Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

Ký ức Cao nguyên - Câu chuyện ăn uống...

Kỳ này tôi muốn nói về chuyện ăn uống của dân tộc Thiểu số vùng cao, dĩ nhiên là cách nay 40 năm, vào những năm tháng tôi có dịp sống với họ. Thực ra thì chuyện ăn uống của các dân tộc vùng cao hoàn toàn không có gì đặc biệt, thậm chí thời ấy họ sống khá sơ khai, rất đơn giản trong việc nấu nướng, có lẽ đấy lại là cái đặc biệt của họ.

Trong nhóm công tác của tôi chưa đến mười người, hết phân nửa là người Thiểu số, tôi còn nhớ những cái tên Y Huel, Ksor Bai, Siu Che, Y Nhút... Họ là những người thuộc tộc Bahnar, và Jrai, ở vùng Pleiku, Kontum... Nói họ là người Bahnar, hay Jrai cũng là nói chung, vì dân tộc họ còn chia ra làm nhiều nhánh nhỏ, sống rải rác, có khi người Bahnar ở làng này không hiểu được ngôn ngữ của người Bahnar ở làng khác... Ở trong quân đội, họ sống như người Kinh, ăn bằng gà mên, chén bát, dùng đũa, muỗng, uống nước bằng bi đông, ly cốc... Chứ cuộc sống trong những ngôi làng của họ ngày ấy thì khác hẳn. Cơm nấu trong nồi (gạo của họ rất dẻo, gần như gạo nếp, mới ăn thấy ngon nhưng ăn nhiều thì ngán), được họ đổ ra lá, mẹt tre, đặt dưới sàn nhà, rồi cứ thế mà bốc ăn, cùng với những món ăn họ chế biến. Uống thì cái bầu nước của họ, làm bằng trái bầu khô, là vật bất ly thân khi lên nương rẫy hay vào rừng, cứ thế mà tu.


                                              Thiếu nữ miền cao. Ảnh Internet.


Họ đốt rừng làm rẫy, nơi những sườn đồi và trồng lúa rẫy, khoai, sắn, cũng có một vài vùng có nước họ trồng lúa nước, nhưng rất ít... Thực phẩm của người dân tộc Thiểu số Tây nguyên, là tất cả những gì họ có thể kiếm được trên nương rẫy và trong rừng. Kinh nghiệm ngàn năm đã cho họ biết những gì ăn được để sống còn. Họ có nuôi trâu bò, nhưng không phải là sức kéo trong trồng cấy như ở miền xuôi, mà thuần túy chỉ dùng trong việc hiến tế, làm thực phẩm khi có dịp ăn uống. Việc trồng trọt của họ là xới đất bằng cuốc, tỉa hạt, gieo trồng rồi phó mặc cho trời đất,

Ngày trước họ sống cuộc sống du canh, du cư, chọn được một ngọn đồi, một góc rừng gần nguồn nước, thế là cất nhà đốt rừng làm rẫy, hai ba mùa đất đã bạc màu, lại kéo nhau sang ngọn đồi hay vạt rừng khác. Người mình cứ tưởng như thế là họ phá rừng, hại thiên nhiên, nhưng sự thực không phải, vài năm sau chốn cũ của họ lại phủ xanh cây cỏ, cuộc sống của họ cứ quay vòng như thế.

Người dân tộc Thiểu số không dùng liềm gặt lúa như người Việt, mà họ dùng tay không tuốt những hạt lúa khi lúa chín. Thật đáng nể, bởi họ thờ Thần lúa, không dám dùng vật sắc cắt ngang thân lúa, sợ phạm đến thần linh. Thời tôi ở họ đã theo đạo Tin Lành. Những người của đạo Tin Lành (được tài trợ bởi nước ngoài) thường đến những làng Thượng giảng đạo. Họ cho gạo muối, dầu ăn, sữa bột, quần áo, chăn màn... nên có những vùng người dân tộc Thiểu số theo đạo Tin Lành khá đông. Tuy nhiên trong buôn làng vẫn có thày mo cúng tế, chữa bệnh, phù phép... Và người Thiểu số còn thờ đủ thứ, Giàng (Trời), Thần lúa, Thần rừng, Thần suối, và sợ đủ thứ tà ma... Điều này có lẽ cũng giống như người miền xuôi.

Thóc lúa mang về được những thiếu nữ giã ngoài trời trong những cái cối làm bằng thân cây gỗ, và sàng trong những cái nong, nia bằng tre giống như người Việt. Gạo ăn đến đâu thì giã thóc đến đó, chẳng tích trữ gì nhiều... Vào ngôi nhà sàn của họ thì biết, người dân tộc Thiểu số không có khái niệm lo xa như người miền xuôi, ăn hôm nay lo ngày mai, họ ăn ngày nào biết ngày ấy, trồng trọt thu hoạch, hay bắt được con cheo con mễn, ăn hết mới đi làm tiếp, và có dịp là ca hát, rượu chè vui chơi... Kể cũng thiên đường.


                                               Giã và sàng gạo. Ảnh Internet.

Về món ăn thì người Thượng... dở tệ (không biết bây giờ họ có thay đổi gì không?). Sống gần họ mới thấy họ đơn giản, hồn nhiên cả trong việc ăn uống, ngày thường cũng như trong những lễ hội. Món chính họ thường ăn nhất là nướng, gì cũng nướng, con gì cũng nướng trên lửa, trên than. Entry trước bạn Marguerite nói chuyện họ ăn chuột cũng giống như ở miền Tây Nam bộ. Có lần đi về miền Tây tôi đã sợ hết vía với món chuột trong nhà hàng, nhưng chuột hay rắn, rùa, ba ba... ở miền Tây không thấm gì với những gì người Thượng xơi. Họ chẳng chế biến gì hết, chẳng khìa nước dừa, hay um xả, cuốn lá lốt... Kỳ đà, cắc ké, kỳ nhông, rắn, chuột, nhím, cheo... cho đến heo mọi, heo rừng, trâu bò tế lễ, sâu, bọ... Cái gì họ cũng cho lên than lửa nướng, có lẽ đây là món ăn sơ khai nhất của con người từ khi tìm ra lửa, họ nướng xong rồi lấy con dao, hay miếng tre, nứa mỏng sắc lẻm cạo đi lớp cháy bên ngoài rồi chấm với muối hột mà xơi. Họ thích ăn muối hột chứ không ăn muối bọt như người Việt. Có lần bây giờ tôi đi ăn ở tiệm, ăn món "chim cu đất nướng mọi", chim cu được nướng và chấm muối ớt (muối hột), có lẽ đây là món ăn bắt chước cách ăn của người Thiểu số Cao nguyên.

Tôi còn nhớ vào mùa xuân ở vùng cao nguyên, có những con sâu nho nhỏ nhả tơ treo lủng lẳng, ngay tầm mặt người, thế là phụ nữ đi bắt những con sâu xanh ấy, cả rổ, rồi đem về nướng sơ sơ mà ăn, cũng giống như ta ăn con nhộng, con đuông. Họ cũng có một điều đặc biệt nữa là ít thấy dùng nước rửa trước khi nấu nướng, nhất là khi nướng. Đến căn nhà sàn của họ chẳng thấy chum vại đựng nước ngoài hiên hay trong bếp, như nhà ở miền xuôi, họ ra suối lấy nước đựng vào những quả bầu rồi gùi về treo trên giàn bếp, cần thì lấy xuống đổ vào nồi mà nấu, và dĩ nhiên đấy là thứ nước suối thiên nhiên, chẳng cần phải nấu sôi để nguội trước khi uống...


                                                Uống rượu cần, Ảnh Internet.

