Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Con hạc.






Hạc là một loài chim được nhắc nhở rất nhiều xưa nay, trong đời sống, trong văn học, thi, ca... Người xưa tin rằng hạc là loài chim trường thọ, "Hạc thọ thiên tuế" chim hạc sống lâu đến ngàn năm, cho nên người ta nói "tuổi hạc" để chúc nhau sống lâu trăm tuổi..

 Khác với loan, phụng là loài chim truyền thuyết, chim hạc là loài chim hiện diện trong cuộc sống. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của viết về hạc như sau: "Loài chim chơn đỏ, hình giống con ngỗng trống mà cao hơn, người ta nói là chim sống lâu, các vị tiên hay cỡi". Nguyễn Du cũng hay nhắc đến chim hạc trong truyện Kiều "Trong như tiếng hạc bay qua" (câu 481), "Tuổi hạc càng cao" (câu 673, 2402, 2876, 3232). 



e




Loay hoay làm mấy con hạc bằng giấy, con đang vỗ cánh bay cao, con đang đập cánh đậu... trò chơi trẻ con với một người già, hìhì!





Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Trời cứu.


Ăn là cái quan trọng bậc nhất của cuộc đời, đứng đầu trong bốn cái quan trọng của nhân loại, người ta có thể không cần nhà cửa, vợ hoặc chồng con, hay cả... người yêu lẫn tài sản, xe cộ... nhưng chẳng ai không cần ăn. Vài ngày mà không có gì vào bụng là thấy ngay... ông bà ông vải. Ăn gì để sống? Cái câu hỏi và cũng là tựa của một bài báo trên báo Tuổi Trẻ tôi đọc hôm nay (26-7-2013), tôi đã chụp lại và post phía trên, câu hỏi xem ra có vẻ... kỳ cục. Ăn để cảm thấy ngon, khoái khẩu mới là vấn đề, chứ ăn chỉ để sống thì có gì mà phải đặt thành câu hỏi đăng trên báo? Ăn để sống thì thiếu gì thứ cơ bản, người mình có thể không cần xơi cao lương mỹ vị, ăn ít thịt, cá, nhưng gạo, bún, bánh canh, mì sợi... là thứ thường thấy trên mâm cơm hoặc ngoài quán xá. Bình thường thì cơm ngày hai bữa, cuối tuần nghỉ rảnh rỗi, con cái ở nhà thì đi chợ hay siêu thị mua ký bún, ký bánh canh, mì sợi... nấu đổi món cho dễ ăn.

Như các bạn đã biết, công bố mới đây của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN, chăm phần chăm các mẫu bún, bánh canh, mì sợi... mà Hội đã kiểm tra tại chợ, kể cả siêu thị đều có những vi khuẩn và hóa chất độc hại, nghĩa là hàng ngày chúng ta đang "ăn bẩn, ăn độc". Ăn bẩn, ăn độc thì người dân cũng chẳng có gì lạ lẫm, mấy năm trước đây thiên hạ cũng ì xèo vụ bánh phở có phọoc môn, là chất để... ướp xác, cá thì ướp u rê là phân bón cây để tươi lâu, nội tạng gia súc thối được tẩy trắng bằng hóa chất. Với trái cây cũng chẳng khá gì hơn, những thông tin về trái cây bị xịt thuốc tăng trưởng, thuốc chín hàng loạt, thuốc trừ sâu... vẫn rộ lên đây đó. Gần đây khi có dịp về một vùng quê miền Tây Nam bộ chơi, chủ nhà quen khi mời ăn trái cây đã nói thật tình đấy là trái cây hái trong vườn nhà, không phun thuốc nên trông xấu nhưng an toàn, chính họ cũng không dám ăn những trái cây trái to, đều, chín vàng mọng nước do nhà vườn ở đây trồng bán cho thương lái, vì biết rõ trái cây ấy đã bị phun nhiều loại thuốc... vân vân... và... vân vân...

Chuyện như thế, la lối ì xèo nhưng mà dân đâu có nhịn ăn được, cho nên mọi chuyện rồi cũng qua, cũng nguôi ngoai. Nhưng mà khi Hội Tiêu chuẩn kia công bố như thế thì hẳn là chuyện hệ trọng. Mà không hệ trọng sao được, khi cũng trên báo Tuồi Trẻ hôm nay có một tin khác dưới đây.

.
Một công ty sản xuất có mấy trăm công nhân mà chỉ trong hai ngày đã xảy ra hai vụ ngộ độc từ bữa cơm tập thể, thì quả là hệ trọng. Đứa con nít cũng có thể biết chắc chắn là do thực phẩm trong bữa ăn, thế thì cái công bố của Hội kia hẳn là đáng cho ta quan tâm. Nhưng mà rồi trên tờ báo lại có cái tin này.




Ở tờ báo Phụ Nữ TP HCM thì đăng tin rõ hơn "Cơ quan quản lý phủ nhận kết quả bún chứa Tinopal", là chất tẩy trắnng huỳnh quang độc hại mà Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người Tiêu dùng đã phát hiện và công bố.


Sau khi thông tin bún độc hại từ kiểm nghiệm của Hội Tiêu chuẩn thì rất nhanh chóng các cơ quan chức năng đã vào cuộc, nhưng lạ lùng thay, thay vì các cơ quan này họp báo công bố cách xử lý (hoặc ít ra cũng từ phát hiện này mà tiếp tục xem xét, điều tra tiếp), và hướng dẫn người dân trong vụ trong việc sử dụng thực phẩm sao cho an toàn, thì người ta tranh cãi ì xèo, đưa ra những lý lẽ về mặt thủ tục, pháp lý... để phủ nhận kết quả của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người Tiêu dùng đã công bố cảnh báo. Bên kế bài báo phủ nhận kết quả cũng có một bài khác hướng dẫn người dân tự làm bún tại nhà. Hihi, vậy là an toàn, chắc ăn nhất. Muốn ăn rau sạch ta cũng nên tự mua hạt về trồng lấy rau mà ăn, muốn ăn gà, heo cũng thế, nên tự nuôi thì sẽ không sợ gà, heo bị nuôi bằng chất siêu nạc, siêu trọng, muốn ăn bún, mì sợi, bánh canh, bánh phở, bánh ướt... cũng nên tự mình đi ngâm gạo xay bột mà làm lấy, chắc ăn như bắp...

