành cho xe hơi lưu thông 2 chiều, hai bên dành cho xe gắn máy, xe 3 bánh. Bên phải đi theo chiều Hải Thượng Lãn Ông đến Hồng Bàng, chiều bên trái ngược lại.

Đây là đường thuộc loại xưa nhất vùng Chợ Lớn, trước năm 1915 gọi là đường Canton, đến năm 1915 chính quyền Pháp thuộc đổi thành Tổng Đốc Phương, ngày 14-8-1975 Chính quyền Cách mạng lâm thời đổi thành đường Châu Văn Liêm đến nay.

Địa chỉ đáng ghi nhớ: Ngân hàng Công thương TP, rạp hát Đại Quang, rạp Thủ Đô, rạp Toàn Thắng, cơ sở cũ của "Liên Thành thương quán", nơi Nguyễn Tất Thành từng trú ngụ và hoạt động trước khi xuất dương tìm đường cứu nước.

Hà Tôn Quyền: nằm trên địa bàn các phường 14, 15, và phường 4 quận 11. Bắt đầu từ đường Hùng Vương đến  3 Tháng 2, dài khoảng 0km430. Qua các ngã 4 Phạm Hữu Chí, Tân Thành, Nguyễn Chí Thanh, Trần Quý, lưu thông 2 chiều.

Thời Pháp thuộc chưa có đường này, còn là sình lầy. Năm 1940 người dân tới sinh sống mới hình thành đường đạt tên là Bourchet. Từ 19-10-1955 chính quyền Sài Gòn đổi thành Hà Tôn Quyền đến nay.

Không có địa chỉ văn hóa đáng ghi nhớ.

Hải Thượng Lãn Ông: nằm trên các phường 10, 13. Bắt đầu từ Bến Trần Văn Kiểu đến góc đường Gò Công - Lê Quang Sung một bên, và bên kia là góc Đỗ Ngọc Thạnh - Trang Tử, dài khoảng 0km770. Qua các ngã 3 Phạm Bân, Trần Hòa, Trần Điện, các ngã 4 Triệu Quang Phục, Lương Nhữ Học (Lương Như Hộc), các ngã 3 Vạn Kiếp, Mạc Cửu, Nguyễn Thi, Lưu Xuân Tín, Châu Văn Liêm, Nguyễn An Khương, Tống Duy Tân, ngã 4 Phùng Hưng, các ngã 3 Vạn Tượng, Kim Biên, Đỗ Ngọc Thạnh. Đường rất rộng có 2 chiều 2 bên, ở giữa có tiểu đảo chạy dài suốt đường. Lối bên phải đi theo chiều Bến Trần Văn Kiểu lên, lối bên trái đi theo chiều Ngô Nhân Tịnh xuống.

Thuộc loại đường lớn và xưa nhất vùng Chợ Lớn. Thời Pháp gồm 2 đường, đoạn đầu là Đại lộ Gaudot, đoạn cuối là Đại lộ Bonhoure. năm 1955 nhập 2 đường làm một đổi tên là Đại lộ Khổng Tử (vẫn còn tượng Khổng Tử trên tiểu đảo). Ngày 19-8-1975 Chính quyền cách mạng đổi thành Hải Thượng Lãn Ông đến nay.

Địa chỉ đáng ghi nhớ: Báo Sài Gòn Giải Phóng Hoa văn, Nhị Phủ Miếu, Chùa Ông Bổn, Trường Trần Bội Cơ.

Lương Nhữ Học (Lương Như Hộc): nằm trên địa bàn phường 11 quận 5, bắt đầu từ Bến Trần Văn Kiểu đến đường Phạm Hữu Chí, dài khoảng 0km540. Qua các ngã 4 Hải Thượng Lãn Ông, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, ngã 3 Lão Tử. Lưu thông 2 chiều, nhưng chiều từ Phạm Hữu Chí đến Bến Trần Văn Kiểu cấm xe 3 bánh và xe hơi.

Thuộc loại đường xưa của vùng Chợ Lớn, thời Pháp ban đầu tên Larégnère. Từ 23-1-1943 đổi thành Rieunier. Ngày 19-10-1955 Chính quyền Sài Gòn đổi là Lương Nhữ Học đến nay (tên đúng là Lương Như Hộc).

Địa chì đáng ghi nhớ: Rạp hát Sao Mai, Nhà thờ Tin lành...

Lý Thường Kiệt: đường Lý Thường Kiệt nằm trên nhiều quận, đoạn qua quận 5 thuộc phường 9, dài khoảng 4km620, lưu thông 2 chiều.

Trước đây là 2 đoạn đường nối nhau. Đoạn từ Hùng Vương quận 5 đến giáp ranh quận Tân Bình mang tên Lý Thường Kiệt, còn đoạn cuối mang tên Maréchal Foch, đoạn này ngày 22-3-1955 đổi thành Nguyễn Văn Thoại. Ngày 14-8-1975 Chính quyền cách mạng nhập làm một đặt tên là Lý Thường Kiệt.

Đoạn Lý Thường Kiệt quận 5 không có địa chỉ đáng ghi nhớ.

Ngô Quyền: nằm trên địa bàn các phường 6, 9 quận 5 và các phường 5, 6, 8 quận 10, bắt đầu từ bến Hàm Tử quận 5 đến đường 3 Tháng 2 quận 10, dài khoảng 1km210. Ở quận 5 qua các ngã 3 An Điềm, các ngã 4 Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Mạc Thiên Tích, Hồng Bàng, Hùng Vương, Nguyễn Chí Thanh.