Rượu cần là thứ uống của họ trong những dịp cúng tế, lễ lạt. Trai gái, già trẻ đều uống tất. Say quá thì lăn ra mà ngủ, dậy lại uống. Ghè rượu được đặt dưới đất ngoài trời, hay trên sàn nhà, cắm những ống bằng tre vào và cứ thế mà hút, như ta hút... sinh tố trong quán. Ghè rượu mang ra nước đầu tiên là ngon nhất, đậm đà nhất, thường được dành cho người già trong làng, hay khách. Uống vơi lại đổ thêm nước suối vào, cho đến khi nhạt thì thôi. Rượu cần thường được nấu bằng gạo hay khoai mì, cho thêm men, lá rừng gì đó, uống hơi ngọt nhưng say là quên trời đất. Một lần trong một làng Thượng, dịp cúng tế gì đó của họ tôi được mời ăn uống. Trong ngôi nhà sàn của họ bày những món ăn, ghè rượu ra giữa nhà, cũng tựa như người Việt nhà chật ăn uống khi có tiệc, có khách. Và trời đất ạ, phụ nữ trong nhà cần lấy gì, không đi phía sau lưng, mà cứ thế bước qua những mẹt đồ ăn để dưới sàn, trước mặt mọi người...

Entry trước ông bạn Toro có nói tôi viết về những thiếu nữ miền cao hồn nhiên, thì họ hồn nhiên như thế. Người miền cao theo chế độ mẫu hệ, con gái bắt chồng. Họ có một tục lệ khá lạ, trong nhóm của tôi có một ông người dân tộc, tôi còn nhớ ông Siu Che. Khoảng thời gian năm 73, 74 ông đã khá lớn tuổi, chừng ngoài 40, vợ ông mới chừng 17, 18. Thì ra đây là vợ thứ ba, cùng là chị em ruột, người này lỡ mất, thì chị em nếu chưa có gia đình phải thế vào. Lạ, đụng tới họ có mà phải ở luôn làng Thượng, còn tôi thì may quá, như các bạn đã biết, sau tháng 4 năm 1975 thì tôi đã dông tuốt về Sài Gòn...

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

Ký ức Cao nguyên.



                                                 Cồng chiêng Tây nguyên.  Ảnh Internet.

Sắp hết tháng ba, sang tháng tư, thời gian trôi qua vèo vèo, nhanh như tên bay, và cứ mỗi tháng tư về, những ký ức Cao nguyên lại trở về trong tôi...

Nửa thời gian đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, tôi đã có những năm tháng xa nhà sống tại Cao nguyên miền Trung. Khi ấy tôi chỉ mới ở vào tuổi hai mươi. Đấy là những năm tháng chiến tranh ác liệt, cả một thế hệ thanh niên Việt Nam bị cuốn vào cái guồng máy chiến tranh ghê hồn ấy. Tôi không muốn nói đến chuyện đúng sai, phải trái, thắng thua, hay những toan tính thiệt hơn của những "ông trùm" thế giới, ở tận mãi những đâu đâu... Tôi chợt nhớ đến một câu hát, trong một bài hát được gọi là "phản chiến", của một nhạc sĩ nổi danh ở miền Nam trước đây, mà chỉ vài ngày nữa là đến ngày giỗ của ông, câu hát "Người Việt nào da không vàng...", câu hát này tôi đã được nghe nhiều lần trong những quán cà phê trên Cao nguyên, trong những năm tháng xa nhà ấy...

Những thành phố Cao nguyên tôi đã sống, đã đi qua, Pleiku, Kontum, Buôn Mê Thuột, Quảng Đức, Cheo Reo..., mà khi ấy còn gọi là Thị xã, hay Thị trấn, ở vào những năm tháng xa xôi, đúng nghĩa là những phố núi, đường phố nhỏ, quanh co những bờ dốc, dã quỳ, sao nhái, cúc trắng... trong sân nhà, cùng nhiều loại hoa dại khác mọc ngoài đường. Có khi rừng còn vào tận Thị xã, Trị trấn... Trời đất quanh năm mây mù, như một câu thơ đã được một nhạc sĩ phổ thơ lừng danh phổ thành bài hát, nổi tiếng một thời (ông mới mất trong năm), phổ biến trong những băng nhạc cassette, hay những băng tape thường được nghe trong những quán cà phê phố núi, "phố núi cây xanh trời thấp thật gần... phố xá không xa nên phố tình thân, đi dăm phút đã về chốn cũ, một buổi chiều nao lòng bỗng bâng khuâng...".

Những phố núi ngày ấy loanh quanh "đi dăm phút đã về chốn cũ", chứ không nhiều, như những đường xá ở Saigon bấy giờ. Vào năm 2003, tôi có dịp đi một vòng cùng mấy người bạn qua những nơi chốn xưa. Những nơi xưa ấy đã được "lên đời" là thành phố, hoặc đang được xét thành phố. Đường xá thênh thang ô cờ, đèn xanh đèn đỏ nhấp nháy, những nhà ống nhà tầng y như ở đồng bằng, chẳng còn thấy rừng ở đâu, phía xa xa, chỉ còn thấy những ngọn đồi trọc... Rừng đâu mất, sương mù cũng chẳng còn là mấy... Bây giờ thêm mười năm nữa, không biết những phố núi xưa ấy, đã thay đổi ra sao?

Tôi cũng có được cái may mắn hơn nhiều bạn bè lúc ấy, nhiều đứa đã ra đi không trở lại. Đơn vị của tôi không phải là đơn vị trực tiếp tác chiến, mà là một đơn vị nhỏ, công tác chuyên môn, biệt phái cho những đơn vị lớn, và với những đặc điểm của công việc có lúc tôi phải ở trong một làng Thượng Cao nguyên cả tháng dài, tiếp xúc với họ, ăn, ngủ cùng họ (ngày ấy người miền xuôi gọi người Thiểu số Cao nguyên là Thượng, Thượng có nghĩa là cao, người ở vùng cao, chẳng có ý gì). Những con người của núi rừng, của vùng Cao nguyên ấy thật chất phác, cuộc sống của họ vào thập niên 70 ấy còn rất sơ khai, nhất là khi họ ở trong buôn làng ở giữa rừng... Những con người ấy thật đặc biệt, họ sợ, nghi ngờ một người cùng bản làng là ma lai, phù thủy, có thể họ sẽ giết người đó, nhưng không bao giờ biết mưu toan đi lừa người khác. Sau này tiếp xúc nhiều với người miền xuôi, không biết họ có đổi khác không?

Tôi vẫn nhớ những chuyện về cái thật thà chất phác của những con người núi rừng ấy. Nhóm công tác của tôi có lần ở trong một làng Thượng cách Thị xã Kontum vài chục cây số, tụi tôi có một chiếc xe Dodge, là một loại xe quân sự cỡ trung của Mỹ (nhỏ hơn xe "cam nhông", nhưng lớn hơn xe Jeep) là phương tiện di chuyển. Một buổi sáng có một thanh niên người Thượng đến, tay cầm một bình thủy tinh 1 lít, loại bình nước biển truyền dịch trong chiến tranh ngày xưa, và một rổ mấy chục hột gà, anh chàng muốn đổi rổ hột gà lấy một lít xăng để xài cho cái hộp quẹt zippo của Mỹ. Tụi tôi đổ cho anh ta đầy cái bình thủy tinh 1 lít xăng, và chỉ lấy mấy cái hột gà, vì một rổ mấy chục quả trứng gà là quá nhiều, chẳng biết để làm gì. Nhưng anh chàng này nhất định không chịu, bắt phải nhận đủ rổ hột gà anh ta mới chịu cầm lấy lít xăng...

Lần khác là ở trong một làng Thượng Pleiku, buổi chiều những người Thượng về bản từ nương rẫy, có một bà người Thượng gùi một gùi khoai lang mới đào sau lưng. Trên vùng cao nguyên ngày ấy có một giống khoai lang vàng của người Thượng luộc ăn rất ngọt, hỏi mua bà ấy bảo năm ba đồng, hay năm ba ngàn gì đó (tiền miền Nam thời bấy giờ tôi không còn nhớ rõ đơn vị tính và giá trị), nhưng đại khái là rất rẻ. Tụi tôi lấy mấy củ, không ngờ bà ấy đổ hết cả gùi khoai ra và nói mấy đồng (mấy ngàn) là hết cả gùi khoai chứ không phải mấy củ, và nhất định xách cái gùi không đi về, thật lạ lùng...

