Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Thần cửa (Môn Thần - 門神).

Trong dân gian có những vị Thần hay thấy được thờ trong gia đình như Thần tài, Táo quân, hay Thổ địa, nhưng có một vị Thần hiếm thấy được thờ, đó là Môn Thần (門神 - Thần giữ cổng, giữ cửa). Chúng ta thường thấy Môn Thần được thờ nơi đình, đền, miếu... Những đền, miếu của người Hoa, như điện Ngọc Hoàng một ngôi chùa Tàu ở quận 1 Saigon, ngay bên cửa ra vào có một pho tượng được ghi là Môn Quan Thần. Còn nơi các chùa chiền Việt Nam chúng ta hay nhìn thấy hai pho tượng đặt hai bên chánh điện, một ông trông mặt mũi dáng vẻ hiền từ dân gian thường gọi là Ông Thiện, ông đặt phía đối diện gọi là Ông Ác, Ông Tiêu. Ông Thiện là Vi Đà Hộ Pháp, vị Hộ Pháp bảo vệ Tam Bảo (Phật-Pháp-Tăng), Ông Ác là Tiêu Diện Đại Sĩ, trên đầu có 3 sừng, mắt to, lưỡi thè dài tới ngực, là vị Bồ Tát hàng phục ma quỷ, cứu độ chúng sinh, Tiêu Diện Đại Sĩ là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Ông Thiện và Ông Ác như theo cách gọi dân gian, không phải là những vị thần chuyên giữ cửa, mà là hai vị Bồ Tát, theo như chức năng có nhiệm vụ bảo vệ cả hệ thống tôn giáo Phật giáo.

Môn Quan Thần nơi điện Ngọc Hoàng.

Vi Đà Hộ Pháp. Ảnh Internet.


Tiêu Diện Đại Sĩ. Ảnh Internet.

Vị Môn Thần của người Hoa theo sách vở là Chung Quỳ Trấn Môn, vốn là thần Phương Tương Thị có bốn con mắt vàng khoác áo da gấu, quần đen áo đỏ, tay cầm binh khí can, qua để trừ ma quỷ. Hai vị Môn Thần khác nữa là Thần Đồ và Uất Lũy, có sách vở chép là Thần Trà - Úc Lũy, là hai Môn Thần tương truyền sống trên núi Độ Sách ở Đông Hải. Trên núi có cây đào lớn, dân gian cho rằng đào là cây phương Tây vị cay khí xấu, đào là tinh của ngũ hành, ngăn cản tà khí, chế ngự ma quỷ. Ở ngọn cây đào có con kim kê, dưới gốc có một vạn con quỷ. Mỗi buổi sáng khi con kim kê cất tiếng gáy báo hiệu lũ quỷ trở về, hai vị Thần Đồ, Uất Lũy có nhiệm vụ kiểm tra xem đêm qua có con quỷ nào lên dương gian làm điều xằng bậy, sẽ bị Thần bắt trói vứt cho hổ ăn thịt. Do đó bọn quỷ rất sợ Thần Đồ và Uất Lũy. Dân gian thường vẽ hình hai vị thần này dán ở cửa ra vào để trừ tà.

Tranh dân gian Đông Hồ của Việt Nam có bức vẽ Huyền Đàn Trấn Môn, vẽ hình một vị Thần mặc áo xanh, cưỡi trên lưng một con cọp màu đen, cũng được gọi là Hắc Hổ Huyền Đàn hay Huyền Đàn Nguyên Soái. Vị Thần này có tên là Triệu Công Minh, có nguồn gốc từ Trung Hoa. Trong hệ thống Đạo giáo được phong là "Như ý Chánh nhất Long hổ Huyền Đàn Chân quân", cai quản các Cát thần lo việc giúp người lương thiện. Ngày xưa tranh được dán nơi cửa chính ra vào của ngôi nhà. Huyền Đàn Trấn Môn thực chất được sử dụng như một lá bùa (linh phù), có công năng trấn giữ cửa nẻo, ngăn ngừa tà ma. Triệu Công Minh là vị Thần đa năng, cũng còn được thờ như một vị Thần Tài trong nhà.

Huyền Đàn Trấn Môn. Tranh dân gian Đông Hồ. Ảnh Internet

Trong dân gian Việt Nam không có tục thờ Môn Thần, nhưng dùng linh vật và linh phù để trợ giúp, chó là con vật thân thuộc hằng ngày chuyên canh giữ nhà cửa, cho nên con chó đá là một linh vật ngày xưa được người Việt đặt nơi chùa miếu. Chó đá có nhiệm vụ canh giữ, khi chọn đất làm nhà, nếu gặp hướng xấu hoặc không vừa ý, người xưa cũng hay chôn một con chó đá trấn môn trước cửa nhà. Ở Trung Hoa không dùng chó đá, thay vào đó họ có sư tử, sư tử là con vật dũng mãnh, là chúa sơn lâm. Nơi điện, miếu của họ thường đặt một cặp sư tử hai bên cửa ra vào.

Chó đá Việt Nam.

Sư tử đá Trung Hoa trước cửa đền, miếu. Ảnh Internet.

Ở Việt Nam cũng sử dụng một linh vật khác là con hổ chứ không phải sư tử, những vị thần thường cưỡi trên lưng hổ, nơi những ngôi đình làng ngày xưa trên tấm bình phong đặt phía trước ta thường thấy vẽ, hay đắp nổi hình con hổ để đuổi tà ma, Tranh dân gian Đông Hồ cũng có loại vẽ hình 1 hoặc 5 con hổ (ngũ hổ), để người dân dán trước cửa nhà trừ tà, tương tự như bức tranh Huyền Đàn Trấn Môn.

Hổ nơi đình, miếu Việt Nam. Ảnh Internet.

Tranh hổ dân gian. Ảnh Internet.

Tranh ngũ hổ. Ảnh Internet.

Ngoài các loại tranh, trong dân gian còn treo các linh phù khác có nguồn gốc Đạo giáo trước cửa để trừ tà, chẳng hạn tấm tranh kiếng Âm dương Bát quái. Khi đến Hội An, nếu chú ý du khách sẽ thấy nơi trước cửa nhà ở đây treo đôi Mắt cửa, đó cũng là một thứ linh phù Trấn môn. Đôi mắt cửa Hội An được thể hiện như những tấm hình phía dưới, được treo trên đầu cửa ra vào chính của ngôi nhà. Đôi mắt cửa thường được tạc bằng gỗ, có loại là hình bông hoa 8 cánh, ở giữa có vòng tròn lưỡng nghi (Âm dương), hoặc hình ảnh Âm dương Bát quái, hay chữ Hán viết theo lối triện Phước-Lộc-Thọ... Ý nghĩa của đôi Mắt cửa Hội An trước hết là đôi mắt canh giữ cửa, đôi Mắt cửa cũng thể hiện cặp đôi Nhật-Nguyệt, ngày và đêm, luôn coi sóc, canh giữ nhà cửa, cũng là biểu tượng Âm dương hòa hợp, mang đến hanh thông, cát tường cho gia chủ...

Âm dương Bát quái trấn môn.






Đôi mắt cửa ở Hội An. Ảnh Internet.

