Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

30 Tết.

Bàn thờ và mâm cơm đón Ông Bà ngày 30 Tết.

Trưa 30 đón Ông Bà, Ông Táo xong, vậy là sắp hết một năm Quý Tỵ, chuẩn bị đón năm Giáp Ngọ, một năm qua vèo. Đúng như người ta thường nói, tuổi trẻ thời gian như con ngựa đi bước một, trung niên thời gian như con ngựa đi nước kiệu, bước sang tuổi xế chiều thời gian như con ngựa phi nước đại.

Năm nay năm con ngựa, loài ngựa tuy không gần gũi với con người như con chó, gà vịt, hay trâu bò, nhưng cũng là loài gắn bó với con người từ xa xưa, trong chinh chiến không thể thiếu con ngựa. Kỵ binh Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn nổi danh kim cổ, từ Đông sang Tây, người ta nói vó ngựa của quân Mông Cổ đi đến đâu cỏ không thể mọc, vậy mà sang đến xứ ta cũng chịu thua, cũng tự hào đôi chút.

Con ngựa cũng hơi lạ, cũng chính nó, khi đi cặp với con rồng thì thành cao sang như trong câu "Long mã tinh thần", nhưng khi cặp với con chó thì thành đáng khinh, như "khuyển mã", xưa nghe câu "đồ khuyển mã" là một câu chửi nặng.
 
 Nhà cửa Tết đã ổn.

Một năm đã qua, mọi chuyện yên ổn, vậy là mừng, lụi cụi hai... ông bà già ở nhà đón Tết. Trước một tuần cu cậu con trai đi làm về thông báo "28 tết con đi Thái Lan và Lào với bạn, mùng 8 tết về". Ít tháng nay cu cậu con trai đi làm cho một công ty du lịch tư nhân nho nhỏ, chủ nhân là một Việt kiều từ Mỹ về, chuyên tổ chức tour trong TP. HCM chỉ dành cho khách du lịch ngoại quốc. Công việc có vẻ thích hợp với cu cậu (ra trường mấy năm nay cu cậu đã làm qua... 5 nơi, tự đi xin việc, làm thấy chán lại kiếm chỗ khác). Mẹ hỏi đi với bạn là ai? Mấy ngày sau mới nói cô bạn người Anh quen mấy năm nay. Cô này bằng tuổi với cu cậu con trai tôi (25), có dẫn về nhà ăn cơm một lần. Quê cô ở Manchester, nơi có đội bóng đá nổi tiếng Manchester United với HLV cũng nổi tiếng không kém là ngài Alex Ferguson.

Người Âu Mỹ có cuộc sống  khác biệt hoàn toàn với người Á đông, cô người Anh học xong đại học mấy năm nay, ngành giáo dục, nhảy sang Việt Nam dạy cho một trường ngoại ngữ, năm sau buồn buồn xách khăn gói qua Ai Cập, rồi lại quay trở lại Việt Nam dạy nơi một trường đại học. Mấy năm chẳng thèm trở về quê nhà. Khi ở Việt Nam đến Tết là thấy cu cậu con trai tôi xách ba lô đi du lịch với cô nàng này, cũng may cu cậu cao xấp xỉ một mét tám cũng xứng với cô nàng. Cu cậu con trai tôi ham nhảy nhót (thỉnh thoảng ngoài giờ đi làm HLV Dancesport), toàn những thứ bà xã tôi không ưa, hì hì!

Bây giờ ngồi uống cà phê chuẩn bị đón giao thừa và năm mới. Chúc các bạn gần xa một năm mới AN LÀNH - HẠNH PHÚC.



Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Lan man ngày sắp tết.

Ảnh Internet.

Ở nhà tôi chuyện cúng kiến thường rất chu tất, vì khi gia đình bà xã tôi đi định cư ở Mỹ (đã trên 20 năm nay) khi đi đã giao lại cho bà xã tôi tất cả những bàn thờ, từ bàn thờ Tổ tiên đến các Thần, Thánh, Ông Công, Ông Táo, Thổ Công, Thổ Địa, Mẹ Sanh..., đủ hết. Cho nên tất cả những ngày như Sóc, Vọng (mùng một, mười lăm), Thượng nguyên, Hạ nguyên, Thanh minh, Phật đản, mùng năm tháng năm, Rằm tháng bảy, Trung thu, đưa đón Ông Táo, Giỗ chạp... bà xã tôi đều cúng lễ đầy đủ. Kể thì khi cúng kiến đôi khi cũng có hơi mất công vì phải chuẩn bị, nhưng với "tiêu chí" thượng thánh hạ phàm, có nhiều cúng nhiều có ít cúng ít, trước là thần thánh rồi đến phiên mình hưởng, chẳng mất đi đâu mà sợ.

Đặc biệt dịp cuối năm thì khá mệt. Không kể chuyện dọn dẹp nhà cửa cho tươm tất đón năm mới, thì đây là dịp để tạ ơn tất cả đã cho một năm an lành. Từ rằm tháng chạp đã phải tính để đi một vòng mấy ngôi chùa (chùa, và nhà thờ để tro cốt người thân, chùa quen hay đi lễ, đền Đức Thánh Trần, mấy chùa Tàu thờ Bà Thiên Hậu, Quan Công...). Chưa hết, cả tạ ơn Đức Mẹ, hihi, đủ cả... Bắt đầu 23 đưa Ông Công, Ông Táo, cũng là dịp cúng kiến Thổ Địa, Thần Tài... 30 ta đón Ông Táo, Ông Bà về ăn Tết với con cháu... Rồi suốt 3 ngày Tết ngày nào cũng cúng cơm, để đến mùng 3 thì làm mâm cơm đưa tiễn Ông Bà... lại thêm đi lễ chùa, lễ đền, mùng 8 vía trời mùng 10 vía đất... Người ta nói dịp tết viếng được 10 cảnh chùa là phước đức lắm, thế là năm nay bà xã tôi đã đăng ký tour du lịch mùng 6 tết hành hương 10 cảnh chùa ở Tiền Giang...

Cúng kiến là chuyện tâm linh, là niềm tin của mỗi người. Bây giờ nhiều khi người ta làm theo thói quen, thấy người khác làm thì mình cũng làm. Chẳng hạn giờ bên Thiên chúa giáo cũng đã có những gia đình làm 49 ngày mất của người thân, dĩ nhiên là làm mâm cơm ở nhà hoặc "xin lễ" (nhờ Cha đạo làm lễ nơi nhà thờ). Tục  này là theo bên Phật giáo, cúng 49 ngày (chung thất) bên Phật giáo là thời gian người mất đã hết thời hạn vương vấn nơi cõi trần, để chịu xét xử và đầu thai trong Lục đạo. Người bên Thiên chúa làm 49 ngày dĩ nhiên không phải với ý nghĩa đó, nhưng cũng tốt, là dịp để người sống tưởng nhớ đến người thân đã khuất.

Trong một lần đi đám giỗ tôi ngồi cạnh 2 bậc trưởng lão (bậc cha chú), 2 cụ cãi nhau về chuyện gia chủ đặt lên bàn thờ mấy bát cơm cúng, một cụ bảo 3 bát mới đúng, cụ kia khẳng định phải 5 bát, nói qua nói lại chẳng cụ nào chịu cụ nào, tôi mới hỏi hai cụ, thế tại sao lại 5 bát cơm hoặc 3 bát cơm thì chẳng có cụ nào nói được, các cụ chỉ nói "tôi thấy người ta làm thế", hoặc "ở nhà tôi quen làm thế". Thì ra chỉ là những thói quen. Tôi cũng thấy có khi người ta cúng 5 bát cơm, hoặc chỉ 3 bát cơm, nhưng cũng chẳng hiểu vì sao lại 3 hay 5. Tôi nói với hai cụ "5 hay 3 bát cơm có lẽ nó cũng có ý nghĩa của nó, nhưng nếu ta không rõ thì 5 cũng được mà 3 cũng đúng, gia đình ta quen đặt lên bàn thờ bao nhiêu thì cứ thế mà làm, cốt ở cái lòng thành chứ nào ở mấy chén cơm", hai cụ mới thôi.

Bây giờ người ta hay nói tới "Tâm linh". Tín ngưỡng là vấn đề của tâm linh, điều này thì quá đúng. Tín ngưỡng là niềm tin, và cái hiểu biết, tức là cái tri thức, trí thức của con người thì lại rất khác với niềm tin. Niềm tin là tuyệt đối, không "đặt lại vấn đề". Học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần viết trong quyển Thuật tư tưởng "một đức tín mà quan sát thí nghiệm thấy đúng với sự thật, thì không còn gọi là tín ngưỡng nữa, mà phải gọi là trí thức, nghĩa là hiểu biết". Người ta viết ra Kinh thánh cách nay cũng cả ngàn năm. Thuở học Trung học đệ nhất cấp nơi một trường đạo ở Saigon (Cấp 2 - Trung học cơ sở bây giờ), giờ học giáo lý tôi nghe Cha giảng về sự Đồng trinh của Đức Mẹ, đại khái ví như "ánh sáng chiếu rọi qua tấm kính". Thời ấy còn nhỏ nghe có lý, đến khi lớn hơn biết "lý sự", thì thấy cách ví von ấy hoàn toàn không chính xác, cũng chỉ là một sự "đánh tráo khái niệm". Ánh sáng xuyên qua tấm kính là hiện tượng quang học, vật lý, là tri thức, trí thức, lý giải được, còn sự Đồng trinh của Đức Mẹ thuộc về đức tin. Tin hay không tin, thế thôi, không nên và cũng không thể lý giải. Cũng như chẳng thể cố công lý giải chuyện Thánh Gióng mới 3 tuổi vươn vai cỡi ngựa sắt dẹp giặc, hay chuyện Đức Phật đản sinh ở bên hông là hợp lý hay không hợp lý.

Tôi cũng đọc kinh sách Phật giáo, Đức Phật bỏ cả cung điện, ngai vàng, châu báu, cha mẹ, vợ đẹp con khôn..., để đi tìm sự giải thoát tâm linh. Khi đắc đạo tư tưởng của Ngài gói gọn trong triết lý Tứ diệu đế hay còn gọi là Tứ thánh đế: 

1/- Khổ đế (Dukha): chân lý chỉ ra bản chất của cái khổ trong cõi đời. Cái khổ ấy phát sinh từ sinh, lão, bệnh, tử. Bốn nẻo khổ hằng hữu không sao tránh khỏi của kiếp người, nó luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác không ngưng nghỉ, và cái khổ của kiếp này là cái nghiệp báo (Karma) từ kiếp trước.
2/- Tập đế hay Nhân đế (Samudaya): chân lý chỉ ra nguyên nhân của cái khổ. Nguyên nhân ấy là vô minh (avidya) tức là mê muội. Mê muội là do dục vọng mà ra. Dục vọng lại do lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể, ý niệm) và lục trần (sắc, thanh, mùi, vị, xúc, ý tưởng) sinh ra. Đó là những nguyên nhân gây ra cái khổ của chúng sinh từ kiếp này sang kiếp khác.
3/- Diệt đế (Nirodha): tận diệt khổ đau, tận diệt nghiệp báo để thoát khỏi luân hồi. Khổ đau là do vô minh, là mê muội. Diệt được vô minh, mê muội là hết khổ đau, là đã ở trong Niết bàn (Nirvana). Niết bàntâm trạng giải thoát, chính là chốn Cực lạc.
4/- Đạo đế (Marga): chân lý chỉ ra con đường (đạo) giải thoát khỏi khổ đau. Con đường ấy là Bát chánh đạo: 1- Chính kiến: nhận biết đúng đắn. 2- Chính tư duy: suy nghĩ thành thực. 3- Chính ngữ: lời nói trung thực. 4- Chính nghiệp: thực hành trung thực. 5- Chính mệnh: mưu sinh lương thiện. 6- Chính tinh tiến: thành thực mà tiến tới. 7- Chính niệm: tâm niệm, tưởng nhớ thành thực. 8- Chính định: trung thực ổn định tư tưởng. Đây cũng là con đường hoàn thiện Giới (đạo đức), Định (tư tưởng), Tuệ (năng lực trí tuệ). Thực hiện được Bát chánh đạo là con người đã đạt được Niết bàn.