Ở trong những làng Thượng ngày ấy, có lẽ phải nhắc đến nếp nhà sàn của họ. Người Thượng vùng Pleiku, Kontum, Buôn Mê Thuột sống trong những căn nhà sàn làm bằng gỗ, lợp rơm rạ. Căn nhà dùng để ở, họ cũng làm những căn nhà sàn khác nhỏ hơn gần bên nhà ở làm nhà kho để thóc lúa, khoai... Không biết bây giờ căn nhà của họ ra sao, chứ ngày trước thì trống huếch trống hoác, chẳng có đồ đạc bàn ghế, giường tủ gì, ngoài một cái bếp lửa ở một góc, lúc nào cũng âm ỉ đỏ than. Đấy là nơi sống chủ yếu của người trong nếp nhà sàn. Nơi họ nấu nướng, ăn uống, sưởi ấm. Căn nhà sàn của họ không có nhiều cửa sổ, nên bước vào luôn mờ tối, và ám mùi khói, lẫn cái mùi đặc trưng của núi rừng, của gia súc sống dưới gầm nhà....

                                                Một nếp nhà sàn. Ảnh Internet.

Căn nhà chỉ là nơi họ về vào buổi chiều tà, để ăn bữa tối và ngủ, còn ban ngày  họ đi rẫy, hoặc trai tráng thì vào rừng. Buôn làng của họ ngày xưa ban ngày vắng hoe, chỉ còn vài người già ngồi nơi ngưỡng cửa phơi nắng, cùng mấy con gà, heo "mọi" ủn ỉn ngoài sân. Trẻ con cũng được họ mang đi theo, còn quá nhỏ thì bà mẹ "địu" trước ngực, hơi lớn một chút cũng như cha mẹ, gì tụi nhóc cũng làm được, mò cua bắt ốc dưới suối, hay theo cha anh vào rừng gài bẫy thú rừng...

Ở vùng Buôn Mê Thuột, nơi đa số người Thượng thuộc tộc người Êđê, họ còn một loại nhà gọi là nhà dài, một ngôi nhà kiểu nhà sàn nhưng rất dài, đấy là một loại nhà chung, trong ngôi nhà ấy có khi đến dăm bảy gia đình chia nhau sinh sống, ngôi nhà dài ấy có khi dài đến mấy chục thước, trông như một dãy toa xe lửa...

                                            Ngôi nhà dài của người Thượng. Ảnh Internet.

Nơi những ngôi nhà sàn của người Thượng, cầu thang họ đẽo bằng một khúc cây như hình trên, và thường phía trên cầu thang họ trang trí bằng hai bầu tròn, tượng trưng cho bầu sữa mẹ, dấu ấn của chế độ mẫu hệ nơi những tộc người Cao nguyên.

Nói về nhà của họ, có lẽ không thể không nhắc đến nhà rông, là loại nhà tôi thường thấy nơi những buôn làng, ở vùng Pleiku, Kontum, của tộc người Bahnar, Jrai. Nhà rông là một ngôi nhà chung của họ, vị trí thường ở giữa làng, ngôi nhà rông được xây dựng to đẹp nhất làng, nơi họ tổ chức những lễ hội, sân phía trước nhà rông là nơi họ làm lễ đâm trâu, cúng Giàng, họ cũng tổ chức ăn uống, nhảy múa, đánh cồng chiêng ở đấy..., là nơi hội họp của làng mỗi khi có việc... Có lẽ nhà rông của người Thượng cũng giống như cái đình  làng của người Kinh ở miền xuôi...

                                             Một ngôi nhà rông và lễ đâm trâu. Ảnh Internet.

Có những buôn làng khá giả họ có đến hai ngôi nhà rông, nhà rông trống và nhà rông mái, theo tập tục thì ban đêm nam thanh niên trong làng đến ngủ ở nhà rông trống, thiếu nữ thì ngủ ở nhà rông mái... Sống giữa thiên nhiên, phải đương đầu với biết bao nhiêu khó khăn, thú dữ nguy hiểm, cho nên tính cộng đồng của người Thượng rất cao, hơn hẳn người miền xuôi...




Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Kiến trúc (2)

Nhân mùa Phục sinh, tôi muốn nói tiếp về một vài kiến trúc nhà thờ TCG hay hay nữa, nhưng không phải ở Saigon, mà là ở Đà Lạt. Đà Lạt, chắc ai trong chúng ta cũng đã biết, một thành phố du lịch nổi tiếng ở miền Nam, thành phố mang phong cách Châu Âu, vì do người Pháp xây dựng, có lẽ có bạn đã đến rất nhiều lần... 

Và cũng chắc chắn ai trong chúng ta mỗi lần đến Đà Lạt, nhất là đi theo tour du lịch, thể nào cũng được tour đưa đến tham quan nhà thờ Domaine de Marie (du khách hay gọi là Saint Domaine), còn gọi là nhà thờ Mai Anh, hoặc du khách cũng hay ghé thăm nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt, còn gọi là nhà thờ Con Gà, vì trên nóc của nhà thờ có tượng một con gà, tượng con gà này bằng hợp kim rỗng, nhẹ, xoay trên một bạc đạn, để chỉ hướng gió... 



                                              Nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt. Ảnh Internet.

                                            Tượng con gà trên nóc nhà thờ. Ảnh Internet.

Nếu nhà thờ Con Gà được xây dựng theo phong cách Roman cổ điển uy nghiêm, thì nhà thờ Saint Domaine được xây dựng cách tân hơn, giữa phong cách cổ điển Tây phương, và kiến trúc dân gian của người Thiểu số Tây nguyên. Chúng ta dễ dàng nhận ra mái ngói của nhà thờ Saint Domaine có độ dốc lớn, tựa như mái nhà rông của người Thiểu số, trên mái có những cửa sổ thông gió thường thấy nơi những ngôi biệt thự kiến trúc kiểu Pháp.

Nhà thờ Saint Domaine được xây dựng giữa quần thể tu viện nữ tu Bác Ái Thánh Vinh Sơn, gồm vườn hoa lúc nào cũng nở đầy các loại hoa, hồng, cúc... và những dãy nhà kiến trúc cổ điển kiểu Pháp của dòng tu, thật đẹp và hài hòa...


                                              Nhà thờ Domaine de Marie. Ảnh Internet.

                             Kiến trúc khuôn viên nhà thờ gồm vườn hoa và dòng tu. Ảnh Internet.




Tuy nhiên ít khách du lịch biết hai ngôi nhà thờ khác ở Đà Lạt, có một kiến trúc khá đặc biệt, một ngôi nhà thờ mang nhiều đường nét kiến trúc nhà rông của người Thiểu số Tây nguyên. Ngôi nhà thờ còn lại mang những đường nét riêng của kiến trúc bản địa Việt Nam. Có lẽ khách du lịch ít biết, vì gần như chẳng thấy tour du lịch nào đưa du khách đến thăm, và ngay cả ngành du lịch Đà Lạt cũng có ít thông tin, quảng bá về hai ngôi nhà thờ này. Đó là hai ngôi nhà thờ:

- Nhà thờ Cam Ly: còn gọi là Nhà thờ Sơn Cước, được xây dựng vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, chủ yếu để phục vụ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Đà Lạt. Nhà thờ Cam Ly có tên gọi như thế vì ở gần bên thác Cam Ly (số 1 đường Nguyễn Khuyến, phường 5, TP Đà Lạt). Nhà thờ có kiến trúc mái lợp ngói trông như mái của một ngôi nhà rông Tây nguyên, hình dáng mái trông như một lưỡi rìu khổng lồ. Còn phần mái nhà chính diện đầu hồi, trông như một đầu mũi tên bay vút lên bầu trời. Toàn bộ nhà thờ được làm bằng bê tông cốt thép không tô trát, tường xây bằng đá dày 40cm, phía trên lắp kính màu chúng ta thường thấy nơi những nhà thờ kiến trúc cổ điển Châu Âu ở Việt Nam.

