Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Ẩm thực.

Cái lai rai về "ẩm" của tôi (ở đây xin hiểu là nhậu, lai rai ba xị, thật ra từ nhậu ngày xưa cũng chỉ có nghĩa là uống như Đại Nam Quấc Âm Tự Vị đã giải thích, ăn nhậu có nghĩa là ăn uống, chứ không phải lai rai ba xị như ngày nay) như tôi đã viết ở entry vừa rồi thật là đáng chán, thế còn về "thực" có nghĩa là ăn có khá hơn chút nào không? Trong bàn nhậu thường người ít uống thì xơi nhiều, nhưng riêng tôi cũng xin thưa ngay với các bạn là thực chẳng khá hơn  ẩm gì mấy, ai đã từng ngồi chung bàn ăn với tôi hẳn đã biết, tôi ăn uống chẳng có chút khí thế nào cả, bạn bè, người quen hay nói ăn uống ngồi chung với bác chán lắm, đi ăn tiệc đám cưới, đám giỗ chẳng hạn chỉ nửa số món trong thực đơn là tôi đã ngắc ngứ, mà nhất là dịp nào được mời ăn buffet mới thấy chán hơn nữa, vào tiệc buffet thấy thiên hạ đi tới đi lui khí thế, một người bây giờ có khi tốn vài trăm ngàn cho một bữa ăn buffet, thú thật là tôi chỉ ăn có lẽ được chừng một phần... mười số tiền, thấy uổng quá. Ăn như thế cho nên mấy chục năm nay tôi luôn giữ được cái "phoọc" siêu người mẫu của mình, như con cò ma miền quê Nam bộ. Mới đây thấy nhà nước lại hăm he ra quy định ngực lép mông xẹp không được chạy xe gắn máy, thấy lo, bởi mình sẽ bị cấm là cái chắc...








Không xơi được nhiều, nhưng đi đâu thấy sách viết về ẩm thực lại khoái vác về mới chết, không kể những sách chuyên dạy về các món ăn mặn ăn chay, ăn thiệt ăn chơi, bánh trái, xôi chè, đủ thứ mà tôi đã mua về cho bà xã, bởi bà xã tôi có thời kỳ thích đi học về chế biến món ăn, còn các sách nói riêng về ăn uống, hay nghệ thuật ẩm thực của xứ mình, của từng miền, tôi cũng mua về ngâm cứu ít nhiều, rảnh lấy ra lai rai đọc, cũng thấy nhiều cái hay trong đó, đâu có thua gì sách vở nói về triết học, tôn giáo, các thứ nghệ thuật hàn lâm khác... Cũng nhờ thế mà trong cái bữa tiệc đưa đón dâu mà tôi nói ở entry trước, cuối bữa dọn ra món bánh xu xê tráng miệng (món bánh này thật hợp trong tiệc đám cưới), vị trưởng lão cùng bàn nói bánh xu xê là nói trại ra từ chữ phu thê, có nghĩa là chồng - vợ, ngày xưa là thứ bánh không thể thiếu được trong những lễ cưới. Đúng như thế. Bánh xu xê như các bạn đã biết, đựng trong những chiếc hộp vuông nho nhỏ làm bằng lá dừa, hộp làm theo kiểu có nắp chứ không gói như bánh ít, bánh gai, bánh chưng, bánh tét... Nhưng bánh xu xê bây giờ thật ra cũng được làm và trình bày không còn đúng như ngày xưa nữa, cái này tôi cũng đọc trong sách thấy nói thế.

Bánh xu xê (phu thê) xưa về hình thức cũng tương tự như bây giờ, nhưng cũng có cái hơi khác, rất có ý nghĩa. Cái hộp đựng bánh hình vuông tượng trưng cho đất, còn chiếc bánh bên trong hình tròn tượng trưng cho trời, chứ bánh không đổ vuông theo hộp như bây giờ, trời tròn đất vuông như quan niệm của người xưa, cũng là âm dương hòa hợp, trên chiếc bánh có rắc ít hạt mè đen mà người miền Bắc gọi là vừng đen, và toàn bộ cái bánh xu xê được buộc bởi một sợi dây màu đỏ, hay một sợi chỉ đỏ. Chiếc bánh xu xê tượng trưng cho âm dương đã hay, không những thế còn có ngũ hành trong đó. Màu trắng của bánh, của sợi dừa là kim, màu xanh của lá dừa là mộc, màu đen của hạt mè là thủy, màu đỏ của dây buộc (hay chỉ) là hỏa, và cuối cùng màu vàng của nhân đậu xanh là thổ. Đám cưới xưa nay với người Việt là dịp lễ quan trọng nhất của một đời người, cho nên chiếc bánh trong lễ cưới ấy cũng có một ý nghĩa đặc biệt, rất nhân văn.

                                               Bánh xu xê lễ cưới. Ảnh internet.

Tiếp lời vị trưởng lão trong bàn tiệc giải thích bánh xu xê là phu thê, tôi đã "an chi" theo sách vở mà nói như trên, (an chi là i chang, ông An Chi chuyên giải thích từ ngữ chữ nghĩa trên báo chí giải thích cái tên của ông ấy như thế), có bà kia trong bàn tiệc nghe tôi nói ý nghĩa âm dương, ngũ hành của bánh xu xê, nói: "ôi, ông bác này đúng là người xưa..." Hì hì!




Trở lại chuyện ẩm thực, người Việt chúng ta có một nền văn hóa ẩm thực chung, như sách vở hay nói là "ẩm thực truyền thống Việt Nam". Người Việt lấy cơm gạo là thức ăn chính, nhưng xa xưa kia thời sơ kỳ đá mới cách nay khoảng mười đến hai mươi ngàn năm, thì nhà khảo cổ học tiền sử người Pháp Madeleine Colani (1866-1943), một phụ nữ Pháp từng sang Việt Nam dạy học, cộng tác với trường Viễn Đông Bác Cổ, nghiên cứu nhiều đề tài và mất tại Việt Nam. bà đã phát hiện và tổ chức khai quật nhiều di chỉ của nền văn hóa Hòa Bình, thấy trong những hang động là nơi sinh sống xưa kia của họ chất đầy vỏ ốc. Ở hang Sào Đông (Hòa Bình), có một lớp vỏ ốc tính ra đến  400 - 450 mét khối. Một số di tích khác vùng ven biển thì vỏ các loại ốc, sò, hàu... do người xưa để lại chất thành đống, thành gò, mà ngày nay người dân còn gánh về nung vôi... Chuyện khoái ăn ốc này có lẽ còn di truyền đến bây giờ, ở Saigon chúng ta thấy những quán ốc mọc lên như nấm, dân nhậu lai rai khoái vì đưa cay hết sẩy, quý bà quý cô còn mặn hơn, chiều chiều tan sở quý bà cũng hay rủ nhau đi ăn ốc, ốc leng xào dừa là ngon hết biết. Có lần người bà con (nữ) ở Mỹ về chơi đưa họ đi ăn, đọc thực đơn thấy có món ốc leng xào dừa, họ kêu liền mấy dĩa ăn ngon lành khen lấy khen để. Thỉnh thoảng đi ăn buffet tôi thấy món ốc, sò, hào... thường được thực khách chiếu cố nhiều nhất, nhà hàng mang ra bao nhiêu cũng hết sạch... Chẳng thế mà trong sách sử xưa người Hoa nói, sang xứ ta thấy dân ta suốt ngày lội dưới sông suối... mò cua bắt ốc. Cho nên cái tục xăm mình để chống thủy quái sách vở chép cũng từ chuyện... mò cua bắt ốc này mà ra.

Ngoài chuyện khoái xơi ốc, thời xa xưa dân ta  xơi gạo nếp chứ chưa ăn gạo tẻ như bây giờ. Trong sách vở cũng có nói. Sách Lĩnh Nam Chích Quái chép: "Thời Hùng Vương đất sản nhiều gạo nếp, lấy ống bương để nấu", giống như cách nấu cơm lam trong ống tre mà ta thấy dân tộc thiểu số còn sử dụng cho đến ngày nay... Chuyện ăn nếp chứ không phải gạo tẻ không biết bây giờ ra sao, chứ trước năm 75 thời tôi ở Tây nguyên, người Thượng trong buôn làng vẫn dùng loại gạo trồng từ rẫy của họ nấu cơm ăn hàng ngày, ăn dẻo như nếp vậy. Ngoài nếp thì người Việt xưa còn dùng kê, khoai, ngô miền Nam gọi là bắp... (Ngô là tên gọi của nước Tàu ngày trước, đó cũng là tên gọi của một giống ngũ cốc mà sử sách có chép, do Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan đi sứ bên Tàu giấu mang giống về). Trong ca dao Việt Nam chúng ta cũng đọc thấy những câu trong đó có nhắc đến những loại thực phẩm này: "Được mùa chớ phụ ngô, khoai/ Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng", hay trong một lời hát ru xưa: "Em tôi buồn ngủ, buồn nghê, buồn ăn cơm nếp, cháo kê, thịt gà".