Nhưng mà rồi lại có cái khó khác, nhà ở thành phố lại trên lầu hai chung cư, cái hiên nhà cũng chẳng có lấy đâu ra đất mà trồng sau sạch, chỗ đâu mà nuôi gà, heo, và chẳng lẽ nhà có vài ba người, mỗi khi muốn ăn tô bún riêu, bún thang, tô mì Quảng, lại phải loay hoay ngâm gạo, đi kiếm chỗ xay bột, rồi mới về nhà tỉ mẩn làm ra được ký bún, ký mì...? Thế là lại phải đành ra chợ mua mà ăn tiếp.

Và rồi tôi cũng phát hiện ra điều này, bao nhiêu năm trôi qua không thể trông chờ vào cơ quan quản lý, cũng không thể mong một sớm một chiều có tiền mua đất lập trang trại, trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất thực phẩm... sạch để tự cứu mình. Thế thì ta hãy cứ hồn nhiên mà xơi, người ta hay nói, giày dép cũng còn có số, trời... kêu ai nấy dạ, cách tốt nhất là cứ phó mặc mọi chuyện cho trời, cho số phận. Hehehe! Khỉ thế!




Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Đá cá lia thia.

Mấy hôm nay đọc báo thấy ngán ngẩm, ôi thôi đủ thứ chuyện, xã hội cứ như là một mớ bòong boong, như đám tơ vò, toàn chuyện đâu đâu, đau lòng có (như chuyện chích ngừa trẻ sơ sinh), hoặc khôi hài, tiếu lâm Giao Chỉ (như mấy chuyện cộng điểm thi đại học cho bà mẹ VN anh hùng, người có công năm 45, hay hạ điểm thi đua của địa phương nào có điểm, hoặc tỉ lệ tốt nghiệp THPT cao hơn năm trước vì lý do trung thực với đảng, với dân...). Để bảo vệ cái đầu của mình khỏi tửng theo, đành phải quay về với cái trò chơi trẻ con là làm mấy con vật nho nhỏ bằng giấy. Có lẽ ngồi làm mấy con này ta phải để tâm hết vào nó, như trò chơi gấp giấy Origami của Nhật, hoặc như mấy người ngồi nặn mấy con tò he đủ màu sắc trước cổng trường cho con nít mẫu giáo, tiểu học xem. Cũng có thể như những người tu hành tụng kinh hay lần tràng hạt.

Một trong những trò chơi thời nhóc tì của tôi và cũng của đám trẻ con cùng xóm là đá cá lia thia, là một trò chơi rất hấp dẫn đám trẻ, cũng giống như đá dế vậy. Cá lia thia đã đi vào ca dao "Lia thia quen chậu/ vợ chồng quen hơi", Đại Nam Quấc âm Tự Vị của ông Huỳnh Tịnh Paulus Của cũng có nhắc đến cá lia thia "Thua thì thua mẹ thua cha/ Cá sinh một lứa, ai mà thua ai". Thế là đủ biết con cá lia thia hấp dẫn bá tánh như thế nào. Trong quyển Phong lưu cũ mới cố học giả Vương Hồng Sển đã dành ra cả một chương để nói về thú chơi cá lia thia của người Nam bộ xưa, mà ông gọi là cá thia thia, đó không chỉ là thú chơi của con nít hay người vùng dân dã, xưa ở bên Miên, bên Thái, hoàng gia cũng chơi cá lia thia như ai, và những con cá "chiến" được xem như quốc bảo, cấm xuất ra khỏi nước..







Bây giờ vài nơi bán các loại cá kiểng ở Saigon cũng có bán cá lia thia, đủ loại, đủ màu sắc, có những con đuôi, vây trông te tua như... mới thua độ nhưng không phải, giống cá nó thế, có những con cá đủ màu sắc xanh, đỏ, tía, đậm, lợt..., chắc sau này đã được lai tạo, chứ thời tôi còn nhỏ mấy chục năm trước chỉ có hai loại, đó là cá Xiêm và cá Phướn. Cá Xiêm là loại cá gốc từ Thái Lan, xưa tên là Xiêm La, loại này có màu xanh thẫm, đuôi tròn, vây gọn gàng. Còn cá Phướn có màu đỏ hồng,  gọi là cá Phướn vì vây, đuôi của nó dài như lá cờ phướn. Xét hai loại thì cá Xiêm được tụi nhóc ưa thích hơn vì cá này đá chiến hơn, dai sức hơn, có con đá chết bỏ chứ không bao giờ bỏ chạy, còn cá Phướn do vây, đuôi dài thậm thượt, trông đẹp nhưng xoay xở chậm, nhát đòn, bị đá đau là chạy... có cờ.





Bạn nào đã từng nuôi và đá cá lia thia chắc biết rõ đặc tính hiếu chiến của loài cá này, mỗi con phải được nuôi riêng trong một keo (lọ) thủy tinh, hay chậu sành, cũng gống như mấy con dế, nhốt chung mấy con thể nào chúng cũng cắn nhau chí chết. Ở những chỗ bán cá lia thia người ta bày nhiều keo cao cao như thế sát cạnh nhau, được ngăn cách bởi một tấm bìa, tụi nhóc tì đi mua sau khi ngắm nghía thường nhấc tấm bìa ra, hai con cá nhìn thấy nhau qua lớp thủy tinh trong suốt sẽ lập tức phùng mang trợn mỏ, quẫy đuôi so kè nhau trong chiếc keo thủy tinh nhốt nó, trông cũng rất ấn tượng.

Đá cá lia thia cũng giống như đá dế vậy, tuy gọi là đá nhưng thực ra chẳng có gì là "đá" nghĩa là dùng chân cẳng cả, với dế thì chúng dùng đôi hàm sắc khỏe để tấn công đối thủ, còn với cá lia thia chúng cũng dùng miệng để cắn đối phương, cú cắn được phóng ra rất nhanh và mạnh, sau một trận chiến thì thường cả con thắng lẫn con thua đều "te tua" hết. Tụi nhóc chơi đá dế, đá cá là thuần túy để chơi, hoặc "độ" nhau thua thì ăn ký vào đầu gối, búng tai... cùng lắm là đá bắt xác, nghĩa là con thua bị đứa thắng bắt mất, mà lấy được con dế hay con cá lia thia đá thua cũng chẳng thích thú gì, vì thường nếu còn sống, sau đó chúng cũng ê càng, ê mỏ rất nhát, có khi chưa đá mới trông thấy đối phương dương oai đã bỏ chạy...