                                    Chính diện của nhà thờ Cam Ly. Ảnh Internet.

                                                    Bên trong nhà thờ. Ảnh Internet.

                                              Toàn cảnh mặt trước nhà thờ. Ảnh Internet.

                                                Mặt sau của nhà thờ. Ảnh Internet.

                                                Tượng Chúa và bàn thờ. Ảnh Internet.


Khoảng gần 10 năm về trước, khi tôi được một người bạn ở Đà Lạt dẫn ghé thăm nhà thờ Cam Ly thì nhà thờ đã xuống cấp, trông khá hoang tàn, nhà thờ do những vị nữ tu coi sóc, chung quanh nhà thờ là các cơ quan nhà nước, hình như có cả bãi dạy hay thi lái xe gì đó của ngành giao thông. Tiếc cho một ngôi nhà thờ có kiến trúc rất độc đáo ở một Thành phố du lịch như Đà Lạt, mà du khách ít được biết...

- Nhà thờ Du Sinh: ngôi nhà thờ thứ nhì có kiến trúc độc đáo mà tôi muốn nhắc đến ở Đà Lạt đó là nhà thờ Du Sinh. Nhà thờ Du Sinh được xây dựng vào khoảng năm 1956-1957, trên một ngọn đồi,  bởi những giáo dân di cư từ miền Bắc vào Saigon năm 1954, và được chuyển tiếp lên Đà Lat (chữ Du Sinh là để chỉ cuộc hành trình khá gian khổ của họ, đi tìm vùng đất mới sinh sống). Địa chỉ hiện nay ở số 12B đường Huyền Trân Công Chúa TP Đà Lạt.  Linh mục lập ra nhà thờ là Cha Thiên Phong Bửu Dưỡng.

Nhà thờ Du Sinh được xây dựng với kiến trúc Á Đông, những hàng cột mô phỏng theo hình dáng của thân cây tre (giáo dân muốn dùng hình tượng thân tre để nhớ đến hình ảnh lũy tre làng ở quê hương miền Bắc xưa?). Mấy năm trước đến Đà Lạt ghé thăm lại nhà thờ Du Sinh, tôi thấy nhà thờ đã được cải tạo trên hình ảnh của ngôi nhà thờ cũ, to hơn, nhưng vẫn mang dáng vẻ của kiến trúc Á Đông.

                                             Nhà thờ Du Sinh cũ. Ảnh Internet.



                                            Nhà thờ Du Sinh đã được cải tạo. Ảnh PNH.

                      Hai bên bậc thang dưới cổng đi lên nhà thờ có đôi rồng chầu. Ảnh Internet.


Hai ngôi nhà thờ có kiến trúc khá đặc biệt ở TP Đà Lạt, là những địa điểm du lịch các bạn nên thử một lần ghé qua, có lẽ sẽ mang đến cho các bạn nhiều điều thú vị...


Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Kiến trúc.

Nói về kiến trúc thì mênh mông, vô cùng, cũng như những ngành nghệ thuật khác, kiến trúc Âu, Á, Tây, Tàu,  Ta, Nhật, Mỹ... xưa, nay. Như người ta thường nói, Đông - Tây - Kim - Cổ... Nhân một hai entry trước tôi đã đưa lên và nói về mấy ngôi nhà thờ xưa, được xây theo lối kiến trúc Châu Âu ở Saigon. Có những ngôi nhà thờ được xây theo kiến trúc Gothique, một phong cách kiến trúc Trung cổ Châu Âu, với những vòm mái cuốn nhọn cao vút. Những ngôi nhà thờ khác được xây theo kiểu kiến trúc Roman với những kết cấu bằng đá, hoặc kết hợp cả hai phong cách kiến trúc cổ điển này. Những ngôi nhà thờ này đã tồn tại cả trăm năm nay, và khi ngắm nhìn chúng ta thấy vẫn rất đẹp và rất duyên dáng.

Bây giờ, ở Saigon ít năm trở lại đây, riêng trong lĩnh vực kiến trúc tôn giáo, nhiều ngôi nhà thờ đã được xây dựng mới, với những vật liệu, kiến trúc hiện đại, hoành tráng... Nhưng cũng như trong lĩnh vực nghệ thuật khác, chẳng hạn âm nhạc, chúng ta đã thấy những bài hát bây giờ cứ na ná như nhau, nhàn nhạt, có nghe cả trăm lần cũng cứ như nước đổ đầu vịt, nước đổ lá môn, nó cứ trôi tuột đi chẳng để lại chút gì trong trí nhớ... Hình như những ngôn từ, những nốt nhạc đã được sắp xếp, để làm sao có được một thứ gọi là bài hát, chẳng còn thấy hồn vía âm nhạc nơi đâu. Hiếm thấy một bài hát có hồn, như cái thời âm nhạc của Đoàn Chuẩn, Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn...

Cũng có một vài ngôi nhà thờ ở Saigon được xây dựng gần đây, trông cũng hay hay, lạ mắt, hoặc có vẻ kỳ dị thế nào... Chẳng hạn những ngôi nhà thờ tôi post lên dưới đây:

- Nhà thờ Tân Hòa:


                                                  Nhà thờ Tân Hòa. Ảnh Internet.

Thuộc Giáo hạt Phú Nhuận-Saigon, tọa lạc ở quận Phú Nhuận, ngôi nhà thờ nằm trong một con hẻm gần bên dòng kênh Nhiêu Lộc, được xây dựng từ năm 1960 với kiến trúc mái ngói Á Đông, điểm nhấn là những đầu đao uốn cong trên mái, trông như một ngôi đền Việt Nam, với lối vào tam quan, trên tam quan và mái là những chữ Nho. Chúng ta thường quen thuộc với những nhà thờ kiến trúc Châu Âu (bởi Thiên Chúa giáo đã được truyền sang từ phương Tây), chắc hẳn sẽ ngạc nhiên và thích thú với kiến trúc Á Đông của ngôi nhà thờ này. Bổn mạng nhà thờ: Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ Maria. Nhà thờ được xây trong khu vực đa số là giáo dân di cư năm 1954.

- Nhà thờ Mai Khôi:

                                                      Nhà thờ Mai Khôi. Ảnh Internet.

Thuộc Giáo hạt Tân Định-Saigon. Tọa lạc nơi quận 3 (cuối đường Tú Xương). Trước năm 75, nguyên là một nhà nguyện nhỏ của dòng Đa Minh Lyon, dành cho giới trẻ Sinh viên, học sinh công giáo sinh hoạt. Sau năm 75 nhà nguyện được cải tạo lại, thành Giáo xứ. Bổn mạng của nhà thờ: Đức Mẹ Mai Khôi.

Nhà thờ có mặt tiền được xây dựng thành hình ảnh của một cây thông Noel, trông khá độc đáo.

- Nhà thờ Phú Trung:


                                             Mặt tiền nhà thờ Phú Trung. Ảnh Internet.

                             Mặt bên hông nhà thờ, với mái hình cuốn sách rộng mở. Ảnh Internet.

Nhà thờ Phú Trung thuộc Giáo hạt Tân Sơn Nhì, Saigon, thuộc quận Tân Bình. Bổn mạng: Thánh Phanxicô Xaviê. Được xây dựng vào năm 1974. Ngôi nhà thờ này cũng còn một tên gọi khác là Nhà thờ Hầm. Thật ra bây giờ không còn mấy người biết về tên gọi Nhà thờ Hầm. Đấy là một ngôi nhà thờ được lập khoảng sau năm 1954 bởi những Giáo dân di cư từ miền Bắc vào, vị trí của Nhà thờ Hầm ở sát kế bên nhà thờ Phú Trung, nguyên là một kho đạn xây bằng đá cũ của người Pháp bị bỏ hoang. Những Giáo dân từ miền Bắc vào đã tận dụng kho đạn cũ bị bỏ hoang lập thành giáo đường, đến năm 1974 nhà thờ Phú Trung được xây mới cạnh đó, ngôi nhà thờ Hầm bị bỏ phế. Hiện nay vẫn còn dấu tích bằng đá của nhà thờ hầm cũ, đã được cải tạo thành công viên.