Như ta đã biết bây giờ chúng ta đã dùng gạo tẻ làm thực phẩm chính trong bữa cơm, có thể trong bữa ăn có bữa người mình ăn bún, mì Quảng, bánh xèo... người miền Trung thích ăn bánh tráng (bánh đa), nhưng tựu trung những thực phẩm ấy vẫn thường được làm từ bột gạo tẻ. Hồi này báo chí phanh phui người ta cho ba cái hóa chất độc vào bún, mì sợi, bánh canh... để bảo quản lâu, có màu sắc tươi sáng, thật đáng lên án.Thế quá trình chuyển từ nếp sang tẻ ấy đã diễn ra từ thời nào? Không có tư liệu chính xác, nhưng sách vở cũng cho biết ở vùng đồng bằng Bắc bộ, cái nôi của đất nước việc chuyển đổi này xảy ra khá sớm, từ khoảng thế kỷ thứ I đầu Công nguyên đến thế kỷ thứ X, qua các hạt lúa  thon, dài, thuộc giống lúa tẻ, khác với giống lúa nếp thường tròn, ngắn, đã tìm thấy ở Hoa Lư. Các sách viết vào thế kỷ thứ XIII có nói tới việc người mình đã ăn lúa tẻ, lúa nếp chỉ dùng trong dịp lễ tết, làm các loại bánh, khao quân... Sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn cũng có nhắc tới việc ở đồng bằng Bắc bộ đã du nhập các giống lúa tẻ của người Chiêm Thành (Chămpa), còn gọi là lúa Chiêm hay lúa Chăm, thích hợp với những vùng đất trũng ngập nước...

Về lúa tẻ ở miền Nam có loại gạo nổi tiếng xưa nay là gạo nàng thơm Chợ Đào, tên Chợ Đào là do lúa được trồng ở vùng Chợ Đào - Long An, còn ở miền Bắc có loại gạo tám còn gọi là gạo tám thơm cũng có tiếng. Giáo sư nông học Đào Thế Tuấn đã nói về gạo tám như sau, nếu lúa tám để chín già ngoài ruộng thì chất lượng gạo sẽ giảm, hương thơm cũng bớt, cho nên phải thu hoạch lúc lúa còn hơi non, tức là mới tám chứ không phải là chín. Một cách lý giải khá thú vị...

Trong ẩm thực, từng miền lại có những món ăn, những nét, phong cách riêng... Người miền Bắc xưa suốt lịch sử ngàn năm luôn sống trong chiến tranh giữ nước, trong nhà lại thường lục đục, cuộc sống khó khăn, nên cái ăn hàng ngày thường giản dị, cơm với mắm, rau, tương cà... thỉnh thoảng giỗ, tết có thêm  được chút thịt, mỡ, hay con cá, con cua bắt được lúc làm việc ngoài đồng ruộng, sách sử chép cũng hay xảy ra nạn đói do chiến tranh, mất mùa do thiên tai, bão lụt... bữa cơm người dân thường phải độn thêm ngô khoai, mà có khi ngô khoai là thực phẩm chính, gạo chỉ độn thêm lấy lệ... Nhưng đồng thời miền Bắc cũng là kinh đô của ngàn năm xưa, nơi các vua chúa, quan lại ở, nơi bán buôn Kẻ Chợ, nên vẫn có một nền văn hóa ẩm thực cung đình, của vua chúa, quan lại, những bậc trưởng thượng, giàu có... Sau này người Việt mở mang bờ cõi về phương Nam chúng ta có thêm miền Trung, miền Nam, miền Trung đất chật không màu mỡ, cũng hay gặp mưa bão, chiến tranh, nói chung cũng khá khó trong việc trồng cấy, ẩm thực, người dân ăn uống cũng giản dị như miền Bắc, ngoại trừ vùng kinh đô Huế một thời, còn để lại nét ẩm thực cung đình khá đa dạng, phong phú và tinh tế trong những món ăn, như chúng ta còn thấy.

Riêng miền Nam là vùng đất mới mở mang sau này, đất rộng người thưa, thiên nhiên ưu đãi, người Việt từ miền Trung, miền Bắc di dân vào, xưa đa phần là người nghèo, lính thú, những người được các đời chúa Nguyễn đưa vào khai khẩn vùng đất mới, hoặc những kẻ có máu phiêu lưu, và cả những tội phạm trốn tránh triều đình..., họ cùng với người Hoa cũng là những di dân từ Trung quốc, và người Chân Lạp bản địa lập nên một vùng đất trù phú, cuộc sống cũng gặp cái khó chung là chiến tranh, nhưng về ẩm thực thì khá hơn miền Bắc, miền Trung, ruộng thẳng cánh cò bay, sông rạch đầy tôm cá..., món ăn thường không cầu kỳ như miền Bắc và miền Trung, là miền đã hay đang là kinh đô..., nhưng cái ăn của người dân thường no đủ, dễ dàng hơn các miền khác...

Dĩ nhiên nói về ẩm thực thì thật là mênh mông, bao nhiêu trang sách cũng không hết, đi vào chi tiết món ăn của từng miền, chẳng hạn món mắm thôi cũng đã quá phong phú, cũng chỉ là con cá, con tôm, con cua... mà mỗi miền làm khẩu vị, màu sắc, tên gọi đã khác, mắm tôm, mắm tép, mắm ruốc, mắm cua, mắm cáy, mắm nêm, mắm rươi, mắm cái, mắm cá, mắm cà... Ai mà nghiên cứu riêng về mắm có lẽ sẽ viết được một quyển sách dày. Xưa món mắm chỉ dành cho dân nghèo, thậm chi là rất nghèo, với câu ăn mắm mút giòi, vậy mà bây giờ món mắm đã hiện diện trong nhà hàng cao cấp, được gọi là đặc sản, thế thì làm sao mà nói cho hết chuyện ẩm thực được chứ? Tôi đành phải dừng ở đây vậy :-)))

Chúc các bạn những ngày nghỉ vui vẻ...



Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Lai rai...


                                                                  Ảnh internet.

Lai rai, sách vở giải nghĩa đại khái là không tập trung, kéo dài thời gian, vừa vừa, chừng chừng... Chẳng hạn làm việc lai rai, mưa lai rai, ăn uống lai rai... Ở trong miền Nam thì xưa chữ lai rai hay lai rai ba sợi, lai rai ba xị, cũng là để chỉ cho cái sự nhậu nhẹt của mấy ông nhậu, nhất là mấy ông chuyên nghiệp trong việc lấy cái chai làm bạn. Xưa còn nhỏ trong xóm tôi ở, một xóm nhỏ thuộc khu vực Chợ Lớn, xóm lao động, gồm một số gia đình người miền Bắc di cư năm năm tư như gia đình bố mẹ tôi, người miền Nam thổ địa, và người Việt gốc Hoa, đa số là người Hoa gốc Quảng Đông, ở gần đó có cái nghĩa địa của người Hoa rất lớn, gọi là "Nhị tì Quảng Đông", người ta gọi cái sự tử là hui nhị tì. Xưa khu nhị tì này là của người chết, bây giờ khu vực này đã trở thành khu dân cư sầm uất của người sống.

Tôi hay nghe mấy ông bợm thổ địa đáng tuổi bậc cha chú, hay còn gọi là đệ tử lưu linh xóm tôi ở xưa thỉnh thoảng kêu réo rủ rê nhau "ê, lai rai" hay "rảnh (hay quởn nhưng phát âm là guởn) không? lai rai ba sợi bây". Dân sang có xìn (tiền, gọi theo âm Quảng Đông, mậu dậu xìn là không có tiền) nhậu rượu Tây nhà hàng không bao giờ dùng từ lai rai để chỉ cái sự rượu chè, chỉ có dân nhậu bình dân mới gọi thế, đế Gò Đen cả lít hay thậm chí cả can (cái can bằng nhựa này khoảng 4 lít, xêm xêm 1 gallon của Mỹ), cứ cái ly xây chừng mà lai rai xoay tua. Còn tại sao lại có thêm từ ba sợi, ba xị trong đó, ba sợi theo tôi hiểu đó là con khô mực nướng xé nhỏ thành sợi làm mồi nhậu. Còn ba xị, xị là cái chai nước ngọt xá xị 0,25l (4 xị là 1 lít), rượu đế bán ở quán thường được đong vào cái chai xị đó. Dân nhậu bình dân xưa, và ngay cả thời nay, mà thỉnh thoảng ta thấy dăm ba ông chiều chiều ngồi cởi trần phơi bụng phơi lưng nhậu bên bờ kè kênh Nhiêu Lộc, xưa khô mực nướng hay bán ở mấy cái xe ba bánh đẩy, hoặc ở cái quán cóc đầu hẻm, treo lung lẳng, giá cả bình dân, và quan trọng là đưa cay bá cháy, để phục vụ cho mấy ông bợm chuyên nghiệp. Bây giờ thỉnh thoảng báo chí đưa tin, mấy tay bợm ngồi bờ kè nhậu, xỉn rồi thách nhau lội qua kênh, có ông chưa xỉn lắm ráng lội được tới bờ, còn ông quắc cần câu thì giữa dòng hết biết, thế là đi đời nhà ma, hui nhị tì, đã mấy vụ chưa thấy tởn...