Bát chánh đạo của Đạo Phật rất gần với Ngũ thường của Đạo Nho (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín). Ở Bát chánh đạo chẳng hề thấy một cõi Tịnh độ cách muôn ức dặm đường, cũng chẳng có quỉ thần muôn biến vạn hóa, và Niết bàn là ngay ở cuộc sống này, trong kiếp này chứ chẳng hề ở một kiếp khác nếu ta hiểu được Tứ diệu đế và thực hành được Bát chánh đạo. Nhưng nói như thế tôi cũng không có ý phủ nhận cõi Tịnh độ, hay các vị Thần thánh Phật giáo. Những điều ấy làm nên Tôn giáo Phật giáo và trên trái đất này có hàng tỉ người đã theo và tin. Và như đã nói, niềm tin thì không thể lý giải.

Bởi vậy chúng ta mới thấy những nhà bác học lừng danh như Einstein, Pasteur, Darwin... lại là những người mộ đạo, Darwin, người viết nên Thuyết tiến hóa đã tốt nghiệp cử nhân thần học để trở thành một mục sư Anh giáo, nhưng các ngài hiểu rất rõ và không hề nhầm lẫn giữa khoa học (tri thức, trí thức) và niềm tin (tín ngưỡng). Chắc chắn Darwin viết Thuyết tiến hóa chẳng phải là để bác bỏ chuyện Thượng đế tạo nên trái đất và muôn loài trong vòng 7 ngày của Kinh thánh (cho dù những người vinh danh Kinh thánh luôn bác bỏ ông). Ông chỉ cố gắng tìm ra sự thật của khoa học, cho dù sự thật trong cuộc sống không bao giờ thỏa mãn được mong muốn của con người. Người ta không vừa lòng với hiện tại, nên luôn mong mỏi điều tốt đẹp hơn ở tương lai. Người duy tâm mong mỏi một thế giới rộn ràng hương thơm và nhã nhạc, nơi chẳng phải lao tâm khổ tứ vì cái ăn cái mặc, nơi không có khổ đau, nơi hiện diện một Niết bàn, hay một Thiên đàng đã mất... Nhà duy vật thì mong một Thế giới đại đồng, nơi không có áp bức, bất công, nơi mọi người đều bình đẳng... Nhà khoa học thì cố gắng tìm đến cái tận cùng, cái hoàn thiện của sự vật... để thỏa mãn cái trí thức, và mưu cầu hạnh phúc cho con người...

Như vậy niềm tin (tín ngưỡng) sẽ không bao giờ mất đi nơi con người, bởi nó cũng là một nhu cầu như ăn, như ngủ. Người ta cần phải có một niềm tin để sống, để noi theo. Niềm tin nói chung (nơi một tôn giáo, một học thuyết, một chủ thuyết..., nhưng cũng đừng tin theo một cách mù quáng, dễ trở thành cực đoan). Niềm tin có thể là động cơ để chiếc xe lăn bánh, nhưng cũng có thể là cái thắng để dừng chiếc xe khi lỡ lăn đến bên bờ vực thẳm. Ăn thua chúng ta có đủ sáng suốt và bình tâm để sống chung với nó.

Một ngày cuối năm Quý Tỵ.



Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Đưa Ông Táo (2).

Tranh dân gian hai Ông một Bà Táo. Ảnh Internet.

Hôm nay đúng ngày 23 Tháng Chạp, chính danh ngày đưa Ông Táo về chầu giời. Năm nay rút kinh nghiệm năm ngoái bà xã tôi không mua cá chép cho Ông Táo cỡi nữa, mà chỉ cúng đô la với ơ rô địa phủ để Ông tùy hỉ mua vé xe đò chất lượng cao về Thiên đình. Chắc Ông Táo cũng biết đường mà tránh mấy cái tàu cao tốc cánh ngầm xập ký nình, sau những lần chết máy thả trôi sông trôi biển, bị sóng đánh vỡ kính, rò rỉ nước tràn vào tàu, giờ tàu đang chạy bỗng bốc cháy ngùn ngụt. May mới khởi hành chưa ra sông ra biển còn ủi đại được vô bãi sình để hành khách phi xuống sông thoát thân, bị một phen lên ruột.

Chuyện bà xã tôi phá lệ không mua cá chép nữa chẳng qua năm ngoái ra chợ mua từ hôm trước phải con cá chép đã... lắc lư con tàu đi, người bán cam đoan cá mới vớt khỏe mạnh ai dè mang về nhà sáng 23 chưa kịp cúng thì cá đã xí lắc léo âm thầm du địa phủ. Thôi cứ cúng đô với ơ rô cho Ông Táo muốn đi bằng phương tiện gì thì tùy thích. Mâm cúng cho ông Táo năm nay cũng thế, một hai món mặn ăn thường ngày, ít kẹo thèo lèo, mấy chén chè. Sách vở nói cúng đồ ngọt ngào để lấy lòng ngài, để lúc lên Thiên đình ngài tâu với Ngọc Hoàng sao cho khéo khéo, đừng có báo cáo những lúc cơm chẳng lành canh chẳng ngọt trong nhà.

Không biết chuyện này nếu gọi đúng là gì? Hối lộ thần thánh để thần thánh báo cáo láo? Nói thế e to tát quá, có gì đâu nhỉ? Ông bà ta đã chẳng nói "Tốt khoe xấu che", chớ "Vạch áo cho người xem lưng" đó sao? Một năm Ông Táo đã có công coi sóc nhà cửa, có đòi hỏi công sá gì đâu, cuối năm cũng phải biết điều với Ông chứ. Ô Sin trong nhà cuối năm về quê cũng phải có lương tháng 13, tiền thưởng tết, cặp bánh chưng hay nửa kí lạp xưởng Mai quế lộ... Chứ không thì ra giêng khó lòng mà... ờ gen, họ sẽ a lê xăng rờ tua, một đi không trở lại...

Lan man chuyện nọ xọ chuyện kia, sáng nay đọc báo Tuổi Trẻ thấy có bài viết với cái tựa "Nói dối tràn lan đang trở thành vấn nạn xã hội". Người ta làm buổi tọa đàm đàng hoàng về chuyện này, dĩ nhiên một buổi tọa đàm như thế là phải có đủ thành phần, chức sắc, nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà giáo, nhà báo vân vân... Vị chức sắc tham gia tọa đàm nói qua một cuộc khảo sát 30 trường học trên cả nước, đối với học sinh, sinh viên, thì thấy tình trạng nói dối đã "cực kỳ nguy hiểm, trẻ nói dối ít, càng lớp lớn nói dối càng tăng dần". Hihi, điều này đâu có gì lạ. Ấy là chỉ mới khảo sát trong giới học sinh, sinh viên, rồi nói các em nói dối mà tội. Cứ thử ra ngoài đời khảo sát xem sao? Vào công sở, ra chợ búa, hay xem những báo cáo thành tích, những phát biểu rình rang cuối năm, đầu năm các cấp sẽ thấy. Rồi thử xem ngay cái gọi là "tâm linh" cúng bái Ông Táo chầu giời, người ta sẵn sàng "hối lộ" ngay cho thần thánh để các ngài lên Thiên đình... đổi trắng thay đen nói chuyện xấu thành chuyện tốt... Nghĩa là cái chuyện nói dối trong bàn dân thiên hạ nó đã... thâm căn cố đế... ăn vào xương máu mất rồi.

Chuyện này thì chắc là vô phương cứu chữa, hùhù!




Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

Đưa Ông Táo (truyện Táo quân thời A móc).

Ảnh Internet.

Rằm tháng Chạp đã qua thế là thoắt cái sắp tới hăm ba đưa Ông Táo về chầu Trời. Ông Táo có tích đàng hoàng, hai Ông một Bà (Bà Táo cũng đáo để gớm). Sự tích Táo Ta có khác sự tích Táo Tàu. Chắc các bạn đã biết cái tích hai Ông một Bà Táo Việt, tôi nhắc sơ:

Theo nhà văn Toan Ánh trong Sự tích Táo quân thì Táo quân Việt Nam gồm ba vị họ "Thổ", Thổ Công, Thổ Địa và Thổ Kỳ, may không có... Thổ Tả hay Thổ... Phỉ. Táo quân nghĩa đen là Vua Bếp, đại khái tích chép: Ngày xưa có hai vợ chồng nhà kia, chồng là Trọng Cao, vợ là Thị Nhi (không phải Thị... Phi). Đôi vợ chồng lấy nhau lâu mà không có con nên thường xuyên cãi cọ, một hôm Trọng Cao đi nhậu bị bạn nhậu chê dở, mần ăn không ra gì, xỉn xỉn mất khôn Trọng Cao về uýnh vợ. Khi không bị đánh Thị Nhi giận quá bỏ nhà đi, gặp một chàng trai khác tên Phạm Lang, mặt mũi sáng sủa, ăn nói thanh nhã, cử chỉ ga lăng bèn... kết, theo về ăn ở thành vợ chồng. Bởi thế ở Nam bộ xưa có câu ca dao thế này: "Ra đi gặp vịt cũng lùa/ Gặp duyên cũng kết gặp chùa cũng tu". Tứ hải giai huynh đệ, gì cũng chơi láng.

Tỉnh rượu chờ mãi không thấy vợ về chạy kiếm khắp xóm cũng không thấy. Trọng Cao hối hận bán cả nhà cửa đi tìm, gặp lúc địa ốc đóng băng, nhà cửa xuống giá căn nhà lại hai ba lần "xẹc" nên bán chẳng được bao nhiêu. Lang thang tìm kiếm mấy tháng thì tiền hết phải hành khất lần hồi. Ngày kia Trọng Cao vào nhà kia xin cơm, thấy bà chủ nhà mang cơm ra cho, nhìn ra là Thị Nhi, mừng rỡ. Nghĩa cũ vẫn còn, đôi bên tỏ nỗi niềm hàn huyên hồi lâu. Thị Nhi nghĩ nếu Phạm Lang về bắt gặp cũng phiền nên bày Trọng Cao tạm ẩn trong đống rơm ngoài vườn để tính bề lo liệu. Phạm Lang về nhà sực nhớ hết tro bón ruộng nên lấy lửa châm đốt đống rơm lấy tro khiến Trọng Cao không kịp trở bộ. Khi biết được Trọng Cao đã bị bà hỏa thiêu thế là Thị Nhi nhảy vào đống rơm đang cháy chết theo. Phạm Lang thấy thế cũng nhảy vào chết cháy nốt. Cũng có sách chép đang khi hàn huyên cùng chồng cũ bị Phạm Lang về bắt gặp, bị chồng nghi ngờ càm ràm, Thị Nhi xấu hổ châm lửa đống rơm nhảy vào chết cháy. Trọng Cao thấy thế cũng nhảy vào theo, và cuối cùng đến Phạm Lang. Cả ba cùng bị lửa thiêu chết.

Chuyện này xưa có tờ báo... lá cải cử phóng viên đi điều tra viết phóng sự rất tường tận, lâm ly bi thiết năm bảy số, người ta mua báo đọc ào ào không thua gì chuyện cô Công chúa Ba Xi thất lạc năm nào. Một hôm sau giờ tan chầu, Ngọc Hoàng Thượng đế rảnh rỗi mượn tờ báo của Nam Tào đọc, biết được chuyện, thấy thế động lòng thương, xuống chiếu viết ra nghị định truyền phong cho ba người làm Táo quân coi sóc việc trong nhà, Phạm Lang là Thổ Công trông nom việc bếp núc. Trọng Cao là Thổ Địa trông coi nhà cửa. Thị Nhi là Thổ Kỳ chăm nom việc chợ búa. Truyền thuyết Táo quân là như thế, theo đó thì ba vị này xứng đáng làm Tổ sư của ngành nghề... Ô Sin. Bây giờ nghe nói Ô Sin trong nhà cũng nhân ngày hăm ba tháng chạp, trước khi nghỉ về quê ăn tết, cũng theo gia chủ cúng Ông Táo, bái Sư vinh danh Tổ nghề của mình.