Nhà thờ Phú Trung xây theo một ý tưởng cũng khá độc đáo, tháp chuông phía trước nhà thờ trông như cây viết, còn mái của nhà nhìn từ bên hông trông như quyển sách rộng mở (có lẽ tượng trưng cho quyển Kinh thánh chăng?).

- Nhà thờ Đa Minh:


                                                Nhà thờ Đa Minh-Ba Chuông. Ảnh Internet.

Còn gọi là nhà thờ Ba Chuông, Giáo hạt Phú Nhuận-Saigon, nằm ở quận Phú Nhuận, nhà thờ mới được xây dựng lại vài năm trở lại đây, với những đầu đao trên mái khá kỳ dị. Đầu đao trong những kiến trúc cổ điển Á Đông chỉ là một điểm nhấn của mái ngói, thì ở ngôi nhà thờ này đầu đao trở thành điểm chính của mái bê tông, trông như những cánh tay vươn lên trời... đầu hàng hay cầu cứu...



Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

Phục sinh (2).

Ngày mai là lễ Lá của người Thiên Chúa giáo, một tuần trước lễ Phục Sinh, trước khi Chúa Jesus bị nộp mình, chịu chết và sống lại. Trong Kinh thánh (Matthew 21: 1-11) viết về việc Chúa Jesus cỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem, việc cây vả bị Chúa chúc dữ đến chết khô, việc Ngài vào đền thờ đuổi hết những người buôn bán ra ngoài. Trước khi Ngài chết và phục sinh. Đây cũng là dịp Ngài gặp những thầy Biệt phái, khi họ đưa cho Ngài một đồng bạc La Mã có hình Hoàng đế Ceasar. Ngài hỏi: Hình và ai đây? Họ đáp: Hoàng đế La Mã. Ngài nói với họ: Hãy trả lại Hoàng đế những gì của Hoàng đế. Hãy trả lại Thượng đế những gì của Thượng đế. Bây giờ vẫn còn truyền lại câu nói đó: "Những gì của Ceasar hãy trả lại cho Ceasar, những gì của Thiên chúa hãy trả lại cho Thiên chúa".

Đấy là chuyện trong Kinh thánh về dịp lễ Phục Sinh của ngườiThiên Chúa giáo. Tôi muốn được giới thiệu tiếp những ngôi nhà thờ có kiến trúc Châu Âu, được xây dựng cả trăm năm nay, những kiến trúc một thời, rất đẹp ở Saigon...

- Nhà thờ Cha Tam:

                                        Nhà thờ Cha Tam ngày nay. Ảnh Internet.

                                          Nhà thờ Cha Tam xưa. Ảnh Internet.


Là ngôi nhà thờ ở khu vực trung tâm quận 5, TP HCM, thuộc giáo hạt Chợ Quán, gần chợ Bình Tây (ngôi chợ xưa ở Chợ Lớn do nhà tư sản người Hoa Quách Đàm xây dựng), và cũng gần những ngôi chùa Ông, chùa Bà của người Hoa. Bổn mạng của nhà thờ là Thánh Phanxicô Xaviê. Thế kỷ thứ 19 khu vực Chợ Lớn đã có nhiều người Hoa theo đạo Thiên Chúa sinh sống, thoạt tiên những người Hoa này thường đến dự lễ tại nhà thờ Chợ Quán ở cách đó khá xa, cách mấy cây số. Ở vào thế kỷ 19 thì phải cuốc bộ đi mấy cây số đến nhà thờ có lẽ mất nhiều thời giờ, nên số giáo dân giảm đi nhanh chóng. Giám mục Dépierre cử linh mục Pierre d'Assou (lấy tên tiếng Hoa là Đàm A Tố), mà giáo dân gọi bằng tên Việt là Cha Tam, đứng ra mua một khu đất rộng ba hecta ngay tại khu vực trung tâm Chợ Lớn, và xây một  ngôi nhà thờ theo kiến trúc Châu Âu. Nhà thờ được khánh thành ngày 3-12-1900, giáo dân quen gọi là nhà thờ Cha Tam.

Ngôi nhà thờ này có một sự kiện đặc biệt, gắn liền với một khoảnh khắc lịch sử của chính quyền Ngô Đình Diệm và miền Nam Việt Nam vào đầu thập niên 60. Vào rạng sáng ngày 2-11-1963, sau một cuộc đảo chính vào ngày 1-11-1963, anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm-Ngô Đình Nhu đã đến nhà thờ cầu nguyện, sau đó bị những người lật đổ chính quyền bắt, và anh em ông Diệm đã bị những người này hạ sát. Khoảng năm bảy năm trước ghé thăm nhà thờ, tôi còn thấy một tờ giấy nhỏ bọc plastic gắn ở hàng ghế cuối nhà thờ  bằng tiếng Pháp. Đại khái viết, nơi đây Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu đã đến cầu nguyện, sau đó đã bị bắt và giết chết trong một xe thiết giáp trên đường phố...

- Nhà thờ Ngã Sáu:



                                            Nhà thờ Ngã Sáu - Chợ Lớn. Ảnh Internet.

Nằm trong khu vực quận 5, thuộc giáo hạt Chợ Quán. Bổn mạng Thánh Jeanne d'Arc, một vị nữ thánh của người Pháp, đã bị chính Giáo hội kết tội và hỏa thiêu  năm 1431. Sau khi nhà thờ Cha Tam được xây dựng vào năm 1900, có lẽ nhận thấy giữa nhà thờ Chợ Quán và nhà thờ Cha Tam vẫn còn khoảng cách khá xa, cho nên đến năm 1922 nhà thờ Ngã Sáu được xây dựng theo kiến trúc Gothique, trên đất một nghĩa trang của người Hoa, mà người Pháp gọi là Plaine des tombeaux, khu đất nằm giữa ba con đường chạy xéo nhau nên được gọi là Nhà thờ Tây Ngã Sáu. Vị trí của nhà thờ ở khoảng giữa nhà thờ Chợ Quán và Nhà thờ Cha Tam. Đến  năm 1928 hoàn thành, sau này giáo dân quen gọi là Nhà thờ Ngã Sáu.

Những ngôi nhà thờ xưa kiến trúc kiểu Châu Âu bên trên, và trong entry Phục Sinh trước đều là những nhà thờ thuộc khu vực trung tâm Saigon-ChoLon. Xa hơn thuộc khu vực khi xưa là ngoại thành mà dân Saigon quen gọi là ngoại ô, cũng có những ngôi nhà thờ kiến trúc Châu Âu khác rất đẹp, tiêu biểu là những nhà thờ:

- Nhà thờ Hạnh Thông Tây:



                                            Nhà thờ Hạnh Thông Tây-Gò Vấp. Ảnh Internet.

Thuộc giáo phận Gò Vấp, quận Gò Vấp. Bổn mạng Thánh Giu Se. Đất do điền chủ Tổng Chua dâng cúng. Nhà thờ do điền chủ Denis Lê Phát An (ông ngoại của Nam Phương hoàng hậu Thérèze Nguyễn Hữu Thị Lan) bỏ tiền xây dựng. Kiến trúc cổ điển Châu Âu. Tượng, tranh ảnh, đều đặt mua từ Pháp.

Nhà thờ hiện nay được gọi tên là Hạnh Thông Tây, cùng với tên khu vực. Tuy nhiên đây là cách gọi không đúng, trong sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức có viết đây là thôn Hanh Thông Tây (Hanh chứ không phải Hạnh), là một trong 76 xã, thôn của Tổng Bình Trị thuộc Trấn Phiên An. Hanh Thông là lấy từ chữ trong Kinh Dịch "Hanh Thông Lợi Trinh", tạm dịch là "Thông suốt tốt đẹp".

- Nhà thờ Thủ Đức:



                                                          Nhà thờ Thủ Đức. Ảnh Internet.