Tôi hồi nào tới giờ, nghĩa là từ nhỏ tới già không uống được rượu, tất cả mọi loại có cồn, cho dù độ rượu nhẹ hều như bia bọt, bia mà chỉ nửa chai, xưa là chai hiệu Con cọp của chủ Tây là hãng BGI sản xuất ở Chợ Lớn gọi là Biere Larue, hay bia chai 33 (hai số 3, bây giờ có bia 333, ba số 3, có lẽ nhái bia xưa), cũng của BGI. Nửa chai thôi là mặt mũi đã đỏ bừng như mặt trời mọc phương đông, còn nhớ một lần xưa ở Kontum, trong một làng Thượng, ngày lễ đâm trâu của họ, họ mời uống rượu cần, không từ chối được ráng làm vài tua là hết biết, đến nỗi ngày hôm sau phải đưa vào quân y viện, hì hì, nhớ đời, cái rượu cần uống ngọt ngọt vậy mà khi say thì thật đáng sợ, họ ủ rượu bằng gạo, có khi khoai mì bằng loại men gì đó của họ, say là ngất ngư con tàu đi, vậy mà ngay cả đàn bà con gái làng Thượng cứ nốc tì tì như uống nước lã vậy... Rồi trong lính tráng cũ, khi xa nhà nơi rừng rú, hay đồn biên giới heo hút, buồn quá nhưng không kiếm ra được rượu, ngay đến xị rượu đế hạng bét, tôi đã thấy mấy tên lính liều mạng lấy cả cồn sát trùng vết thương, pha thêm nước lã cho loãng mà nốc, đưa cay bằng thịt ba lát hộp Mỹ, và kim chi hộp Đại Hàn, thật hãi...

Không lai rai ba sợi hay ba xị được, cũng chẳng bia bọt gì, cho nên tôi đành lai rai... cà phê và lai rai... đọc sách. Xưa thời trẻ bước xuống cuộc đời, từ gia đình, từ trường học, bị thảy ngay vào cái môi trường chiến tranh quá khắc nghiệt, lại xa nhà. Cái cuộc sống lênh đênh đó có quá nhiều cái dở, chiến tranh có gì mà hay, tuy không trực tiếp tác chiến nhưng lại luôn phải đi theo tác chiến, cũng may là không đến nỗi phải ở tuyến đầu, nhưng đã ra vùng chiến tuyến, cho dù ở tại Chi khu, hay Tiểu khu (Quận, Tỉnh), hay ở Bộ chỉ huy tiền phương cũng luôn nguy hiểm, nhất là những năm đó tôi ở khu vực miền Trung bao gồm cao nguyên và vùng duyên hải, mà ngày trước gọi là vùng 2 chiến thuật. Những địa danh miền núi như Pleiku, Kontum, Cheo Reo (Phú Bổn), Buôn Mê Thuột (Dak Lak), Quảng Đức (Dak Nông)... Mền duyên hải thì từ Phan Thiết đến Nha Trang (Khánh Hòa), Tuy Hòa (Phú Yên), Quy Nhơn (Bình Định)... Tôi đã đều đi qua trong những năm tháng khói lửa ấy, có những nơi chỉ có thể đến được bằng máy bay trực thăng, vì đường bộ hoàn toàn bị chiến cuộc cắt đứt.

Trong ba lô của tôi ngoài vài bộ đồ trận, mấy thứ lặt vặt, thể nào cũng phải có mấy lạng, nửa ký cà phê pha phin cùng cái phin cà phê bằng nhôm, hồi đó cũng đã có cà phê bột uống liền trong khẩu phần ăn cá nhân của quân đội Mỹ, loại này bọn quen uống cà phê phin chẳng bao giờ đụng tới, vì nó nhạt thếch như nước ốc ao bèo. Trong ba lô cũng thêm vài quyển sách, thường là truyện dịch, thời đó tôi hay đọc Albert Camus, André Gide, Saint Exupery, Victor Hugo, Alphonse Daudet, Remarque, Léon Tolstoi, Dostoievski... Thêm những quyển sách như Sử ký Tư Mã Thiên, Chiến Quốc Sách... Sách viết về Phật giáo... sách này thường phải đọc lai rai, nghiền ngẫm, vì không thể đọc một lèo như tiểu thuyết được. Sách Việt Nam thời đó tôi hay đọc tạp chí Văn của ông Trần Phong Giao, với những nhà văn trẻ lúc ấy như Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Ngụy Ngữ, Mường Mán, Cung Tích Biền, Vũ Khắc Khoan, Nhật Tiến, Du Tử Lê..., nhà văn nữ có Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Túy Hồng, Nhã Ca, Trần Thị Ng. H...., và còn nhiều người nữa... Cao nguyên là xứ sở của cà phê, khí hậu lại mát mẻ, cho nên ngày ấy cà phê uống rất ngon, cho dù mình mua về tự pha hay vào quán.

Cái thời tôi ở trong quân đội trước năm 75 coi thế mà cũng có nhiều cái hay, khi trong rừng hay ở những nơi hẻo lánh thì mình tự pha cà phê phin mà uống, ngày hai ba cữ, rảnh lấy sách ra đọc, còn khi về phố thì thoải mái hơn. Về phố, là những thị xã (hồi đó gọi là thị xã không như bây giờ, đâu cũng là thành phố, nói dân thành phố người ta hiểu ngay là dân Saigon), Pleiku, Kontum, Nha Trang, Quy Nhơn..., về phố chẳng phải làm gì, thường là được nghỉ ít ngày để chờ chuyến công tác mới, ngày ngày ăn rồi cà nhỏng ngoài phố, la cà quán xá, cà phê, tiệm sách. Tôi cũng hay có thói quen vào một quán cà phê vắng vắng, kiếm một góc kêu một phin cà phê đen, rồi giở quyển sách mang theo đọc, có khi cả nửa ngày chỉ có một phin cà phê, nhưng chủ quán cũng chẳng hề phàn nàn gì... Có một lần ở Tuy Hòa, buổi sáng tôi vào một ngôi chùa gần núi Nhạn, kiếm một góc ngồi giở sách ra đọc, tự nhiên thấy ngoài cổng năm bảy xe quân cảnh, cảnh sát đổ xuống, họ ào vào trong chùa. Chưa hiểu chuyện gì thì có anh quân cảnh đến chào tôi và mời tôi đi chỗ khác vì sáng nay có quan chức chính phủ ghé thăm ngôi chùa.

Sau năm 75 trở về lại với đời sống dân sự, sách mua trước năm 75 thì mất gần hết, chỉ còn giữ lại được vài quyển từ điển, rồi đi làm việc nhà nước, tôi vẫn tiếp tục lai rai cà phê và đọc sách. Tôi vẫn còn nguyên một tủ sách mua từ thời ấy, cũng khá khá, giấy má đen xì có khi lẫn cả rơm rác, sách thời bao cấp ấy giá khá rẻ, quyển từ điển truyện Kiều của Đào Duy Anh bản in đầu tiên năm 1974, tôi mua năm 1976 ở Saigon giá ghi 2 đồng, quyển từ điển Nga Việt in năm 1977 tôi cũng mua năm ấy giá 4 đồng, quyển từ điển Tiếng Việt (Văn Tân chủ biên) in năm 1967, không thấy đề giá bìa tôi mua năm 1976... Quyển từ điển tiếng Việt dùng cho học sinh cấp 2 in năm 1972, giá bìa 2 đồng, quyển sách Bảng Tra chữ Nôm (dạng tự vị) in năm 1976 giá bìa ghi miền Bắc 2,50 đồng, miền Nam 2 đồng, Từ điển Triết học sách đẹp, bìa cứng in tại Liên Xô năm 1986 của nhà xuất bản Tiến Bộ và Sự Thật không đề giá bán ... Còn những sách khác về khảo cứu, chẳng hạn về chữ Nôm của Đào Duy Anh in năm 1976 là 0,80 đồng... Nguyên bộ Những người khốn khổ của Victor Hugo, hay Chiến tranh và hòa bình của Léon Tolstoi, Anh em nhà Karamazov của Dostoievski... giá chỉ mấy đồng thời đó... Tôi vẫn bổ sung cho tủ sách của mình, bây giờ tủ sách của tôi đã tương đối đầy đủ các loại sách đủ thể loại, tôi chỉ ít chú ý tới các loại tiểu thuyết của các tác giả về sau này, bởi tự nhiên không thấy hứng thú khi đọc nữa, ngay cả tác phẩm khá nổi tiếng như Nỗi buồn chiến tranh... của Bảo Ninh, hay sách của nhà văn nữ Nam bộ mới đây như Nguyễn Ngọc Tư. Bác Bu có nói ở entry trước bác ấy có những quyển sách mua từ hồi con bác ấy còn nằm trong bụng mẹ, mà nay đã 35 tuổi còn chưa đọc, tôi cũng thế, thỉnh thoảng sắp xếp lại sách vở mới thấy mình có những quyển sách ký tên từ một ngàn chín trăm... hồi đó, mà lại nghĩ ủa, quyển sách này mình có từ hồi nào mà cứ tưởng như mới...