Hằng năm cứ vào ngày 23 tháng Chạp thì người ta lại làm lễ cúng tiễn Táo quân về trời, Táo quân sẽ báo cáo Thượng Đế những việc xảy ra trong năm ở căn nhà Táo quân đã coi sóc. Cúng Táo quân xưa kia đơn giản thường chỉ cúng chay hoa quả, trầu cau, ít kẹo bánh (thể nào cũng phải có món thèo lèo cứt chuột (chắc có ý nhắc nhở Táo quân này, đừng có mà... thèo lèo), ít giấy tiền vàng bạc, để Táo quân mang theo đi đường... bánh kẹo xơi đỡ buồn miệng, và có chút bạc dằn túi  cà phê cà pháo lai rai dọc đường. Nhưng không thể thiếu là một con cá chép, là vật mà Táo quân xưa quen cỡi về chầu trời, để Táo đỡ phải vất vả chạy kiếm cái vé của ông Việt Nam e lai, hay cái vé tàu hỏa có giường nằm, hoặc xe khách chất lượng cao (tết mà kiếm được cái vé về Thiên đình đâu phải dễ). Nhà nào trong năm mà vợ chồng hay gấu ó nhau thì tìm cách bịt miệng Táo quân, cúng cho Táo quân lọ kẹo mạch nha mang theo, xơi phải thứ kẹo này thì khi lên tới Thiên đình Táo quân chỉ có nước ngắc ngứ, không sao mở miệng được.

Tích xưa là như thế, xem ra cũng hay lắm. Thời buổi nay tân kỳ trong nhà đã có sẵn anh tẹc nét Táo quân có thể vô quai phai, 3 gờmeo cho Thượng Đế theo địa chỉ www: thiendinh@gmail.com, đỡ phải vất vả ngược xuôi Thiên đình Hạ giới. Hoặc thay vì cuộn theo cái sớ Táo quân dài ngoằng thậm thượt như xưa, thì bây giờ chép vô cái đĩa xi đi hay đi vi đi, có thể thêm cả hình ảnh hay vi đê ô cờ líp minh họa, lên tới Thiên đình chỉ có việc đưa cho Văn phòng tiếp nhận công văn, cho vào đầu máy mở cho Ngọc Hoàng Thượng đế xem. 

Nhưng tôi thấy nhiều người vẫn muốn giữ tích xưa, như bà xã tôi chẳng hạn, thế nào cũng phải sắm sửa đủ lễ vật cho Ông Táo về chầu trời, không thiếu thứ gì, kể cả cá chép, thêm bài văn khấn Nôm*. Mọi năm cái vụ cá chép này hơi khổ, vì cúng xong phải kiếm chỗ thả cá, có khi cá chưa kịp đưa Táo quân đi thì đã... tự về chầu trời. Chùa ở thành phố hiếm có nơi nào có hồ nước cho bá tánh thả. Năm nay chắc đỡ cái khoản này, vì nhà tôi gần kênh Nhiêu Lộc, sau khi dòng kênh được cải tạo nước đã bớt ô nhiễm, cá đã sống được. Cúng xong chỉ việc bỏ cá vô bịch ny lông mang ra bờ kênh thả. Ít ra cũng có dịp được hoan hô nhà nước.


* Bài văn khấn Táo quân ngắn gọn:

Duy Đại Việt (tên nước), Quý Tỵ niên (23 tháng Chạp năm nay vẫn còn năm con Rắn chưa sang năm con Ngựa)

Con lạy chín phương Trời mười phương Phật. Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ chúng con là: (tên)                       Ngụ tại: (số nhà, phường, xã, quận...)
Hôm nay ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm vật, xiêm hài áo mão, kính dâng Tôn thần. Thắp nén tâm hương thành tâm kính bái. Chúng con kính dâng ngài hiển linh trước án thụ hưởng lễ vật.
Cúi xin Tôn thần gia ơn xá tội, xin Tôn thần ban phước lộc phù hộ cho toàn gia chúng con trẻ già trai gái nhớn bé, sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành, tấn tài tấn lộc.

Cẩn cáo.

Đại khái là như thế.

Những ngày giáp tết cuối năm Quý Tỵ, ngày Đông chí, Tiết Tiểu hàn.
 Gia chủ kính cáo.





Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

Tản mạn về một vài địa danh ở miền Nam.

Chợ Cao Lãnh. Ảnh Internet. Trông hiện đại, nhưng chợ vẫn bán đầy đủ những đặc sản Chuột, rắn, rùa, thằn lằn..., và những món ăn đồng quê, dân dã.


Chẳng hiểu từ lúc nào tôi lại chú ý đến những địa danh, có lẽ tại thỉnh thoảng đọc trong sách vở hay được nghe nói đến, hoặc có dịp du lịch đây đó gặp. Những tên gọi có thể còn nguyên vẹn qua bao thời kỳ thăng trầm của đất nước, cũng có thể đã biến đổi theo thời gian, theo thời cuộc. Địa danh trong đất nước thì rất nhiều, trong Nam chí Bắc, đếm không kể hết. Tôi chỉ thử điểm qua một số địa danh bắt đầu từ Nha Trang trở vào:

Một vài địa danh thuộc miền Nam Trung bộ:

- Nha Trang: có nhiều giả thuyết về tên gọi địa danh Nha Trang, nhưng có hai giả thuyết đáng chú ý: 1/ Nha Trang là từ chữ "Nhà Trắng" (Quách Tấn, Xứ Trầm hương, NXB Lá Bối, Sài Gòn 1969). 2/ Nha Trang từ tiếng Chăm Ya Trang, có nghĩa là Sông lau (Ya: nước, sông; Trang: cây lau sậy). Thuyết Nha Trang là từ chữ Nhà Trắng nhiều người cho là để nói chơi vui, những nhà nghiên cứu phần đông ngả về Nha Trang là từ tiếng Chăm Ya Trang (sông lau). Ở miền Nam có rất nhiều địa danh có nguồn gốc từ tiếng bản địa xa xưa, khi vùng đất còn thuộc Chiêm Thành, Chân Lạp, hay những dân tộc Thiểu số trên cao nguyên. Tên gọi Nha Trang đã có từ rất lâu, trong sách Phủ Biên Tạp lục của Lê Quý Đôn, hay Đại Nam Nhất Thống Chí Quốc Sử Quán Triều Nguyễn có nhắc đến.

- Phan Rang: Phan Rang hiện nay là thành phố thuộc tỉnh Ninh Thuận. Đại Nam Nhất Thống Chí chép:  Đời Lê, năm Hồng Đức thứ nhất (1470), vua Thánh Tôn đi đánh Chiêm Thành, phá thành Đồ Bàn, bắt vua Chiêm. Tướng nước Chiêm là Bô Trì Trì chạy đến Phan Lung chiếm cứ đất ấy, tự xưng là Chiêm Thành vương, lấy được một phần năm nước ấy. Vua Lê nhân đó sắc phong, để Trì nộp cống lễ.
Đời Thái Tông Hiếu Triết Hoàng đế (1648-1686), mở đất đến sông Phan Rang. Năm Nhâm Thân (1692) vua Chiêm Thành là Bà Tranh làm phản, vua sai Chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính (Nguyễn Hữu Cảnh) đánh dẹp, bắt được Bà Tranh, đổi tên nước ấy thành trấn Thuận Thành. Năm Đinh Sửu (1697) đặt phủ Bình Thuận... Lại đặt dinh Bình Thuận và các đạo Phan Rang, Phan Thiết, Ma Li, Phố Hài. Như vậy tên Phan Rang, Phan Thiết đã có từ trên 300 năm nay.
Trong quyển Sổ tay địa danh Việt Nam của tác giả Đinh Xuân Vịnh, mục từ địa danh Phan Rang viết: đất xưa của nước Chiêm Thành, gọi là Panduranga. Như thế từ tên gọi phiên âm Hán Việt Bang Đô Lang, Phan Lung mà sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép có lẽ là đất Phan Rang, có phải là phiên âm của tiếng Chiêm Thành Panduranga?
 
- Phan Thiết: là thành phố thuộc tỉnh Bình Thuận, sách Đại Nam Nhất Thống Chí trích dẫn bên trên đã chép từ năm Đinh Sửu (1697) đã đặt dinh Bình Thuận, đạo Phan Rang, Phan Thiết... Ở Bình Thuận hiện nay có những địa danh hành chính mang từ Hàm phía trước, như Hàm Tân, Hàm Thuận, Hàm Trí, Hàm Nhơn... Từ Hàm này mang ý nghĩa gì? Theo những nhà nghiên cứu Hàm bắt nguồn từ tiếng Chăm (Chiêm Thành) Hamu, có nghĩa là "ruộng". Dictionnaire Căm - Vietnamien - Francais (xuất bản tại Saigon 1971) có ghi chép một loạt địa của người Chăm có từ Hamu đứng trước, tương ứng với địa danh Việt: Hamu Rok (Tân Thành); Hamu Lithit (Phan Thiết); Hamu Ram (Mông Đức)... Cũng có thuyết cho rằng xưa kia người Chăm gọi vùng đất này là Hamu Lithit, hamu là ruộng, lithit là ở gần biển. Khi vua nhà Lê đặt vùng đất này là Phan Thiết không biết có phải đã lấy từ Phan từ chữ Phan Rang, ghép với âm cuối của Lithit (Hamu Lithit chỉ vùng Phan Thiết), để thành Phan Thiết?

Một vài địa danh thuộc miền Tây Nam bộ:

Nếu ở miền Trung có những địa danh được cho là bắt nguồn từ tiếng Chăm vì là vùng đất xưa của người Chiêm Thành, thì ở Nam bộ lại có nhiều địa danh bắt nguồn từ tiếng Chân Lạp (Khmer), vì vùng đất miền Nam xưa thuộc Chân Lạp, như:

- Mỹ Tho: Mé-sâ (người con gái da trắng).
- Cần Thơ: Kìntho (tên loại cá sặc rằn).
- Cà Mau: Srôk Tưk Khmau ( xứ nước đen).
- Sa Đéc: Phsar Dek (chợ bán sắt), nay là thành phố thuộc tỉnh Đồng Tháp. Theo nhà văn Sơn Nam thì Phsar Dek là tên một thủy thần của người Khmer.
- Nha mân: Oknha Mân (ông quan Mân) thuộc huyện Châu Thành tỉnh Đồng Tháp, nơi nổi tiếng với câu ca dao "Gà nào ngon bằng gà Cao Lãnh/ Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân", để chỉ vùng Nha Mân có nhiều con gái đẹp. Nhiều người cho rằng trong một trận chiến giữa Nguyễn Huệ với Nguyễn Ánh năm xưa vào năm 1785 tại vùng này trong trận Rạch Gầm-Xoài Mút, Nguyễn Huệ đã đại phá quân Xiêm và quân của Nguyễn Ánh, khiến Nguyễn Ánh phải bỏ chạy bỏ lại hàng trăm cung tần mỹ nữ tại vùng Nha Mân, và những mỹ nhân ấy đã ở lại Nha Mân để tạo nên một lớp "hậu duệ" đẹp nổi tiếng như sách vở còn nói đến. Tuy nhiên theo cụ Vương Hồng Sển thì từ thời xưa vùng đất này còn thuộc Chân Lạp, con gái Nha Mân đã có tiếng là đẹp, và đã được lựa chọn để tiến vào cung cho vua Miên.
- Cái Răng: Karan (một loại lò bằng đất nung chuyên dùng để đun nấu trên ghe thuyền, nơi vùng ẩm ướt).
- Sốc Trăng: hiện nay viết là Sóc Trăng, tên xưa của người Khmer là Srôk Khléang (xứ có kho bạc).
- Trà Vinh: Srôk Préah Trapéang (xứ tượng Phật trong ao).
- Bến Tre: có sách viết xưa người Miên gọi là Sốc Tre, là vùng có tre, sau người Việt đổi thành Bến Tre. Tuy nhiên theo cụ Vương Hồng Sển Bến Tre cũng phát xuất từ tiếng Thổ (Khmer) nhưng là Srôk Treây, Srôk (Sốc) là XứTreây . Sốc Cá chứ không phải Sốc Tre.