Thuộc giáo hạt Thủ Đức, nhà thờ nằm gần chợ Thủ Đức. Bổn mạng Đức Mẹ Vô Nhiễm. Được xây dựng năm 1879 theo kiến trúc Châu Âu.

- Tòa Tổng Giám Mục Saigon:

                                        Toà Tổng Giám Mục Saigon ngày nay. Ảnh Internet.

                                         Nhà nguyện xưa trong khuôn viên Tòa Tổng Giám Mục.

                                                             Bên trong nhà nguyện.

                                               Tòa Tổng Giám Mục ngày xưa. Ảnh Internet.


                                                     
Nhắc dến nhà thờ Công giáo xưa tại Saigon, có lẽ không thể không nhắc đến Tòa Tổng Giám Mục. Tọa lạc tại quận 3. Là phần còn lại của Giáo phận Công giáo sau khi đã cắt bớt để lập những Giáo phận mới. Giáo phận Nam Vang (1850), Giáo phận Vĩnh Long (1938). Giáo phận Đà Lạt, Mỹ Tho (1960), Giáo phận Phú Cường (Bình Dương) Xuân Lộc (Long Khánh) (1965). Giáo phận Phan Thiết (1975). Từ năm 1844 đến năm 1955 đã qua 8 đời Giám Mục người Pháp. Vị Giám mục người Pháp đầu tiên cai quản Giáo phận tây Đàng Trong (trong đó có Saigon) từ năm 1844 là Giám mục J. Lefebre Ngãi.

Có một chi tiết về ngôi nhà nguyện nhỏ với kiến trúc Việt Nam, mái lợp ngói, cột gỗ xây theo kiểu nhà rường như các bạn đã thấy trên hình phía trên. Có nhiều sách vở cho rằng đây là ngôi nhà của Nguyễn Ánh xây cho Giám mục Bá Đa Lộc, còn gọi là Cha Cả, để ở và dạy Hoàng tử Cảnh học. Vị trí ở ngay ngôi nhà Bảo tàng nằm trong Thảo Cấm Viên Saigon. Ngôi nhà này gọi là Dinh Tân Xá, sau này được dời về trong khuôn viên Tòa Tổng Giám mục. Tương truyền rằng đám tang của Bá Đa Lộc ở Saigon bắt đầu từ ngôi nhà khi còn nằm trong Thảo Cầm Viên.

Trong Saigon Năm Xưa thoạt tiên học giả Vương Hồng Sển cũng viết như vậy, nhưng sau đó ông chú thích  như sau: "Tôi vừa điều tra lại, rõ ra tòa nhà gỗ năm căn cất trong vòng rào nhà Linh mục đường Phan Đình Phùng, như hiện nay ta thấy tu chỉnh làm tiểu giáo đường, vốn là nhà xưa của đức cha Lefebre, chứ không phải của đức cha Bá Đa Lộc. Nhà cũ Lefebre nầy, như vậy thuộc đời Tự Đức (1847-1883). Học giả Vương Hồng Sển viết như thế, nhưng cũng không cho biết thêm điều này ông lấy từ nguồn tư liệu nào. Như chúng ta đã biết Giám mục Lefebre là vị Giám mục Pháp đầu tiên cai quản Giáo phận tây Đàng Trong từ năm 1844. Có lẽ cũng có một cơ sở nào đó để học giả Vương Hồng Sển kết luận như thế.

Những thông tin về những ngôi nhà thờ xưa kiến trúc Châu Âu ở Saigon hy vọng sẽ giúp ích ít nhiều cho các bạn phương xa, một khi các bạn có dịp ghé Saigon...

PNH.



Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

Những cái tên (4).

                                                         Chợ nổi miền Tây. Ảnh Internet.


                                                        Sông nước Nam bộ. Ảnh Internet.



Bạn Marguerite, quê ở miền Tây Nam bộ tiếp tục "khảo" về những tên gọi, những địa danh của miền Tây, lần này là những địa danh có chữ "Cái". Phải nói ngay đã từ lâu tôi cũng rất chú ý đến điều này, có rất nhiều nơi ở miền đồng bằng sông Cửu Long có tên gọi bắt nguồn từ chữ Cái, để chỉ một vùng đất, chợ, sông, kênh rạch...  Chẳng hạn Cái Bát,  Cái Cạy (sông), Cái Bè (tên đất, chợ, sông), Cái Lớn, Cái Bé (sông), Cái Bèo (chợ trên kênh), Cái Cót (sông), Cái Khế (tên chợ), Cái Mơn (tên đất), Cái Răng (tên đất, chợ, sông, kênh đào), Cái Sắn (tên đất), Cái Vồn (rạch), Cái Tàu (sông)..., và còn rất nhiều nữa, theo thống kê có cả trên một trăm sáu mươi (160) địa danh bắt đầu bằng chữ Cái như thế..., và theo như sách Địa Danh Học Việt Nam của PGS.TS. Lê Trung Hoa, một số lớn (khoảng 150) là để chỉ sông, nhánh sông, kênh, rạch...

Miền Tây Nam bộ là một vùng sông nước mênh mông, trên sông, rạch có rất nhiều tôm cá, rau, củ sinh sống, sinh sôi... nói chung là các loại thực phẩm nuôi sống con người, cho nên những cư dân Việt xưa kia đến vùng đất này  đầu tiên là gắn bó với sông nước. Những tên gọi có lẽ được đặt cho sông, rạch trước, sau đó mới hình thành khu dân cư, tên sông, rạch, chuyển thành tên đất, tên chợ...

Trước hết thử tìm hiểu nghĩa của từ "Cái". Theo học giả An Chi viết trong Chuyện Đông Chuyện Tây, trong tiếng Việt chữ cái có sáu nghĩa, tôi chỉ viết lại ý chính:

1/ Cái là danh từ chỉ cá thể như trong: cái gì? cái bàn, cái ghế... là một từ Việt gốc Hán mà bây giờ đọc là .
2/ Cái, danh từ, còn tồn tại trong từ tổ cái ghẻ, nghĩa là con ghẻ, một loài động vật chân đốt, rất nhỏ, sống ký sinh trên da... là một từ gốc Hán Việt âm thông dụng hiện đại là giới (Bộ Nạch), nhưng âm chính thống vẫn là cái.
3/ Cái, danh từ, là phần "đặc" trong món ăn có nước, "khôn ăn cái, dại ăn nước", là từ Hán Việt âm thông dụng cũng là giới (Bộ Nhân).
4/ Cái, danh từ cổ, có nghĩa là mẹ, "con dại cái mang".
5/ Cái, tính từ, đồng nghĩa với từ "mái" (gà mái), trái nghĩa với "đực", trong "đực - cái".
6/ Cái, tính từ, có nghĩa là to, lớn, chính, sông cái (sông con), cột cái... Là từ Hán Việt, cũng được ghi bằng chữ giới (Bộ Nhân) như ở mục 3.

Trong sáu nghĩa thông dụng bên trên  trong tiếng Việt, thì may ra từ Cái được dùng trong những địa danh (nhất là tên sông, rạch) ở miền Tây Nam bộ là ở nghĩa thứ 6, có ý nghĩa là to, lớn, chính. Sông Cái có thể là sông lớn, sông chính, nhưng tại sao lại có những tên chỉ sông như Cái Lớn, Cái Bé (Cái Lớn tạm chấp nhận, nhưng còn Cái Bé?, đã lớn lại còn bé?). Thật là rối... Tôi thử lục lọi trong vài quyển sách có trong tay, may ra thấy chút manh mối nào chăng?

Trong những sách xưa về Địa chí như Gia Định Thành Thông Chí, Đại Nam Nhất Thống Chí, chỉ thấy vài chi tiết có liên quan, chẳng hạn (sông) Cái Lớn là Đại Giang, Cái Bé là Tiểu Giang (2 con sông này ở Kiên Giang), Cái Thia (cửa sông, vàm) là Thi Giang, (sông) Cái Mít là Ba La Giang. Như vậy, chữ "Cái" ở đây có nghĩa tương đương như chữ "Giang", nghĩa là "Sông". Sách xưa về địa chí như 2 quyển trên chỉ viết về sự việc chứ không giải thích từ nguyên.