Ấy là lai rai về sách, còn cà phê tôi vẫn lai rai, cũng vẫn ngày 2 cữ pha uống tại gia, thỉnh thoảng có đi quán xá cà phê với bạn bè tôi vẫn hiếm khi kêu cà phê, bởi cà phê ở quán họ mua loại gì pha chế sao ấy, uống không được, từ mùi tới vị, nghe nói họ cho đủ thứ vào cà phê, kể cả bột bắp, cau (vẫn còn khá), hóa chất tạo mùi, tạo bọt. Dĩ nhiên khi mua cà phê về pha uống tại nhà cũng phải chọn loại, chỗ mua... Bây giờ có loại quán cà phê rang xay pha tại chỗ, nghe quảng cáo thế, với quán nhẹ gọn, bàn ghế đóng bằng gỗ mộc, giá cả rẻ để đáp ứng thời buổi suy thoái kinh tế, cũng là một nét thời thượng của cà phê Saigon...

Lai rai cà phê, lai rai đọc sách, cũng có cái lợi, cà phê uống vừa phải nghe nói tốt cho tim mạch, sách cũng thế, tốt cho trí óc, nhất là những người đã già cả về hưu như tôi, nó bắt ta phải suy nghĩ, cũng cho ta sự hiểu biết, ít nhiều kiến thức, đôi khi cũng có chuyện để nói trong những buổi phải lai rai ba sợi thật sự. Cách nay ít lâu, trong một buổi tiệc đưa dâu tôi được xếp ngồi chung với những trưởng lão, kế bên một ông bảy mươi mấy xưa làm hiệu trưởng một trường cấp hai, và một vị vẫn còn đi dạy, là giảng viên của trường đại học, dân gốc hoàng tộc triều Nguyễn... Trong bàn tiệc lai rai chuyện đời, nhân hỏi thăm nhau về vai vế để gọi cho tiện, vị trưởng lão cựu hiệu trưởng, dân Catholique nói về chuyện trong miền Nam gọi nhau theo thứ bậc trong gia đình, chẳng hạn Hai, Ba, Bảy..., nhưng không dùng từ Cả như miền Bắc, bởi trong Nam người ta kiêng tên gọi dân gian của Giám Mục Bá Đa Lộc, là Cha Cả, một cách giải thích, có lẽ vì vị trưởng lão này là dân Catholique? Còn vị giảng viên đại học gốc hoàng tộc nhà Nguyễn có cách giải thích khác, ông nói theo ông người trong Nam không dùng từ Cả cũng vì kỵ húy, cũng là kiêng tên gọi dân gian của hoàng tử Cảnh, người con trưởng của vua Gia Long, vì miền Nam gọi hoàng tử Cảnh là Ông hoàng Cả...

Nghe hai trưởng lão nói có lý, nhưng tôi cũng được đọc trong sách một cách lý giải khác nữa về việc tại sao dân gian miền Nam không dùng từ Cả để gọi người con lớn trong gia đình, cách giải thích như thế này, ngày trước trong miền Nam gọi  ông Trưởng làng là Hương Cả (Hương là làng), cho nên dân trong làng tránh dùng từ Cả để gọi người con trưởng, chẳng lẽ việc gì cũng cứ réo "bớ thằng cả", thì đụng chạm tới ông Hương Cả trong làng quá. Xưa cỡ Hương Cả trong làng cũng to và quyền thế lắm. Ngay cả bây giờ về quê xa xa ăn đình đám, gia chủ khi khai tiệc tôi vẫn còn thấy đây đó nói câu đầu tiên là "Kính thưa chính quyền", rồi mới tới kính thưa các thành phần khác. Tôi cũng "góp vui" vào việc lý giải cái việc tại sao không dùng tên Cả ấy, thế là cười cả bàn...

Lai rai cà phê, lai rai đọc sách, và già rồi thì lai rai sống, đi đâu mà vội, hì hì!





Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Nghĩ trong một ngày tháng 7 âm lịch.


                                                          Ảnh internet.

Bây giờ đang là tháng bảy ta. Bên nhà bác Hồng Ngọc có entry trong đó có bàn về cái chết, hihi, có lẽ đúng hơn là entry nói về sự sống, nhưng trong sự sinh luôn có sự tử, và điều đương nhiên không ai tránh khỏi, đó là cái chết, sanh - lão - bệnh - tử, từ bậc đại trí nhân, thánh nhân, đến ông thảo dân kiết xác, chẳng ai có thể trốn chạy được khỏi nó. Cái giây phút khi con người ta được sinh ra, và cái giây phút khi con người ta nhắm mắt lìa đời, đó chắc là cái giây phút thiêng liêng, bình đẳng và công bằng nhất mà Thượng đế, hay gọi theo cách khác là Tạo hóa, là Đấng tối cao đã ban cho loài người, vâng, giây phút bắt đầu và chấm dứt của một kiếp người, sự công bằng duy nhất của Thượng đế, ơn trời..

Điều mà bác Hồng Ngọc nói tới chắc ai cũng phải sợ, vì bản thân nó đã đáng sợ, có lẽ chỉ trừ một số người tự tìm đến cái chết (mà có khi ngay cả tự tìm đến, cũng chưa chắc là họ đã không sợ, nhưng vì danh dự, trách nhiệm... mà họ đã làm thế), chẳng hạn như Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương... tuẫn tiết vì tự thấy mình không làm tròn bổn phận với vua, với dân, với nước... như Kinh Kha đời Tần bên Tàu, vì nghĩa khí mà tự nguyện mang gươm dấn thân vào chỗ chết, như Khuất Nguyên bị vua ghét bỏ đã đi tự trầm, hay như nhà thơ Lý Bạch, truyền thuyết kể rằng trong cơn say (say rượu, say thơ, say trăng...), ông đã nhảy xuống sông mà chết, chỉ vì muốn ôm lấy bóng trăng in dưới đáy nước... Hoặc như các Kamikaze (Thần phong), ám chỉ những phi công cảm tử của Nhật trong thế chiến thứ hai, đã hi sinh thân mình vì quốc gia, vì trách nhiệm, mong cứu vãn tình thế khi nước Nhật đang đứng trên bờ vực thẳm của bại trận... Những người như thế họ coi cái chết nhẹ tựa lông hồng...

Vì sợ chết cho nên cho nên từ ngàn xưa con người đã đi tìm sự trường sinh, mong được bất tử, hay ít ra là kéo dài thêm cuộc sống... Những truyền thuyết, và lịch sử của loài người, đã nói lên những điều đó, từ Á sang Âu, từ Đông sang Tây... Vua chúa, những kẻ có quyền thế, giàu có... luôn đi tìm những món ăn, những phương pháp, những phương thuốc trường sinh... Đào tiên ăn một quả sống ngàn năm, hay lò thuốc luyện linh đan của Thái Thượng Lão Quân trên Thượng giới, và của cả loài người dưới trần gian..., những phương pháp lấy âm dương, ngũ hành bổ sung cho nhau trong cuộc sống, trong ăn uống để mong kéo dài thêm tuổi thọ... Nhưng than ôi rất nhiều trường hợp như thế, tham sống sợ chết, mong kéo dài thêm tuổi thọ, nhưng thuốc tiên đâu chẳng thấy, chỉ gặp lang băm, thuốc giả, thuốc dỏm... uống thuốc trường sinh vào lại kéo theo đủ thứ bệnh, điên loạn, thậm chí... tắc tử, vì thuốc tiên được bào chế từ những thứ cực độc, như thủy ngân... Câu chuyện có người dâng lên cho vua liều thuốc trường sinh, cam đoan là thuốc thần công hiệu, uống vào sống trăm tuổi, vua chưa kịp cầm bề tôi đã giật cho vào miệng nuốt mất, vua giận quá sai lôi kẻ bề tôi kia ra chém, người ấy bèn tâu, nếu là thuốc tiên uống vào trường sinh sao bề tôi lại phải chết? Vua tỉnh ngộ, cũng may là kẻ ấy gặp được vì vua còn anh minh, sáng suốt, chứ gặp những kẻ quyền thế nhưng não trạng u mê, ù ù cạc cạc, nếu không bay đầu đi đời nhà ma, làm bạn với giun dế, thì chắc cũng sẽ sớm bị tống cổ đày ra nơi biên ải cho ngắm gió cát...