Một vài địa danh ở miền Nam không bắt nguồn từ tiếng Chân Lạp:
- Cao Lãnh: thành phố Cao Lãnh ngày nay thuộc tỉnh Đồng Tháp, nhưng tên gọi Cao Lãnh không phải từ tiếng Khmer như Sa Đéc hay Nha Mân. Theo nhiều sách vở thì bắt nguồn từ tên gọi của ông Đỗ Công Tường, tục gọi là Lãnh người gốc Quảng Nam, di cư vào làng Mỹ Trà dưới thời Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh, được cử làm chức Câu Đương. Vào năm Canh Thìn (1820) vùng này có dịch lớn, dân chúng chết như rạ. Là người có lòng thương người, ông bà Đỗ Công Tường lập đàn ăn chay cầu khẩn Trời Phật xin được chết thế mạng cho dân. Chỉ trong vòng mấy ngày thì cả hai ông bà lâm bệnh mất. Tuy nhiên sau cái chết của ông bà thì bệnh dịch chấm dứt. Để tưởng nhớ công đức của hai người dân chúng đặt tên cho ngôi chợ kế bên nhà của ông bà là chợ "Câu Lãnh" (gồm chức và tục danh của ông). Dần dần Câu Lãnh trở thành Cao Lãnh.

- Cai Lậy: Sách Sổ tay địa danh của Đinh Xuân Vịnh giải thích: "Nguyên là Cai Lễ, người Hoa đọc là Cai Lậy, trở thành tên gọi chính thức là Cai Lậy". Ông Đinh Xuân Vịnh không giải thích thêm có phải Cai Lễ là ông tên Lễ có chức Cai? Như ông Lãnh có chức vụ Câu Đương ở địa danh Cao Lãnh.

Có những địa danh vùng đồng bằng miền Tây Nam bộ có tên gọi tưởng chừng là âm Hán Việt, nhưng theo cụ Vương Hồng Sển cũng bắt nguồn từ tiếng Khmer, như:

- Vĩnh Long: Tiếng Khmer xưa gọi là Kompong-luông, cũng có sách phiên âm là Tầm Phong Long, có nghĩa là "chỗ vua ngự tắm", người Việt gọi là Vũng Luông, Vũng Long (Long Úc) đổi lần ra Vĩnh Long.

Một vài địa danh thuộc miền Đông Nam bộ:
- Vũng Tàu: Gia Định Thành Thông Chí chép là Thuyền Úc, Vụng Úc. Úc (chữ Nôm ) có nghĩa là Vũng, cửa biển, vịnh đi sâu vào đất liền. Thời Pháp được người Pháp gọi là Cap Saint Jaques. Thời Mỹ ở miền Nam hay gọi Ô Cấp, Cấp. Ở Vũng tàu trên đỉnh núi Nhỏ có tượng Chúa Jésus đứng dang tay nhìn ra biển được xây dựng từ năm 1974, tuy nhiên do chiến cuộc và thời cuộc đến năm 1975 bị ngưng và bỏ phế. Đến năm 1992 được Tòa Giám mục địa phận Xuân Lộc đề nghị sửa chữa, tu bổ, và ngày 01-12-1994 chính thức khánh thành bởi Giám mục Giáo phận Xuân Lộc Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật. Tượng Chúa Jesus ở Vũng Tàu được mô phỏng theo như tượng Chúa Cứu Thế ở Rio de Janeiro - Brasil (dựng năm 1931).

- Tây Ninh: người Khmer xưa gọi Tây Ninh là Srok Rôn Damrey (xứ chuồng voi). Ở Tây Ninh có núi Bà Đen (Bà Đinh), cũng gọi là núi Điện Bà, Chiêng Bà Đen (pic de Badinh). Vua Gia Long đã phong cho Bà là "Linh Sơn Thánh Mẫu". Người Khmer có thờ một nữ thần gọi là Mẹ Đen. Theo truyền thuyết thì núi Bà Đen là bàn chân của Bà.

Một vài địa danh thuộc Cao nguyên Trung phần: còn gọi là Tây nguyên, là vùng có nhiều dân tộc Thiểu số, cho nên có nhiều địa danh vùng này bắt nguồn từ tên gọi của người Thiều số:

- Đà Lạt: nhiều người cho rằng địa danh Đà Lạt bắt nguồn từ một câu tiếng La Tinh "Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem", có nghĩa "Cho những người này niềm vui thích, những người khác sự khỏe khoắn". Ráp những chữ đầu của câu La Tinh trên ta có tự dạng theo tiếng Pháp DALAT. Tuy nhiên đây chỉ là sự trùng hợp, vì là tiếng của người thiểu số sở tại, Đà Lạt có nghĩa là "Suối Lạt". Tên gốc của Đà Lạt là Đạlat, Đạ có nghĩa là nước, Lat là tên gọi của một nhóm thuộc dân tộc Kơho sinh sống tại vùng này. Suối Lat chính là suối Cam Ly.
- Kontum: tên gọi của người Bana, Kon: làng, tum: hồ, ao.
- Pleiku: tên gọi của người Gia Rai, Plei: làng, ku: cái đuôi, phần cuối.
- Buôn Mê Thuột: tên gọi của người Êđê, Buôn: làng, Mê Thuột: tên người (ông Thuột).
- Dak Lak: tên gọi của người Bana, M'Nông, Ka Tu, Dak: nước, sông, suối, Lak: hồ.

Trên Cao nguyên có một số địa danh mang yếu tố Hán Việt như: Lệ Thanh, Lệ Minh, Lệ Cần, Lệ Chí, Lệ Ngọc, Lệ Kim..., sở dĩ có những tên như thế bởi đầu của những năm 1950, khi chế độ của Tổng thống Ngô Đình Diệm lập dinh điền tại vùng này, bà Trần Lệ Xuận phu nhân của ông Ngô Đình Nhu, đã lấy chữ "Lệ" trong tên của bà ghép với một số tên người thân trong gia đình để trở thành những địa danh như trên.


Tham khảo:

- Đại Nam Nhất Thống Chí, Quốc sử quán triều Nguyễn, bản dịch Hoàng Văn Lâu, NXB Lao Động - TT Văn Hóa Ngôn Ngữ Đông Tây-2012.
- Gia Định Thành Thông Chí, Trịnh Hoài Đức, NXB Giáo Dục-1999.
- Sổ tay Địa danh Việt Nam, Đinh Xuân Vịnh, NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội-2002.
- Địa danh học Việt Nam, PGS. TS. Lê Trung Hoa, NXB Khoa Học Xã Hội-2011.
- Cửa sổ Tri thức - Tập 2, PGS. TS. Lê Trung Hoa, NXB Trẻ-2006.
- Chuyện Đông Chuyện Tây - Tập 1, An Chi, NXB Trẻ-2005.
- Bên lề Sách cũ, Vương Hồng Sển, NXB Tổng Hợp TP. HCM-2013.
- Một số trang mạng như Wikipédia.




Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

Bên ly cà phê.

Ảnh Internet.

Có dịp ngồi uống cà phê tán dóc với một anh bạn trẻ. Câu chuyện cuối năm lan man, chợt anh bạn hỏi chữ "Sớn sa sớn sác - Xớn xa xớn xác" viết ra sao?, S hay X, hoặc chữ nào viết S chữ nào viết X, có người nói viết thế này, có người nói viết thế khác. Nghe bạn hỏi tôi cũng chẳng biết trả lời sao, có vẻ như những gì viết chơi trên blog tôi viết đỡ sai chính tả, nhưng thật sự ra tôi chẳng giỏi gì hết, rất nhiều lần tôi cũng bối rối không ít về chữ nghĩa, chẳng hạn chữ hay gặp như Xoài (trái xoài) có khi tôi cũng quên khuấy mất viết là X hay S, hoặc chữ Sếp (cấp trên) cũng không nhớ viết S hay X luôn. Thế là lại đành phải dở từ điển. Cũng may là tôi "góp nhặt" được một vài quyển từ điển tiếng Việt thông dụng (vẫn còn thiếu nhiều quyển), đành có được bi nhiêu xài bấy nhiêu.

Lần này cũng thế, đành hẹn với anh bạn để tôi về xem lại "bửu bối" (coi lại sách vở) và sẽ trả lời anh bạn sau. Trước khi giở sách tôi thử điểm lại một số câu theo như cách nói bên trên trong tiếng Việt thì thấy có rất nhiều, như "nhấp nha nhấp nhổm", "nhấp nha nhấp nháy", "nhớn nha nhớn nhác", "tấp ta tấp tểnh", "tất ta tất tưởi, "chập chà chập chờn", "lấp la lấp lửng", "vật và vật vờ", "ngổn nga ngổn ngang", "ngớ nga ngớ ngẩn", "xập xà xập xình"... Ôi thôi, coi vậy mà quá xá, còn nữa nói không hết...

Những chữ như thế thì chỉ có hai chữ sau là có ý nghĩa, chẳng hạn "nhấp nha nhấp nhổm" thì chỉ có nghĩa của từ "nhấp nhổm" là "đứng ngồi không yên", còn hai chữ đứng trước "nhấp nha" chỉ là từ dùng để nhấn mạnh thêm ý nghĩa của hai chữ sau và nhấn mạnh câu nói, không có ý nghĩa và cũng không dùng riêng một mình.

Trở lại câu anh bạn hỏi "Sớn sa sớn sác" hay "Xớn xa xớn xác"? Sau đây tôi chỉ chép những quyển từ điển có ghi chữ muốn tìm hiểu. Quyển Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của có chữ "Sớn sác" (không có từ xớn xác), và được giải thích: Sớn sác: mắt văng mắt vượt, không coi trước xem sau. (Giải nghĩa rất nôm na, dân dã nhưng rất dễ hiểu, đúng kiểu Nam bộ). Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức cũng chỉ có chữ "Sớn sác" ghi nghĩa như "nhớn nhác", và chữ "nhớn nhác" giải nghĩa: trỏ bộ hoảng hốt bỡ ngỡ. Xét trên 2 quyển từ điển này xem chừng ý nghĩa đã "hơi khang khác". Chúng ta hay nghe nói "Mấy đứa nhỏ này đi đâu coi bộ sớn sác dữ?", thì nghĩa của Đại Nam quấc âm tự vị "Sớn sác" là "không coi trước xem sau" nói "mấy đứa nhỏ đi đâu không coi chừng để ý gì hết (có phần bặm trợn không sợ cái gì)", nghe chừng đúng hơn là "Sớn sác" của Việt Nam từ điển - Hội Khai Trí Tiến Đức là "trỏ bộ hoảng hốt bỡ ngỡ" (có vẻ sợ sệt trong đó). Đấy là giải nghĩa của hai quyển từ điển hồi xưa in trong Nam, ngoài Bắc tôi có.

 Tiếp đến sách vở ngày nay thì Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên cũng chỉ có chữ "Sớn sác", ghi chú là phương ngữ, nghĩa như "nhớn nhác", và cũng giải thích như Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức. Quyển Chính tả tiếng Việt của Hoàng Phê cũng chỉ ghi nhận từ "Sớn sác". Đến quyển Từ điển tiếng Việt của NXB Từ Điển Bách Khoa in năm 2007, có cả  hai chữ "Sớn sác" và "Xớn xác", chữ "Sớn sác" ghi: trạng từ, vô ý, không dè dặt, không nhắm trước xem sau, nghĩa này tương tự như Đại Nam quấc âm tự vị, nhưng cũng ghi chú thêm như nhớn nhác dớn dác. Còn chữ "Xớn xác" cũng ghi chú như nhớn nhácdớn dác. Quyển Từ điển chính tả thông dụng của GS. Nguyễn Kim Thản xuất bản năm 1995, ghi nhận cả hai từ "Sớn sác" và "Xớn xác" (quyển này chỉ ghi nhận chính tả, không giải thích từ ngữ). Từ điển từ láy tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học xuất bản năm 1998, đều ghi nhận "Sớn sác" và "Xớn xác" là từ láy và nghĩa như nhớn nhác, và giải thích từ "nhớn nhác": có vẻ luống cuống, sợ hãi.