Thần giữ cửa, hay những linh vật, linh phù có nhiệm vụ, chức năng Trấn môn, cả nghìn năm qua người dân tin rằng sẽ mang đến cho họ bình an và nhiều may mắn trong cuộc sống...


Tham khảo:
- Tranh tượng & Thần phổ Phật giáo, Louis Frédéric, NXB Mỹ Thuật-2005.
- Đặc khảo về tín ngưỡng thờ Gia thần, Huỳnh Ngọc Trảng-Nguyễn Đại Phúc, NXB Văn hóa Văn nghệ- 2013.
- Phật Pháp Bách Vấn (tập 2), Huyền Ngu - Quảng Tánh biên soạn, NXB Tôn Giáo-2007.
- Trang mạng Wikipédia.

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Cây trái vườn nhà.



Đây là trái thanh long trồng nơi "vườn nhà". Nói là "vườn nhà" cho oai chứ thực ra trái thanh long này được trồng trong chậu nơi balcon. Số là mấy tháng trước có người cho một nhánh thanh long ruột đỏ chứ không phải ruột trắng như thanh long bình thường vẫn bày bán ở chợ, thử cắm đại vào cái chậu nơi balcon. Thanh long là giống xương rồng nên khá dễ tính, chẳng phải chăm sóc gì cả, kể cả việc tưới nước, có quên dăm ba ngày cái chậu đất khô queo cây vẫn sống tốt. Chủ yếu thỉnh thoảng tưới cho nó ít nước vo gạo, bỏ dưới gốc dăm ba lá rau héo. Những nhánh thanh long đúng như tên gọi, giống như con rồng xanh cứ bò ngoằn ngoèo. Trưa nay tình cờ thấy một trái chín đỏ treo lủng lẳng khuất sau đám lá của một cây khác, trái khá to, độc nhất, người ta gọi là trái bói.



Trái thanh long ruột đỏ.


Như các bạn đã thấy ở những tấm hình bên trên, trái thanh long ruột đỏ như vỏ của nó, ăn rất ngọt và thơm, xưa nay tôi chưa hề ăn một trái thanh long nào ngon như thế (cây trái vườn nhà mà). Trái thanh long này vừa chín tới, không sử dụng phân hóa học, không thuốc trừ sâu, bảo đảm tuyệt đối về an toàn thực phẩm, hìhì!




Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Xóm nghề.


Nghề dệt chiếu.


 Ở Saigon ta thường hay nghe tên gọi một khu xóm liên quan đến ngành nghề, như trồng trọt, sản xuất hay thương mại. Những xóm nghề này không có tên chữ đẹp đẽ, chỉ đơn giản gồm một chữ Xóm ghép vào tên gọi của ngành nghề, đơn giản như tính cách của người dân Nam bộ. Xóm (chữ Nôm: Xóm , mượn chữ Điếm tiếng Hán), theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị giải thích là một chỏm nhà ở, tương đương với một thôn, tiếng Việt cổ ngày xưa gọi là chạ (chung chạ là cùng chung một xóm, một thôn). Chúng ta có thể kể, vùng gần chợ Bà Chiểu có Xóm Giá, Xóm Gà, khu chợ Phú Nhuận có Xóm Kiệu (nay còn tên gọi Cầu Kiệu), ở quận 4 có Xóm Chiếu, quận 1 có Xóm Vườn Mít (khu vực Tòa án Thành phố), Xóm Cối Xay. Khu vực Chợ Lớn có Xóm Huê Nương (còn gọi là Xóm Lồng Đèn), Xóm Củi, Xóm Than, Xóm Chỉ, Xóm Lò Vôi, Xóm Đất, Xóm Lò Gốm, Xóm Bột... Một số tên gọi vẫn còn nghe nhắc tới như Xóm Gà (quận Bình Thạnh), Xóm Chiếu (quận 4), Xóm Củi (quận 8), Xóm Lồng Đèn (ở khu Phú Bình quận 11 chuyên sản xuất lồng đèn dịp Trung thu).. Ngoài một số vẫn còn được nhắc đến bằng tên đường (đường Xóm Đất), tên cầu (Cầu Kiệu), tên rạch (Rạch Lò Gốm), hoặc tên chợ (Chợ Xóm Củi, Chợ Xóm Chiếu)..., còn lại những tên tuổi một thời nay đã mất dấu, vì theo thời gian đã không còn gắn bó với ngành nghề..

Nghề làm lồng đèn.

Như tên gọi của xóm, đó chính là ngành nghề liên quan đến trồng trọt, sản xuất, hay thương mại của khu vực, chẳng hạn Xóm Giá chuyên làm giá đỗ (giá làm bằng đậu xanh). Xóm Gà (xóm này nay thuộc quận Gò Vấp) trước đây là một xóm nghèo thuộc ngoại ô, có nhiều dân ở các nơi khác đến tạm trú thường làm thuê, làm mướn, hoặc buôn bán nhỏ. Xóm Gà như tên gọi, ngày xưa nuôi nhiều gà, có gà thịt, cũng có cả những giống gà chọi đá độ ăn tiền như gà tre, gà nòi... cung cấp cho những trường gà cá độ ăn thua. Xóm Kiệu ở khu vực chợ Phú Nhuận bây giờ xưa chuyên trồng kiệu, loại cây có củ để làm củ kiệu cho dân nhậu lai rai. Tương tự Xóm Chiếu chuyên dệt chiếu. Quận 1 có Xóm Vườn Mít trồng mít, theo học giả Vương Hồng Sển ngày xưa những người dân nghèo xóm này xay hột mít ra làm bột để bán. Xóm Cối Xay chuyên đục đẽo đá làm cối xay. Xóm Củi bên quận 8 là nơi bán củi, Xóm Than bán than. Xóm Lò Vôi nung vôi, Xóm Lò Gốm làm đồ gốm, đồ gốm Chợ Lớn-Cây Mai nổi tiếng Nam kỳ Lục tỉnh một thời. Xóm Đất chuyên bán các loại đất sét làm gốm cho lò gốm. Xóm Bột chuyên sản xuất các loại bột, trong bài Phú Gia Định có câu "Ngoài Xóm Bột phơi phong trắng dã, nhiều bột mì, bột đậu, bột lọc, bột khoai".

Khoảng đầu thế kỷ 20, Xóm Gà cũng là nơi tạm trú của khá nhiều văn nhân thi sĩ trong cả nước đến tá túc, làm việc, trong đó có những nhà văn, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng một thời như Phan Khôi, Tản Đà, Ngô Tất Tố, Tế Xuyên, sau này nhà văn Sơn Nam, nhà thơ Bùi Giáng cũng có sống tại Xóm Gà...

Gốm Chợ Lớn-Cây Mai xưa.