Người ta còn thể hiện mong ước trường sinh trong những câu chuyện khác, Từ Thức lạc vào cõi tiên... Nửa năm tiên giới một bước trần ai...Trên cõi tiên một ngày bằng trăm năm trần thế, cuộc sống sẽ kéo dài... Nhưng đâu dễ gì ai cũng lạc được vào cõi tiên, cho nên để có thể kéo dài đời sống rõ nét nhất là con người đã gởi gắm niền tin nơi tôn giáo. Không thể tìm ra thuốc trường sinh, người ta tin rằng sau khi chết đi, chỉ có thân xác tạm bợ là bị hủy hoại, cái gì của César sẽ trả về cho César, cái gì của của cát bụi lại trở về với cát bụi, nhưng linh hồn thì bất tử, rồi cũng có lúc con người được sống lại, cho dù sống lại để chịu một phán xét khắc nghiệt cuối cùng, người lành, người thiện sẽ được lên một cõi an vui, người ác, người xấu, sẽ vĩnh viễn bị đầy vào nơi tăm tối... Hay người ta cũng tin rằng, kiếp người là một sự luân hồi. Con người khi chết đi, chỉ là biến chuyển từ một cõi này sang một cõi khác, từ kiếp này sang kiếp kia, tùy theo cái nghiệp của mình đã gieo khi sống, nghĩa là cái chết trần gian chưa phải là dấu chấm hết, chưa phải là một sự chấm dứt hoàn toàn...

Ngày xưa lấy chồng từ thuở mười ba/ đến khi mười tám thiếp đà năm con, người ta cứ vô tư mà lấy nhau, mà sòn sòn sinh con đẻ cái, trời sinh trời dưỡng, trời sinh voi trời sinh cỏ, chẳng phải lo lắng gì cho mệt. Cuộc sống lắm khi nghèo rớt mùng tơi mà nào có ngán, không như bây giờ, xưa một nhà năm bảy đứa, thậm chí cả chục đứa con nheo nhóc (mà chục mười hai, mười bốn mới ghê). Cho nên đến khi năm mươi người ta đã lên lão, già khọm khú đế, đã con cháu đầy đàn, mặt mũi đã nhăn nheo, miệng mồm đã móm mém, giỗ chạp đã chiếu trên chiếu dưới, mới thấy mình đã gần đất xa trời. Xưa bảy mươi là hiếm, bây giờ thì khác, cuộc sống tân tiến, nhiều cái để vui chơi hưởng thụ hơn, đời sống đầy đủ, về giáo dục, về y tế, về ăn uống, dinh dưỡng... Con người thọ hơn ngày xưa, năm sáu mươi (nhất là quý bà) vẫn còn phơi phới xoan (xuân), quý ông thì khỏi nói, cái tuổi ấy có khi mới là ngon, công đã thành, danh đã toại, ngày ngày sau giờ tan tầm xách cây vợt đi đánh banh, bây giờ chiến hơn là lái xế hộp đi đánh gôn, ăn chơi thời thượng... Chẳng cần gì đến thuốc trường sinh bất lão chi cho mệt...

Nói tới nói lui thế thì bản thân tôi có sợ chết không? Có chứ, sợ quá nữa là đàng khác, tuy rằng trong thời chiến đã vài lần tôi chỉ cách cái chết không đầy nửa bước chân, đã vài lần nằm quân y viện. Nhưng mà rồi cũng như một câu nhạc xưa của một nhạc sĩ đã ra đi cách nay không lâu (nhạc sĩ Phạm Duy), mà tôi đã hằng yêu thích suốt nửa thế kỷ nay... Rồi mai đây tôi sẽ chết trên đường về nơi cõi hết/ Tôi sẽ không mang theo với tôi những gì đâu/ Tôi không mang theo với tôi được tiền tài hay danh vọng, không mang theo với tôi được gái đẹp hay lầu vàng... Vâng, sớm hay muộn rồi cũng sẽ đến ngày chúng ta sẽ ra đi mà chẳng mang theo được tiền tài, danh vọng, gái đẹp hay lầu vàng. Thế thì trong chuyến ra đi cuối cùng sớm muộn ấy, hãy mang theo một cái gì đó nhẹ nhàng, chẳng hạn như một câu trong entry mới đây của một anh bạn khác, bạn dungNobita (Ký ức nhỏ), câu nói bất hủ của một Mục sư người Mỹ da đen Martin Luther King, người đã bỏ mình vì sự thù hận của con người, I Have a Dream, Tôi có một giấc mơ, một giấc mơ về Hòa bình, Tự do, và Bình đẳng... Không phải chỉ cho riêng người Mỹ, mà sẽ cho chúng ta, toàn thể Nhân loại.


Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

Sưu tầm chữ nghĩa.



Trong một cái "còm" của ông bạn Bulukhin bên nhà của bạn, một người rất thông tuệ, mà tôi và bạn bè trên mạng lâu nay quen gọi là "Bác Bu", khi nói sơ qua về vài người bạn mạng hay qua lại, bác ấy có viết "PNH là nghệ nhân và nhà sưu tầm từ điển đông tây kim cổ". Hihi! ấy là tôi biết bác Bu thương mà nói thế, nghệ nhân, là tôi đã làm ra mấy con thú chim cò, dế men, bọ ngựa, cua cá... bằng giấy mà trẻ con (và có khi cả người lớn thích), còn nhà sưu tầm từ điển đông tây kim cổ thì với mươi lăm, cùng lắm là được vài chục quyển từ điển các loại trên kệ sách tôi đã cóp nhặt đây đó, chẳng thấm vào đâu so với tủ sách của bác Bu, mà có lần ra Quảng Bình, nơi sống cũ của bác tôi có ghé nhà bác ấy chơi, đã được chiêm ngưỡng.

Bác Bu nói về việc sưu tầm từ điển làm tôi nhớ đến một vị bác sĩ người Huế, hiện đang sống, làm việc và giảng dạy tại Hoa Kỳ, bác sĩ Bùi Minh Đức. Trong quyển sách "chữ nghĩa tiếng Huế" (nhà xuất bản Thuận Hóa, xuất bản năm 2008), ông đã viết về thú sưu tầm từ điển, và bản thân ông cũng là một người sưu tầm từ điển. Quả thật, qua những gì ông viết về chuyện sưu tầm từ điển mới thấy hết cái công phu, cái trí tuệ của việc sưu tầm, ông sưu tầm được cả từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes ra đời từ năm 1651, cho đến những quyển từ điển bề thế mới ra đời cách nay vài năm, như Đại từ điển chữ Nôm, Đại từ điển tiếng Việt, hay những bộ từ điển Bách khoa đồ sộ của các nước như Pháp, Anh, Đức... Thật đáng khâm phục cho cái thú chơi rất trí tuệ của ông.

Đối với tôi, chẳng qua chỉ là vấn đề tìm hiểu, học hỏi, khi kiến thức nhà trường của mình chẳng có bao lăm. Thời trẻ, ham chơi hơn ham học (đôi khi lấy hoàn cảnh, thời cuộc, chiến tranh của đất nước để... đổ thừa), nên cái học vấn của tôi rất... lôm côm. Thỉnh thoảng đọc sách báo có khi không hiểu chữ nghĩa, lời lẽ, ý tứ, cho nên đành phải bổ túc bằng việc tra cứu trên sách vở, từ điển. Xứ mình xưa nay không có viện hàn lâm chữ nghĩa, mỗi sách, mỗi từ điển lại nói một phách, giải thích một kiểu nên lại đành phải tìm kiếm ở hết sách này, đến từ điển kia, riết rồi thành thói quen, thấy rất thú vị nữa.

Không thể có tiền, hoặc có chỗ để chứa chỉ một phần rất nhỏ những sách vở trong đó có các loại từ điển đã xuất bản xưa nay, cho nên tôi cố gắng chọn lọc, để có được những quyển từ điển nào mình cảm thấy hay, hoặc nhiều người khen, hoặc là... chê, để xem người ta chê ở chỗ nào, nó dở cỡ nào, lắm khi mình lại học được nhiều điều từ cái dở, những điều ấy, rất cần thiết cho việc tìm hiểu. Chẳng hạn về từ điển tiếng Việt, tôi mày mò để có được quyển Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của, in năm 1895, 1896 (2 quyển một bộ, in trong 2 năm tại miền Nam), dĩ nhiên không phải là nguyên bản mà chỉ là bản phô tô, như vậy cũng là quá mừng, quyển từ điển này rất quý ở chỗ cho ta biết nghĩa của khá nhiều từ ngữ xưa, đã không còn hoặc rất ít dùng, lại là quyển từ điển phương ngữ miền Nam cách nay đã hơn một trăm năm, từ điển có cả chữ Hán, chữ Nôm kèm theo từ ngữ, tiện cho việc tra cứu đối với ai biết về chữ Hán, chữ Nôm. 