Như vậy theo hai quyển từ điển xưa là Đại Nam quấc âm tự vị và Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, chỉ ghi nhận từ "Sớn sác", có thể hiểu ban đầu chỉ có từ "Sớn sác", và thời gian sau này phái sinh thêm từ "Xớn xác", từ điển ghi nhận cả 2 từ "Sớn sác" và "Xớn xác". Và ý nghĩa của câu "Sớn sa sớn sác", hoặc "Xớn xa xớn xác", theo tôi cách giải nghĩa của Đại Nam quấc âm tự vị từ "Sớn sác" là "mắt văng mắt vượt, không coi trước xem sau" có lẽ chính xác nhất.

Hai từ "Sớn sác" hoặc "Xớn xác" không phải từ Hán Việt (không có trong âm Hán Việt). Có điều không rõ từ "Sớn sác" (Xớn xác) này có từ bao giờ? (ít ra cũng phải có trước năm 1895, vì đã được Huình Tịnh Paulus Của đưa vào Đại Nam quấc âm tự vị (in năm 1895-1896). Tôi tra thêm trong Từ điển truyện Kiều (Đào Duy Anh), Từ điển Lục Vân Tiên (Nguyễn Quảng Tuân & Nguyễn Khắc Thuần), Từ điển tầm nguyên (Bửu Kế), Từ điển từ cổ (Vương Lộc), Điển cố văn học (Đinh Gia Khánh chủ biên), Từ điển văn học quốc âm (GS. Nguyễn Thạch Giang) đều không thấy có.

Hy vọng là entry ngắn này sẽ giải thích được phần nào thắc mắc của anh bạn trẻ, và nếu có giúp ích thêm được chút nào cho các bạn khác trong việc dùng chữ nghĩa thì hay quá.



Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

Lại nói chuyện chữ nghĩa.


 Những cô gái Chăm trên động cát Nam Cương - Ninh Thuận.

Trong quyển Luyện trí nhớ của Nguyễn Hiến Lê có nhắc đến thời gian ông lặn lội trong vùng Đồng Tháp Mười từ những năm xa xưa của thập niên 30 thế kỷ trước, khi ông còn làm một nhân viên công chánh của chính quyền người Pháp thuở ấy, ông đi khảo sát, đo đạc ở vùng bưng biền này, và ông đã thuật lại trong quyển sách "7 ngày trong Đồng Tháp Mười", sách được xuất bản từ năm 1954, bây giờ không thấy quyển sách này được in lại.

Trong quyển Bên lề sách cũ của cụ Vương Hồng Sển có một chương nói về Đồng Tháp Mười, và cụ có nhắc đến học giả Nguyễn Hiến Lê (sinh thời hai cụ cũng là chỗ thân quen). Ở đây tôi muốn nói tới một từ ngữ trong sách của học giả Nguyễn Hiến Lê mà cụ Vương đã nói đến (tôi chép nguyên văn lời cụ Vương):

Quyển "7 ngày trong Đồng Tháp Mười" có nêu danh từ "Động cát". Tiện đây xin bàn góp. Đó là "đụn cát". Bộ Đại Nam quấc âm tự vị Huình Tịnh Paulus Của giải nghĩa:

Đụn: đồ cuộc làm ra để ví lúa. Tỷ dụ: lúa đụn, lúa bồ. Một nghĩa khác là:

Đụn: đống cao (Cơm chẳng lành, canh chẳng ngon, Dẫu cho chín đụn mười con cũng lìa).

Đụn cát: gò cát cao sát mé biển hoặc ở giữa cánh đồng. (Xin nói luôn và vẫn chưa sai đề: trong quyển tự vị Pháp petit Larousse ghi: "Dine: monticule sablonneux édifíé par le vent. Ông Larousse thêm: Dune, do "dunam" của La tinh và mượn của dân Gaulois, nếu ông thông tiếng Việt, ông sẽ thấy "dune" rất gần "đụn" vậy). (Hết trích).

Như vậy là cụ Vương Hồng Sển viết học giả Nguyễn Hiến Lê đã ghi từ "Động cát" là không đúng, và từ đúng là "đụn cát". Cụ Vương trích dẫn thêm từ điển tiếng Pháp petit Larousse về chữ "dune" (n.f.) trong tiếng Pháp, có nghĩa là "cồn cát" (cụ Vương nói "đụn cát"), và "dune" rất gần với "đụn".



Chuyện chữ nghĩa tôi muốn nói đến là ở chữ "Động cát" học giả Nguyễn Hiến Lê đã nhắc đến trong sách "7 ngày trong Đồng Tháp Mười" của ông. Có phải ông viết "Động cát" là không đúng, và chữ đúng là "đụn cát" như cụ Vương Hồng Sển đã viết hay không? Một người như học giả Nguyễn Hiến Lê, không những giỏi tiếng Hán (ông là dịch giả nhiều bộ sách chữ Hán có giá trị như Sử ký Tư Mã Thiên, Chiến quốc sách...), mà còn giỏi cả tiếng Anh, tiếng Pháp... (Ông dịch nhiều quyển sách tiếng Anh, Pháp... trong tủ sách Học làm người xuất bản trước năm 1975 ở miền Nam, được rất nhiều người đọc, sau này sách được tái bản nhiều lần, quyển Nghệ thuật nói trước công chúng của ông bản in năm 2009 là bản in lần thứ 19). Ngoài ra ông còn là một người viết sách cẩn trọng, ông thường cân nhắc từng câu chữ khi viết. Chẳng lẽ một người như ông lại viết sai từ "đụn cát" thành "Động cát".

Nhưng một người cũng uyên bác không kém, đã viết rất nhiều sách biên khảo, sách cũng tái bản rất nhiều lần như cụ Vương, ông đã viết quyển Tự vị tiếng Việt miền Nam (xuất bản năm 1994 nay không còn kiếm ra được, cũng chưa thấy tái bản), chẳng lẽ ông lại "bắt" sai?



Tôi có quen với một gia đình người Chăm trong làng gốm Bàu Trúc, tôi nhớ cách nay ít năm, trong một lần đi chơi vùng Phan Rang (Ninh Thuận), mấy ngày ở Ninh Thuận tôi có nhờ những cô gái người Chăm hướng dẫn đi thăm một vài nơi, các cô gái Chăm đã mặc những chiếc áo dài truyền thống của họ để chụp hình. Tôi được dẫn đi thăm một số nơi như Tháp Chăm Po Klaung Garai, làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, và một đồi cát tương tự như đồi cát Mũi Né ở Bình Thuận, nhưng đẹp hơn vì còn nguyên vẻ hoang sơ. Những cô gái Chăm đã giới thiệu tên của đồi cát này là động cát Nam Cương. Ngay từ khi nghe tên động cát tôi có thắc mắc hỏi tại sao lại gọi là động cát chứ không phải là đồi cát như tôi vẫn thường nghe gọi đồi cát Mũi Né (đến lúc đó tôi vẫn cứ đinh ninh động chỉ có nghĩa là hang động, như động Phong Nha). Tôi được nghe các cô trả lời xưa nay các cô chỉ nghe người Chăm ở Ninh Thuận gọi là động cát, chứ không gọi là đồi cát. Rồi tôi cũng quên đi từ động cát được nghe.

Cô gái Chăm bên tháp cổ.

Bây giờ đọc thấy cụ Vương nói chữ động cát viết đúng là đụn cát, tôi mới sực nhớ tới động cát Nam Cương của những cô gái Chăm thuở nào. Tôi thử tra tìm trong những quyển từ điển tiếng Việt xưa nay mình có (khoảng 10 quyển), thì gần như không có quyển từ điển trong Nam ngoài Bắc nào có từ động cát. Tôi nói gần như bởi may còn duy nhất quyển Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên của Viện Ngôn Ngữ Học (bản in năm 1997 của NXB Đà Nẵng), có giải thích về chữ động tôi muốn tìm (ngoài những nghĩa như hang động, trái nghĩa với tĩnh...). Động: danh từ, phương ngữ: có nghĩa là Cồn rộng và không cao lắm, thường ở vùng ven biển. Động cát. Tôi cũng thử tra tìm thêm trên mạng, thấy trang Wikimapia có nói đến Động cát Nam Cương ở Ninh Thuận, và có những trang mạng giới thiệu về đồi cát Nam Cương Ninh Thuận, trong bài viết có nhắc đến những động cát ở ven biển.



Như vậy đã rõ, từ "Động cát" mà học giả Nguyễn Hiến Lê đã nói tới trong quyển sách "7 ngày trong Đồng Tháp Mười" của ông, là hoàn toàn chính xác. Có lẽ khi cụ Vương Hồng Sển "bắt" chữ động cát của học giả Nguyễn Hiến Lê cụ cũng không rõ từ động cát là phương ngữ? Câu chuyện này phảng phất một chút gì đó giai thoại nhà thơ Tô Đông Pha đã sửa thơ của Vương An Thạch năm xưa*.

Không rõ có bạn nào đang sống tại những tỉnh miền Trung, như cụ Nô ở Nha Trang, hay bạn Giáolàng ở Bình Thuận (?) có rành phương ngữ động cát này không?



* Giữa Vương An Thạch và Tô Thức (nhà thơ Tô Đông Pha) có một giai thoại lý thú:

Tô Đông Pha đọc thơ của Vương An Thạch, thấy có hai câu:
Minh nguyệt sơn đầu khiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa tâm
Đông Pha chê là vô lý: trăng sáng sao lại hót ở đầu núi, chó vàng sao lại nằm trong lòng hoa được?
Do nghĩ như vậy nên Đông Pha lấy bút sửa chữ khiếu ra chữ chiếu, sửa chữ tâm thành chữ âm, thành ra:
Minh nguyệt sơn đầu chiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa âm
Trăng sáng soi đầu núi
Chó vàng nằm dưới hoa
Sau đó, Tô Đông Pha bị đổi tới một nơi ở phía nam. Ở đó, Đông Pha thấy một loài chim tên là Minh nguyệt, và một loài sâu tên là Hoàng khuyển. Lúc đó, Đông Pha nhớ lại hai câu thơ của Vương An Thạch, có nghĩa là:
Con chim Minh nguyệt hót ở đầu núi
Con sâu Hoàng khuyển nằm giữa đóa hoa
(Ghi chú * trích từ trang mạng Wikipédia).



Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

Bánh bông điên điển.

Bông điên điển. Ảnh Internet.

Tôi đọc trong quyển Bên lề sách cũ của học giả Vương Hồng Sển, có nói đến một món bánh đặc trưng của vùng sông nước Nam bộ, đó là Bánh bông điên điển. Một loại bánh "đặc sản" của người Thổ (tiếng gọi người Miên ở vùng Sốc Trăng quê ông khi xưa),  hình như món bánh bông điên điển này đã lâu không còn nữa, bánh tuy dân dã nhưng ngon còn hơn cao lương mỹ vị.

Những bạn nào quê ở miền Tây Nam bộ như bạn Marguérite, Mùa Thu Buồn... chắc chắn biết bông điên điển, như hình tôi đã post. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Hùinh Tịnh Paulus Của viết như sau: Cây điên điển: tên cây xốp hay mọc theo dải đất bưng. Điên điển có bông nhỏ kết chùm màu vàng tươi, cùng loại với cây so đũa, lá trâu bò thích ăn, trái dài có nhiều hột. Điên điển là loại mọc dại, dễ sống, phát triển tốt trên đất bưng biền, đúng như từ điển đã viết hay mọc theo dải đất bưng.

Ảnh Internet.

Bông điên điển phải hái khi trời vừa chạng vạng tối, lúc búp mới nở. Người dân Nam bộ học nơi người Thổ món bông điên điển nấu canh chua, làm dưa ăn với thịt kho nước dừa ngon hết biết. Theo sách của cụ Vương bánh làm bằng bông điên điển ngày xưa mẹ của ông hay làm ăn rất ngon. Cách làm cũng đơn giản, bột gạo trộn đường vừa đủ ngọt, thêm mớ hột vịt tươi, trộn, nhồi thật đều tay trong một cái tô hay cái vịm. Đến đây tôi tạm thời ngắt để nói về cái vịm. Ở comments của bài trước, khi nhắc đến những đồ vật ngày xưa như cái tĩn, lu, khạp, hũ... Bạn Marguérite đã nói đến cái diệm (bạn nói không biết có dùng chữ đúng không?)  ngày trước dùng để đánh trứng, quậy bột làm bánh ngày giỗ, tết... Thú thật đây là lần đầu tiên tôi nghe đến tên một đồ vật như thế, tôi đã thử tra chữ diệm hay diện nơi đủ loại từ điển trong Nam ngoài Bắc mà không thấy. Đến khi đọc tiếp quyển Bên lề sách cũ của cụ Vương Hồng Sển, thấy ghi nhồi bột trong cái vịm thì tôi hiểu ngay... sự tình. Người Nam bộ hay nói chữ v thành chữ d, từ vịm thành dịm, rồi chẳng mấy hồi thành ra diệm.