Nơi khu vực Chợ Lớn khi xưa nay thuộc quận 5, có Xóm Chỉ, ít năm trước đây khi chưa làm Đại lộ Đông Tây vẫn còn một cây cầu sắt bắc qua kênh rạch gọi là cầu Xóm Chỉ, theo cố học giả Vương Hồng Sển khi xưa nơi này bán chỉ. Tuy nhiên theo sách Lược khảo Nguồn gốc Địa danh Nam Bộ của Bùi Đức Tịnh, thì tên đúng là Xóm Trĩ. Thời xưa vùng này là nơi buôn bán trĩ, là những nhánh hay cành cây to cỡ ngón chân cái, dài khoảng 2m, dùng để làm hàng rào, hay làm bủa để nuôi tằm. Khu vực trung tâm Chợ Lớn có Xóm Huê Nương, còn gọi là Xóm Lồng Đèn, cũng  theo học giả Vương Hồng Sển ngày xưa dân Sài Gòn - Chợ Lớn quá mười giờ đêm muốn ra đường phải xách theo một cái lồng đèn. Ở Xóm Huê Nương (Xóm Lồng Đèn) về khuya dân ăn chơi sau khi đi ăn nhậu khuya về thường xách lồng đèn tìm đến Xóm Huê Nương, là nơi những cô gái sống về đêm... Dĩ nhiên Xóm Huê Nương (Xóm Lồng Đèn) đã bị dẹp bỏ từ lâu, khác với Xóm Lồng Đèn làm lồng đèn Trung thu cho trẻ nhỏ ở khu vực Phú Bình quận 11, nay vẫn còn làm thời vụ một mùa Trung thu.

Những xóm nghề của Saigon một thời nay đa số không còn nữa, may ra thỉnh thoảng chỉ  còn được nhắc đến qua sách vở, hay nơi ký ức của những người hoài niệm...


Tham khảo:

- Sài Gòn Năm Xưa, Vương Hồng Sển, NXB TP. HCM - 1997.
- Sài Gòn tạp pín lù, Vương Hồng Sển, NXB VH-TT - 1998
- Lược Khảo Nguồn Gốc Địa Danh Nam Bộ, Bùi Đức Tịnh, NXB Văn Nghệ TP. HCM -1999.
- Sài Gòn Xưa, Sơn Nam, NXB Trẻ - 2008.

* Ảnh Internet.

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Nghi lễ cúng thất.



Đọc bên nhà ông bạn Hồng Ngọc viết về chuyện ma chay, nhân ngày cúng thất thứ 2 của Nhạc phụ bạn. Cúng thất là một nghi lễ Phật giáo thỉnh thoảng tôi cũng hay được mời tham dự nơi những ngôi chùa, do chư tăng cử hành. Nếu những nghi lễ khi tang lễ có thể có mặt nhiều người ngoài gia đình, họ hàng, thì cúng thất thường chỉ bao gồm những người thân trong gia đình người quá cố, và một số ít họ hàng thân thuộc, cúng thất có thể được cử hành tại gia với những nhà sư được mời tới nhà, nhưng thường được cử hành tại chùa, là nơi thờ phượng đặt tro cốt của người quá cố.

Cúng thất là một nghi thức quan trọng bên Phật giáo dành cho người mới khuất, cúng thất bao gồm 7 thất, mỗi thất 7 ngày, vị chi là 49 ngày kể từ ngày mất. Theo quan niệm truyền thống dân gian, con người khi sinh ra sau 7 ngày thì được một lạp, và khi mất sau 7 ngày thì được một kỵ. Mỗi lạp thì sinh ra một vía, còn mỗi kỵ thì mất đi một vía. Con người có 7 vía (chúng ta thường hay nghe nói réo 3 hồn 7 vía), cho nên người ta có lệ cứ 7 ngày sau khi mất cúng một lần, gọi là cúng thất, tất cả bao gồm 7 thất, thất cúng cuối cùng gọi là chung thất, trọn 49 ngày,

Trong kinh Địa Tạng của Phật giáo, có nói đến trong 49 ngày nếu tạo được nhiều phước lành cho người đã khuất, thời có thể cứu người đã khuất khỏi đọa vào chốn ác đạo, và được sinh lên cõi thiện. Đối với thân quyến hiện tại cũng được nhiều phước lành. Cứ 7 ngày như thế là một tuần chay, cúng 7 tuần chay trọn 49 ngày gọi là "Thất thất lai tuần". Như chúng ta đã biết triết lý Phật giáo tin rằng khi chưa dứt khỏi luân hồi, thì con người luân hồi trong lục đạo, gồm 3 ác đạo là Súc sanh, Ngạ quỷ, Đia ngục, và 3 thiện đạo là Cõi người, A tu la (Phi thiên), và Thiên.

Tín ngưỡng Phật giáo tin rằng trong vòng 49 ngày sau khi mất (Thân trung ấm), là thời gian hồn phách của con người chờ được xem xét để tái sinh trong lục đạo (một trong sáu cõi kể trên). Nếu thực vật chỉ có một phần sinh hồn, động vật (các loài vật) có sinh hồngiác hồn, thì con người có sinh hồn, giác hồn, và linh hồn (3 hồn 7 vía).

Trong vòng 49 ngày mất chúng ta thường thấy mỗi ngày người trong gia đình cúng cơm cho người đã khuất, cúng cơm này là cúng cho người đã khuất hưởng khi chưa biết sẽ về đâu. Nhưng cúng thất không phải là cúng cho người đã khuất, mà đây là lễ vật dâng cúng lên chư Phật, Bồ Tát để cầu xin vong linh được tiếp dẫn, siêu thoát về nơi Thiện đạo (3 cõi lành trong 6 cõi luân hồi).
 

Trong nghi lễ cúng  thất được cử hành tại chùa tôi đã có dịp tham dự, thường thấy có một vài cho đến vài chục chư tăng cử hành lễ, tùy theo yêu cầu của gia chủ. Như vào dịp An cư kiết hạ vừa rồi, nhân có các chư tăng về an cư, tại một Tu viện Phật giáo tôi đã được tham dự một lễ cúng chung thất có đến 50 chư tăng hành lễ, rất trang trọng và ấn tượng. Tôi cũng thường thấy trong nghi lễ có phóng sinh chim chóc để cầu phước cho người quá vãng.

Nhân đây tôi cũng muốn nói thêm về một tục lệ dân gian chúng ta thường thấy trong đám tang tôi đã đọc được trong sách vở, là tục đội mũ rơm, thắt lưng bằng dây gai dây chuối, và chống gậy tre hay gậy vông. Nguyên do của tập tục này lại chính là để bảo vệ an toàn cho thân nhân người quá cố. Ngày xưa đường xá chật hẹp, người quá vãng thường được an táng nơi đồng ruộng, hay trên núi. Đường xá đi lại trơn trượt, khó khăn, đã có trường hợp sau mấy ngày tang ma mệt mỏi, người đi đưa mất thăng bằng ngã đập đầu hay rơi xuống vực, cũng có khi con cái quá thương tiếc tự đập đầu gây thương tích. Để tránh những điều đó người ta mới làm ra những chiềc mũ bện bằng rơm cho người thân đội (tạo an toàn khi va đập giống như mũ bảo hộ chạy xe gắn máy bây giờ). Áo tang lụng thụng dễ vướng víu vấp ngã nên được buộc lại bằng giây chuối, giây lạt, còn cây gậy chống cũng có tác dụng đi lại thêm vững chắc trên đường trơn trượt hay đường núi gập ghềnh. Tục phân biệt tang cha chống gậy tre còn tang mẹ chống gậy vông.




Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Tục thờ Thần Tài.

Một khám thờ Thần Tài.

Thần Tài (chữ Hán viết là Tài Thần ) là một gia thần được thờ phổ biến trong dân gian, chúng ta có thể thấy hình ảnh Thần Tài được thờ khắp nơi, trong đình, đền, miếu..., cho đến các hộ gia đình, nhất là những nơi kinh doanh buôn bán, cửa hàng cửa hiệu. Khám thờ Thần Tài ở những nơi này rất trang trọng đặt ngay gần cửa ra vào. Thần Tài như tên gọi, là vị Thần mang đến tài lộc, Thần Tài được thờ phổ biến như thế, nhưng lai lịch và diện mạo của vị Thần dân gian này lại không rõ ràng... Thần Tài không được đặt thờ trên cao như những vị Thần khác, chúng ta thường thấy khám thờ Thần Tài được đặt dưới đất, gần ngay cửa ra vào và quay mặt ra cửa. Trong khám thờ có dán một tấm giấy đỏ, hoặc một tấm tranh kiếng làm bài vị viết những hàng chữ chính như: Ngũ Phương Ngũ Thổ Long Thần/ Tiền Hậu Địa Chủ Tài Thần (  / 後  神). Hai bên bài vị thường có hai câu đối: Thổ Địa Sinh Bạch Ngọc/ Địa Khả Xuất Hoàng Kim (土  /    金). 

Thần Tài.

Thổ Địa.
 

Trong khám thờ Thần Tài phổ biến nơi người Việt và người Hoa vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, người ta thường thấy đặt chung hai vị Thần là Thần Tài và Thổ Địa. Thứ nhất là Thần Tài, phổ biến là tượng một ông lão râu dài ngồi trên ghế mặc áo thụng, đầu đội mũ che tai, chân đi giày, tay phải vuốt chòm râu bạc, tay trái cầm một thỏi vàng, thì tượng Thổ Địa (còn gọi là Ông Địa), ngồi một chân xếp bằng, một chân chống cao, ăn mặc đơn giản, thoải mái, áo phanh ngực và bụng, tay phải của Thổ Địa cũng cầm một thỏi vàng (Thổ Địa là vị Thần cai quản trong khuôn viên đất của một gia đình, để phân biệt với Thổ Thần là vị Thần cai quản một vùng đất). Đó là hai vị thần được tin là sẽ mang lại tiền tài và đất đai được mùa cho gia chủ. Truyện kể dân gian ở Việt Nam về Thần Tài lại là hình ảnh một cô gái tên Như Nguyện (có sách viết là Như Nguyệt), truyện kể như sau:

Ngày xưa có một lái buôn tên là Âu Minh, khi ngang qua hồ Thanh Thảo được Thủy Thần cho một con hầu tên là Như Nguyện. Âu Minh đem Như Nguyện về nuôi thì việc làm ăn phát đạt, vài năm sau trở thành giàu có. Sau nhân một hôm ngày Tết Như Nguyện làm lỗi, Âu Minh đánh Như Nguyện, Như Nguyện sợ hãi chui vào đống rác biến mất. Từ đó Âu Minh ngày càng làm ăm sa sút, rồi khánh kiệt trở nên nghèo khó. 

Từ đó người dân có tục kiêng không đổ rác trong ba ngày Tết, vì sợ đổ mất Thần Tài trong đống rác. Đây là một câu chuyện dân gian mang tính cách truyền thuyết hơn là một Thần tích, vì như ta đã thấy trong dân gian thờ Thần Tài không có hình ảnh cô gái nào cả. Cũng khó để xác định Thần Tài đã được thờ trong hệ thống tín ngưỡng gia thần ở nước ta có vào thời điểm nào, qua một vài thư tịch người ta chỉ có thể áng chừng Thần tài đã được thờ trong gia đình Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ XX, ở miền Bắc tranh Đông Hồ vẽ trên giấy dó cũng có loại tranh vẽ Thần Tài, và chỉ khoảng một thế kỷ thì Thần Tài đã là vị Thần phổ biến, có lẽ bởi việc buôn bán phát triển, thương mại không còn bị đánh giá thấp như ở vào các thế kỷ trước.


Tăng phước Thần Tài - Tranh giấy dó Đông Hồ.

 Ở nước ta tục cúng Thần Tài nơi những người làm ăn buôn bán phổ biến vào hai ngày mùng 2 và 16 âm lịch, lễ cúng đơn giản thường chỉ là nải chuối hay đĩa trái cây, có khi thêm miếng thịt heo quay. Có ý kiến cho rằng ngày sóc và ngày vọng (1 và 15 âm lịch), là ngày cúng Phật, và ngày mùng 2 và 16 là ngày cúng cô hồn, người ta cúng vào ngày mùng 2 và 16 để cô hồn không quấy phá việc làm ăn của họ, việc không bị cô hồn quấy phá sẽ mang lại tài lộc, đồng nghĩa với làm ăn hanh thông, buôn may bán đắt... Lâu dần người ta coi đó là ngày cúng Thần Tài.

Việc cầu mong phát tài phát lộc, giàu có tiền của, vàng bạc đầy nhà của người Việt đã có từ xa xưa, nằm trong tín nguõng phồn thực (được mùa màng, ấm no, giàu có), như thường thấy nơi những câu chuyện cổ tích dân gian ăn khế trả vàng, chiếc chum vàng, hay chiếc thoi vàng (thoi dệt vải) của người Tày, nhưng tục thờ Thần Tài có lẽ bắt nguồn từ chuyện thờ Thần Tài của người Hoa, người Hoa giỏi buôn bán, cửa hàng, cửa hiệu, hoặc nơi sản xuất của họ cũng là nơi ăn ở thường nhật, cho nên việc thờ cúng các vị Thần, trong đó có Thần Tài của họ rất đa dạng.Thần Tài của người Hoa ở Chợ Lớn bao gồm Thần Tài võ, Thần Tài văn, và cả những Thần Tài không chính danh. Những Thần Tài võ như Triệu Công Minh, Quan Vũ. Thần Tài văn như Tỷ Can, Phạm Lãi, Tài Bạch Tinh Quân, Văn Xương Đế Quân, Phúc Lộc Thọ Tam tinh. Các Thần Tài được gọi là Thiên Tài Thần giúp con người kiếm tiền bằng những cách không chính đáng, như Ngũ Lộ Tài Thần, Hắc Bạch Vô Thường. Và các Thần linh khác như Lưu Hải, Hòa Hợp Nhị Tiên, Táo Quân, Thổ Địa... là các vị Thần kiêm nhiệm luôn cả việc ban phát tài lộc cho con người...

Chiêu Tài Miêu (Mannekineko) của người Nhật.

Nang Kwak Thần Tài Thái Lan  (Niêng Bật - Niêng Bột - Nàng Ngoắc).

Ganesha Ấn Độ.