Tụi nhóc tì chúng tôi ngày trước đá dế, đá cá lia thia là để chơi, thường là trong mấy tháng hè rảnh rỗi được nghỉ học, xưa tiểu học thì hè chẳng có học thêm học nếm nhà thày cô gi cả, được chơi thả giàn, khác xa với con nít thời nay...

Bây giờ... già, chẳng có công đâu mà kiếm nuôi mấy con dế, con cá lia thia xem chúng đá, thời nhỏ còn hăng máu, giờ già nghĩ lại chúng cắn nhau chí tử cũng tội nghiệp, ngồi làm đám dế đám cá chơi trông cũng vui mắt, lại có quà để cho mấy đứa cháu mỗi khi chúng ghé chơi...


Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

Diện đối.

"Bây giờ đối diện riêng tôi/ Còn hai con mắt khóc người một con". Tôi chụp hình hai chú ong tôi đã làm bằng giấy và chợt nhớ đến câu thơ của Bùi Giáng trong bài thơ Mắt buồn, từ ý thơ này nhạc sĩ TCS đã viết thành bài hát "con mắt còn lại" khá hay... Thơ của Bùi Giáng đọc là để cảm nhận... được chút nào hay chút nấy, với tôi là thế, nhà thơ rất điênrất tỉnh này có những câu thơ quá hay ai cũng có thể hiểu, nhưng ông cũng có những câu thơ mà có lẽ chỉ mình ông biết ông muốn nói gì, còn nhạc của nhạc sĩ TCS thì đã nổi tiếng xưa nay, mọi người mọi giới đều thích. Riêng tôi hôm nay, tôi chỉ muốn làm một chú ong bầu và một chú ong mật bằng giấy đặt đối diện với nhau để chụp vài tấm hình.



Đang loay hoay bên cạnh cửa sổ chụp hai chú ong giấy thì thật bất ngờ, một chú ong ruồi nhỏ chỉ bằng hạt gạo bay xà vào và đậu xuống.


Chú ong ruồi rất dạn dĩ bên cạnh hai con ong giấy xem ra rất khổng lồ đồi với chú ta, chú ta đi tới đi lui cạnh hai con ong giấy, có những lúc quay lưng lại nhỏng đuôi, nhưng cũng có lúc đối diện và chú ta vung đôi cánh nhỏ xíu mặc cho tôi tha hồ ngắm nghía và chụp hình, kể ra thì chú ong này (có khi là một cô ong cũng nên) còn là một "ong mẫu" trình diễn thật xuất sắc..













Cuộc diện đối giữa chú ong ruồi và hai con ong giấy diễn ra trong vài phút, trước khi chú ta vung tít đôi cánh và bay ra lại cửa sổ, đủ thời gian để cho tôi bấm được những tấm hình khá vui và ngộ nghĩnh này....



Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Quần hùng hội ngộ.




Rảnh rỗi ngồi thiền với mấy sợi giấy vụn thành những con vật nho nhỏ như chuồn chuồn , cào cào, bọ ngựa... Tôi chợt nhớ đến truyện Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài, một câu truyện mà tôi đã  đọc và thích từ khi còn là chú nhóc. Thuở nhỏ lê la đi bắt dế, cào cào, chuồn chuồn... dế thì để đá chơi còn cào cào chuồn chuồn thì mang về cho mấy con gà nuôi trong sân xơi, cho nên tôi mê ngay nhân vật dế mèn oai hùng trong truyện Dế mèn phiêu lưu ký. Trong truyện anh chàng dế mèn phiêu lưu thực hiện giấc mơ của mình, là kết nối muôn loài, bốn bể đều là anh em một nhà, sống thanh bình, mơ giấc mơ về một thế giới đại đồng...

Tôi thử làm ra những nhân vật trong câu truyện dế mèn ấy, như tráng sĩ dế mèn, võ sĩ bọ ngựa, võ sĩ dế nhũi (dế trũi), ếch cốm, đám cào cào, chuồn chuồn, kiến...

Dế mèn và bọ ngựa.

 
                                                       Dế mèn và dế trũi.

                                                       Bọ ngựa và dế trũi.


                                               Cào cào ma và cào cào voi.

Chuồn chuồn ớt, chuồn chuồn kim và kiến.

Ếch cốm.

Ếch cốm và kiến càng.


Quần hùng hội ngộ.





Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Chuẩn và báo cáo.

                                                       Ảnh internet.

Từ điển của Viện Ngôn ngữ-Trung tâm Từ điển học định nghĩa chữ chuẩn như sau: chuẩn: cái được chọn làm căn cứ để đối chiếu, để hướng theo đó mà làm cho đúng. Định nghĩa này chắc không ai phản đối.

Sáng nay tôi đọc được trong bài "Nặng kiến thức, nhẹ thực hành" trên báo Tuổi Trẻ (16-7-2013) có đoạn viết: Theo báo cáo giám sát, tỉ lệ đạt chuẩn đào tạo của giáo viên phổ thông hiện nay ở mức rất cao, từ 99,6 - 99,63% tùy theo bậc học. Nhưng bất cập lớn nhất và nan giải nhất lại ở năng lực sư phạm, phương pháp, cách thức tổ chức dạy học của số đông giáo viên ở mức yếu.

Đọc điều này tôi thấy rất lạ, tỉ lệ đạt chuẩn đào tạo của giáo viên phổ thông hiện nay là 99,6 đến 99,63%, nghĩa là gần như 100% giáo viên được đạt chuẩn đào tạo, nhưng năng lực sư phạm, phương pháp, cách thức tổ chức dạy của số đông giáo viên lại ở mức yếu, mà ai trong chúng ta cũng biết, ở nơi người giáo viên thì năng lực sư phạm, phương pháp, cách thức tổ chức dạy học lại là cái quan trọng vào bậc nhất của người đứng trên bục giảng, người giáo viên mà có nhiều tri thức, kiến thức cao, nhưng nếu thiếu năng lực sư phạm, phương pháp, cách thức tổ chức dạy học, thì chắc chắn hiệu quả khi dạy học sẽ rất thấp.

 Như vậy chúng ta sẽ phải hiểu ra sao với câu "đạt chuẩn đào tạo" đối với gần 100% giáo viên phổ thông? Năng lực sư phạm, phương pháp, cách thức tổ chức dạy học, có lẽ không nằm trong chuẩn đào tạo?

Đọc tiếp nữa thì ra vấn đề nằm ở báo cáo giám sát, giữa chất lượng thật và báo cáo không giống nhau, điều này cũng giống như trong giao thông, trong xây dựng... Chất lược thật của công trình lại trái ngược với nghiệm thu, với giám sát... Thế!