Khi bột nhồi đã nhuyễn người ta thả bông điên điển vào, lại nhồi nữa cho đều, bột không đặc quá cũng không lỏng quá, lượng sao cho vừa bột vừa bông điên điển. Kế đến bắc chảo mỡ thật sôi, lấy vá múc bột bánh thả vào chảo, dùng đũa tre đảo qua đảo lại bánh đến khi chín vàng thì vớt miếng bánh gác lên trên cái vỉ sắt trên chảo cho nhểu bớt mỡ. Thế là đã có một cái bánh bông điên điển ăn vừa ngon vừa lạ. Bánh bông điên điển ăn lúc còn nóng vừa thơm vừa giòn, cụ Vương nói ngon gấp mười lần bánh Tây bánh Tàu. Nhưng bánh để qua ngày hôm sau ăn cũng có cái ngon của bánh cũ, khi ấy bánh ăn đã hết giòn nhưng lại dẻo dai, và khi đã về già viết về bánh bông điên điển cụ Vương vẫn còn nhớ mẹ, và tiếc cho tuổi hoa niên thuở nào.

Chèo ghe hái bông điển điển. Ảnh internet.

Bánh làm từ bông điên điển như thế nghe đã đặc sắc, nhưng chưa, hãy nghe cụ Vương kể chuyện bánh bông điên điển của mấy cô thôn nữ người Thổ, cúng dường cho các sãi Miên. Cụ Vương kể:

Người Miên có mùa như lễ Thanh Minh của ta, thời xưa đến mùa các sãi Miên có lệ ban đêm ra ruộng tụng siêu độ cho các oan hồn uổng tử, sãi Miên họ gọi là "lục", lục cụ (louk kru) là sãi cả, họ theo Tiểu thừa (Théravada), mỗi ngày chỉ được dùng một bữa đúng ngọ với những gì khất thực được, ai cúng gì ăn nấy không kiêng cử thứ gì kể cả cá thịt như bên phái Đại thừa. Vào buổi chiều tối các sãi Miên chặt nhánh trúc tìm cắm nơi các mộ hoang không ai thăm viếng, và ở đó suốt đêm tụng thuộc lòng, tụng không đèn, siêu độ cho các mồ hoang lạc. Nhiều khi họ tụng như thế cho đến tận ngày hôm sau không đi khất thực được, như thế các sãi này sẽ chẳng có gì ăn và bị đói.

Không lo, đã có các cô gái Miên lo bánh bông điên điển cho họ, và cái cách họ làm bánh cúng dường các sãi mới tuyệt vời làm sao. Không phải các cô làm bánh sẵn ở nhà đợi đến ban ngày chèo xuồng dâng cho các sãi. Cụ Vương kể, các cô đã chuẩn bị cái vịm bột đã nhồi sẵn như đã kể bên trên, cùng chảo mỡ, cà ràng ông Táo. Sáng sớm trời còn nhá nhem các cô đã bơi xuồng với đầy đủ các thứ, mỗi xuồng có hai cô, một cô chiên bánh một cô giữ xuồng cho khỏi tròng trành. Xuồng ghé vào những cây điên điển ven bờ kinh, bờ ruộng, lựa những nhánh bông điên điển vừa tầm (nhánh vẫn còn bông), vít nhánh ấy xuống nhúng vào vịm bột. Bột sẽ bám vào chùm bông trên cành và các cô nhanh tay nhúng cành bông điên điển đã bám bột vào chảo mỡ đang sôi trên xuồng, đến khi bánh đã chín các cô buông nhẹ tay để cành cây điên điển có chiếc bánh mới chiên vàng hượm trở về vị trí cũ trên cây, các cô gái cứ chiên bánh như thế cho đến khi hết cái vịm bột. Các sãi tụng kinh xong chỉ việc bơi xuồng lấy xuống ăn những bánh bông điên điển ấy.

Cụ Vương Hồng Sển nói thời trước cứ đến mùa thanh minh của họ như thế, sáng ra trên những nhánh cây điên điển ngoài bờ kinh, bờ ruộng lắc lơ những cái bánh bông điên điển, và thời còn nhỏ cụ Vương nói đã vô lễ ăn hỗn bánh trước các ông sãi, và "không biết đến kiếp nào mới có dịp ăn bánh này lại nữa?".

Thật là một món bánh quá độc đáo phải không các bạn?



Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

Sách mới.

Bìa trước cuốn sách Bên lề sách cũ.

Lan man ghé một tiệm bán sách cũ, tôi lại kiếm được một quyển sách mới, sách mới bởi vì mới xuất bản vào quý I năm 2013 của NXB Tổng Hợp TP HCM, với tựa "Bên lề sách cũ" của cố học giả Vương Hồng Sển. Nhưng đây là một bản thảo viết đã lâu của ông. Nghĩa là mới mà cũ, cũ mà mới. Sách in đẹp, bìa cứng dày. Nói đến sách của cụ Vương Hồng Sển, là nói đến những biên khảo đồ sộ của ông, như Sài Gòn năm xưa, Sài Gòn Tạp pín lù, Thú chơi sách, Phong lưu cũ mới, Thú chơi cổ ngoạn, Khảo về đồ sứ Trung Hoa, Khảo về hát bội, Tự vị tiếng Việt miền Nam (bản thảo của ông là Tự vị tiếng nói miền Nam, khi xuất bản từ tiếng nói bị nhà xuất bản tự ý sửa lại là tiếng Việt)..., và còn khá nhiều sách khác nữa.

Cụ Vương Hồng Sển, là một trong bốn học giả ở miền Nam tôi đã mê đọc từ trước năm 1975 thuở còn đi học, cùng với ba người nữa là học giả Nguyễn Hiến Lê, nhà Nam bộ học Sơn Nam, và nhà nghiên cứu Toan Ánh. Sách của các ông luôn đầy ắp những kiến thức, tất cả những kiến thức trong cuộc sống, được viết rất cẩn thận, kỹ lưỡng, tra cứu trên nhiều nguồn. Sách được tái bản rất nhiều lần, bây giờ vẫn còn được tái bản dù cả bốn vị đã không còn nữa, phải nói ngay là tôi đã học được rất nhiều từ sách của các cụ.


Bìa sau của sách.

Khi cầm quyển Bên lề sách cũ, lật qua xem vài dòng tôi đã quyết định mua ngay, thứ nhất là tên của học giả Vương Hồng Sển cũng đã "bảo kê" cho cuốn sách, thứ nhì là nội dung sách viết (trên kệ sách tôi cũng chỉ thấy có một quyển). Ở ngay đầu quyển sách, là một chương cụ Vương đã trích lục lại một phần một quyển sách của Trương Vĩnh Ký viết bằng Pháp văn có tựa đề "Petit cours de géographie de la Basse - Cochinchine" (Tiểu địa dư)*, nói về vùng đất Nam bộ in từ năm 1875 tại Saigon. Sách viết về cuộc Nam tiến và Mở đất Nam kỳ của cha ông ta ngày trước, từ khi đất còn thuộc Chân Lạp, rồi đến các đời chúa, vua nhà Nguyễn, người Hoa Minh Hương trốn chạy nhà Thanh xin chúa Nguyễn cho tá túc, được đưa vào vùng Đồng Nai Biên Hòa, Mỹ Tho (Định Tường)... Đến khi người Pháp đến xâm lấn và đặt nền móng cai trị... Nhưng điều thú vị nhất nơi quyển sách là những giải thích về địa danh, nhân danh ngày xưa ở Nam bộ.

 Thí dụ như về từ hòn, thuở tôi còn nhỏ học tiểu học từ này còn thông dụng điển hình tôi còn nhớ là nước mắm Hòn. Các bạn nào nay đã năm mươi mấy sáu mươi hay hơn nữa, trước ở miền Nam chắc còn nhớ đến nước mắm Hòn. Ngày trước tôi nhớ bà cụ tôi thường có thói quen (lo xa) mua thực phẩm gì cũng trữ ăn được cả tháng, gạo trong nhà ít nhất phải bao một tạ, rồi đường, bột ngọt, mắm muối, nước tương... cả đến vải vóc may quần áo. Có lẽ các cụ đã trải qua thời chiến tranh quá dài, từ miền Bắc cho đến khi vào trong Nam cho nên đã có tính lo xa. Nước mắm bà cụ tôi thường mua từng tĩn, a, cái từ này bây giờ có khi các bạn trẻ, hoặc người khá khá tuổi cũng không biết. Tĩn là một loại bình đựng bằng sành tôi không nhớ có dung tích là bao nhiêu, nhưng chắc chắn là phải hơn một lít, có lẽ phải khoảng hai ba lít. Đã lâu lắm người ta không dùng tĩn đựng nữa.

Tĩn đựng nước mắm. Ảnh Internet.


Tôi thử tra từ điển thì có từ tĩn cả trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Hùinh Tịnh Paulus Của (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị ghi là tỉn, dấu hỏi), cho đến Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức. Đại khái giảng nghĩa là một loại bình đựng bằng sành có bụng to (bên hông phình ra). Nước mắm mà mua cỡ một lít trở xuống thì đựng vào chai lọ, còn mua trên một lít thì đựng bằng tĩn, và nước mắm loại ngon mang nhãn hiệu là Nước mắm Hòn. Sách của ông Trương Vĩnh Ký mà cụ Vương trích dẫn có nói đến từ cù lao, bây giờ ta gọi là đảo. Cụ Vương chú thích về chữ cù lao như sau:

- Cù lao: hòn nổi giữa sông hay giữa biển. (Cù lao có phải là tiếng Nam chăng? Hay do chữ "pulo, poulo" mà có. Tôi xin chừa các nhà từ ngữ học giải quyết).
Hòn: đồng nghĩa với cù lao.
Hòn Phú Quốc là một cù lao lớn.
Nước mắm Hòn: nước mắm tại cù lao Phú Quốc.

Bây giờ nước mắm Phú Quốc là một thương hiệu nổi tiếng, nghe nói nước mắm Phú Quốc cũng có mặt trong các siêu thị ở Mỹ, nhưng là sản phẩm của... người Thái, made in Thailand. Còn ở xứ mình đã lâu người ta không gọi là nước mắm Hòn nữa, có lẽ chữ Hòn nghe... cụt lủn không sang, và không được lịch sự.

Ở huyện Cần Giờ có một con rạch gọi là rạch Lá Buông, chữ Buông viết có g ở cuối. Tôi coi thấy có sách nói tên gọi đúng là Lá Buôn, không có chữ g cuối, phát âm của người miền Nam thường lẫn lộn giữa g và không có g, và sách lý giải đây là loại lá chữ Hán gọi là Bối Diệp, dùng làm buồm, nón, quạt, do lá được buôn bán nên gọi là Lá Buôn, lá này xưa cũng dùng để chép kinh sách Phật giáo, giải thích thế nghe cũng có lý.

Sách  "Khảo về chánh tả" của Lê Ngọc Trụ, và Tự điển tiếng Việt của Lê Văn Đức xuất bản ở Saigon trước năm 1975, đã viết bằng từ "buôn". Tuy nhiên trong sách Tiểu địa dư của Trương Vĩnh Ký, và tra cứu thêm của học giả Vương Hồng Sển đã nói rõ hơn. Sách Tiểu địa dư viết:
buôn là bối diệp; ( )
buông là bồng diệp. ( 葉 )

Cụ Vương tra cứu cho biết:
- buôn, chữ là "bối diệp" dùng chép kinh; bối diệp kinh: sutra Cơ-me.
- buông, chữ là "bồng diệp" dùng lợp nhà, đan kết làm quạt, lọng, buồm; Sóng lá chuốt làm tên, làm đũa... Lá buông người Cơ-me gọi là "treang" (theo nhà thảo mộc người Pháp Alfred Petelot).