 Ngoài các vị Thần Tài kể trên, hiện nay trong việc thờ cúng Thần Tài ta còn thấy Tì Hưu, Thiềm Thừ ngậm tiền của Trung Hoa, Chiêu Tài Miêu của người Nhật (Mannekineko), dưới dạng một chú mèo vẫy tay. Thần Tài của người Thái Lan Nang Kwak, người Căm Bốt gọi là Niêng Bật-Niêng Bột (Nàng ngoắc-Nàng vẫy), người Việt gọi là Bà ngoắc. Hình dạng của Chiêu Tài Miêu và Nang Kwak (Nàng ngoắc) giống nhau ở chỗ một tay cầm túi tiền, một tay đưa lên vẫy. Thần Tài này hay thấy được đặt nơi các cửa hiệu, cửa tiệm, trông như đang mời gọi khách hàng. Cũng còn một vị Thần Tài khác của Ấn Độ mình người đầu voi ít được thờ hơn, gọi là Ganesha, cách nay mấy năm đi du lịch ở Thái Lan tôi thấy Ganesha mình người đầu voi được thờ nhiều nơi các khách sạn, nhà hàng...


Tham khảo:

- Phong tục thờ cúng trong gia đình Việt Nam, Toan Ánh, NXB Tổng hợp Đồng Tháp - 1996.
- Tín ngưỡng phong tục & Những kiêng kỵ dân gian Việt Nam, Ánh Hồng biên soạn, NXB Thanh Hóa - 2004.
- Đặc khảo về tín ngưỡng thờ gia thần, Huỳnh Ngọc Trảng-Nguyễn Đại Phúc, NXB Văn hóa Văn Nghệ - 2013.



Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

Xẻo hay Xẽo trong địa danh Xẻo Quýt, Xẻo Đắng...?


                                         Ảnh: Internet.

Xem trên kênh HTV7 giải thích về từ nguyên, nói tiếng Việt có khoảng 90 từ có dấu hỏi, và 190 từ có dấu ngã, và người dân Nam bộ hay phát âm và viết lẫn lộn giữa dấu hỏi và dấu ngã. Rồi lại lang thang trên mạng đọc một truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư trên trang Viet-Studies của GS Trần Hữu Dũng, truyện có tựa đề Đường về Xẻo Đắng, Xẻo Đắng hẳn là tên một địa danh ở miền Tây Nam bộ, như Xẻo Quýt (Đồng Tháp), Xẻo Vông, Xẻo Môn... (Cần Thơ). Trong truyện ngắn có đoạn viết ...Xẻo Đắng đã đón về nhiều dâu rễ mới... Đúng là nhà văn nữ của miền Tây Nam bộ, đã viết rể thành rễ. Tôi lại tự hỏi, thế chữ Xẻo nghĩa là gì? Và Xẻo viết với dấu hỏi có đúng không?

Muốn kiểm tra chẳng có cách nào khác hơn là lại phải xem nơi từ điển, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của nơi mục từ Xẽo (dấu ngã) ghi nhận: Đàng nước vằn vằn, ngọn rạch nhỏ, như cái cựa gà. Rạch xẽo. Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức ghi Xẽo: ngọn lạch nhỏ. A ha, như vậy hai quyển từ điển tiếng Việt xưa nhất trong Nam ngoài Bắc đều ghi là Xẽo (dấu ngã) là ngọn rạch (lạch) nhỏ, còn từ Xẻo (dấu hỏi) với nghĩa thông dụng là cắt ra từng miếng xem ra chẳng có liên quan gì đến tên địa danh. Tiếp tục với Việt Nam Tân Từ Điển của Thanh Nghị (Saigon-1952) và Tự Điển Việt Nam của Ban Tu Thư Khai Trí (Saigon-1971), đều ghi Xẽo: ngọn lạch nhỏ. Từ Điển Tiếng Việt, Văn Tân chủ biên (bản in lần thứ hai Hà Nội-1994) ghi Xẽo: lạch con. Từ Điển Tiếng Việt - Viện Ngôn Ngữ-2007, ghi Xẽo: mương nhỏ cong queo trở từ rạch vào ruộng.

Đại Tự Điển Chữ Nôm của Vũ Văn Kính (2010), ghi nhận Xẽo: âm Hán Việt là Chiểu (chữ theo phép Giả tá, dùng nguyên chữ Hán để diễn tả một chữ Nôm), Xẽo mương, Xẽo rẫy, Xẽo ruộng.



Tuy nhiên Từ Điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (Viện Ngôn Ngữ Học-1997), và Từ Điển Việt Nam (NXB Thanh Hóa-1998) đều ghi nhận cả hai từ XẻoXẽo: lạch con ở Nam bộ. Đến Từ Điển Từ Ngữ Nam Bộ (Huỳnh Công Tín-2009) thì chỉ còn một từ Xẻo có nghĩa là lạch nhỏ, địa hình lõm tự nhiên có dòng chảy, nhỏ hơn lạch.

Như chúng ta đã biết, miền đất Nam bộ là nơi có rất nhiều sông rạch, có những địa danh có kèm theo một từ chỉ sông nước, chẳng hạn như Vàm (Vàm Láng, Vàm Cống, Vàm Nao..., Vàm là nơi ngã ba sông rạch, nơi rạch chảy ra sông hoặc sông con chảy ra sông lớn). Cái (Cái Tàu, Cái Mơn, Cái Tắc..., viết đúng phải là Cái Tắt, có nghĩa là con kênh, con sông đi đường tắt. Cái là từ để chỉ sông, rạch nói chung). Hóc (Hóc Môn, Hóc Huơu, Hóc Bà Tó..., Hóc là từ để chỉ dòng nước nhỏ). Bàu (Bàu Cát, Bàu Sen, Bàu Sấu..., Bàu là từ để chỉ chỗ trũng quanh năm có nước đọng ở giữa đồng hoặc giữa rừng). Xẽo cũng là từ để chỉ sông nước (con lạch nhỏ), và cũng như các từ chỉ sông nước khác, Xẽo đã có mặt trong một từ ghép để chỉ địa danh.

Không chỉ người Kinh (Việt) mới ghép những từ chỉ sông, rạch, suối... vào địa danh, mà những tộc người Thiểu số trên cao nguyên như nguòi Ê Đê, Ba Na, Gia Rai, Kơ Ho, Mơ Nông, Ka Tu..., hay người Chăm cũng thế. Chẳng hạn Êa, Ia, Ya, Gia (nước, sông, suối, hồ của dân tộc Ê Đê, Gia Rai, Chăm): Êa Bar, Êa Kao, Ia Dom, Ia Grai, Ya Yeng, Ya Yun, Gia Kon... Đa, Đà, Đạ (nước, sông, suối, hồ - Kơ Ho): Đa Nhim, Đà Lạt, Đạ Hoai... Dak, Đak, Đăk, Đắc... (nước, sông, suối, hồ - Ba Na, Mơ Nông, Ka Tu): Dak Lak, Đak Bla, Đăk Mil, Đắc Ơ...