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Vài loại xe cộ xưa và xe bình bịch, xe gắn máy ở Saigon.

Bên nhà bạn DungNobita có bài viết về chuyện bán dạo ngày xưa, trong comments bạn DungNobita và bạn HN có nói tới vụ con nít xưa khoái hít mùi khói xăng. Hihi! có thể thuở nhỏ tôi không ở cùng nơi chốn với hai ông bạn này, nhưng cái vụ khoái hít mùi khói xăng thì trẻ con ở đâu cũng thế. Nói tới chuyện này tôi lại nhớ tớ hồi còn là chú nhóc, nhưng trước khi nói chuyện khoái hít khói xăng tôi muốn nhắc qua về vài loại xe cộ xưa thời tôi còn nhỏ ở Saigon.

Vào khoảng nửa cuối của thập niên 50 thế kỷ trước, khi các cụ tôi mới từ miền Bắc vào Saigon được vài năm, lúc đó tôi chỉ mới dăm bảy tuổi, nơi tôi ở còn là ngoại ô của khu trung tâm Saigon. Những năm xưa ấy đường xá Saigon còn nhỏ hẹp, khu ngoại ô thì lèo tèo nhà cửa, xe cộ, đúng như những bài hát về những khu xóm ngoại ô sau này, ngõ nhỏ, nhà thấp, đèn đường vàng vọt hiu hắt. Ngoài đường phổ biến là loại xe do bò ngựa kéo, xe ngựa mà trong miền Nam gọi là xe thổ mộ còn chạy đầy, vó ngựa lóc cóc trên đường, bên hông chợ Tân Định quận 1 còn con đường nhỏ mang tên Mã Lộ, (trong sách của cụ Vương Hồng Sển nói gọi là xe thổ mộ tại cái mui của nó cong cong lùm lùm trông như cái mả đất). Xe ngựa hay xe thổ mộ và cả xe bò kéo lỉnh kỉnh chở người và hàng hóa, xe ngựa thường chở khách, người buôn thúng bán bưng, đa số là chở hoa, rau củ ở vùng Hóc Môn, Gò Vấp gọi chung là hàng thanh bông... vào cung cấp cho thành phố mỗi ngày. Người thì ngồi trong lòng xe, còn gánh, thúng thì buộc trên mui hoặc hai bên hông xe.

                                       Xe thổ mộ xưa giữa trung tâm Saigon.

 Xe ngựa chạy tốc độ cỡ bằng người đạp xe đạp nhanh, chạy như thế cách nay năm, sáu mươi năm đã là khá, cuộc sống khi ấy còn chậm chứ không gấp gáp như bây giờ. Còn xe bò thì như người đi bộ, xe bò thường chở những cây tre, tầm vông dài thậm thượt quét đất, khi đi bánh xe bằng gỗ phát ra những tiếng lộc cộc, lộc cộc. Khi ấy thỉnh thoảng mới thấy một chiếc xe hơi, hay xe gắn máy hai bánh, phổ biến hơn là xe đạp, mà đám con nít miền Nam gọi là xe máy. Hình ảnh trên đây tiêu biểu cho chiếc xe thổ mộ ở Saigon vào những năm năm mươi mấy, sáu mươi, với bác xà ích (sais, tiếng Mã Lai) người miệt Hóc Môn mười tám thôn vườn trầu (vùng này xưa nuôi nhiều ngựa đua và ngựa kéo xe), bác ta đội chiếc mũ nỉ ngồi vắt vẻo ở càng xe, miệng thường "bập" điếu thuốc rê Gò Vấp, bên trong thùng xe trải chiếu cho khách ngồi xẹp xuống sàn, gánh hàng thì cột trên mui và hai bên hông xe. Xe thổ mộ chở được chừng dăm người khách cùng hàng hóa, người ngồi sát vào nhau kiểu cá mòi, sau này có xe lam thay thế, cũng là loại xe chuyên chở rẻ tiền của đa số dân nghèo buôn gánh bán bưng. Đặc điểm của xe thổ mộ là không có thắng, muốn dừng, hay quẹo trái quẹo phải là ở bác xà ích điều khiển con ngựa.

                                                           Xe lam.



Bắt đầu khoảng thập niên 60 có một loại xe nhỏ gọn chuyên chở công cộng thay cho xe thổ mộ, đó là xe lam ba bánh. Xe do hãng Lambretta của Ý sản xuất nên người dân gọi luôn là xe lam. Xe ngựa chạy nghe lóc cóc cùng tiếng lục lạc buộc ở cổ ngựa leng keng vui tai, xe lam cũng có tiếng máy nổ phành phạch đặc trưng, xe càng cũ thì tiếng máy càng kêu to, và mức độ ô nhiễm về khói do xe thải ra là vô địch, xe lam cũng thuộc loại vua chạy ẩu, muốn lấy ra là ra muốn tắp vô là vô, người đi đường phải biết ý mà tránh.

Sau năm 75 cuộc sống ở miền Nam nói chung và Saigon nói riêng bắt đầu khó khăn, xăng chạy xe lúc ấy là món hàng chiến lược không bán ở thị trường, giới chạy xe chở khách đường xa gọi là xe đò lúc ấy có "sáng kiến" chuyển từ chạy xăng sang chạy bằng than. Ông cụ tôi nói việc đó không phải là mới mẻ gì, ở ngoài Bắc vào khoảng thập niên 40, do khó khăn xe cũng được chuyển chạy bằng than như thế. Chiếc xe chạy bằng than được gắn thêm một cái lò hơi nước phía sau trông thô kệch và khá buồn cười, ai mà ngồi gần cái lò này thì phải biết, nóng chảy mỡ.

                                       Xe đò chạy bằng than sau năm 75.


Tôi vừa nhắc đến vài loại xe chuyên chở công cộng quen thuộc thời trước đây ở Saigon, có cả xe buýt và xe tắc xi nữa. Còn về loại xe cá nhân thì chiếc xe đầu tiên hai bánh có gắn máy trong xóm lúc tôi còn nhỏ chính là một chiếc mô tô mà tụi nhóc như tôi gọi theo cách của gọi người lớn là xe bình bịch. Đấy là chiếc xe của ông bác hàng xóm ngay cạnh nhà tôi, hình dáng chiếc xe trông na ná  như chiếc xe hình bên dưới. Lúc ấy còn nhỏ quá tôi chẳng biết nó hiệu gì, của nước nào sản xuất, lớn lên thì biết hình như là xe hiệu BMW của Đức, mà hồi đó gọi là Tây Đức, một dòng xe nổi tiếng cho đến tận ngày nay. Tôi vẫn còn rất nhớ ngày ông bác ấy mang chiếc xe bình bịch về dựng trước cửa, cả xóm kéo tới xem, trầm trồ chiêm ngưỡng. Mà tại sao lại gọi là xe bình bịch nhỉ? chứ không kêu là mô tô như về sau này?  Bình bịch, chính là gọi theo tiếng máy của xe, khi nổ máy xe kêu bình bịch, bình bịch, khi rú ga (rồ ga) thì tiếng bình bịch nhanh, gấp gáp, liên hồi, nghe giòn giã, và như tôi đã nói, gọi như thế là theo người lớn không phải do con nít đặt.