Thuộc loại đường xưa nhất vùng Chợ Lớn. Thời Pháp là 2 con đường nối nhau, đường Général Beylié từ bến Hàm Tử quận 5 đến Hồng bàng quận 5, đường Ducos từ Hồng Bàng quận 5 đến 3 Tháng 2 quận 10. Từ ngày 22-3-1955 Chánh quyền Sài Gòn đổi đoạn Général Beylié thành Ngô Quyền, và đoạn Ducos thành Triệu Đà. Ngày 14-8-1975 Chánh quyền Cách mạng nhập 2 đường làm một lấy tên là Ngô Quyền.

Địa chỉ văn hóa đáng ghi nhớ trên địa bàn quận 5: Thánh thất Cao Đài Chợ Lớn.

Sư Vạn Hạnh: nằm trên địa bàn phường 9 quận 5 và các phường 2, 3, 9, 10 quận 10, bắt đầu từ đường An Dương Vương quận 5 đến đường Tô Hiến Thành quận 10, dài khoảng 2km. Ở quận 5 qua các ngã 4 Hùng Vương, Nguyễn Chí Thanh, lưu thông 2 chiều suốt con đường.

Thời Pháp đường mang tên Lorgeril. Từ 19-10-1955 Chánh quyền Sài Gòn đổi tên là Sư vạn Hạnh đến nay.

Trên địa bàn quận 5 không có địa chỉ văn háo đáng ghi nhớ.

Tạ Uyên: nằm trên địa bàn phường 15 quận 5 và các phường 4, 6 quận 11. Bắt đầu từ đường Hùng Vương đến 3 Tháng 2, dài khoảng 0km450. Ở quận 5 qua các ngã 4 Phạm Hữu Chí, Tân Thành, Nguyễn Chí Thanh. Lưu thông 2 chiều.

Trước năm 1950 chưa có đường này, trên bản đồ quy hoạch mang số 48. Từ năm 1954 đồng bào miền Bắc di cư đến ở đường mới được mở và đặt tên là Tôn Thọ Tường. Ngày 14-8-1975 Chánh quyền Cách mạng đổi thành Tạ Uyên đến nay.

Không có địa chỉ văn hóa, tôn giáo ghi nhớ.

Tháp Mười: đường này nằm trên địa bàn phường 2 quận 6 chứ không phải quận 5, bắt đầu từ đường Ngô Nhân Tịnh đến Mai Xuân Thưởng, dài khoảng 0km180, lưu thông 2 chiều.

Thuộc loại xưa nhất vùng Chợ Lớn, từ thời Pháp đến nay vẫn mang tên Tháp Mười.

Thuận Kiều: nằm trên địa bàn phường 12 quận 5 và phường 4 quận 11, bắt đầu từ đường Hùng Viơng đến Lê Đại Hành, dài khoảng 0km350. Đạn quận 5 qua các ngã 4 Tân Hưng, Phạm Văn Chí, ngã 3 Tân Thành.

Đường có từ thời Pháp vẫn mang tên Thuận Kiều.

Đại chỉ đáng ghi nhớ: Chùa Giác Tâm.

Trần Nhân Tôn: nằm trên địa bàn phường 9 quận 5, và phường 12 quận 10, bắt đầu từ đường Trần Phú đến Ngô Gia Tự, dài khoảng 0km590. Qua các ngã 4 Hùng Vương, Vĩnh Viễn, lưu thông 2 chiều.

Thời Pháp thuộc đường mang tên Hỏa Lò. Từ ngày 4-5-1954 đổi là đường Nguyễn Trãi. Ngày 6-10-1955 đổi thành Trần Nhân Tôn đến nay.

Địa chỉ đáng ghi nhớ: Trường Nghiệp vụ Truyền thanh, Trường PTTH Nguyễn An Ninh, Chùa Long Phước.

Trần Phú: nằm trên địa bàn các phường 4, 7, 9, bắt đầu từ Công trường Cộng Hòa đến Trần Hưng Đạo, dài khoảng 1km390. Qua các ngã 4 Trần Bình Trọng, Lê Hồng Phong, các ngã 3 Trần Nhân Tôn, Huỳnh Mẫn Đạt, Ngã 6 An Dương Vương - Sư Vạn Hạnh, ngã 3 An Bình, ngã 4 Nguyễn Tri Phương. Lưu thông 2 chiều từ đoạn An Dương Vương đến Trần Hưng Đạo, một chiều từ An Dương Vương đến Công trường Cộng Hòa.

Đường Trần Phú có từ trước thời Pháp chiếm Sài Gòn, nối với đường Nguyễn Thị Minh Khai bây giờ, gọi là đường Thiên Lý Cù. Thời Pháp đổi là Đại lộ Maréchal Pétain. Từ 7-1-1942 đổi là đường Général Huntziger. Từ 4-5-1946 khi Pháp trở lại Sài Gòn đổi thành  đường II ème Ric. Ngày 22-3-1955 Chính quyền Sài Gòn đổi thành đường Nguyễn Hoàng. Ngày 14-8-1975 Chính quyền Cách mạng đổi thành đường Trần Phú đến nay.

Địa chỉ đáng ghi nhớ: Di Đà Tịnh xá, Rạp Nhân Dân, Quan Âm Tịnh xá, Chùa Quang Minh, Chùa Vạn Thiện.

(Còn nữa).


* Theo Đường phố nội thành TP. HCM, Nguyễn Đình Tư, Chi Cục Bản Đồ & Khảo Sát Xây Dựng - NXB TP HCM - 1994.