Trong phát âm và cả cách viết của người Nam bộ thì từ Xẽo đã trở thành Xẻo, như trong các địa danh ta thường thấy, Xẻo Quýt, Xẻo Vông, Xẻo Môn... và nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã viết trong truyện ngắn Đường về Xẻo Đắng. Việc viết sai rồi trở thành quen và... đúng, không phải chỉ có ở miền Nam hay ở Việt Nam, GS. TS Nguyễn Đức Dân đã viết trong sách "Từ câu sai đến câu hay" (NXB Trẻ-2013), "nhà ngôn ngữ học người Pháp gốc Thụy Sỹ Charles Bally viết: Ngôn ngữ ngày mai được chuẩn bị trong một loạt những cái sai của ngôn ngữ ngày hôm nay". Ngay từ đầu những chữ viết sai không được chú ý và sửa chữa lại cho đúng, dần dần được nhiều người dùng theo. Kết cục cái sai đó được xã hội chấp nhận.



Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Trang thờ hay tran thờ?

           Tran thờ trong gia đình với tấm tranh kiếng Mẹ Sanh.

Cuối tuần tôi ghé chơi người bạn có quày bán hoa cúng rằm trước hiên nhà, ngồi chơi bạn hỏi, "Cái trang thờ treo ở trên tường là trang hay tran?, có chữ g hay không có chữ g?". Bạn nói có người đến mua hoa về cúng nói là họ mua hoa về cắm trên tran thờ, bạn tưởng người miền Nam phát âm thế, nhưng họ khẳng định phải gọi là tran thờ (không có chữ g đằng sau mới đúng). Bạn gốc người Bắc nhưng sinh trong miền Nam, vợ bạn là người Nam bộ chánh gốc thì khẳng định là trang (có chữ g). Câu hỏi của bạn khá bất ngờ, quả thật lâu nay tôi vẫn nghe nói cái trang thờ, nếu có viết tôi cũng sẽ viết là trang, đại khái là một tấm ván, hay tấm kiếng, có loại mua sẵn thì được làm cầu kỳ hơn, được đóng treo cao lên tường để đặt lên đó tranh, tượng, hình ảnh... làm nơi thờ phượng trong nhà, loại này tương đối nhỏ gọn hơn so với bàn thờ, hoặc tủ thờ mà ta vẫn thường thấy.

Tôi nói với bạn nếu nghe nói, thì lâu nay tôi cũng nghe là trang chứ không phải tran, nhưng để chắc ăn, tôi sẽ về xem lại sách vở rồi sẽ trả lời cho bạn. Về nhà tôi thử tra lại mấy quyển từ điển xưa nay, bắt đầu từ Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của (1895-1896, quyển tự điển tiếng Việt xưa nhất Việt Nam, được coi như quyển từ điển phương ngữ miền Nam). Trong mục từ "Tran" có ghi: một tấm vỉ hoặc một tấm ván treo ngang dựa vách, có thể để tượng liễn mà thờ; cái khám thờ lập tại lòng căn giữa nhà. Tiếp đến Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931, nhóm của học giả Phan Khôi, quyển từ điển tiếng Việt xưa thứ nhì, xuất bản tại Hà Nội được coi như quyển từ điển phương ngữ miền Bắc). Mục từ "Tran" ghi: Bệ làm cao lên để thờ hay để sách vở. Từ điển Tiếng Việt (Văn Tân chủ biên - NXB Khoa Học Xã Hội - Hà Nội 1967), "Tran": Bệ xây cao để thờ hoặc để xếp sách vở. Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ (NXB Từ điển Bách khoa - 2007), ghi "Tran": Bệ cao có mày đẹp đóng trong nhà để thờ Phật hoặc thần thánh. Việt Nam Tân Tự Điển của Thanh Nghị (NXB Thời Thế - Saigon - 1952), "Tran": Bệ làm cao để thờ hay để sách vở, có ghi chú thêm tiếng Pháp Tablette; étagère, Tran thờ: autel pour le culte. Tự Điển Việt Nam (Ban Tu Thư Khai Trí - Saigon 1971), "Tran": Bệ đóng trên cao để thờ hoặc để sách vở.

Từ điển Từ Ngữ Nam Bộ (TS Huỳnh Công Tín, NXB Chính Trị Quốc Gia - 2009, một quyển từ điển phương ngữ miền Nam), không có mục từ "Tran", nhưng nơi mục từ "Trang" ghi: vật dụng dùng để thờ cúng, có mặt nền hình vuông, xung quanh có thanh dạng lan can, có một mặt đứng gắn với mặt nền, có hình dáng như một mái nhà, trong lòng mặt đứng có viết chữ để thờ.

Như vậy đã rõ, chữ viết đúng chính tả được ghi nhận qua những từ điển xưa nay, trong Nam ngoài Bắc, là "Tran", để chỉ nơi thờ phượng đặt tượng thờ, tranh, ảnh được treo cao lên vách nhà, còn từ "Trang", là phương ngữ Nam bộ, người miền Nam xưa nay khi nói và viết, hay lẫn lộn giữa dấu hỏi và dấu ngã, cuối chữ thêm chữ g hoặc bỏ chữ g... như trường hợp trên.

Nhân đây tôi cũng muốn nêu thêm một vài từ khá quen thuộc thỉnh thoảng ta hay gặp, có lần tôi đã đề cập, chẳng hạn chữ "Chó má", thì từ "má" trong tiếng Tày-Nùng có nghĩa là chó (con chó), một chữ khác là "Mặt nạ", từ "nà" cũng trong tiếng Tày-Nùng có nghĩa là mặt (khuôn mặt), (Sách Lịch sử Việt Nam - Tập 1, Viện Khoa Học Xã Hội TP HCM - 2009). Tôi tra nơi Từ điển Việt - Tày - Nùng (NXB Giáo Dục - 2006), thấy ghi Chó (con chó): ma, và Mặt (khuôn mặt): nả. Xem ra chữ "má" trong "chó má", và chữ "nạ" trong "mặt nạ" của người Việt (Kinh), vẫn còn ý nghĩa tương đương nơi ngôn ngữ của người Tày - Nùng, và theo sách Lịch sử Việt Nam của Viện Khoa Học Xã Hội TP HCM, đây là dấu vết của tiếng Tày - Nùng trong tiếng Việt.

Bổ túc:

Đại Từ điển chữ Nôm của Vũ Văn Kính (NXB Văn Nghệ TP HCM & TT Nghiên cứu Quốc học-2010) có mục từ về chữ "Tran", có nghĩa là "Cái tran thờ", bao gồm chữ "Mộc" (cây) chỉ ý (tran thờ hay được làm bằng một tấm ván gỗ) và chữ "Lan" chỉ âm.




Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Những trang sách.


Sách viết về Hát bội, Đờn ca tài tử và Cải lương, Nguyễn Lê Tuyên-Nguyễn Đức Hiệp (Việt kiều Úc viết, mới xuất bản tháng 9-2013, NXB Văn Nghệ-Văn Hóa TP HCM).


Nhân nói về sách, hôm nay (10-10-2013) trên báo Tuổi Trẻ tôi đọc được bài viết về sách với tựa đề tưởng như không liên quan đến sách Cái chết của "khủng long", của tác giả Trần Ngọc Đăng. Một bài viết hay, viết về sự cáo chung của Từ điển in trên giấy ở nước ngoài.