                                                             Xe bình bịch.

Về tên gọi xe bình bịch. Tôi thử tra trong vài quyển từ điển thì thấy chỉ có những quyển từ điển do các học giả miền Bắc biên soạn, có lẽ khoảng từ năm 1950 trở về sau này mới có từ bình bịch, xe bình bịch, khi loại xe này xuất hiện tại Việt Nam. Chẳng hạn như quyển Từ điển Tiếng Việt, nhiều tác giả, Văn Tân chủ biên, nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 1967. Từ điển Tiếng Việt, nhiều tác giả, Hoàng Phê chủ biên, nhà xuất bản Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học in lần thứ 5 năm 1997. Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân, nhà xuất bản TP HCM xuất bản năm 2000. Còn từ điển thuộc các tác giả miền Nam viết xưa nay in tại Saigon không thấy có từ xe bình bịch. Sau này ở Saigon không còn gọi là xe bình bịch nữa, mà gọi là xe mô tô, chắc là do tiếng Pháp Motocycle, hoặc tiếng Anh Motor. Người ta dùng từ mô tô là để chỉ những loại xe phân khối lớn, khoảng từ 125cc trở lên, trông cồng kềnh. Còn loại xe 50cc nhỏ gọn thì gọi chung là xe gắn máy. Riêng loại xe phân khối máy lên tới 150cc, hoặc 175cc hiệu Vespa hay Lambretta nhập từ nước Ý thì không gọi là mô tô, mà dùng từ Xì cút tơ, tiếng Anh Scooter, tiếng Pháp cũng viết là Scooter, loại xe này đường kính bánh xe nhỏ hơn mô tô, xe gắn máy.

 
                                                             Xe Vespa.

Buổi sáng ông bác hàng xóm xách xe đi làm, thoạt tiên ông bác này dắt chiếc xe bình bịch ra trước sân, ngồi lên xe và... làm dấu thánh nhắm mắt lẩm nhẩm cầu nguyện, chẳng là xóm tôi ở là dân di cư, đa số theo đạo Thiên chúa giáo. Vài phút cầu nguyện xong ông bác hàng xóm mới đeo đôi găng tay da màu đen, kính râm, rồi đạp máy. Xe bình bịch vào thời ấy chưa tiện nghi nổ máy đề bằng điện như xe mô tô, gắn máy bây giờ, khi máy xe đã nổ giòn thải ra một đám khói trắng rồi lao vút đi, là lúc mấy đứa nhóc tì tụi tôi chơi quanh đó xúm lại hít lấy hít để cái đám khói trắng ấy. Quái lạ nhỉ, bây giờ ra đường phải đeo khẩu trang y tế, sợ khói bụi muốn chết, vậy mà thời nhỏ ấy đám nhóc lại mê hít cái đám khói xăng độc hại ấy, hình như nó có mùi thơm của xăng nên hấp dẫn đám con nít.

Vài năm sau khi đã lớn lên chút ít, đi học tiểu học, xe gắn máy (50cc) đã bắt đầu chạy trên đường thì đám nhóc tụi tôi mới thôi cái trò hít khói xe. Nói về xe gắn máy, tôi nhớ ông cụ tôi là người thứ nhì sắm xe trong xóm, thời ấy là chiếc xe Mobylette 3 sườn màu vàng kem của Pháp, ngày ông cụ tôi mang chiếc xe về cũng thế, cũng cả xóm kéo đến trầm trồ, và khi được ông cụ cho leo lên ngồi phìa sau chở đi một vòng thì khỏi phải nói, sướng mê tơi.

                                                     Xe Mobylette 3 khung. 

Kỷ niệm về chiếc xe này thì trước đây tôi đã viết bên Yahoo 360, có lần ông cụ tôi chở tôi đi, không biết ngồi sau ngủ gật sao đó mà tôi rơi xuống đường lúc nào mà ông cụ tôi không biết, một hồi không thấy động tĩnh phía sau lưng ông cụ tôi mới quay xe lại tìm, thấy tôi đang đứng ở lề đường chân tay trầy xát, vậy mà tôi tỉnh bơ chẳng kêu ca gì cả, kể ra hồi nhỏ tôi cũng thuộc loại lì lợm.

Vài năm sau ông cụ tôi đổi chiếc xe khác, đó là chiếc xe máy Sach của Đức, thời đó cũng mới nhập vào miền Nam, nổi tiếng với dòng xe hiệu Gobel, ông cụ tôi đi chiếc xe có hình dáng tương tự như chiếc xe bên dưới.

                                                            Xe máy Sach. 

Về sau, đâu như khoảng giữa thập niên 60, tôi thấy ông cụ tôi đi một chiếc xe khác nữa, đó là chiếc xe hiệu Puch của Áo (Austria) màu đỏ, lúc đó được gọi là Puch 3 đèn, cũng thuộc loại xe thời thượng ở Saigon bấy giờ, trước khi những dòng xe gắn máy như Mobylette, Vélo Solex, Sach, Puch của Châu Âu bị loại xe của Nhật hạ bệ. Nói về chuyện xe cộ lúc đó, tôi nhớ có nghe ông cụ tôi kể chuyện, có một nhà tư sản tên là Đặng Đình Đáng ở Saigon, chuyên về các dòng xe gắn máy nhập từ Châu Âu, bao nhiêu vốn liếng ông ta đổ hết vào đấy, lập cả nhà máy lắp ráp, đến khi dòng xe của Nhật tràn sang đánh bại các loại xe gắn máy cũ, ông ta phá sản và buồn phiền đến nỗi phải tự tử. Khi xe gắn máy của Nhật sản xuất đã lấn át xe gắn máy Châu Âu, thì nhiều người gỡ máy xe gắn vào xe ba gác đạp để biến thành xe ba gác máy, chở được khá nhiều hàng hóa, như một xe tải nhỏ.