Quyển thứ nhì là Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, bản do Saigon in năm 1967, in lại bản in năm 1931 của Hà Nội, quyển này tôi mua thời còn đi học. Cũng có kèm theo chữ Hán trong mục từ, từ điển này do Phạm Quỳnh và một nhóm học giả miền Bắc lúc bấy giờ biên soạn (Tìm hiểu lịch sử chữ quốc ngữ - Hoàng Xuân Việt, NXB Văn hóa Thông tin xuất bản năm 2007). Nhưng trái với Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, được coi là quyển từ điển phương ngữ miền Nam, thì Việt Nam Tự Điển, được coi là quyển từ điển phương ngữ miền Bắc, nhất là những từ xưa, thỉnh thoảng tôi vẫn tra cứu thấy có nhiều cái rất hay mà xưa nay mình không hiểu.

Đối với tiếng Việt, cơ bản là hai quyển từ điển ấy... Tôi cũng có những quyển từ điển tiếng Việt khác, được xuất bản ở cả hai miền Nam Bắc, qua nhiều thời kỳ (tôi không nêu tên tác giả, tên từ điển vì hơi dài, mất thời giờ các bạn đọc), ở miền Nam chủ yếu từ thập niên 50, 60, 70... Ở miền Bắc từ thập niên 60, 70 trở về sau này... Có lần thấy trên kệ sách có khá nhiều từ điển tiếng Việt mà thỉnh thoảng đi đâu tôi lại vác thêm về, bà xã tôi đã cằn nhằn, ông mua thế chưa đủ hay sao, tiếng Việt chứ có phải tiếng gì đâu mà bằng ấy quyển ở nhà chưa đủ? Nghe thế tôi chỉ biết cười xòa,. bà xã tôi đâu có hiểu, tiếng Việt coi thế mà ngữ nghĩa của nó mênh mông lắm, mỗi một thời kỳ, mỗi một vùng miền có khi lại viết khác, hay có nghĩa khác. Cũng chữ ấy từ điển xuất bản năm 50 nghĩa như thế, năm 70 nghĩa đã biến đổi, rồi miền này miền kia, hiểu có khi đã khác... Chữ "ốm" ở miền Bắc, chủ yếu hiểu là đau, bệnh, thì ở miền Nam lại hiểu là gầy gò. Miền Bắc nói cây bút thì miền Nam nói cây viết... Càng có nhiều sách, từ điển để tra cứu, mình càng vỡ ra nhiều vấn đề... Qua sách vở, từ điển, mình có thể hình dung ra được chữ nghĩa, từ ngữ, kể cả cái suy nghĩ, lối sống, cách sống của xã hội lúc ấy...

Ngoài từ điển tiếng Việt, dĩ nhiên lại phải có từ điển Hán Việt, Việt Hán, mỗi thứ lại có dăm ba quyển, tiếng phồn thể, rồi giản thể, không thể thiếu quyển từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, bản tôi có là bản in năm 1957, tôi đã mua từ thời còn đi học khoảng cuối thập niên 60 tại Saigon. Tuy gọi là từ điển Hán Việt, nhưng có thể dùng quyển từ điển này như một quyển từ điển để tra cứu tiếng Việt (đến 80, 90% từ ngữ tiếng Việt có nguồn gốc chữ Hán), từ điển sắp xếp mục từ theo A, B, C... như từ điển tiếng Việt, dễ tra cứu, thỉnh thoảng lại ghi chú thêm tiếng Pháp, rất hay. Tiếng Việt mà ta nói bây giờ xưa là tiếng Nôm, nên lại phải có từ điển chữ Nôm, cũng vài quyển, in tại Saigon trước năm 75, miền Bắc cũng thế, rồi từ điển mới in sau này...

Điển tích, điển cố, tầm nguyên, thành ngữ, tục ngữ, ca dao... những cái ta thường gặp trên sách vở, trong đời sống, nên lại phải có những từ điển thành ngữ, tục ngữ, điển tích, điển cố Trung Hoa, từ điển tầm nguyên... kể cả một số từ điển các loại khác nữa, từ điển văn học Việt Nam, văn học Trung Hoa, từ điển về hoa cỏ, thực vật, động vật... tôn giáo, triết học, địa lý, địa danh, thổ nhưỡng, văn hóa, điện, điện tử, công nghệ thông tin, du lịch..., từ điển nói về những thành phố lớn như Hà Nội, Saigon, Đà Nẵng... Muốn tìm hiểu lại phải có từ điển viết về những ngành ấy, những thành phố ấy, thế là dần dần đầy trên kệ sách... Tiếng Việt cũng liên quan đến một số tiếng của dân tộc thiểu số, cho nên gặp từ điển tiếng Mường, Tày, Nùng, H'Mong..., kể cả từ điển thành ngữ tục ngữ của họ là cũng... chớp ngay. Quả thật về rảnh lấy ra xem, mới thấy thú, người Tày, người Nùng, người Mường... lại có những suy nghĩ trong đời sống, thể hiện qua thành ngữ, tục ngữ nhiều khi rất giống với người Kinh mình, đúng là anh em một nhà...

Dĩ nhiên là tôi cũng phải có những quyển từ điển Pháp Việt, Việt Pháp, Anh Việt, Việt Anh... qua những thời kỳ..., bởi người Pháp, Mỹ (văn hóa, văn minh Âu, Mỹ có ảnh hưởng khá nhiều đến Việt Nam), chưa kể một số từ điển tiếng Anh các loại cho cu cậu con trai, rồi cũng có những quyển từ điển của Anh, Pháp, mình chỉ đọc hiểu được cái tựa, nhưng lê la sách vở vỉa hè thấy bán rẻ quá, kiểu giấy vụn cân ký lô, những quyển từ điển dày cộm của Oxford, Hachette..., tiếc vì sách in đẹp, nghiêm túc, thế là lại mua, vác về chất đầy nhà...

Nhân đây tôi cũng xin kể có trường hợp mình phải "xem lại" cái suy nghĩ của mình sau khi tra từ điển. Có lần đã lâu, đọc trong một quyển sách xưa của một nhà văn ở miền Bắc, thời Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng... thấy có từ "dắn chắc", tôi cứ nghĩ có lẽ nhà văn viết sai chính tả theo cách phát âm của người miền Bắc "r" thành "d", hoặc lỗi nhà in, vì chúng ta thường thấy bây giờ dùng là "rắn chắc" chỉ sự cứng rắn. Nhưng đến khi tôi tình cờ đọc được trong Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức mới thấy ghi "dắn", nghĩa là "cứng", thậm chí tiếp theo là "dắn dỏi": chứ không phải là "rắn rỏi" như từ điển bây giờ. Như vậy tôi thấy, có thể cách nay 80, 90 năm ở miền Bắc, người ta viết là "dắn" chứ không phải là "rắn" như sau này, nghĩa là nhà văn thời ấy viết chữ "dắn" với nghĩa là cứng chưa chắc đã sai. 

Cũng có một chữ khác mà tôi đã viết trong một entry trước đây, đó là chữ "mắc mỏ" mà ta dùng bây giờ có nghĩa là đắt, đắt đỏ. Nếu ta có thấy trong sách cách nay bảy tám chục năm người ta viết là "mắt mỏ", với chữ "t" ở chữ "mắt" chứ không phải chữ "c" như bây giờ, cũng đừng vội cho là thời ấy người ta viết sai chính tả, bởi tất cả các từ điển trong Nam, ngoài Bắc tôi có in cách nay bốn năm chục năm trở về trước, đều viết là "mắt mỏ" chứ không phải là "mắc mỏ" như bây giờ...


Tra cứu từ điển các loại, được in qua nhiều thời kỳ, ở những miền khác nhau, thường cho chúng ta một cái nhìn "thoáng" hơn, và cũng cho chúng ta biết được rất nhiều điều thú vị...


Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Tranh kiếng Nam bộ.

Mấy hôm trước tôi có ghé chùa Xá Lợi tại Saigon để xem một cuộc triển lãm khá độc đáo, đó là triển lãm tranh kiếng Nam bộ, một dòng tranh nghệ thuật dân gian được vẽ trên kiếng (kính - đọc theo âm Nam bộ). Dò hỏi thì được cho biết dòng tranh kiếng dân gian này đã có trên 100 năm nay tại miền Nam, chủ yếu phục vụ cho Nam kỳ lục tỉnh, từ Biên Hòa, Bình Dương, đến vùng Sóc Trăng, Trà Vinh nơi có đa số người thuộc dân tộc Khmer và Trung Hoa..., cũng được cho biết tranh kiếng Nam bộ không phải là loại nghệ thuật có nguồn gốc địa phương, mà do người Hoa mang sang, phát triển...