Tác giả cho biết Từ điển giấy bị khai tử trước tiên, bởi chính các công cụ số hữu hiệu, và loại từ điển Bách khoa Toàn thư là loài khủng long chết đầu tiên. Những bộ sách bách khoa đồ sộ, có 250 năm như  bộ Encyclopaedia Britannica 32 tập, kể cả từ điển ngôn ngữ như bộ Oxford English dictionary của Anh với 20 tập và 150 năm biên soạn cũng đã chính thức ngừng in trên giấy. Dĩ nhiên những quyển từ điền ấy không chết, mà được chuyển qua sách mạng, dưới dạng trực tuyến, và được tra cứu miễn phí.

Cuộc sống ngày càng nhanh hơn, gấp gáp, người ta cần tiết kiệm thời gian (bởi thế mà con người mới chế ra xe đạp, xe hơi, đến tàu cao tốc, máy bay..., đao búa, kiếm cung, đến súng trường, đại liên, đại bác, bom nguyên tử... cũng chỉ vì họ càng ngày càng  thấy có ít thời gian!!!), không gian sống cũng đang bị thu hẹp lại, người ta đi từ căn phòng này đến căn phòng khác, từ nhà ở đến phòng làm việc, hết giờ có khi lại đến những căn phòng kính bít bùng, để ăn uống, vui chơi, rồi quay trở lại căn nhà của mình. Gia đình tôi có một người bạn quen, khi ghé nhà chơi người bạn thấy kệ sách của tôi, bạn nói, bây giờ bạn chẳng có thời giờ giở sách ra đọc, bạn chỉ đọc trên laptop hay máy tính bảng, và bạn cũng hay ra quán cà phê ngồi đọc. Chỉ cần một cái máy tính bảng gọn nhẹ như quyển tập học sinh, vào mạng là bạn có thể xem, đọc đủ thứ, thông tin, báo mạng, sách văn học, nghiên cứu... gì cũng có, như một cái thư viện, chẳng mất công phải mua sách, sách phải cần chỗ cất, muốn tìm cái gì có khi mất hàng giờ lục lọi.

Bạn nói rất đúng, thời nào có công việc nấy, tôi không phản đối điều này, đấy là bước tiến của xã hội, không ai có thể ngăn cản được. Hiện tại và tương lai gần của con người chắc chắn sẽ là kỹ thuật số, những màn hình và bàn phím, như chúng ta đã và đang thấy, chúng hiện diện khắp nơi, trong từng ngóc ngách của cuộc sống. Có những đứa trẻ đi chưa vững, nói chưa sõi đã sử dụng máy tính bảng chơi games rất nhanh. Không phải chỉ có từ điển hay sách in trên giấy, như báo giấy cũng đang chết, người ta nói tôi có thể đọc 100 tờ báo trên mạng, và những trang khác bất cứ lúc nào trong ngày mà không tốn tiền,  thì tại sao tôi lại phải mua báo? Sách báo in trên giấy rồi sẽ cáo chung, cũng như phim cho máy chụp hình ít năm trước đây đã không còn được sản xuất, cái thẻ nhớ hình dạng chỉ bằng con tem bưu chính lưu trữ được cả ngàn tấm ảnh đã thay thế cho những cuộn phim truyền thống. Cuộc sống là như thế,  luôn thay đổi, luôn bước tới, không thể khác.

Một hình ảnh tôi hay thấy trên đường phố Saigon nơi những khách du lịch Âu, Mỹ, trên những ngã ba, ngã tư người ta hay giở sách hướng dẫn du lịch ra xem. Trên kệ sách của tôi cũng có khá nhiều sách hướng dẫn du lịch như thế, tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh, song ngữ... Những sách tiếng Anh dành cho cu cậu con tôi. Có một điều khá lạ, sách hướng dẫn du lịch ở Việt Nam do nước ngoài viết và in ấn, lại chi tiết và "hay" hơn sách trong nước viết tiếng Việt, dành cho người Việt. So sánh 2 quyển sách viết về cùng một địa danh chẳng hạn như du lịch Việt Nam, hay những thành phố lớn, sách nước ngoài phong phú hơn hẳn. Mai này chắc hẳn những quyển sách như thế cũng chẳng còn. Bây giờ cũng với cái máy tính bảng như cuốn sổ tay, hay cái điện thoại di động thông minh, người ta có thể truy cập đủ thứ, bản đồ định vị, các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan du lịch, và quay phim, chụp ảnh, gởi tức khắc đi mọi nơi... thật là tiện lợi nhiều đàng.

 Sách hướng dẫn du lịch Cambodia của nhà Lonely Planet bản tiếng Anh.

 Sách hướng dẫn du lịch Cambodia của Discovery Channel, bản tiếng Pháp


 Sách hướng dẫn du lịch Myanmar, bản tiếng Anh.

Cẩm nang du lịch Olizane về Việt Nam, bản tiếng Pháp, phía dưới là những tấm ảnh trong sách.





Sách viết về du lịch Việt Nam của nước ngoài có giới thiệu sơ lược về lịch sử Việt Nam và từng miền qua những thời kỳ, kèm theo những hình ảnh, trong đó có những hình ảnh về chiến tranh.


Mấy ngày hôm nay truyền thông cả nước loan tin về sự ra đi của một vị Đại tướng lừng danh Việt Nam, ông Võ Nguyên Giáp, ông quê ở Quảng Bình (quê hương của ông bạn Bulukhin đây). Tôi lục lại quyển hồi ký của một người cùng quê hương với vị Đại tướng này, ông cũng từng là một vị tướng nhưng đứng khác chiến tuyến, hồi ký của tướng Đỗ Mậu, một vị tướng miền Nam trong nhóm các tướng lãnh đảo chính Tổng thống Ngô Đình Diệm năm 1963. Ông Ngô Đình Diệm cũng là người gốc Quảng Bình, trong sách ông Đỗ Mậu có nhắc tới tướng Giáp, ông Diệm và cả Thượng tọa Thích Trí Quang, những vị cùng sinh trưởng ở Quảng Bình, số phận đã đưa đẩy họ có những lúc đối đầu nhau. Nhưng trên hết họ đều là những người lừng danh một thời, có nhiều ảnh hưởng đến thời cuộc, đất nước... Xa hơn nữa có một người tiếng tăm khác cũng gốc Quảng Bình, được phong Thượng đẳng thần, và được người dân miền Nam thờ ở nhiều ngôi đình lớn, ông có công thu phục miền Nam từ người Chân Lạp, đó là Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh.

 Hồi ký của tướng Đỗ Mậu, NXB Công an Nhân dân - 1995.


Như tôi đã viết, khi đọc bài viết những quyển sách in trên giấy đã dần biến mất ở nước ngoài, chúng không còn được in nữa, ở Việt Nam rồi chắc cũng phải đến ngày đó. Nhưng với tôi, tôi chỉ lẩn thẩn nghĩ, những quyển sách tôi có trong tủ, trên kệ, nó không chỉ mang lại kiến thức, niềm vui, chúng còn luôn như những người bạn, cho chúng ta trò chuyện, điều mà chắc hẳn các bạn cũng đồng ý với tôi. Và khi đã là bạn, thì hẳn những quyển sách sẽ luôn ẩn chứa một tâm hồn...


Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Những quyển sách cũ.


Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, in lại năm 1967 tại Saigon, theo bản in năm 1931 tại Hà Nội.


Thỉnh thoảng cần phải tra cứu hay tìm hiểu gì tôi thường lục lọi trong đám sách vở hiện có, hay trên mạng. Tìm trên mạng tiện bởi rất nhanh, vào Google gõ vài chữ, enter là nó hiện ra cả đống trang cho mình tha hồ đọc, nhưng những thông tin trên mạng thường cần phải kiểm chứng lại, ngay cả với những trang tương đối nghiêm túc, và muốn kiểm chứng lại phải quay trở lại sách vở. Tuy không phải những gì viết trong sách là "đáng tin tuyệt đối", nhất là sách vở bây giờ, nhiều khi có vẻ được viết ra một cách "vô tội vạ".

Mới đây trên một trang mạng quen thuộc (TỄU - BLOG), có đưa ra trường hợp một quyển sách nói về chủ quyền đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam căn cứ trên những Châu Bản từ đời Nguyễn, in bằng 4 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Hoa. Cuốn sách do ỦY BAN BIÊN GIỚI QUỐC GIA thuộc Bộ Ngoại Giao thực hiện (sách không bán, chỉ dành cho các hoạt động đối ngoại), dĩ nhiên một cuốn sách quan trọng như thế (khẳng định chủ quyền), phải được "chăm sóc kỹ lưỡng" từ hình thức đến nội dung, bởi những người giỏi nhất (dịch sang chữ quốc ngữ, Anh, Pháp, Hoa), và sẽ phải qua nhiều tầng lớp kiểm tra trước khi phát hành.

Không ngờ sau khi phát hành thì trang TỄU đã nêu một cái sai khó biện minh, ngay ở trang thứ hai bài Lời giới thiệu của Ban biên tập "Vua Gia Long tạ thế năm 1819, cháu nội là Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi năm 1820, lấy hiệu là Minh Mệnh...". Từ cháu nội không chỉ sai trên bản tiếng Việt mà sai trên tất cả 4 bản Việt, Anh, Pháp, Hoa. Sách có đính kèm theo một tờ giấy nhỏ đính chính chữ cháu nội = con là, và theo trang TỄU thì chỉ có phần đính chính chữ Việt còn 3 bản Anh, Pháp, Hoa không thấy đính chính. Tại sao một cuốn sách quan trọng như thế lại in sai một điều cơ bản mà một học sinh Trung học cũng biết, vua Minh Mệnh là con chứ không phải cháu nội của vua Gia Long?. Điều này chứng tỏ chỉ khi đã in và đóng thành sách rồi mới phát hiện, và "chữa cháy" bằng một cái đính chính mà trang TỄU nói bằng hai cái lá tre.

Mấy bữa rồi miền Trung mưa bão quá, trời Saigon ảnh hưởng lúc nào cũng nặng một màu xám. Tôi ngồi nhà lôi một mớ sách cũ ra đọc, cũng nhân tiện sắp xếp lại ít sách vở mình có, lâu lâu cũng phải sắp xếp lại để khi cần lục tìm cho dễ. Có những quyển sách tôi có đã  xấp xỉ nửa thế kỷ nay, mua từ thời đi học còn giữ được, ấy là ít quyển sách học, sách kiến thức, từ điển mà tôi còn "diếm" được qua lần "sách nạn" sau 30-4-1975... Lúc ấy kể cả bộ Thiền luận, Đức Phật và Phật pháp, Nho giáo... sách dịch của Dostoievsky, Leon Tolstoi, và các tác giả Âu, Mỹ..., tất cả các loại sách đều bị người ta đẩy xe ba gác đến nhà tịch thu sạch.


            Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, Trường Thi xuất - 1957.


 Tự điển Chữ Nôm, Nguyễn Quang Xỹ-Vũ Văn Kính, Trung Tâm Học Liệu Saigon - 1971.



Pháp Việt Tân từ điển, Thanh Nghị, NXB Thời Thế - 1961.

Tự điển Việt Pháp, Đào Văn tập, Nhà sách Vĩnh bảo Saigon - 1953.


                                         
 
 Tự điển Anh Việt - Việt Anh, Lê Bá Khanh-Lê Bá Kông. Ziên Hồng - 1968.

          Tự điển Danh nhân Thế giới, Trịnh Chuyết, NXB Xuân Trinh - 1970.

Ngoài những quyển tự điển, tôi còn một vài quyển sách học chữ Nho của GS Đào Mộng Nam ( tôi có được học với ông, trước năm 75 ông có dạy tại ĐHSP Huế, Saigon, đã mất ít năm gần đây tại Hoa Kỳ), Nho văn, Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Dương Quảng Hàm, Chiến Quốc Sách, Thiền và Phân tâm học...

Sách tự học chữ Nho của GS Đào Mộng Nam, Việt Nam Văn Hiến - 1973.

Nho văn Giáo khoa Toàn thư, Nguyễn Văn Ba, Việt Nam Văn Hiến - 1970.


  Việt Nam Văn Học Sử yếu, Dương Quảng Hàm, Bộ văn Hóa Giáo Dục - 1964.

 
  Sách  Chiến Quốc Sách - Thiền và Tâm Phân Học.

Tôi còn giữ được quyển Kinh Thánh Tân Ước loại bỏ túi mà tôi đã mang theo ba lô suốt những năm tháng chiến tranh, trước năm 1975 một vị Linh mục Tuyên úy trong quân đội đã tặng

  Kinh Thánh Tân Ước loại bỏ túi.


Sau năm 1975, khi đã quen quen với cuộc sống mới, thỉnh thoảng tôi vẫn ghé nhà sách quốc doanh xem và mua sách. Những quyển sách như Từ điển Truyện Kiều, Từ điển Tiếng Việt, Từ điển Học sinh, Chữ Nôm, Bảng tra Chữ Nôm, Từ điển Nga Việt, Tục ngữ Nga Việt, sách khảo cứu..., và khá nhiều sách Văn học. Đa số sách được in trong thời gian này giấy rất xấu.




                Từ điển Truyện Kiều, Đào Duy Anh, NXB Khoa Học Xã Hội - 1974.


         Từ điển Tiếng Việt, Văn Tân chủ Biên, NXB Khoa Học Xã Hội - 1967.


 Từ điển Học Sinh, Nguyễn Lương Ngọc, Lê Khả Kế chủ biên, NXB Giáo Dục - 1971.

                       Chữ Nôm, Đào Duy Anh, NXB Khoa Học Xã Hội - 1975

         Bảng Tra Chữ Nôm, Viện Ngôn Ngữ Học, NXB Khoa Học Xã Hội - 1976.

Từ điển Nga Việt, Nguyễn Năng An, NXB Giáo Dục - 1972.

Tục ngữ Nga Việt, Lê Đình Bích, NXB Khoa Học Xã Hội - 1986.

Mỹ Thuật Việt Nam, Nguyễn Phi Hoanh, NXB TP HCM - 1984.


Những quyển sách cũ của một thời, giấy đã vàng úa theo thời gian, có những quyển đã hơn nửa thế kỷ, lại là những quyển sách tôi thích nhất trên kệ sách của minh...