                                                               Xe Puch

Khoảng từ năm 1967 về sau thì ông cụ tôi cũng chuyển sang đi xe gắn máy của Nhật Bản sản xuất, đó là chiếc xe cũng nổi tiếng một thời, gọi là xe 67 vì ra đời vào năm 1967, (xe Nhật gồm các thương hiệu Honda, Yamaha, Suzuki, Kawasaki, được chuộng xưa nay là hiệu Honda), các loại xe gắn máy của Châu Âu như tôi kể bên trên không còn sản xuất nữa, dần trở thành đồ cổ...

                                                       Xe Honda 67.


Nhân đây tôi cũng xin nhắc qua chuyện đi xe gắn máy ở Saigon khi xưa. Xe hai bánh gắn máy của Nhật nhập vào miền Nam chỉ có loại xe 50cc, không được nhập loại trên 50cc vì lý do an ninh. Thoạt đầu người ngồi sau xe tùy nam hay nữ mà ngồi để chân hai bên hay một bên, nam thì để chân hai bên còn nữ thì ngồi nghiêng để hai chân sang một bên, kể cả khi mặc áo dài, váy, hay quần tây, nhưng sau cũng vì lý do an ninh chính quyền ra lệnh nam ngồi sau xe gắn máy cũng phải để hai chân về một bên như nữ, mới đầu ngồi hơi ngượng và trông kỳ cục nhưng sau quen. Sau năm 75 thì lệnh này không còn, và thói quen này người dân cũng bỏ. Bây giờ như chúng ta thấy nữ mà ngồi sau xe mô tô, gắn máy ngoại trừ mặc áo dài hay mặc váy mới phải ngồi nghiêng một bên, còn mặc quần tây thì thoải mái ngồi hai bên như nam...


* Ảnh trong entry được lấy trên mạng.


Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Tra từ sách (3).

Ở bài viết trước lai rai bàn về chữ nghĩa, hai ông bạn Bulukhin và Hồng Ngọc vào comments đưa ra nhiều từ ngữ khó giải thích nữa, đáng chú ý là một từ ngữ hai bạn đều đề cập đến là một từ ngữ thông dụng rất hay được mọi người dùng trong cuộc sống hàng ngày, đó là từ chợ búa. Ông bạn Bulukhin nói "búa có phải là cái búa đóng đinh không?". Còn ông bạn Hồng Ngọc thì "Sao có chợ búa mà không có chợ kềm?". Chợ thì không ai thắc mắc, nhưng từ búa thì quả khó hiểu. Tra trên mạng có thể thấy khá nhiều trang mạng giải thích từ chợ búa. Một trong những đại thụ về tra cứu giải thích chữ nghĩa, từ nguyên quen thuộc là học giả An Chi, ông đã có thời kỳ dài phụ trách mục Chuyện Đông Chuyện Tây trên Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, những gì ông viết trả lời những câu hỏi của độc giả rất thuyết phục và đã được Nhà xuất bản Trẻ in thành sách. Tôi cũng có mấy tập sách này của ông, và tôi cũng thường tra cứu những câu trả lời của ông về từ nguyên.

Trên trang mạng Bách khoa Tri thức độc giả có hỏi và ông trả lời về búa trong chợ búa như sau (tôi chép nguyên văn):

"Búa thực ra là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ mà âm Hán Việt hiện đại là phố , có nghĩa là cửa hàng, là nơi buôn bán. Ở Hà Tĩnh, người ta vẫn gọi cái chợ nhỏ là búa (xin xem thêm KTNN 177, CĐCT, tr. 55). Vậy chợ búa chẳng qua là chợ nói chung và đây vốn là một từ tổ đẳng lập đích thực mà hai thành tố là những từ đồng nghĩa hoặc gần nghĩa với nhau như: xe cộ, tàu bè, sông ngòi, bến bãi, v.v... Xét theo lịch đại thì búa là một từ có nghĩa riêng biệt và cụ thể còn xét theo hiện đại thì đó chỉ là một yếu tố đã mất nghĩa, đúng hơn, đó là một từ cổ. Những từ cổ như thế rất nhiều và người ta chỉ có thể nói rằng chúng là những yếu tố đã mất nghĩa chứ quyết không nói được rằng chúng là những yếu tố vô nghĩa như vẫn thường làm chỉ vì chính mình không biết được nghĩa của chúng".

Những gì học giả An Chi viết bên trên khá cụ thể và dễ hiểu về chữ búa trong chợ búa. Cũng như đoạn nói về từ đẳng lập mà chúng ta thường rất hay gặp như hai ông bạn đã đề cập. Tuy nhiên đọc trong sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, chữ búa trong chợ búa được hiểu một cách khác với giải thích của học giả An Chi, và những gì viết trong sách cũng rất thuyết phục, khi tôi đã tra thêm một vài quyển sách khác. Tôi post lên hình chụp những đoạn văn trong Vân Đài Loại Ngữ dưới đây:




Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn thì chữ búa trong chợ búa là từ chữ Hán Việt "bộ". Sách cũng chép rõ chợ bán cá con gọi là hoa ngư bộ, với chữ hoa ngư là cá con và chữ bộ là chợ, và theo bài Kinh khê sứ của người Minh thì "Chợ nào ăn đến bến nước thì người xưa gọi là bộ". Đấy là về từ Hán Việt, nhưng từ búa trong chợ búa, và cả từ chợ búa là tiếng Nôm, có liên quan gì đến chữ Hán Việt bộ. Tôi post tiếp những gì liên qua dưới đây:


 

Trước tiên là về chữ "bộ" mà sách Vân Đài Loại Ngữ đã viết là "chợ nào ăn đến bến nước thì người xưa gọi là bộ". Trong từ điển Hán Việt hiện đại, chữ "bộ" là "chỗ ghé đậu thuyền, bãi đậu thuyền", tức là "bến nước". Trong tự vị chữ Nôm thì chữ "Bộ" đã được chuyển thành "bộ" (đi bộ) và "Bụa" (góa bụa). Từ "Bộ" chữ Hán Việt xưa là chợ "ăn đến bến nước", có thể hiểu là chợ ven sông, đến chuyển sang chữ Nôm là "Bụa" trong góa bụa, thì chữ "Bụa" rất gần với "Búa" trong "Chợ búa". Như vậy từ búa trong chợ búa bắt nguồn từ chữ bộ trong tiếng Hán, như sách Vân Đài Loại Ngữ đã viết cũng "rất có cơ sở".