Như vậy theo nhà bác học Trương Vĩnh Ký có hai loại là: lá buôn (tiếng Hán = bối diệp), và lá buông (tiếng Hán = bồng diệp),  cụ Vương Hồng Sển đã phân biệt: lá buôn (bối diệp) dùng để chép kinh, còn lá buông (bồng diệp) dùng để  lợp nhà, đan kết làm quạt, lọng, buồm... Như thế thì đây là hai loại lá khác nhau có tên gọi là lá buôn lá buông, chứ không phải chỉ có một loại là lá buôn. Và cái lý giải viết lá buông là sai chính tả, viết đúng là lá buôn, vì đây là loại lá được dùng để buôn bán sẽ không đứng vững. Lá buông (bồng diệp) để lợp nhà, làm quạt, buồm... xem chừng còn được buôn bán nhiều hơn là lá buôn (bối diệp) dùng để chép kinh sách.

Một từ để chỉ địa danh khác ở Mỹ Tho mà cụ Vương Hồng Sển nêu là kinh Bà Bèo, theo cụ Vương thì đây mới chính là cách đọc trại của dân Nam bộ, tên gốc là Bàu Bèo, là nơi xưa kia có ao bàu chứa đầy những bèo. Sau khi khai thông thành dòng nước chảy thì từ kinh Bàu Bèo khi nói nhanh khó phát âm chuyển thành kinh Bà Bèo. Cũng từ cách giải thích như thế cụ Vương đã nói đến một địa danh ở quận 10 mà hôm nọ bạn Mùa Thu Buồn và bạn Giáo đã nhắc đến là Da Bà Bầu. Ông viết (tôi trích nguyên văn):

"Cây Da Bà Bầu, trong Chợ Lớn (sách chép là Cây chứ không phải Chợ): Tôi không thấy địa danh như vậy trong các sách đã đọc. Tôi nghi cũng do "bèo bàu" hay "bàu bèo" mà ra địa danh này... Cũng như chúng ta thường lầm lộn "báo cáo và bá cáo", ít ai phân biệt cho rành: bá cáo là báo cho khắp mọi người biết, còn báo cáo là trình bày việc mình làm, hai từ này rất dễ lầm".

Trong sách còn nêu nhiều chữ nghĩa thú vị khác, nhưng bài viết đã dài, tôi ngừng ở đây vậy.


* Basse - Cochinchine: vùng đất Thủy Chân lạp (Nam bộ) theo cách gọi của người Pháp ngày trước khi còn thuộc Cao Miên, để phân biệt với Haute - Cochinchine (Lục Chân lạp) để chỉ vùng là nước Cao Miên ngày nay. Ngày xưa người Pháp gọi Đàng Ngoài (Bắc bộ, do Chúa Trịnh lãnh đạo) là Tonkin (Đông Kinh), Đàng Trong (Trung bộ, do Chúa Nguyễn cai trị) là Cochinchine, và vùng Thủy Chân Lạp (Nam bộ, thuộc Cao Miên) là Basse Cochinchine như đã viết.


Tham khảo:

- Bên lề sách cũ, Vương Hồng Sển, NXB Tổng Hợp TP. HCM-Quý I/2013.




Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

U 19.


Ảnh Thanh Niên Online.

Đã rất lâu tôi mới được xem một trận bóng đá "mãn nhãn" có cầu thủ Việt Nam tham gia (tuy chỉ được xem trực tiếp truyền hình), một trận đấu của các tuyển thủ U19 Việt Nam với U19 AS Roma vào tối hôm 6-1-2014 trên sân Thống Nhất. Hôm nay tôi thử làm bình lựng dziên nhận xét nhanh vài điều trong và ngoài sân cỏ, qua trận đấu này:

Trên sân cỏ:

- Đầu tiên là phải khen lứa cầu thủ U19 hiện nay, mà đa phần là của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Arsenal JMG, của ông bầu mê bóng đá Đoàn Nguyên Đức. Những cầu thủ U19 Việt Nam trên sân cỏ đa số thấp hơn lứa U19 AS Roma một cái đầu, đấy là về hình thức, còn trong thi đấu thì hoàn toàn lứa U19 Việt Nam không thua kém gì bạn, từ xử lý kỹ thuật, cách đi bóng, lừa bóng, phối hợp đồng đội, đến tư duy chiến thuật... U19 Việt Nam đã làm rất tốt, thực sự ăn miếng trả miếng, nhiều lúc còn áp đảo khiến đội bạn phải chống đỡ vất vả, Những cú đi bóng lắt léo như vẽ của Tuấn Anh, Công Phượng... đã làm rộ lên những tràng pháo tay không ngớt từ phía khán đài.

- Tỉ số của trận đấu là 2-1 nghiêng về phía U19 AS Roma, tạo nên một chút tiếc nuối cho người hâm mộ Việt Nam, đội bạn thắng rất xứng đáng, tỉ số có thể là cao hơn nếu họ không bỏ lỡ một quả phạt đền (pénalty), họ hơn về sức vóc, kinh nghiệm thi đấu. Nhưng toàn bộ trận đấu U19 Việt Nam lại áp đảo nhiều hơn, có nhiều cơ hội hơn, nhưng tính hiệu quả của cầu thủ Việt Nam thua họ (đó cũng là ưu điểm của người và là nhược điểm của ta không chỉ trong thể thao). Những cầu thủ của những nền bóng đá tiên tiến trên thế giới (Âu, Mỹ, Nam Mỹ, Châu Á như Nhật Bản, Đại Hàn, Úc, Trung Đông, hay Châu Phi...), đều thi đấu với hiệu quả rất cao, và rất chuyên nghiệp. Điều này cầu thủ Việt Nam cần phải học tập.

- Lứa U19 Việt Nam có phong cách thi đấu chững chạc hơn hẳn những bậc đàn anh, như đội tuyển quốc gia hay U23. Họ không cay cú đá xấu đối phương khi thua, không  cự cãi với trọng tài khi không vừa ý. Trong thời gian huấn luyện tại Học viện bóng đá HAGL họ được học văn hóa song song với học bóng đá. Chẳng phải vô cớ khi bầu Đức tuyên bố trên mạng cá nhân, cầu thủ học viện của ông "Không thành cầu thủ chuyên nghiệp cũng thành người". "Thành người", điều này còn quan trọng hơn thành cầu thủ chuyên nghiệp mà thiếu nhân cách.

- Trong nhiều năm trở lại đây, chưa bao giờ khán giả Việt Nam phải lùng mua vé chợ đen, nhất là khi đi xem một đội trẻ thi đấu trong một giải giao hữu, lại vào dịp cuối năm tất bật. Vậy mà điều này đã xảy ra với đội tuyển U19 Việt Nam. Có lẽ khán giả đã quá thất vọng với đội tuyển quốc gia và đội U23. Tất cả các khán đài chật ních khán giả, và khán giả đã cổ vũ cho cầu thủ tận tình đến phút cuối của trận đấu cho dù đội nhà thua trận. Một điểm son dành cho cả khán giả Saigon.

Ngoài sân cỏ:

 Các cầu thủ U19 Việt Nam đa số được huấn luyện bài bản từ Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Arsenal JMG của bầu Đức, bởi huấn luyện viên ngoại. Được thành lập từ tháng 10/2007 đến nay, liên kết và đào tạo bóng đá theo khuôn mẫu của Câu lạc bộ lừng danh Arsenal (Vương quốc Anh). Đợt đầu tiên năm 2007 trong số 7.000 thí sinh chỉ tuyển được 16 học viên, đợt thứ nhì năm 2009 từ 9.991 thí sinh đến  từ 21 tỉnh thành tuyển được 10 học viên, và đợt thứ ba vào tháng 8 năm 2013 tuyển được 9 học viên. Nếu tính đến hôm nay là năm 2014, thì Học viện này tồn tại đã được 7 năm. Bảy năm của Học viện có lẽ là thời gian không dài so với mấy chục năm gần đây của bóng đá Việt Nam. Lứa cầu thủ U19 này đã cho người hâm mộ thấy được cách làm ăn khoa học, bài bản, có trách nhiệm của những người liên quan, từ Huấn luyện viên nước ngoài được toàn quyền tuyển chọn, huấn luyện cầu thủ, đến những người bỏ tiền ra lập Học viện.

Trong tình cảnh quá chán ngán với cách làm bóng đá không giống ai của các quan chức thể thao (xây nhà từ nóc, một cách ví von của giới chuyên môn đối với nền bóng đá nước nhà). Giới hâm mộ bóng đá bắt đầu chú ý đến lứa U19 này từ kết quả tại Sanix Cup 2013 với vị trí thứ 6 chung cuộc, tiếp theo là vị trí Á quân tại giải U19 Đông Nam Á vào tháng 9/2013 (thua Indonesia trong loạt đá luân lưu), và mới đây đã đánh bại đội U19 Australia để giành vé chính thức vào chung kết tranh giải vô địch U19 Châu Á vào năm nay 2014.

Dù thế nào đi nữa thì kết quả của cúp Nutifood hữu nghị cũng không quan trọng, quan trọng là lứa tuổi U19 Việt Nam (đúng hơn là lứa tuổi U19 HAGL) đã cho người hâm mộ bóng đá Việt Nam thấy cách làm bóng đá nghiêm túc, sẽ mang đến kết quả như thế nào. Người làm bóng đá phải có tâm và có tài, chứ không phải vì danh và lợi, như trong nhiều năm qua, và với lớp cầu thủ như thế này kỳ vọng vào họ không biết là có quá sớm không? Khi người hâm mộ Việt Nam, những tín đồ Túc cầu giáo, vẫn xem sân cỏ là thánh đường đã quá chán ngán với thứ bóng đá chỉ dành cho những quan chức. Đối với những người biết làm bóng đá một cách tử tế, người hâm mộ có quyền hy vọng vào tương lai của bóng đá, và chắc chắn họ sẽ không quay lưng lại với bóng đá Việt Nam.




Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014

Lá cải.

Ảnh Internet.

Ai cũng biết lá cải là lá của cây... cải, một loại rau ta thường ăn hàng ngày, luộc, xào, nấu canh ăn đều hảo, tôi còn nhớ hồi còn nhỏ bà cụ thân sinh ra tôi hay đọc câu ca dao tục ngữ này: "Canh cải mà nấu với gừng/ Không ăn thì chớ xin đừng có chê", mỗi khi ngồi vào mâm cơm mà có đứa nào trong nhà phụng phịu chê cơm canh. Hồi nhỏ nhà không mấy khá giả, lại đông con, đám trẻ con xưa chỉ những hôm trong nhà có giỗ chạp, tết nhất mới được ăn miếng thịt gà, thịt heo quay, hay miếng chả lụa, còn tứ thời quanh năm dưa cà, rau muống, cá kho cho nên trẻ con chẳng thích tô canh cải, dù được đập thêm miếng gừng ăn thơm, mát, giải nhiệt.

Nhân đọc bài "Mười phát ngôn ấn tượng nhất Việt Nam năm 2013" trên một trang mạng, trong đó xếp thứ 10 là phát ngôn của vị Thượng thư một bộ về truyền thông, khi trả lời chất vấn trước cơ quan dân cử, câu nói như sau (nguyên văn): “Báo chí nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một phương tiện thông tin truyền thông thiết yếu của đời sống xã hội, là cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội; là diễn đàn của nhân dân. Như vậy có thể khẳng định rằng, trong xã hội ta không có báo lá cải”.