Tranh kiếng có kiểu vẽ rất độc đáo, là vẽ mặt sau của tấm kiếng trong, mà phải vẽ ngược, đến khi xem mặt trước mới thành mặt phải. Thuở nhỏ tôi nhớ nhất là những tấm tranh kiếng nơi những xe hủ tiếu mì của người Hoa ở Chợ Lớn, vẽ Quan Công, Triệu Tử Long cưỡi ngựa múa đao, hay Tề thiên Đại thánh đằng vân múa thiết bảng... Tranh kiếng chủ yếu phục vụ cho việc thờ cúng của người Việt, người Hoa, và người Khmer ở Nam bộ, và trang trí trong gia đình, những điển tích xưa... Trong nhà thể nào những gia đình thờ Tổ tiên, Thần tài, Táo quân, Mẹ sanh mẹ độ, Bà chúa thai sanh... cũng có những tấm tranh kiếng treo nơi mỗi bàn thờ. Tôi chụp và post lên đây một số hình ảnh về dòng tranh độc đáo này, mà hiện nay, theo thời gian đã có phần mai một...



































Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Luận về... cò..

Hồi này tôi khoái làm mấy con cò giấy tệ, mấy cái con cổ cong, mỏ dài, chân cẳng lêu nghêu mà có lần xuống miền Tây ngồi ghe men theo sông rạch nhìn ngắm chúng là hết biết. Trước hết tôi cũng xin nói ngay "cò" có nghĩa là... con cò, ý nghĩa chính danh của từ ngữ. Như chúng ta đã biết con cò có mặt trên trái đất này đã từ lâu lắm rồi, theo như Kinh thánh thì nó đã hiện diện từ lúc tạo hóa sinh ra muôn loài, trong đó có loài người, mà có lẽ con cò còn được tạo hóa chế tạo ra trước loài người chút đỉnh, vì con người là giống đã được tạo hóa chế tác ra sau cùng, từ một cục đất sét.

Cò thuộc loài chim, hẳn là như thế, chúng gồm đủ mọi thứ tên gọi, cò nhạn, cò quắm, cò thìa, cò ruồi, cò ma, cò bợ, cò lửa... và cùng một họ hàng tổ tiên ông bà ông vải với hạc (vạc), sếu, diệc... vân vân... Họ hàng nhà cò chuyên sống ở những vùng đầm lầy, đồng ruộng ngập nước. Về miền Tây Nam bộ vùng Cao Lãnh, Đồng Tháp Mười, Cà Mau, Bạc Liêu... chúng ta sẽ thấy rất nhiều cò trên đồng ruộng, hay trong những tràm chim, vườn chim... Sống ở đồng ruộng, sông nước cho nên chúng xơi tôm cá, ếch nhái... đấy là những món khoái khẩu từ bao đời nay của chúng...



Trong đời sống nhân loại, con cò được con người nhìn dưới những hình ảnh đẹp đẽ, nhưng cũng chính con cò lại bị con người gán cho nhiều cái xấu, hay đúng hơn là nhiều tật xấu của con người lại mang tên loài cò. Thật ra họ hàng nhà cò nói chung là loài chim khá dễ thương, chúng chẳng làm hại gì đến con người, trái lại bây giờ người ta còn săn bắt chúng làm món nhậu. Xưa kia đến 90% người Việt sống bằng nông nghiệp, con người luôn gắn bó với đồng ruộng, mà đồng ruộng cũng chính là nơi họ hàng nhà cò sinh sống, cho nên giữa con người và họ hàng nhà cò chắc hẳn cũng đã có một mối liên lệ thân thiết, hình ảnh của chúng trên đồng ruộng mang đến cho con người những nét rất đẹp và thi vị. Tôi thử điểm lại về cái nhìn của con người đối với loài cò.

Về nét đẹp, thì hẳn chúng ta cũng đã biết từ lâu con cò đã đi vào ca dao, để chỉ sự tần tảo chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt Nam ngày xưa... Con cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non/ Nàng về nuôi cái cùng con/ Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng... Ở một cái xứ sở mà chiến tranh luôn rình rập, ngoài thì ngoại xâm, nội luôn bất an, người đàn ông không thể thoát ra khỏi được những cuộc chinh chiến triền miên, và bao nhiêu cái khổ, cái khó lại dồn lên đôi vai của người phụ nữ, người mẹ... Con cò cũng đi vào giấc ngủ của trẻ thơ bằng tiếng hát ru theo điệu Cò lả của người mẹ... Con cò bay lả bay la/ Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng... Trong âm nhạc Nam bộ chúng ta có chiếc đàn cò, một nhạc cụ không thể thiếu trong giàn nhạc dân gian, tiếng đàn cò là những âm thanh chủ đạo trong văn hóa dân gian, ngay cả khi đưa tiễn con người về với cõi vĩnh hằng... Và người ta cũng ví người mẹ, người phụ nữ một nắng hai sương nơi đồng ruộng với thân cò. Hôm nay cũng sắp đến rằm tháng bảy, sắp đến ngày lễ Vu lan báo hiếu, xin gởi những dòng này đến những bà mẹ, xưa nay, để tri ân...

Về tập quán thì như chúng ta thường thấy cò là loài kiếm ăn vào ban ngày, buổi chiều tối chúng trở về tổ trên những ngọn cây. Nhưng trong ca dao cũng có câu "Con cò mày đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao...". Không rõ ca dao nói thế có đúng không? Bởi tôi cũng chưa có dịp ra đồng ruộng lúc ban đêm để kiểm chứng. Nếu có loài cò phải lặn lội kiếm ăn vào ban đêm nữa thì quả thật con cò rất xứng đáng được loài người tôn vinh...

Đấy là những nét đẹp "tâm linh" mà người ta lấy loài cò làm ví dụ. Còn về nét đẹp hình thể, hiển nhiên thì chúng ta ai cũng thích nhìn những cánh cò bay lả trong một buổi chiều tà, chiều hôm xa nhà tình cờ nhìn về cuối trời thấy những cánh cò chấp chới trong chút nắng muộn thì không còn gì ngậm ngùi hơn...

Ngày xưa người Ai Cập cổ đại coi cò như con vật linh thiêng, chúng được ướp xác cùng với những bậc vua chúa nơi lăng mộ, kim tự tháp. Còn bên Châu Âu thì xưa nay xem cò là biểu tượng của hạnh phúc và may mắn, người lớn giải thích với trẻ con rằng những đứa trẻ con là em của chúng mới sinh ra, đã được những con cò mang đến từ đồng ruộng...





Những hình ảnh khác mà người ta mượn tên loài cò để gọi, chúng ta có thể thấy, trước hết là con tem bưu điện. Bây giờ con tem bưu điện dùng để gởi thư ít thấy được sử dụng, thứ nhất là người ta quay tem máy tiện hơn, thứ nhì là thư điện tử đã góp phần rất lớn làm người ta không gởi thư viết trên giấy kiểu cổ điển. Bây giờ chắc ít còn ai nhớ đến mấy câu thơ "Người phát thư vừa qua khỏi cửa/ Lòng tôi như tỉnh lại như ngây...", mà tôi không nhớ là của nhà thơ Xuân Diệu hay Huy Cận, để chỉ cái tâm trạng của một người mong đợi cánh thư viết từ phương xa... Khi gởi thư thì người ta dán lên bì thư một con tem. Ngày xưa người ta gọi con tem là "con cò". Tôi copy lại một đoạn bài viết trên một tờ báo điện tử về nguồn gốc của từ ngữ "con cò" dùng để chỉ con tem:


Ngày 11/11/1860, Bưu điện Sàigòn được thành lập. Ngày 13/1/1863,ở dây Thép Sàigòn khánh thành và phát hành "con cò" (người Sàigòn xưa thường gọi con tem là con cò)  đầu tiên. Tem này mang hình con đại bàng, dùng chung cho các nước thuộc địa Pháp, phân biệt bằng dấu hủy riêng tại mỗi nước. Cho nên, nếu nhìn theo lối truy tầm gốc tích thì 13/11/1863 cũng có thể là ngày tem thư Việt Nam, cách đây 150 năm.



Tem in hình con cò. Ảnh internet.