Sách tham khảo:

- Vân Đài Loại Ngữ, Lê Quý Đôn, bản dịch Tạ Quang Phát (3 quyển), Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin xuất bản năm 1995, trang 178 quyển 1, và trang 259 quyển 3.
- Từ điển Hán Việt, Nguyễn Tôn Nhan, Nhà xuất bản Từ Điển Bách Khoa xuất bản năm 2008.
- Bảng tra chữ Nôm, không đề tên tác giả, Viện Ngôn Ngữ Học, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội xuất bản năm 1976.



Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Tra từ sách (2).

                                Những cô gái Mường. Ảnh Internet.

Entry trước tôi có nói về từ mắt mỏ, có nghĩa là đắt đỏ. Sau khi tra sách thì thấy trong nhiều quyển từ điển, nhất là những quyển từ điển cũ đều viết là mắt mỏ, chứ không phải là mắc mỏ, như chúng ta thường hay gặp trong ngôn ngữ và sách báo bây giờ, và mắc mỏ được sách giải thích là từ láy.

Ông bạn Bulukhin vào comment cho biết theo học giả Phan Ngọc thì từ MỎ là một phần của tính đối xứng trong tiếng Việt, chẳng hạn trong gà qué, chó má, đắt đỏ... Còn bạn Anna Nguyen thì đoán chừng đó là từ mắc, mắc mỏ chứ không phải là mắt, mắt mỏ, vì từ mắt là nói về con mắt để nhìn, và bạn nói "có thể sách trước đây viết chưa chuẩn, vì chữ quốc ngữ đang thời kỳ mới phát triển, sau này người ta hiệu chỉnh lại".

Tuy tôi không nghĩ là trước đây sách viết mắt là chưa chuẩn, nhưng ý kiến của bạn Anna Nguyen cũng rất đáng chú ý. Tôi chợt nhớ đến quyển từ điển Mường-Việt* mà mình có. Như các bạn đã biết, trong 54 dân tộc Việt Nam thì người Việt và người Mường được xếp vào nhóm ngôn ngữ Việt-Mường (gồm các tộc người Chứt, Mường, Thổ, Việt), và người Mường được xem là người Việt cổ. Ngôn ngữ của người Mường và người Việt có nhiều từ rất giống nhau, thí dụ như tiếng còm (gầy, miền Nam nói là ốm), con (con cái), công (chim công), kiển (con kiến), kinh (kinh sách), kinh đô (kinh đô, kinh thành), lẫn (lẫn lộn), lẩn áp (lấn áp), lấn quấn (lẩn quẩn), đao kiểm (đao kiếm), đân (dân), đân đen (dân đen), kèo nài (kèo nài)... Chữ nghiêng là tiếng Mường..., và rất nhiều từ ngữ giống nhau nữa...

Khá may mắn trong ngôn ngữ của người Mường nơi quyển từ điển Mường-Việt có những từ ngữ liên quan đến điều tôi muốn tìm. Trước hết là chữ Măt (không có dấu sắc) có 2 nghĩa, nghĩa thứ nhất là con mắt, nghĩa thứ nhì là khuôn mặt. Còn chữ Mắt cũng có 2 nghĩa, nghĩa thứ nhất là biết (chăng mắt/ không biết), nghĩa thứ nhì chính là đắt (đắt rẻ). Trong ngôn ngữ của người Mường cũng có cụm từ mắt mó (mó với dấu sắc), tương đương với từ mắt mỏ có nghĩa là đắt đỏ của người Việt. Nhưng trong tiếng Mường thì từ trong mắt mó cũng có nghĩa là đắt, chứ không phải là "trợ từ" như Đại nam Quấc Âm Tự Vị, hay là "từ láy" như Từ điển từ láy tôi đã trích dẫn ở entry trước. Từ điển tiếng Mường cũng trích dẫn một câu tiếng Mường liên quan như sau "pảinh mắt, pảinh mó chăng cỏ ngay mua" (bán đắt quá chẳng có ai mua).

Người ta nói tiếng Việt rất phong phú, thì đúng là như thế, mèo mun, chó mực, ngựa ô... cũng là để nói về những con vật có màu đen, nhưng tiếng Việt xem ra cũng khá... rối. Chỉ với một từ mắc, mắt, khi tra tìm đã thấy... mệt, nhưng nếu có chút thời giờ và tài liệu tìm được ngọn nguồn của chữ nghĩa, kể cũng thú vị.

Nhân tiện tôi thử tra thêm mấy từ ông bạn Bulukhin đã nói, như gà qué, chó má... xem sao? chó thì chúng ta đã biết là con gì rồi, còn qué? Nói chung những từ điển được soạn gần đây thì không thấy nói đến 2 từ qué, má, nhưng những từ điển tiếng Việt xưa như Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, của Hội Khai Trí Tiến Đức, Thanh Nghị, Ban Tu Thư Khai Trí... đều giảng nghĩa qué là con chồn, còn cũng có nghĩa là con chó...


* Từ điển Mường-Việt, Nguyễn Văn Khang (chủ biên) - Bùi Chỉ - Hoàng Văn Hành, Trung Tâm Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn Quốc Gia - Viện Ngôn Ngữ Học - Nhà xuất bản văn Hóa Dân Tộc Hà Nội xuất bản năm 2002.




Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Tra từ sách.


                                                      Ảnh Internet.

Cuối tuần ghé siêu thị cùng bà xã mua ít đồ dùng lặt vặt trong nhà, tôi nghe hai ông bà kia đi mua hàng than với nhau cái gì bây giờ cũng mắc mỏ quá, chai dầu ăn mấy năm trước có mười mấy ngàn bây giờ mắc gấp đôi gấp ba, đến ba, bốn chục ngàn. Tôi chợt nhớ ngày xưa các cụ tôi là dân di cư từ miền Bắc vào Nam, các cụ không nói mắc mỏ mà dùng từ đắt hoặc là đắt đỏ, chẳng hạn các cụ nói món hàng này đắt quá, hoặc là hàng họ bây giờ đắt đỏ quá (hàng họ chứ không phải hàng hóa). Vậy có vẻ như đắt hay đắt đỏ là phương ngữ của miền Bắc, còn mắc hay mắc mỏ là phương ngữ của miền Nam.