Nhà văn Sơn Nam, một nhà Nam bộ học, trong sách khảo cứu về vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng có nhận xét, đại khái, mấy con rạch từ sông cái chảy vào ruộng thường mang chữ Cái đứng đầu, như Cái Sắn, Cái Bè, Cái Thia, Cái Mơn... Đồng bào miền Nam phát âm không rõ là Cái hay Cải, phải chăng CáiKẻ, như Kẻ Chợ, Kẻ Sặt... Có lẽ nhà văn Sơn Nam đặt nghi vấn như thế, bởi cư dân Nam bộ ngày xưa là  những người có nguồn gốc từ miền Bắc, miền Trung. Tuy nhiên từ Kẻ chỉ địa danh ở miền Bắc như Kẻ Chợ, Kẻ Sặt, Kẻ Mơ, Kẻ Láng... là để chỉ một vùng đất, tên đất, chứ không phải như ở miền Nam thường là để chỉ sông, rạch...

Còn từ Cái hiện nay còn thấy ở miền Bắc và miền Trung? Trong 2 quyển sách có cùng tựa "Sổ Tay Địa Danh Việt Nam" của Đinh Xuân Vịnh (NXB Đại học QG Hà Nội-2002), và Nguyễn Dược-Trung Hải (NXB Giáo Dục-2003). Ở miền Bắc, chữ i chỉ địa danh tìm thấy trong Sông Cái (sông Hồng), Cái Bàn, Cái Bầu, Cái Búa, Cái Lim... những địa danh có từ Cái này chỉ đảo ngoài biển, hoặc như Cái Lân, Cái Rồng, chỉ vịnh biển, cảng... Còn ở miền Trung hay đặt chữ Cái trong tên sông, như Sông Cái ở Bình Định đổ ra vịnh Quy Nhơn. Sông Cái ở Ninh Hòa, Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Sông Cái, phụ lưu của sông Thu Bồn tỉnh Quảng Nam. Sông Cái ở Phú Yên chảy ra vũng Xuân Đài phía Nam Sông Cầu. Sông Cái ở tỉnh Ninh Thuận, và tỉnh Bình Thuận...

Như vậy địa danh có chữ Cái có trong tên sông có nhiều ở miền Trung, nhưng chữ Cái ở đây có lẽ được dùng với ý nghĩa thứ 6 trong bảng giải thích của An Chi bên trên, là một tính từ, có nghĩa là to, lớn, hoặc là chính, cũng có thể với ý nghĩa thứ 4, là Mẹ, sông Mẹ, nhưng có lẽ chữ Mẹ ở đây cũng đồng với nghĩa là Chính... Chữ Cái trong tên sông ở miền Trung không thể dứng một mình, luôn phải có chữ Sông đằng trước "Sông Cái", mới đầy đủ ý nghĩa. Trong khi từ Cái trong địa danh chỉ tên sông, rạch, nhánh sông ở miền Nam trong sách vở , hoặc khi nói, không cần chữ Sông đứng trước, chẳng hạn như Cái Tắc, Cái Lớn, Cái Bé, Cái Tàu Thượng, Cái Tàu Hạ...

Chữ Cái có thể là từ chữ Khmer mà ra không? Ở vào thế kỷ thứ 19, nhà bác học Trương Vĩnh Ký có lập bảng đối chiếu các tên gọi Khmer và Việt Nam, trong đó có một số từ có chữ Cái tương đương với chữ Prêk nghĩa là con rạch trong tiếng Khmer, Chẳng hạn: Cái Cát = Prêk Ksach (Rạch Cát). Cái Cối = Prêk Thbal (Rạch Cối Xay). Cái Chanh = Prêk Kroc (Rạch Chanh). Cái Muối = Prêk Ambil (Rạch Muối). Cái Trầu = Prêk Mlu (Rạch Trầu)... Về ý nghĩa những từ trên giữa tiếng Việt và tiếng Khmer là tương đương, tuy nhiên về phát âm thì giữa chữ CáiPrêk không có nét nào tương đồng...

Trên một vài trang mạng, cũng thấy có người nói chữ "Cái" trong tên sông ở miền Nam là từ cổ của Phù Nam, có nghĩa là sông, rạch, một vương quốc xưa đất đai bao trùm cả miền Nam, đã bị Chân Lạp thôn tính. Không rõ ra sao?. Tuy nhiên như chúng ta đã biết, vương quốc Phù Nam chỉ tồn tại đến thế kỷ thứ 6 thì bị người Khmer (Chân Lạp) xóa sổ, Cư dân Việt chỉ có mặt tại miền Nam sớm nhất khoảng thể kỷ 16, khi các chúa Nguyễn mở mang bờ cõi về phương Nam. Nếu từ Cái là từ cổ của người Phù Nam thì không thể "truyền" trực tiếp sang người Việt, mà phải "chuyển tiếp" từ người Khmer, mà trong ngôn ngữ của người Khmer Nam bộ hoàn toàn không có âm "Cái", hay âm nào na ná có ý nghĩa như thế....


Trong tên Cái Bát, Cái Cạy (Tây Ninh), Bát có nghĩa là "bên mặt, bên phải", Cạy có nghĩa là "bên trái". Cái Bát, Cái Cạy có nghĩa "con rạch ở phía bên phải, bên trái". Tên Cái Lớn, Cái Bé ở Kiên Giang cũng có ý nghĩa như thế, sông lớn và sông bé. Những tên sông rạch khác như Cái Tắc (thực ra là Tắt, một đoạn sông ngắn đi tắt), hoặc Cái Chanh (rạch Chanh), Cái Muối (rạch muối). Chữ Cái đều có nghĩa là sông, rạch.

Trong quyển sách Địa Danh Học Việt Nam của PGS. TS. Lê Trung Hoa (NXB KH-XH, 2011) khi bàn về chữ Cái trong địa danh Nam bộ có nói: Cái là danh từ có nghĩa là sông, rạch, không thể phát xuất từ tiếng Khmer hay tiếng Hán, vì trong hai ngôn ngữ này không có từ hay từ tổ nào có âm na ná mà có nghĩa là sông rạch.. Có lẽ đây là một từ Việt cổ mà đến thế kỷ thứ 19 đã không còn khả năng dùng độc lập, chỉ còn xuất hiện trong từ ghép hoặc từ tổ và trở thành địa danh: Cái Bát, Cái Tắt... Với Cách hiểu Cái là nhánh sông hay con rạch, có thể giải thích được hơn 90 phần trăm số địa danh mang thành tố chung Cái ở Nam bộ.

Một ghi chú khác trong sách này cũng có viết giữa Cái (Cái Bầu, Cái Bàn... tên đảo ở miền Bắc), và Kẻ, Cái (chỉ sông, rạch ở miền Nam), chưa rõ có quan hệ nguồn gốc gì không?

Riêng tôi sau khi xem xét một số sách vở có liên quan, tôi cũng đồng ý về ý nghĩa, chữ Cái trong những tên gọi chỉ sông, rạch ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, như Cái Tắc, Cái Lớn, Cái Bé, Cái Chanh... có nghĩa là sông, rạch. Như chúng ta đã biết cư dân Nam bộ đầu tiên, là những di dân từ miền Bắc và miền Trung vào, và những tên gọi, những địa danh lần hồi do họ đặt, trong những tên có chữ Cái, có lẽ ít nhiều cũng có một sự liên hệ nào đó, ít nhất với những từ Cái chỉ địa danh (trong tên đảo, vũng biển) ở miền Bắc, hay từ Cái (trong tên sông) ở miền Trung...

Còn về từ Vàm, trong những tên gọi Vàm Cống, Vàm Láng... Đại Nam Quấc Âm Tự Vị giải thích Vàm là miệng sông rạch, chỗ vào sông rạch, Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, bản in năm 1997, giải nghĩa Vàm: Ngã ba sông rạch, nơi rạch chảy ra sông hoặc sông con chảy ra sông lớn.


Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

Những cái tên (3).

Ở entry "Những cái tên" kỳ trước, bạn Marguérite, quê ở miền Tây Nam bộ có nói "Rảnh rỗi, bác H tìm hiểu tiếp các địa danh ở miền Tây thử. Hồi trước hay nghe ba mẹ Marg nhắc những cái tên rất hay: Thanh Bình, Hòa An, Tịnh Thới... nhưng cũng có những cái tên khá ngộ: Lấp Vò, Cái Vồn...". Một ý kiến rất hay, tuy nhiên cũng làm tôi... toát mồ hôi hột, bởi lẽ miền Tây Nam bộ là một nơi  chốn tuy tôi cũng đã vài lần ghé qua, nhưng chỉ là đi chơi, du lịch đây đó một vài ngày, những nơi tôi đã đi qua như Mỹ Tho, Đồng Tháp, Cái Bè, Cần Thơ, Sóc Trăng, Rạch Giá, Long Xuyên, Hà Tiên... nhưng gần như tôi không biết gì nhiều về vùng Miệt vườn sông nước, cò bay thẳng cánh đầy thú vị này... Nhưng tôi cũng thử mang hết... khả năng, phi thoàn thử tìm hiểu xem sao...


                                                                   Ảnh Internet.

Như bạn Marg. đã viết có những cái tên rất hay như Thanh Bình, Hòa An, Tịnh Thới... Những cái tên chữ, mang âm Hán Việt như thế chắc hẳn là tên được đặt sau này trên những vùng đất mới Nam bộ, những cái tên được đặt là để mong được như... tên gọi: Thanh Bình, Hòa An, Tịnh Thới... Duy có chữ "Thới" trong Tịnh Thới, tên chữ Hán là "Thái", vì kỵ húy tên của chúa Nguyễn Phúc Thái nên đổi thành "Thới", ở Biên Hòa cũng có núi "Châu Thới"... kiêng kỵ như thế.

Miền Tây Nam bộ là vùng đất xưa của người Khmer, cho nên vẫn còn rất nhiều những địa danh mang âm hưởng của tiếng Khmer, nhà bác học Trương Vĩnh Ký ngày xưa cũng đã tổng kết được cả trăm tên gọi được phiên âm từ tiếng Khmer, và cũng đã có rất nhiều học giả xưa nay đồng ý như thế. Những địa danh sau đây có lẽ từ tiếng Khmer. Chẳng hạn Cần Thơ, được phiên âm từ chữ "Kìntho", tiếng Khmer có nghĩa là "cá sặc rằn", một loại cá có rất nhiều tại vùng đất này. Cần Giờ phiên âm từ "Kanchoeu" (thúng), Cần Giuộc là "Kantuôt" (cây tầm ruột, chùm ruột), Cà Mau là từ  "Srôk Tưk Khmau" (xứ, nước đen), Sa Đéc là Phsar Dek (chợ, sắt)... Và còn rất nhiều địa danh khác được hình thành như thế...

Có một câu ca dao (hay tục ngữ) quen thuộc với người miền Nam "Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh/ Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân" (bảnh, có nghĩa là đẹp, duyên dáng, ưa nhìn...). Gà chọi Cao Lãnh ngày xưa là loại gà chọi có tiếng vùng Nam kỳ Lục Tỉnh, còn Nha Mân là một địa danh thuộc tỉnh Đồng Tháp, nơi nổi tiếng về phụ nữ đẹp. Theo nhiều nhà nghiên cứu, thì địa danh Nha Mân cũng từ tiếng Khmer mà ra, Oknha Mân (ông quan Mân). 

Còn tên gọi Cao Lãnh nghe nói là từ chữ Câu Lãnh. Đây là tên của ông Câu đương Đỗ Công Tường ở thôn Mỹ Trà (tục danh là Lãnh, Câu đương là một chức nhỏ ở thôn quê thời nhà Nguyễn). Năm canh Thìn 1820 nước ta bị một trận dịch tả nặng, vùng Mỹ Trà có nhiều người bị bệnh dịch chết. Bấy giờ người ta cho rằng bịnh là do trời đất phạt. Ông Tường (Lãnh) cùng vợ nguyện chết để cứu dân.  Sau khi hết dịch, người dân cho rằng ông Tường (Lãnh) và vợ đã cứu họ nên lập miếu thờ, gọi là miếu Ông bà chủ chợ. Chợ Vườn Quýt hay Chợ Ông Câu lần hồi được gọi là Chợ Câu Lãnh, bây giờ là Cao Lãnh...

Tên Lấp Vò cũng thế, từ tiếng Khmer Srôk Tak Por, có nghĩa là xứ trét ghe thuyền... Địa danh Cái Vồn là từ chữ Srok Tà Von, nghĩa là xứ Ông Vôn... Một địa danh khác ở miền Tây là Trà Ôn, cũng bắt nguồn từ tiếng Khmer Tà Ôn (Ông Ôn). Ở Đồng Tháp có một địa danh là khu du lịch Xẻo Quýt, Quýt thì chắc là trái quýt rồi, trồng nhiều ở Đồng Tháp, còn Xẻo tiếng miền Nam, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Hùinh Tịnh Paulus Của viết là Xẽo (dấu ngã), giải nghĩa là: đàng nước vằn vằn, ngọn rạch nhỏ như cái cựa gà... 

Ở Đồng Tháp cũng có địa danh tên là Tam Nông, là từ Hán Việt, có sách giải thích đây là cách chia dân làm ruộng ngày xưa làm 3 hạng: Thượng nông, Trung nông, và Hạ nông, xưa chia 3 hạng như thế để đánh thuế... Còn địa danh Đồng Tháp, Đồng Tháp Mười, thì trong Châu bản triều Nguyễn ngày 1 tháng 3 năm Tự Đức thứ 18 (27-3-1865) có đoạn: Lại việc nữa; quan Tây có đến Vĩnh Long nói: tháng chạp qua đảng Thiên Hộ Dương, tên quản Là đã đánh giết bốn người Tây, bắt sống một. Nói lên rằng đã giải đến Vãng Tháp nộp cho Thiên Hộ Dương...". Theo sử sách thì địa danh Vãng Tháp (tháp đã đổ nát) đã có từ trước năm 1865.

Còn theo Công báo Nam kỳ của Pháp đưa tin: "Ngày  17-4-1886, đã chiếm được Tháp Mười". Đây là lần đầu tiên địa danh Tháp Mười xuất hiện. Về từ Tháp Mười, có giả thiết nói là "Tháp 10 tầng", giả thiết khác  cho là "Tháp thứ 10" (có lẽ là tháp xưa của người Khmer). Giả thiết nghiêng về Tháp thứ 10 nhiều hơn, bởi trong kiến trúc xây tháp xưa, người Khmer không xây nhiều tầng như người Việt và người Trung Hoa.

Ở An Giang có địa danh Cù lao Ông Chưởng, Cù lao là phiên âm từ tiếng Mã Lai "pulaw", còn Ông Chưởng là Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh, công thần triều Nguyễn, người có công khai phá vùng đất phương Nam. 

Trong sách vở, nhà văn Sơn Nam khi nói về vùng đất Nam bộ có dùng tên gọi Miệt vườn, Miệt, phương ngữ  Nam bộ, trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị có giải thích là: xứ, miền, một dãy đất. Từ Miệt có nghĩa tương đương với từ Miền, không biết hai từ ngữ này có liên quan gì đến nhau hay không?


Tham khảo:

- Cửa sổ tri thức tập 2, PGS. TS. Lê Trung Hoa, NXB Trẻ, xuất bản năm 2007.
- Địa danh học Việt Nam, PGS. TS. Lê Trung Hoa, NXB Khoa học-Xã hội, xuất bản năm 2011.
- Quốc ngữ hiện đại, Nam Xuyên, NXB Văn Nghệ, xuất bản năm 2009.