*******************************
Như vậy là con tem đầu tiên phát hành tại Saigon lại mang hình con đại bàng chứ không phải con cò, nhưng có lẽ người Việt Nam khá xa lạ với chim đại bàng cho nên người ta mới lấy luôn hình ảnh con cò, là con vật gần gũi để gọi cho tiện, cái tên con cò để chỉ con tem bưu chính "chết" luôn từ đấy. Thế là con tem được quần chúng gọi là con cò, nhưng con cò thực sự đã có mặt trên các con tem trên khắp thế giới, nhiều nước đã phát hành loại tem có in hình con cò. Cả trên giấy bạc cũng có hình con cò, ở nước ta vào thế kỷ thứ 19 dưới triều nhà Nguyễn, có lưu hành đồng bạc của Mễ Tây Cơ in hình con cò do các tàu buôn phương Tây mang đến trao đổi hàng hóa, và người dân đã gọi tiền này là đồng tiền con cò. Rồi đến cả thày đội cảnh sát cũng được gọi là "ông cò", hihi, cái này cũng hơi ngộ. Tại sao thế? Theo tôi có lẽ bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:

- Con tem (con cò) được phát hành bởi ngành Bưu chính, Bưu điện, tiếng Tây Poste (n.f.) có nghĩa là Bưu chính, Bưu cục, sở Bưu điện, đồng âm với từ Poste (n.m.) có nghĩa là đồn (binh), bót (cảnh sát). Ở Poste của ngành Bưu chính có con tem (con cò), thì ở Poste của ngành cảnh sát có "ông cò" là lẽ đương nhiên, và thế là từ "ông cò" ra đời, bắt nguồn từ con cò (con tem), để chỉ thày đội cảnh sát.

- Tôi còn nhớ những hình ảnh của ông cò (thày đội cảnh sát) ngày xưa từ thời Tây sang đến thời Đệ nhất Cộng hòa ở miền Nam, thường mặc nguyên bộ đồng phục màu trắng, có lẽ giống màu lông của những con cò trắng chăng?

- Một hình ảnh khác mà các ông bố bà mẹ đã dùng tên con cò để gọi, và có phần dung tục, đó là từ chim cò, hay cu cò, để chỉ cái mà chú nhóc tì con cái của họ hay dùng để... tè dầm, hì hì, đến đây thì con cò bắt đầu mang tiếng rồi. Cũng từ chim cò, ăn mặc chim cò, người ta nói thế để chỉ phái nam khi ăn mặc có phần lòe loẹt, nhất là với những người đã đứng tuổi còn thích ăn mặc màu sắc trẻ trung, hoa hòe hoa sói, không phù hợp với tuổi tác. Không hiểu sao người ta lại gọi như thế trong khi bộ cánh thường thấy của loài cò chỉ là màu trắng, hoặc nâu, xám, đen, không phải là những màu rực rỡ, tươi sáng...

- Người ta cũng dùng tên một vài loại cò để gọi những trạng thái, hoặc thói hư tật xấu của con người, chẳng hạn mệt lử cò bợ, để chỉ trạng thái rất mệt sau khi gắng sức làm một việc gì đó, chẳng hạn ở trên tầng 12 của chung cư mà thang máy bị hư phải lên xuống cuốc bộ. Một từ khác là cò mồi, xưa thường dùng để chỉ bọn cờ gian bạc lận nơi bến xe, chốn công cộng, chúng dàn cảnh cờ bạc chơi bài ba lá nhanh ăn thua, cho người vờ ăn để dụ dỗ những kẻ nhẹ dạ... Một từ nữa là cò cưa, làm ăn gì mà cò cưa, để chỉ một trạng thái làm việc gì đó lằng nhằng, không dứt khoát, không rõ ràng, cũng có từ trong đó...

- Không phải chỉ bên dân sự ( affaire civile), hoặc bán quân sự (paramilitaire) như cảnh sát mới dùng từ cò, ngay cả giới quân sự (militaire) người ta cũng dùng từ cò, chẳng hạn như cò súng, để chỉ một bộ phận rất quan trọng ở khẩu súng, một dụng cụ của chết chóc, có lẽ bởi cái cò súng có hình dáng cong cong trông như cổ con cò chăng? Một từ nữa là cò pháo, cũng thuộc bên quân sự.

- Có một từ khác, dùng tên loài cò để ám chỉ, đến đây thì đúng là bôi bác loài cò quá đáng, đó là từ cò nhà, cò đất, cò giấy tờ, cò bệnh viện, cò chạy án... loại cò này có lẽ cũng chỉ mới xuất hiện gần đây, theo nền... kinh tế thị trường, ba lợi ích, năm bảy thiệt hại...

Đấy là những gì tôi biết về loài cò, có lẽ chỉ đủ cho một luận văn tốt nghiệp cấp Tờ Hờ (TH - Tiểu Học), chắc ý tứ vẫn còn chưa đủ, xin mời các bạn bổ sung tiếp.


Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Thiếu.

Con người chẳng ai mong thiếu, chẳng hạn như thiếu tiền, thiếu tiện nghi, hay thiếu tình cảm, thậm chí nhiều khi còn muốn dư thừa, càng nhiều càng tốt, cái muốn muôn thuở của con người thật vô bờ.


Sáng nay tình cờ tôi nghe một vị Thượng tọa giảng trên mạng, "Trong cuộc sống chúng ta nên thiếu một chút, ăn thiếu đi một chút, mặc thiếu đi một chút, hưởng thụ những tiện nghi thiếu đi một chút...". Đại khái là như thế, và vị chân tu tiếp, những cái dư ra của sự thiếu này là để dành cho những cảnh đời kém may mắn hơn chúng ta, bây giờ vẫn còn rất nhiều trong xã hội. Vị chân tu kêu gọi nên giúp đỡ người khác, những người bất hạnh hơn chúng ta, đó cũng là một hạnh của nhà Phật, hạnh bố thí. Thực hiện được hạnh bố thí con người sẽ bước đến gần hơn cái tâm từ bi, vị tha, hỉ xả...

Vị chân tu giảng tiếp, nhưng cũng có những cái chúng ta không nên thiếu, đó là trí tuệ, là tuệ giác, là tri thức, là trí thức... Một con người, một gia đình, một xã hội... không thể thiếu những thứ cơ bản này trong đời sống. Trí tuệ, tuệ giác, tri thức, trí thức... có lẽ nói theo như ông bạn Bulukhin, nếu thiếu, phần nào là rỗng kiến thức, có được những thứ ấy con người sẽ thoát khỏi cái hỗn mang, cái vô minh, cái đói nghèo, và nhất là cái ác... Những thứ đang tràn lan trong xã hội...

Tôi hoàn toàn đồng ý với những gì vị chân tu đã giảng...



Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Thiên nhiên hoang dã.

Vụ hai cha con người rừng ở một huyện miền núi Quảng Ngãi, sống với thiên nhiên hoang dã suốt 40 năm giới truyền thông nước ngoài cũng đưa tin. Tôi cũng không muốn nói gì nhiều đến chuyện "giải cứu" mà thật ra là cưỡng bức khá thô bạo họ trở về với xã hội (chắc là hơn về mặt tiện nghi nhưng chưa chắc đã tốt hơn về nhiều mặt khác nơi họ đã sống).

Trước năm 75 tôi cũng đã có nhiều thời gian sống với những người dân tộc thiểu số ở Tây nguyên mà khi ấy quen gọi họ là người Thượng. Khi vào trong rừng họ chẳng cần phải học "mưu sinh thoát hiểm" gì cả, vì chính họ là rừng núi. Cả tháng trời trong rừng hay nơi một tiền đồn hẻo lánh họ chẳng cần phải tiếp tế, cây củ, lá rừng, nấm, sóc, chuột, thằn lằn kỳ nhông, đến rắn rít, sâu bọ... cái gì họ cũng xơi được tuốt. Thiên nhiên hoang dã là bạn thân thiết của họ.

Nói đến thiên nhiên hoang dã tôi rất thích xem Discovery Channel (kênh khám phá), một kênh rất hay trên TV, khi kênh này chiếu những phim tài liệu về thiên nhiên, những vùng đất lạ, những con người và động vật hoang dã. Chúng ta có thể nhìn thấy cảnh bầy sư tử, bầy chó sói... tấn công những con trâu rừng hay linh dương, con chim ưng hay con đại bàng săn đuổi con sóc hay con thỏ trên thảo nguyên ở Mông Cổ. Con này ăn con kia để sống, để khép kín một chu trình sống trong trời đất, đấy là Thượng đế, đấng Tạo hóa toàn năng muốn thế, đã hàng tỉ năm nay, chim ruồi hút mật, chim bói cá bắt cá trên sông suối, những con nhện độc, bò cạp, hay những con tắc kè hoa tung cái lưỡi dính như keo dài ngoằng bắt côn trùng... Và chúng ta cũng có thể nhìn thấy những bộ lạc, những con người còn sống hoang sơ giữa rừng già Amazone, hay New Guinée, cuộc sống của họ tự do, hồn nhiên như thuở hồng hoang, không hề toan tính...

Và bây giờ, ở trong thành phố, giữa đường nhựa và những khối bê tông, tôi muốn thể hiện cái thiên nhiên hoang dã ấy qua những mảnh giấy, trên một góc ban công, hay một góc bàn viết trong nhà, một trò chơi trẻ con lúc trà dư tửu hậu...


                                                    Chuồn chuồn kim.


                                                            Nhện.


 Tắc kè.


 Chim bói cá.


 Chim ưng săn mồi.



Rắn hổ mang.


 Rắn bắt chuột.


                                                         Nhện và bò cạp.