Về nhà lẩn thẩn tôi thử tra lại vài quyển từ điển về hai từ mắc, mắc mỏ, và đắt, đắt đỏ mới thấy có điều thú vị. Từ Hán-Việt không có chữ mắcmắt. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của xuất bản năm 1895, được coi là quyển từ điển tiếng Việt phương ngữ miền Nam xưa nhất thì chỉ có từ mắt (mắt với chữ t chứ không phải c) mới đồng nghĩa với chữ đắt. Thoạt đầu tôi nghĩ chắc ngày xưa ông Huỳnh Tịnh Paulus Của là người Nam Bộ, nên sai chính tả ở chữ c thành ra t như chúng ta thường thấy. Giở quyển tiếp theo là Việt Nam Tự Điển của Ban Văn Học Hội Khai Trí Tiến Đức xuất bản năm 1931 tại Hà Nội (bản in lại ở Saigon năm 1967) được coi là quyển từ điển phương ngữ miền Bắc, lạ thay cũng ghi nhận mắt có nghĩa là đắt, mua cái này mắt quá. Tiếp tục một quyển từ điển tiếng Việt khá xưa nữa là Việt Nam Tân Từ Điển của Thanh Nghị do Nhà xuất bản Thời Thế xuất bản tại Saigon năm 1952 cũng ghi nhận mắt có nghĩa là đắt, không rẻ. Rồi đến Tự điển Việt Nam của Ban Tu Thư Khai Trí in tại Saigon năm 1971 ghi nhận mắt: đắt, và mắt mỏđắt đỏ, đời sống mắt mỏ. Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân, do Nhà xuất bản TP HCM xuất bản năm 2000 cũng ghi nhận mắt: đắt. Từ điển Từ cổ của Vương Lộc do Trung Tâm Từ Điển Học, Nhà xuất bản Đà Nẵng in lần thứ hai năm 2002 cũng ghi mắtđắt, và mắt mỏđắt đỏ.

Không riêng gì từ điển tiếng Việt, những từ điển Việt-Pháp xưa xuất bản tại miền Nam, như quyển Từ điển Việt-Pháp Phổ Thông của Đào Văn Tập, do nhà sách Vĩnh Bảo Saigon in năm 1953, Việt- Pháp Từ điển của Đào Đăng Vỹ, tác giả xuất bản tại Saigon năm 1961, hai quyển này cũng chỉ ghi nhận từ mắt, có nghĩa là đắt, dịch sang tiếng Pháp là cher. Từ điển Việt-Anh của Nguyễn Văn Khôn do Nhà xuất bản TP HCM ấn hành năm 1991 cũng giải nghĩa chữ mắt sang tiếng Anh là đắt: Expensive, dear, costly.

Như vậy chúng ta có thể thấy từ mắt, mắt mỏ, đồng nghĩa với từ đắt, đắt đỏ, là cách dùng chung cho cả hai miền Nam, Bắc. Tôi tiếp tục tra thêm một vài quyển từ điển tiếng Việt nữa, như quyển Từ điển Tiếng Việt của Trung Tâm Từ Điển Học, Hoàng Phê chủ biên, do Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản năm 1997 (bản in lần thứ 5, đợt 3), ghi nhận cả hai mục từ mắtmắc, đều có nghĩa là đắt. Trong quyển Chính tả tiếng Việt cũng do Hoàng Phê chủ biên cùng nơi xuất bản in năm 1999, cũng đều ghi nhận cả hai từ mắtmắc là đắt. Tuy nhiên đến quyển Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ, do Nhà xuất bản Từ điển Bách Khoa xuất bản năm 2007 thì không còn hai từ mắt mắc với ý nghĩa là đắt. Cho đến quyển từ điển Từ và Ngữ Nam Bộ của TS Huỳnh Công Tín, do Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia ấn hành năm 2009, là một quyển từ điển phương ngữ Nam Bộ, thì chỉ ghi nhận từ mắc (với chữ c phía sau) có nghĩa là đắt, giá cao hơn mức bình thường. Quyển Chính tả tiếng Việt do Ngô Thanh Loan-Nguyễn Tam Phù Sa biên soạn, Nhà xuất bản Lao Động in năm 2008 cũng thế, chỉ có từ mắcđắt, mắc viết với chữ c.

Qua tra cứu trên đây, tôi thấy viết đúng chính tả phải là mắt, mắt mỏ, chứ không phải là mắc, mắc mỏ. Nhưng hiện nay người ta chỉ còn viết mắc, mắc mỏ, đồng nghĩa với đắt, đắt đỏ, không thấy dùng từ mắt, mắt mỏ nữa. Và người miền Nam hay dùng từ mắc, mắc mỏ hơn người gốc miền Bắc. Điều này tôi nghĩ là do cách phát âm của người miền Nam, thường phát âm lẫn lộn chữ t và chữ c cuối của từ, và lâu ngày đã trở thành quen, sách vở bây giờ đã ghi nhận theo cách phát âm ấy. Người miền Nam phát âm như thế đã cả trăm năm nay, nhưng sách vở ngày xưa, hoặc gần đây, với người hiểu biết, cẩn trọng, vẫn ghi nhận đúng cách viết, còn sách vở bây giờ thì cứ theo cách phát âm mà "phang", cho nên tôi thấy sách mới bây giờ viết rất cẩu thả, hời hợt, xuất bản nhiều đầu sách, trong nhiều lãnh vực, đề tài, nhưng sai hoặc thiếu sót be bét. Cái ẩu, gian dối, làm lấy có, lấy được hiện diện khắp nơi, đường chưa đi đã hỏng, đập thủy điện chưa khánh thành đã vỡ, những cuộc thi ảnh, văn học thì lần nào cũng lùm xùm việc đạo ảnh, đạo văn, đạo thơ...

Đấy là nói về chữ mắc, thế còn chữ mỏ trong cụm từ mắc mỏ? Trong những quyển sách tôi nêu bên trên thì đại khái tất cả đều giảng nghĩa mỏ có mấy nghĩa như mỏ chim, mỏ ác, mỏ khoáng sản... Riêng quyển Từ điển Từ cổ của Vương Lộc giải nghĩa mỏ (động từ) là mắng mỏ với câu trích từ Phạm Công tân truyện "chớ thì tao hỏi những người mỏ bay". Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, có viết thêm mỏ là tiếng trợ từ, và trong quyển Từ điển Từ láy tiếng Việt do Hoàng Văn Hành chủ biên, của Viện Ngôn Ngữ Học, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 1998, thì ghi nhận mỏ là từ láy trong mắc mỏ. Như thế chữ mỏ trong mắt mỏ, mắc mỏ, chỉ là tiếng trợ từ, và là từ láy.


Tham khảo:

- Những sách đã dẫn.