Từ ngữ Báo lá cải (tiếng Anh Tabloid journalism) thì chắc những ai sống thời xưa ở miền Nam, nhất là ở Saigon nơi tập trung các tờ báo cũng đều hiểu. Là những tờ báo hàng ngày (nhật báo), hay tạp chí (tuần báo, bán nguyệt san, nguyệt san), chuyên khai thác những tin tức giật gân, những chuyện tình cảm, "hậu trường" của giới nghệ sỹ, chuyện ma quỉ, mê tín dị đoan, bói toán, đoán điềm giải mộng... đánh số đề, những tin tức thuộc loại "Xe cán chó, chó cán xe" nhảm nhí để câu độc giả, nhất là giới độc giả bình dân, những tờ báo này thường được người ta bán dạo ở bến xe, khu chợ, đọc giết thời giờ... Ngày xưa người ta gọi những tờ báo này là báo 4T (Tình, tiền, tù, tội...), và gọi chung là báo lá cải. Xưa song hành với Báo lá cải còn có tiểu thuyết ba xu, là những quyển tiểu thuyết có nội dung rẻ tiền...

Nói về báo chí, trước năm 1975 ở miền Nam đại đa số báo là của tư nhân, chỉ có Công báo* là của nhà nước, báo của tư nhân nhất là nhật báo thường chia làm ba khuynh hướng, thân chính phủ, trung dung, hoặc đối lập. Tôi thử điểm lại một vài tờ báo xa xưa ở miền Nam, những tờ báo đầu tiên là ba tờ báo tiếng Pháp và tiếng Hán: - Le bulletin officiel de l'expédition de la Cochichine (1861-1888), - Le bulletin des Comnumes (1862), - Le courrier de Saigon (1864...). Tờ Gia Định báo là tờ báo quốc ngữ đâu tiên xuất bản năm 1865, do Đô đốc Thống đốc Ohier giao cho Potteau. Đến năm 1869 Trương Vĩnh Ký được giao làm giám đốc Gia Định báo, còn ông Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút. Đây là tờ Công báo mỗi tháng ra một số, nhiệm vụ của Gia Định báo là: - Cổ động cho lối học mới - Phát triển quốc ngữ - Khuyến khích dân chúng học quốc ngữ. Những tờ báo quốc ngữ nổi tiếng thời ban đầu của báo chí ở miền Nam có thể kể thêm: Tuần báo Nông cổ mín đàm** (1901-1924), Nhật báo tỉnh (1905-1912), Lục tỉnh tân văn (1907-1943) do ông Trần Chánh Chiếu làm chủ bút tới số 51 thì ông bị Pháp bắt, và chủ bút được thay thế bởi ông Lương Khắc Ninh...

Trở lại chuyện báo lá cải, tôi không rõ trước và sau năm 1975 (không kể mươi năm trở lại đây), ở miền Bắc có báo lá cải hay không? Từ điển tiếng Việt khá xưa như Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức không thấy có định nghĩa báo lá cải. Quyển Từ điển Tiếng Việt do GS. Văn Tân chủ biên, NXB Khoa Học Xã Hội xuất bản năm 1972 tại Hà Nội, thấy nơi mục từ Lá cải giải nghĩa: Tờ báo tồi. Còn Từ điển Tiếng Việt do Viện Ngôn Ngữ Học, GS. Hoàng Phê chủ biên, in năm 1997 giải thích từ Lá cải rõ hơn: Ví tờ báo tồi, viết nhảm nhí, không có giá trị. Như vậy đã rõ, từ ngữ lá cải (báo) đã có mặt từ lâu, và chắc một người dân bình thường cũng hiểu rõ nghĩa của từ báo lá cải là gì? Cách nay ít lâu những tờ báo phát hành tại TP. HCM như Tuổi Trẻ, Phụ Nữ... có những bài viết về tình trạng báo lá cải. Báo lá cải là một thực tế trong cuộc sống, nó vẫn có một lượng độc giả (có khi người đọc báo lá cải còn nhiều hơn đọc những tờ báo "chính danh" khác), nhưng nếu lá cải trở thành tiêu chí trong nghề báo, thì thật là tai họa.

Như chúng ta đã biết, một tờ báo bị gọi là lá cải, là ở nội dung của những bài viết trên báo, chứ không phải ở chuyện tờ báo thuộc quản lý của ai, như vị Thượng thơ bộ nọ đã phát biểu vì là báo của Nhà nước nên nước ta không có báo lá cải. Tôi cũng lấy làm lạ là tại sao khá nhiều người bây giờ có những suy nghĩ lầm lẫn về khái niệm như thế? Mà nhiều vị trong đó là những người có địa vị, học hàm, học vị cao, giữ những trọng trách trong xã hội chứ không phải đám thảo dân. Chẳng lẽ các vị không hiểu? Hay rất hiểu nhưng vẫn cố tình trả lời thế? Nếu không phải là một kiểu trả lời như người ta thường nói bây giờ là "đánh tráo khái niệm" để ngụy biện, thì đây là một cách trả lời do lý luận sai. Thực tế xã hội đã cho chúng ta thấy trong thời gian vừa qua, báo chí và ngành Tư pháp đã nêu ra nhiều văn bản pháp quy, nghị định... có những nội dung quy định rất phi lý, bị phản ánh nhiều sau phải bãi bỏ.

Trong một quyển sách có tựa là Luyện lý trí, ngay ở chương đầu học giả Nguyễn Hiến Lê đã viết "Tại sao chúng ta lý luận sai?", và ông đã nêu ra 5 nguyên nhân: 1/ Ngôn ngữ của ta thiếu thốn. 2/ Ta không chịu suy nghĩ. 3/ Ta không suy nghĩ bằng óc mà bằng tim. 4/ Ta lý luận không hợp cách. 5/ Sự hiểu biết của ta cạn do: - Ta không chịu điều tra. - Ta thiếu học. Và khi đã lý luận sai, thì người ta sẽ đưa ra những cách trả lời, hoặc giải quyết sai. Quyển sách này được tái bản trong những năm gần đây, nhưng bản in đầu là vào thời trước năm 1975 ở miền Nam, trong tủ sách Học làm người, nội dung của sách nằm ở cái tựa là để Luyện lý trí, nhất là cho học sinh, sinh viên.

Trong một quyển sách khác do GS. TS. Nguyễn Đức Dân viết, ông cũng có nói đến vấn đề mà học giả Nguyễn Hiến Lê đã nêu bên trên, là những môn học các nước Âu Mỹ đã chú trọng từ lâu. Những môn học giúp tư duy mạch lạc, logic học, ngôn ngữ học, thuật hùng biện, thuật giao tiếp... Điều mà học giả Nguyễn Hiến Lê nêu là "Tại sao chúng ta lý luận sai?", thì GS Nguyễn Đức Dân gọi là "Phương pháp lập luận" (Argumentation). Để có thể xem xét, hiểu rõ, và trả lời chính xác một vấn đề, cần phải biết lập luận. Ông viết "Lập luận là một môn học đang được nhiều trường, cả đại học và trung học ở Mỹ và Châu Âu giảng dạy", ông cũng nêu ở Việt Nam trong các trường từ trung học đến đại học, học sinh, sinh viên không hề được dạy môn lập luận (sách xuất bản năm 2002), dẫn đến việc học sinh, sinh viên thường tư duy sai, trả lời sai ngay cả trong những điều rất đơn giản.

Trong sách GS. TS. Nguyễn Đức Dân nêu có sinh viên đã viết: "Chính vì là người có tài viết chữ đẹp như vậy nên khi Huấn Cao bị ở tù, ông còn là một người can đảm không sợ bất cứ một điều gì". Thật là buồn cười khi lập luận như thế. Chữ đẹp có liên quan gì đến can đảm? Thế nếu viết chữ xấu có lẽ Huấn Cao sẽ là người hèn nhát? Hoặc một câu khác: "Tố Hữu thương cho số phận của Nguyễn Du, cũng như Nguyễn Du đã từng thương cho số phận của Kiều vậy". Việc Tố Hữu thương cho số phận của Nguyễn Du cũng như Nguyễn Du đã từng thương cho số phận của Kiều? Một cách so sánh khập khiễng. Chúng ta cũng đã thấy ngay cả những quyển gọi là Sách giáo khoa, được xuất bản chính thức, có những bài toán đáp số kiểu cha 16 và mẹ 12 tuổi, hoặc bài toán cộng trừ bằng cách chặt ngón tay hay cướp kẹo... Người viết sách suy nghĩ và lập luận thế nào mà có thể viết ra được những bài dạy trong sách giáo khoa phản sư phạm như thế?

Ở một góc nhìn khác, GS. Nguyễn Văn Tuấn, một người đã có nhiều năm trong nghiên cứu khoa học tại Úc, đã viết trong sách Đi vào nghiên cứu Khoa học xuất bản năm 2012, ông viết: "Cách thức giảng dạy ở Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn chưa có thay đổi theo cách "thầy đọc, trò chép"; đây là một hình thức hướng dẫn đạo văn vô tình". Và: "Khi trò trả bài hoặc làm bài thi mà không viết đúng ý thầy hoặc nguyên văn lời thầy giảng thì bài thi không đạt; ngược lại để đạt tức là đạo văn". Tình trạng GS. Nguyễn Văn Tuấn nêu cũng chính là cách dạy học theo mẫu nơi trường học tại Việt Nam, như dạy văn mẫu. Không phải chỉ học sinh mới học theo mẫu, người ta cũng muốn cả người lớn cũng suy nghĩ theo mẫu trong cách nói lề trái, lề phải, và một vị giáo sư toán học có tiếng đã ví chỉ có những con cừu mới đi cùng một lề.

Học theo mẫu đã khiến học sinh, sinh viên trở nên thụ động, lười suy nghĩ, tạo nên thói quen lấy những gì của người khác viết làm của mình (đạo văn). Chúng ta đã thấy những vụ lùm xùm đạo văn trong những cuộc thi thơ, văn, đạo hình ảnh trong cuộc thi nhiếp ảnh. Mới đây trên báo chí có một vụ kiện cáo khi một vị chức sắc bị rút bằng cấp do cáo buộc đạo luận văn trong kỳ thi tốt nghiệp.

Muốn tránh lý luận hoặc lập luận sai (dẫn đến tư duy và đưa ra cách giải quyết vấn đề sai). Trong bài viết của GS. TS. Nguyễn Đức Dân, ông đã đề nghị cần phải đưa ngay môn lý thuyết lập luận vào chương trình đại học và trung học. GS. TS. Nguyễn Đức Dân đã viết điều này từ năm 2002, đã trên mười năm rồi, không rõ môn học quan trọng cho cuộc sống này đã được đưa vào giảng dạy chưa?


* Công báo: báo của nhà nước, công bố những văn bản pháp luật quan trọng của các cơ quan lập pháp, hành chính trung ương.
** Nông cổ mín đàm, tên đúng của âm Hán Việt là Nông cổ mính đàm (uống trà bàn chuyện nghề nông và buôn bán (nông = nghề nông, làm ruộng; cổ = buôn bán; mính = trà; đàm = bàn luận). Tên một tờ báo mà viết sai chính tả. 

Tham khảo:

- Địa chí Văn hóa TP HCM, tập II Văn học, Báo chí, Giáo dục, nhiều tác giả, NXB TP. HCM-1998.
- Từ điển TP Sài Gòn-Hồ Chí Minh, NXB Trẻ-2001.
- Luyện lý trí, Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn Hóa Thông Tin-2003.
- Nỗi oan thì, là, mà, GS. TS. Nguyễn Đức Dân, NXB Trẻ-2002.
- Đi vào nghiên cứu Khoa học, GS Nguyễn Văn Tuấn, NXB Tổng Hợp TP. HCM- 2012






Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Giới thiệu sản phẩm.

Đầu năm chuyển hướng làm ăn coi bộ phát tài, hì hì. Tôi tiếp tục giới thiệu một vài sản phẩm handmade "hàng nhà", những chiếc túi xách, ví, bóp... bằng da. Bảo đảm hàng "độc", không đụng hàng.

Túi xách phụ nữ làm bằng da cừu, sản phẩm handmade.

Túi xách dành cho nam bằng da dê.


Ví cầm tay phụ nữ bằng da bò.

Ngăn bên trong của ví cầm tay.

Ví bỏ túi.

Còn nhiều kiểu dáng khác nữa. Hồi nào tới giờ bà xã tôi làm xong để... ngắm chơi.














Tiếp tục là những con thú nhồi bông, đan móc xong để trong bịch cất vào tủ :-)))